LỜI MẸ DAY CON GÁI / CON DÂU
 
Mẹ bảo :
 
1. Hạnh phúc của người phụ nữ đơn giản lắm ! Đừng nên tham lam và đòi hỏi ở người đàn ông mình yêu tròn vẹn và tuyệt đối. Một người đàn ông tốt và yêu thương con, không phải là người đàn ông sẽ mở toang cánh cửa trái tim mình để con có thể nhòm vào đó, nhìn thấu rõ tâm can.Đàn ông chỉ cho con thấy tình yêu bằng miệng, là đàn ông vứt đi. Miệng nói thì gió bay, những kẻ rơi nước mắt vì tìn...h yêu, những kẻ luôn mồm sống chết vì tình yêu, sẵn sàng vứt bỏ cả mạng sống mình vì tình yêu là những kẻ không thể và sẽ không bao giờ là chỗ dựa tin cậy và bền vững. Một người có thể tự giết bản thân mình, cũng sẽ có ngày cầm được dao đâm người khác.
CON HÃY NHỚ NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÁNG ĐỂ CON DỰA VÀO - LÀ NGƯỜI CÓ THỂ ĐI TRĂM NGÀN NẺO ĐƯỜNG VẪN QUAY VỀ BÊN GIA ĐÌNH, BÊN VỢ CON
 
2. Còn con, hãy luôn khắc ghi: Một người vợ tốt là gì? Là không nên và tuyệt đối không bao giờ được mở miệng ra đòi hỏi bình đẳng ngang hàng ngang vế với chồng. Hạnh phúc của người phụ nữ là giữ lửa cho gia đình, cho dù có lúc con thấy trăm bề thiệt thòi, trăm bề vất vả, con phải luôn nhắn nhủ mình rằng - người phụ nữ sinh ra vốn không phải để tranh đấu quyền lực. Thượng đế cho phụ nữ một trái tim nóng là để sưởi ấm gia đình. Chỉ có gia đình mới là hạnh phúc suốt đời của người phụ nữ
MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG THÀNH CÔNG LUÔN CÓ MỘT NƯỜI PHỤ NỮ ÂM THẦM Ở ĐẰNG SAU. MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ HẠNH PHÚC LÀ NGƯỜI NỮ LUÔN CÓ NGƯỜI ĐÀN ÔNG TIN CẬY
 
3. Không có vợ chồng nào đi đến trọn vẹn cuối đời mà không trải qua sóng gió. Những khi bát đũa xô lệch, con hãy đặt tay lên trái tim mình mà nhớ lại tháng ngày con và chồng đã yêu thương nhau. Tình yêu không phải là tất cả để người ta đồng hành với nhau đến hết đời, có những thứ lớn hơn cả tình yêu đó là khi hai con đủ tin cậy và hiểu nhau để giữ cho mình một chữ Nghĩa.
Để đi hết con đường, thì người ta phải có đủ niềm tin, có đủ kiên nhẫn, có đủ vị tha, có đủ cảm thông, yêu thương thôi thì không đủ!
Vì thế, đừng bao giờ - cố gắng bước vào tận sâu trong trái tim người đàn ông để cân đo đong đếm tình yêu người ấy dành cho con.
GIỮ MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG GIỐNG NHƯ GIỮ MỘT SỢI DÂY, KÉO CĂNG THÌ ĐỨT, CHÙN TAY THÌ RƠI - CON CÓ ĐỦ THĂNG BẰNG - CON SẼ LÀ NGƯỜI HẠNH PHÚC !
( Sưu tầm từ Internet )
 
Sưu tầm từ Internet
 
 
CHA TÔI
Tác giả: Sống Châm
 
 
Cha tôi, người đàn ông lam lũ. Cha gầy, gầy lắm, mà không phải chỉ gầy do sức khỏe, mà thời gian đã ngấm dần trong từng thớ thịt cha, già cỗi và yếu ớt. Người đàn ông cô độc ngần ấy tháng năm của tôi.
 
 
Bao nhiêu lần ôm cha ngủ. Từ bé, lúc lớn lên đi xa trở về, hay khi tôi đi làm có tiền thường gọi điện cho ông: “Cha, lên thành phố với con, con lo được mà”. Ông hỏi dò “Có thiệt không đó, cu con? Không để tiền cua gái hả?” Rồi ông cười khà khà. Hôm sau đã có mặt ở nhà tôi. Mang nào gà, nào vịt, nào trái cây. Và không quên mang theo một cúc rượu để cha con nhâm nhi. Nhưng sao lần này, nằm cạnh ông, nhìn ông ngủ, tôi …tôi không diễn tả nỗi cảm xúc của mình. Nước mắt ở đâu cứ như nước sôi đang đun trào, cứ thế đẩy vung mà ra. Chắc vì tôi mới được làm cha, chắc lẽ thế.
 
