Sưu tầm từ Internet


QUÀ GIÁNG SINH


O-Henry

 Một đồng tám mươi bảy xu ,đúng như vậy.Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày,ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.


 Della đếm lại số tiền ít ỏi một lần nữa.Không hề có sự nhằm lẫn,chỉ có một đồng tám mươi bảy xu ,và ngày mai sẽ là lễ giáng sinh.

 Cô sẽ không thể làm gì hơn, chỉ còn cách ngồi xuống và khóc mà thôi.ở đó, trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn, cô đang nức nở.

Della sống trong căn phòng nhỏ nghèo nàn này với chồng của cô, James Dillingham Young, ở thành phố NEW YORK.

 Họ có một phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. James Dillingham Young may mắn hơn cô vì anh ấy có việc làm. Tuy vậy đó không phải là một công việc kiếm được nhiều tiền. Tiền thuê căn phòng này chiếm gần hết lương của anh ấy. Della đã cố gắng rất nhiều để tìm một công việc nhưng vận may đã không mỉm cười với cô. Tuy nhiên, cô rất hạnh phúc khi ôm 'Jim', James Dillingham Young, trong tay mỗi khi anh trở về.

Della đã ngừng khóc.Cô lau khô mặt rồi đứng nhìn một chú mèo xám trên bức tường đồng màu với nó bên cạnh con đường tối ngoài cửa sổ.

Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món qùa.Cô muốn mua một món quà thật sự có ý nghĩa ,một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh.

 Della chợt xoay người chạy đến bên chiếc gương treo trên tuờng. Mắt cô sáng lên.

 Cho đến bây giờ, gia đình James Dillingham Young chỉ có hai vật quí giá nhất.Một thứ là chiếc đồng hồ vàng của Jim. Chiếc đồng hồ này trước đây thuộc sở hữu của cha anh ta và trước nữa là ông nội anh ta. Thứ còn lại là mái tóc của Della.

 Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng. Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô. Della cuộn tóc lên lại.Cô đứng lặng đi rồi thút thít một lát.

 Della buớc chậm rãi qua các cửa hàng dọc hai bên đường rồi dừng lại trước bảng hiệu 'Madame Eloise'.Tiếp cô là một phụ nữ mập mạp,bà ta chẳng có một chút vẻ 'Eloise' nào cả.

Della cất tiếng hỏi: 'bà mua tóc tôi không?'

 'Tôi chuyên mua tóc mà', bà ta đáp và bảo: 'hãy bỏ nón ra cho tôi xem tóc của cô đi'

 Suối tóc nâu đẹp tụyệt vời buông xuống.

 'Hai mươi đồng' bà ta định giá, bàn tay nâng niu mái tóc óng ả.

 'Hãy cắt nhanh đi! và đưa tiền cho tôi' Della nói.

 Hai giờ tiếp theo trôi qua nhanh chóng. Cô tìm mua quà cho Jim trong các cửa hiệu trong niềm vui khôn tả. Cuối cùng cô cũng chọn được một thứ.Đó là môt sợi dây đồng hồ bằng vàng. Jim rất quí chiếc đồng hồ của mình nhưng rất tiếc là nó không có dây. Khi Della trông thấy sợi dây này cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó.

 Cô trả hai mươi mốt đồng để mua và vội vã trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại.

Đến nhà, Della ngắm mái tóc cực ngắn của mình trong gương và nghĩ thầm: 'mình có thể làm gì với nó đây?'. Nửa giờ tiếp theo cô nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Xong Della lại ngắm nghía mình trong gương lần nữa. Tóc của cô bây giờ tòan những sợi quăn quăn khắp đầu. 'Chúa ơi, mình trông như một con bé nữ sinh ấy!'. Cô tự nhủ :'Jim sẽ nói gì khi thấy mình như thế này?'

 Bảy giờ tối, bữa ăn đuợc chuẩn bị gần xong. Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim.

 Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một cát áo khoác mới.Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên.Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: 'Đừng nhìn em như thế ,anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói 'giáng sinh vui vẻ', em có một món quà rất hay cho anh này!'

 'Em đã cắt mất tóc rồi à?' Jim hỏi

 'Đúng thế, em đã cắt và bán rồi, vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? em vẫn là em mà!' Della nói.

 Jim nhìn quanh rồi hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn: 'em nói là em đã bán tóc à?'

 'Đúng, em đã nói vậy, vì em yêu anh! Chúng ta có thể ăn tối được chưa, Jim?'

 Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói: 'anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy.'

 Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung suớng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống.Trong đó là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có đuợc nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!

 Della nâng niu món quà ,mắt tràn đầy hạnh phúc. 'Tóc em sẽ chóng dài ra thôi Jim', nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim và chạy đi lấy.

 'Đẹp không anh? em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi. Nhanh lên, đưa nó cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này'

 Nhưng Jim không làm theo lời Della.Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cuời nói:'Della,hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu.Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi em yêu'

 ...đó là một câu chuyện cảm động về tình yêu của hai bạn trẻ đã hết lòng yêu nhau.



 Sưu tầm từInternet


CON BÉ BÁN DIÊM QUẸT


Hans Christian Andersen (02 tháng tư - 1805 - 04 tháng 8 -1875) là một nhà văn Đan Mạch nổi danh về những câu chuyện trẻ em. Những bài thơ và văn xuôi của ông đã được dịch sang hơn 150 thứ tiếng, là nguồn cảm hứng cho nhiều bức tranh, vở kịch, vũ điệu ballet, và phim ảnh.

 

Những câu chuyện nổi danh nhất mà người VN cũng biết tới là "Người cá" ("The Little Mermaid",) "Nữ hoàng tuyết" ("The Snow Queen",) "Con vịt xấu xí" ("The Ugly Duckling", ) "Chim sơn ca" ("The Nightingale",) và "Bộ áo mới cuả hoàng thượng" ( "The Emperor's New Clothes" ).

 

Chuyện 'Con bé bán diêm quẹt' (1848, 'The Little Match Girl') là một câu chuyện mà ông Andersen viết sau khi xem một bức hoạ cuả Johan Thomas Lundbye, ông sử dụng bối cảnh bức tranh và lồng vào những sự cố có thật đã xảy ra cho bà mẹ của ông khi bà còn nhỏ.

 

Cùng với câu chuyện 'Oliver Twist' cuả Charles Dickens viết ra 9 năm trước đó, câu chuyện 'The Little Match Girl' đã soi thêm một chút ánh sáng lương tâm vào một ngõ tối u uẩn mà xã hội Âu Châu thời bấy giờ làm ngơ, đó là tình cảnh cuả những đứa trẻ yếu ớt con nhà nghèo, phải đi lao động sớm, bị hành hạ ngược đãi nhưng chỉ biết im lặng chiụ đựng .

 

Con bé bán diêm quẹt (The Little Match Girl) - Hans Christian Anderson

 

Lạnh chưa từng thấy; tuyết lại rơi, bầu trời u ám, và màn chiều đã kéo xuống-- buổi chiều cuối cùng của năm. Trong cái bóng tối và gió lạnh tê tái, con bé nghèo nàn thất thểu đi dọc theo ven đường, đầu để trần, chân đi đất. Hồi nó rời nhà sáng nay, nó cũng có guốc đấy chứ, thật thế; nhưng đôi guốc nào có giúp ích gì cho nó đâu? Đôi guốc rộng quá khổ, mẹ nó vẫn còn đi; rộng đến nỗi; con bé khốn khổ đánh rớt mất khi nó phải nhẩy ra ngoài đường để tránh hai chiếc xe ngựa lộng lẫy đang phóng như bay trên đường phố.

 

Một chiếc guốc mất tiêu ở đâu rồi; còn chiếc khác thì bị một tên ranh con nhặt lấy, rồi chạy biến mất; Thằng ranh con có lẽ nghĩ rằng chiếc guốc to đủ để dùng làm nôi cho con cháu cuả nó sau này. Vì vậy, con bé phải lết đi với đôi chân trần nhỏ bé, đôi chân đỏ lên và tím bầm vì lạnh. Con bé mang theo một lô diêm quẹt, một số để ở trong tuí yếm, một số cầm trên tay. Không ai mua diêm cuả nó cả, cả một ngày dài; Và cũng chẳng có ai cho nó một đồng xu.

 

Nó đi rón rén, run rẩy vì lạnh và đói - một hình ảnh đau lòng, con bé thật đáng thương!

Nhiều cụm tuyết bám vào mái tóc dài của nó, những lọn tóc quăn và đẹp lượn quanh chiếc cổ nhỏ bé. Nhưng ngay cả hình ảnh cuả làn tóc, nó cũng chưa bao giờ được biết tới. Lúc đó, tất cả các cửa sổ đã thắp nến lên, lấp lánh, và mùi vị ngỗng rôti lan ra thơm phức, vì bạn phải biết rằng đây là đêm giao thừa sắp bước qua năm mới; đúng vậy, nó cũng nghĩ thế.

 

Tới một cái góc do hai căn nhà tạo ra, vì một căn nhà xây lấn ra đường nhiều hơn căn nhà nọ, con bé ngồi xuống và co rúm người lại. Đôi chân gầy guộc của nó áp thật chặt vào người, nhưng nó vẫn thấy lạnh, ngày càng lạnh thêm, mà nó lại không dám phiêu lưu trở về nhà, vì nó chưa bán được một cái que diêm nào cả và một xu ăn mày nó cũng không có: Cha nó chắc chắn sẽ cho nó một trận đòn tơi bời, mà ở nhà thì cũng lạnh, nhà chỉ là một cái mái, gió rít từng hồi, dù cho các khe hở lớn đã có rơm và giẻ rách chẹn vào.


