NGUYỄN THỊ MINH TRANG


TỪ OSAKA  ĐẾN SEOUL .
 
 
                       
Khi còn bé, cạnh nhà tôi có một gia đình bác Tư, ba đứa con của bác học hành đỗ đạt.
 
Tôi nhớ hoài đến chị Kim Sa khi chị đi tu nghiệp từ Nhật Bản trở về, thỉnh thoảng bạn bè của chị từ Nhật đã gửi nào là quà cáp, thư từ. Nhìn chiếc dù mỹ thuật, nhìn lá thư trình bày thẩm mỹ, cô búp bê Nhật mặc Kimono vấn tóc che dù…vv…vv…Tôi thầm ước giá mà mình cũng được đi sang xứ phù tang một lần cho thỏa nhìn tận mắt, nghe tận tai những văn hóa đẹp tuyệt vời, xứ sở đầy nghệ thuật kia.
 
Trời hình như cũng chìu lòng người, tháng ba năm 2016 chúng tôi nhận hai vé máy bay quà tặng của các con và vợ chồng cô con gái út cùng đi du lịch sang Nhật và Đại Hàn trong hai tuần lễ.
 
Chiếc Airbus A380-600 đã mang chúng tôi sang Đại Hàn vào một chiều tháng ba.  Lần đầu chúng tôi đi bằng vé Business, có giường ngủ và được tiếp đãi vô cùng nồng hậu nên chuyến bay dài không lấy gì vất vả cho lắm.
 
Đến phi trường Seoul Incheon vợ chồng cô út đã chờ sẵn và từ đây lấy xe lửa đến phi trường nhỏ hơn Gimpo INTL Seoul để lấy máy bay khác đi
sang Osaka.
 
 
Chỉ hai giờ bay thật ngắn chúng tôi đã đến Kansai - Osaka, cả bọn hối hả đi lấy nhà, tắm sơ qua rồi đi …ngắm hoa anh đào.
 
Chúng tôi háo hức đi vào công viên Osaka Castle Park nơi đang có 3000  cây anh đào đang nở rộ. Trời hơi mưa, những giọt mưa rơi nho nhỏ không làm ướt người đi mà làm cho không gian thời gian như trộn lẫn mơ và thực. Hoa nở rộ đẹp vô ngần, màu sắc từ hồng nhạt, đậm, đỏ, rồi đỏ rực như hoa lựu, người bản xứ cũng như khách nhàn du không ngớt chen chân.
 
Dọc theo con sông Osaka rộng dài trãi suốt hàng ngàn cây anh đào thơ mộng, hoa nở kín những thân cây từ thân anh đào già trăm năm lẫn những cây anh đào non vài ba năm tuổi.  Từ thân, từ cành cao tới ngọn, người ta chỉ nhìn thấy hoa là hoa.  Thoang thoảng trong cơn gió nhẹ mùi thơm từ những cánh anh đào phảng phất nghe dịu êm và ngơ ngần người xem.
 
 
 

 
Con sông Osaka chia thành hai nhánh, Bên kia sông tàu bè tối tân to rộng chạy lướt sóng, nhìn lên trên là viện bảo tàng Osaka Castle to lớn đứng sừng sững với bốn phía tháp vàng lộng lẫy bao quanh, cũng từ bốn cửa đông tây nam bắc này chúng ta sẽ thấy toàn thành phố Osaka to lớn vĩ đại này.  Và con sông phía ngược lại thì hoàn toàn như tranh thủy mạc…ở đó chỉ thấy những chiếc thuyền con con màu vàng cam thanh nhã, gã chèo đò hình như chỉ muốn quẩy nhẹ thanh chèo , khách đi đò hình như cũng không hề hối hả vội vàng chỉ nhìn thấy làn nước gợn sóng li ti và con đò chuyển động  không nghe một chút âm thanh.
 
 
Chỗ nào nơi nào hình như cũng có bóng dáng những cây hoa anh đào đang nở.  Chúng tôi cứ đi và mãi mê theo dấu anh đào, tâm tư không còn vướng bận một chút bụi trần gian. Con đường xa tít hàng cây hoa nở kín, vài ba cánh hoa rơi nhè nhẹ trong gió mùa …kéo chân chúng tôi đi mãi tận đến chân cầu.  Cổng vào viện bảo tàng Osaka Castle Museum to lộng lẫy, vàng dát toàn thành, thân và bốn phía ngày xưa vị sứ quân nào đã ở đây và ngày nay cho người đời sau chiêm ngưỡng.
 
Nền tân tiến ở Nhật đã vượt xa quá nhiều quốc gia Âu Á trên thế giới.  Đi đến đâu cũng thật đẹp và tiện nghi.
 
Trong lâu đài, người ta được xem toàn thời dựng nước và giữ nước ở đây bằng những bản văn khắc lại, những tuồng tích của thời lập quốc, cảnh chiến tranh của những sứ quân, văn hoá, tập tục, quần áo thời trang nổi tiếng Kimono….vv…vv…đều được trình chiếu ở những màn ảnh trong lâu đài.
 
Trời đã về chiều, hàng đèn pha được dựng dưới từng gốc cây hoa anh đào mở sáng, hoa lung linh, lấp lánh trong màn đêm. Người ta vẫn còn đông đảo đi dưới hàng cây, nhìn ngắm chụp hình không ngớt.
 
 
Từ giả công viên sau mấy giờ thưởng ngoạn, chúng tôi trở về và được thưởng thức món mỳ Nhật ngon lành, quán lịch thiệp, món ăn ngon, cũng kể thêm bên lề khi cầm thực đơn xem đi xem lại toàn chữ Nhật, cô hầu bàn trẻ trung dễ thương gọi cô thứ hai ra giải thích món ăn với vài ba tiếng Anh, con rễ Eric đưa chiếc điện thoại di động ra dấu cô nói tiếng Nhật vào, tuyệt vời  thay món ăn đã được nhanh chóng giải thích bằng tiếng Anh và nhờ đó chúng tôi đã có món ăn chiều thiệt ngon…Ăn xong, từ giả quán, người bồi trịnh trọng chào từ biệt khách và các bạn nhớ cho không trả thêm tiền boa nơi xứ anh đào. Đó là một điều tối kỵ nơi đây.
 
Một ngày qua.
 
Hôm nay chúng tôi sẽ đi đến Tsurimiryokuchi Expo ´90 Commemoratire Park nơi có những 5 ngàn cây anh đào đang nở rộ và như mời mọc  những kẻ thưởng ngoạn đang háo hức đi tìm, cũng chính nơi đây năm 1990 đã tổ chức hội chợ thế giới Osaka.
 
Không chỉ là hoa anh đào đẹp tuyệt vời mà khi chúng tôi vào siêu thị khu bán sẵn những thức ăn mang theo thì người ta cũng quá là ngẩn ngơ.
 
Xem này gian hàng Sushi, người ta đã trang trí thật bắt mắt với cá tôm mực đến rau cải hay trái cây, màu sắc thật hòa hợp đến không ngờ, xem ra chúng ta đang thưởng thức những bức trang đẹp trang nhã thì đúng hơn. Chỉ một hộp xôi, tôi đứng nhìn không suy nghỉ chỉ tay xin mua một hộp, ta nhìn thấy ở đó ba khung vuông một xôi nấu với hoa anh đào tím hồng nhạt, hộp thứ hai xôi với hạt dẻ màu vàng thanh cảnh, hộp thứ ba xôi đậu đỏ và ba khung xôi đã được ép nhẹ như chiếc bánh ngon lành, nhìn sang ba khung đối diện một món đậu hủ rau cải xào , một món cá kho và món ăn tráng miệng bánh dẻo với trà xanh, với nhân đậu và nhân hoa anh đào thật đẹp mắt.
 
Sang quầy khác, chúng tôi lựa ba hộp Sushi. Ôi ! Thiệt là ngon.
 
Hộp với đồ biển, hộp với đậu hủ chiên nhồi cơm với trứng, hộp với những con cá con con kho đậm nước màu và cá tôm lẫn trứng hình như cứ  bay nhảy trên lưng con ngựa trắng. Nhìn món nào tôi cũng muốn mở hộp ra ăn liền tại chỗ thật đẹp và ngon mắt làm sao.
 
Mùa hoa anh đào nở thông thường cứ vào tháng tư, năm nay chúng tôi quá là may mắn, khi đến đây hoa đang mùa nở rộ.  Người nơi nơi kéo về không chỉ là du lịch mà còn là dân bản xứ từ các nơi, tất cả mang theo thức ăn làm sẵn hay mua từ siêu thị như chúng tôi, đến đó trãi khăn ngồi dưới những gốc anh đào rồi uống trà hay rượu Sak , ăn uống hàn huyên vui đùa, công viên to lớn, rộng rãi thoáng mát.  Ngồi nhìn sang bên kia con sông nhỏ, những căn nhà xưa dành nơi uống trà của các văn nhân thi sĩ mái cong cong rũ những cây liễu xanh rì, hàng thông uốn khúc ngoạn mục,  những cây anh đào trộn lẫn với cây hoa mận màu trắng, dưới nước lượn lờ những con cá Koi.  Gió im lìm không lay động nên tất cả hình ảnh nên thơ kia phản chiếu như gương xuống mặt hồ…
 
Ôi đẹp làm sao !
 
 
Ăn uống xong, chúng tôi dọn dẹp lại gọn gàng, túi rác giờ cũng được gói  lại và cố ý nhìn quanh xem thùng rác ở đâu ?
 
Không có một thùng rác nào quanh công viên !  Và những người đi thưởng ngoạn như chúng tôi cũng  tay trong tay …một túi rác đầy.
 
Họ cũng cầm túi rác theo  và tiếp tục đi dạo.
 
Chúng tôi đi theo mũi tên chỉ dẫn và cứ đi mê mệt không chút suy nghĩ nào ngoài những cánh hoa anh đào kia.
 
Hoa thật đẹp, cội anh đào già, cội cây con, những gốc đã hơn trăm năm đã được chăm sóc gọn gàng hoa cứ thi nhau nở, từ gốc lên ngọn, từ ngọn ra cành, chỗ nào cũng hoa là hoa. Đặc biệt là những cây anh đào ghép hai màu rồi ba bốn màu rất tinh tế. Hình như chúng tôi đang bị một nhà ảo thuật vô hình nào bắt hồn rồi các bạn ạ.
 
Cứ đi và cứ đi, hàng anh đào dài ba bốn năm cây số càng lúc cành thu ngắn lại, hóa ra chúng tôi đã đi hết cả đoạn đường dài mà không hề hay biết gì.
 
Đi qua một ngọn đồi cao, năm 1990 hội chợ Osaka tổ chức nơi này, những nước tham dự nay còn để lại những khuôn viên hoa cảnh khá đẹp, chúng tôi nhìn được khu vườn của những nước như Bỉ, Hòa Lan, Đại Hàn, Thụy Sĩ…vv…vv.
 
Xế chiều, kéo nhau trở về, đang đi tôi chợt dừng lại.  Chiếc nắp ống cống đang được vẽ như một tấm tranh !  Với màu sắc sặc sỡ  in năm tổ chức hội chợ  mà lần nào đó báo chí Đức không hết lời ngợi khen một nước Nhật với ngàn đôi mắt nghệ thuật  bây giờ tận mắt nhìn thật hay thật  ý nghĩa và đầy trang nhã.
 
 

Cổng ra đây rồi, thấy người ta ùn ùn kéo sang bên góc  phải, thì ra  rác được bỏ nơi đây.  Tôi chỉ một lời thật là khâm phục  cho người dân Nhật .
 
Mỗi ngày con rễ Eric lại dành ít thời gian xem trong Internet nơi nào có thắng cảnh đẹp đáng đi xem , nơi nào ghé ăn ngon và nơi nào có những gì đặc biệt đáng ghé và giờ chúng tôi sẽ đến tiệm mỳ nổi tiếng của thành phố Osaka này ăn thử xem sao.
 
Trời ơi !
 
Người những người đã xếp hàng dài như rồng như rắn để chờ vào ăn một tô mỳ.
Cô nhân viên người Nhật lễ độ cúi đầu chào và chỉ ….sang bên kia đường để đứng chờ đừng cản trở lưu thông….Nơi đó cũng đã đầy cả người đứng chờ…
 
Đến lượt chúng tôi.
 
Cô ra dấu ngoắc tay sang bên này đường, đưa tay làm dấu bốn người, cô gật gù chuẩn bị bước vào quán.  Những tưởng vậy là chúng tôi sẽ mau chóng thưởng thức tô mỳ nóng sốt ngon lành ngay ….nhưng chưa đâu các bạn ạ.  Bạn phải đến cái máy tự động kia chọn món mỳ nào,  ăn thêm phần đặc biệt  nào nữa …trả tiền …lấy phiếu và chờ thêm mươi mười phút nữa mới vào đưọc trong chỗ ngồi.
 
Vào đến nơi, nhìn quanh không bóng người phục vụ nào cả, chiếc bàn dài ngăn thành từng ô vừa vặn một người, nước ly có sẵn tự rót,  chiếc màn mành che trước mặt phủ kín đến khi chúng ta đã ngồi yên vị thì mới bấm chuông đưa chiếc phiếu ăn vào…và màn giây lát kéo lên chỉ đủ để thấy tô mỳ bốc khói  đưa ra là màn kéo nhanh như chớp xuống lại. húng tôi chuẩn bị ăn …hừm ngon vừa vặn cho ai thích ăn ….hơi mặn ( hihi ).  Bạn nhớ húp sì sụp cho thật ồn nha, kiểu Nhật mà ăn im lìm chứng tỏ mỳ không ngon và bạn không có được mạnh khoẻ đó.
 
 
 

 
 
Quay sang gian hàng bên cạnh, lại hàng dãy dài người ta đang chờ nhà hàng nướng món Takoyaki, món ăn này xem hao hao như bánh căn bên nhà nhưng nhỏ hơn và nướng hai miếng bột tròn, chính giữa cho vào ít nhân con bạch tuộc, bánh chín được cho vào chiếc dĩa tre bào mỏng hình như chiếc thuyền con cho ít sốt tương đậu và cá hồi bào mỏng như như tơ.  Bánh nóng vừa mang ra khỏi khuôn, hơi nóng bay lên làm những miếng da cá hồi cứ bay qua bay lại phất phơ như những miếng bông gòn khá là đẹp mắt.
 
Ai ai cũng khen ngon, có dịp nào sang Nhật bạn nhớ phải ăn thử một lần cho biết nha.
 
Sáng nay, trời trong và đẹp.
 
Cơn mưa nho nhỏ đã không còn bóng dáng, cây anh đào trước căn nhà trọ tủa hoa ngập sân. Trong căn phòng khách, vị chủ nhà đã không quên chào đón chúng tôi một cành anh đào đầy hoa cắm sẵn trong bình.
 
Hôm nay chúng tôi sẽ lấy xe lửa đi Kyoto, và từ đó sẽ đến Fushimi Inari nơi có một ngôi đền Thần Đạo to lớn và nếu chiếc cổng màu vàng cam tượng trưng cho nước Nhật thì ở đây đã được dựng lên một ngàn chiếc cổng này đi từ dưới chân núi lên tận trên cao.
 
Từ trong xe lửa, bạn sẽ thấy những căn nhà bé nhỏ cổ xưa nổi tiếng của thành phố Kyoto, thành phố với nếp sống cổ kính có từ ngàn năm qua của người Nhật.
 
Hàng cây anh đào nhấp nhô theo đường xe chạy qua, nhìn như sóng biển dạt dào khi thì qua núi, khi qua đồng bằng, những mái nhà cổ mái cong cong màu nâu đất  lâu lâu lại xen vào một căn thời tân tiến, dây điện chằng chịt  như lưới nhện bên trên và ở đó có đến 1600 ngôi chùa, hơn 400 ngôi đền Thần Đạo.
 
Lúc đầu cô út kể là có độ hơn trăm kiểng chùa nơi đây, mẹ con nhìn nhau và ước tính nếu mình đi thăm hết ngần ấy ngôi chùa có lẻ sẽ mất non già một tháng, nhưng khi nghe với gần hai ngàn ngôi chùa và đền thì chúng tôi cười vang hết còn dám hẹn lần tới đi thăm.
 
Từ trạm xe Fushimi Inari, chúng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng những chiếc Kimono, áo sặc sỡ chen vào thật đẹp mắt với ví tay, đôi guốc gỗ, chiếc gối trên lưng phù hợp với áo và hoa cài trên tóc, những có gái Nhật mặc Kimono trông đẹp làm sao và nhìn kìa, ngôi đền Thần Đạo màu vàng cam chói chan đang dần dần hiện ra trước mắt.
 
 

Ngôi đền vẫn còn xa lắm, con dốc cao dài cứ đưa chúng tôi đi dần lên trên, hai bên đường bày bán nào là bánh mứt hoa quả, thịt nướng, cá nướng thơm lừng, những loại bánh với nhân đậu đỏ cố hữu nơi đây được bày thật nhiều, có nơi còn nướng tại chỗ thơm nức mũi.  Mùi quế, mùi vani, mùi bột quyện vào làm người đi lắm lần dừng chân lại, người đi chen chân, tiếng mời chào inh ỏi làm con dốc dài đi quên cả mệt đôi chân.
 
Ngôi đền đây rồi, màu cam chói chan một góc trời, đình miếu, nơi xin xăm, nơi cầu tự với sợi dây thừng to với những chiếc chuông treo trên trần, bạn cứ nắm lấy và kéo mạnh tay là chuông vang vang âm thanh thật là thanh nhã , lên một đoạn đường nữa là những hình tượng con chó đá chúng tôi đoán thầm là con chó Ngao, con vật bảo vệ mùa màng vào thời cổ xưa được người ta tôn thờ và dựng tượng nơi này.
 
 
Đường lên dốc cao dần, người đi cứ như cuốn hút theo những đền đài lăng tẫm xa xưa, chúng ta chỉ được nhìn những ngôi đền nho nhỏ từ ngoài cửa, một hàng dây chắn ngăn bước chân người xem không được tiến sâu vào.  Nơi đây là chỗ xin xăm, giải xăm, nơi kia người người thành kính khấn vái ước mơ cho gia đình người thân an lành mạnh khoẻ. Bước cao thêm là những chiếc cổng màu cam được làm nho nhỏ khoảng 40 hay 50 cm để những ai có lòng cung thỉnh mang về hay mua và để lại nơi này cầu phước. Vì là lối xây cất ngày xưa nên bậc cấp cao bằng đá khá khó đi, bạn phải bước chân cao và dài để không bị vấp té…cứ đi và lại thấy những đền am nhỏ nơi thờ vong, nơi thờ hình tượng thuộc về Thần Đạo và cứ dần lên cao tận đỉnh đồi hoa anh đào cố hữu chen trong những tàng cây thông, cây tùng già và lẫn trong mái đền cong cong xem thật an lành, trang nhã và đầy mỹ thuật.
 
Rẽ sang lối khác, đây là nơi có hơn ngàn cổng màu vàng cam rực rỡ biểu tượng của nước Nhật này.
 
Mỗi cổng được xây dựng san sát bên nhau, mỗi cổng được viết một hàng chữ, ý nghĩa gì thì đành chịu thua có lẻ là kinh văn hay những lời khấn nguyện.
 
Xuyên qua hết ngàn chiếc cổng thì chúng tôi đã ở nơi một đỉnh đồi khác,  nhìn xuống thấp lại là hoa anh đào đang phất phơ trong cơn gió nhẹ, cảnh đẹp thần tiên làm người đi thăm cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thoang thoảng đâu đây mùi trầm hương thơm ngát bao phủ kín cánh rừng đồi cao cũng như hoa cỏ nơi này.
 
Đi trở xuống, chúng tôi đã cảm thấy bụng đói cồn cào, mời bạn cùng chúng tôi thưởng thức món ăn nhẹ bày bán hai bên đường.  Đây món cá nướng cùng sốt tương đậu, đây thịt xiên que nướng với sốt mật ong và kikkoman, khoai lang chiên dòn ngào với đường ăn tráng miệng, mứt hồng khô, mứt hồng dẻo, bánh Takoyaki thơm mùi nhân bạch tuộc, bánh ngọt nhân đậu đỏ, kem trà xanh, bánh hấp với nhân trà xanh…..ăn ngon và lạ miệng vô cùng.
 
Rời ngôi đền Thần Đạo, chúng tôi đổi xe đi thăm ngôi Thiền tự Tenryu Ji Temple và khu rừng tre nổi tiếng ở Kyoto, rừng tre Chikurin no Komichi.
 
Ui ! Ngôi thiền tự to không tả được, lấy vé vào cửa và mọi người bước vào…Một khung cảnh ung dung tự tại, chúng tôi đi ròng suốt sáng nay đã hơn 4km nhưng khi bước vào đây thì không hề cảm thấy mệt mỏi đôi chân.
 
Bạn nhìn kìa, đàn cá bơi lội nhỡn nhơ dưới làn nước không gợn sóng, hàng cây tùng, cây thông uốn mình bên cạnh hồ, sân đá cuội đã được cào nhẳn không một dấu chân người, hàng liễu đứng lơ thơ ngã nghiêng trong cơn gió thoảng đong đưa và mặt nước hồ như gương chiếu dọi cả một cảnh đẹp như tranh nằm im lìm dưới đáy nước.
 
Chúng tôi đi hết khu thiền tự, những am thiền cho chư tăng, những nơi trà đạo, nơi đọc sách, nơi kinh hành…vv...vv nói chung chỗ nào cũng lưu luyến chân người đi qua.
 
Bây gìờ chúng tôi đi đến khu rừng tre tuyệt đẹp như tranh vẽ đây.
 
Nếu bạn đã từng xem phim Ngọa Hổ Tàng Long của Trung Hoa năm nào với cảnh trong rừng tre xanh mướt hùng vĩ ra sao thì hôm nay chúng tôi đang đứng ở đây, trong rừng tre này.
 
Đây là một rừng tre bát ngát, cao vút xanh rì.  Những cây tre con hay mụt măng vừa nhú lên đã được cắt tỉa gọn gàng đẹp mắt và được dân địa phương mang ra bày bán hai bên đường. Hàng tre cao vút, thoáng mát có hàng dây ngăn chân người không được lấn sâu vào. Rừng tre ngút ngàn, thân tre cao thẳng tắp đẹp mê hồn cứ làm người xem như mê mệt cuốn hút theo từng thân tre. Lối đi bằng đá trang trí những thảm cỏ khô kết thành những tấm thảm chắn cao hơn nửa mét che chắn những gốc tre trông mướt mượt và rừng tre này vào mùa thu cũng đẹp không kém gì mùa xuân.  Xem kìa ! Vài ba chiếc xe thổ mộ được kéo bởi những chàng trai trẻ người Nhật cao lớn lực lưỡng với bộ quần áo cổ, chiếc khăn quấn đầu, đôi dép nhật xỏ quai.  Biểu tượng của người phu xe mấy trăm năm cũ giờ vẫn hiển hiện nơi đây làm người đi cứ ngỡ mình lạc vào thế giới  của những ngày xa xưa nào đó.
 
Chúng tôi quay về Osaka, trời đã tối dần đèn đường đã lên từ lâu.  Nhà ga đầy người tiếng rao hàng, tiếng nhạc xập xình, những cô gái Nhật đang đứng dài hai bên quảng cáo tiệm ăn với tiếng rao lanh lãnh thiệt vui tai.  Ghé quán mỳ Nhật, ăn một tô thật nóng rồi về nhà nghỉ ngơi chờ cho chuyến thăm viếng ngày mai.
 
Sáng nay chúng tôi lại lấy xe lửa lên Kyoto lần nữa dành một ngày đi xem những kiểng chùa nổi tiếng ở đây, xem lễ hội anh đào nơi này, xem thành phố cổ kính mấy trăm năm này và đi mua ít bánh quà đặc biệt nơi đây mang về kỷ niệm.  Cũng với bánh trái bằng trà xanh,  kem, bánh nhân đậu đỏ cố hữu nơi này.
 
Đầu tiên là ghé vào ngôi chùa vàng y lộng lẫy, vào đến nơi người ta đã thấy ngôi chùa sáng rực một góc trời. Chùa Kinkaku Rokuon – ji Temple.
 
Chùa nằm giữa hồ nước như một ốc đảo con con, bốn phía bao quanh nào là những cội anh đào, tùng bách hay hàng liễu, dãy thông già uốn lượn.
 


Người ta cũng chỉ được đi quanh chùa chụp ảnh lưu niệm hay thưởng ngoạn….rồi tiếp tục đi lên ngọn núi cao, nơi nào cũng núi cũng đồi con, đồi trọc.  Cứ vài chục nấc thang làm bằng đá bên phải hay quay sang bên trái là những am cốc nhỏ nơi thờ Phật, thờ Quan Âm, nơi để hai tượng ông Thiện Ông Ác. Tới một chân cầu đá cong cong bắc ngang qua chiếc hồ con, cây thông già oằn xuống hồ, cây anh đào loại rũ như liễu phủ ngang mặt hồ hoa nở trắng hồng xem thơ mộng làm sao, chiếc miếu nhỏ có tượng Phật, các vị La Hán  và mùi nhang thơm  nhẹ đâu đây...Ôi ! Tiên cảnh có phải là đây hay không ? Sao người ta cứ mê muội kiếm tìm ?
 
Vào sâu bên trong, leo lên những bậc đá cao cố hữu đây là những nơi uống trà, chung chung cảnh chùa ở đây cấu trúc hao hao như nhau, cũng con suối nhỏ nước chảy róc rách, đồi cao hoa anh đào phủ đầy, đồi tháp với hòn non bộ, đi hết ngôi chùa vàng thời gian cũng vùm vụt trôi qua.
 