Tôi lấy vợ rất muộn. Vợ là người thành phố, con nhà danh giá. Nhưng với nỗ lực và cố gắng của mình, tôi độc lập về kinh tế, không phải dựa bóng nhà vợ.
Khi mọi người quây quần quanh thằng Mỏ (con trai yêu quý của tôi), nhìn nó kháu khỉnh đáng yêu quá. Nhà vợ rất đông người tới. Ai cũng đòi được bế thằng Mỏ nụng nịu. Bà ngoại thằng Mỏ (là người rất khó tính) nói “Ông Nội bế cháu đích tôn một chút này”, cha đưa tay ra định bế thì bà ngoại khựng lại.
“Trời ơi, tay ông nội sao thế, thế thì hỏng da của cháu mất….”. Bà ngoại giữ thằng Mỏ lại trong lòng, vừa nói vừa nhìn bàn tay cha tôi dò xét.
“Ờ….vâng, tôi lỡ…để tôi…đi rửa..”. Cha tôi ấp úng rồi đi ra nhà sau để rửa tay.
“À, chắc ông mới làm than đó má”. Tôi nói đỡ, rồi theo cha ra sau. Mọi người lại xúm lại đòi bế thằng Mỏ. Cha tôi rửa tay, và đúng là ông làm than thật. Tức là ông phơi mớ than củi mang từ quê lên để cho vợ tôi nằm hong, khỏi nhức mỏi đau lưng sau này. Nhưng ông làm xong từ sáng sớm rồi kia mà, lẽ nào cha tôi đã già nên lẩm cẩm rồi, chẳng còn nhớ mà rửa tay nữa. Cha ơi…
Thấy ông đứng cặm cụi rửa tay, khó nhọc. Tôi tiến lại “Cha, để con rửa cho cha”.
“Thôi đi cu con, hồi bé cha rửa tay rửa chân cho mày, giờ học đòi à, nhưng chưa đến lúc đâu….”.
“Đưa con coi nào”, tôi giằng lấy tay ông. Trời ơi, hai bàn tay ông chai sần, những lớp da bị tróc mẻ, nham nhỡ đỏ lừ.
“Cha bị sao thế, cha đừng rửa bằng xà bông nữa”… Tôi nói.
“Ờ, hồi trước, hồi trẻ ấy, cha mày đi xây, bị xi ăn, bị dị ứng. Hôm qua tao thấy trước sân nhà mày có chỗ bị hỏng, tao hòa ít xi gắn lại. Ai ngờ lâu thế mà nó cũng bị lại…”.
 
Ông nói rồi lững thững đi vào. Vừa đi vừa chùi chùi hai bàn tay vào áo, cái dáng còng còng như oặn trĩu bởi yêu thương. Cha bước đi không còn vững nữa rồi, năm tháng ơi...
Là trưởng phòng kinh doanh một công ty, tôi đi tối ngày, tranh thủ chạy về lúc trưa, lúc tối muộn. Nên cha làm gì, mọi người làm gì tôi cũng không rõ hết. Nhà tôi ở ngoại ô. Có một khoảng sân nhỏ, trồng một ít cây cối. Trong những tháng ngày này, được làm cha, được sống trong cảnh gia đình sum vầy thế này. Tôi ngỡ cuộc đời như một giấc mơ. Hay đúng hơn là cuộc đời ai rồi cũng đến lúc sống đúng như một giấc mơ, khi đã cố gắng thật nhiều.
 
Từ chuyện bàn tay, mà cha chưa bế cháu Mỏ một lần nào. Không chỉ vì ánh mắt e dè của bà ngoại thằng Mỏ. Mà có lẽ ông tự ái (bệnh người già mà), ông muốn mọi người được vui. Và hơn hết ông thương thằng Mỏ, như bà ngoại nói “da cháu còn nhạy cảm, như thế là không tốt”. Tôi cũng chỉ im lặng. Vì nghĩ mọi thứ đều hợp lý. Hay tại vì cha là đàn ông (yêu thương để trong lòng), ít ra cha cũng không như bà ngoại, khi một ngày không ẵm thằng Mõ vài lần nũng nịu là ăn cơm không nổi.
 
Thế là cha tôi, ngày ngày lầm lũi ngoài khoảng sân nhỏ. Ông nấu nước Vằng (một loại lá cho người đẻ uống rất tốt), ông quét sân, thỉnh thoảng qua chỗ mấy ông già cùng khu phố ngồi chơi. Rồi lại thỉnh thoảng về ngắm thằng Mỏ. Vợ tôi còn bảo “ở nhà ông còn giặt cả tả, quần áo cho Mỏ”. Mặc dù có bà ngoại, hay mấy cô em vợ tôi, mà họ toàn giặt máy. Nhưng khi chưa kịp bỏ vào máy là ông lại bê đi giặt tay. Bà ngoại cũng không muốn ông phiền lòng, nên cũng đành im lặng. Nhưng tôi biết sau đó bà ngoại lại lén bỏ vào máy giặt lại, may mà bà không để cha biết….
 
Thời gian cứ thế trôi đi, cuộc sống bình lặng êm đềm. Nhưng tình cảm trong tôi đang dậy sóng, vì từ Cha thiêng liêng, mỗi lúc vợ hay bà ngoại bế thằng Mỏ đều chỉ vào tôi bảo “Gọi ba đi, ba ba, ba ba”. Thằng bé chỉ nhìn rồi cười, đáng yêu vô vàn vô tận.
 
Cho đến một ngày, khi tôi đang đi công tác tỉnh, vợ gọi điện “Chồng, về nhà đi, ông nội vào viện rồi”. Tôi về ngay, về liền. Cha tôi đứng lên chiếc ghế đẩu để phơi tả cho thằng Mỏ, bị trượt ngã. Khi tôi về đến nơi ông đã tỉnh, bác sĩ ái ngại nhìn tôi bảo cha chỉ bị chấn thương nhẹ, cần điều trị vài ngày là hết nhưng tinh thần thì đáng lo, cần để tâm tới ông nhiều hơn. Bà ngoại và vợ nhìn tôi ái ngại. Nước mắt tôi cứ chực tuôn chảy. Cha ơi...
 