Hai bàn tay nhỏ bé cuả nó gần như tê cóng lại. Ô! một cái diêm cháy có thể sẽ mang đến một chút thoải mái, nếu nó dám lấy một que diêm ra, trong cả một bó diêm, thì nó sẽ quẹt vào tường, và sửa ấm những ngón tay. Thế rồi nó lấy một que diêm ra. "Xoạt!" que diêm sáng rực, cháy bùng! Một ngọn lửa sáng lên, ấm áp, giống như một ngọn nến, nó hơ tay lên trên: thât là một ánh sáng tuyệt vời. Giống như nó đang được ngồi trước một lò sưởi lớn, một cái lò có chân bằng đồng thau sáng chói và nắp củng bằng đồng thau trạm trổ. Ngọn lửa cháy mang lại một nguồn hạnh phúc lớn lao; mang lại một hơi ấm kỳ diệu. Con bé duỗi chân ra để sưởi; Nhưng - ngọn lửa tắt phụt, lò sưởi biến mất: chỉ còn lại một chút than tàn đang lụi tắt trong tay.

 


Nó quẹt một cái diêm khác vào tường: que diêm cháy sáng rạng ngời, và ở đâu mà ánh sáng chiếu lên tường, ở đó bức tường trở nên trong suốt như thể người ta nhìn qua một tấm màn che, và nó có thể nhìn vào căn phòng. Đã có một cái bàn trải khăn trắng như tuyết; trên bàn chén bát lộng lẫy bằng sứ đã dọn sẵn, và một món ngỗng rôti có nhồi táo và mận khô hấp dẫn đang bốc khói. Nhưng điều bất ngờ xảy đến là, con ngỗng đã nhảy xuống bàn, lăn trên sàn sàn nhà với cả con dao và cái nĩa cắm sẵn trên ngực, lăn cho đến khi tới gần con bé nghèo; Thì - cái diêm lại tắt và chẳng còn thấy gì nữa ngoài cái tường dầy, lạnh, ẩm ướt. Nó quẹt một cái diêm khác. Bây giờ thì nó ngồi ngay dưới một cây giáng sinh lộng lẫy: một cây giáng sinh còn lớn hơn, và trang trí nhiều hơn là cái cây mà nó nhìn thấy qua cửa kính cuả một nhà thương gia giàu có.

 

Có hàng ngàn ngọn đèn sáng rực trên cành cây xanh, và có nhiều bức hình màu sắc, giống như là nó đã thấy trên cửa sổ cuả các gian hàng. Con bé giơ tay với lên cây giáng sinh thì - Cái diêm lại tắt. Ánh sáng cây Giáng sinh bay bổng lên cao và cao hơn, cho tới khi trông giống như những vì sao trên trời; một vì sao rớt xuống và sẹt đi thành một vệt sáng dài.


"Một người nào đó vừa mới chết!" con bé nói một mình; đó là điều mà bà ngoại già cuả nó, người duy nhất yêu thương nó, nhưng nay thì không còn nữa, đã nói với nó, rằng khi có một ngôi sao rơi, là có một linh hồn bay lên với Chúa.

 

Nó quẹt thêm một que diêm nữa: Lại một lần nữa có ánh sáng, và trong vừng hào quang hiện ra bà cuả nó, tươi sáng và rạng rỡ, rất dịu dàng, đầy vẻ thương yêu.

 

"Bà ơi!" Con bé kêu lên. "Ô, dẫn con tới với bà đi! Đừng đi mất khi cái diêm tắt; đừng đi giống như cái lò sưởi, như con ngỗng thơm ngon, như cây Giáng sinh tuyệt vời!" Và nó vội vàng cọ hết bó diêm vào tường, nó muốn chắc chắn rằng bà ngoại ở lại với nó. Và bó diêm đã loè lên một ánh sáng thật rực rỡ, sáng hơn cả buổi trưa ban ngày: bà cuả nó cũng trở nên tươi đẹp và cao lớn hơn bao giờ hết. Bà bế con bé lên tay bà, và cả hai cùng bay bổng trong ánh sáng và niềm vui, lên cao, lên thật là cao, và rồi thì không còn lạnh nữa, cũng không còn đói nữa, cũng không còn lo lắng nữa - vì họ đi lên nhà cuả Chúa.

 

***

Vào buổi sáng bình minh lạnh lẽo ngày hôm sau, tại cái góc nhà, con bé vẫn còn bất động ngồi ở đó, với một đôi má hồng và một nụ cười tươi, thân mình vẫn còn dựa vào tường -- nó chết vì lạnh trong đêm cuối cùng cuả năm. Cái xác đông cứng còn ngồi bên cạnh một lô diêm, một bó đã cháy hết. "Nó cố sưởi ấm," người qua đường thờ ơ nói. Nhưng không có ai nghĩ ra về những điều đẹp đẽ mà con bé đã nhìn thấy; Thậm chí không có ai đã dám mơ ước đến cái lộng lẫy huy hoàng, mà nó cùng bà đã đón mừng một năm mới.

 

Nguồn : vietcatholic.org

 

Thanksgiving 2020!

Đỗ Dung


Theo truyền thống của đại gia đình họ Đỗ chúng tôi, Thanksgiving là ngày “Family Reunion”, tất cả con cháu sẽ tụ tập tại Đỗ Gia Trang từ Thứ Năm đến Chủ Nhật mới chia tay.  Năm nay, tuy bị nạn dịch Covid-19 ngăn trở, Đỗ Family Reunion sẽ vẫn được tiến hành qua Zoom, tuy không được cận kề bên nhau, nhưng chúng tôi vẫn rất nô nức mong chờ.

Nạn dịch kéo dài không biết đến bao giờ mới dứt, thêm những rắc rối, hỗn loạn của mùa bầu cử kỳ này, ngồi ngoài vườn, ngước lên trời tìm mây, dõi theo những cụm mây xám lờ lững bay mà tôi thở dài.  Tôi mong thời gian mau qua để nhìn thấy quê hương thứ hai của tôi trở lại thanh bình, vĩ đại, tốt đẹp như cũ. Hoa Kỳ sẽ lấy lại được sự kính trọng, mơ ước của mọi người trên thế giới. Một “promised land”cho những người đã phải bỏ quê hương mà đi.

Vì nạn dịch, mọi người phải giới hạn những cuộc gặp gỡ, hội họp, nhưng chị em chúng tôi vẫn “zoom meeting” hàng tháng và “face time” với con cháu thường xuyên.  Vì ảnh hưởng của TT Trump, dân Mỹ chia rẽ thành hai phe rõ rệt, bên bênh, bên chống, gây ảnh hưởng rất tai hại vào sinh hoạt của các hội đoàn, và ngay cả trong rất nhiều gia đình.  Ngày trước bạn bè gặp nhau mừng rỡ, đồng đội xa cách thì thấy nhớ, thấy thương. Bây giờ tự dưng vì bất đồng chính kiến mà sự chia rẽ trầm trọng, ghét bỏ nhau, chửi bới nhau nặng nề hơn cả đối với cựu thù!  Vì đâu nên nỗi!? May mắn thay, gia đình chúng tôi không vướng mắc phải cái nạn đau thương đó.  Từ thế hệ chúng tôi đến hàng con, hàng cháu đều vì nhớ lời dạy dỗ của cha mẹ tôi là các con phải đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau và bao giờ cũng phải giữ một cuộc sống có ĐẠO ĐỨC, LƯƠNG TÂM và TRÁCH NHỊÊM nên nếp suy nghĩ tương đối cũng gần giống nhau và không đưa đến bất đồng trong sự lựa chọn Tổng Thống của kỳ bầu cử lần này.

Từ trước 1975, với bầy con 12 đứa, cha mẹ tôi đã ấp ủ có một Đỗ Gia Trang, một dẫy nhà hình chữ U gồm 13 phòng lớn. Ông bà một phòng và mỗi gia đình con một giang sơn nhỏ để khi ông bà về hưu thì gia trang này sẽ là nơi con cháu tụ họp vào những ngày Tết Nguyên Đán, ngày giỗ hay dịp nghỉ hè. Ông sẽ cầm cây gậy chỉ huy của Ông để chỉ huy lũ cháu chắt.  Cả một gia trang sẽ rộn rã tiếng cười... Cha mẹ chúng tôi đã mua sẵn mấy mẫu đất trên sườn đồi khu Mê Linh, Đà Lạt, trông ngay ra mặt hồ, phong cảnh thật hữu tình, nên thơ để thực hiện giấc mơ đó. Nhưng ai ngờ, đến ngày 30 Tháng Tư 1975 oan nghiệt! Tất cả các mộng ước của ông bà đều vỡ tan.  Nhà đã vẽ nhưng chưa kịp xây thì cha tôi, một sĩ quan cấp tá của Quân Đội VNCH đã phải khăn gói đi tù cải tạo.  Hơn mười năm cha tôi đã nhục nhằn trong  vòng khổ ải từ trại Long Giao trong nam đến Hà Sơn Bình ngoài bắc, đến khi được ra tù thì đã sức tàn, lực kiệt.