Rời ngôi chùa vàng cũng đã quá trưa, ghé qua khu chợ ở đây xem cảnh bán hàng. Cái gì bạn muốn mua ở đây cũng có khu ăn uống, hàng hóa khô, tươi, cá tôm mực ướp gia vị khô mang về hay ăn tại chỗ thưởng thức hương vị của căn bếp Nhật đều được bày bán la liệt. Chúng tôi lại ghé vào quán mỳ khác ăn món mỳ và hoành thánh cả hấp lẫn chiên vàng cùng sốt tương lần wasabi cay sè mũi thật ngon.
 
Hàng hoá ở chợ rao inh ỏi khá nhộn nhịp, chủ quán mời chào niềm nở người mua. Thấy món nào hay hay khách dừng chân lại nhìn ngắm đã thấy chủ hàng tươi cười mời mọc.  Chúng tôi lại mua ít trà xanh, bánh ngọt mang về.
 
Nắng đã lên cao, cả bọn chúng tôi đi vào phố xem quanh quanh, những nhân viên bán hàng ăn mặc chỉnh tề đứng rao hàng xem khá lạ mắt. Họ niềm nở mỗi khi chúng tôi dừng chân.  Xem qua con phố đông đúc những người là người, chúng tôi đi đến chiếc cầu to bắc ngang con sông Kyoto.  Từ đây nhìn xuống chân cầu đầy hoa anh đào và liễu, nước dưới cầu chảy nhẹ, người đi không chút gì hối hả, con phố cổ kính mang đầy nét đẹp xa xưa.
 
 
 
Đây con đường hoa anh đào đi vào khu lễ hội, nam thanh nữ tú trong những chiếc Kimono cổ truyền tuyệt hảo đang cùng nhau rảo bước, theo chân chúng tôi lũ lượt người đồng hành.  Hôm nay hơi gió nên những cánh hoa cũng rơi rụng bay bay, lối đi cũng như những ngôi đền chùa chúng tôi đã xem qua nhưng có phần nhỏ và chật hẹp hơn. Ở đấy hai bên đường bày bán càng nhiều hơn nữa, nào là quạt nhật, nào đũa, nào bánh mứt, nào những hàng kỷ niệm như bình chóe hay bộ tách trà hoặc bình rượu tách uống Sake…vv…vv. Chưa kể thức ăn cũng bày bán la liệt nhiều hơn cả những nơi chúng tôi đã đi qua.
 
Đi độ 3km, giờ ta lại thấy một ngôi đền, cứ sơn màu cam hầu như là đền thờ Thần Đạo, còn màu nâu có mái cong cong chắc chắn trăm phần là ngôi chùa cổ.  Vào đền thăm một vòng  độ gần 5giờ thì ông Từ đi ra và ra dấu hết giờ thăm viếng, lạ lùng hơn một nhân viên cầm loa phóng thanh dạo một vòng yêu cầu rời chùa và muốn thăm trở lại …hãy ghé mua vé vào thăm ….vòng hai !  Thì ra đền bán vé ngày hai lần sáng và chiếu cho khách thập phương muốn vào thăm viếng.
 
 
Chỉ còn buồi chiều hôm nay, chúng tôi đi nhanh đến ngôi chùa nổi tiếng  Chion- in Temple để kịp thăm.
Ui !  Mới đến cổng tam quan chúng tôi đã ngơ ngẫn nhìn.
Ngôi chùa quá sức là vĩ đại.  Từ bậc cấp đi lên cao vun vút...qua cổng tam quan là một khuôn viên rộng lớn không ngờ, cách cấu trúc quá vĩ đại to lớn này khó tìm nơi nào có ngôi chùa to rộng thứ hai.  Trên đồi cao từng am vân  riêng biệt, nơi này quý thầy tụng kinh chuông mõ gọn gàng mỗi người một bộ, nơi kia là nơi trà đạo, nệm ngồi màu rượu nâu nâu xếp gọn gàng mỗi nơi khoảng cách đều đặn, đây là nơi ngồi thiền bốn góc thanh nhã thoát tục chỉ thấy mỗi một quyển kinh,  con dốc đưa chúng tôi lên bằng những bậc đá cao , một cây cam vàng trĩu nặng những trái là trái đưa cả thân cam ra ngoài bức tường dày, cảnh sắc sao mà thanh tịnh, trang nhã và thoát tục làm sao.   Qua một khung tường cao, nơi đây là chánh điện đang trong thời gian tu sửa.  Phật tử gọn gàng bỏ giày ra cho vào những túi nylon để sẳn trước cổng và …mang theo đi hết vòng chu vi lớn rộng của chánh điện thì lối ra này đây, ta lại thấy một thùng to, bạn bỏ túi nylon vào đó cho những người sau dùng lại.
 
Chậm rãi rời chùa, chúng tôi bỏ lại sau lưng những mái chùa cong cong thanh nhã, an lạc...người tăng già đi ra từ phía sau trai phòng đã ân cần nhắc nhở xin hãy rời chùa giờ thăm đã chấm dứt.
 
 
Chúng tôi đi đi lần xuống núi, loáng thoáng lại là những bóng người đang hối hả đi lên, cô út quay sang nhắn dùm :
 
Xin hãy trở xuống, con dốc qua cao mà lên tới nơi thì đã đóng cửa thật tiếc….
 
Rời Kyoto, trời tối om.
 
Trở về Osaka ghé ăn nhanh một tô mỳ nóng, về nhà thu xếp hành trang cho chuyến đi kế tiếp.
Giả từ Osaka và Kyoto.
 
Chỉ hai giờ bay là chúng tôi có mặt ở Seoul, ngay trung tâm thành phố cũng là nơi chúng tôi lấy nhà trọ cho một tuần ở nơi này.
 
Từ trên từng lầu 12 nhìn xuống đó là một ngôi làng cổ xưa.  Nhiều trăm năm trước đây khu này gồm năm ngôi làng chụm lại và ngày nay thành phố chỉ giữ lại một làng để cho khách du lịch hay nhắc nhỡ cho người dân tưởng nhớ lại.
 
Đường lên làng, cũng những bậc đá cao, những mái nhà lợp ngói âm dương, hoa cũng là anh đào đang mùa nở hoa kèm theo những loại hoa tím, hoa vàng nhởn nhơ trong nắng.
 
Đây căn lều cỏ, khi xưa dùng để đựng dụng cụ làm nông trông thật đơn sơ mộc mạc, một căn lều tranh khác hai ông lão Đại Hàn đang ngồi kết những đôi giày bằng tranh cổ xưa, treo chung quanh những rá rổ, những  vật dụng bằng tre, muỗng tô chén gỗ nhìn khá là thô sơ nhưng đó là những phát minh của thời gian đó.
 
Đi dần lên cao, cũng những ngọn đồi như bên Nhật , đây là nhà của những vị quan lớn hay gia đình khá giả ngày xưa, dãy nhà dài có nơi hội họp, có nơi ngủ nghỉ, nơi dệt cửi, nơi may vá, bếp lớn nấu ăn để ngoài trời , bếp trong nhà còn chưng bày vài ba chiếc nồi to to là, bên kia có giếng nước, hầu hết đều sạch sẽ, chưng bày trang nhã.
 
Đây còn có căn nhà to, bốn phía để trống là nơi văn nhân thi sĩ tọa đàm làm thơ, uống rượu, càng lên cao thì những căn nhà kia lại dành là nơi thờ cúng vẫn còn chưng bày bài vị, trầm hương thơm ngát.
 
Ngôi làng cổ khang trang đẹp mắt. Cạnh đó còn thêm con suối nhỏ nước chảy róch rách, đá tảng con con ghép vào xem thật tao nhã và còn kia một căn nhà nhỏ đang triễn lãm người họa sĩ tài ba nào đó đang biến thể mẫu tự của Đại Hàn và dựng lên đó những bức tranh đầy màu sắc xem như là tranh mới của thế kỷ 21 này.
 
 
Buổi chiều ra phố, những bộ quần áo Hanbok cổ truyền của dân Đại Hàn kèm theo khăn thêu, hài lụa được bày bán la liệt ở những tiệm quần áo, những loại sâm nổi tiếng như hồng sâm cũng bày ra đầy ở đây, đũa muỗng bằng nhôm hay cá mực khô xấy sẳn trông ngon mắt, ngon miệng phải nhớ mua và mang ít về nhà làm quà.
 
Hôm nay, chúng tôi sẽ đi thăm Gyeongbokgung Palace, cung điện của nhà vua Yi Seong- Gye được xây cất từ năm 1395.
 
Cung điện thật quá sức là to lớn,  vừa vào đến cổng đúng lúc những đội quân lính với trang phục cổ xưa đang diễn ra cảnh bàn giao ca trực và giao lại thanh kiếm.
 
Trống đánh nhịp nhàng vang dội khắp nơi, giữa sân chầu một chiếc trống to được trang trí và vẽ lên nhiều màu sắc cho mọi người xem, trống quá lớn và quá là đẹp, một vòng dây đai chắn ngang để người ta chỉ được xem hay chụp hình, chớ mà lấn vào đội cảnh vệ giữ trật tự luôn đi ngang và nhắc nhỡ người xem.
 
Đây nơi vua ngồi họp cùng các quan trong triều, kia vua cùng các quan uống trà, nghe nhạc,  tới nữa là nơi ăn ở của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, nọ là sân chơi, đi dạo cho con cái hoàng gia.  Thấp thoáng vài ba mái nhà cong cong quen thuộc nơi  được làm thư viện lưu trữ sách vở quý giá của những đời vua trước.
 
Kìa !  Một gian nhà thủy tạ được xây cất tuyệt mỹ nằm giữa chiếc hồ con con,  bao quanh là những lối đi thật nhỏ dành cho vua một mình đi tản bộ.   Hàng hàng tùng, bách, thông già lẫn với hoa anh đào, hoa tím hoa vàng và một cây liễu xanh được trồng xen nhau.  Hôm nay trời không gió, toàn cảnh đẹp này phản chiếu xuống mặt hồ, ai đi ngang cũng phải dừng chân lại và không ngớt ngợi khen.
 
 
 
Hầu như chúng ta dù ít dù nhiều đã từng xem qua phim Đại Hàn, từ phim mới hay phim cũ với quần áo cổ ngày xưa và ai cũng biết ít nhiều những món ăn nổi tiếng của xứ kim chi cay sè này.  Thí dụ món cơm trộn trong nồi đất nóng phỏng tayvới rau giá trứng nấm kim chi cay nồng ớt là ớt,  món thịt nướng cá thịt heo bò ốc sò, món gà lăn bột, món canh cá thập cẩm  đầy ớt xanh và những ngày ở đây chúng tôi đã lần lượt đi ăn cũng như nếm thử những món ăn ngon lành này.
 
Ngon thiệt là ngon.  
 
Nếu bạn làm một thang điểm so sánh hai nước Nhật và Đại Hàn xem nơi nào món ăn ngon hơn thì quả là khó khăn đây.  Người Nhật với đôi mắt thẩm mỹ chế biến những món ăn ngon lành bắt mắt thì người Đại Hàn cũng pha chế những món ăn vừa vặn cho người thưởng thức xem ra bên tám lạng bên nửa cân rồi.  Điển hình món bánh mì baguet xuất xứ từ Pháp nhưng khi thi làm bánh mì thế giới  thì Đại Hàn đã dành chức vô địch còn ‘’ sư phụ ‘’ thì chỉ được về hạng ba.
 
Đúng như câu Hậu Sinh Khả Úy của người xưa để lại.
 
Rời cung điện vua chúa nước này, chúng tôi đi ra phố xem phố phường tấp nập ra sao.
 
Seoul có nhiếu khu chợ, bạn cần gì cứ vào khu đó thí dụ như phố hàng điện, hàng nhôm, hàng quần áo, hàng chăn mền cạnh đó hàng quà luôn luôn xen kẻ vào đó dành cho những người hay thưởng thức quà vặt như chúng tôi, hàng quà vặt này bày bán nhiều thứ lắm như chả cá, như mỳ tô, cháo lòng, cháo giò heo, nhất là món mực khô, bạch tuộc hấp ….nơi nào cũng có  và luôn bên cạnh kèm chút ít kim chi với ớt cay cay là.
 
Mỗi lần chủ quán mang ra mời ăn thử là chúng tôi không ngần ngại mua ngay như cá khô trộn sẵn gia vị thơm lừng, mực khô xé nhỏ ngọt và thơm tho, rồi sâm cao ly, kẹo hồng sâm, đũa nhôm khá đẹp mắt còn được bỏ sẵn vào túi vải thêu xem rất là lịch sự.
 
Một ngày lại trôi qua.
 
Hôm nay là ngày lễ hội anh đào ở đây, bắt đầu chương trình chúng tôi lấy xe điện đi vào thăm trung tâm thành phố nơi có viện bảo tàng của vị minh quân nổi tiếng ở xứ này vua Sejong. Vị vua này có công dựng nước, giữ nước và phát minh ra nhiều điều mới lạ, không phân biệt sang hèn giai cấp, tạo ra và phổ biến nhạc dân gian Đại Hàn, làm thơ phổ nhạc, phát minh chữ viết, chế ra súng đạn, súng thần công, đóng tàu bè…vv...vv…
 
Đi xem gần hết những phần ca ngợi và hình ảnh còn lưu giữ của vị minh quân này, chúng tôi dừng lại một quầy viết bút lông.  Á ! Thì ra bạn cứ ghé vào đây, cô phụ trách sẽ mang ra một tờ giấy hoa tiên mỏng như lá lúa, rồi thì cô hỏi bạn tên gì…cô ghi ra chữ Đại Hàn và mời bạn dùng bút lông mực tàu viết thử...Ui ! Tôi cứ cầm cây bút lông ngẫm nghĩ mình sẽ bắt đầu ra sao tới khi mực tàu rơi hoen tờ giấy trắng mới...hì hục viết được tên mình, không sao cho dù bạn viết không đẹp nhưng cũng nhớ lấy con triện ấn vào bình mực đỏ rồi in vào tờ giấy đã viết tên mình cho oai phong nha.
 
Rời viện bảo tàng của vị vua Sejong, chúng tôi ghé sang phần bên xem tiếp vị tướng hải quân đề đốc đã một thời oanh liệt chiến đấu dành thắng lợi cho đất nước Đại Hàn cùng thời vui Sejong. 
 
 Vị Đề Đốc có tên Yi Sunshin.
 
Chúng tôi được xem những thanh gươm dài, quần áo tướng quân thời đó, hoàng phục của vua và tướng lãnh cũng như quân đội Đại Hàn và còn một chiến thuyền lưu giữ lại cho con cháu đời sau…
 
Rời trung tâm phố, chúng tôi đi thẳng đến nhà quốc hội, nơi đây đang bắt đầu lễ hội hoa anh đào.
 
Một góc con sông Hàn to rộng, hàng dãy dài hoa anh đào đang nở rộ, từ cổng vào dân chúng Đại Hàn cũng như khách đi thăm tràn đầy lối vào. 
 
Không khí thật vui nhộn nhịp, những căn lều một màu như nhau ở đó những ban nhạc trẻ đang hát hò, lều thì nhảy nhót chung với người tham dự và tham gia câu đố phần thưởng chất đầy những chiếc bàn con, lều thì thi bắn tên có thưởng người xếp hàng dài năm bảy lớp, lều bày bán thức ăn, cũng cá nướng, thịt nướng, bạch tuộc nướng họ ăn nhiều bạch tuộc lắm), rồi hàng trái cây, bắp nướng , bánh nướng ê hề.
 
Đây một dãy dài dây nơ hồng viết sẵn những lời cầu mong cho tình yêu đôi lứa, cho cha mẹ anh em, cho gia đình thân tộc. Cầu nguyện bình an sức khoẻ và những câu chúc tụng hài hòa, bạn chỉ đọc xem dây nơi hồng nào đúng như ý nguyện của mình mong muốn thì mang ra treo lên cành đào  xem như lời chúc tụng tuyệt vời cho ngày lễ hội.
 
Rời nơi đây, người ta vẫn còn ngồi đầy chật hết công viên đối diện con sông dài.   Những bậc cấp thoai thoãi vừa vặn cho ai muốn ngồi nằm hay trãi khăn ăn uống  những món ăn mua hoặc mang theo….Cảnh thanh bình đầy an lạc không tìm thấy ở nơi nào khác.
 
Chúng tôi đi dần lên tới toà nhà Quốc Hội, những tưởng sẽ canh gác nghiêm nhặt bởi những anh lính Đại Hàn hay cảnh sát an ninh nhưng không hề thấy...Họ hầu như chỉ đứng chỉ đường hay giải thích cho khách khi cần, nhìn quanh chỉ toàn là dân chúng đang nằm, ngồi hay túm tụm bên nhau cười đùa rôm rã chuyện trò.
 
Đường về, nằm chung quanh là những đài truyền hình nổi tiếng ở đây bao chung quanh là quán ăn, công sở hành chính.
 
Chúng tôi lại ghé vào ăn thử những món ăn như cơm trộn, canh cá, gà lăn bột, thịt nướng kèm rau, kim chi cùng giá trộn ngon tuyệt cú mèo.
 
 
 
Ngày cuối ở Seoul.
 
Hôm nay chúng tôi lấy xe điện ngầm số 9 đi Gangnam. Đây là nơi có hệ thống xe điện ngầm tối tân nhất ở Đại Hàn, chúng tôi muốn tìm tới xe điện số 7 nơi đang quảng cáo con đường xe chạy đầy tranh vẽ 3D, từ trong xe cũng như ngoài xe nơi đứng đợi toàn loạt tranh 3D nổi tiếng và thật tối tân không tưởng. Tiếc là chương trình vẫn còn đang thí nghiệm nên chưa hoạt động, khá là tiếc.
 
Gangnam, khu phố giàu có của xứ Đại Hàn, nơi có anh chàng ca sĩ Psy phát minh ra điệu nhảy ngựa nổi tiếng và phố xá to lớn xinh đẹp. Càng đi sâu vào thì những tiệm buôn bán như Gucci, Chanel...bày thật vĩ đại, chúng tôi ghé vào quán cà phê xinh xắn trên tận lầu ba thưởng thức ly cà phê ngon, chiếc bánh kẹp thơm lừng và nhìn xuống lầu nơi lũ lượt người đi qua lại làm tôi chạnh nhớ đến thành phố Đà Lạt năm xưa cũng nhạc ngoại quốc êm dịu, cà phê thơm nồng, và chiếc bánh ngon ngọt …cũng nhìn từ quán ra người người đi qua lại…. người Đàlạt dễ thương và lịch sự  nay còn đâu.
 
Chúng tôi rời quán cà phê và lấy xe bus đi đến ngôi chùa lớn nhất ở Gangnam này.
 
Ngôi chùa Bongeunsa.
 
Ngôi chùa lớn này xây cất có hơn 1200 năm, chùa quá sức là lớn, chia ra hơn mười khu riêng biệt.
 
Từ cổng vào chúng tôi đứng ngớ ra vì vô số lồng đèn đang được chuẩn bị treo đầy lên trên trần, ôi thôi đủ màu đỏ tím hồng vàng xanh. Đến khuôn viên chùa, hai bên phải trái treo hai bức tượng Phật thật lớn, bậc cấp bằng đá cũng cao như bên Nhật đưa dần chúng tôi đi đến một phần khác của ngôi chùa, nơi này dùng để cúng vong linh vì thế trước sân treo đầy lồng đèn trắng.
 
Đi thêm một con dốc cao phần ghi là số ba chính là chánh điện, nơi đây có để tượng Phật A Di Đà, Quan Âm, chánh điện trình bày trang nhã, chúng tôi đã vào trong đãnh lễ.  Phật tử ngồi im lặng trong chánh điện, có người tụng lâm râm, có người đang lễ lạy, có người đang thắp nhang đốt đèn chung chung đều trong chánh niệm và im lặng.
 
Trong chùa không có xin xăm mà xăm hay thầy bói đều ngồi trong những căn lều nhỏ nằm ngoài phố có để bảng hiệu đàng hoàng, xem ra dân chúng Đại Hàn vẫn còn thích xem quẻ, xem bói nhiều lắm.
 
Càng lên cao, những trai phòng khác đều có ghi rõ bằng chữ Đại Hàn hay tiếng Anh, nơi này là thiền phòng,  cách bày biện như cảnh xưa cũ hơn ngàn năm trước, cũng như các cảnh chùa khác, ở đây cũng có nhiều nơi thiền hành, tụng kinh, trà đạo, đâu đâu cũng thoang thoảng mùi trầm hương thật thanh thoát.
 
Ô kìa !  Bức tượng Phật A Di Đà to cao 23 mét được dựng ở đây, một khuôn viên to rộng cho mọi người đến lễ lạy, chiêm bái.
 
Khuôn viên có đến vài trăm mét vuông, một bệ hơi cao cho phật tử quỳ lễ bái,  phiến đá xây tròn có tạc nhiều tượng chung quanh có ông Thiện Ông Ác và các vị Hộ Pháp trong kinh dẫn.
 
Nơi nơi đều lắng im không ồn ào la hét hay ồn ào trò chuyện mà chỉ thấy những phật tử đi quanh tượng tụng kinh, thiền hành, lạy Phật trên phiến đá rộng hay kính cẩn quỳ trước tượng tụng nhỏ thời kinh quen thuộc của mình.
 
Rời chùa, hỏi ra mới biết treo lồng đèn là để chuẩn bị lễ Phật Đản sắp đến, lối trở ra là con dốc cát và đá còn in nhiều dấu chân. Thăm qua vài nơi như hậu liêu, phòng ngủ chư tăng, phòng kinh sách, phòng bán quà kỷ niệm nhà tôi đã tìm và mua được một chuỗi hạt màu hạt dẻ…và rồi chúng tôi rời chùa với một tâm hồn thanh thản an lành.
 
Đêm nay là đêm cuối ở đây, chúng tôi đi ra những con phố nhỏ đầy ắp những người và quán ăn được nấu nướng trong những căn lều.
 
Tiếc là nơi được chấm giải ngon nhất trong Internet đã không còn lý do thành phố muốn làm đẹp trở lại. Thôi đành ghé nơi khác và chúng tôi đã được thưởng thức món sườn heo nướng, với ít da heo kèm la liệt những món ăn phụ như kim chi, hẹ trộn gia vị khá cay, salát, tương đậu nành, giá trộn, củ cải trắng làm chua và một chén cơm ăn thêm …ngon lạ lùng.

Giả từ Osaka, Kyoto và Seoul.
 
Những ngày vui qua thật mau, ký ức với hàng dãy hoa anh đào, với những ngôi đền Thần Đạo, ngôi chùa cổ, những căn nhà bé tí ở Kyoto, những bộ Kimono sặc sỡ, nụ cười rạng rỡ của các cô gái Nhật Bản, rồi cung điện hoàng gia Đại Hàn, bộ Hanbok của các cô gái Đại Hàn, những căn lều đầy món ăn với gia vị và ớt xanh…vv…vv.. đã theo châ chúng tôi về lại Munich Đức Quốc.
 
Vẫn đâu đây mùi hương thơm của hoa anh đào và tiếng cười vui rạng rỡ
Hình như chưa tỉnh cơn mơ ?
 
Minh Trang tháng tư 2016
 
Munich Germany
 

 

 

THẰNG BA…CƯỚI DỢ !

        Tháng 10 năm rồi nhận được điện thoại của thằng ba, đứa con trai thứ hai của tôi từ Mỹ gọi về báo tin:

Má à! Chúng con vừa ra Tòa Thị Chính ở đây ký giấy hôn thú, còn khi nào làm lễ cưới thì chúng con sẽ tin ba má hay nha.

Chỉ có vậy rồi thằng con cúp máy, chưa kịp hỏi han cặn kẻ ra sao.
 
Có chút buồn buồn vương trên mắt của tôi, lại thoáng đâu đó niềm vui tràn vào.
 

Buồn vì chuyện trọng đại của con mình mà chỉ nhận đưọc báo tin, còn vui khi nhìn lại tuổi con mình đã không còn trẻ trung .  Ông bà mình cứ hay nói : Tam thập nhi lập.  Đúng là như vậy, nay thằng ba đã 38 rồi chúng đã lớn và đủ trưởng thành để quyết định chuyện hôn nhân của chúng.  Còn nhà tôi nghe tin ông chỉ cười và  thật phóng khoáng khi kết luận:

 

Đứa nào lập gia đình mình nên mừng cho đứa đó, bà và tôi mình phải vui lên…

 

Thoáng lại qua năm 2015.

 

Tháng giêng , nhân dịp đi công tác vùng Frankfurt cháu ghé về nhà đôi ngày và cho chúng tôi hay thêm một vài tin tức mới.

 

Má à!  Chúng con sẽ đón ba má và gia đình mình, gia đình chú Năm, bên nhà gái sẽ có ba má Nina, người em trai và hôn thê cùng vài ba người bạn thiệt thân của chúng con bay sang Costa Rica mươi ngày .  Ở đó sẽ làm lễ cưới cho chúng con, giới thiệu hai gia đình nhà trai nhà gái với bạn bè thân thiết và  sau đó là thời gian nghỉ ngơi làm quen….

 

Thiệt tình tôi muốn hỏi thêm ít nhiều trong chuyến đi này nhưng thằng con ậm ừ không kể thêm gì cả.

 

Hai tuần cuối tháng giêng chúng tôi lo làm Visa, chụp hình ….vv….vv… để chuẩn bị  cho việc đám cưới với tâm trạng lo lắng  tổ chức đám cưới ra sao, gặp gỡ nhà gái thế nào nhưng rồi mọi chuyện cứ mù mờ không rõ.

