BÀI TOÁN CUỐI NĂM.
 


 Thằng Cu Tí ra check hộp thư và chạy vào nhà mừng ríu rít:
-         Có thư Việt Nam bố ơi!
Anh Bông giật mình, nghi ngờ:
-         Con có nhìn lộn không hả?
Thằng Cu Tí hớn hở khoe tài:
- Cái thư màu xanh xanh, có ghi chữ Việt Nam . Con 13 tuổi rồi, con biết đây là chữ Việt Nam mà. Chắc thư của bà ngoại hả bố?
Thôi chết rồi, con anh nói đúng. Anh gắt:
-         Có thế mà con cũng mừng reo lên như trúng số. Đưa thư đây.
Anh uể oải mở lá thư ra đọc, vì kinh nghiệm bấy lâu cho anh biết rằng đọc lá thư từ Việt Nam gởi sang sẽ nặng đầu và nặng lòng lắm, hơn cả người ta vác bao gạo một tạ trên lưng.
Thằng cu Tí vẫn đứng bên cạnh ngong ngóng chờ hóng chuyện, vì nó cũng kinh nghiệm, mỗi lần có thư Việt Nam là có một biến cố gì đó đã xảy ra cho người thân của mẹ nó.
Thấy bố đọc xong không nói gì, nó sốt ruột hỏi:
-         Có phải bà ngoại lại bệnh hay bác Ba phải vào bệnh viện mổ ruột dư nữa không bố?
-         Không phải đâu con ơi…Anh đáp như rên rỉ.
-         Vậy sao mặt bố vẫn buồn thế? Đáng lẽ bố phải mừng vì bà ngoại và bác Ba không bệnh nữa chứ.
-         Nhưng…dì Út của con mới bị giựt hụi, phải cầm cố nhà cửa để trả nợ kia kìa..
-         Nghĩa là hết tiền, là nhà nghèo hở bố?
-         Đúng thế. Tóm lại dì Út đang cần nhà mình giúp đỡ.
Cu Tí ngạc nhiên:
-         Sao bên ngoại xui qúa vậy bố? Thư nào gởi sang cũng có tin buồn, hết bà ngoại mắc bệnh, tới chú, bác, cô dì…
Anh Bông được dịp tuôn trào:
-         Chưa hết đâu con, bên phía họ hàng gần xa cũng “xui” luôn. Bà con của mẹ con ở dưới quê thỉnh thoảng viết thư sang hỏi thăm sức khỏe nhà mình rất nhiệt tình, nhưng phần tái bút mới là quan trọng, không bao giờ họ quên báo cáo tình hình mùa màng, ruộng lúa thì  mất mùa, vườn rau trái bị sâu rầy. Dưới ao thì cá không lớn nổi vì thiếu tiền mua thực phẩm, trên bờ gà vịt bị toi, bị dịch…
Thằng cu Tí lại kêu lên sửng sốt:
-         Sao toàn bộ gia đình, họ hàng bên Việt Nam của mẹ đều xui hết vậy ? Sao họ bất hạnh qúa vậy? Nhưng nhà mình đâu phải hội từ thiện mà họ xin tiền hoài vậy?
Anh Bông lại bực mình gắt:
-         Sao con hỏi nhiều qúa vậy? .
Thấy thằng bé tiu nghỉu, anh chuyển đề tài:
-         Trong thư bà ngoại cũng kêu nhà mình về Việt Nam ăn Tết như năm ngoái đấy.
Cu Tí sáng mắt lên như vừa khám phá ra một kho tàng:
-         Lạ lắm bố ạ, năm ngoái về Việt Nam , con thấy bà ngoại và bác Ba vẫn béo mập, khỏe mạnh, không có ốm đau, nghèo khổ như trong thư họ viết. Nhà nào cũng ăn Tết tưng bừng nhiều món, họ cười nói sung sướng lắm mà bố?
Anh đáp cho xong chuyện:
-         Thì coi như họ mới khỏi bệnh, nên họ ăn Tết và ăn mừng luôn.
