Sưu tầm từ Internet
 
MÂY CỦA TRỜI HÃY ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
 

Chúng ta đều biết rằng mọi việc xảy đến với chúng ta luôn bất ngờ, và khi đi nó để lại cho ta nhiều nuối tiếc, nếu ta không biết cảm nhận hay tận hưởng. Vì lý do vô tâm hay sự việc xảy đến quá vô tình? Nếu nhìn nhận về mặt khách quan, có xót xa thì do mình vô tâm với những gì xảy đến.
 
Mặt khác theo quan điểm của Phật học thì mọi thứ đều do “Nhân duyên”. Cho nên hãy cứ suy nghĩ “Đến và đi” là quy luật, hãy nhẹ nhàng cảm nhận một cách sâu sắc, để rồi khi “Duyên” đã không còn thì mình cũng không hề tiếc nuối. Cũng như mây của trời, hãy để gió cuốn đi.
 
Tiếc nuối là một trạng thái của “Tâm”
 
Trạng thái tâm làm cho chúng ta ngậm ngùi trước những cái tốt đẹp đã qua đi. Bên cạnh đó Đức Phật đã cho thấy sự nuối tiếc sâu hơn là do “Chấp Thủ”. Đó là trạng thái tâm thức cho rằng đối tượng đang nhận thức là của mình, thuộc về mình và do đó luôn muốn ôm giữ và bám víu vào đó. Do chúng ta sống với cảm giác của “Tâm” và luôn cho đó là mình, rồi sống với khổ đau, buồn vui, thương ghét, giận hờn.
 
Hãy nhìn nó với mặt tích cực vì chúng ta biết mọi hoàn cảnh đều vô thường. Và tâm hồn cũng vậy. Đừng nắm giữ bất cứ thứ gì để rồi người đau khổ lại là chính mình. Hãy thả lòng mình để tận hưởng những những hình ảnh bình dị trong cuộc sống, đôi khi chúng sẽ giúp ta cảm nhận rồi “ngộ” ra điều gì đó để thoải mái hơn khi đối diện hoàn cảnh bất như ý.
 
Làm sao để không vướng mắc?
 
Trong kiếp sống này chúng ta được ví như dòng sông và sẽ có những vật trôi trên đó. Giống như gỗ cứ trôi mãi, trôi mãi, đến khi nào đó sông ngừng chảy thì gỗ sẽ ngừng trôi, thậm chí gỗ đã dạt vào bờ tự lúc nào mà sông chẳng hề hay biết. Cũng vậy, tất cả những sự việc xảy đến với ta như gỗ hay bất cứ vật gì, cứ vô tình lướt qua nhau, để rồi khi chợt tỉnh giấc thì đã xa rồi.
 
Mọi người gặp gỡ và biết nhau là “Nhân – Quả”, duy trì mối liên kết ấy gọi là “Duyên”. Thuận hay nghịch duyên, bền lâu hay mau chóng là do ý thức duy trì mối liên hệ của mỗi cá nhân. Vậy sống như thể nào để đạt được tâm hồn thảnh thơi nhẹ nhàng như dòng sông, không vướng mắc bất cứ thứ gì? Cũng “Tùy duyên” như Bụt vậy.
 
Đức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy chăm tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “Bốn món tâm rộng lớn không lường được” đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Phật dạy hãy mở rộng tâm hồn không hạn chế đối với bất kỳ loài hữu tình nào. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hơn nữa đây là lối sống của bậc Thánh.
          
Tuy nhiên lời Phật dạy không chỉ dừng lại ở đệ tử của Ngài, mà còn cho những người không có niềm tin vào giáo lý Phật Đà. Nếu mỗi người cố gắng thực hành “Tứ Vô Lượng Tâm”, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, … thì mỗi người sẽ trở thành một công dân lý tưởng trong thế giới hòa bình, an lạc.
 
Mây của trời, hãy để gió cuốn đi
 
Trên phương diện hóa giải nội kết của “Chấp Thủ”, chúng ta chỉ nhìn về “Tâm xả”. “Xả” là bỏ đi, không chấp, không ghi giữ trong lòng. Tức là không ghét bỏ cũng không luyến ái, không ưa thích mà cũng không bất mãn. Người học Phật luôn giữ tâm bình thản trước mọi việc, cho dù người đó có khinh rẻ mình.
 
Giữa những cuộc thăng trầm sóng gió của thế gian, Đức Thế Tôn dạy ta luôn bình thản như tảng đá sừng sửng trước gió vậy. Như mãnh hổ giữ rừng xanh, không sợ bất cứ nguy hiểm nào, cũng giống như gió thổi qua mảnh lưới vậy.
 