 

Đến giữa tháng ba thì vé máy bay đã nằm sẳn trong tay, nơi đến là nước Costa Rica xa mờ mịt, tuy xa cho chúng tôi nhưng bù lại thật quá gần cho đám trẻ.  Chúng sẽ từ Nữu Ước và San Francisco bay qua.

 

Và rồi thì mọi việc tương đối đã xong, thằng ba lại gọi về hỏi han chuyện chuẩn bị, tôi muốn biết thêm chi tiết cháu cứ một giọng như những lần rồi.  Chỉ nhắc chừng  ba má chuẩn bị quần áo mùa hè, quần áo tắm đi biển, giày thể thao đi núi…..Mọi chuyện như ăn ở đã có khách sạn , đi thăm viếng tụi con đã lo xe hơi, chỉ cần ba má thiệt thoãi mái , ăn mặc đơn giản  là đủ.

 

Tôi hỏi lại còn ngày đám cưới ?

 

Thằng ba cười to và cứ như giỡn chơi…Má đừng có lo cứ giống như những người đi du lịch là đủ.

 

Sáng ngày khởi hành, chúng tôi đi chuyến xe bus sớm nhất để kịp ra phi trường.  Chú Năm nó cũng hẹn ở đó và cùng gửi hành lý với nhau.  Chiếc Boeing 767 khá lớn sẽ mang chúng tôi đến Atlanta và ở đó sẽ đổi máy bay lần nữa để tới Costa Rica.  Ngồi chờ ở phi trường chú lại hỏi tôi  chương trình đám cưới ra sao,  em có hỏi mà cháu cũng trả lời như bên anh chị.





Chị em nhìn nhau, thôi thì sang đến đó sẽ hay.

Đến nơi, chiếc xe bus  9 chổ ngồi đã chờ sẳn và tháp tùng còn có hai bạn thân của cháu vì  chuyến máy bay đã đến cùng giờ.

Hơn ba giờ xe chạy cuối cùng, cuối cùng chúng tôi đã đến  Quepos.  Một nơi hoàn toàn dành cho những khách du lịch với những dãy Villas xây cất thật tối tân và đẹp mắt, nằm sát biển  đủ để nghe sóng biển đánh dạt dào, cứ vài căn lại thấy một người gác dan .  Hệ thống an ninh thật toàn hảo  và chu đáo.

Vì  đến nơi đã là 1 giờ 30 sáng nên đám nhỏ đứng chờ, chào hỏi xong  ăn sơ chút  chút dằn bụng chúng tôi  mang hành lý lên phòng và lăn quay ra ngủ sau chuyến đi dài gần 20 giờ đồng hồ.

Giấc ngủ trái giờ đã làm tôi thức giấc, nhà tôi  thì vẫn ngáy mê mệt.

Tôi nhìn ra cửa kính, đúng lúc mặt trời vừa lên chiếu ngay vào phòng.  Villas Escape xây cất thiệt đẹp và tôi sẽ gọi nơi này là Villas số 3 với 4 tầng riệng biệt.  Mỗi tầng là phòng riêng thật tiện nghi, balcon, tủ lạnh, giàn bếp cho những ai muốn nấu nướng thêm, hồ bơi  trên từng hai, hồ bơi nơi tầng trệt…vv…vv…

Tầng 1 nơi chúng tôi ở quá sức là rộng lớn, hướng nhìn thẳng ra biển đủ thời gian ngắm mặt trời lên, mỗi sáng đám khỉ con lại mon men đến gần nơi cửa chính lôi kéo cánh cửa để tìm cách vào trong nhà, chúng phá phách vô cùng  nhất là khi nhìn thấy thức ăn là ôi thôi nơi ấy sẽ là một bãi chiến trường với những rác là rác.   Vì như thế nên người quản gia đã dặn đi dặn lại chớ mà mở cửa khi vắng nhà.




Nhìn xuống vườn hoa, chiếc cổng tối qua không dịp nhìn rõ hai bên trồng đầy kỳ hoa dị thảo, hoa lan đủ màu đủ loại chi chít bên nhau, màu sắc cứ như là những cô tiên trên thượng giới. Trên trần một chiếc mái cong cong che nắng, phủ xuống những bông hoa giấy đủ màu nào tím xanh, hồng cam đỏ, kèm xung quanh những thân dừa con con che nắng, bụi chuối cao có chừng 10 mét xòe những chiếc lá khổng lồ, chen thêm vào là những cây đu đủ trái bao chung quanh xanh mướt rồi nào là xoài trĩu nặng trái trên cây.

Đặc biệt là loại tre vàng  hiếm hoi với một sọc xanh, hai sọc xanh trên thân  mọc san sát chung quanh những Villas xem thật đẹp mắt.  Người ta còn nhìn thấy loại gổ đỏ sậm quý giá mà tôi không biết tên chỉ biết loại gổ này được tận dụng làm cột kèo, sàn nhà, tủ kệ trang trí trong phòng ăn, phòng tắm, gổ không bay màu, không nứt nẻ, màu sắc lúc nào cũng tươi mát như ly rượu vang đỏ cầm trên tay.


 
Costa Rica , một quốc gia thiệt bé nhỏ chỉ có khoảng 5 triệu dân .  Xứ này có nhiều biển đẹp có nhiều nơi du lịch, họ sản xuất nhiều cà phê, chuối, thơm.  Một điều đặc biệt nữa là một quốc gia không trang bị quân sự chỉ chuyên về kinh tế. Khí hậu y như bên nhà, phong cảnh thanh bình yên lành và có chút giống như thành phố biển ở Việt Nam.  Đi ngang nơi nào cũng thấy trồng chuối, thơm, đu đủ, xoài, dưa hấu và vì như thế mỗi ngày ở đâychúng tôi đều được thưởng thức các món trái cây tươi ngon ngọt này.

Mỗi buổi sáng, chúng tôi dùng điểm tâm ở Villas số 1, tất cả gồm 3 Villas cho 24 khách mời và gia đình, ở đó luôn có 2 đầu bếp túc trực lo cho ăn sáng và ăn chiều, buổi trưa hầu như mọi người đều ở ngoài bãi tắm và dùng trái cây hay bánh đem theo và buổi sáng đầu tiên ở đây chúng tôi đã gặp cùng làm quen với gia đình nhà gái.  Cảm giác đầu tiên là hai bên đều thật cởi mở, chào hỏi làm quen ăn sáng xong là rủ nhau ra biển.
Tôi vẫn muốn hỏi thằng ba thêm ít nhiều những điều liên quan đến việc cưới xin…..

Hai mẹ con ngồi bên nhau nơi bờ biển đông đúc người đi qua đi lại, nhà tôi ngồi sát sau lưng như chỉ lắng nghe và giờ đây tôi sẽ được thấu hiểu hết những gì mấy tháng nay cứ mờ mịt tối tăm.

Thưa ba má!  Chúng con đã suy nghĩ thật là lâu để đi đến quyết định này .

Cháu nhìn tôi một thoáng rồi tiếp.

Tổ chức một đám cưới dù chúng con làm ở nước Đức hay ở Mỹ thì chi phí cho nhà hàng, cho quan khách mời, cho quần áo cưới, cho nữ trang và những thứ linh tinh cũng sẽ hơn hay bằng hay ít hơn chút ít chi phí mươi ngày chúng con đón hai gia đình đến nơi đây.  Chúng con muốn mình luôn nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của hai bên ba má đã nuôi nấng dạy bảo chúng con nên người và được sự thành công như ngày hôm nay.  Thay vì tổ chức một đám cưới với bận rộn, mệt nhọc chúng con muốn lễ cưới này sẽ là thời gian nghỉ ngơi, làm quen hai gia đình tạo một không khí thân thuộc gần gủi, con và Nina không đặt nặng chuyện đám cưới, quần áo cưới hay bánh cưới to lớn gì cả mà chỉ muốn thực sự sống trong tình yêu thương của hai gia đình  và sống thật đơn giản như lâu nay chúng con đã sống
Chúng tôi nhìn nhau, nhìn đứa con nay đã 38 tuổi  thật lâu thầm cảm phục cho ý nghĩ mới mẻ và có phần táo bạo này.

Đây có phải là một đám cưới hiếm hoi trong năm 2015 này không?  Hay sẽ tìm ra thêm một danh từ nào khác cho sự việc này?

Lắng im một lúc thật lâu, nhìn đứa con trai ăn nói già dặn , suy nghĩ cặn kẻ có chiều sâu này tôi lại nhớ mới ngày nào bồng con trên tay rời quê nhà đi ra biển, thầm cảm ơn biển rộng đã nương tay trôi dạt đến đây để hôm nay nhận được niềm vui từ đứa con này.

Nhà tôi ôn tồn nói thêm nếu các con thật sự muốn như vậy thì ba má cũng như nhà gái đều vui mừng, cảm ơn các con đã nghĩ như thế và tất cả chúng ta sẽ thật thoãi mái và  vui vẻ suốt thời gian ở đây.

Buổi chiều xuống mau , nắng biển và mặt trời vẫn đỏ rực.  Mồ hôi đã đổ ra ướt dầm  nhưng khi rời bãi biển tôi lại thấy mình ung dung và nhẹ nhàng hơn khi nào hết.



Thực sự các con của chúng tôi đã mang ý định này và tặng cho chúng tôi?


Một tuần báo hiếu cho cha mẹ hai bên?


 ………………………….

 
Hôm nay, chương trình cả nhóm sẽ lên chiếc du thuyền đã mướn sẳn và đi ra thăm biển.


Mưa bay bay vài giọt và cơn nóng hừng hực như chào đón chúng tôi buổi sớm mai.


Đến bến tàu, mọi người kéo nhau lên boong.


Tàu chạy khoảng một giờ sẽ ngừng lại để xem nơi cá Delphin bơi lội.

Ui! Cá cơ man là cá, chúng bơi qua bơi lại khi chỉ thấy vy cá nổi đen sì trên biển, khi thì chúng phóng cao lên rồi đập mạnh xuống nước biển tung tóe khắp nơi, khi thì chúng là đà  lượn qua lượn lại, chiếc  du thuyền tắt máy thả neo nên  không khí im lìm bọn cá tha hồ nhởn nhơ.

Thăm đàn cá Delphin xong chúng tôi được đưa đến một vùng khác xưa kia là nơi phun núi lửa và như thế những loại cá kiểng tụ tập nơi này thật nhiều.  Mỗi người muốn lặn xuống xem  đều được nhận một cặp kính và hai chân nhái . Chưa kịp lặn xuống thì chung quanh đàn cá tuyệt đẹp này đã bu lại quanh thuyền đủ màu đủ sắc.  Người nào khi lặn xong rồi lên thuyền cũng suýt xoa khen liên hồi cá đẹp, biển yên  nước biển xanh một màu xanh tuyệt diệu.


Thuyền lại nhổ neo chạy tiếp đến nơi khác rồi lại neo thuyền dừng cho bà con nhảy xuống biển tắm.  Biển hôm nay thật yên, sóng đánh nhè nhẹ chỉ nổi lên trên sóng nước vài ba bọt biển.  Người ta hầu như quên đi tất cả những gì lo âu bận rộn  lẫn những giây phút căng thẳng xung quanh.  Vui với biển, cười chung với biển và  nằm lắng im trên boong tàu hong nắng  nghe tiếng gió vi vu .


Mọi người đã quay quần chung quanh chiếc du thuyền, thức ăn đã được dọn lên nào là cá chiên vàng rụm,  sà lát trộn và nui  được  bày ra với sốt ngon béo ngậy, mấy mâm trái cây  nào là thơm, dưa hấu chín đỏ au.  Cả đoàn bơi mệt, ăn ngon nên ăn hoài không thấy no.


Thuyền quay về lại bến,  bây giờ chỉ nghe tiếng sóng biển rì rào nhìn quanh hình  như ai cũng nằm ngủ mê mệt.


Mơ gì?


Mơ trông thấy mỹ nhân ngư?


Trở lại Villas Escape,   chúng tôi có hai giờ nghỉ ngơi sau đó sẽ dự một Party cũng vừa xem như là buổi ra mắt hai họ vừa trình làng cô dâu chú rể.

 
19 giờ .


Nắng vẫn chói chan , cơn nóng cứ hừng hực và mồ hôi mặc kệ vừa tắm xong  lại ướt ướt trong người.


Xem kìa!  Đám con trai xì xào tới lui xem như có gì bí mật.  Chú Năm nó đang cười cười thật vui vừa ghé sát tai nghe René người bạn đồng nghiệp của chú rể đang kể lể những điều gì xem thật thú vị, lâu lâu lại vổ vai nhau cười hăng hắc, tôi đi theo hỏi hoài mà chú cứ lắc đầu nguầy nguậy…xin lổi chị, em không được tiết lộ với ai hết!  Thế rồi lại cười….


Đám đàn bà con gái cứ nhìn theo đoán già đoán non  nhưng cuối cùng cũng không biết được gì.


Rồi chú rể bước ra, chúng tôi cũng không nín được cười khi nhìn thấy chú mặc áo Tshirt có in hình của Lý Tiểu Long, quần Short  màu xanh  nhạt mang dép …..nhật loại đi ra biển.  Cô dâu mặc chiếc áo đầm xanh  loại cũng đi biển, bạn bè  lấy chiếc áo khoác voan mỏng  phủ lên đầu làm khăn cưới, sợi dây kim tuyến tìm đâu đó làm sợi dây chuyền …. Cả hai bên sui gia chưa kịp nín cười thì anh Casi ra dấu kéo nhau đi ….rước dâu bên Villas số 2 nơi gia đình nhà gái đang ở.


 
Bước vào ngay sau cánh cửa lớn, tôi là má chú rể  nên hai má con phải dừng chân nơi đây, đối diện bên kia là ba má cô dâu và cô dâu đang cười tươi tắn với khuôn mặt không chút trang điểm nào, nắng biển mấy hôm nay làm cô duyên dáng thêm….


 
Mọi người chăm chú lẫn cười khúc khích khi tôi đi cùng chú rể mang đến giao cho cô dâu cùng cha mẹ vợ.  Anh chủ lễ Casi cố ý sắp xếp như vậy mà, anh đứng trên bục cao mặc chiếc bademantel của khách sạn cố ý thòng sợi dây dài xuống một bên như  hình ảnh trong nhà thờ, tay cầm Iphon đã ghi sẳn những gì muốn nói hôm nay và hai gia đình đã sẵn sàng mang cô dâu chú rể giao hết cho vị chủ lễ.


Anh Casi ra hiệu cho hai người quỳ xuống, cố ý cho mọi người nhìn thấy sau đó đã để một bình hoa và một tượng phật, anh nhắc những kỷ niệm của cả hai từ khi quen nhau cho đến khi ra Tòa Thị Chính ký giấy tờ và chính anh cùng vị hôn thê của anh cũng là người chứng thân tình của đôi trẻ. Anh bắt cả hai phải hứa trước mặt hai họ và bạn bè mãi mãi sống bên nhau , luôn giữ gìn hạnh phúc rồi anh quay lại nhắc hai người trao nhẫn cho nhau.


Cháu bé Anh Phi 7 tuổi  con trai của chú Năm đã trịnh trọng mang vào chiếc gối nhung có để sẳn hai chiếc nhẫn cưới bằng cỏ tranh  và cả hai đang tươi cười trao nhẫn cho nhau.


Tôi thấy hình như mắt mình đã nhòa đi vì cảm động, nhìn sang sui gia ông bà cũng đang lấy khăn giấy ra kín đáo lau nhanh đôi mắt … rồi đám bạn thân lên kể những chuyện vui buồn từ ngày quen nhau và lý do bền chặt đến ngày  hôm nay.


Thì ra cả hai từ khi ra đời từ khi chân ướt chân ráo đi làm ở Tây Ban Nha, sang đến Nữu Ước rồi trãi qua những thăng trầm nhất nhất đều chia xớt cho nhau.


 Màn chúc tụng kéo dài với tiếng cười vui vẻ, tiếng  cảm ơn như không dứt của cô dâu chú rể.  Tôi ôm Nina vào lòng nói với cô con dâu giờ thì gia đình mình lại lớn thêm chút nữa, suốt đời má mong tiếng cười hạnh phúc này má sẽ được nghe hoài.


Lễ tan, mọi người cùng kéo nhau sang Villas số 1 cùng ăn mừng.


Buổi tiệc linh đình đã được dọn sẵn, ly rượu vang sóng sánh trên tay, chúc mừng và cụng ly…lời chúc tụng râm ran như không dứt.


Rồi chiếc bánh cưới nho nhỏ được mang ra, trên được chưng bày hai nhân vật Ninja , chú rể cô dâu tươi cười giới thiệu hai nhân vật này tượng trưng cho chúng con đó, suốt đời chúng con muốn sống thật đơn giản, chân thật và yêu thương hết cả mọi người.

Tiệc sắp tàn, chú rể đứng lên xin nói vài câu cảm ơn hai bên ba má và bạn bè, chúc tất cả sẽ có những ngày vui và thật thoãi mái khi ở đây.



 
……………………………….


 
Hôm nay một số sẽ đi  biển.


Số khác sẽ đi bằng tàu máy vào sâu trong những sông lạch để xem hoa rừng,  những thú vật hiếm có ở đây.


Cũng nhắc thêm Costa Rica tuy là một quốc gia nhỏ bé nhưng ngành du lịch phát triển rất mạnh mẻ, nhiều thú vật hầu như gần tuyệt chủng và ở đây đã cố giữ gìn, họ luôn ra sức bảo vệ và kêu gọi hãy bảo vệ thiên nhiên , môi sinh….


Chiếc ghe máy đậu ngoài xa, chúng tôi phải đi trên những bao cát đang lún sâu dưới sình lầy và phải đi cho cẩn thận,  rủi trợt chân là lấm ngay sình bùn.  Nhưng rồi ai cũng an toàn khi bước lên ghe.


 
Tàu chạy chậm , người hướng dẫn chỉ quanh bao nhiêu là loài bướm màu sắc sặc sỡ , chuồn chuồn đỏ rực như lửa bay lượn chung quanh chúng tôi, con Faultier được gọi như con lười vì chúng chẳng hề di động chút nào có con hai móng và có con ba móng đang hiếm dần và người ta hết lòng ra sức bảo vệ. Hoa lan rừng , hoa  chuối loại không có trái, nhiều vô số kể những loài hoa chúng tôi không biết tên nở rộ hai bên bờ sông và giống khỉ con thiệt là đặc biệt, mặt chúng vàng lông đen tuyền thân hình nhỏ thó chúng xuất hiện khắp nơi, hầu như sáng nào chúng cũng lượn qua lại nơi balcon và tìm cách vào nhà, vì vậy mà cửa nẻo đều được khóa an toàn chỉ khi lơ đểnh thì khi trở về phải cất công dọn dẹp.


Ghe chạy thật chậm, nhìn hai bên toàn sông nước, lại nhớ ngày mình ra đi sao mà nhớ vô cùng.


Đây là rừng đước rễ được bám chặt vào đất để giữ nước, loài chim xanh blue bird nổi tiếng hiếm quý cũng qui tụ nơi đây, xa xa  trên những cồn đất đủ các loại cò trắng , Pelikan lông màu hồng,  giống chim đen to lớn, nơi đây cũng nổi tiếng với giống chim Tulka mỏ to dài màu sắc sặc sỡ được vẽ hay chụp quảng cáo khắp nơi.


Ghe chạy đến một chân cầu dài thì dừng lại.

Trên cầu người dân bản xứ  với làn da đen sạm nắng, tươi cười đang rao bán mía.


Mỗi chiếc ghe máy đến đây đều dừng lại, người dân làng chỉ chờ bán vài cây mía là đủ sinh nhai.  Cô út mua và xin đãi hết mọi người trên ghe, những lóng mía tươi ngọt mềm , ăn vào lại nhớ quê nhà da diết.


Ghe máy lại tiếp tục chạy.


Đến một cồn cát khác dài rộng hơn, người ta có thể xuống ghe đi tới đi lui và người hướng dẫn cho hay nơi này là chốn cư ngụ của bọn khỉ con.


Hãy cho nó ăn chuối, nhớ đừng nhìn mặt bọn chúng sẽ sợ và chạy mất hết, anh ta cứ dặn đi dặn lại câu này.


Cầm chuối trên tay, có người để trên nón, trên vai.  Bọn khỉ lân la lấm lét đến gần  chỉ chờ chụp được miếng mồi là lại hè nhau chạy mất.  Nhìn quanh ai ai cũng lấm lem chuối đầy áo, đầy vai, có con bạo dạn chúng leo lên trên đầu du khách thò bàn tay dài xuống vai xuống bất kể nơi nào để mồi, hể lấy được là lại nhanh nhẹn phóng đi tuyệt nhiên không hề hung dữ hay tấn công bất kỳ ai.

 




 

 



Chiếc ghe máy tiếp tục chạy theo hướng dòng sông đi ra biển.

 
 



Sóng đánh vào một vệt trắng dài , người hướng dẫn chỉ nơi đó là chỗ tiếp giáp giữa sông và biển,  bên nay dòng nước ngọt sang bên kia dòng nước mặn thiệt dị thường.

 

Nhìn sông nước một màu thản nhiên và bình yên trôi chảy, lâu lâu một đàn chim nằm trong bãi sậy nghe tiếng động  túa ra bay lên không, khung cảnh nên thơ  thật thanh bình như những năm nào ở quê nhà.

 

Sau hơn 4 giờ đi thăm cây cối, chim chóc, hoa cỏ trong rừng cùng bầy khỉ nhỏ nhắn dễ thương  chúng tôi được đưa về ăn trưa ở một quán ăn do anh hướng đẫn giới thiệu.

 

Thức ăn khá giống bếp của mình,  họ cũng ăn cơm với càry gà, cá sốt cà, cá chiên, chuối chiên mặn loại chuối cứng không mềm giống như chuối sứ, đặc biệt món khoai mỳ luộc chín rồi chiên vàng ăn như món mặn, cũng salát trộn …vv…vv..

 

Trở về Villas Escape, một số chưa mệt thì khăn áo ra biển còn chúng tôi ngồi quanh hồ bơi trước nhà thưởng thức trái cây ngon tươi mát lịm nhủ thầm phải để dành sức cho ngày mai.

 

…………………

Một ngày lại qua.

Ăn sáng xong là chúng tôi đi thăm National Park.  Mọi người lo mang theo ít nước uống và bánh khô dùng dọc đường.

 
Người hướng dẫn lại nhắc nhỡ,  dân chúng bản xứ cũng như du khách hãy cùng nhau tiếp tay bảo vệ thiên nhiên…  Đến nơi mới biết ý anh ta rõ ràng hơn  chuyến đi xem công viên quốc gia này kéo dài hơn hai giờ nhưng nơi đó không hề có một nhà vệ sinh nào!

 
Lý do cũng là bảo vệ thiên nhiên?

 
Nhìn du khách hối hả xếp hàng dài dài và chờ dài cổ…chỉ có một nhà vệ sinh cho hàng bao du khách đứng chờ.  Nhiều người than thở chờ để bước vào và khi trở ra lại chờ để quay vào vì …quá lâu.  Người hướng dẫn hình như đã quá là quen với cảnh này nên anh ta cứ tỉnh queo…như người Hà Nội.

 

Bắt đầu vào cổng, hai bên đường cây cối cỏ mọc um tùm.  Hoa lan vẫn là những loài hoa hiếm quý nở khắp mọi nơi.  Bướm bay lượn là trước mắt, một chú rắn nằm ngang vắt vẻo trên thân cây gổ mục im lìm như say ngủ, dưới tàng lá khô loài cua đỏ rực như mào gà lỡ xui bị cắn là hết phương cứu chữa, cứ vài ba đoạn đường là xuất hiện ra nào là nhện độc, thằn lằn , kỳ nhông, cắc kè to nhỏ dài ngắn, cũng loài chim xanh hiếm hoi blue bird mà mỗi giây hai cánh quạt nhanh đến 200 lần, cả bọn dừng chân xem đoàn kiến lửa tải lương thực mà rùng mình, chiếc lá rơi xuống chúng cắn nát ra hàng trăm mảnh rồi cùng nhau tha đi tạo ra như một tấm tranh màu xanh đang di động.

 

Điểm đến cuối cùng là một bãi biển xanh mát,  được xem như là một trong những bãi biển đẹp ở đây.






Chúng tôi đã dừng lại nơi này hơn hai giờ để vui đùa cùng sóng nước.  Cát mịn êm dưới chân,  trên bãi là những cây sung đầy trái, bọn khỉ mon men lại gần rình rập chụp thức ăn, cứ mỗi lần thấy chúng thì anh hướng dẫn lại nhắc chừng xem kỷ đồ đạc thật vui.

 

Mưa bay bay, thi nhau cùng sóng biển dạt dào.  Mưa trên những tàng lá chuối,  trên những bụi tre vàng to lớn cao sừng sững, trên những cây xoài trĩu nặng trái chín vàng, những trái đu đủ xanh mướt ôm ngang thân tròn bắt mắt, những quầy chuối buồng dài những trái rồi hàng dừa xanh  đùa theo gió quay quắt tới lui.

 
Mưa không lâu nhưng khi dứt thì nóng ơi là nóng.

 

Mồ hôi lại thi nhau đổ xuống từng giọt, từng giọt…..Trở về  nhà tôi trốn ngay vào hồ bơi ở tầng trệt lim dim đọc sách và mâm trái cây tươi mát thơm, xoài, đu đủ, dưa gang, dưa hấu đỏ au lại được bày ra mời mọc người …hãy thưởng thức và tận dụng những ngày còn lưu lại nơi đây.