Chị Bông vừa đi đâu về, anh đưa lá thư Việt Nam cho vợ. Đọc xong chị chép miệng:
-         Tội nghiệp dì Út qúa, chắc mẹ kêu mình về Việt Nam trước là ăn Tết, sau là an ủi, giúp đỡ dì Út cho đỡ tủi? Anh tính sao?
-         Em trả lời mẹ đi “Xuân này con không về”.
-         Sao nghe quen quen, giống như tên một bản nhạc nào đó vậy anh?
-         Là bản nhạc Duy Khánh thường hát mỗi khi Xuân về, có câu: “ Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm?”. Thà rằng để mẹ buồn, chứ tiền đâu mà về? năm ngoái về rồi, năm nay về nữa thì qua Mỹ bán nhà luôn, trắng tay có ngày.
Chị Bông than thở:
-         Kinh tế khó khăn, làm ảnh hưởng đến mình, vật gía leo thang, đi chợ cứ như bị ai móc túi anh ạ. Tiền xăng, tiền điện nước cũng lên gía.
-         Cả gia đình về Việt Nam hao tốn tiền máy bay, xe cộ đã nhiều, mà tiền biếu tặng, tiêu xài bên Việt Nam càng nhiều hơn. Đi một chuyến như một người vừa trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh, đâu dễ phục hồi ngay được. Em hiểu chưa?
-         Em hiểu rồi, nhưng mẹ em…chưa hiểu. Cũng sắp tới ngày mình gởi qùa Tết cho thân nhân ở Việt Nam rồi, em sẽ giải thích cho mẹ hiểu “Xuân này con không về” đúng như ý anh. À, mà anh ơi, mình có nên tái bút hẹn Xuân sau con sẽ về không? Cho mẹ mừng.
-         Ấy chết, em chớ dại dột hứa ra một điều mà chính mình cũng còn nghi ngờ. Chắc gì năm sau mình sẽ có tiền về Việt Nam ăn Tết hở em?
Chị thở dài:
-         Ước gì mình giàu có như nhà Bill Gates, nhà Hilton, thì tha hồ đi chơi và tiêu xài anh nhỉ?
-         Nhưng con nhỏ Paris Hilton sắp sửa “nghèo” rồi đấy, ông nội cô ta đã tuyên bố sẽ để 97% gia tài cho hội từ thiện mang tên ông cố nội nó, em vừa lòng chưa? Vì mỗi khi nhà mình đi chơi xa, em nhất định không chịu vô khách sạn Hilton dù tiện đường tiện lối, em ghét con nhỏ thừa kế ăn chơi đỏng đảnh Paris Hilton, không muốn góp phần làm giàu thêm cho gia tài nhà nó.
Chị thán phục:
-         Nhiều người Mỹ rộng lượng không ngờ, họ miệt mài làm giàu và cống hiến tài sản cho xã hội, cho người nghèo. Em mà giàu như thế thì chia hết cho con cái, cha mẹ, anh em và dòng họ nội ngoại gần xa không xót một ai, chứ ngu gì cho người dưng.
                                               ***************
Trong số những bản nhạc thời xưa anh Bông chỉ thích hai bản: “ Sầu Đông” và “Xuân này con không về” vì thích hợp với tâm trạng của anh.
Chỉ nghe câu mở đầu của bản nhạc “Sầu Đông” là: “ Chiều nay gío Đông về…” anh đã…ớn lạnh tới xương sống.
 “Gío Đông về…” có nghĩa là những ngày lễ Tết cuối năm cũng đang ùn ùn kéo về, bao nhiêu là món nợ phải trả, bao nhiêu là qùa cáp phải biếu tặng gởi đi.
Cảnh shopping đã là cơn ác mộng, hai vợ chồng anh đã phải chen chân trong mall đông người, vào các hàng đồ chơi, quần áo, giày dép ngắm nghía, lựa chọn, cân nhắc gía cả. Rồi túi lớn túi nhỏ, hộp to hộp bé, tay xách nách mang ra tới bãi đậu xe là tối sầm cả mày mặt, phải ngồi nghỉ vài phút anh mới tỉnh người để lái xe về nhà an toàn.