Tôi về nhà lấy đồ cho cha. Tôi lục túi của ông. Một ít quần áo, một tút thuốc quê đã hút phần nữa. Và…một cuốn sổ, nhỏ bằng lòng bàn tay, màu nâu cũ kỹ, một chiếc bút được kẹp ở giữa. Tôi tò mò, tôi mở nó ra, mở ngay trang đang kẹp bút. Tôi đọc:
“Vậy là cháu nội tôi đã chào đời được một tuần. Nhìn con trai vui, mới biết mình đã già, đã sống hết phần đời mình mất rồi. Buồn vui lẫn lộn. Khi về bên kia gặp vợ, có thể an lòng. Nhưng mà sao già này buồn quá. Muốn được ôm thằng Mỏ vào lòng quá. Mà…. Già này nhớ những tháng ngày xưa, khi vợ bỏ lại hai cha con ra đi, một mình nuôi con trai. Một mình bế nó trên tay, một mình cho nó uống sữa, một mình ru nó ngủ, trong đêm thâu. Ôi mới như hôm qua đây thôi, mà sờ lên mái tóc đã bạc trắng mất rồi. Con trai à, cháu Mỏ à, già này yêu hai cu lắm…. Bàn tay chết tiệt này, sao mày lại giở chứng đúng lúc thế….”.
Tôi lật tiếp những trang viết đầu, những ngày tháng đầu:
“Vợ, anh nhớ em, nhớ nhiều…anh không có gì để ví được”…. Em yên lòng, anh sẽ nuôi con, anh sẽ sống cho cả hai cuộc đời, anh sẽ làm được… “Vợ, anh không chịu được nỗi đau này…..” “Vợ ơi…”
 
Dài lắm, tôi đọc mãi, đọc mãi, đến lúc những dòng chữ nghệch ngoạc của cha nhòa đi bởi nước mắt tôi nhỏ xuống. Tôi mới dừng lại. Cha viết nhật ký. Ông giấu tôi kỹ quá, giấu tài quá. Đàn ông như cây Lim cây Táu, mà tâm hồn ông như Liễu như Mai, rũ xuống vì yêu thương, rũ xuống vì tình cảm, rũ xuống vì cô độc. Ôi, cha già của con!
 
“Anh ơi làm gì lâu thế, đi đưa đồ vào cho nội thay đi, anh còn ngủ ư”. Vợ tôi kêu vọng lên lầu.
“Ờ…anh biết rồi….”.
 
Tôi quẹt nước mắt. Gấp nhật ký của cha, bỏ lại cẩn thận. Tôi phải lén đi ra, bởi không muốn ai nhìn thấy mình đang khóc, rồi phi ngay xe tới bệnh viện. Cứ tưởng được làm cha, cảm thấu được nổi thương xót khi cha mình đã ở tuổi xế chiều. Nhưng mà, thực sự giờ tôi mới nghiệm ra một điều, là với cha mẹ, dù mình có đi mòn cả lối đời cũng không thể nào thấu hết những tình thương yêu mà họ dành cho con cái. Không thể hết được đâu. Cho nên, dù ở vị trí nào, cũng chỉ biết sống cho tốt, cho thật tốt, thế mà vẫn cảm tưởng như tình cảm mình đáp lại cho mẹ cha cũng chỉ là gáo nước giữa đồng khô nắng cháy mà thôi. Những hình ảnh về cha hiện lên trong đầu, mắt tôi đỏ ngầu hoen lệ, chứa chan.
“Cha…”, tôi mở cửa phòng bệnh viện.
“ Gì đấy cu con, cha đây mà, cha có trốn đi đâu chớ, cái thằng này”. Cha vẫn gọi tôi như thế. Cả phòng bệnh đông lắm. Cha tôi ngồi dựa vào tường, tay đưa gói bánh cho đứa trẻ con ai ở giường bên, cha bụm bụm vào má nhóc con đó.
 
 
Tôi chạy lại, mặc kệ ai nhìn, mặc kệ là gì đi nữa, tôi ôm lấy cha. Tôi quay mặt vào tường, cho những giọt nước mắt lăn chảy không ai thấy, tôi nói trong tiếng nấc: “Cha, xin lỗi cha, con đã quên...”
 
Bệnh viện âm thanh ồn ả vốn dĩ, mà sao tôi nghe yêu thuơng đập đầy nơi tim…
Sống Châm
Sưu tầm từ Internet
 
 
VIẾT VỀ CHA TÔI
 
 
 
Nếu phải viết về một người vĩ đại thì tôi sẽ viết về cha tôi.  Trên đời này, có lẽ tình mẹ dễ cảm nhận hơn tình cha bởi lẽ đứa con nào cũng được mẹ mang nặng đẻ đau, được mẹ chăm nom từng bữa ăn, tấm áo.  Nghĩa mẹ dạt dào như nguồn nước, như trong lời ca dao, song tình cha thì cao vời vợi, chỉ trong hoàn cảnh người con phải ngước mắt lên thì mới nhìn thấy được.   
 
Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm ấy, tìm được một lời giải hay cho đề toán thầy ra và được thầy khen giữa đội tuyển học sinh giỏi toán.  Tôi hớn hở ngồi chờ cha tôi trước cổng trường, thầm nghĩ sẽ chạy ù ra khoe với cha khi cha đến đón.  Nhưng các bạn tôi đã được mẹ cha đến đón, chỉ còn tôi đứng nép trước cổng trường trong bóng chiều đang xuống. "Chắc cha quên đón mình rồi!"  Mắt tôi cay xè, chực khóc.  Tôi giận cha tôi lắm.  Tính ương ngạnh trẻ con trong lòng trỗi dậy, tôi đứng lên và quyết đi bộ về nhà, qua một quãng đường dài 5 cây số từ trường tôi gần chợ Tân Ðịnh về đến Hàng Xanh, Sài-gòn.
 