 
………………….

 

Chúng tôi lại lên xe, bà con đang trầm trồ thác nước  Nauyaca.

 
Thác nước tuyệt đẹp này cách xa nơi chúng tôi đang ở độ hơn hai giờ xe hơi, phần ở đây xe không được chạy nhanh phần đường ghập ghềnh nên đa số ngồi trên xe cứ háo hức trông cho mau tới.  Dốc cao như Đàlạt,  đất đỏ và đá cuội đầy đường, nhiều đoạn dựng đứng thấy hơi ớn rồi khi chạy qua lại có những đoạn đường dốc chúi nhủi, xem như hôm nay chúng tôi cùng thi gan lên dốc xuống đèo cho khỏi bỏ công.

 

Qua khỏi đoạn đường chính, giờ bảng chỉ dẫn đã thấy đề tên thác nước Nauyaca.

 

Xe quẹo vào con đường nhỏ toàn đất và đá,  xuống dốc dựng đứng  làm René phải chạy thật chậm xe lắc lư ghập ghềnh, con đường khó đi này dài độ 5 Km cuối cùng cũng đã vào tới bãi đậu xe, ai nấy thở phào vội vàng xuống xe hăm hở đi tìm thác nước.


Từ đây vào tới nơi sẽ dài 3,5Km.

 
Nắng thật gắt và nóng nực, phần leo lên con dốc cao ai ai cũng phải ngừng nhiều lần để nghỉ mệt .  Mồ hôi cứ tuôn như tắm, hết ướt lại khô cứ nhiều lần như thế và rồi chúng tôi cũng đến được thác nước này.  Trên đường đi, cũng may là có nhiều cảnh đẹp,  cứ dừng chân chụp hình, uống nước, tán gẩu và cứ như thế đường xa bổng hóa ra gần.

 
Á kìa!  Tiếng róc rách của con suối.

 
Tiếng người kêu réo gọi nhau, tiếng cười đùa trong làn nước trong dần dần hiện rõ.  Lối đi xuống con thác đã được làm thành những bậc thang như thác Prenn ở Đàlạt, hai bên là những ống tre vàng đóng chặt vào thành, người đi xuống sẽ an toàn  không sợ trợt té .

 
Xuống dần, xuống gần thêm tí nữa ta nghe tiếng nước reo như khúc nhạc bập bùng.

 
Ai nấy hầu như quên hết cơn mệt mỏi, quên hết đoạn đường khấp khểnh cheo leo, trãi nhanh chiếc khăn tắm, thay ngay bộ quần áo tắm phóng ùm vào làn nước trong vắt mát lạnh.

 
Những hòn đá bám rêu xanh khá nhiều nên tới lui hơi trơn trợt nhưng không vì thế mà e ngại ai cũng ráng bò ra tận nơi dòng thác đang đổ xuống ì ầm.

 
Ôi! Cảnh thần tiên có phải là đây?

 
Ngọn thác thật đẹp, bao xung quanh là những vách đá lẫn cây rừng như tre, chuối hoa lan , hoa rừng màu rực rỡ. Thầm khen không bỏ công lặn lội tới nơi đây.





Tắm xong lên nằm nghỉ, lại trở xuống tắm mãi tới xế thì chúng tôi mới lục tục rời thác quay về.  Đường tuy xa mà gần vì khi về chỉ toàn xuống dốc, tuy đi chậm rãi mà như thi nhau chạy …Chẳng mấy chốc đã đến nơi bãi đậu xe,  giờ thì giao cho anh tài xế René đưa đi đâu thì đi ai nấy nằm im trên xe lim dim mơ về thác nước.
Chúng tôi ghé tạt vào siêu thị mua ít cà phê mang về làm quà, ở đây có loại Tabasco ngon lắm nhưng không được mua quá hai chai bé tí xíu cho mỗi người, lý do chúng tôi phải đổi máy bay ở phi trường Atlanta.

Đêm nay,  đêm cuối cùng ở Costa Rica.
Sau những ngày dự tiệc cưới gia đình, đi chơi, tắm biển, thăm thắng cảnh ở Quepos.  Chúng tôi sẽ được ăn một buổi tiệc chia tay linh đình với hai đầu bếp vui tính dễ thương nấu nướng ngon tuyệt này.

Ừm!  Nào là tôm hùm nướng, cá hồi nướng, tôm bạc sốt tỏi, tôm trộn sàlát kiểu Costa Rica có dâu tươi và dưa gang xem đẹp mắt và ngon, một mâm sò đủ loại  được trộn chung với mực tươi tỏi phi vàng cùng ít rau ngò trộn lẫn cà chua xem thật ngon mắt, xen vào một mâm cơm chiên như cơm thập cẩm của mình.

Chúng tôi ăn rồi cụng ly, chụp hình kỷ niệm.  Cô dâu chú rể đứng lên nói vài câu cảm ơn hai gia đình bạn bè, ôi hình chung, hình riêng, hình tất cả người tham dự, nhìn ai cũng hây hây hồng đôi má vui vì không khí gia đình vì những ly vang đỏ hay vui vì ở đây một không khí hài hoà đầm ấm của hai bên nhà trai nhà gái ?  Tóm lại niềm vui không biết từ những lý do nào nhưng hình như có đủ hết những ý tưởng mà tôi đã nghĩ ra.
……………….
Chuyến xe đã đưa chúng tôi về lại San Jose để từ ở đây sẽ đáp máy bay về Atlanta, sau đó đổi thêm hai lần nữa mới về đến nhà.
Ngồi yên trên máy bay, nhớ lại những lời thằng ba tâm sự tôi thầm cảm ơn hai đứa con đã có những tư tưởng và hành động khác người như thế.
Có cô con gái nào lên xe hoa không mơ một lần mặc chiếc áo cưới?
Không đúng!  Con dâu của chúng tôi cũng đã mặc một chiếc áo cưới đẹp tuyệt vời mà không bút viết nào tả được.  Đó là chiếc áo đến đáp công ơn cha mẹ hai bên, chiếc áo tình nghĩa, chiếc áo đã ghi chép lên đó đầy đủ những hình ảnh  sâu đậm tình người mà hai bên cha mẹ mỗi lần nhớ đến sẽ thấy ấm áp trong lòng.
Tôi đã ôm đứa con dâu vào lòng thủ thỉ bên tai Nina :  Cảm ơn hai đứa con đã  cho ba má tham dự một đám cưới thật vui, thật đẹp.
Cô đã cười tươi tắn như đoá hoa lan:  Hy vọng khi về nhà ba má sẽ thật  hài lòng.
Các con nói đúng, không những là quá hài lòng mà ba má cũng không bao giờ quên một đám cưới lẫn thời gian đẹp tràn đầy ý nghĩa  cùng với các con nơi đây.

                                                                Minh Trang
                                         Munich, Germany - Tháng 4- 2015
                                             
 
 







NỘI- NGOẠI
Thời thơ ấu,
 
Lúc lên 7 hay 8 tuổi, lúc tôi đã biết đọc biết viết, những cuốn sách Hồng, Tuổi Hoa hay những trang báo thiếu nhi trong những tờ nhật báo thời đó đã được tôi ôm vào lòng hay say mê đọc nghiền ngẫm các đề tài ông bà ngoại hay ông bà nội.
 
Nào là ….bà tôi mái tóc bạc phơ lưng còng đi đứng tới lui khó nhọc nhưng mỗi lần đi đâu về bà đều mua bánh mua quà cho các cháu…..
 
Hay:  Ông tôi thật già đi đâu cũng chống gậy nhưng ông thương yêu và quý chúng tôi bội phần.  Ngồi cạnh ông chúng tôi luôn được xoa đầu hỏi han chuyện học hành, ông hay kể chuyện cổ tích cho anh em chúng tôi nghe….vv….vv…
 
Tôi không có cái may mắn hay phước phần như những bạn bè khác, từ khi sinh ra và lớn lên tôi đã không hề được nhìn thấy hay gọi một tiếng ông bà nội hay bà ngoại bao giờ.
 
Ba tôi bỏ quê nhà Thanh Hoá ra đi từ khi còn rất trẻ, năm 1940 hay 1942 gì đó.
 
Quê nhà theo ông kể thiệt là nghèo phần chiến tranh liên miên phần cường hào ác bá vì vậy cho nên cuộc sống người dân thấp cổ bé họng thập phần khốn khó.
 
Ông phiêu bạt dần dần vào đến Huế, nơi này cũng không mấy khá hơn đời sống nổi tiếng là đất cày lên sỏi đá mà.  Duyên số ông gặp má tôi rồi lập gia đình sinh ra anh tôi vào năm 1947, chị tôi 1949 rồi lên lập nghiệp ở Đàlạt tới nay.
 
Đàlạt, thành phố dễ thương hiền hòa này tôi và các em được sinh ra đời, ông hay nhắc sông Bến Hải là nơi chia cắt hai miền cũng như núm ruột của ông chia lìa từ đó.
 
Ít và hiếm khi nghe ông nhắc về quê nội, phải chăng ở đó chỉ là đau buồn nghèo khó tả tơi và cả trái tim con người cũng dần dần khép kín?
 
Má tôi quê ở Thừa Thiên An Cựu, gia cảnh cũng chẳng khác gì ba của tôi nhưng bà lâu lâu thì lại bùi ngùi nhắc đến:
 
Nhà mình nghèo xơ nghèo xác, bà ngoại lại qua đời khi sinh ra cậu út.  Cả nhà sống nhờ một tay bà xoay sở lớp buôn bán tảo tần lam lũ, lớp chằm nón lá bài thơ lây lất sống qua ngày cùng ông ngoại và các cậu……
 
Sống ở Đàlạt vài năm thì cuộc sống gia đình chúng tôi đã tạm ổn.  Nhìn cuộc sống có chút ăn chút để, má tôi ao ước một lần rước ông ngoại từ Huế vào Đàlạt phụng dưỡng báo hiếu những chuỗi ngày cơ cực đã qua.
 
Và …một ngày đẹp trời ông tôi đã vào tới Đàlạt.
 
Nhưng!  Hoàn toàn trái ngược với những bài thơ hay văn mà tôi đã đọc, khác hẳn với ông ngoại của bạn bè mà tôi từng quen biết và không giống ông ngoại nào ở chung quanh xóm tôi cư ngụ.
 
Ngày má tôi đón ông vào….
 
Mới bước vô cửa, ông nhìn quanh căn nhà bỏ mặc chúng tôi đang đứng xung quanh chờ ông để thưa chào.  Ông đi thẳng đến chiếc đi văng mà má tôi đã dọn sẳn .. đặt mình xuống lấy mền đắp rồi thì nằm im lìm không một lời!
 
Ngày đầu cả bọn ngơ ngẩn cứ nghĩ là đi máy bay đường xa nên làm ông mệt, hy vọng chờ đến ngày mai ông khoẻ lại sẽ gọi anh em chúng tôi đến hỏi han xoa đầu cho bánh kẹo …như sách vở đã diễn tả.
 
Nhưng!
 
Ngày một, rồi ngày hai …sang đến ngày ba…
 
Cứ ba bữa ăn má tôi dọn sẳn, ông ngoại chúng tôi thức dậy ăn uống …xỉa răng rồi lại đi nằm….
 
Và đám cháu ngoại đứng rơ rơ …..dần dần đến né xa!
 
Chúng tôi có vài lần hỏi má sao ông ngoại không ngó ngàng gì tới mấy đứa cả.
 
Má tôi cười với nụ cười thật buồn …chắc ông ngoại già và cũng xa lạ với hết thảy các con đó. Câu trả lời này không thỏa đáng chút nào nhưng thấy má buồn anh em chúng tôi đều lắng im.
 
Thời gian cứ dần trôi,
 
Ba tháng, rồi sáu tháng…rồi một năm.
 
Hai chữ ông ngoại đã bỏ anh em chúng tôi và đi xa ngàn dặm.
 
Ở Đàlạt, ông tôi còn có hai cậu con trai hiếm khi thấy hai cậu đến đón ông về nhà thăm, chỉ lâu lâu hai cậu ghé nhà má tôi lại lăng xăng lo hầu cơm nước, ăn uống xong các cậu đi về ông tôi lại đặt mình lên chiếc đi văng quen thuộc im lìm nghỉ ngơi.
 
Ông ngoại của chúng tôi.
 
Lâu lắm rồi từ khi ông vào ở với gia đình mắt ông chưa một lần nhìn đám cháu ngoại,miệng ông chưa lần mở, chân ông chưa lần đi đến gần chúng tôi hỏi han và hình như ông cũng chưa nở một nụ cười nào.
 
Cảm giác của anh em chúng tôi dần dần đi đến …né tránh ông ngoại.
 
Ôi!  Cái cảnh xoa đầu, cho bánh kể chuyện cổ tích trong sách vở ….làm tôi lắm lúc đâm ra nghi ngờ…Không chừng mấy vị viết văn thơ đó không mấy thật lòng diễntả lắm à nha.
 
Má tôi thì thật là tội nghiệp, phần thương ông ngoại phần xót xa cho đàn con… Hai năm sau đó bà đưa ông trở về An Cựu.  Thật nhiều lần bọn chúng tôi đã xà vào lòng của má, nằm lên đùi của má, áp mặt vào lưng má và hỏi han sao ông ngoại tụi con khô khan, không thương tụi con như những ông ngoại hàng xóm?
 
Ui!  Chưa lần nào mắt má buồn như vậy, bà nhìn đâu đó xa xăm vào khoảng không thật lâu với giọng kể thiệt là bùi ngùi bà cho chúng tôi biết nguyên nhân:
 
Như các con đã biết, làng mạc nơi má sinh ra nghèo lắm, nhà 5 anh em với ông ngoại sống bữa đói bữa no, má là đứa con gái đẹp nhất trong nhà nên chung quanh rất nhiều nơi ngắm nghé.
 
Lắng im một hồi thật lâu rồi bà kể tiếp:
 
Ai ai ngỏ lời má cũng không ưng chịu vì gia cảnh không khác gì nhà mình.  Cái đói cái nghèo cứ vây quanh bên chân đi theo như hình như bóng năm này sang tháng nọ nên má nhủ thầm trong lòng có cơ hội rời xa nơi đây là má sẽ nhất định đi ngay không chút luyến lưu.
 
Rồi ba các con đi ngang qua, ông là mẫu người lãng tử, ăn nói ngọt ngào, có nghề làm bếp chính cho một viên công sứ người pháp, vừa gặp má đã đem lòng thương mến vừa nhìn má đã biết đó là mẫu người má sẽ lập gia đình.
 
Nhưng thời gian sau đó ông ngoại biết được và ngăn cấm nghiêm nhặt, ông chỉ muốn má sống quanh quẩn bên liếp nhà, làm nghề chằm nón lá chăm lo gia đình và nếu ưng ai cũng phải là được ông ưng thuận và một tay ông đứng ra gầy dựng.
 
Cuối cùng thì bà đã bỏ nhà đi theo ba chúng tôi….đi thật xa lên tới Đàlạt lập nghiệp và vì như thế cơn giận của ông ngoại chúng tôi cứ vậy tăng dần cho đến khi má tôi quay về rước ông vào Đàlạt phụng dưỡng.
 
Ông ngoại tôi “ừ”  đi theo con gái mà cơn oán giận ông cũng gói mang theo kết cuộc đám cháu ngoại vô tội bị ông ghét lây theo nổi hờn giận của người lớn.
 
Và kỷ niệm cùng ông ngoại chúng tôi trong hai năm dài thật là quá sức tiếc nuối, ít oi. Chúng tôi hầu như không có tí gì để có thể mang ra khoe với bạn bè cùng trang lứa.
 
Rồi ba má chúng tôi cũng đã qua đời.
 
Tôi lập gia đình sau đó vài năm, hi hữu thay đứa con đầu lòng được sinh ra cũng vỏn vẹn có được mỗi mình bà nội. (Ông nội qua đời rất lâu trước đó).
 
Ngày cháu ra đời, bà nội ngồi chờ cả đêm trong bệnh viện.  Khi cô y tá mang cháu ra thì bà đã giang hai tay ôm cháu vào lòng rồi suốt ngày bế ẳm nâng niu.
 
Nhà tôi nhắc chừng:
 
Má bế cháu lâu ngày quen hơi, khi má về thì ai bồng cháu đây?
 
Bà cười:
 
Thây kệ bọn bây, cháu nội của bà thì bà phải ẳm mà thôi.
 
Đầu năm mới, chúng tôi mang cháu về quê nội. Phan rang nóng nực mồ hôi đầm đìa dù là những ngày đầu năm.
 
Mồng ba tết, bà cháu đi mua sắm đầu năm và lúc trở về thì hai tay hai giỏ  đầy.  Cái gì cháu đòi bà cũng: Ừ! để nội mua …..
 
Một thoáng ngậm ngùi làm tôi nhớ về ông ngoại của chúng tôi.  Hai cảnh trái ngược của tình thương và nổi oán hờn.  Thì ra sách vở đã viết nói không sai điều gì cả, chỉ có tôi vô phúc không hưởng được chút nào tình yêu thương của ông bà nội ngoại.  Cảm giác và nổi niềm mơ ước được nép một lần vào lòng ông bà hay cầm những bàn tay nhăn nheo lên rồi âu yếm đặt một cái hôn hoặc là ngồi lắng im nghe kể những câu chuyện mà thời thơ ấu chỉ mới ao ước được nghe kể là đã thấy sung sướng thật rồi…..Đơn giản như vậy mà cả đời tôi chưa một lần nhận được.
 
Nhìn các con của chúng tôi khôn lớn trưởng thành và đã lập gia đình.  Nay mai bọn chúng cũng sẽ mang cháu nội ngoại về nhà chào hỏi.  Chắc chắn một điều các cháu nội hay ngoại của tôi đều sẽ được tôi yêu quý nâng niu và sẽ vui sướng làm sao khi bên nay bọn trẻ gọi tôi là bà ngoại rồi quay sang bên kia bọn trẻ lại gọi tôi là bà nội.  Nhất định tôi sẽ làm bà nội bà ngoại thật tốt để quên đi những gì ông tôi đã đối xử với chúng tôi trước kia.
 
Hoa tàn, hoa rơi rụng.  Mùa xuân lại trở về nơi nơi cây cối sẽ thi nhau đâm chồi nở lộc, tôi sẽ đặt cho những mầm cây non này cái tên là mầm yêu thương và mong rằng con người sẽ mở rộng trái tim mình để chắc chắn một điều là không phải tại nghèo khó mà đánh mất tình cảm thiêng liêng hay đổ lỗi cho đói nghèo mà trái tim mình thu bé lại.  Hay là đổ lỗi cho con cái không đồng cảm với những điều mình mong muốn như ông ngoại chúng tôi mà ghét bỏ con cháu mình.
 
Chắc chắn là những lỗi lầm của người xưa sẽ là tấm gương cho nay soi sáng và chúng tôi sẽ chẳng bao giờ hành xử hay đi lại vết xe của ông tôi.
 
Con dâu, con rể, con gái, con trai …..Một đại gia đình chỉ mong cầu hạnh phúc và đầy tình người, bậc làm cha mẹ chỉ dùng những chữ yêu thương chân thật mà ban phát ra.
 
Hãy sống vui, sống thật hài hòa an bình, có như vậy tiếng gọi ông bà nội ngoại từ đám con cháu mới ngọt ngào và chan hòa hạnh phúc.
 
 
                                                  Minh Trang
                                               Munich - GERMANY

 

 MÙA GIÁNG SINH LẠI TRỞ VỀ


 

Lật bật lại đến ngày Giáng Sinh và Tết Dương Lịch.
 
Ở đây Âu Châu cũng như nước Đức nói chung, Tiểu Bang Bayern, thành phố Munich nơi chúng tôi cư ngụ nói riêng, so với các Tiểu Bang khác thì ở đây mỗi năm có nhiều ngày nghỉ Lễ hơn, không kể số ngày dành nghỉ hè của các trường học. Về thời gian nghỉ hè giữa các Tiểu Bang thì không giống nhau, lý do nếu thu xếp cùng một thời gian thì..… triệu triệu chiếc xe sẽ ứ đọng ngoài xa lộ ( dân Đức nổi tiếng là một trong số những dân thích đi nghỉ hè ở Âu châu).
 
Từ đầu năm, nào là Tết Dương Lịch, Lễ Ba Vua, mùa HóaTrang, Phục Sinh, Lao Động, Chúa sống lại, Các Thánh, Đức Mẹ về trời, Quốc Khánh,Tiết Thanh Minh ( 1.11.) rồi lại …Giáng Sinh….v.v..và ..v..v..
 
Sơ sơ ngần ấy là có đến 8 tới 10 ngày nghỉ Lễ cộng thêm25 tới 30 ngày ( tùy từng hãng) cho nhân viên nghỉ phép thường niên, vậy mà nhất nhất ngày Lễ nào dân bản xứ cũng ăn, cũng uống tưng bừng, chưa nói đến cứ vào chiều thứ sáu mỗi tuần lại Hurra! …Hai ngày cuối tuần ..lại nghỉ!
 
Mùa Giáng Sinh cũng không ngoại lệ chút nào mà còn là Lễ lớn trong năm, bắt đầu từ 20 tháng 12 trở đi kéo dài cho đến qua tết Dương Lịch ở đây còn ăn, còn uống, còn yến tiệc nhiều hơn nữa.
 
Nào là hãng xưởng sau một năm dài làm việc… phải liên hoan với nhân viên, nào là bạn bè lấy cớ hết năm …Tây cũng đãi nhau, nào là những gia đình con cái lớn đã ra riêng và đi làm, xa hay gần cũng mặc, mấy ngày này cũng ăn …mừng cả nhà đoàn tụ.
 
Ngoài ra, một cây thông chưng trong nhà với đầy ắp quà cáp, hoa đèn dây kim tuyến muôn màu, không biết nơi các bạn ở: Mỹ -  Úc – Canada..v..v.. có gì đặc biệt trong ngày Giáng Sinh? Nếu có thể, xin các bạn vui lòng kể cho chúng tôi được biết.
 
Xứ  Đức ở đây nói riêng, đến mùa Giáng Sinh hầu hết nhà nào cũng ghé tiệm để mua về.. nhiều thì một thùng độ 5 ký, còn ít cũng gọi là 2 ký tròm trèm bánh Nürnberger Lebkuchen nổi tiếng sản xuất ở thành phố Nürnberg, đương nhiên bánh này chỉ bán trong mùa Giáng sinh đến cuối năm là chấm dứt. Bánh rất ngon bởi làm bằng  nào là bơ, đường, trứng, mật ong, quế, hồi, mứt chanh, cam, hạt dẻ , tất cả được xay mịn và sau cùng bên ngoài phủ kín hoặc dừa hoặc Chocolat đắng hay dịu, trắng hay nâu. Cắn vào một miếng….cảm thấy bánh mềm,ngọt dịu tan thơm trong miệng ngay!
 
Thành phố này cũng được đa số người trên thế giới biết đến nếu các bạn đã từng xem phim “ Vụ án Nürnberg “. Phim đã dàn dựng lại cảnh tòa án Quốc Tế xử tội Hitler, những chứng nhân cũng là nạn nhân đã may mắn sống sót và tài tử người Đức lừng danh Maximillian Schell trong vai người Luật sư biện hộ đã diễn xuất thật xuất thần, phần thưởng ông mang về lúc đó là một giải Oscar.
 
Trở lại mùa Giáng Sinh, ngoài loại bánh kể trên hầu như mọi nhà đều biết và tự làm những chiếc bánh nho nhỏ gọi là Plätzchen, gồm nhiều thứ và nhiều loại, nhiều tên: loại bánh bơ, loại phết mứt dâu, loại chuyên mùi quế, loại chỉ toàn là dừa, loại hạt dẻ với Chocolat phủ đầy, loại chỉ toàn Mazipan..v..v..và v..v...
 
Lý do chính mà ai cũng làm được là các loại bánh này dễ làm, chỉ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Những chiếc bánh bé tí vừa bằng một hay hai ngón tay mà phải nhồi bột, ép khuôn, nướng xong đem ra còn phết mứt hay phủ Chocolat hoặc đường màu…, hoàn thành xong một hai ký là đã qua nửa ngày.Vào tiệm bánh mua thử một ký loại ngon số 1 thì phải trả từ 30€ đến 40€ ( tương đương khoảng 50US Mỹ ..!).
Còn loại thường ( rất tệ) thì cũng đã 15€ một ký, ăn vào chỉ mùi …đường, bột và mỡ trừu.
 
Bởi mắc như vậy mà suốt hai tuần dài ăn một hai ký thì thật.. “ đau răng! ”, chưa kể lại còn làm quà cho bạn bè, hàng xóm, gia đình …cho nên những vật dụng cần thiết để hoàn thành các thứ bánh này khi vào siêu thị bạn sẽ thấy ai cũng chở ..thùng Carton chứ không đựng vài ba túi Nylon lẻ tẻ.
 