“Gío Đông về…” có nghĩa là tiền thuế nhà, bảo hiểm nhà, và bảo hiểm xe cộ cũng về theo. Xong phần “giao lưu” với xã hội bên ngoài, tới phần họ hàng, con cháu trong nhà, viết thiệp và gởi qùa Giáng Sinh  rụng rời cả tay và xót cả ruột gan.
Ông bưu điện năm nào cũng lỗ vài tỉ, lên gía tem hoài mà chẳng cứu vãn được tình thế, bởi quanh năm ế ẩm vì cell phone và email là những phương tiện liên lạc nhanh nhất, thuận tiện nhất, nhân dịp cuối năm mới được tận dụng nghề nghiệp, bận rộn nối nhịp cầu cho thiên hạ.
Phe gia đình anh Bông đều ở Mỹ, mỗi người ở một phương trời nên qùa gởi qua gởi lại như trò chơi rượt đuổi nhau, nhộn nhịp đến chóng cả mặt.
Ngay cả khi anh Bông nhận được gói qùa mà chính anh đã đóng gói và gởi cho đứa cháu nào đó, vòng vo tam quốc thế nào nó lại lù lù quay về nhà anh, dĩ nhiên với tên của một người gởi khác, mà anh cũng không hề hay biết, nếu không có thằng cu Tí đã phát hiện ra và mừng rỡ kêu lên.:
Bao nhiêu đứa cháu là bấy nhiêu gói qùa, và con anh cũng nhận lại bấy nhiêu lần. Chỉ tổ làm giàu cho các hãng sản xuất và những chủ tiệm.
Còn phải kể đến phần qùa biếu cho bạn bè thân, những người ân nghĩa. Tiền trong bank thì có hạn mà tình nghĩa thì không kể xiết và không thể lãng quên ai.
Sau “cú trời giáng” lễ Giáng Sinh và Tết Tây, anh Bông chưa kịp hoàn hồn thì tới Tết  ta Việt Nam . Lần này là phe bên vợ, nhẹ nhàng êm ái mà thiệt hại sâu xa.
Những lá thư lẻ tẻ trong năm vẫn đều đều từ Việt Nam gởi sang, hết mẹ vợ, anh chị em vợ, tới họ hàng gần xa bên vợ. Họ truyền nhau địa chỉ nhà anh như truyền một bửu bối, một kho tàng, chỉ cần gõ cửa như trong chuyện cổ tích thần thoại với câu thần chú: “Vừng ơi mở cửa” là cánh cửa sẽ mở ra, không ít thì nhiều họ cũng có qùa.
Mấy người bạn của anh Bông cũng tương tự như anh, họ than thở:
-         Nhà mình cứ như là trung tâm tiếp nhận những đau thương mất mát bên Việt Nam, chưa khi nào mình nhận thư mà họ hí hởn khoe nhà tôi đang ăn nên làm ra, giàu tiền lắm bạc, ..tôi chỉ viết thư này thăm hỏi sức khỏe anh chị, miễn gởi qùa, gởi tiền cho tôi nhé.
-         Ai bảo mấy ông bà Việt kiều về Việt Nam nổ tung trời như car bomb nổ ở Iraq, họ xài tiền thả giàn, khoe tài sản và công ăn việc làm ở Mỹ, những điều mà không ai kiểm chứng nổi.
-         Lại có Việt Kiều xưa ở Việt Nam chẳng mấy tử tế với ai, bây giờ trở về bỗng nhiên thay đổi tính nết, nói toàn chuyện phước thiện, thương người, thì ai chả náo nức xúm vào Việt Kiều để xin chút tình nhân ái đó, họ đâu biết rằng nhiều Việt kiều cũng đang hưởng lòng nhân ái của nước chủ nhà, trợ cấp nhà cửa, thuốc men, tiền bạc…
Chỉ còn một tháng nữa là Tết Việt Nam , vợ chồng anh Bông cùng ngồi tổng kết danh sách thân nhân từ gần tới xa để gởi qùa. Chủ yếu chị Bông gởi qùa cho mẹ và các anh chị em ruột, bà con họ hàng thì mỗi hộ một món tiền nhỏ gọi là chung vui ba ngày tết, đôi khi có vài gia đình họ hàng xa lơ xa lắc, qúa tầm tay với, nhưng nghe hoàn cảnh qúa nghèo khổ, chị cho họ ít tiền cứu .. đói. Thế là từ đó, mỗi năm khi “Chiều nay gío Đông về…” anh chị lại nhận được thư họ gởi sang thăm hỏi, như để nhắc nhở anh chị rằng: “Tôi vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, Tết đến xin đừng quên tôi nghe”.