Mẹ tôi rất giỏi dang, chịu thương chịu khó, cả đời buôn bán chắt chiu, cùng với cha tôi gây dựng cơ nghiệp và nuôi dậy cho anh chị em chúng tôi được nên người. Sau năm 1975, trong khi cha tôi phải đi tù, mẹ tôi đã phải chịu đựng lam lũ để kiếm sống và chăm lo cho các con.  Đến năm 1978 nhà mẹ tôi bị đánh tư sản, đồ đạc trong nhà bị kiểm kê, tài sản mất hết!  Biết là không sống được với chế độ này, lần lượt mẹ tung các con, từng đứa, từng đứa tìm đường vượt biển, chỉ còn giữ cô út ở nhà với mẹ để chờ bố.  Cuối cùng, 11 anh em chúng tôi cũng đoàn tụ trên đất Mỹ, lần lượt lập gia đình và sống rải rác tại hai tiểu bang Texas và Cali.

Mãi đến ngày 20 Tháng Tư năm 1990, một bầy con cháu ra phi trường San Francisco để đón ông bà và dì út từ Việt Nam sang đoàn tụ. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, đến tuổi bẩy mươi ông bà mới được gặp đầy đủ các con, thêm dâu rể và mười hai đứa cháu. Tổng cộng nhân số đại gia đình lúc bấy giờ đã lên gần bốn mươi người. Cha mẹ tôi vẫn luôn mong muốn mỗi năm con cháu phải có một ngày họp mặt đông đủ, cả nhà quây quần với nhau như mộng ước của ông bà ngày trước. Từ khi chúng tôi còn nhỏ, anh con trưởng được cha tôi đặc biệt dạy dỗ và khi anh đi  du học thì tôi là con gái lớn được ông coi như cái đầu tầu cuả đoàn xe lửa nhiều toa của ông. Quan niệm của cha tôi là anh em, con cháu phải giữ sợi dây liên lạc chặt chẽ và phải sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau.

Chúng tôi quyết định chọn ngày Thanksgiving, dịp mà mọi người đều được nghỉ và có một “long weekend” làm ngày họp mặt hàng năm của đại gia đình.  Những năm đầu, chúng tôi đã mướn một ngôi nhà thật lớn ở Lake Tahoe để cùng nhau đoàn tụ, chung sống dưới cùng một mái nhà. Cứ thế, như một truyền thống, không cần nhắc nhở mà cứ sau ngày Halloween là từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều kêu gọi nhau và ríu rít bàn về chương trình ngày “reunion”. Cô em thứ mười quen sinh hoạt Hướng Đạo, được giao vai trò trưởng ban tổ chức. Lịch trình sinh hoạt, thực đơn ăn uống và bảng phân công nhiệm vụ được niêm yết rõ ràng. Ngoại trừ các vị “bô lão”, tất cả mấy chục thành viên từ lớn đến nhỏ đều được giao việc hẳn hoi. Cô em út rất chu đáo trong việc sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho tất cả mọi người.

Những năm đầu tiên các cháu còn nhỏ nên dù đông nhưng cả đại gia đình  vẫn có thể ở chung trong một căn nhà rộng bẩy hoặc tám phòng. Đám chaú choai choai mỗi đứa một cái “sleeping bag”, nằm ngổn ngang ngoài phòng khách, cười đùa rúc rích với nhau.  Cha mẹ tôi rất vui sướng trong những ngày có con cháu sum họp đông đủ.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông cụ mặc bộ pyjama trắng, đầu tóc bạc phơ ngồi bệ vệ trong chiếc ghế bành bên lò sưởi ngắm ba thế hệ con - cháu - chắt chơi đùa, bà ngồi trên thảm chơi với những đứa bé bò  lổm ngổm xung quanh.  Ông bà ngắm nhìn con cháu với nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc.  Ông luôn nhắc nhở con cháu phải nhớ đến cội nguồn và phải nói tiếng Việt với nhau, đứa nào nói tiếng Anh ông vờ như không hiểu để cháu phải nói lại bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi nhớ có lần cả đám trẻ đang ngồi chơi, líu lo tiếng Mỹ, ông bác cả ra nhắc to: “Speak Vietnamese only...” thì thằng cháu con của một cô em tôi khi đó mới khoảng mười tuổi đứng ngay lên, tay chỉ vào đám “cousins”: “Người Vịt phải nói tiếng Vịt!” làm cả nhà cười bò, ông cụ quay qua nói với ông anh tôi: “Đúng là ông bác gà tồ!” và phì cười vì bác nhắc cháu mà chính bác lại nói tiếng Anh. “Gà Tồ” là bí danh của ông anh cả khi còn nhỏ.

Cha tôi rất quan tâm về học vấn và luôn nhắc nhở chúng tôi “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhà đông con, lại là một bầy nhiều con gái, cha tôi muốn các con của ông phải tốt nghiệp đại học để có thể tự lập về tài chánh, sau này khi lập gia đình không phải quá lệ thuộc vào nhà chồng. Về nghề nghiệp ông cũng cho các con tự do lựa chọn theo ý thích để trong tương lai anh em sẽ họp thành một xã hội nhỏ với đủ ngành nghề hầu có thể hỗ trợ cho nhau. Ông luôn nhắc nhở con cháu là con người phải sống có đạo đức, lương tâm và trách nhiệm.  Những lời giảng dậy của ông như in vào tâm trí chúng tôi.

Cứ thế, mỗi năm chúng tôi sống với nhau dưới một mái nhà ba ngày liền tại Lake Tahoe.  Ngoài bữa “Thanksgiving Dinner” chính với đầy đủ những món ăn đặc biệt cho ngày lễ: gà tây, thịt nguội, roast beef, khoai nghiền, đậu ve, cranberry sauce, salad, pumkin pie... nhà lúc nào cũng có một nồi phở thật lớn trên bếp và đồ ăn, bánh trái ê hề.

Sau mỗi bữa ăn, anh chị em quây quần quanh chiếc bàn dài chuyện trò, tán dóc như ngày xưa còn bé.  Có những năm tuyết trắng xóa, cả nhà ngồi bên lò sưởi bập bùng, ngắm tuyết rơi... không ngờ có ngày mình đã được sống trong cảnh thần tiên như thế. 

Đến năm 2014, vì duyên may, cô em út của chúng tôi thấy một toà nhà lớn ở Colfax, miền bắc Cali quảng cáo “on sale”, nhà hai tầng rộng 9,000 square feet, có 15 phòng ngủ với nhà vệ sinh tiện nghi, nhà bếp và phòng ăn rộng rãi thoáng mát chứa được năm-sáu chục người, toạ lạc trên một khu đất rộng hơn mười mẫu mà ngày trước từng là một “senior – home”. Nghĩ tới Đỗ Gia Trang, nhớ đến nguyện ước của bố, cô Út đã mua và đem hết “saving” ra tân trang thành một căn “vacation home” có một không hai và hãnh diện vẽ bảng “Đỗ Gia Trang”treo ngay lên cổng vào tòa nhà. Thế là từ đó, Đỗ gia Trang- Colfax đã trở thành nơi tụ họp cố định coi như nhà tổ để cứ mỗi muà Thanksgiving là con cháu Đỗ Gia từ khắp mọi nơi lại “tung cánh chim tìm về tổ ấm”.

Theo thời gian cha mẹ tôi lần lượt quy tiên, ông anh cả và một cô em gái cũng đã ra người thiên cổ. Thế nhưng, tre già thì măng mọc, lá vàng rơi thì cây non lại đâm chồi.  Mỗi năm lại thêm mấy đứa bé ra đời, Đỗ Family ngày càng thêm đông. Đến nay tổng cộng đã hơn 60 thành viên. Mấy cô em tôi phải vẽ ra một “Family Tree” để mỗi khi gặp nhau lại đem ra làm màn đố vui cho bọn trẻ biết đến liên hệ họ hàng.

Ngày họp mặt Thanksgiving mỗi năm chúng tôi lại nhắc nhở và tri ân ông bà.  Ông Bà như tổ tiên của dòng họ Đỗ trên miền đất mới. Nhờ ông bà khuyến khích mà con cháu giữ được ngày truyền thống đáng quý này.  Cám ơn đất nước Hoa Kỳ, quê hương thứ hai đã cưu mang chúng tôi và cho chúng tôi cơ hội vươn lên, thành đạt, có một cuộc sống an bình, một tương lai phơi phới.  Chúng tôi nhắc đến những người đã khuất, thêm tên thành viên mới.  Xem lại những kỷ niệm cũ qua những hình ảnh, video để các người mới gia nhập vào đại gia đình như các cháu dâu, cháu rể và các chắt của ông bà biết về nguồn cội. Ban ngày thì từng nhóm có những sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi. Tối đến có màn văn nghệ cho mọi người thi thố tài năng và sau đó lập sòng tại chỗ cho mấy người lớn sát phạt nhau, dù ăn thua chỉ vài chục bạc nhưng lọt sàng xuống nia, ở nhà vui cười, đùa giỡn với nhau chứ không đi cúng cho casino bên ngoài!

Năm nay không phải sửa soạn cho ngày hội ngộ, chúng tôi có thì giờ theo dõi bầu cử.  Ngày Thứ Ba 3/11 tôi nấu sẵn một nồi cháo sườn để “hai con khỉ già” có thì giờ  vừa ăn vừa theo dõi kết quả qua màn ảnh lớn của TV cho rõ.  Gần 6 giờ chiều chúng tôi đã phone, text nhắc nhở nhau, tôi mở sẵn đài CNN trên computer và CBS trên TV.  Tôi có một nhóm bạn gái thân cùng chí hướng thường sinh hoạt chung; nhóm tám chị em gái và một cậu em trai; nhóm ba đứa con, ba đứa dâu rể và sáu cháu nội ngoại ở ba nơi và nhóm chót là vợ chồng tôi.  Tất cả đều dẹp bỏ hết mọi việc để lo xem kết quả. Suốt buổi tối cho đến nửa đêm text bấm liền hồi:

-         Thua rồi...! Lên rồi..!. Bỏ xa rồi...! Chết, chết, sắp tới sát nút... !  Rồi, rồi... bỏ xa rồi… Thắng rồi..! Hahaha...