Bánh trái được làm xong thông thường trước ngày 6 tháng12, ngày này được gọi là ngày Ông Già Noel đi khắp nơi phát quà. Ông xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẹp: từ trường học, tư gia, hãng xưởng, tiệm buôn, quán xá. Có ông mặc đúng điệu với râu nón, áo đỏ, ủng đen, đeo trên lưng đầy những bánh trái hay  quà gói sẳn, cũng có ông Noel …nghèo do sinh viên hay học sinh đi làm kiếm thêm chút tiền đi học nên bộ vó.. ở trên thì đúng điệu nhưng ..dưới thì mặc quần Jean! Có ông thay vì đôi ủng đen thì mang .. đại đôi giày Bata, có ông còn bị đám nhỏ nhìn ra lại là…Ba của mình hóa trang! Có ông còn bị nhận diện vì hóa trang không kỹ nên thay vì gọi là ông già Noel thì nhân viên trong hãng gọi ngay là Peter hay Maier rất vui. Vài năm gần đây còn có những “ hình nộm ” các ông già Noel leo balcon, leo tường, lưng cũng đầy ắp quà. Người ta cười và cho rằng đây là mấy ông già Noel thăm những người ở trên cao mà nhà không có thang máy…
 
Món thứ nữa trong mùa Giáng Sinh cũng không thể thiếu sót khi dọn lên bàn là loại bánh Stollen, tôi không rõ xuất xứ từ nước nào nhưng đặc biệt từ nước Áo sản xuất là được xem như là… thượng hảo hạng. Bánh cũng làm bằng bột, bơ, đường, đặc biệt là cho vào đó ít rượu Rhum trộn lẫn mứt cam,chanh, nho khô, mật ong quấn lại thon dài như Buche Noel bên Pháp rồi mang  nướng vàng, chờ nguội rắc đường bột phủ trắng xóa. Khi ăn cắt lát mỏng, để bên cạnh một ly càphê Espresso hay Cappuccino sản xuất chính gốc từ Ý tà lồ …là ngon hết biết luôn.
 
Chưa hết! Cứ bước vào nhà ai lúc này hay đang rảo bộ ngoài phố xem ngắm không khí của mấy ngày này thì mùi rượu vang nóng Glühwein bay thơm ngào ngạt. Loại rượu “ chát đỏ ” này chỉ uống nóng, khi nấu cho thêm vào cam tươi và quế, dĩ nhiên cũngchỉ uống trong mùa Giáng Sinh mà thôi.
 
Thế nhưng…Lebkuchen, Plätzchen, Stollen hay Glühweinchỉ là những món ăn, uống …chơi dành khi khách khứa tới thăm, bạn bè tạt ngang tặng quà nhâm nhi đôi ba phút hoặc giờ cà phê bánh ngọt như dân Ăng Lê vào lúc xế uống trà, nếu bạn ghé nhà ai trong “ mùa Giáng sinh ” thì cũng thấy dọn mời như nhau ( giống bên nhà dọn mứt món vào ba ngày Tết).
 
Bây giờ mời bạn thưởng thức những món.. ăn thiệt.
 
Cũng từ Giáng Sinh trở đi, dân Đức ăn mừng hết ngỗng quay, ngan quay, gà tây đút lò, những ( chị !) vịt mập ú ù  cũng quay tuốt luốt ( bởi ngày thường họ đã ăn biết bao là bò, heo...quay). Các  ( chị )  ngỗng, ngan, gà tây hay vịt mua về làm lại thật sạch, lấy bộ đồ lòng ra nếu là đông lạnh, còn tươi thì lá gan bự chảng kia sẽ được xay mịn cho vào gia vị với mỡ heo, ít rượu nấu rồi mang đi hấp làm món Paté Gan ăn với bánh mì. Còn “ phần thịt ” thì lại được nhét đầy một bụng nào là táo tươi, vỏ quít, nho khô, quế, hồi, củ hành nho nhỏ như hành hương bên nhà.. Nêm nếm gia vị xong đâu vào đấy thì may kín lại, cuối cùng mang mật ong ra phết đều ngoài lớp da óng ả kia xong là đưa vào lò nướng….
 
Khách được mời đến dự hay bữa ăn gia đình đoàn tụ thường còn có món trứng cá nổi tiếng của xứ Nga ( Kaviar) bỏ lên trên những khoanh cá Lachs quấn tròn như một nụ hoa hồng và trải chút ít thìa là kèm trong tay là ly Champagne đang sủi tăm xem như khai vị, nhâm nhi tán gẫu cho đến dọn lên món nóng,đây là món Knödel, món này có hai loại khác nhau: một là dùng bánh mì đã cũ cắt mỏng nhồi chung với trứng và sữa tươi cho tí hành lá tiêu muối, vò viên to bằng nắm tay mang đi luộc, hai là khoai tây đã chín xay mịn cũng nhồi với sữa, bột mì,vò viên và đặc biệt là cho vào giữa những viên khoai này một ít ba chỉ chiên vàng ngậy. Sau khi luộc chín xong thì rắc tí hành lá cho đẹp, kèm theo đó là một dĩa bắp sú màu tím đã làm chua sẵn trong lọ hay trong hộp, mang ra nấu nóng với tí quế bột, cộng thêm trên bàn có sẵn chén sốt nóng hổi, mọi người chỉ chờ câu nói chúc ăn ngon là cho sốt vào dĩa….thưởng thức: đó là món ngỗng quay ăn với Knödel và bắp sú tím chua. Phải nói là ..tuyệt! Chưa kể còn có món Fondue  kéo dài thời gian đấu hót và nhất là những anh tôm hùm to, nướng xong ăn chung với salát, bánhmì phết bơ muối với hành lá cũng được nướng dòn tan!
 
Có một lần gặp nhau chung trong bữa tiệc, một bạn đồng hương đã hỏi tôi: rồi cơm của mình bao giờ mới dọn lên? Câu hỏi thật khó trả lời vì cơm của mình sẽ không hạp và không đúng điệu trong những món ăn tây phương!
 
Ăn, ăn và .. ăn uống mãi từ Giáng Sinh đến hết Tết DươngLịch…
 
Ê hề, ngày nào cũng ăn cũng uống, cũng cụng Champagne hay Bier ( quảng cáo luôn Bier ở xứ Bayern này có tới 6 hay 7 hãng lớn, hãng nào cũng nổi tiếng và có từ 800 đến 900 năm nay, nối tiếp nhau từ đời ông cố đến ông nội đến ông cha rồi sang đời con đời cháu đời chắt…..Đến đây mà không uống thử những loại Bier ở đây cũng là một thiếu sót lớn lao. Chưa kể mỗi năm còn có một lễ hội ( uống ) Bier lớn nhất thế giới, Oktoberfest: lễ tháng Mười, bắt đầu từ tuần lễ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, các hãng Bier mang ra một loại ngon, mạnh vàrất đặc biệt đựng trong những cái ly một lít đã thu hút nhiều người trong vòng hơn hai tuần lễ hội! Năm nào thống kê cũng cho biết trên dưới 6 triệu du khách khắp nơi và dân bản xứ ghé thăm.
 
Rồi qua năm mới, soi mình lại trong gương….hết hồn! Hối hả chạy ra phố tìm mua vài bộ quần áo mới ..nhích hơn bộ cũ vài ba phân …rộng, chép miệng thở than …năm cũ đã ăn quá sức là nhiều!
 
Nhưng.. trở lại chuyện Giáng Sinh, nói gì thì nói cái ăn cái uống chỉ là chuyện bên lề. Cái mà nhà nhà hăm hở mua, vác về, lớn bé đều muốn ghé mắt nhìn xem người gói đã có nhớ ghi tên mình lên chưa? Cái mà được đặt để ngay trong phòng khách hay một nơi ai nấy đều nhìn thấy. Chưa nói thì các bạn đã biết ngay là cây Giáng Sinh rồi phải không?
 
Tôi ở Đàlạt, xứ thông đầy dẫy nên mỗi mùa Giáng Sinh về là thật nhiều kỷ niệm. Khi sang ở nơi này mới thấy thêm là ở đó không khác với xứ tây phương này bao nhiêu.
 
Mùa Giáng Sinh đến, không khí thật lạnh, nhiệt độ xuống khoảng 1 độ dương, mặt nước trên hồ Xuân Hương có khi đóng một lớp băng nhẹ mỏng,mờ mờ, ảo ảo thật là đẹp, người người khăn áo, găng tay, giày ấm đầy đủ vậy mà khi ra đường vẫn phải xuýt xoa, thú vị nhất cho những ai ghiền thuốc lá thì gật gù sau khi rít vào một hơi dài …tấm tắc khen không nơi nào hút thuốc ngon và thấm như nơi đây!
 
Lại đi xa quá rồi, quay trở lại cây Giáng Sinh ở Đàlạt. Chúng tôi cũng chuẩn bị hai tuần trước đó một cây thông nhỏ, quà cũng gói xong bày đầy bên gốc, gia đình công  giáo còncó máng cỏ và Chúa Hài Đồng, đầy trên cành là những dây kim tuyến, trái pha lê màu sắc rực rỡ, người có đạo hay không cũng đi nhà thờ đến khuya trở  về mới thưởng thức gà quay, bánh mì, salat. Tôi còn nhớ lúc đó chỉ thưởng thức rượu dâu ngọt và nhẹ, chưa có năm nào say mèm như ở đây.
 
Giáng Sinh ở Đàlạt chỉ khác nơi này là không hề thấy cảnh tuyết rơi phủ đầy trắng xóa lối đi, người người quần áo mùa đông thật ấm tràn ra đường, nhưng đến khuya tan lễ là quay về đoàn tụ với gia đình chứ không ồn ào như chúng tôi xưa kia.
 
Tôi vẫn nằm mơ nhiều lần được về Đàlạt rong chơi khắp nơi trong mùa Giáng Sinh, thấy mình lên sân Cù, xuống hồ Than Thở, đến Thác CamLy…cứ lên núi xuống đèo mà không hề mỏi mệt. Đâu đâu cũng thấy hàng thông đứng rũ trơ mình ngóng gió. Tôi nhìn thấy những người thân, bạn bè quen thuộc thấp thoáng dưới tàng cây, mặt áp mặt, tay trong tay, hàng thông kia mãi mãi và muôn đời là chứng nhân trung thành dễ thương cho những cặp tình nhân đã và đang yêunhau.
 
Nhìn đây,những trái thông già tí tách rơi rụng, phủ đầy bên gốc, ta cứ tìm cứ nhặt mang về những trái gai nở đầy như những ánh sao phết lên một lớp sơn không màu bóng bẩy, bây giờ bạn cứ treo lên những thân nhánh nhỏcủa cành thông, trải đầy dưới gốc, hình ảnh tuyệt đẹp này cứ làm cho ta muốn ngắm mãi không thôi.
 
Cây thông cũng có nhiều bài hát mà bài quen thuộc ai cũng ngâm nga :
 
Mời các bạn với dân Đức cùng hát bài O Tannenbaum…
 
O Tannenbaum, O Tannenbaum
Wie treu sind deineBlätter!
……………………………
 
với dân Mỹ  hay Ănglê: O Christmas tree
 
O Christmas tree, O Christmas tree
How loyal are your leaves!
……………………..
 
Hay anh Phú Lang Sa: Monbeau sapin
 
Mon beau sapin. Roi des forêts
Que j ´aime ta verdure!
…………………………
 
Xem ra ai ai cũng hát được và hát thông thuộc bài hát này khi mùa Giáng Sinh trở về.
 
Tiếng thông reo vi vút , tiếng nhạc tự nhiên của không gian vô hình quyện lại , âm thanh của làn gió nhẹ hay có khi như một.. cơn bão đangtới: lúc nào âm thanh này cũng xao xuyến hồn tôi! Thông, bạn hiểu mình hơn ai cả khi đi lang thang một mình trong rừng vắng. Gốc “ bạn già ”  cũng là nơi nghỉ ngơi khi ta muốn tạm dừng chân.Thông reo vui rộn ràng khi người bạn đồng hành bên ta là người mà ta yêu thương nhất trên đời. Thông cũng là niềm vui khi đám trẻ con xúm xít nô đùa cười giỡn chạy nhảy tới lui…
 
Ôi! Hàng thông thân yêu, trãi qua một thời gian dài có hơn một phần tư thế kỷ sống tha hương, tôi vẫn hình dung mồn một cuộc sống thời thơ ấu, từ lúc sinh ra rồi lớn lên ở thành phố đó. Lắm lúc tôi có cảm giác như là hàng thông già này càng lúc càng bám chặc trong bộ não của tôi!
 
Hình như thoáng phớt nhẹ như một bóng dáng đẹp vụt tới vụt đi.
 
Hình như cứ song song bên tôi trong mọi cử chỉ và hành động thường ngày.
 
Hình như cứ theo sau lưng tôi như một cái bóng … bóng đổ dài xuống mặt đường .. đổ dài.. đổ dài…và tan dần khi nắng quái biến mất bên kia đồi núi.
 
Ôi! Thành phố thân thương của tôi.
 
Ôi! Hàng thông muôn đời của tôi.
 
Lòng cứ muốn níu kéo lại những gì đã đi qua, nhưng tiếcl à …đã đi qua lâu lắm rồi. Không có hề gì, người ta vẫn nói là sống với kỷ niệm cũng là một niềm vui.
 
…………………………
 
Bánh trái ê hề, những chai rượu vang đỏ, trắng đã nằm sẵn ở đây, chờ người cầm đến ..khui ra..cụng ly và chúc tụng.
 
Con ngỗng đã được quay chín vàng, óng ả, thơm phức lan tỏa khắp phòng ăn, còn có hương vị của quế, vỏ quít và hoa hồi.
 
Nhạc Giáng Sinh thánh thót đâu đây, nhìn ra ngoài cửa sổ bông tuyết đã bắt đầu rơi nhè nhẹ, từng đụn tuyết trắng như ánh sao đã bám nhanh vào khung kính trong veo. Còn tôi? Hình như mắt mình lại ươn ướt?
 
Đêm Giáng Sinh nơi xứ người, cây thông đã được phủ kín nào là hàng nến đỏ, ánh sáng lan tỏa rộng hết cả một góc phòng, ấm áp và thân tình làm sao. …
 
Mời bạn cùng nâng ly với tôi, hãy lắng nghe tiếng trò chuyện rôm rả của những người thân trong gia đình, các con của tôi đang tươi cười kể lại suốt một năm …chuyện đường xa.
 
Đời sống ở đây quả là êm ấm, đầy đủ và nhiều hơn cái mình đã nghĩ và mơ ước. Tôi đã cầu xin mỗi lần trong đêm Giáng Sinh ..cầu cho tất cả con người sống trên thế gian này không còn lo âu, đói khổ và một mơ ước nhỏ nhoi sau cùng là ngày nào đó tôi sẽ về đứng cạnh hàng thông xưa ( mặc kệ lúc đó tôi thật già và cây thông cũng đã cằn cỗi! ) để nghe hàng thông lại tỉ tê, giận hờn, kể lể những ngày dài tôi đã bỏ ra đi.
 
                      
                                              Minh Trang
                                         Munich -Germany
   Viết để nhớ những mùa Giáng Sinh đã đi qua.      

_____________________________________________________________________________________________________________________________

HAI NGƯỜI CHỊ ..

Thời thơ ấu.
 
Lúc đó tôi khoảng chừng 15 hay16  vậy mà tôi đã biết tự hào, hạnh phúc nhất trên đời không ai sánh bằng.
 
Gia đình tôi gồm ba má và bảy anh chị em dù không dư ăn dư để nhưng đám con cái được đến trường, sống trong tình thương yêu bảo bọc của hai đấng sinh thành.
 
Đặc biệt ba tôi cưng chìu tôi hết mực, mặc dù tôi là đứa con thứ ba trong nhà sau anh hai và chị ba của tôi.  Suy nghĩ tới lui mà cũng hay, nếu đi xem bói thì nhất định thầy bói cũng nói không sai điều này :  Ba tôi tuổi hợi, tôi tuổi con mèo, dĩ nhiên trăm phần đúng vì hợi mẹo mùi tam hợp.
 
Mỗi buổi sáng lúc đó, tờ báo Sàigòn Mới được ba mua về bổn phận của tôi phải đọc cho ông nghe hết mấy trang tin tức dài thời sự, chính trị, ông đọc dư sức nhưng lại thích thú ngồi cạnh bên đứa con gái ông cưng chìu …lắng nghe giọng thánh thót của tôi dạo hết tin này sang tin khác.
 
Đó cũng là lý do sau này tôi kha khá am hiểu tình hình chính trị hay kinh tế ở quê nhà.
 
Má tôi là người đàn bà giỏi giang,bà thiệt lanh lợi, bươn chải và xoay xở khôn khéo trong việc buôn bán.  Một thời gian dài sau đó bà đã được sự tín nhiệm của bạn hàng chung quanh và chuẩn bị cho việc buôn sỉ lẻ…Sự phát đạt tăng dần và chẳng bao lâu gia đình tôi đã tạm gọi là một gia đình khá giả nơi thành phố này.
 
Anh hai tôi là một thanh niên cao lớn đẹp trai, bề ngoài ưa nhìn, anh còn có tài đàn hay hát giỏi, anh ăn nói khá lịch thiệp giao du rộng rãi, bạn bè quanh anh không ít còn các cô thiếu nữ đương thời vẫn xem anh là mẫu người lý tưởng để lập gia đình.
 
Trong những người con gái đẹp mà anh hai tôi quen có tới…không những một mà là hai người …anh đã cùng yêu thương tha thiết!  Ở đây tôi sẽ đặt tên cho ..bà lớn là chị hai và …bà nhỏ là chị ba.
 
Chị hai học trường tây Couvent desoiseaux, chị thật đẹp, ăn mặc đúng mốt, hợp thời trang và từ nhảy đầm cho tới bếp núc sang cư xử giao thiệp nhất nhất đều không chê điểm nào.
 
Ba của chị hai mất sớm, gia tài để lại cho mẹ chị và các em nhưng không vì vậy mà chị ỷ lại.  Nhà rộng rãi, chị cho xây một chuồng gà ( GàScala lúc ấy khá thịnh hành ở Đàlạt ), chị nuôi gà lấy trứng mang bán, làm bánh ngọt giao cho các tiệm kiếm thêm chi phí hàng ngày. Bánh chị làm ra mang lên cho chúng tôi cả nhà vừa ăn vừa suýt xoa nức nở khen ngon.
 
Một hai năm đầu, mẹ của chị hai chê anh tôi thua sút, không môn đăng hộ đối, gia đình chúng tôi chỉ là hạng kinh doanh buôn bán còn bên chị là dòng giỏi khoa bảng có chức phận.  Ba của chị khi còn sống là một luật sư tăm tiếng ở Sàigòn….nhưng không vì những khó khăn đó mà ngược lại tình cảm của anh chị càng lúc càng tăng lên, càng khắng khít sâu đậm hơn.
 
Vào những năm 1968- 1969.
 
Phong trào nhạc trẻ tuôn vào Việt Nam, quần áo Hippy cũng theo đó ảnh hưởng đến hầu hết đến lớp thanh niên sinh viên học sinh.  Nhìn áo quần sặc sở, tóc dài trai gái gì cũng như nhau.  Khi thì như tài tử Mỹ khi thì như ca sĩ Pháp, kính mát thì thật to tròn che hết khuôn mặt … có người lắc đầu, có người hoan nghinh dù sao đi nữa khen hay chê cũng là thời trang thịnh hành của giới trẻ khi đó.
 
Và …một ngày…
 
Trên khu phố Hòa Bình, anh hai tôi đã gặp chị ba.
 
Chị từ Sàigòn lên Đàlạt du lịch.  Vẻ ngoài của chị đã cuốn hút  mỗi ai nhìn thấy…anh hai tôi xà đến làm quen xin làm người hướng dẫn cho chị đi xem thành phố. Còn tình nguyện làm kẻ đưa rước tới lui suốt thời gian chị ở nơi này.
 
Nếu phải so sánh giữa hai bà chị này?  Thú thật tôi không biết phải nói làm sao. Chắc là bên tám lạng, bên nửa cân. Không bên nào thua sút bên nào.
 
Hai người đều ăn diện hợp thời trang, vẻ đẹp thu hút người nhìn, cả hai đều lịch thiệp vui vẻ, mỗi lần hai chị đi ngang con phố hiếm có người …không quay lại nhìn mê mệt.
 
Tóm lại chị hai hay chị ba…. Anh hai tôi đều yêu thích và quý mến.
 
Mối tình tay ba này mỗi ngày hình như mỗi tăng lên….anh dấu kỷ chị hai. Còn tôi, kẻ trung gian cho câu chuyện tình này mỗi ngày nhận trách nhiệm liên lạc thư từ hay bưu phẩm.
 
Chị ba gửi đều đặn những dĩa nhạc ngoại quốc 33 tua đang thịnh hành kèm với những quyển Hit Parade mới ra hàng tuần vì chị biết  anh đàn và hát cả hai nhạc việt lẫn nhạc ngoại quốc.
 
Thời gian cứ nhè nhẹ trôi qua, hai người con gái sắc nước hương trời kia vẫn cứ khắng khít như ngày đầu mới gặp với chàng thanh niên hào hoa ấy.
 
Rồi năm 1970….1971.
 
Quay lại chị hai của tôi.
 
Ý tưởng chống đối việc hôn nhân của chị hai và anh tôi dần dần đã giảm bớt. Má của chị đã nhượng bộ và cho phép một ngày gia đình chúng tôi đến thăm tính toán việc thành gia thất cho hai người.
 
Anh hai tôi, người đàn ông này vẫn một lòng yêu chị hai tha thiết…mà chị ba cũng không chút lơ là.
 
Còn mấy chị em chúng tôi, phần gần gủi chị hai nhiều hơn chị ba nên tình cảm đã có phần nghiêng nghiêng.
 
Mà cũng lạ kỳ, hai chị đều được bamá tôi thương yêu như nhau, má khen chị hai quay sang chị ba má cũng không ngớt lời ca tụng.  Lắm lúc bọn tôi cũng ngỡ làhai chị tuy là hai người nhưng cũng là một trong tình thương yêu của gia đình tôi dành cho.  Và hầu như tất cả những nét quý phái, yêu kiều, vui vẻ dễ thương đều được thượng đế gom hết dành cho hai nhân vật này….Và anh hai chúng tôi quả là khó khăn lắm khi phải so sánh cân đo hay quyết định dứt khoát… yêu ai bỏ ai.
 
Cuối cùng câu chuyện phải đi đến một chọn lựa.
 
Tháng 5 năm 1971.
 
Ba má tôi cùng anh hai tôi điSàigòn.  Căn nhà mẹ của chị hai sẽ là nơi đón nhà trai để gặp gỡ, chọn lựa ngày tháng tốt lành cho lễ hỏi lễ cưới và người đàn bà sẽ suốt đời bên cạnh anh hai tôi là chị hai.  Người chị đã bên anh suốt mấy năm qua.
 
Ôi! Những háo hức, ao ước tính toán đã như tan vào mây khói khi buổi chiều từ trường thi ra hai nhân viên cảnh sát đã đứng chờ tôi và nhỏ lời như sương khói báo cho tôi hay một hung tin mà cả đời chưa bao giờ tôi nghĩ đến .
 
Chuyến xe mang ba người thân yêu của tôi đã ra đi và không bao giờ trở lại sau một tai nạn kinh hoàng.
 
Hai tai tôi như bùng lên những âm thanh hỗn loạn chát chúa như từ căn nhà đổ nát rơi xuống, như những mảnh thủy tinh nghiến nát tai tôi, và giờ cơn động đất đang chuyển mình  nhấn thân xác tôi càng lúc càng sâu dưới lòng đất…Tôi đang chìm dần trong hố sâu thăm thẳm của đau thương.
 
Ngày hôm qua, cô nữ sinh vẫn còn nhởn nhơ bay lượn bên cuộc đời mộng mơ, chạy theo đám bạn bè ghé hết nơi này đến nơi kia ăn quà vặt,  ngồi bên nhau ngắm thiên hạ tới lui…
 
Hôm nay tôi đã không còn gì, như một kẻ xa lạ từ hành tinh nào lạc lối đến nơi đây.
 
Người cha thân yêu của tôi luôn săn sóc vỗ về, người mẹ luôn đưa hai bàn tay giơ cao đánh sẻ và người anh hai yêu quý của chúng tôi, người anh luôn dành cho mấy đứa em gái những lời yêu thương ngon ngọt khi đàn khi hát cũng như ngắm nghía hết đám bạn con trai của mình cố tìm ra mấy… thằng em rể cân xứng với em gái của mình…
 
Mất hết cả rồi…….
 
Hôm nay ngày đưa tang.
 
Chúng tôi ngồi bên nhau trong chiếc xe lớn chở ba quan tài, nhìn nhau rưng rưng, khóc cho người nằm xuống, khóc cho thân phận mình không biết ngày mai ra sao.
 
Có một điều tôi không bao giờ nghĩ đến hay ngờ là nó sẽ xảy ra.
 
Chị hai và chị ba!
 
Hai chị trong hai chiếc khăn Tang trắng xóa đang đến và cùng ngồi cạnh nhau, hai gương mặt yêu kiều đầm đìa nước mắt. họ đang khóc cho một người họ đã cùng yêu và đang đau thương cho mối tình tan đi không bao giờ trở lại.
 
Nghe tin anh hai tôi qua đời, hai chị đã phó mặc cho những lời la rầy trách móc của gia đình, tức tốc  lên ngay Đàlạt vào ngày hôm sau, ngồi bên nhau suốt mấy đêm dài, rưng rưng kể lể rồi nhận nhau làm chị em.
 
Chị hai dĩ nhiên sẽ là bà vợ lớn và chị ba dịu dàng nhận vai bà vợ nhỏ.  Hứa với nhau sẽ phụ một tay gánh vác với tôi một phần cho qua cơn đau đớn này.
 
Thời gian cứ trôi không ngừng nghỉ,mấy chốc đã qua ba lần giỗ kỵ.
 
Đời tôi cũng có nhiều khúc quanh đổi thay đáng nhớ.
 