Tôi đã không ăn cơm tối hôm đó dù mẹ tôi cố dỗ dành.  Tôi nghe mẹ trách cha tôi sao quên đi đón, còn cha nói: "Tuy là một học sinh giỏi nhưng con trai mình yếu đuối lắm.  Anh không hề quên đón con.  Anh đã đến trường nhưng không đón mà lặng lẽ theo sau con, xem con ứng xử thế nào.  Con mình cần được thử thách, phải tập giải những bài toán khó trong đời."  Cha tôi đã dạy tôi những bài học làm người như thế đó.  Ngồi sau lưng cha, cha thường nhắc tôi: "Ðừng ngồi cứng đờ, mà phải biết nghiêng người ngược hướng nghiêng của xe thì cha chạy xe mới dễ."  Ðể rồi bao năm tháng, ngồi trên chiếc đò tròng trành trên mương rạch cùng các bạn sinh viên, tôi lại nhớ yên xe của cha, biết giữ thăng bằng đò, cũng như thích nghi giữa những tròng trành của cuộc sống.  
 
Cũng trên yên xe ấy, cha đã dạy tôi bài học tình người.  Mẹ tôi bị tai biến não và mất trí từ năm tôi lên 11 tuổi.  Cha tôi sau giờ làm việc thường đưa tôi đi chợ trưa.  Một hôm khi đến chợ nghe tiếng kêu "Giật đồ!"  Cha bảo tôi ôm chặt rồi phóng xe theo chặn đầu kẻ cắp: thì ra là một thằng bé.  Bắt nó trả lại túi xách và xin lỗi người phụ nữ, cha tôi dạt đám đông đang la ó đòi đưa nó lên công an: "Nó hối lỗi rồi."   
 
 
Ðến dãy hàng ăn, cha tôi hỏi nó muốn ăn gì trước cặp mắt mở to ngạc nhiên của nó.  Vừa ăn tôi thắc mắc hỏi cha sao không cho nó tiền mà lại dắt nó đi ăn.  Cha tôi trả lời như cho chính cuộc đời này: "Tiền đã biến người bạn ấy thành thằng ăn cắp, con không thấy sao?"  
 
Tôi dậy rất sớm, chuẩn bị dắt chiếc xe đạp ra cùng "lều chõng" đi thi đại học.  Cha đã chờ tôi trước cổng, nhẹ nhàng nói: "Con cất xe đi, cha đưa con đi thi.  Sao không cho cha biết hôm nay con đi thi đại học?"  Tôi chỉ biết lặng im vì muốn tự đi thi như chúng bạn.  Cuối buổi thi, cùng cô bạn thi cùng phòng ra đến cổng trường, đã thấy cha tôi từ xa vẫy gọi.  Cô bạn mãi từ quê miền Trung vào dự thi nháy mắt nói với tôi: "Bạn sướng thật, có bố đếm từng phút mình làm bài bên cổng trường thi!"  Sau này khi nhận giấy báo trúng tuyển, cô bạn ấy hỏi tôi: "Ai sẽ là người thân đầu tiên bạn khoe niềm vui này? - rồi nói luôn - mình đâu còn bố để khoe."   
Lưu Trọng Tuấn
 
TÍNH TOÁN.
 
 
 