Chẳng lẽ họ nghèo đến thế, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đã “hi sinh” tốn mấy chục ngàn đồng tem thư để thăm hỏi mình, mà anh chị không có gì cho họ coi sao được?
Và cứ thế, món nợ ân tình vẫn tiếp tục, không biết bao giờ mới dứt điểm?
Anh chị Bông làm đủ kiểu toán, hết cộng trừ, tới nhân chia, thêm đầu này, bớt đầu kia, sao cho tương xứng với hoàn cảnh từng người và hợp lý với túi tiền của anh chị. Dì Út mới bị giựt hụi nên đứng đầu danh sách ưu tiên. Nhìn một dãy dài danh sách tên họ thân nhân bên nhà vợ, anh Bông muốn nổ con ngươi, nhưng anh đâu dám cằn nhằn, vì danh sách phe nhà anh ở Mỹ trong dịp Giáng Sinh và New Year vừa qua cũng đâu có ít ỏi gì.
Cơn “Sầu Đông” đã qua, những ngày tết Việt Nam đang đến, vợ chồng anh quay cuồng vì lễ Tết, rồi khi trở lại với nhịp sống bình thường hàng ngày hai vợ chồng lại ky cóp tiền vô bank để cuốn sổ đời lại mở ra tính tóan mỗi dịp cuối năm và Tết đến.
                                 Nguyễn Thị Thanh Dương
 
CÂY GIÁNG SINH KỲ DIỆU.
 
 
 
Anh Bông lái xe đến nhà chị Ann ở cùng một khu phố, cùng một con đường, để đón con gái Tabi. Buổi chiều nay trời âm u và gI mang hơi lạnh của mùa Đông đang tới gần.
Kể từ hôm “Black Friday” sau lễ Thanksgiving là đã thấy cảnh nhộn nhịp mua sắm trên đường phố, trong các khu shopping tưng bừng hẳn lên.
 Hôm “ Black Friday” anh chị Bông cũng dậy sớm và “bon chen” mua được khá nhiều món hàng rẻ. Đứng xếp hàng trong gió lạnh của buổi sáng sớm, nhiều người quấn mình trong áo ấm, khăn quàng cổ dày, đầu trùm mũ len mà vẫn sụt sùi sổ mũi, ho sù sụ. Họ kiên nhẫn đợi chờ và nhích từng bước một chờ tới lượt mình. Cũng may  không ai bị đè bẹp hay thương tích gì cả.  Nhiều người quanh năm suốt tháng ăn xài hoang tàn, tiêu pha không tính tóan, vậy mà cuối năm, nhân ngày “Black Friday” cũng thức khuya dậy sớm, đến cửa hàng chầu chực khổ cả thân hòng mua được một vài món hàng rẻ.
Anh Bông vừa bấm chuông cửa là thấy Tabi đã sẵn sàng, cặp sách quàng trên vai.
Chủ nhà thuộc loại nhiệt tình hiếm có, chị Ann tay dắt hai con chó để nó khỏi xông vào cắn anh Bông, vậy mà chúng vẫn hăng máu nhoài người ra làm căng cả sợi dây như muốn nhẩy bổ vào “ăn tươi nuốt sống” anh, và thằng Jack, cùng ra cửa đứng bên cạnh mẹ  tiễn chân khách. Chồng chị Ann đi làm chưa về, nếu không, sẽ thêm cả người chồng đứng ở khung cửa để cả nhà đồng thanh nói:
-         Chào tạm biệt Tabi. Hẹn mai gặp.