Chị hai vì quá buồn cho cuộc tình của mình năm 1972 chị từ biệt chúng tôi lên đường qua Pháp du học.  Trước khi đi chị giúp tôi tìm người và bán hộ đất vườn của ba má tôi để lại, đến Pháp chị vẫn thường xuyên gửi quà gửi thư.  Khi thì áo ấm khi thì giày dép (dạo sau này khi định cư ở Tây Đức  tôi đã thấm thía thế nào là nổi khó khăn lúc ban đầu khi sang xứ người  và càng thương quý chị nhiều hơn ) càng quý mến chị và trân trọng tình cảm của chị đối với chúng tôi không chút nào thay đổi.
 
Mấy năm sau tôi lập gia đình.
 
Một tháng trước ngày hôn lễ, một người quen của chị đã mang đến trao tận tay cho tôi  một xấp vải may áo cưới, bì thư tiền mặt và lá thư dài từ Paris:
 
………..
 
Mừng đám cưới của em, vì quá xa nên chị không về dự được… chút quà cho em với muôn vàn nhớ thương.
 
Chị hai.
 
Phần chị ba, những ngày tháng sau đó ba má của chị nhận chúng tôi làm con nuôi và hết lòng giúp đỡ chúng tôi những lúc khó khăn.
 
Tôi tiếp tục kinh doanh với gia tài của ba má để lại, còn có mỗi chị ba bên cạnh và những lời khuyên răn hay bất cứ khi nào cần là chị giúp đỡ không chút đắn đo.
 
1974 chị ba lập gia đình…rồi khúc quanh 1975 đang đẩy đưa chúng tôi rẽ sang đoạn đường khác.
 
1978 Trại ty nạn Phi Luật Tân.
 
Sau những ngày lênh đênh trên biển,chúng tôi đã may mắn tới được đất Phi Luật Tân. Mấy tháng dài trong trại tỵ nạn kẻ đến người đi, tương lai chúng tôi vẫn cứ mịt mờ.
 
Rồi một ngày nhà tôi đi lang thang trong trại, anh nhặt được một tờ báo cũ của ai đã đọc xong và vứt đi nằm lăn lóc ở một góc lều.
 
Lẩm nhẩm đọc tin mục tìm thân nhân.
 
Nhắn tin:  Sĩ quan Không Quân lái A  37 tìm bạn bè đồng đội tên……..
 
Nhà tôi không còn tin vào mắt mình,người đang được tìm kiếm lại là … chồng của chị ba hiện nay.
Vội vàng chạy về nơi tạm trú, chúng tôi đã viết và gửi ngay một lá thư cho người bạn của chồng chị ba với hy vọng thiệt là mong manh biết đâu mình sẽ gặp lại người thân.
Từ đó, ngày nào chúng tôi cũng lên văn phòng Cao ủy  với hy vọng có ai đó gọi tên mình hay nhận một lá thư từ xa.
Hai tuần đi qua thật nhanh.  Tin chờ vẫn hoài công.
 
Cuối năm 1978.
 
Hai trăm người ty nạn được nhận sang định cư ở Tây Đức trong đợt nhân đạo đầu tiên nhưng số người có tên ưu tiên đi định cư lại e ngại vì sợ đông tây ở xứ này có ngày sẽ chạy đi lần nữa, họ xin rút tên để chờ đi nước khác như Mỹ hay Úc hoặc Canada còn chúng tôi thì hối hả xin ghi tên chỉ một niềm hy vọng sẽ mau rời khỏi nơi tạm trú này.
Chỉ còn hôm nay, sáng mai chúng tôi sẽ lên máy bay và đi định cư ở Tây Đức. Có tiếng gọi từ văn phòng Cao Ủy gọi tên tôi lên nhận thư!
 
Thư nhà?
 
Toàn thân tôi di chuyển như lướt trên không, hai chân tôi không còn nghe theo lệnh truyền từ óc não của mình,chân này cứ đá chân kia và cái thân gầy nhom kia cứ hồi hộp muốn ngã xuống đường.
Tờ điện tín đánh sang từ Mỹ, ba má nuôi của chúng tôi đã nhận được tin và đang chuẩn bị làm đơn đoàn tụ cho chúng tôi sang Mỹ.
Má nuôi còn căn dặn mọi thủ tục đang lo, các con cứ ở đó chờ.
 
Và rồi ….chúng tôi lên đường đi định cư sang Tây Đức như đã định sẳn.
 
Những lá thư sau của chị ba gửi sang luôn nhắc nhở thăm hỏi ân cần và cho tôi địa chỉ của chị hai mà khi rời bỏ quê nhà đã hoàn toàn thất lạc.
 
Thư hai chị vẫn những lời lẻ thương mến, ân cần, lo lắng vẫn một trái tim thương yêu nhớ đến Đàlạt nhớ đến chúng tôi.
 
Tháng 5 năm 2014.
 
Tôi đã gọi điện thoại thăm chị hai hôm qua.
 
Chị vừa mới rời bệnh viện sau mấy tháng dài nằm điều trị với chứng viêm gan. Còn tôi, đứa em gái hời hợt này thì cứ nghĩ trong đầu, sau khi về hưuc hị đi du lịch đó đây và lâu không tin tức gì nghĩa là chuyến viễn du chưa dừng lại.
 
Hai người chị thân yêu của em.
 
 Nếu có ai cắc cớ hỏi em rằng:  Có phải tình yêu theo thời gian sẽ dần dần phai nhạt?  Tôi sẽ nhìn ai đó và trả lời ngay bằng một cái lắc đầu.
Bằng cớ là hai người chị yêu quý của tôi đến nay đã luôn luôn giữ mãi trong trái tim mình hình ảnh đẹp của người yêu đầu đời.
 
Chúng tôi đã nhiều lần đi thăm nhau,khì thì vợ chồng chị ba sang đây làm chuyến Âu du, khi thì chúng tôi sang Cali thăm cả nhà ba má nuôi cũng như ghé đến anh chị, khi thì sang Paris thăm chị hai.  Tất cả đã ngồi im thổn thức, nhắc về ngày xưa những ngày thật đẹp ở quê nhà.
 
Tôi luôn nhớ và không bao giờ quên được tình cảm của hai chị dành cho tôi. Không có tình thương chân thành ấy chắc chắn rằng tôi đã không có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Bao nhiêu mùa xuân đã đi qua, tócc hị, tóc tôi đã thay màu. Lắm lúc nhớ đến các chị tôi lại lật cuốn Album ngồi im xem lại những hình ảnh xa xưa.
 
Đây! Đoạn đường xuống Trại Hầm, chị ba đang cùng với chúng tôi  cười vang với những trái mận vàng hay đỏ au đang cầm  trên tay.  Ui! Trái chua lè, trái ngọt lịm chị em thi nhau ăn đến ê ẩm hàm răng.
Kia! Đoạn đường Thành Thái đi đến Ciné Ngọc Lan cả bọn đang kéo nhau vào quán phở húp sì sụp khen ngon và ấm.
 
Ngày đi tảo mộ, đêm chợ tết với ánh đèn lung linh quanh phố.  Năm thì chị hai, năm thì chị ba lên nấu bánh chưng với chúng tôi…. Cùng nhau cắm cây anh đào, bày biện mứt món….
 
Hơn 40 năm rồi.
 
Chúng tôi đã được sống những ngày vui, an lành và tình yêu thương của hai chị dành cho.
 
Lắm khi tôi đã nghĩ:  Kẻ vô phước bất hạnh không phải là tôi mà ngược lại ơn trên đã khéo bù trừ ban phát cho tôi đầy những may mắn hạnh phúc  và tôi đã nhận được thật nhiều tình yêu thương chân thật của hai chị dành cho tôi.
 
Chị hai và chị ba thân yêu của em.
 
Viết bài viết này, em xin gửi đến cho hai chị.  Xin gửi hết những thân ái,yêu thương chân thành của em vào đây và em xin cất  giữ mãi mãi tình cảm đẹp đẽ này cho đến hết phần đời còn lại này.
 
 
                                               Minh Trang
                                           Munich - Germany

  ________________________________________________________________________________________________

NỮU ƯỚC TRONG MẮT TÔI


 
Sáng thứ bảy tuần qua, chiếc Boeing 767-400 đã mang chúng tôi lên đường bay sang Nữu Ước.
Chuyến du lịch ngắn ngày này là món quà của anh Gà và ba đứa nhỏ tặng vào dịp sinh nhật 60 của tôi.
Rời Munich lúc 5h30, tuy là đầu thu nhưng khí hậu đã xuống 0độ. Gió thổi lạnh căm căm buốt hết hai vành tai lẫn cả hai gò má.
Hành lý và người ra đến phi trường thì mới hay phải chờ thê một giờ nữa vì máy bay đến trễ.
Chu du một tuần ở Nữu Ước, ngoài chuyện sinh nhật ra tôi còn có dịp gặp lại hai người bạn xa xưa ( có độ 49 năm dài thuở còn học lớp ba trường tiểu học Đa Nghĩa ở Đàlạt ). Chúng tôi đã hứa hẹn dành cho nhau một ngày gặp gỡ, hàn huyên, kể lể….sau gần một nửa đời người không gặp.
 Chủ nhật.
Khác hẳn với khí hậu đầy gió lạnh và mưa dầm ở đây tuần trước. Chúng tôi đã cất ngay vào tủ những đôi giày mùa đông, những áo khoác dày cộm, những áo len cao đến cổ mà thay vào đó là quần áo nhẹ, giày thể thao để dễ dàng đi tới đi lui thăm viếng.
Hôm nay trời trong xanh, giấc ngủ trái giờ không làm tôi khó chịu mà ngược lại sự nôn nóng muốn gặp lại bạn bè xưa, tôi hối anh Gà và các cháu nhanh chân rời khỏi nhà đi đến nơi hẹn.
 
Subway Marcy Avenue lúc 11h.
 
 
Điện thoại reo vang, báo tin hai bạn Bùi Việt Hùng và NguyễnThị Đào đã đến nơi.
Lòng càng nôn nao thêm bao nhiêu thì những hình ảnh xưa cũ lại hiện ra thật nhiều bấy nhiêu. Đám học trò bé nhỏ năm nào …từng khuôn mặ trồi từng khuôn mặt …cứ như nhảy múa quanh tôi.
Cô bé Bùi Thiên Hương năm nào giờ đã là một cây viết nhiều người nghe tiếng. Cô bạn Đào Thúy Nga thì nay đã lên chức bà nội, bà ngoại.Nguyễn Công Thành đang lo làm đám cưới cho con trai, còn Nguyễn Xuân Phúc và Tạ Huy Thái thì đang ở nơi xứ Canada lạnh giá… Gần nhất chỉ có hai bạn Hùng và Đào thu xếp thời gian để gặp nhau, vậy mà từ Washington lên đây cũng phải mất 9 giờ ngồi xe buýt đi và về.
Đi nhanh chân hơn, tôi lướt qua những người thân khi nhìn thấy tiệm ăn New Wonjo trước mặt. Mở cửa bước vào hai bạn Hùng và Đào đã ngồi chờ sẵn.
Ôi! Cảnh gặp nhau này mới cảm động làm sao.
Âm thanh cười rộn rã, tiếng chào hỏi bất tận, tay nắm tay ân cần. Nhìn ánh mắt nào cũng có dấu chân chim, mái tóc nào cũng hai màu đen trắng nhưng tình cảm chân thành của những người bạn xưa hình như không một chút phôi phai.
 Nhìn bạn Hùng cứ thì thào to nhỏ với anh Gà…sẽ còn một người thứ ba nữa ghé thăm anh. Anh Gà trố mắt nhìn Hùng hỏi nhanh là ai nhưng bạn tôi cứ cười tủm tỉm, gợi ra vài ba tên quen thân ở vùng Hoa Thịnh Đốn tên nào bạn Hùng cũng cứ lắc lắc cái đầu…
Ai sẽ đến thăm anh Gà đây?
Chẳng bao lâu thì người khách ấy đã bước vào cửa!
À! Thì ra Trần Đức Hạnh một kha sinh của kha Lâm Viên khi còn ở Đàlạt. Một thoáng lại đã qua những…. 40 năm. Nhìn thấy anh Gà lấy mắt kính ra lau mấy lần, tôi biết anh đã ngăn niềm cảm xúc đang dâng trào trong lòng.
Nghe tin chúng tôi ghé thăm Nữu Ước, anh chẳng ngại ở xa mà vội vàng ghé đến thăm. Ôi! Tình bạn của chúng tôi thuở học trò, tình anh em trong gia đình Hướng Đạo, phải diễn tả làm sao cho thấu hết mối chân tình ấy.
Sau buổi ăn trưa, anh Trần Đức Hạnh phải từ giả chúng tôi để về cho kịp chuyến xe. Quyến luyến, tay trong tay…trong phút rời xa. Một già… đã sắp bảy mươi, một trẻ.. đã hơn năm mươi đang bịn rịn chia tay..nhìn hai người nắm tay trái thật chặt, tôi đây cũng không tránh được bồi hồi.

Chúng tôi rời quán ăn, Hùng với chiếc máy ảnh nhà nghề không ngừng tay chụp hết góc phố này lại quay sang phố khác. Bây giờ là phần đi dạo ở High Line Park, con đường đi dạo thật là nên thơ từ một đường rầy xe lửa đã phá bỏ nhưng vật dụng phế thải đã không bỏ đi mà người ta dùng những sáng kiến tân kỳ để dựng ra một chốn nhàn du hữu tình. Hai bên đường là cỏ thơm, hoa đẹp, cây cối um tùm. Xem cạnh những tàng cây cheo leo treo ở đó mấy căn nhà bé tí xíu xinh xinh dành cho đám chim con bay tới lui quay quần làm tổ. Những băng ghế dài lấy lại từ những ghế cũ trong toa xe đặt rải rác hai bên đường cho khách bộ hành làm chốn nghỉ chân, chưa kể đến những băng …nằm cũng lấy từ những vật dụng bỏ đi trong toa xe lửa như gổ và bánh xe bằng sắt để tạo thành…nhìn người ta nằm đọc sách hay thiu thiu ngủ tôi lại ước mơ một chốn thanh bình nơi quê hương tôi.
                 
Chúng tôi vừa đi vừa nhắc với nhau nhiều chuyện xưa, chuyện nay, chuyện vợ chồng con cái, đời sống bạn bè ở đây ở kia tưởng như sẽ không bao giờ chấm dứt.
Bạn Hùng nhìn đồng hồ thấy còn độ hơn nửa giờ xe bus mớ iđến, bạn hối đi nhanh lên mình sẽ tới thăm Times Square một vài phút, phải xemhoa đèn phố hội rồi mới được chia tay.
 Ban đêm ở Times Square, đèn chiếu ở những màn ảnh lớn như trong ciné sáng rực như ban ngày đủ màu đủ sắc. Những tấm biển quảng cáo thay nhau nhảy múa thay đổi liên miên. Cứ nghĩ đến New York một giờ không có điện thì chuyện gì sẽ xảy ra đây….Một thành phố chết ư? Khó mà trả lời.
 Giờ đây phút chia tay..bạn ơi vui lên đi…
Dùng câu hát của lúc chia tay trong trại Hướng đạo trong giờ phút này thật đúng, xe bus đã đến và các bạn của tôi chầm chậm bước lên xe. Mới đó mà cuộc vui đã tàn, tiếng từ giả, tiếng hứa hẹn lần họp mặt kỳ tới…Hứa với nhau mình sẽ không chờ sau …49 năm lần thứ hai! Hứa với nhau không để quá10…năm nữa.
 Ôi! Thời gian có giữ chúng ta đến khi gặp lại? Ngày mai ai biết ra sao?
Hôm nay thứ hai.
Tôi vừa đúng 60 tuổi.
Anh Gà, ba đứa con, hôn phu của cô con gái út, bạn gái củacháu thứ hai. Tất cả đã mang tặng cho tôi một bó hoa Lilie thật đẹp, loài hoa tôi yêu thích từ lâu kèm theo những lời chúc đẹp, cô con gái cười tươi tắn thỏ thẻ bên tai: Hoa thì má mi đang cầm trên tay nhưng thiệp khi về London con sẽ gửi …sau, lý do là mua nhầm thiệp có số 65..hìhì…
Cả nhà cười, thi nhau cười như những tảng thủy tinh vỡ.Tiếng ui! Ui! Mámi chưa già mà… mới chỉ có… 60 thôi mà….
Nhà hàng wd.50.
Hôm nay ở nhà hàng sang trọng này, tôi là người khách danh dự của gia đình. Lại một lần nữa chúc tụng, cụng ly. Cả nhà vui vẽ cười nói bên nhau, nhìn anh Gà, nhìn các con, nhìn chàng rễ tương lai hiền hậu, nhìn cô bạn gái của con thứ hai…tôi mơ một đại gia đình sau này. Hạnh phúc như thủy triều dâng cao, cả đời tôi cho đến nay vẫn không hề mơ ước điều gì cao xa hơn như thế. Thì thầm tôi cảm ơn trời, cảm ơn đất, cảm ơn những người thân yêu bên tôi,cảm ơn bạn bè quy• mến đã tặng cho tôi những giây phút hạnh phúc như vầy.
Vẫn một ngày đẹp hôm sau.
 Chúng tôi đi thăm Wall Street, con đường nổi tiếng của thịtrường chứng khoán, của những dãy nhà lộng lẫy cao ngút ngàn rồi đến khu GroundZero.
 
Những xây cất lớn lao, vĩ đại đang vẫn tiến hành. Chân tôi đang đặt lên vùng đất mà trước đây mười năm với tan hoang, kinh hoàng đổ nát.Đâu đây vẫn còn tiếng thét hoảng hốt, tiếng nổ rầm trời. Bao nhiêu nạn nhân đã phải tức tưởi ra đi? Bao nhiêu người đã không muốn bỏ đi cái thế giới vừa tấp nập, vừa bươn chãi mà vẫn cao đầu hảnh diện với nơi mình sinh sống? Thế mà chỉ một thoáng đã hoàn toàn biến mất nơi này?
 
 Lặng thinh đi qua những nơi này như một phút giây tưởng niệm. Mười năm trôi qua và thêm mười năm nữa, chúng ta ai ai cũng phải nhớ đến hình ảnh đau thương này. Tôi bước vào gian hàng kỷ niệm kế bên, cầm một chiếc ly có ghi hàng chữ 11 tháng 9 năm xưa.. gói cất mang về như một chút gì để nhớ.
Thành phố Nữu Ước có nhiều nơi để đi thăm viếng, nhà ga chính cũng là nơi không được quên.
Bắt đầu từ khi nào bọn tôi đã không còn đi nhàn du mà đã ran hư hối hả, như vội vàng, có lúc đi như …bay cho kịp vào những nơi mình muốn đến Nhà ga chính của Nữu Ước.
Mới thoạt nhìn khi mở cửa bước vào tôi đã phải thốt lên quá là sang trọng lẫn tân kỳ.
Hai phòng chính hai bên luôn dành cho những lần triển lãm.Hôm nay đang dành cho một họa sĩ á châu với những tấm ảnh chụp về chim chóc,rừng thu và thiên nhiên. Đi sâu vào trong là những tuyến đường xe lửa đến và đi.
 
Cổng số 41 và 42, cô con gái giải thích cho tôi biết đó là nơi những minh tinh, tài tử, nghệ sĩ hay xuất hiện và nơi những phóng viên báo chí hay có mặt để săn hình. Ai muốn xem mặt ngang mày dọc của họ cứ đến đây xếp hàng và chờ sẽ thấy.
Đi tiếp thêm một đoạn đường, ta sẽ thấy hai góc tường đối diện. Nơi đây gọi nôm na là chốn …thì thầm! Tôi đứng góc trái, anh Gà đứng góc phải anh nói nhỏ thật nhỏ vào nơi ấy, lạ thay khoảng cách khá xa vậy mà tôi ghé tai vào nghe rõ mồn một. Các con cười vang khi nghe anh nói với tôi: Có nghe anh nói hôn?
 
Trở lui lại nơi quầy vé, nhìn lên trần nhà một màu xanh lục thật nhã. Trên trần tõa rộng lấp lánh ngàn vì sao, ngàn tinh tú trên trời cao.Nhìn chung quanh khung cảnh hữu tình, nếu không có những hành khách và những chiếc vali to kềnh tất bật chạy tới chạy lui thì khó có ai mà biết đây lại là nhà ga chính của thành phố này.
Khi từ Munich sang đây nhìn báo chí la liệt nơi phòng đợi,với tay tôi cầm một tờ lướt vội. Đúng lúc anh chàng họa sĩ trứ danh JamesRizzi, (ông ta chuyên vẽ và cắt tranh ra từng phần nhỏ tỉ mỉ dán lên những miếng xốp nhỏ hay carton nhìn như 3D) đang viết một bài về thành phố Nữu Ước.
 
Ông bảo: Nếu bạn không có nhiều thời gian vì thời gian của ông ta toàn là tiền bạc mà.. thì hãy theo ông ta đi một ngày vòng quanh thành phố này. Ông lại dặn dò: Nhớ dậy thật sớm, đúng 6giờ thức dậy và 7 giờ thì Theo ông ta đi ăn sáng ở Brooklyn Diner.
 
 
Ăn cái gì? Trứng chiên, bánh Waffeln nóng với dâu hayBlueberry Pancake?
Tôi không hảo ăn như thế, dậy sớm lúc 6 giờ thì được thôi,tôi sẽ không theo ông tới đó có điều đi đến Fifth Avenue, Battery Park,Rockefeller Center….như lời ông chỉ dẫn thì tôi quyết theo đến cùng.
 
 
 Rockefeller. Top of The Rock.
Nơi này quả thật trứ danh! Chúng tôi có mặt lúc 16h30 chờđến 17h trước cửa. Cao ốc 67 từng cao chót vót trên mây, nhìn lên tôi hơi choáng váng cứ ngỡ toà nhà cao này sẽ ngã đổ ập lên đầu của mình. Bước vào trong thì nhân viên tra xét như đi lùng bắt khủng bố. Cấm ăn, cấm uống, quay phim chụp ảnh tự do. Từng nhóm từng nhóm bước vào thang máy, chỉ vài ba phút là mọi người đã có mặt nơi sân thượng. Từ nơi này chúng ta có thể nhìn toàn thể thành phố Nữu Ước một cách rõ ràng.
 
Đập ngay vào mắt tôi: Công viên nổi tiếng với to lớn, rộng rãi mà mỗi lần xem phim nào có trình chiếu nơi này tôi vẫn cứ hằng mơ ước đến thăm.
 
 
 
                 Central Park.
 Một bãi cỏ ngút ngàn, hàng hàng tàng cây cao tõa rộng, màu xanh của lá, của trời, của lớp cỏ phẳng lì, những tảng đá trọc nhô lên như những ngọn đồi thấp thoáng gần xa mà hai hôm sau tôi đã được đến tận nơi. Xem kìa! Con suối nhỏ nằm dưới chân cầu thật thơ mộng, người người du ngoạn ngược xuôi, vài bóng chim bay qua hiện dưới làn nước trong veo. Cảnh thần tiên cũng chỉ là đây.
Trở lại Rockefeller. Top of The Rock.
Không còn một chỗ nào gọi là trống cả, người là người đã bao quanh sân thượng. Ai ai cũng chăm chú nhìn phía xa mịt mờ bên trời tây mặt trời đỏ rực đang từ từ lặn xuống chân mây……Chậm dần, chậm dần. Vài ba đốm mây xám đang che khuất, ánh sáng cứ lóe lên rồi vụt tắt…Hình như mọi người đang nén hơi, nín thở trong phút giây này.
Ồ! Tiếng xuy•t xoa, tiếng trầm trồ òa lên như tảng ong vỡ.
 
 Đúng ngay khi màu đỏ rực kia chìm hẳn xuống phía tây xa vời đó thì hàng hàng dãy cao ốc của thành phố Nữu Ước đồng loạt lên đèn. Bóng tối và ánh sáng của triệu triệu ô cửa nhỏ xem ra thật là kỳ diệu, phố phố nhà nhà màu sắc đan nhau như tấm thảm thần của chàng Aladin ngày xưa.
 
Giờ thì tôi đã rõ tại sao khi đến Nữu Ước ta phải một lần đix em cảnh mặt trời lặn ở trên tầng lầu cao chót vót 67 từng này.
Đi thăm thành phố này mà không ghé vào Chinatown cũng là một điều thiếu xót và chúng tôi đã ghé lại đến hai lần (ông James Rizzi đã dặn đidặn lại mà).
Một lần ăn Pizza ở quán Y•, quán ngon nên thực khách phải chờ khá lâu, sau đó ghé phố tàu thưởng thức món kem Pinkberry làm toàn bằng Joghurt và trái cây tươi không chỉ ngon tuyệt cú mèo mà còn trình bày quá là đẹp mắt. Ly kem trắng ngà thơm dìu dịu mùi dâu chín, mùi xoài, mùi đu đủ, trênmặt bày biện nào những là thơm tươi, dâu mọng đỏ, trái Brombeere đen thẫm ướp mát lạnh, cho kem vào miệng vị béo, vị thơm, vị tươi cứ tuôn xuống cổ họng….Ừm ngon thật là ngon.
Lần hai chúng tôi lại ghé vào …tha về 5 con Lobster totướng, mỗi trự nặng có đến ky• lô. Lại một buổi chiều có món tôm hùm luộc nhanh như ông bán hàng chỉ dẫn, dọn lên bàn ăn nào là sàlát dầu dấm, nào bánh mỳ nướng dòn với bơ hành lá tỏi, dĩa muối tiêu chanh kề bên…thiệt khó quên.