Thật hồi hộp, hấp dẫn như ngày xưa ở VN nghe phóng viên Huyền Vũ tường thuật mấy trận túc cầu.

Tưởng như những lần trước, sau ngày bầu cử xong thì ngã ngũ, ai thắng, ai thua rõ ràng và dòng đời lại trôi. Nhưng năm nay thì khác hẳn, nạn dịch Covid – 19 hoành hành khắp địa cầu và ngay tại Hoa Kỳ, một xứ sở hùng mạnh, nền y khoa tân tiến mà lại là quốc gia bị dịch nặng nhất, người bị lây nhiễm nhiều nhất và tỉ lệ người chết cũng cao nhất thế giới.  Cũng bởi nạn dịch nên nhiều người đã bầu qua thư vì ngại đến phòng phiếu đông người, phải xếp hàng lâu và dễ bị bịnh lây lan.  Chưa đến ngày bầu cử TT Trump đã cáo buộc là bầu cử sẽ gian lận trong khi quyền hạn đang ở trong tay ông, chính quyền đang ở trong tay ông (!) Phải công nhận là ông có một tài thuyết phục và một hấp lực đặc biệt nên nhiều người mê ông một cách điên cuồng, dù rằng ông nói biết bao điều dối trá và hành xử như dân giang hồ bất tuân luật lệ!

Ba tuần lễ đã trôi qua, những tiểu bang có con số sai biệt khít khao đã đếm phiếu lại, những đơn kiện vô căn cứ của TT Trump đã bị tòa bãi nại, các tiểu bang đã lần lượt công bố kết quả chính thức, General Services Administration đã công nhận Joe Biden là President Elect và đã bắt đầu giai đoan bàn giao quyền lực, TT Trump’s team cũng đã kiếm được khá bộn tiền qua các cuộc vận động gây quỹ pháp lý mà dòng chữ nhỏ ở dưới có ghi rõ là 60% số tiền thu được sẽ được dùng để thanh tóan nợ cũ!  Đã quá đủ rồi! Là những người yêu nước và có trách nhiệm, chúng ta hãnh diện đã làm tròn bổn phận công dân qua lá phiếu của mình. Chúng ta tôn trọng nền dân chủ lâu đời của nước Mỹ nên chúng ta tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử, chúng ta tin tưởng vào sự công minh của hệ thống pháp luật tuy nhân đạo nhưng rất chặt chẽ của nước Mỹ nên chúng ta hãy để quan tòa phân xử nếu có kiện tụng. Đừng nghe những tin đồn thất thiệt, những cáo buộc bâng quơ làm cho hình ảnh nước Mỹ trở nên xấu xa, tồi tệ.

Thanksgiving là mở đầu cho mùa lễ hội, mùa của tình yêu thương và sự chia sẻ.  Xin hãy dừng lại, hãy nhìn vào bản thiện và lòng nhân trong mỗi chúng ta để khép lại những hỉ nộ ái ố của mấy tháng vừa qua.  Hãy hàn gắn những rạn nứt trong tình cảm gia đình, bạn bè... nếu đã lỡ xảy ra, trước khi quá muộn.  Hãy cùng người thân hưởng thụ một mùa lễ Tạ Ơn thật đúng nghĩa dù còn đang trong hoàn cảnh khó khăn vì đại dịch. Happy Thanksgiving đến tất cả mọi người, mọi nhà!

Đỗ Dung

 

Sưu tm từ Internet


17 LỜI KHUYÊN DẠY ĐÁNG SUY NGẪM

CỦA THIỀN SƯ KODO SAWAKI

Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

 

Thiền sư Kodo Sawaki (1880-1965)


Kodo Sawaki (1880-1965) hay “Kodo-Kẻ không nhà”, là một trong những vị thiền sư phái Tào Động (Nhật Bản) có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Là trẻ mồ côi, 16 tuổi xuất gia, sau bị gọi nhập ngũ, chiến tranh kết thúc Sawaki quay về tiếp tục tu học thiền. Kodo Sawaki lập hạnh không trụ mà đi khắp nơi để dạy thiền.

Thiền sư Sawaki luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành thiền hơn là học kinh sách hay tham công án. Một số lời khuyên dạy của Kodo Sawaki được môn sinh tập hợp thành “Gửi bạn”, xin chia sẻ đến bạn đọc suy ngẫm.


1. Gửi người bắt đầu biết suy gẫm về cuộc đời

Ở một số nơi tại Mãn Châu, các cỗ xe thường do các chú chó to lớn kéo. Bác xà ích treo một miếng thịt trước mũi chó, và chú chó chạy như điên theo miếng thịt. Nhưng dĩ nhiên là chú không bao giờ với tới. Chú chỉ được vứt cho miếng thịt khi cỗ xe đã về tới đích. Rồi chỉ trong một cái ngốn, chú nuốt chửng miếng thịt xuống cổ họng.

Người đi làm với đồng lương cũng y hệt như thế. Từ đầu tháng cho đến cuối tháng, họ cũng chạy theo đồng lương treo trước mũi. Một khi đã lãnh lương, họ cũng ngốn nó, và lại sẵn sàng chạy tiếp theo kỳ lương tới. Không ai có thể thấy xa hơn đầu mũi của mình.

Câu hỏi là: Tại sao bạn phải khốn khổ như thế?

Nếu không cẩn thận, bạn sẽ phí hết cuộc đời mình không làm gì ngoài việc chờ đợi những hy vọng tầm thường nhất của mình có thể thành tựu.

 

2. Gửi người không thể nào dừng lo lắng người khác nghĩ về mình như thế nào

Bạn không thể nào đổi bất cứ thứ gì với người khác. Mỗi và mọi người phải sống cuộc đời riêng của mình.

Đừng phí thời gian suy xét xem ai là người tài giỏi nhất.

Mắt không nói, “Chúng tôi thấp hơn, nhưng thấy nhiều hơn”. Chân mày không trả lời, “Đúng, chúng tôi không thấy gì, nhưng chúng tôi ở cao hơn”.

Mũi không thể thay mắt, và miệng không thể thay cho tai.

Mọi thứ đều có nhiệm vụ riêng của mình, mà không gì trong vũ trụ có thể thay thế.

 

3. Gửi người đã hoàn toàn mệt mỏi trong việc đấu tranh với người phối ngẫu

Vấn đề không phải ai là người đúng. Đơn giản là các bạn nhìn sự việc theo quan niệm khác nhau. Khi bạn bắt đầu nói “Tôi”, mọi thứ theo sau đều là ảo tưởng.

Hãy thôi cố gắng làm một người đặc biệt - hãy cứ là chính mình. Hãy kiềm chế. Ngồi xuống!

 

4. Gửi người nghĩ làm giống người khác là có lợi

Bạn luôn bám theo người khác. Nếu họ ăn khoai chiên, bạn cũng đòi ăn khoai chiên. Nếu ai đó ăn kẹo, bạn cũng muốn ngậm kẹo. Nếu ai đó thổi còi, bạn cũng kêu đòi: “Mẹ ơi, mua cho con cái còi”. Và điều đó không chỉ xảy ra đối với con trẻ.

Khi mùa xuân tới, bạn quay cuồng theo mùa xuân. Khi thu đến, bạn chạy theo mùa thu. Ai cũng chờ đợi thứ gì đó để chạy đuổi theo. Có người còn kiếm sống được nhờ sự chạy đuổi theo đó - họ làm nghề quảng cáo.

Với từng cá nhân, chúng ta còn chịu đựng nổi, nhưng khi họ lập thành nhóm, họ bắt đầu trở nên quái dị. Họ bị rơi vào sự ngu ngốc của nhóm, của bầy đàn.

Khi sống trong sự ngu ngốc của nhóm, chúng ta lẫn lộn giữa sự cuồng điên và kinh nghiệm thực sự. Nên điều quan trọng là bạn phải rõ ràng về bản thân, và thức tỉnh khỏi cơn điên đó. Thiền có nghĩa là rời bỏ bầy đàn và tự đi trên đôi chân của mình.

 

5. Gửi người mà suốt đời chỉ biết có tiền và tiền

Hạnh phúc và bất hạnh của con người không chỉ tùy thuộc vào tiền. Nếu con số trong tài khoản tín dụng của bạn là thước đo lường hạnh phúc, thì sự việc sẽ đơn giản xiết bao. Tuy nhiên thực sự nó không phải như thế.

Đừng quá tiêu cực khi bạn bắt đầu nói là bạn cần tiền để sống. Trong thế giới này, bạn có thể hoàn toàn sống tốt mà không cần đến sổ tiết kiệm.

Một số người nghĩ rằng họ quan trọng bởi vì họ có tiền. Người khác thì cho mình quan trọng vì đã đạt được giác ngộ (satori). Nhưng cho dầu bạn thổi phồng tấm da thịt này bao nhiêu, bạn cũng không thể biến mình thành gì cả - ngoài việc trở thành ma.

Những gì không thuộc về bạn chiếm đầy vũ trụ. Khi nào những suy tưởng của cá nhân bạn chấm dứt, thì Phật pháp có mặt.

 

6. Gửi người thích có nhiều tiền, tình yêu, chức vị và danh vọng

Si mê có nghĩa là chỉ biết chăm lo cho bản thân mình. Còn kẻ trí nói, “Dầu có gì xảy ra, tôi vẫn là tôi”.