Người ta tiễn đưa nồng hậu, thiết tha như thế, nhưng Tabi chớ hề quay đầu lại đáp lễ . Ngày nào cũng thế, anh Bông phải làm công việc xã giao tối thiểu ấy cho nó, anh giơ tay vẫy:
-         Chào tạm biệt cả nhà.
Khi cả nhà chị Ann lùi vào sau cánh cửa đã khép, bố con anh Bông mới lên xe về nhà.
Chẳng biết nên gọi chị Ann là baby sit hay là cô giáo dạy đàn Piano cho Tabi? Hoàn cảnh nhà anh chị Bông thật là oái ăm, ngôi trường Tiểu học của Tabi gần ngay nhà, chỉ cách một nửa block đường, nhưng hai vợ chồng đều không thể đưa đón Tabi đi học được, giờ đi làm của hai vợ chồng đều sớm hơn giờ đến trường của con, và giờ tan trường lại sớm hơn giờ về nhà của anh chị Bông. Thế là phải gởi Tabi vào daycare, để họ đưa đón đến trường, khi anh Bông vừa mang Tabi tới là lúc lũ trẻ sắp sửa lên school bus. Chiều Tabi về daycare được chừng nửa tiếng là có bố đến đón. Vậy mà khơi khơi mất mỗi tuần $100 làm chị Bông tiếc tiền xót xa.
Một hôm chị Bông nghỉ làm ở nhà, chính chị đưa Tabi đến trường. Ở khu phố này có vài bà nội trợ không đi làm, nên hàng ngày dẫn con đi học. Chị sẽ để ý xem có thể nhờ vả hàng xóm đưa đón Tabi thì chi phí sẽ rẻ hơn ở daycare.
Chị Bông đã làm quen được với chị Ann, là một phụ nữ thân thiện nên chị Ann đã vui vẻ nhận lời đưa đón Tabi cùng với con trai chị, ngẫu nhiên thằng Jack lại học cùng lớp với Tabi nên hai bà mẹ càng tin tưởng và thân thiện nhau hơn. Chị Ann trước kia là cô giáo dạy đàn Piano, nay chị ở nhà trông con và chỉ dạy part time cho vài học trò tại nhà. Chị Ann đề nghị cho Tabi ở lại nhà chị thêm một giờ để chị dạy đàn, rồi hãy đến đón về, có như thế chị mới dám nhận tiền công baby sit mà chị lấy phải chăng là $50 một tuần. Anh chị Bông đồng ý ngay vì con mình vừa được người đưa đón vừa được học piano, thật là tiện lợi đôi đàng.
Cho nên được chị Ann nhận lời, anh chị Bông rất hài lòng, nhưng Tabi thì không, con bé khó tính khó nết và chảnh như một bà gìa dở hơi. Nó chê hai con chó nhà chị Ann không biết điều, đã xấu xí mà còn dữ dằn. Mỗi ngày Tabi đến là chúng nhảy bổ ra sủa inh ỏi làm Tabi hết hồn, nếu mà không sợ chó cắn thì Tabi đã đá hai con chó thật đau, cho đỡ tức. Rồi Tabi chê thằng Jack, trình độ thấp hơn nó, đọc truyện không hiểu phải hỏi Tabi giải nghĩa thêm. Ở trong lớp, cô giáo lại vô tình xắp xếp cho Tabi và Jack ngồi gần nhau làm Tabi ngao ngán. Nó hậm hực tuyên bố:
-         Bố mẹ có biết không? Con phát bệnh vì thằng Jack ngu ngốc làm phiền con từ trong lớp học cho đến khi về nhà nó đấy.
Đó là những lý do làm Tabi bất mãn, mới đến nhà chị Ann được một tuần mà ngày nào cũng như ngày ấy, mặt Tabi lãnh đạm, khó đăm đăm, thậm chí mỗi khi bố đến đón về, Tabi  bướng bỉnh không thèm quay đầu lại đáp lễ lấy một câu khi cả nhà và chó cùng ra tận ngưỡng cửa hớn hở chào tạm biệt Tabi như ngày hôm nay.
Về tới nhà, anh Bông phàn nàn với vợ:
-         Cả nhà chị Ann thật là tử tế, nhưng Tabi vẫn không thèm cảm động, nhất định không mở miệng chào khi ra về em ạ.