Ngày mưa thứ tư.
Hôm nay mưa dầm, sáng sớm đã nghe ngoài cửa sổ âm thanh rào rào của tiếng mưa rơi. Mưa xối xã tràn xuống đường phố, mưa phủ mặt con sông dưới chân cầu Brooklyn, phố không một bóng người. Ở đây là vùng rất đông người Do Thái cư ngụ. Họ sống hầu như biệt lập với bên ngoài, đàn ông có gia đình đội một chiếc nón da lông thú đắt tiền to vành như cái rế, măn tô màu đen một kiểu,hai lọn tóc quấn quăn hai bên má để dài già trẻ giống như nhau. Đàn bà thì từ quần áo, kiểu tóc, màu tóc khó mà có kiểu thứ hai nào tìm thấy ở đây, giày da đen, áo khoác đen, váy đen…Nhìn như một trại lính vào buổi chiều buồn.
Được nghe kể là phong tục tập quán này họ đã gìn giữ hơn 100năm, kể cũng là hay nhưng quá nhiều bảo thủ và khắt khe đi ngược với đà tiến triễn và nền văn minh đang đi lên ở thế kỷ 21 này.
Trở lại ngày mưa thứ tư.
 
 
Đứng trong nhà nhìn ra hai cánh cửa sổ to lớn, trước mắt tôi vẫn là chiếc cầu sắt nổi tiếng Brooklyn nằm im lìm. Đêm đầu tiên ở đây tôi đã như mê mệt khi nhìn ra ngoài phong cảnh với đèn hoa lấp lánh phản chiếu ánhsáng rực rỡ dưới sóng nước của con sông rộng. Rồi hai đêm sau, đúng lúc trăng tròn ánh trăng lung linh tõa chiếu mọi nơi, quá đẹp và quá nên thơ hai đêm liền tôi đã trở mình thức dậy mang máy hình ra chụp liên hồi. Bên trái khu Manhattanim lìm như ngủ quên, bên phải căn nhà trắng nhô cao nổi bật đám trẻ chỉ cho tôi biết đó là nơi phim King Kong đã được thu hình.
Mưa vẫn rơi xối xã, chúng tôi cứ lẩn quẩn tới lui trong căn nhà rộng này chép miệng tiếc cho thời gian quá sức ngắn ngủi ở đây.
Sáng thứ năm.
Vẫn là Subway Marcy Avenue.
Hôm nay chúng tôi sẽ đi thẳng đến bến phà từ đó lên tàu điEllis Island nơi có tượng Nữ Thần Tự Do nổi tiếng mà năm nay đã là 125 năm dài trãi qua.
 
 Xếp hàng khá lâu, bất chợt tôi nhìn lại tấm vé trên tay…. Vé của ngày hôm qua! Vì mưa và sơ y• nên không một ai nhớ đến ngày nào sẽ đi ra đảo. Năm gương mặt trở nên hơi căng thẳng, tim tôi cũng đập hơi nhanh…Nếu xui sẽ bị quay về còn hên thì….Cứ hy vọng mình sẽ được hên hôm nay.
Người soát vé đi qua, ông ta chỉ lấy cây bút đen to tướng gạch ngang một cái. Trạm xét thứ hai cũng check thiệt là nhanh….Hú hồn cả bọn chúng tôi hối nhau lên tàu, cứ sợ ông ta sẽ nhìn ra vé cũ và lôi chúng tôi racổng. Thì thầm với các con mình phải cảm ơn ông soát vé thật nhiều cho ngày đi thăm viếng hôm nay.
 
Con sóng đập mạnh vào bờ, gió lạnh bởi cơn mưa hôm qua còn rơi rớt lại. Cô gái út nhắc chừng chúng tôi khi lên tàu nhớ đi về phía bên phải tìm chỗ ngồi, hướng đó khi tàu càng ra xa thì toàn cảnh thành phố Nữu Ước lạic àng nhìn rõ hơn. Quả là thú vị vô cùng, càng ra xa những căn nhà chọc trời cùng những mái nhọn nhô lên vun vút như những mũi tên. Những cây cầu bắt ngang sông dù đã trãi qua hàng trăm năm vẫn hết sức mới mẻ và tân kỳ tàu càng chạy xem càng rõ nét. Đến gần đảo người ta lại càng nô nức, tượng Nữ Thần Tự Do sừng sững đứng kia với màu xanh lục từ chất đồng tiết ra thật hòa hợp, tượng đứng ngang nhiên như thách thức thời gian, không gian, phong ba và bảo tố.
Máy hình không ngừng nghỉ, tiếng lách cách, tiếng xì xào lẫn những âm thanh trầm trồ không ngớt vỏn vẹn ba chữ: Đẹp vô cùng.
Lên tới nơi chúng tôi đi một vòng quanh đảo, vào thăm bảo tàng viện nơi lưu trữ những tài liệu từ khi bắt đầu đến lúc hoàn thành rồi bước vào trong thân tượng. Lại một màn kiểm soát hành trang, túi xách, thức ăn, nước uống. Người nhân viên phục vụ chỉ vào hàng dãy tủ cá nhân: Cứ bỏ hết vào đấy trả 2 Dollar là ổn nhất quý khách ạ.
Pho tượng cao 92,99m và có 352 bậc thang nhưng khách thămc hỉ đi lên tới bậc 151 là chấm dứt phần còn lại dành cho những cặp tình nhân hay là tân hôn gì đó mà vài ba tháng trước cho đến nửa năm mới có phòng trống.
Lên tàu trở về.
Đường về thì những cái háo hức của mọi người đã biến mất,hình như khách du lịch chỉ mong tàu mau cập bến để thời gian còn lại đủ để đi thăm những nơi chưa đặt chân đến.
Tượng Nữ Thần Tự Do xa dần.
Nắng vẫn đẹp, một ngày mới lại đến. Hôm nay chúng tôi đi thăm thư viện thành phố: New York Public Library.
Không hổ danh là Nữu Ước, thư viện to lớn đồ sộ đang mừng trăm năm thành lập. Từng phòng, từng phòng rộng ngút ngàn. Đi lên từng trên baonhiêu người đang lặng yên chăm chú vào sách, nơi đây người ta chỉ cần đưa tên sách và tác giả bạn sẽ có ngay cuốn sách cần tham khảo rồi bước sang bên kia là bàn, ghế, máy Computer kể cả ngọn đèn cá nhân đặt sẳn đó, tha hồ đọc tha hồng hiên cứu quên thôi.


Ngày cuối cùng ở đây chúng tôi định đi xem một tiệm quần áo mới khai trương. Nhưng khi đến nơi thì đã có đến bảy hay tám ngã tư với người đầy những người chờ sẵn với năm ngàn phần quà cho những ai vào trước. Đi hoài,đi mãi vẫn không một chỗ chen chân. Cảnh này ở âu châu thật là hiếm hoi để thấy. Tiệm H&M bên cạnh đã xuống giá 50% với những bảng giá đỏ tươi đập vào mắt nhưng vẫn không một bóng người. Tư bản với cạnh tranh ở đây thật kinh hồn khó mà tưởng tượng ra.
Một tuần đã trôi qua thật nhanh.
 
 
Chuyến bay đã mang chúng tôi trở về thành phố quen thuộc này. Hình như có chút thanh thản so với những ngày …chạy đi thăm thành phố Nữu Ước. Tôi bổng nhớ những điều ví von của đám trẻ với những thành phố chúng đã đi qua. Ở Đức mình đi, ở Paris đi nhanh một chút, sang London chuẩn bị..chạy rồi khi sang Nữu Ước mọi người chạy như bay cho kịp. Thiệt là chẳng biết cho kịpvới ai!
Munich trời đã vào thu.
Lá nhuộm khắp nơi một màu, từ Paris, London, Nữu Ước hay nơi đây cũng chỉ một màu quen thuộc. Lá rơi nhẹ, một chút gió lay là lá lại rơi. Từ giả những ngày đi quên thôi, cây cầu Brooklyn thơ mộng, căn nhà có hai cánh cửa sổ lớn dễ thương, từ giả khu Chinatown luôn ồn ào náo nhiệt và chào hơn 11 triệu người ngày ngày đi như bay trên đường phố.
Munich đã thật lạnh, nhận hành lý là tôi lấy nhanh chiếc áo ấm đã bỏ quên hơn tuần nay khoác vội lên người.
Kỷ niệm xin ghi hết vào đây, cảm ơn anh Gà và các con thân yêu của tôi. Cảm ơn những người bạn thời xa xưa, tất cả đã tặng cho tôi một tuần thật trọn vẹn với niềm vui và tình người.
Một lần trong đời với tuổi 60 này chắc chắn sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.
  
Minh Trang
Ngày cuối tháng 10-2011
   ________________________________________________________________________________________________
 

VƯỜN XƯA

 
                                                                                  
    Nhà tôi ở cuối thôn Đoài, 
Có giàn thiên lý, có người tôi yêu.
 Hai câu cuối trong bài thơ Nhà Tôi của Quang Dũng thật chẳng phù hợp cho cảnh sống của chúng tôi trong lúc này.
 Vì….ở đây không có đầu thôn cuối xóm.  Hàng dãy dãy chung cư khó khăn lắm cũng không tìm đâu ra một giàn thiên lý…chỉ còn có bốn chữ cuối trong bài gượng gạo ghép vào…hai người già luống tuổi đang dìu dắt đùm bọc nhau cho đến cuối cuộc đời.
 Chúng tôi ở nơi đây cũng đã quá là lâu.  Nếu tính thời gian thì 30 năm dài cũng quá đủ cho một con người sinh ra rồi lớn lên tạo dựng một cuộc sống.
 Đúng, không sai !
 Căn chung cư này đã gắn bó với gia đình tôi nhiều thật nhiều kỷ niệm.  Từ lúc ba đứa trẻ đi nhà trẻ đến bước vào trung học rồi đại học ..rồi rời nhà đi làm…Cứ như là vòng tròn xoay của quả đất, xoay và xoay mãi không ngừng.
Vì như thế nên khung cảnh chung quanh rất là quen thuộc đến độ cứ nhắm mắt lại người ta cũng hình dung được ngay:  Bắt đầu khi bước ra khỏi cửa nhà là bạn sẽ thấy ngay bến xe Bus trước mặt. Xe chạy rất đúng giờ đúng khắc nên không ai phải đứng chờ đón chỉ cần xem bảng giờ xe chạy là an toàn.
Mỗi ngày tôi đã từng lên xe,xuống xe đi đi về về trên tuyến đường quen thuộc này để đến nơi  làm việc và ban chiều lại quay về nơi trú ngụ.
Công việc và đường đi như in vào trong tâm trí, cứ xem này:
Bắt đầu 5 phút trôi qua từ khi xe Bus chuyển bánh ta sẽ đi ngang qua một ngã tư đầu tiên, nơi đó là một dãy quán hàng nào là tiệm bánh mì mỗi  buổi sáng mùi thơm tõa ra ngào ngạt của những loại bánh ngọt, bánh mì từ trong lò nướng vừa được mang ra. Rồi bên cạnh là siêu thị với hàng hoá chất đầy như núi, sang đến nhà bưu điện, nhà băng, tiệm uốn tóc, sạp bán báo với vé số rồi một hàng dài với những biển treo nha sĩ, bác sĩ…..vv..vv..
Xe  Bus sẽ đưa tôi đi tiếp tục sang một ngã tư thứ hai.  Ở đây, nhìn sang hai bên đường ta sẽ thấy nhiều thật nhiều căn nhà nhỏ xíu xiu dành cho dân bản xứ …ra làm vườn vào những tháng hè ngắn ngủi.  Họ trồng những là hoa, rau cải và phơi nắng vào những năm nào không đi nghỉ hè sang các nước láng giềng.
Tôi lại đi sang chuyện khác rồi thì phải?
Ta quay về chuyện xe Bus và tiếp tục đi…..
Mảnh vườn rộng vừa qua, bây giờ nhìn sang bên phải đó là ngôi nhà thờ khá lớn. Nằm cạnh bên là một nhà giữ trẻ, sáng sớm nhìn cảnh tấp nập của những ông cha, những bà mẹ vội vội vàng vàng mang con đến gửi cho kịp giờ đi làm.  Đám trẻ con cứ ríu rít như đàn chim non hót rộ trên những tàng cây, tuy vậy vẫn chưa đủ để thực sự diễn tả  một buổi sáng sinh hoạt ở nơi đây.
Xe đưa chúng ta đi khoảng 15 phút là đến nhà ga chính của khu phố này. Cũng ở đây, nếu đi vào trung tâm thành phố thì bạn sẽ phải đổi xe điện và từ đó bạn có thể đi khắp nơi đông tây nam bắc( nước Đức được khen là phương tiện công cộng rất tiện dụng và phổ thông, chính phủ vẫn kêu gọi dùng xe công cộng hơn là dùng xe nhà vì mỗi sáng chạy xe hơi raxa lộ là luôn luôn gặp cảnh kẹt xe ).
Nhà ga chính, nơi đây tập trung hầu hết các học sinh từ các ngôi trường xung quanh.  Chúng ào ào như một đàn ong vỡ tổ.  Đám học trò đủ các lứa tuổi từ tiểu học,trung học, học nghề …vv…vv.. Chúng ồn ào khiếp đảm, đúng nghĩa chữ này là chúng ta phải… bịt tai lại.
Ôi! Đủ hết các đề tài.
Từ làm bài xong hay chưa xong đến học bài thuộc hay chưa thuộc rồi sang Handy cũ mới tối tân ra sao quay sang IPad, những ban nhạc đang thịnh hành hay những ca sĩ nào đang là Top hit….vv…vv…náo loạn như một đoàn quân thiếu người chỉ huy….. Nhưng đúng 20 phút từ lúc lên xe thì giờ đây một ngã tư cuối cùng tôi cũng như đám học trò cùng nhau xuống xe.Chúng đi về hướng bên trái còn tôi thì đi ngược lại dòng thác đổ đang chảy mạnh trên nguồn.
Bạn sốt ruột chưa?
Vườn Xưa đâu?  Sao chỉ đọc thấy đi quanh quanh với chiếc xe Bus và đám học trò ồn ào như đàn ong và những ngã tư?
Đây! Đây là ngã tư cuối trong chuyến xe Bus mỗi ngày tôi phải đi qua để đến nơi làm việc.
 
Góc phố này, bên kia là trường học.  Bên nay là vài ba quán tiệm bán nước,bán xe Honda, Yamaha nhưng loại xe hai bánh bên nay không bé nhỏ 60 hay 90 phân khối như bên nhà mà ngược lại to lớn dềnh dàng có lẻ vì vậy mà dân mình hiếm người chạy xe  này phần chỉ vài ba tháng mùa hè lại phải mang cất vào gara.  Sát  những tiệm này là ba căn nhà tư nhân mà căn đầu tiên mỗi lần đi ngang tôi phải dừng chân lại vài ba giây nhìn …nhìn một lúc rồi mới tiếp tục đi.
 
Chỉ một miếng vườn khá rộng, dài bao phủ hết căn nhà nhưng không một giống hoa nào ươn vào mùa hè, cỏ mọc cao tới gối trái ngược hẳn với những người dân bản xứ cư ngụ chung quanh.  Chỉ vỏn vẹn một cây táo đỏ già đứng trơ trọi một mình nơi khoảnh vườn rộng ấy. Mùa đông tới, nhìn tuyết phủ trắng xóa cây táo già lại càng cô đơn và thật buồn.
 
Lắm lúc tôi cũng tự hỏi lại chính mình, vì lý do gì mà cứ mãi vấn vương căn nhà ấy?  Có phải nó cô quạnh, cô đơn, xấu xí và buồn bã quá hay không?  Có vài lần tôi đã nhìn thấy cặp vợ chồng già người bản xứ ấy đi chầm chậm ra lấy thư hay quét vài ba chiếc lá rồi lại chậm rãi đi vào.  Nhìn cảnh ấy mấy ai lại không ghét chữ ..già như tôi đây? Bất giác tôi lại chạnh lòng nghĩ đến mai này mình cũng sẽ già đi như họ,đám con mỗi đứa đều có phần của bọn chúng..rồi mình cũng đi nhặt lá vàng, đi quét lá như họ hôm nay.
 
Ở đây không mấy giống bên nhà,hiếm hoi mới thấy ông bà nội ngoại ở chung với đám con cháu.  Phần lớn họ đều vào nhà dưỡng lão rồi qua đời ở đó hay họ ở cô đơn như cặp vợ chồng già mà tôi vẫn nhìn thấy họ lâu nay.
 
Mùa xuân trôi qua, đã mấy độ mùa thu cũng buồn bã giả từ. Cây táo đỏ già nua như vẫn trơ gan cùng thời gian. Vở tuồng Thời Gian vẫn cứ diễn đi diễn lại cảnh cũ, nhà đạo diễn hình như cũng chẳng muốn thay vai, những vai đã già nua và quen thuộc đến độ thuộc lòng nên khán giả cũng đã lơ là…
Nhưng tuần nay khi xuống xe Bus để đi đến nơi làm việc…hình như có gì khác lạ nơi căn nhà kia?
Căn nhà đã được sơn lại, một màu trắng mới đã che hết các bức tường nơi nước sơn cũ loang lổ. Cửa sổ cũng thay màu và màn cửa đã được đổi thành màu xanh mới tinh màu vải.  Khu vườn? Khu vườn có cây táo đỏ già nua đã bị bứng mất trồng vào đó là những dãy hoa hồng và thược dược.  Hàng rào màu hạt dẻ lấp lánh khi ánh nắng ban mai chiếu vào và thảm cỏ cao quá đầu gối úa màu cũng đã được xóa mất, cổng vào nhà đã được phủ kín một hàng hoa giấy tím và đỏ ửng, hoa chen nhau đến ngợp mắt.  Còn hàng hiên đã được dựng lên chạy dài từ đầu đến cuối nhà khá mỹ thuật với những thanh gổ gụ đan xen kẻ như những ô hình vuông vắn.  Bỗng dưng tôi thấy thật buồn cười cho chính mình, tại sao lại để ý quá nhiều như thế với một căn nhà không quen?
Thế nhưng…
Một sáng thứ hai sau ba tuần nghỉ hè tôi trở lại nơi làm việc.
Vừa xuống xe Bus, tôi chợt đứng chết trân khi nhìn thấy hàng hiên của căn nhà kia.  Mấy dây leo bông màu vàng quen thuộc của giống khổ qua, mỗi chân trụ của mái hiên là những chậu cây to to là giống bí, giống bầu đang cố vươn nhanh lên giàn.
Cảnh này không thể có ở cái xứ lạ mà tôi đang dung thân?
Cách chưng bày vườn tược này cũng không thể nào là của người dân bản xứ được. Cổng nhà với giàn hoa giấy cong cong?  Còn nửa một khoảnh đất vuông cuối vườn …hình như những liếp rau tần ô, liếp rau ngò đang chen nhau cười với gió.
Khung cảnh quá quen thuộc làm tôi đứng ngẩn ngơ như mình đang trở lại thời gian xa xưa bên quê nhà.  Chợt nhớ lại mình phải rão chân nhanh cho kịp giờ làm việc, vừa đi tôi vừa tiếc nuối làm sao. Nhủ thầm nhất định nay mai tôi sẽ ghé sát mắt vào thùng thư xem tên họ người chủ nhân căn nhà mới này là ai.
Những ngày sau đó, tôi có cảm giác mình đang là một thám tử?   Đi điều tra tên người chủ của một căn nhà?
Vẫn là Paul Maier, tên của một người bản xứ.  Chẳng lẻ ông có bà con thân thuộc với quê hương tôi?
Mùa hè đang ở đây.  Cái nóng bốc lửa cũng như bên nhà, thời tiết đã lên 37- 38 độ dương. Bóng mát của những nhánh dây leo nơi căn nhà xa lạ bắt buộc tôi cứ phải dừng chân mỗi khi đi ngang qua. Những trái bí đao tròn trịa dài ngoằng xanh mướt chen cạnh mấy trái khổ qua nho nhỏ ..rồi hàng bông giấy tím đỏ ….
Tôi đã nhớ ra cái cảnh tượng quen thuộc này từ đâu.
Từ cái ước mơ xa vời của người bạn Thúy Trúc của tôi đã vẽ ra lúc còn thơ.
Đúng rồi!
Từ bạn của tôi!  Thúy Trúc!
Khi lớn khôn, nếu có tiền ThúyTrúc sẽ mua một căn nhà nhỏ, có chút vườn chung quanh, cổng nhà sẽ làm một giàn hoa giấy với hai màu tím đỏ. .. sẽ làm một hàng hiên che nắng với giàn bầu bí,còn thêm vài ba liếp rau xanh…..
Đúng! Đó là ước mơ đơn giản và thật mơ hồ khi còn thơ, khi chúng tôi còn đi học với nhau.
Lúc đó chúng tôi như bóng với hình.  Bất giác tôi chợt muốn tìm kiếm quanh đây và hình như Thúy Trúc ..hình như bạn của tôi cũng đang ở gần gủi đâu đây.
Căn nhà cứ ám ảnh tôi bất kể là sáng, trưa hay chiều.  Cứ đi ngang nơi đó là  đôi chân của tôi cứ tự động dừng lại.
Một lần đánh bạo, ghé sát cổng tôi nhất định gỏ cửa vào nhà và hỏi cho tường tận với tâm trạng biết đâu mình sẽ tìm ra được một câu trả lời.  Tôi rụt rè bấm chuông.  Bóng dáng một người đàn ông khá lớn tuổi bước ra, vẻ mặt thân thiện nhìn tôi với một nụ cười:
Bà hỏi ai?
Thật ngượng ngùng, hỏi ai?  Tôi thật sự nào có biết muốn hỏi ai?
Tôi chỉ vào chiếc cổng với nhiều hoa giấy tím đỏ, chỉ vào liếp vườn đang đầy rau xanh, chỉ vào hàng hiên với những trái bí bầu đang lơ lửng trên giàn.  Tôi xin ông chịu khó nghe tôi trình bày vài ba phút để kể cho ông ta nghe về người bạn xa xưa của tôi…
Chưa dứt câu, ông reo vui và thái độ hầu như quen thuộc hẳn lên:
Thúy Trúc? Có phải bà đang kể về Thúy Trúc, về vợ của tôi?
Từ đâu trong giây phút này tôi trở thành một người câm?  Cổ họng nghèn nghẹn hình như có vật gì đang chèn lại, nước mắt trào ra lúc nào không hay. Còn Paul, ông ta quay vào nhà gọi to:
Em này, có người quen của em đang tìm đây.
Tôi muốn nín thở và lắng im,hai mắt chỉ muốn tập trung vào cái bóng nhỏ nhắn đang từ từ di động đến gần .. đến gần… bóng dáng quen thuộc của bạn tôi?  Mái tóc dài đã được bối lên sau gáy, hình ảnh thon thả dịu dàng ngày xưa vẫn còn đây, chỉ khuôn mặt với nhiều nét của thời gian thì có phần thay đổi nhưng đúng là Thúy Trúc bạn tôi đây rồi.
Không có tiếng reo mừng như xưa mỗi lần chúng tôi gặp nhau, không có âm thanh bể vụn như thủy tinh của hai đứa lúc cười đùa.  Chỉ có tiếng khóc nhẹ..rồi nghẹn ngào..rồi nức nở của chúng tôi.
Paul đã đi nhẹ ra hàng hiên.
Thúy Trúc kể cho tôi nghe thật nhiều khoảng thời gian sau đó.
Ba mất lúc nào không một ai hay khi còn trong cải tạo, mẹ của Trúc buồn bã rồi vài năm sau cũng ra đi, hai em của Trúc lưu lạc khắp nơi để sống. Vài năm sau đó Thúy Trúc bỏ Đàlạt và về Sàigòn sinh sống, bà dì cho làm trong nhà hàng nhỏ của bà ngày ngày sống như vậy cho đến một ngày gặp Paul.
Anh công tác ở Việt Nam, tình cờ một lần ghé quán cô bồi nho nhỏ mang thức ăn ra với một câu dịu dàng chúc ăn ngon bằng tiếng anh.  Anh đã như bị cuốn hút vào người con gái đó.  Hết thời gian làm việc anh ngỏ ý muốn lập gia đình và mang Thúy Trúc sang đây.
Thời gian qua, cả hai đều đã lớn và không có con cái gì hết.  Anh cũng chấp nhận vì người đàn bà Việt Nam này đã được anh yêu quý thật lòng.
Những ngày tháng dài buồn tênh ở đây, lúc đầu Thúy Trúc muốn quay về Việt Nam. Nghĩ lại lúc đó Paul thật buồn, anh muốn cho Thúy Trúc những niềm vui như ở quê nhà nên đã tạo dựng cảnh nhà như ý muốn và ước mơ của Thúy Trúc.
Vì vậy mà tụi mình lại được gặp nhau.  Chúng tôi  đã nói với nhau với những hàng nước mắt tuôn dài.
Ôm Thúy Trúc vào lòng, tôi muốn nói thật nhiều với người bạn thân mà đã quá sức là lâu không được gặp.  Hình như hai đôi mắt và tia nhìn đã giúp chúng tôi tỏ lộ cho nhau hiểu và cho nhau niềm vui hội ngộ.
Ôi!  Cái cõi mênh mông và xa lạ này vẫn còn ban tặng cho chúng tôi một niềm vui to tát.
Vỗ về bạn trong tay, tôi thì thào thật nhỏ giọng:
 Các con của mình sẽ là con củaThúy Trúc, chúng nó sẽ về và ghé thăm. Các cháu sẽ thương yêu bạn cũng như mình, từ nay tụi mình sẽ ở gần nhau như những ngày xưa.
Thúy Trúc cười với tôi. Đôi mắt đỏ hoe, âm thanh vẫn  dịu dàng nhỏ nhẹ như xưa:
Bên nhà bao năm dài mình đã khóc, nhưng lần này mình cũng khóc mà lạ chưa nước mắt rơi mà tâm hồn thì lại nhẹ nhàng,có phải là khóc trong niềm sung sướng hay không?
Người bạn nhỏ ngày xưa của tôi.  Giàn hoa giấy tím đỏ, hàng hiên với cây trái quê nhà, liếp vườn con với những tần ô, ngò rí đã cho chúng ta gặp nhau.
Xin cảm ơn trời đất, cảm ơn phần đất tạm dung cho chúng tôi được sống và được an vui với phần đời còn lại.  Từ nay, dưới hàng hiên đầy bí bầu, khổ qua xanh um. Thúy Trúc và tôi sẽ ngồi với nhau hàng giờ, kể cho nhau nghe ngàn ngàn câu chuyện …..
Ngày xưa với những ước mơ mà mìnhcứ tưởng chừng sẽ chẳng có khi nào trở thành sự thật.
 