Một lần tôi viếng thăm một mỏ than. Có lúc khi đang đi xuống, tôi có cảm giác như thình lình chúng tôi lại trở lên cao. Cũng giống như thế, khi suy nghiệm về cuộc đời mình, hình như chúng ta luôn sai lầm khi lầm tưởng rằng những con số luôn thay đổi là tổng số.

Thua là định. Thắng là ảo tưởng.

Không thèm muốn bất cứ thứ gì là món quà lớn nhất mà bạn có thể ban tặng cho vũ trụ.

 

7. Gửi người muốn thấy kẻ thù bị điêu đứng

Chúng ta thường nghĩ không biết ở đây ai thực sự là kẻ hay hơn. Nhưng chẳng phải là tất cả chúng ta đều tượng hình từ cùng nắm đất đó sao?

Mọi người cần ngồi chôn chặt xuống chỗ không có tốt hơn hay xấu hơn.

Suốt đời bạn đã là kẻ điên rồ khi nghĩ rằng thực sự có “tôi” và “người khác”. Bạn làm đủ trò để nổi bật trong đám đông, nhưng trong thực tế thì không có “bạn” hay “người khác”.

Phật pháp có nghĩa là liền một mảnh. Vậy thì đường biên nào chạy giữa bạn và tôi?  Dần dần tất cả chúng ta đều hành xử như thể có đường biên chia tách bạn và thù. Chúng ta đã quen quá với cách suy nghĩ đó, ta tin rằng đường biên đó thực sự hiện hữu.

Nghèo hay giàu, quan trọng hay không quan trọng - không có gì hiện hữu. Chúng chỉ là ánh sáng lấp lánh trên các làn sóng.

 

8. Gửi người đang đau khổ vì bị lường gạt

Tất cả chúng sanh đều lầm lạc: xem là hạnh phúc cái đưa đến bất hạnh, và than khóc vì một bất hạnh hoàn toàn không phải là bất hạnh. Tất cả chúng ta đều biết là một đứa trẻ đang khóc có thể biến nước mắt thành tiếng cười khi bạn cho nó cái bánh. Cái mà những kẻ phàm phu như chúng ta gọi là hạnh phúc cũng không hơn thế bao nhiêu. Đôi lúc bạn cần tát vào mặt mình để tự hỏi một cách nghiêm túc: Những điều bạn được hay mất có thực sự đáng được bạn reo hò hay than khóc như thế không?

Sớm muộn gì mọi người cũng bắt đầu chỉ nghĩ cho riêng mình. Bạn nói, “Tốt quá!”. Nhưng cái gì tốt?  Nó chỉ tốt cho bản thân bạn, thế thôi.

Người có nhiều ham muốn rất dễ bị lường gạt. Ngay cả những kẻ lừa phỉnh đại tài nhất cũng không mong được gì từ người không có lòng tham muốn.

Phật giáo có nghĩa là vô ngã, không có gì để đạt được.

 

9. Gửi người lận đận trên đường công danh

Khi đã chết và bạn nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy những thứ này không đáng chi.

May mắn hay rủi ro, tốt hay xấu - không phải tất cả đều như bạn nhìn thấy. Cũng không phải giống như bạn nghĩ đâu. Bạn cần phải vượt lên trên may mắn hay bất hạnh, tốt hay xấu.

Đau khổ không là gì hơn là cái khổ ta tự tạo ra cho bản thân.

 

10. Gửi người luôn than thở rằng mình không có thời gian

Mọi người đều than phiền là họ quá bận rộn đến không có thời gian. Nhưng tại sao họ lại bận rộn đến thế? Chính là ảo vọng khiến họ bận rộn. Người hành thiền luôn có thời gian. Khi bạn hành thiền, bạn có nhiều thời gian hơn bất cứ ai ở trên thế gian này.

Nếu không cẩn thận, bạn đang làm ầm ĩ cái việc kiếm sống của mình. Bạn luôn bận rộn, nhưng tại sao? Chỉ là để kiếm miếng ăn. Đàn gà cũng tíu tít khi mổ thức ăn. Nhưng tại sao? Chỉ để bị người ta ăn thịt.

Người ta có thể tạo ra bao nhiêu ảo vọng trong một cuộc đời? Khó thể tính toán. Ngày này qua ngày khác, lúc nào cũng “Tôi muốn cái này, tôi muốn cái kia...”.  Chỉ dạo một vòng trong công viên cũng đã có bao vọng tưởng hiện ra trong đầu. Vậy đó là ý  nghĩa  của ‘bận rộn”, “Tôi muốn được bên em, tôi muốn về nhà, tôi muốn gặp em...”.

Con người luôn thở không ra hơi vì chạy quá nhanh theo ảo vọng của họ.

 

11. Gửi người đang mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc hơn

Hãy tịnh lắng và mọi thứ rồi sẽ tốt thôi. Ta chỉ cần một sự gián đoạn ngắn. Làm Phật có nghĩa là một sự gián đoạn ngắn từ làm chúng sanh. Làm Phật không có nghĩa là phải đi từ chúng sanh lên.

“Loài nào đứng trên mặt đất mà không đi tới cũng chẳng đi lui?”. Kyuho trả lời, “Là con cừu đá với con cọp đá: trước sau gì chúng cũng mệt mỏi khi phải kình chống nhau”. Con cừu đá không nhúc nhích. Con cọp đá cũng không nhảy chồm lên vì đói. Điểm mấu chốt là đó - hãy đối mặt với sự việc vượt lên cả suy tư.

Chúng ta được gì khi thực sự nắm bắt sự vật như chúng đang là? Vượt trên sự suy tư. Vượt lên trên suy tư không cho phép nó tự suy tư. Dầu bạn có nghĩ thế hay không: sự vật cũng đơn giản như chúng là.

“Tất cả mọi pháp đều trống không” có nghĩa là không có gì để chúng ta can dự vào, vì không có gì thực sự xảy ra.

Chưa từng có gì xảy ra, bất chấp những gì như đang xảy ra - đó là trạng thái tự nhiên. Ảo tưởng là đánh mất trạng thái tự nhiên này. Thông thường chúng ta không nhận ra được trạng thái tự nhiên này. Chúng ta che giấu nó với một điều gì khác, nên nó không còn tự nhiên nữa.

Phật pháp có nghĩa là trạng thái tự nhiên này. Thực hành theo Phật có nghĩa là hoàn toàn sống trong giây phút hiện tại này - là cả cuộc sống của ta - ngay đây và bây giờ.

 

12. Gửi người muốn học Phật pháp để hoàn thiện bản thân

“Lý thuyết rỗng tuếch” là cách ta gọi những kẻ sính dùng thuật ngữ. Kiểu đó thì không ích lợi gì. Hãy đắm cả hồn và xác vào đó!

Bạn phải hoàn toàn chết để có thể quán tưởng về Phật pháp. Chỉ tự hành xác và chết nửa vời thì không đủ.

 

13. Gửi người cho rằng Phật giáo không có nghĩa lý gì đối với họ

Khi nói về Phật, bạn đang nghĩ đến một điều gì xa vời, không liên quan đến bạn, đó là lý do tại sao bạn chỉ chạy loanh quanh trong vòng tròn.

Chúng sanh và Phật đều có cùng hình tướng. Tỉnh giác và si mê cũng có cùng hình tướng. Khi ta thực hành theo Phật pháp, chúng ta là Phật. Hay đúng hơn, chính vì ta đã là Phật nên ta có thể thực hành theo Phật pháp.

Bạn nghĩ rằng Phật giáo thì hơi khác với mọi thứ. Nhưng không phải như thế chút nào: Phật giáo chính là mỗi và tất cả mọi thứ.

 

14. Gửi người không biết việc hành thiền của mình có ích lợi gì không

Thiền có ích gì? Hoàn toàn không! Nhưng cái “chẳng ích lợi gì” này phải thấm vào xương thịt bạn cho đến khi bạn thực sự thực hành cái “chẳng ích lợi gì”. Chỉ đến khi đó, thì việc hành thiền của bạn mới thực sự chẳng ích lợi gì.

Bạn nói rằng bạn muốn trở thành người tốt hơn bằng cách hành thiền. Nhưng thiền không phải là về việc học làm thế nào để thành một con người. Thiền là dừng lại việc làm người.

Bạn nói, “Khi thiền, tôi bị ảo tưởng!”. Điên rồ! Sự thật là chỉ khi hành thiền bạn mới ý thức đến các ảo tưởng của mình. Khi bạn quay cuồng với ảo tưởng của mình, bạn đâu hề để ý tới chúng. Lúc bạn hành thiền, một con muỗi chích, bạn cũng biết ngay. Nhưng khi bạn đang quay cuồng, thì con vắt có cắn, bạn cũng không hề hay.

Đừng càu nhàu. Đừng có trao tráo mắt nhìn khoảng không. Chỉ ngồi!

 

15. Gửi người với tâm bấn loạn đang cố hết sức để được tâm an

Tâm bạn không an vì bạn đang chạy đuổi theo lý tưởng của một tâm hoàn toàn thanh tịnh. Đó là đi thụt lùi. Hãy theo dõi tâm trong từng giây phút, dầu nó có loạn động đến thế nào. Ta chỉ có thể đạt được tâm an lạc rộng lớn khi thực hành với tâm loạn động này.

Khi sân cuối cùng được chấp nhận là tâm sân, thì tâm sẽ an lạc.