Chị Bông không vui, quay ra nhìn con:
-         Kìa Tabi, sao con lại làm thế? Như vậy là không lịch sự chút nào.
-         Nhưng con không thích họ.
Rồi Tabi cởi cặp sách và đi về phòng thay quần áo. Chị Bông vừa làm cơm vừa suy nghĩ không biết cách nào làm cho Tabi thay đổi thái độ với nhà chị Ann? Chẳng lẽ chị lại kiếm một bà hàng xóm khác? Đâu có dễ kiếm một người hiền và tốt như chị Ann? Ở khu phố này có những nhóm trẻ vẫn rủ nhau đi học, không cần người lớn giám sát. Chúng tổ chức thành một nhóm, đứa lớn trông đứa bé, đi cả đàn bảo vệ lẫn nhau. Nhưng anh chị Bông không dám để Tabi đi kiểu đó, dù sẽ tiết kiệm được tiền, vì để một con bé có cá tính ngang bướng mới hơn 6 tuổi đi về một mình, không có người lớn chăm sóc là một chuyện phiêu lưu đầy bất trắc, dù khu phố này nổi tiếng là an ninh tốt, hàng xóm tốt.
Chị Bông nhớ năm ngoái hai vợ chồng về chơi Việt Nam, thăm lại xóm cũ có gia đình anh chị Tạ, chồng làm nghề đạp xe ba gác, vợ bán hủ tíu bình dân nơi đầu hẻm. Họ có 10 đứa con, cả ngày bố mẹ quần quật lo làm việc kiếm tiền thì giờ đâu mà trông lo lũ con. Chúng tự túc tự cường, đứa lớn đi học, đứa nhỏ chơi quanh xóm. Hàng xóm vẫn thường nói đùa rằng con anh chị Tạ chơi rải rác trong xóm, đi chỗ nào cũng gặp, vợ chồng họ chưa bao giờ thắc mắc lo âu đàn con bị đi lạc hay bị bắt cóc, cứ chiều tối, anh chị Tạ khỏi cần mất công thu gom, chúng cũng tự động về nhà đầy đủ, ồn ào như đàn vịt về chuồng.
Ở Mỹ mà có 10 đứa con như thế thì tiền baby sit chắc là sạt nghiệp! Hoặc nếu bà mẹ ở nhà trông con cũng đủ điên đầu.
Anh Bông vẫn chưa hết áy náy:
-         Tabi làm anh mắc cở với nhà chị Ann quá, không lẽ ngày nào anh cũng phải chào giùm cho nó sao? Em hãy dạy nó đi.
-         Con này bướng bỉnh và ngang ngược lắm, để em…năn nỉ nó xem sao?
Chị Bông chợt nhớ ra:
-         À, hôm mình dẫn nó đi mall, đến cái “Wishing well” Tabi đã thảy đồng tiền vào cái giếng ước nguyện để ước trở thành công chúa hả anh?
-         Thì sao?
-         Tabi là đứa hay ước mơ. Em sẽ đánh đổi ước mơ của nó lấy bài học lịch sự ở đời, mình sẽ chơi trò tâm lý anh ạ…
-         Phải đấy, đơn giản thế mà không nghĩ ra..
-         Cuối tuần này mình sẽ dựng cây Giáng Sinh. Chỉ còn 3 tuần nữa là Giáng Sinh rồi. Đó sẽ là một cây Giáng Sinh kỳ diệu của Tabi.
Anh Bông bâng khuâng nhìn ra bầu trời ngoài khung cửa bếp:
-         Năm nay gió lạnh đến sớm quá, vừa vui vừa lo, vui vì trong cơn gío chuyển mùa có ngày lễ Giáng Sinh đang đến gần và lo vì sẽ tốn tiền mua quà tặng cho con cháu, họ hàng và bè bạn…Cũng may mà anh và em chưa bao giờ bị lay off vào cuối năm, cứ nhìn những kẻ thất nghiệp trong thời điểm này mà anh ái ngại như chính mình gặp cảnh khó khăn vậy.