 
Bà Lâm trang điểm thật đẹp và diện bộ váy áo thật sang, ông Lâm ngạc nhiên:
-         Bà có đi tiệc tùng gì đâu mà diện khiếp thế?
-         Ơ kìa, tôi không đi tiệc tùng còn hơn đi tiệc tùng, vì tôi đi với ông bà sui gia  đại gia chứ tầm thường đâu…
Giọng bà nghiêm trọng:
-         Ở đời đôi khi cũng hơn thua bộ cánh bên ngoài đấy.
-         Bà ơi, chỉ là vợ chồng mình đưa anh chị sui gia tương lai thăm khu shopping và cửa hàng nước hoa thôi mà.
Bà  mỉm cười đắc ý:
-         Chuyến tôi về Việt Nam họ tiếp tôi linh đình lắm, tôi đã tường thuật với ông không sót một tí nào mà ông vẫn không hiểu à? Họ khoe của  bao nhiêu thì bây giờ tôi khoe của bấy nhiêu, cho anh chị sui biết rằng con gái họ vào làm dâu nhà mình là phước trăm bề, vừa có tờ thẻ xanh ở lại Mỹ, vừa có chồng hiền đẹp trai, vừa có tài sản nhà chồng.…
-         Thôi, bà khoe vừa chứ. Tôi chỉ mong chúng nó thương yêu nhau thật tình, chẳng đứa nào vì tài sản của cha mẹ đứa nào cả. Tình yêu thật sự mới bền lâu chứ tài sản cũng có thể…vật đổi sao đời, nay còn mai mất.
Bà la lên:
-         Ôi…ông ăn nói mà không sợ xui xẻo hả? hả? hả?. Tôi cấm chỉ ông không được nói “gỡ” thế nhé…
Ông chuyển đề tài:
-         Bà thì chuyện gì cũng tính toán, trước đó bà cứ muốn làm sui với anh chị Tài chủ một chung cư của hàng trăm căn và ngon ngọt khuyên thằng Brian lấy con gái họ…
Bà Lâm phụ họa:
-         Người ta cũng chấm con trai mình đấy chứ. Hai nhà thật “môn đăng hộ đối” theo thời đại này..
-         Nhưng khi bà gặp Kim Chi một du học sinh xin vào làm việc part time trong cửa hàng nước hoa với bà. Chẳng hiểu bà và Kim Chi tì tê tâm sự những gì mà bà đã vồ lấy Kim Chi và không đoái hoài đến con nhà chủ chung cư nữa.
Bà giải thích:.
-    Kim Chi là con nhà đại gia bên Việt Nam ..Thấy nó đẹp người đẹp nết hiền ngoan biết tự lập không ỷ vào tiền của cha mẹ, vẫn đi làm để kiếm thêm chút tiền chi phí ăn học nên tôi thương.
-         Vì thế bà tính toán xắp xếp cho Brian và Kim Chi gặp gỡ và gần gũi nhau....
Bà Lâm đắc ý tiếp lời:
-         Tôi đã bay về Việt Nam gặp gỡ và tiếp xúc cha mẹ Kim Chi trước khi làm điều ấy. Tôi tính chuyện gì là phải chắc ăn, tính hơn cả trời tính, trai tài gái sắc gần gũi thì dễ  nảy sinh tình cảm, chứ quan niệm cổ lỗ sĩ như ông thì có khi thằng Brian vớ phải con vợ chẳng ra gì. Vì thằng con mình hiền lành chân thật quá không biết nhìn xa trọng rộng..
Ông lép vế chịu thua:
-         Biết tài bà rồi, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ…
-         Ý ông lại nhắc vụ tôi sang tên tài sản nhà cửa cho thằng Brian để hai vợ chồng mình tay trắng xin hưởng những phúc lợi bảo hiểm và trợ cấp của nhà nước Mỹ đấy hả? Ông đừng sĩ diện nhé, tôi chỉ bắt chước thiên hạ thôi, vợ chồng mình buôn bán đóng thuế, con trai mình đi làm đóng thuế, tội gì không “gỡ” lại những đồng tiền của mình? Chẳng thiệt hại đến ai cả, nhà nước thêm hay bớt mình hưởng phúc lợi chẳng nghèo hay giàu thêm.
Ông Lâm đã thôi, nhưng bà đang có đà chưa chịu thôi:
-  Tài sản mình có phất lên cũng nhờ phần nào tôi tính toán đấy, gom từ bạc lẻ cho đến bạc chẵn đấy..
Ông Lâm khóac lên người bộ vest, dù gì vợ chồng ông cũng là chủ nhân của một khu buôn bán sầm uất nổi tiếng của cộng đồng người Việt Nam trong thành phố này, đi ra ngoài lúc nào cũng phải ăn mặc chỉnh tề, nhất là đi với ông bà sui gia tương lai..
Hai vợ chồng ông Lâm đi xuống lầu, ông bà sẽ đến khách sạn Four Seasons đón vợ chồng ông Nhất. Họ từ Việt Nam sang Mỹ du lịch 1 tháng mục đích chính là làm đám cưới cho con gái Kim Chi, sau là thăm cho biết nước Mỹ..
Tuy ông bà Lâm mời ông bà Nhất trú ngụ tại nhà minh nhưng ông bà Nhất vẫn lịch sự từ chối, họ ở khách sạn vì muốn thoải mái tự do.
Bà Lâm gọi phone cho ông bà Nhất trước khi lái xe đến khách sạn nên ông bà Nhất đã sẵn sàng đợi nơi phòng khách lớn ở mặt tiền khách sạn. Họ lên xe cùng đi với ông bà Lâm.
Đến khu shopping hai vợ chồng chủ cùng hai vợ chồng khách đi thăm khu thương mại.. Bà Lâm tươi cười hớn hở giới thiệu tỉ mỉ:
-         Đây là nhà hàng Thiên Thai, rộng 4,000 Spf, với gía họ thuê là 2 đồng mỗi Sqf.
Kia là những văn phòng bán vé máy bay, tiệm dry clean, tiệm bán băng nhạc, kìa là lò sản xuất đậu hũ tươi ngon rất đắt khách.