                                                Minh Trang
                                                Munich, Germany
                                      Những ngày mưa tháng 6-2010

MÁ TÔI LÀM CA SĨ  ...


Trãi qua mấy lần sau này đi xem văn nghệ Tết của cộng đồng rồi các hội đoàn địa phương hay vào những dịp họp mặt của người Việt ở thành phố này tôi thấy má của tôi có chút ít đổi thay.
 
Bà đã soạn lại nhiều cuộn băng nhạc xưa cũ, những bài hát mà màu mực in đã phai màu ngã thành vàng úa dò dò viết viết nắn nót lại và ngồi hát một mình…
 
Bà kể hoài …ngày xưa khi còn bé.  Từ lúc tập tễnh vào tiểu học ở trường Đa Nghĩa ở Đàlạt bà đã dạn dĩ bước lên sân khấu và hát mãi đến lên trung học.  Bà hát nào là ban Hoa Niên ở Đài Phát Thanh Đàlạt rồi Hoa Hướng Dương của ông Bửu Ấn nào tôi có biết…rồi lên đến quán cà phêT2…..
 
  Sang đây vào những năm đầu định cư, bà cũng ráo riết tham gia với cộng đồng người Việt,với Hướng Đạo và hầu hết những nhóm thơ nhạc thi ca nơi này.
 
Thời gian trôi qua, ba anh em chúng tôi đã lớn.  Má tôi hay nói giờ thì bà đã già nay mai sẽ có nào là dâu nào là rễ thì chuyện hát hò hay bước lên sân khấu sẽ  không mấy là hay…
 
Người ta hay nói khi tuổi già bước đến  sẽ có ít nhiều thay đổi trong đời sống?
 
Điển hình như má tôi lúc này.
 
Bất kể lúc nắng, lúc mưa hay ban sáng lẫn ban chiều.  Khi lau nhà, khi ủi quần áo, lúc…sơn móng tay hay gội tóc cả thời gian đang xào nấu lo cơm trưa cơm chiều…vv…vv..thì xen kẻ vào  trong nhịp sống hàng ngày  đó là tiếng hát của bà vang lên hòa trong những âm thanh êm ả ngọt ngào.
 
Bà thích nhất là hai bài hát của nhạc sĩ VănCao: Buồn Tàn Thu và Bến Xuân.
 
Cứ như vậy, mỗi ngày khi cả nhà thức giấc thì tiếng hát cũng …thức theo…Bà hát hoài hát mãi đến ba tôi và bọn chúng tôi đều đã thuộc lòng.
 
Má tôi hát quả là không tệ dù là sang năm tới này bà đã quá lục tuần rồi.
 
Có lần tôi trêu ghẹo bà:
 
Má à! Má tập hát hoài có phải má muốn lên sân khấu để hát lại phải không?
 
Cứ ngỡ má tôi sẽ lắc đầu nguầy nguậy xen lẫn câu nói quen thuộc mọi lần …nhưng không thấy bà trả lời cứ cười cười như… cầu tài hư hư thực khó mà đoán ra.
 
Anh em tôi đoán già là năm nay má sẽ lên hat tham gia với mọi người đón mừng năm mới và mấy đứa nhìn nhau cười cười …má tụi mình lại lên sân khấu hì hì.
 
Chắc là như thế rồi khi chúng tôi thấy bà mang những chiếc áo dài treo thật lâu trong tủ ra xăm soi, thử tới thử lui rồi tự thì thầm với chính bà…hơi chật phải tháo đường chỉ may eo trước…rồi lại chưa được..phải tháo hết cả đường chỉ may eo sau ra ….
 
Chưa hết đâu các bạn ơi! Bây giờ thì đều đặn sáng nào bà cũng làm một ly nước chanh không đường chua lè chua lét rồi uống chầm chậm  vào cho thông cổ họng hết đàm hết nghẹt cuốngcổ …Ban chiều đi làm về là bà mang ngay Buồn Tàn Thu hay Bến Xuân ra vừa nấu ăn vừa dợt tới lui.
 
Ối  Tiếng hát của má tôi sao mà ấm áp lẫn ngọt ngào.
 
Tiếng láy nhẹ của những câu :  Ai lướt đi ngoài sương gió….
 
                                                  Không dừng chân đến em bẽ bàng.
 
Chúng tôi đã lén má và cười khúc khích mỗi lần nghe bà đang trầm bổng thì tiếng hát ngưng lại thay vào đó là tiếng cằn nhằn…Sao dạo này hơi quá sức là ngắn, chưa kịp hát hết câu đã phải ngưng lại tiếp thêm hơi làm giọng ngân không ngọt chút nào….Lúc đó giá mà tôi chỉ chua thêm vài chữ ..tại má già rồi chắc chắn tôi sẽ nhận ngay phần thưởng là một cái cốc mạnh lên đầu.
 
Thời gian trôi dần qua, bà mỗi ngày vẫn như mỗi ngày …vẫn những đoạn hát quen thuộc ru ấm lòng người, vẫn giọng láy tròn trịa và làn hơi ấm áp quen thuộc nuôi chúng tôi dần dần khôn lớn.
 
Đúng như vậy, má tôi đã không nuôi dưỡng ba anh em tôi bằng những câu ca dao trữ tình.  Má cũng không nuôi chúng tôi bằng những câu hò quê hương  hai bên nội ngoại.  Bà đã nuôi anh em tôi khôn lớn bằng tiếng hat của chính bà và làn hơi ấm áp bao bọc chúng tôi ấm lạnh cơ hàn.
 
Nhớ lại khi còn bé, chúng tôi thì múa má thì hát trong màn trình diễn Ông Ninh Ông Nang. Tôi làm Ông Nang đầu xóm còn anh hai tôi làm Ông Ninh cuối xóm với áo dài khăn đóng, ô thâm xênh xang.  Màn múa thật ra trò, má còn vẽ cho hai đứa hai bộ râu ra dáng bậm trợn và cô em gái út của chúng tôi làm cô Chiêu xí xọn với quần áo tứ thân khăn vành yếm thắm tha thướt qua lại tới lui….
 
Chỉ một màn múa này chúng tôi đi khắp nơi từ nơidưỡng lão của người dân bản xứ đến ngày đầu năm Tết của mình sang đến những ngàytham dự trại tưng bừng trong gia đình Hướng Đạo trong nước Đức cũng như ThẳngTiến 1 ở Pháp năm nào.  Ông Ninh , ÔngNang và cô Chiêu được mọi người khen ngợi, khán giả đã cười thoãi mái khi cô Chiêu xoay tới xoay lui cái mông nhỏ xíu và hôn gió tới tấp khi chào từ giả bà con ….
 
……………………
 
Chiều chiều bước về căn nhà ấm cúng của gia đình, tiếng hát êm ả dịu dàng của má tôi lại gần gần xa xa vang vang khắp chốn.  Hình như tiếng hát của má hiện hữu mọi nơi trong căn nhà bé nhỏ của gia đình tôi.  Từ phòng khách xuống căn bếp gọn gàng nhưng tưới tẫm đầy hương vị ngon lành trong những bữa cơm gia đình rồi tới phòng tắm sang phòng ngủ…hình như nơi nào cũng có tiếng hát của má tôi… Tiếng hát cứ nhè nhẹ nhịp nhàng thắm thiết.
 
Áo đan hết rồi, cố quên dáng người…
 
Rồi sang:
 
Bao lũ chim rừng, còn hằn in nét dấu yêu…
Ba của tôi hình như chỉ muốn nghe má hát ở nhà,ý tưởng bà muốn lên sân khấu ông chỉ cười cười mà không nói ra nhưng chúng tôi biết rõ ông hết muốn nhìn ….một bà ca sĩ hơn …lục tuần ỏn ẻn bước lên bục và cầm micro…
 
Một chiều cuối thu, lá vàng rơi lướt thướt ngoài hiên.  Hoa cỏ, con người vạn vật đều trốn vào những nơi ấm áp.  Không gian vắng lặng,chỉ còn nghe tiếng lá ngoài sân và tiếng hát của má tôi trong Buồn Tàn Thu:
 
Người ơi! Người có biết chăng?
 
Tình xưa còn đó xa xôi lòng…
 
Còn nhớ đêm xưa kề má say sưa…..
 
Với tôi thì bài hát này thật buồn.  Người thiếu phụ ngồi chờ tình quân không trở lại, người nghe nảo nuột làm sao.
 
Định bụng nhiều lần hỏi má nhưng lại ngại ngùng không dám hở môi.
 
Ôi!  Cái lão tình lang tệ bạc kia đã để người thiếu phụ mõi mòn chờ đợi bao mùa thu chết trong lòng bây giờ có lẻ đã lục tuần và nếu còn nhớ đêm xưa nào đó giờ chắc chắn cũng đã thất thập cổ lai hy…Cứ tưởng tượng ra giờ mắt mờ, tay cầm gậy run run đi không muốn nổi và cái điệu này suy ra lão tình lang tệ bạc kia dám là …ba của tôi lắm đó!  Vì bà hay kể xưa kia khi còn trẻ ông hay đi lang bạt kỳ hồ.  Ông bước hết nơi này sang nơi khác không hề mỏi gối chồn chân, nơi nào dừng lại có chăng là những người bạn thân tình níu gọi rồi thì thời gian ngắn qua đi ông lại khăn gói lên đường.
 
Rồi…một lần ông lên Đàlạt gặp má tôi, quen má tôi….Có lẻ tiếng hát của bà đã níu chân ông?  Rằng ông bỏ đi một thời gian và quay trở lại.
 
Nhiều giả thuyết đã được tôi dựng lên như mộ thay nhiều cuốn tiểu thuyết trữ tình…hèn gì mà mỗi lần má tôi ngồi bên ông, bà lại:
 
Còn nhớ đêm xưa, kề má say xưa ..theo năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần…..
 
À thì ra….tôi cứ cười mím chi…cọp còn ba tôi thì lắng im, gật gù lim dim đôi mắt.
 
………………….
 
Má thân yêu của con.
 
Má cứ tập và cứ hát những bài hát má yêu thích và cứ cất giữ những ước mơ đẹp trong lòng.
 
Má cứ hát cho vui nhà vui cửa, còn đầu năm tới này là năm con ngựa vằn tôi dám chắc chắn với các bạn là má tôi sẽ đi dự Tết mà không lên hát đâu.
 
Má đã già, cái dĩ vãng đẹp đẽ và thiệt dễ thương của má tôi khi còn son trẻ vẫn cứ nằm im trong ký ức của bà như mới ngày hôm qua. Má cứ hát và nhớ đêm xưa…em đến thăm một chiều.  Má ấp ủ và yêu quý cái dĩ vãng êm đềm nơi quê nhà và luôn luôn mơ hình ảnh đẹp đó kề cận bên mình mãi mãi.
 
Bây giờ thì tôi đã biết!
 
Những người già sống lâu năm nơi xứ người họ nhớ, họ thương, họ giữ mãi những hình ảnh từ nơi quê hương xa lơ xa lắc kia không hề một phút nào quên.  Họ nhớ con đường xưa cũ, mái trường lúc bé thơ, bạn bè từng lớp từng lớp đi qua hay còn sót lại.
 
Tôi thật thương và hiểu lòng của má.  Có lần như trắc nghiệm thử xem sự suy nghĩ của mình có thực là đúng hay không.  Tôi nhắc là:
 
Má sửa áo dài xong chưa? Chừng nào má muốn đi tổng dợt thì cho con hay con sẽ đưa má đi?
 
Má quay sang nhìn tôi với đôi mắt thương yêu kèm tiếng cười trong veo quen thuộc:
 
Áo má muốn sửa lại nhưng không nổi nữa rồi con,còn tính toán gì thì qua năm má sẽ định lại….
 
Má của con!
 
Tiếng hát của má mãi mãi trầm ấm và tràn đầy những yêu thương của má dành cho chúng con.  Má cứ hát cứ tập mỗi ngày nhà mình nghe cũng đủ là vui.  Má không cần lo lắng sửa áo cũng không cần lo ngại hơi ngân ngắn dài.  Tiếng hát muôn đời chúng con ưa thích và cả nhà ai cũng muốn nghe… nhất là ba của con.
 
Má cứ hát cho má vui trong lòng, má cứ hát cho những hình ảnh xa xưa xưa thời son trẻ nằm trong trí nhớ lại hiện lên và cho thoã nhớ nhung.
 
Tiếng hát và mộng mơ.
 
Ngày nào đó má sẽ được quay về nơi quê hương má sinh ra lớn lên của má.
 
Không khí và cuộc sống này tràn đầy hạnh phúc dành cho má tôi dù lời ca, điệu hát cứ thật là buồn và nhớ nhung.
 
Hãy đợi!
 
Đợi một ngày má sẽ đặt chân của má lên quê hương yêu dấu đó và tiếng hát cứ vươn cao dù là…
 
Áo đan hết rồi…..
 
Mùa thu chết bao lần……
 
 
                                                                Minh Trang
                                                           Munich, Germany
                                    Những ngày đầu thu tháng 10 năm 2013

CHIẾC LÁ CHỮ NGHĨA

           Khi còn bé thơ…
Cũng là lúc ba tôi còn sinh tiền, tôi vẫn hằng nghe ông kể hoài về dòng họ bên nội.  Ông cố chúng tôi có thời làm quan, đến đời ông nội thì vận nước suy tàn.
Ba tôi từ Thanh Hóa-  Nghệ An bỏ quê nhà đi dần vào phương nam, tới Huế thì ông gặp má tôi hai người yêu nhau …dìu dắt nhau lên tận Đàlạt tạo lập đời sống cho đến giờ.
 
Tôi không biết thời ông cố làm quan phẩm trật gì, đời vua nào …chỉ nghe lờ mờ sau đó dòng họ từ họ Trần phải cải thành họ Nguyễn và rời  xa xứ sở.
 
Những giây phút rãnh rang, ông ngồi cạnh chúng tôi kể hoài và luôn hãnh diện…lúc đó nhà mình có chút ít chữ nghĩa.  Ba tôi được học chút Hán tự,chút Nôm tự , chút Quốc ngữ và sau cùng võ vẽ chút Pháp ngữ ….
 
Cứ thế rồi …chúng tôi lần lượt ra đời, bảy anh em mà đã có tới bốn cô con gái.
 
Ôi!  Má tôi luôn luôn chép miệng, lo âu…
 
Chị em chúng tôi cànglớn thì bà lại càng lo lắng nhiều hơn.  Bà lo sợ bốn hủ mắm  ( bà ví von chị em tôi thiệt lạ kỳ ) để lâu trong nhà có cơ chừng sẽ bị bể!
 
Nho học đã tàn từ bao giờ, sang Nôm cũng bị cười chế nhạo….Nôm ư? Nôm na là cha mách qué ( lời của má tôi ).  Bà luôn luôn cho rằng thời nay đã khác xưa.  Có chăng là :
 
Nhất sĩ nhì nông
Hết gạo chạy rong
Nhất nông nhì sĩ.
 
Ý má tôi mỗi ngày là cầu mong sao cho bốn đứa con gái mau mau có nơi có chốn .  Kén rể ư? Không!  Rể nào cũng là mơ ước củabà.  Trái ngược lại ba chúng tôi thì nhất nhất phải xem con nhà ra sao, phải có ăn có học còn lơ tơ mơ thì ông sẽ …phản đối tới cùng.
 
Ba tôi luôn nói với đám con cái rằng thì là biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe….nào thì là thanh niên bây giờ chữ nghĩa không bằng một chiếc lá mít!  Gả con cái vào các nơi ấy, nhất định là khôngđược.
 
Mãi rồi cậu A khôngđược, cậu B cũng không xong, cậu C… ba chúng tôi cũng không chút hài lòng.
 
Vậy mà thần kỳ thay!
 
Khi chị ba tôi lên xe hoa, anh rể tôi chẳng thông Nôm, Hán hay gì gì cả.  Bà mai chỉ to nhỏ với má tôi rằng :  Nhà trai có tới ba tiệm buôn to ở phố và  không rõ khi ghé vào tai ba tôi thủ thỉ vài câu ra sao mà khi bà ..phán lên:
 
Ít ra thời đại này cũng phải là nhất thương hay nhì phú….còn ba tôi chỉ phản đối yếu ớt là  thằng rể này chỉ biết dựa cột mà nghe.
 
Nhà còn lại ba chị emchúng tôi phần ba anh con trai xem ra không một ai lo lắng gì. ( Là một con trai vẫn là hơn hẳn đám con gái kia tột bậc ).
 
Ba tôi lại mơ…..ít ra trong ba chàng rể kế tiếp sẽ là hai hay ba …loại chữ nghĩa bề bề.
 
Hè năm đó.
 
Chị họ tôi từ Sàigònlên Đàlạt nghỉ hè, chị đang học Quốc Gia Hành Chánh năm thứ hai.  Ui!  Chị đon đả hứa hẹn và nói những câu mà nghe xong ba tôi mát ruột mát lòng làm sao:
 
Lo chi cậu nì, để ba cô con gái rượu nhà ni con sẽ giới thiệu cho ba anh Quốc Gia Hành Chánh …rứa là ổn phải không cậu nì?
 
Cứ ngờ là chị nói khi đang vui nhà vui cửa trà dư tửu hậu, ngờ đâu đến Giáng Sinh năm đó chị lại lên thăm gia đình chúng tôi với nhóm bạn học đồng khoa của chị …nào anh C, anh H, anh K.
 
Chị rôm rả vào nhà ,còn các anh thật lịch thiệp niềm nở chào hỏi ba má và chị em chúng tôi.
 
Thật tiếc là tài làm mai của chị chưa qua một khóa thực hành nào nên cả chị tư, tôi và cô em kế ngày ngày chỉ cầu mong những ngày thăm viếng mau đi qua và chị họ tôi cùng các anh ấy nhanh chóng trở về chốn cũ.
 
Ui!  Gương mặt ba tôi nhìn thật là buồn rầu, ông cầm tách trà lâu lâu lại ngâm:
 
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.
 
Đùng một cái, chị tư quen anh rể tôi.  Ba tôi hỏi han ngay về gia thế.  Nhưng má tôi thì đúng là một người đàn bà tuyệt vời.  Bà đã đứng sau lưng chị tư tôi làm hậu thuẩn và vì vậy…dù ba tôi không mấy hài lòng chị tư vẫn được anh rể tôi đón về nhà trai thuận lợi xuông sẻ.
 
Ba chúng tôi.  Cả đời ông vẫn mơ bốn cô con gái đều được lập gia đình với những anh con rể văn hay chữ tốt nhưng hai cô con gái đã lên xe hoa ông vẫn chưa chút nào được toại nguyện.
 
Thế rồi ông qui tiên.  Giấc mơ đã đi theo ông  đến cuối đời.
 
Thật tiếc cho ba của chúng tôi.  Nếu lúc này ông còn sống thì chàng rể thứ tư đúng là niềm mơ ước của ông lâu nay:  Học giỏi, con nhà khá giả, văn chương lưu loát,thưa thốt rành mạch làm mát …tai người nghe.
 
Nếu như vào thời xưa nào đó ví von thì em rể tôi đúng là Bảng Nhản Thám Hoa
dáng người nho nhả, đi đứng đàng hoàng thì người mà tôi lập gia đình chắc chắn  ba tôi lại sẽ lắc đầu và buồn bả ngay. …vì  người tôi sẽ lập gia đình là một anh Tú Tài ….thi rớt!
 
Chị em chúng tôi vẫn kháo chuyện khi bên nhau rằng thì là chỉ có em….chỉ chú rể út là người mà ba mơc ho tới khi qua đời.
 
Trời không chìu lòng người.
 
Lại một lần vận nước đổi thay, dù không cải tên họ nhưng chị em chúng tôi đều sính vính với những ngày tháng thay tên này.
 
Từ nay không còn áo bay lả lướt, sáng sáng chiều chiều đã mất hết những giây phút thảnh thơi.
 
Cả bọn chúng tôi …lăn ra đường kiếm cơm kiếm cháo cho cả nhà.
 
Ban đầu thật là khôngquen với cảnh buôn bán chụp giựt nhưng một tay chị ba đã giúp chúng tôi rồi thì cơm áo cũng tạm sống qua ngày.
 
Những lần gặp nhau, mấychị em lại thì thầm..giá ba chúng mình còn sống thì quan niệm của ông về kén chọn con rể chữ nghĩa có lẻ sẽ quay ngược đi có tới 180 độ không chừng.
 
Thời gian trôi qua,chúng tôi đã lớn và già đi.  Bọn tôi vẫn hay mang những câu nói của ông ra làm đề tài suy gẫm.
 
Chữ nghĩa không bằng một chiếc lá mít!
 
Có thật hay không khinhững con người kém cỏi trí tuệ  chứa thậ tít oi sự hiểu biết của mình vỏn vẹn trong một chiếc lá mít con con?
 
Thời đại ba chúng tôi khi còn sinh tiền có nhiều tư tưởng bảo thủ và cổ hủ như thế ư?
 
Còn giờ đây, thế kỷ21 đang chào đón mọi người với những phát minh choáng ngợp, tinh vi.  Bàn luận đâu cho xa vời, chỉ cần một chiếc điện thoại cầm trên tay nào là tin tức hàng ngày, biến động nơi nào trên thế giới,quay phim, chụp ảnh, thời tiết nắng mưa, thị trường chứng khoán hay giá vàng lênxuống vv…vv… Và ngày nay với đà tiến hóa không ngừng nghỉ này nếu ba tôi muốn kén một chàng rể văn hay chữ tốt như ba tôi hằng mong đợi e là sẽ… vò đầu bứt tóc mãi mà không biết chọn ai…vì xem đó sẽ có thật nhiều những kẻ chữ nghĩa bề bề.  Ba muốm ngâm vịnh thơ cũ, thơ mới?  Có ngay! Mở ra trong phần thơ văn tha hồ ngâm vịnh. Ba muốn thử tài  xem chàng rể này đầu óc có phong phú hay không ? Hỏi nhỏ xem có biết tên anh tài tử Nhật đóng phim Hiệp Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm mà khi xưa ba mê mệt…Một giây thôi chàng rể ấy cũng sẽtrả lời đúng như ba muốn. Rồi chuyện trên trời như Oscar, như giải Nobel, dân nào giàu có, dân nào nghèo rớt mồng tơi như dân Việt mình bây giờ ..cứ bấm vào chiếc điện thoại bé tí teo như lá mít ấy nhất nhất trả lời và ba sẽ hài lòng vô cùng tận…
 
Chiếc lá mít ngày xưa ba tôi hay so sánh với những ai kém chữ học ít, giá mà ông còn sống đến ngày hôm nay chắc là ông sẽ ngẩn ngơ lẫn thán phục với những phát minh tuyệt diệu của con người trong thế kỷ này.
 
Viết những dòng chữ này dâng lên cho ba, tôi cũng muốn kể thêm ít nhiều cho ba được biết về đời sống của chị em chúng tôi.
 
Trong bốn anh con rểmà lúc còn sống ba đã biết đưọc chỉ có hai người và hai người khi ba qua đời chúng con đã có được.  Bốn gia đình đó chúng con đã có những cuộc sống hạnh phúc và thật an bình.
 
Mặc dù chữ nghĩa một bụng như rể út hay hay tàm tạm như anh ba, anh tư hoặc là chàng rể… Tú Tài thi rớt của con.  Tất cả đều biết yêu thương đùm bọc cho nhau.  Và tới ngày hôm nay, chúng con tóc đã hai màu, các cháu nội ngoại đều khôn lớn nên người nhưng chúng con đều không hề nghĩ đến chuyện kén rể kén dâu như ba ngày xưa mong muốn.
 
Cuộc sống là những chu kỳ tiến hoá và đám trẻ đã lớn lên trong môi trường và đời sống mới mẻ này.
 
Niền vui của chúng con là chúng đã lớn khôn, đã là những người hữu dụng hiếu thảo, biết chia sẻ,biết bảo bọc cho nhau.  Điều này nếu ba còn sống chắc chắn ba sẽ thật là hài lòng.
 
Còn chuyện kén rể hiền hay kén rể chữ nghĩa bề bề ?
 
Vào thế kỷ này,  ý tưởng trên sẽ dần dần đi vào lãng quên.
 
Vẽ một chiếc lá mít nhỏ trên tờ giấy trắng, nhìn hồi lâu tôi lại thầm mỉm cười một mình.  Ông bà mình ngày xưa ví von thiệt hay.
 
 Ngày nay với chỉ một chiếc lá mít cỏn con…tri thức, trí thức …gói mãi gói hoài, cứ gói vào đó:
 
Mà lạ thay!
 
Chiếc lá vẫn còn hoài những khung chứa,  một nguồn bất tận !
 
 
                                                            Minh Trang
                                                            Munich, Germany
                                                            Ngày cuối tháng 5 năm 2014