Chị Bông gạt đi:
- Thôi anh đừng lo vớ vẩn. Biết đâu thất nghiệp vào dịp lễ cũng tốt đấy, lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp rồi tha hồ hưởng lễ, ăn chơi và chờ thời.
Tabi thay quần áo xong, nó ôm theo một cuốn sách để đọc. Từ ngày đi học, bì bõm biết đọc nó ham mê đọc sách mà không cần nhờ mẹ đọc giùm như trước nữa.
-         Mẹ ơi, bao giờ nhà mình sẽ có cây Giáng Sinh như trong cuốn truyện tranh này?
-         Cuối tuần này. Con có thích không?
-         Ôi, thật là tuyệt vời. Đó là điều con đang chờ đợi.
                                   **************
Cuối tuần cả nhà anh Bông đi sắm đồ cho lễ Giáng Sinh. Họ mua một cây thông tươi và những thứ trang hoàng cho cây Giáng Sinh. Cây thông tươi vừa rẻ vừa gọn, xong mùa lễ chỉ việc đem đổ rác. Nhà bề bộn mà vui vẻ tíu tít, anh Bông đặt cây thông ở góc phòng khách, các món hàng phụ tùng tung toé xung quanh, Tabi hớn hở đưa bố những sợi dây kim tuyến lấp lánh bạc và những qủa cầu đủ màu đỏ, xanh, vàng, óng ánh để treo lên cây thông. Thằng Cu Tí 2 tuổi chẳng biết gì cũng xôn xao theo, hết sờ món này đến nghịch món kia. Tabi dặn dò em:
-         Cu Tí đừng nghịch cây Giáng Sinh nhé, chị đánh đòn đấy.
Thằng Cu Tí gật đầu, nhưng không có gì bảo đảm nó sẽ không nghịch ngợm, tháo gỡ những món trang hòang hay bứt lá cây thông xanh cả. Tabi hỏi bố:
-         Chúng ta có đốt lò sưởi trong đêm Giáng Sinh như trong phim truyện không? Con sẽ ngồi  bên cạnh cây Giáng Sinh này suốt đêm để nhìn lửa cháy trong lò sưởi và đợi ông gìa Nô En đến từ ống khói xuống cho quà, bố nhé?
Anh Bông biết Tabi thích thì nói thế, chứ đêm Giáng Sinh nào nó chẳng ngủ thẳng cẳng cho đến sáng.
-         Con phải ngủ trong đêm Giáng Sinh chứ, vì ông gìa Nô En chỉ đến cho qùa khi trẻ đang ngủ say mà thôi.
Chị Bông đến bên Tabi, vuốt ve mái tóc dày óng ả của nó:
-         Con đang mơ ước một món qùa Giáng Sinh phải không? Nhưng ông gìa Nô En chỉ cho qùa những đứa trẻ ngoan ngõan biết vâng lời cha mẹ, biết lễ phép với mọi người. Thí dụ con phải chào nhà Ann khi ra về, con phải thân thiện với Jack vì là bạn cùng lớp. Ông sẽ để món qùa dưới gốc cây Giáng Sinh này.
-         Thế con có phải tử tế với hai con chó nhà Ann không hở mẹ?
-         À quên, cả với hai con chó nữa, vài ngày đầu nó còn lạ nên sủa con, mai mốt nó sẽ vẫy đuôi mừng rỡ mỗi khi con đến nhà đấy. Vậy con đừng ghét hai con chó nữa nhé.
Tabi cắn móng tay suy nghĩ :
-         OK, con sẽ thương hai con chó, nói tóm lại là thương cả nhà Ann luôn.
Từ hôm dựng xong cây Giáng Sinh, Tabi mong mỏi từng ngày lễ đến, để cái đêm kỳ diệu ấy nó sẽ nhận được món qùa mơ ước từ ông gìa Nô En. Chị Bông biết Tabi đang mơ có một cái váy dài màu hồng như cô công chúa trong chuyện cổ tích hay mặc, những cái váy năm trước đã cũ hay đã ngắn nên con bé đang mơ cái váy mới. Giáng Sinh năm nào vợ chồng chị Bông cũng có những món qùa bí mật mua về để dưới gốc cây thông khi Tabi đang say ngủ, để sáng mai thức dậy con bé sung sướng tưởng qùa tặng của ông gìa Nô En đêm qua mang đến theo ước mơ của nó.