 

16. Gửi người cho rằng mình đạt được trạng thái tâm tốt đẹp hơn nhờ thiền định

Khi nào bạn còn cho rằng thiền là việc tốt, thì có điều gì đó không bình thường. Hoàn toàn không có gì đặc biệt về thiền không vết nhơ. Không cần phải hàm ân về điều đó.  Đừng làm ô uế việc hành thiền của bạn bằng cách nói là bạn đã tiến bộ, cảm thấy tốt hơn, hay trở nên tự tin hơn trong việc hành thiền.

Chúng ta chỉ nói, “Mọi việc tốt đẹp!” khi chúng xảy ra theo ý ta.

Lý ra chúng ta phải để dòng nước của trạng thái ban đầu của ta như nó là. Nhưng thay vào đó, ta cứ liên tục vọc tay vào đó để xem nước lạnh hay ấm. Đó là lý do nó bị vẩn đục.

Thiền không phải là máy đo khi nhiệt độ từ từ tăng lên: “Thêm chút nữa…, đúng rồi! Giờ tôi đã đạt được giác ngộ!”. Thiền không bao giờ trở thành một điều gì đó đặc biệt, dầu bạn có thực hành nó trong bao lâu. Nếu nó trở thành đặc biệt, chắc chắn là bạn đã lơi lỏng chỗ nào rồi.

 

17. Gửi người kỳ vọng một cách sống tuyệt đối

Phật pháp là gì?  Đó là để mọi khía cạnh trong đời sống hàng ngày của bạn đều nương tựa theo Phật.

Cốt lõi của tất cả mọi hành động là đi đến chỗ tận cùng. Nếu tâm bạn vắng mặt dù chỉ một giây, bạn không khác gì cái xác chết. Thực hành là luôn tự hỏi mình “Ngay bây giờ tôi có thể làm gì theo như Phật?”.

Đạt được đích chỉ một lần thôi chưa đủ. Điểm tối đa của năm ngoái chẳng ích lợi gì. Bạn cần phải đạt được đích ngay bây giờ.

 

Nguyên tác: Thiền sư Kodo Sawaki

Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ  (Bài do Kim Trần gửi)

 

 

 

 

THẬP TỬ NHẤT SINH

Đỗ Dung


Đầu Tháng Giêng 2020, cơn đại dịch Coronavirus bắt đầu được thế giới biết đến từ thành phố Vũ Hán xa xôi bên Tầu, tin tức qua mạng khiến mọi người kinh hoàng. Số người chết tăng đến mức độ khủng khiếp và Vũ Hán trở thành "thành phố Ma", vắng lặng, hoang vu đến rợn người.

Tại Hoa Kỳ, mãi đến khi mức độ lây nhiễm Coronavirus gia tăng một cách kinh khủng, Tổng Thống Trump mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ. Tôi đang mang trong người căn bệnh hiếm, Primary Pulmonary Hypertension, mũi lúc nào cũng phải mang ống thở Oxygen nên các em và các bạn gọi điện thoại tới tấp nhắc nhở tôi phải tuyệt đối tự cách ly, các con cũng “ra lệnh” mẹ phải ở yên trong nhà vì mẹ là miếng mồi ngon của con virus. Mẹ gặp Cô Vy là ... mẹ tiêu!

Khi Bắc Cali bắt đầu khoanh vùng và có lệnh cách ly từng quận hạt thì ông xã tôi cũng “shelter- in- place” luôn, không sang nhà con để chơi với các cháu nữa.

Chúng tôi hoạch định chương trình cho những ngày cấm cung. Trước hết phải giữ gìn sức khỏe, giữ tâm hồn thảnh thơi, ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng. Hai ông bà già mỗi sáng ra vườn dọn dẹp, cắt tỉa hoa lá rồi làm vài động tác thể thao và tập thở. Tuy không gặp mặt, nhưng các con cháu vẫn thăm hỏi hàng ngày.  Qua “Facetime” được nhìn con cháu cũng đỡ nhớ. Có hôm các cháu nội ríu rít khoe đang dọn bữa điểm tâm cho cả nhà, các cháu ngoại thì mời ông bà cùng đi "virtual picnic" trên ngọn đồi sau nhà với cha mẹ chúng.

Tuần lễ đầu tiên, chúng tôi bắt đầu thu dọn nhà để xe, tìm ra mấy thùng ảnh ngày xưa, thế là bao nhiêu kỷ niệm cũ ùa về, hai vợ chồng già ngồi phân loại những hình ảnh của các con, các cháu ra ba hộp cho ba gia đình rồi sẽ giao cho chúng nó giữ làm kỷ niệm.

Đầu Tháng Năm, đang là giữa muà Xuân, cỏ cây reo vui dưới nắng, các loại hoa bắt đầu khoe sắc đem sức sống tươi vui đến cho muôn loài. Nằm ngoài vườn, nhìn lên bầu trời xanh trên cao ngẫm nghĩ về nạn đại dịch.  Suy nghĩ mông lung tôi cảm tưởng như có một mục đích tâm linh đằng sau những sự việc đang xẩy ra.  Phải chăng có một thông điệp sâu sắc nào đó của Thượng Đế muốn cảnh tỉnh loài người?

Con vi khuẩn nhỏ bé này đang làm đảo điên cả thế giới, nó len lỏi vào các ngõ ngách bất kể rào cản, nó tấn công tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp sang trọng hay cùng đinh.  Nó bất kể chủng tộc, văn hoá, tôn giáo.  Mọi người đều bình đẳng! Và nó có thể thăm viếng bất cứ ai!

Con virus này thật khủng khiếp, nó cô lập cả thế giới, mọi quốc gia đã lập nên những rào cản. Mọi người tự động xa cách nhau, những người thân yêu cũng chỉ nhìn nhau từ xa mà chẳng dám đến gần.  Thượng Đế gửi con siêu vi này đến để chia rẽ con người hay khiến con người nghĩ lại để thương yêu, đùm bọc nhau hơn?  Rõ ràng là không được gặp mới thấy nhớ, có mất đi mới thấy quý chứ bình thường thì người ta không biết trân trọng những gì mình đang có.  Cứ thế, tôi miên man suy nghĩ, hay phải chăng đây là sự trừng phạt của Thượng Đế vì con người đã liên miên tàn phá trái đất làm đau lòng Mẹ Thiên Nhiên, nào là sa thải những chất độc hại, rác rến làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển khơi, nào là phá rừng, phá núi bừa bãi... Thêm nữa con người gần như muốn đoạt hết quyền năng của tạo hoá, vượt cả quyền hạn của hoá công.  Ngày nay gần như cái gì nhân loại cũng làm được, ngay cả khả năng sáng tạo ra con người, biến đổi gene di truyền của tất cả các chủng loại, hay định đoạt ngày sinh, ngày tử...

Sau nạn dịch này thế giới sẽ đi về đâu? Biến đổi trở nên đốt đẹp hơn hay ngày tận thế đã gần kề vì vô phương cứu chữa?  Tất cả sẽ bị xóa đi để mọi sự sẽ khởi đầu với những con người Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện!

Càng suy ngẫm tôi càng thấy thấm thía và có những lúc tôi ngồi nhìn lại mình và cố gắng tìm ra những bài học cho chính bản thân và gia đình. Trước nạn dịch này, trong hoàn cảnh cách ly của mình tôi phải làm gì!

Một buổi chiều sau khi thăm vườn tôi thấy những cây tía tô, kinh giới mọc lên từ những hột năm trước theo gió bay đi lung tung nay đã cao gần bằng ngón tay út, tôi lấy  một thùng plastic thật to dùng để dọn nhà khi trước, nhờ ông chồng tôi đục mấy lỗ dưới đáy để thoát nước, đổ đầy một thùng đất mới, đi gom nhặt mấy cây rau thơm, kinh giới, tía tô con mọc rải rác bên cạnh những gốc cây lớn để cấy sang chậu mới này.  Sau khi vào nhà rửa tay nghỉ ngơi thì tôi chợt lên cơn sốt, người nóng hầm hập nhưng vẫn cảm thấy lạnh run và môi miệng thì khô đắng.  Gọi cho cháu út kế bên, cháu ở liền vách với chúng tôi trong một căn “duplex”, hai nhà hoàn toàn riêng biệt chỉ chung mảnh vườn sau.  Cháu nói mẹ lấy Tylenol uống và uống thật nhiều nước.  Cháu chạy sang nhà anh nó, lấy nhiệt kế về để bố đo thân nhiệt cho mẹ.  Dù cảm giác nóng hừng hực nhưng thân nhiệt chưa quá 100 độ F nên cháu nói mẹ cứ nghỉ ngơi, không cần phải đi nhà thương, rồi cháu chạy đi mua nước cam, yaourt, trái cây tươi như táo, nho, lê,  lau chùi cẩn thận để ở chiếc bàn ở vườn sau, xong xuôi mới gọi điện cho bố biết để ra đem cất vào tủ lạnh.