Ông bà Nhất luôn miệng xuýt xoa:
-         Khu này buôn bán sầm uất qúa..…
-         Các cửa hàng sạch đẹp qúa.
Bà Lâm hãnh diện, dài dòng khoe:
-         Khách thuê 100% đấy, chẳng thừa một chỗ nào, toàn là những hợp đồng lâu dài và ký đi ký lại vì không ai muốn rời khỏi khu business đông vui ăn nên làm ra như thế này anh chị ạ. Ngay cả lúc gía cả địa ốc bèo bọt vừa rồi vì nền kinh tế xuống dốc thì khu shopping của chúng tôi vẫn chẳng ảnh hưởng gì, gía thuê vẫn cao, và nếu muốn bán thì thiên hạ cũng tranh nhau vào mua.
-         Thế thuế má địa ốc cao không hở chị?
Bà Lâm lại được dịp khoe:
-         Thuế và bảo hiểm chẳng là bao so với lợi tức, mà gía trị của tài sản địa ốc thì vững vàng.
-         Anh chị có tài kinh doanh, nếu chúng tôi ở Mỹ cũng cần học hỏi nhiều từ anh chị.
Bây giờ bà Lâm mới gỉa bộ khiêm tốn:
-         Không dám nhận lời khen của chị, chuyến về Việt nam của tôi vừa rồi cũng học hỏi được anh chị rất nhiều, kinh doanh ở Việt Nam nhiêu khê vì phải luồn lách, chạy chọt trăm bề mà thành công như anh chị mới là tài.
Sau khi thăm khu shopping ông bà Lâm đưa ông bà sui gia tương lai đến thăm cửa tiệm chuyên bán nước hoa mỹ phẩm của họ. Là một cửa hàng lớn nằm trên khu phố mua sắm lớn trong thành phố.
Bước vào trong tiệm đang có khá đông khách, cô Kim Chi đang đứng trong quầy tính tiền bận rộn, phụ trông cửa hàng với Kim Chi có hai cô nhân viên một cô người Mỹ trắng và một cô người Mễ. Cửa hàng nước hoa và mỹ phẩm vừa bán lẻ và bán sỉ.
Mỹ phẩm chất đầy trong tủ kính, trên quầy trên kệ hộp lớn hộp nhỏ đủ loại với màu sắc kiểu dáng thật lộng lẫy và sang đẹp.
Ông bà Nhất mỉm cười sung sướng khi thấy con gái có vị trí thân mật và quan trọng trong cửa hàng, cũng như trong gia đình ông bà Lâm.
Bà Lâm đon đả :
-         Đây là cửa hàng do tôi đứng bán từ nhiều năm nay, và sẽ giao cho vợ chồng Brian Kim Chi trông coi cùng với khu shopping lúc nãy để vợ chồng tôi nghỉ hưu sớm hưởng nhàn .
Bà Nhất cũng đon đả:
-         Cám ơn anh chị, con gái chúng tôi thật may mắn được hưởng phước nhà chị. Chúng tôi cũng chỉ có mình Kim Chi là con thì trước sau gì tài sản của lớn của bé cũng để cho con hết, đợi nó có thẻ xanh, hay chắc ăn hơn có quốc tịch thì chúng tôi sẽ chuyển hết tài sản thành hiện kim mang sang Mỹ cho nó đầu tư kinh doanh.…
Bà Lâm mừng thầm, nhưng cũng khuyên:
-         Anh chị đang làm ăn phất qúa mà, tiền bạc cứ như nước sông nước suối chảy vào túi thì tội gì ngừng?
Bà Nhất cương quyết:
-         Chúng tôi đã  lên kế hoạch thế rồi chị ạ. Làm ăn, giàu có ở Việt Nam cũng hồi hộp lắm.
Ông Nhất thêm vào:
-         Mang tiền sang Mỹ kinh doanh là bảo đảm nhất, chẳng ai hà hiếp được mình.
Sau đám cưới tưng bừng và đình đám của Brian và Kim Chi, một là con nhà giàu ở Mỹ và một là con nhà đại đại gia ở Việt Nam thì ông bà đại gia Nhất tạm biệt sui gia đi du lịch ở tiểu bang khác với người thân của họ.
Bà Lâm cũng qúa mệt mỏi vì bận rộn từ lúc ông bà Nhất sang Mỹ hết tiếp đón tiệc này đến nhà hàng kia lại đến tổ chức một đám cưới gây tiếng vang trong bạn bè và cộng đồng người Việt tại địa phương, bà thật sự muốn một mình thảnh thơi như ngày hôm nay.
Bà đang nằm ngả người trên chiếc ghế vải kê ven hồ bơi nhà bà, bên cạnh một giàn hoa Tigon  xum xuê những chùm hoa tim màu hồng đỏ.
Bà Lâm sung sướng và hài lòng ra mặt, tất cả những tính toán của bà đều đâu vào đấy y như có bàn tay nhiệm màu nào xếp đặt..
Bà nhớ lần về Việt Nam bà đã choáng ngợp và hoa mắt trước sự thành đạt của ông bà Nhất, họ làm chủ công ty “Duy Nhất” chuyên khai thác và xuất khẩu gỗ, ngoài ra còn làm đại lý xe hơi, mua bán địa ốc, v..v..So với họ thì tài sản của nhà bà chỉ là món cỏn con.
Ông Lâm từ trong nhà đi ra đứng bên bà từ lúc nào:
-         Bà  không xuống hồ tắm nằm đây nghĩ gì mà mỉm cười một mình thế?
-         Thì còn gì ngoài con mình. Hôm đám cưới chúng, bạn bè và người thân ai cũng phải khen chúng đẹp đôi và khen chúng ta có sui gia xứng đáng. Nhiều người tỏ ra ghen tị vì hạnh phúc may mắn nhà mình đấy.
Ông Lâm thành thật:
-         Ừ, tôi cũng nghĩ thế, vừa được dâu đẹp dâu ngoan vừa có sui gia giàu có thì ai chẳng hài lòng. Tôi phục bà thật đấy, bà tính toán nhanh như chớp mà không sai tí nào. Bà  chủ trương cưới ngay, cưới sớm không đợi con Kim Chi ra trường.