Tabi xôn xao hỏi mẹ:
-         Mẹ ơi, nếu con là công chúa con sẽ cưới hoàng tử phải không? Nhà hoàng tử ở đâu hở mẹ?
Ôi, kiếm đâu ra hoàng tử giữa đời thường cho Tabi? Hoàng tử ngoài đời khác với hoàng tử trong cổ tích, đẹp trai đấy, hào hoa phong nhã đấy, nhưng không phải ai cũng thánh thiện, chỉ yêu thương một mình công chúa đâu, mà ăn chơi bạt mạng, đổi tình như đổi áo. Hơn nữa hoàng tử ngoài đời đâu còn là bao, thời buổi này chỉ còn vài quốc gia theo chế độ ông hòang bà chúa mà thôi.
-         Mai mốt khi Tabi khôn lớn, sẽ có một hòang tử đến với con. Ai cũng có một hoàng tử của lòng mình con ạ.
Rồi chị nói thêm:
-         Nhưng con phải luôn luôn là một nàng công chúa hiền ngoan, đối xử tử tế với mọi người xung quanh nhé?
Tabi nhìn mẹ bằng đôi mắt long lanh thay cho lời hứa hẹn.
Chiều thứ Hai, anh Bông đến nhà chị Ann đón Tabi. Hôm nay thì con bé chưa sẵn sàng để về nhà như mọi ngày. Nó đang cùng thằng Jack ngồi bên cây Giáng Sinh, chắc nhà chị Ann cũng vừa dựng xong hôm cuối tuần, hai đứa đang đọc chung một cuốn truyện. Khi chị Ann  mở cửa cho anh Bông vào nhà  hai con chó chạy ra vẫy đuôi mừng, chắc chúng đã quen mặt anh và Tabi rồi
Chị Ann vui vẻ nói:
-         Tabi khoe cây Giáng Sinh nhà nó và thằng Jack khoe cây Giáng Sinh này. Hình như cây Giáng Sinh đã làm cho hai đứa thân thiện với nhau hơn. Chúng ngồi đọc truyện và hai con chó ngồi bên cứ như là bốn đứa bạn thân ấy.
Tabi đến bên bố:
-         Jack nói rằng hôm qua nó đã theo bố mẹ xuống downtown coi cây Giáng Sinh khổng lồ ngoài trời được đem đến từ thành phố Chicago , đẹp lắm bố ơi.
-         Đúng rồi, tuần sau bố sẽ chở con và Cu Tí đi coi cây Giáng Sinh khổng lồ ấy và dạo phố luôn. Thôi, con lấy cặp sách rồi ra về.
Tabi hẹn với Jack:
-  Mai chúng mình đọc tiếp truyện này nữa nghe.
Tabi đeo cặp sách lên lưng. Như thường lệ chị Ann, thằng Jack và hai con chó theo nhau ra tới cửa, lần này chị Ann không phải nắm dây xích hai con chó nữa. Tabi dừng chân nhìn mọi người và mỉm cười tươi tắn:
-         Chào mọi người. Hẹn ngày mai nhé.
Lần đầu tiên nhà Ann được Tabi chào trước một cách thân thiện và tử tế. Hai mẹ con cùng vui vẻ :
-         Chào Tabi. Hẹn ngày mai gặp lại.
Ngồi lên xe cùng với bố con bé lý luận:
-         Dù con thích đi downtown để ngắm cây Giáng Sinh khổng lồ và phố xá trong mùa lễ Giáng Sinh, nhưng con vẫn thích cây Giáng Sinh nhà mình hơn, ở đó sẽ có món qùa của ông gìa Nô En  mang  tặng cho con.
Anh Bông hài lòng nhìn con bé:
- Bố cũng thích cây Giáng Sinh nhà mình. Cây Giáng Sinh kỳ diệu đã làm Tabi của bố trở thành một cô bé ngoan ngoãn và dễ thương.
                                       Nguyễn thị Thanh Dương