Hàng năm, cứ mỗi khi hoa nở rộ là tôi hay bị allergy, có khi ngắc ngư cả tháng mới hết ho hắng, mệt mỏi, uể oải. Năm nay tôi chắc cũng vậy thôi nên dù đang dịch bệnh tôi không nghĩ là có thể nhiễm con vi khuẩn Covid-19 vì tôi đã cẩn thận cách ly rất kỹ. Các con cháu tôi còn lo giữ kỹ hơn, ngay cháu ở sát bên cạnh cũng không hề bước sang nhà mẹ. Đúng dịp này cô bạn thân VD gọi điện thoại  để nói chuyện chơi.  Nghe tôi kể, VD hốt hoảng nói nhà có lá xông thì đun nước xông ngay đi, ông xã của VD cũng đang bị như vậy vì tuần trước ông có đi chợ Costco.  Tôi chắc VD lo tôi bị nhiễm Covid-19 nên mới cuống lên như thế.  Nghe VD nhắc, nhà tôi ra vườn hái đủ các thứ lá, chanh, bưởi, quất, xả, rosemary, một bịch tía tô trong tủ lạnh cũng bỏ vào nồi luôn.  Như chợt nhớ ra, VD gọi nhắc tiếp cho thêm gừng và nhỏ vào nồi vài giọt dầu nóng.  Không biết làm sao MC biết tôi sắp xông cũng gọi tới nhắc nếu nhà có sẵn hồi nấu phở thì cho thêm khoảng chục cánh hồi vào.  Tôi nằm đắp chăn rên hừ hừ trong khi nhà tôi lo đun nồi lá xông, ông cũng lục trong tủ tìm được một nắm hồi cho tuốt vào nồi luôn. Tội nghiệp ông chồng tôi, chả bao giờ đụng tới bếp mà quýnh lên cũng nấu được cho vợ một nồi lá xông thơm phức.

Ông bưng nồi nước xông ra để ngay giữa phòng khách rồi dìu tôi để tôi ngồi ngay trước nồi nước xông còn đang đậy nắp, đưa tôi lọ dầu Bảo Tâm An rồi lấy tấm chăn dạ trùm kín người tôi. Mở hé nắp nồi từ từ, tôi nhỏ mấy giọt dầu, hơi nóng xông lên và tôi hít vào thật sâu, luồng khí nóng xuyên qua mũi đi vào buồng phổi rồi lan ra khắp châu thân. Mồ hôi nhỏ từng giọt ướt hết quần áo.  Tôi cứ ngồi hít thở như thế cho đến khi hơi nóng nguội dần rồi quấn cả chăn đứng lên, vào nhà tắm lấy khăn mặt thấm nước ấm lau mình cho khô rồi thay quần áo đi ngủ.

Ngủ yên được vài tiếng, tôi thức dậy,  cảm thấy trong người như khỏe khoắn hơn nhưng vòng quanh thắt lưng thấy nhói đau, từ hai bên hông trở xuống đau rêm và hai chân dường như không có sức.  Ăn qua loa, ngồi nghỉ một lúc, tiện còn nồi nước lá xông nhà tôi đun sôi lại, tôi xông thêm lần nữa rồi vào giường.  Thằng Út gọi sang nhắc mẹ uống một ly nước cam, ăn một hũ yaourt rồi hãy đi ngủ.

Từ mấy năm nay vợ chồng tôi ngủ hai phòng riêng vì nhà tôi đi ngủ sớm, tôi thường thức khuya.  Tôi thích đọc sách trước khi ngủ còn nhà tôi lại không thể ngủ được khi có một chút ánh sáng nên thôi thì đành “Không gì quý hơn độc lập tự do!”.  Đôi ta chung mái nhưng không chung phòng.  Thật là khỏe re!  Nhưng nay vì tôi bịnh nên nhà tôi nhất định ôm gối qua nằm chung vì sợ rằng ban đêm lỡ có chuyện gì tôi gọi mà ông không biết.

Thiu thiu một lát tôi thấy người khô ran, bụng óc ách muốn đi nhà vệ sinh, tôi quơ tay lấy cây đèn pin để ở đầu giường rồi lần mò vào nhà tắm.  Cũng may nhà tắm ở sát bên. Thế là như vòi chẩy, tôi bị té re, vừa tiêu vừa tiểu.  Lần mò về giường tôi uống hết gần nửa chai nước một lúc vì trong người quá háo. Nhìn sang bên cạnh nhà tôi nằm ngủ bình yên, chắc cả ngày lo lắng nên ông mệt.  Cứ thế, độ mỗi một giờ tôi phải dậy một lần để vào nhà tắm rồi uống nước, rồi lại vào nhà tắm cho đến sáu giờ sáng tôi mới ngủ thiếp đi một giấc dài hơn hai tiếng. Thức dậy thấy ông chồng nằm bên cạnh đã tỉnh ngủ nhưng còn nằm nướng đang nhìn tôi.  Người khô queo, miệng đắng nghét. Nhà tôi bưng vào một ly sữa nóng, tôi uống mà tỉnh cả người, có thể cả đêm mất nước nhiều và bụng cũng cảm thấy đói.

Ăn sáng xong tôi nằm ngay ở sô pha ngoài phòng khách xem TV, nồi lá xông còn tốt nên tôi đã xông thêm lần nữa, sau khi xông xong người khỏe khoắn hơn nhưng toàn thân vẫn còn đau nhức.  Riêng vùng quanh thắt lưng đau rêm và hai cẳng chân thì đau buốt. Nhà tôi ngồi bên xoa bóp hai cẳng chân và thỉnh thoảng đấm lưng cho tôi.  Tôi chập chờn nửa ngủ nửa thức, có những lúc tôi cũng ngủ thiếp đi. Qua buổi trưa tôi lại lên cơn sốt, người nóng hừng hực nhưng vẫn có cảm giác lạnh buốt ở bên trong. Cứ như thế mấy ngày liền cứ chiều là lên cơn sốt và cứ sốt thì uống một viên Tylenol 650 mg và mỗi ngày uống gần hết một bình nước cam.

Sau khoảng một tuần lễ như thế, tôi mất sức rất nhiều nên tối hôm đó sau khi xông, tôi ngủ được một mạch ngon lành từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng.  Nhờ vậy mới đỡ mệt. Sáng dậy, tôi đã ra đi dạo trong vườn và ngồi phơi nắng. Vào nhà tôi lục tủ lạnh lấy ra bịch xương bò, một vỉ thịt bò và sắp xếp hầm một nồi phở to để giành ăn mấy ngày cho lại sức.  Tưởng đã êm, không ngờ giữa đêm hôm ấy tôi bị một cơn lạnh thật khủng khiếp, người run bần bật, răng đánh lập cập.  Chưa bao giờ tôi lạnh đến như thế: “ Bố ơi...bố ơi... mẹ lạnh quá.... mẹ lạnh quá”. Nhà tôi vùng dậy lục tủ tìm mấy túi hạt chườm để ra hâm bằng lò vi sóng.  Tôi gần như nghẹt thở, há mồm thở dồn dập mà như không có khí vào phổi, tiếng vi vu như tiếng huýt sáo và những tiếng khò khè phát từ trong cơ thể.  Người tôi co rúm lại vì lạnh.  Phúc chí tâm linh làm sao tôi hét lên.  “Maý sấy tóc, máy sấy tóc.”  May là máy sấy tóc tôi để ngay đầu giường vì tôi thường tắm buổi tối trước khi đi ngủ nên phải sấy tóc cho thật khô cho đỉnh đầu khỏi lạnh.  Nhà tôi chụp ngay máy sấy tóc, bật độ nóng nhất, thổi hơi nóng từ đầu đến chân, người tôi ấm dần lên, phổi như hoạt động lại, nhà tôi lấy máy đo oxygen, máy chỉ số 54! Trời ơi!! Tôi cố hít vào thật sâu, con số nhích lên từ từ…60, 68, 70…Nhà tôi ra bếp lấy hai muỗng rượu gừng mà chúng tôi lúc nào cũng có sẵn mấy lọ trong nhà, nâng đầu tôi dậy cho tôi uống luôn một hơi, trong người ấm hẳn lên và độ oxygen đã lên 88!  Như phản xạ, tôi niệm Phật: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô cứu khổ, cứu nạn, Quan Thế Âm Bồ Tát”.  Nhà tôi lấy dầu nóng xoa bóp khắp người, xoa cả hai gan bàn chân.  Nhờ thế tôi chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, nhà tôi nắm lấy tay tôi nói qua làn nước mắt “ Mình làm tôi sợ quá,  đừng bỏ tôi, đừng bỏ tôi...”. Nhớ lại cảnh ông già hơn tám chục tuổi chạy quýnh quáng trong đêm lo cho vợ, tôi thật thương.  Mọi việc chỉ chậm lại khoảng năm phút thôi là tôi đã theo ông bà rồi.  Khi nhìn độ Oxygen xuống tới số 54 tôi đã nghĩ thôi rồi, đã đến lúc tôi phải ra đi!  Lúc đó toàn thân tôi đã như đông cứng nhưng lại như có sự nhộn nhạo ở bên trong.  Miệng tôi há thật to, cố gắng thở nhưng dường như phổi đã đình công.  Thở ra mà không hít vào, máu không có dưỡng khí đem đi khắp châu thân, nếu độ oxygen xuống nữa tôi sẽ đi vào hôn mê, có thể tôi không bao giờ dậy nữa!  May làm sao tôi nhớ ra cái máy sấy tóc, hơi nóng đã nhanh chóng khiến cơ thể tôi phục hồi.  Tôi thật sự hoang mang, chả lẽ mình bị Cô Vy chiếu cố?  Làm sao tôi bị nhiễm Cô Vy được, tôi có ra khỏi nhà đâu! Mấy tháng nay đúng là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.   Ngay cả khi con đi chợ cho mẹ cũng không dám vào nhà, tháo hết giấy gói bỏ vào thùng rác rồi lấy giấy clorox lau chùi mọi thứ thật kỹ để ngoài garage hay ngoài vườn, 24 tiếng sau mới cho mẹ cất các thứ vào tủ.  Các cháu nhớ ông bà thì bố mẹ chúng nó cũng chỉ chở sang nhà ông bà nhưng bắt ngồi yên trên xe không được xuống, chỉ hạ kính cửa xe, vẫy tay nói chuyện qua cửa sổ xe rồi lại đi.  Hôm sinh nhật ông thì cả ba nhà đem bánh, đem quà đứng ngoài vỉa hè, mang khẩu trang đàng hoàng.  Chúng nó còn cẩn thận để riêng cho ông bà một chiếc bánh nhỏ rồi mới cắt chia mỗi người một miếng trong chiếc bánh thứ hai, bắt ông bà ở trong nhà, khoảng cách nguyên cái nhà xe, chúng nó đứng ngoài đường hát chúc ông, ăn bánh xong là đi!