-         Cờ đến tay là phất, đợi nó mấy năm nữa ra trường thì tôi sốt ruột lắm, cưới chồng xong rồi học tiếp có sao đâu. Ở Mỹ người ta có con vẫn còn đi học mà.
Bà hoan hỉ tính tiếp:
-         Ông à, chỉ 4 năm sau là con Kim Chi sẽ có quốc tịch Mỹ, lúc ấy bố mẹ nó sẽ chuyển tài sản sang Mỹ cho con. Hai vợ chồng nó như ngồi trên đống của của hai bên cha mẹ, đời con mình sướng đời cháu đời chắt mình cũng tha hồ sướng…
                                 *****************
Kim Chi đã là vợ Brian, nàng tiếp tục đi học và phụ giúp mẹ chồng bán hàng nước hoa mỹ phẩm. Brian thì làm kỹ sư, công ăn việc làm vững chắc.
Cửa hàng nước hoa vẫn đắt hàng và khu shopping vẫn đầy khách thuê mướn. Tóm lại công việc làm ăn  thuận buồm xuôi gío.
Vợ chồng Brian mua một căn nhà đẹp ở riêng, ông Bà Lâm vẫn ở căn nhà của ông bà.
Bà hài lòng lắm nhưng vẫn…mơ thêm:
-         Ông ơi, ước gì mình sang tên nốt căn nhà này cho vợ chồng thằng Brian  rồi xin nhà ở diện housing nhà nước trợ cấp nhỉ?.
Ông phản đối:
-         Bà ơi, bao nhiêu tài sản vốn liếng mình đã cho nó hết rồi, còn căn nhà mình để ở, ít ra cũng còn chút gì là của riêng mình chứ. Chẳng lẽ mang tiếng giàu có như mình mà đi ở nhà housing à? Bà tham lam, bà tính toán cạn tàu ráo máng thế coi sao được, cho dù là bà đang nói đùa hay chỉ là đang mơ ..
-         Nhưng…người ta làm thế thiếu gì, họ cũng là chủ tiệm vàng, chủ mấy tiệm nail kia kìa. Ở nhà diện housing mình khỏi phải lo sửa chữa, khỏi cần cắt cỏ và nhất là khỏi cần trả tiền bảo hiểm, tiền thuế nhà, chỉ trả hàng tháng một món tiền nhỏ mà thôi.
-         Thế bà không ngại ông bà sui gia đánh gía à? họ lại sắp sang Mỹ thăm chúng ta, chẳng lẽ bà tiếp ông bà sui trong một căn phòng bình dân của nhà chung cư?
-         Thì tôi chỉ…mơ thêm cho vui mà, ông bà sui chắc là muốn sang thăm con gái đấy, xem chúng nó sau ngày cưới nhau đến giờ cuộc sống ra sao. Họ nói thăm mình chỉ là xã giao thôi
-         Lần này không biết ông bà sui có đi chu du vài tiểu bang như năm ngoái không nhỉ?
Bà Lâm lại đoán non đoán gìa:
-         Dĩ nhiên là có để tiêu pha bớt tiền cho khỏi nặng túi chứ ông
Ông bà Nhất sang Mỹ đến ở thẳng nhà riêng của vợ chồng Brian và Kim Chi, ông bà Lâm lại mời mọc và săn sóc hai ông bà sui nhiệt tình không thua gì lần trước, sau đó ông bà Nhất cũng đi thăm thân nhân của họ ở vài tiểu bang và cuối cùng thì trở về nhà Brian và không đá động gì đến ngày trở về Việt Nam…
Ông bà Lâm không dám hỏi chỉ thắc mắc bàn bạc với nhau:
-         Sao chuyến đi Mỹ này ông bà sui  trông không vui bằng năm trước ông nhỉ?
-          Chẳng lẽ họ có điều gì chưa hài lòng chúng ta?
-         Họ còn muốn gì hơn chứ, con gái họ từ một du học sinh tạm trú  đã lấy được chồng có nghề nghiệp bằng cấp và định cư ở Mỹ hẳn hòi lại cùng chồng nắm giữ cả tài sản nhà này..Câu “có điều gì chưa hài lòng” phải dành cho tôi, tôi đang chờ mong vài năm nữa vợ chồng ông sui sang Mỹ định cư với con và mang theo tất cả tài sản của họ.
Buổi chiều trong lúc bà Lâm đang nấu cơm thì ông Lâm từ trong phòng computer bước ra với vẻ mặt hơ hãi::
-         Ôi, bà ơi, bà ơi !
-         Gì thế? Ông đọc tin gì kinh thiên động địa thế?
-         Báo điện tử Việt Nam đăng tin…
Ông Lâm còn đang thở vội để có sức trình bày thì bà hớt lời:
-         Lại tin cướp giết chủ tiệm vàng dã man ? hay tin dân làng xông ra đánh chết người về tội đi trộm chó hả ông? họ chẳng cần đợi luật pháp, cứ tự xử, xem mạng người không bằng con chó.
Bà lại lanh chanh hỏi tiếp:
-  Hay báo đưa tin các thực phẩm ở Việt Nam đầy hóa chất độc hại? hay các y tá bác sĩ ở bệnh viện coi sinh mạng bệnh nhân như rơm như rác? Tôi nghe nhiều lần nhàm tai thành chuyện bình thường rồi.
-         Không phải những tin ấy bà ơi, mà là tin công ty…công ty Duy Nhất của ông bà sui mình ...
Bà nghểnh mặt ra hỏi vội:
-         Công ty Duy Nhất hả?  công ty đang bành trướng thêm vài chi nhánh hả ông?
-         Là một công ty chuyên lừa bịp thì có, góp vốn cổ đông và lươn lẹo vay tiền ngân hàng này trả cho ngân hàng kia để kéo dài nguồn vốn đầu tư kinh doanh, nay công ty thua lỗ nợ nần chồng chất không thể cầm cự nổi, chủ công ty là ông Nguyễn văn Nhất đã cùng vợ bỏ trốn ra nước ngoài. Tức là đang ngồi lù lù trong nhà con trai mình đây.
Bà Lâm đang thái thịt bằng con dao sắc, bà giật mình thái vào cả ngón tay làm chảy máu:
-         Họ có lộn không? Có vu khống, chụp mũ cho ông bà sui không? Lúc tôi về Việt Nam tận mắt trông thấy những cơ ngơi làm ăn, nhà cao cửa rộng và hai ba chiếc xe hơi loại sang loại đẹp của ông bà sui mà. Mình còn chưa dám ở nhà đẹp và xài loại xe sang như thế.
-         Bà ơi, cơ ngơi mặt bằng kinh doanh có thể đi thuê đi mướn, có một căn nhà ngất ngưỡng mấy tầng thì cũng từ tiền thiên hạ xây lên, coi như món hàng đem cầm cố thế chấp hết ngân hàng này tới ngân hàng kia bằng đủ loại giấy tờ nhập nhằng chứng minh chưa cầm cố lần nào, bây giờ các ngân hàng đang tranh nhau, đang xâu xé căn nhà để vớt vát lại đồng nào hay đồng ấy, nói chi vài ba xe hơi cũng toàn là đi thuê đi mướn để làm bộ mặt chủ cả giao thiệp làm ăn với đời…
Bà Lâm ôm ngón tay rên lên vì đau từ hai phía, đau ngón tay và đau lòng:
-         Trời ơi, vậy ra ông bà sui lừa cả vợ chồng mình, khoe giàu khoe sang trong khi sự giàu sang chỉ là giả tạo, tiền muôn bạc tỉ toàn là tiền vay mượn từ thiên hạ, mình đã hí hửng làm sui và trân trọng qúy hóa họ như vàng ròng bạc nén..
Ông Lâm vẫn còn hơ hãi:
-         Còn nữa bà ơi, họ cũng nói đến Kim Chi con gái của đại gia công ty Duy Nhất.
-         Không lẽ họ kết tội cả con gái người ta trong vụ làm ăn lừa đảo này sao? Nó có tội tình gì?
-         Bà bớt lanh chanh cho tôi nói được không, con Kim Chi không lừa đảo trong vụ này nhưng nó lừa đảo cả nhà mình. Báo chí đào bới cả đời tư gia đình ông chủ công ty Duy Nhất, họ nói Kim Chi là một cô gái ỷ vào tiền và tên tuổi cha mẹ lúc hưng thịnh đã không chịu học hành, ăn chơi bạt mạng, xài tiền như xài tờ giấy báo, tờ giấy rác  Ông bà đại gia Nguyễn Văn Nhất vội tống cô con gái đi du học để tránh tai tiếng, nó có học được hay không thì kệ nó..
Bà Lâm rũ người ra rên rỉ nhưng vẫn tò mò thắc mắc:
-         Nhưng nó học hành không ra gì làm sao đủ tiêu chuẩn du học hả ông ơi ? 
-         Ở Việt Nam cái gì chẳng làm gỉa được, có tiền là mua được bằng cấp. Chưa biết chừng con Kim Chi đã nộp hồ sơ xin du học với bằng tốt nghiệp phổ thông loại giỏi nữa đấy và nhà có tài sản chứng minh thì được chấp nhận ngay thôi. 
Bà rên rỉ to hơn:
-         Ôi, ông ơi..mình đã rước của nợ ấy vào nhà…hèn gì con Kim Chi mang tiếng là đi học mà chẳng nghe nó nói bao giờ ra trường.
-         Bà đừng tưởng những sinh viên Việt Nam du học đều là những cậu ấm cô chiêu hay tiểu thư kín cổng cao tường và ngoan hiền lịch sự sang Mỹ học hành để mở mang kiến thức. Loại người như Kim Chi không thiếu.
-         Tôi cũng nghe trường hợp những du học sinh mục đích sang Mỹ là tìm cách ở lại, họ học thì ít mà lo kiếm chồng tìm vợ  thì nhiều. Con Kim Chi cũng thế, hèn gì lúc nó mới xin vào làm bán cửa hàng nước hoa với tôi, nó đã vô cùng ngọt ngào, luôn chứng tỏ mình là cô gái ngoan gái tốt và làm như rất vô tình khoe gia cảnh giàu sang qúy phái của gia đình nó ở Việt Nam, chắc là mong tôi để ý có ai thì mối mai cho nó. Vì thế tôi mới chấm nó cho thằng Brian nhà mình chứ tội gì làm mai cho ai món bở béo này...Ai ngờ..!!!!
-         Ông bà Nhất cũng tính toán cả đấy, vừa tống của nợ đi xa khuất mắt vừa mong nó lấy chồng hay định cư ở Mỹ may ra đổi tính đổi nết và đổi đời, còn hơn để nó ở nhà phá của và nuôi báo cô.
Bà vừa quấn miếng band-aid vào ngón tay cho cầm máu vừa hùng hổ đứng vùng dậy:
-         Ngày mai tôi sẽ sang tên tất cả tài sản lại cho tôi và ông
Ông Lâm thở dài não nề:
-         Chuyện lo trước mắt là hạnh phúc của thằng Brian kìa, nó đã yêu thương con Kim Chi thật tình đừng làm tổn thương đến nó, còn Kim Chi đối với con mình ra sao thì có trời biết ? Tôi và bà hãy chấp nhận thương đau, chấp nhận số mệnh, cầu mong Kim Chi đổi tính đổi nết như bố mẹ nó mong ước và cũng yêu thương Brian thật lòng .
Bà vẫn hoang mang đau đớn không thốt nên lời, còn ông Lâm thì đau đớn kết luận:
-         Bao nhiêu lần bà tính toán đều hay đều đúng, lần này cú tính toán của bà đã sai và thua to rồi.
                         Nguyễn Thị Thanh Dương.
                             ( August, 2013)