Không dám tin, nhưng mà căn bịnh của tôi nghe…từa tựa, quen quen.  Sốt, rét, khó thở, mình mẩy ê ẩm, và… tào tháo đuổi.  Thảo nào mấy tháng qua chợ nào cũng bị thiên hạ đua nhau vét sạch hết cả nước lọc và toilet paper! Biết đâu chừng bịnh này do con Virus Vũ Hán truyền vào. Thật là hiểm ác.  May nhờ Trời Phật thương tình, may nhờ bạn bè nhắc nhở, may nhờ ông xã tận tình, cho nên tôi đã vượt thoát chuyện thập tử nhất sinh trong đường tơ kẽ tóc.

Cũng chính vì thế,  tối hôm qua khi thấy trong người khỏe khoắn hơn nhiều sau gần hai tuần chống chọi với bịnh tật, tôi liền ngồi xuống đặt bút viết một hơi, viết lại câu chuyện thật lần thứ hai “sém chút nữa tiêu tùng” của tôi để chia sẻ với quý bạn đọc những kinh nghiệm tôi đã trải qua và cách thức tôi chống chọi bịnh tật như thế nào ngõ hầu có thể giúp ích được cho ai đó nếu gặp phải hoàn cảnh tương tự.

Nhìn qua khung cửa sổ, mặt trăng gần như tròn xoe, trăng 13 còn đang e ấp khẽ mỉm cười.  Năm nay nhuận hai Tháng Tư ta, còn hai ngày nữa là rằm. Không dám thức khuya, tôi thu xếp tắt máy vi tính, vào phòng, ngồi trong bóng tối thở thật đều và đặt lưng xuống giường thở tiếp một lúc thì chìm sâu vào giấc ngủ.

Sáng nay, sau một giấc ngủ dài yên bình, không mộng mị, tôi vươn vai làm vài động tác nhẹ, cảm giác thật thoải mái chứ không trì trệ, nhức mỏi như mấy hôm trước.  Nhìn đồng hồ mới hơn 6 giờ sáng, không khí còn hơi nóng, người rịn mồ hôi cho tôi cảm giác như không khí Sài Gòn ngày trước.  Nhìn sang bên cạnh, ông chồng già đang say ngủ.  Tôi rón rén ra phòng khách, kéo màn, mở cửa sổ, trời đã rạng sáng, tôi ngồi khoanh chân tập thở. Cảm tạ Trời Phật, cảm tạ tổ tiên, ông bà nội ngoại hai bên đã phù hộ, đã giữ gìn tôi ở lại cõi đời này thêm một thời gian nữa.

Suốt hai tuần lễ vừa qua, trong nhiều đêm tôi đã có những cơn mơ lạ kỳ, có đêm tôi miệt mài trong computer, cả một trang đầy hình ảnh cỏ cây hoa lá trong vườn, tôi say sưa ngồi phân loại từng loài hoa, chia ra thành những video nhỏ rồi upload vào youtube.  Có video toàn hoa quỳnh, có video đủ loại hồng  hoặc toàn những giàn hoa leo... Cảm giác mệt nhoài nhưng rất thích thú vì nỗi đam mê.  Sáng ra vào computer chả thấy dấu vết gì, hoá ra là... mơ.  Một đêm tôi mơ như đang đi lạc vào giữa một đám người nhỏ bé đen đúa, họ như vây quanh níu kéo tôi, bỗng nhiên có một người đàn bà mặc áo dài tơ mầu vàng óng đẩy dạt mọi người ra, kéo tôi chạy thoát khỏi đám đông đó... và rồi có một đêm tôi đã như xem một cuốn phim của suốt cả cuộc đời, từ ngày anh em tôi di cư vào nam cùng bà nội, bố mẹ và cậu Thắng.  Có những lúc hình ảnh thoáng qua thật nhanh, tôi với LP và VD trong sân trường tiểu học Chợ Quán, bố mẹ, anh chị em, bạn thuở Trưng Vương... Tiếp theo là những ngày sau 75 ào ạt hiện về và rồi cuối cùng tôi thấy tôi ngồi trên chiếc thuyền con một mình bơ vơ giữa đại dương bao la trong đêm tối đen mịt mùng.  Lạnh quá, tôi choàng tỉnh.

Ban ngày khi xem tin tức qua internet, mặc những lao xao, những chống đối chửi bới nhau giữa những người không cùng chính kiến, mặc những lời nói thô bỉ, bẩn thỉu đến tột cùng thốt ra từ những người tôi tưởng là có học và hiểu biết, chả ai thuyết phục được ai vì ai cũng khư khư cho mình là đúng, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán.  Riêng tôi thì nhìn vào những điểm tốt đẹp, lạc quan do nạn dịch đưa đến mà vui sống.  Gia đình chúng tôi gắn bó nhau hơn, các chị em tôi vài tuần lại Zoom meeting một lần.  Ba gia đình ba đứa con tôi gần gũi, yêu thương nhau hơn bao giờ.  Không đến nhà nhau nhưng vẫn gặp mặt nhau hàng ngày trên text, trên facetime.  Từng gia đình nhỏ đã có những bữa ăn sáng, ăn tối chung một lúc chứ không mạnh ai về lúc nào ngồi ăn lúc đó như khi trước.  Ngày nào cũng như có tiệc, nhà này khoe nhà kia hôm nay ăn món gì và bầy ra những món như lẩu, sushi, bò nướng vỉ , bò nhúng giấm hay gỏi cuốn, bì cuốn... hai bà mẹ trẻ chỉ sửa soạn, sắp sẵn các thứ để trên bàn rồi mọi người tự làm lấy, cả nhà quây quần thưởng thức. Sáu đứa cháu nội ngoại sau những giờ học online lại ríu rít cười đùa với nhau. Hạnh phúc là đây!

Nhiều người lo sợ nước Mỹ sẽ tan hoang vì những biến cố xẩy đến chập chùng, hết chuyện này đến chuyện khác.  Người chống Trump, kẻ phò Trump, cả trăm ngàn người đã mất đi cuộc sống để lại bao thương tiếc, đau khổ cho người thân... Nhưng theo tôi, tôi vẫn tin rằng mọi việc rồi cũng sẽ qua đi.  Nước Mỹ sẽ lại tươi đẹp và vẫn là miền đất hứa, là thiên đàng đáng sống mà chúng ta đã may mắn được đến đây.

Nước Mỹ luôn Vĩ Đại như Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã viết:

“Qua kinh nghiệm sống trong việc phòng chống China Virus trong những ngày “tự nguyện cô lập”, người viết thấy rất rõ là Nước Mỹ Vĩ Đại, vĩ đại không phải vì có một chánh quyền mạnh, tài nguyên dồi dào, thiên nhiên ưu đãi…mà chính vì dân trí người dân Hoa Kỳ với tâm lành, lương thiện, biết đoàn kết và chấp nhận hy sinh trước một vấn nạn chung của Đất và Nước.

Từ hình ảnh những túi thực phẩm hiện diện khắp các nẻo đường do bà con tự nguyện đóng góp và phân phối.

Từ những khẩu trang may vá đơn sơ được hàng trăm hàng ngàn bàn tay của người lao động hảo tâm may cắt nhằm hỗ trợ cho Bác sĩ, Y tá ngày đêm chiến đấu với cơn dịch không quản ngại tấm thân.

Làm sao mà quên được tinh thần tương trợ của người dân Hoa Kỳ trong sự đoàn kết chống China virus.

Tất cả những sự vĩ đại đó nằm trong tâm hồn của hơn 325 triệu dân gồm đủ mọi sắc tộc đến từ khắp nơi trên quả địa cầu hình thành ra một Hiệp Chủng Quốc và cùng hội tụ trên mảnh đất màu mỡ của đất nước Hoa Kỳ nầy.

Chì có ở Hoa Kỳ, và chỉ có ở Hoa Kỳ chúng ta mới thấy được những hình ảnh thân thương và cảm động trên!

Đó mới thực sự là VĨ ĐẠI.

Xin cám ơn Đất, Nước, và người dân Mỹ đã cưu mang những người con Việt trên bước đường tha hương vì quốc nạn CSBV.”

 

Câu chuyện này đến hôm nay, Thứ Bẩy ngày Rằm tháng Tư nhuận, năm Canh Tý (6/6/2020) tôi mới hoàn tất.  Viết xong tôi cảm thấy rất nhẹ lòng.  Nhìn ngoài trời nắng đã lên cao, nắng rất đẹp, nắng đem lại niềm vui và hy vọng cho tôi, cho mọi người trên nước Mỹ và trên toàn thế giới. Nguyện cầu cho nhân loại được bình an thoát khỏi hẳn cơn đại dịch….

Tôi đến bên bàn thờ, niệm Phật xong thì thỉnh ba tiếng chuông

Boong... boong... boong

Nhắc nhở tôi... buông, buông, buông

Tôi đã hít vào thật sâu và thở ra thật nhẹ nhàng.

ĐD

6/6/2020