Qua đó xét lại tâm mình, Phật chỉ dạy chúng ta phương pháp để đối diện, tự chúng ta vượt qua, thực hành hay không là việc của mình. Hãy nhìn hoa sen từ bùn nhơ nước đục vươn lên để tỏa mùi hương thanh khiết.  Tinh thần tùy duyên bất biến của Phật giáo giúp chúng ta có cái nhìn thoáng hơn trong công việc cũng như tiếp xúc với mọi người trong mọi hoàn cảnh khác nhau.
          
Dẫu biết rằng mỗi người trong chúng ta ai rồi cũng sẽ bắt gặp những người đi ngang đời mình, rồi cứ bắt buộc người ta phải làm điều này điều kia cho mình, cuối cùng lại ngồi suy nghĩ vu vơ “giá mà ta đừng nói những lời đó”, “Phải chi mình đừng làm những hành động như vậy”, “Tại sao mình lại làm vậy?”… Những cảm xúc tiêu cực lại dày vò người ấy, nhưng chúng ta đâu biết được “Nhân Duyên” giữa ta và người đã không còn. Thay vì ngồi đó tiếc nuối, tại sao chúng ta không nghĩ rằng “Tùy duyên” và những người chúng ta gặp họ đều dạy chúng ta về những bài học có giá trị, nghĩ đến đó chắc hẳn ai cũng nhẹ người.
          
Cũng giống như khi chúng ta nhìn lên bầu trời và những đám mây, trời xanh bao la nhưng đâu thể nào bắt buộc mây cứ ở đó mãi. Đủ duyên thì mây và trời hòa quyện vào nhau như một hợp thể không tách rời, cho đến khi hết duyên gió cuốn mây tan, trời và trời sẽ xa nhau. Thay vì ngồi đó than trách cho câu chuyện đau buồn, hãy suy nghĩ tích cực rằng “Gió” đã tạo điều kiện cho “Mây” mạnh mẽ hơn. Qua đó ta thấy rằng gặp “Thuận Duyên” hay “Nghịch Duyên” đều cho chúng ta những bài học có giá trị để ta mạnh mẽ hơn khi đối đầu với nghịch cảnh.
 
Đức Phật đã nhập diệt nhưng giáo lý của Ngài vần còn hiện hữu trên thế gian này, vượt không gian và thời gian, thấm nhuần vào các tầng lớp xã hội, và được Tôn Nữ Hỷ Khương viết rằng:
 
Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý, lẽ huyền vi
An nhiên tự tại – lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ!
 
 
Hoàng Phúc - Vườn hoa Phật giáo
Sưu tầm từ Internet
 
 
Một trong những môn học khó nhất trong cuộc đời mỗi người chính là học cách hài hòa với cuộc sống. Luôn canh cánh trong lòng vì những việc làm thất bại đã qua chỉ càng tăng thêm ràng buộc và tự làm tổn hại bản thân mình.
 
Cuộc đời mỗi con người từ khi sinh ra cho tới lúc về già, có nhiều sự việc chỉ nên làm một lần hoặc trong một khoảng thời gian, lại có những sự việc, những thói quen tốt nên hình thành và nuôi dưỡng suốt đời.
 
Trong đó có 10 điều nhất định không được từ bỏ dẫu bạn đang ở tuổi 17 hay 70:
 
1. Không ngừng kiên trì đọc
 
Trong cuộc đời, ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Con người vì thế luôn mong cầu một cuộc sống ung dung, tự tại như nước chảy mây trôi mà không bị những lo lắng vào sinh tử ràng buộc.
 
Duy chỉ có đọc sách mới có thể giúp ta. Đọc sách để ngộ về quá khứ sâu xa và biết về tương lai rộng lớn. Đọc để hiểu về vũ trụ bao la, từ bi, rộng lượng, để thấy con người trong dòng chảy của thời gian, đối với các quy luật của tự nhiên nên tùy duyên đối diện.
 
Thông qua đọc sách, ta sẽ hiểu ra sinh mệnh con người là hữu hạn, nhưng văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo và những nguyên lý của vũ trụ là vĩnh hằng và vô hạn, là những điều sống mãi với thời gian, những điều thay ta sống cùng thời gian.
 
Khi còn trẻ, đọc sách giúp ta định hướng rõ ràng tương lai mơ hồ, vốn là một ẩn đố không biết ra sao phía trước.
 
Lúc về già, đọc sách giúp ta hồi tưởng lại những hoàn cảnh đã xảy đến cuộc đời người mình. Thông qua những tình huống đó ta chiêm nghiệm ra những triết lý nhân sinh, những đạo lý làm người và lớn lao hơn là những quy luật và nguyên lý của cuộc sống.
 
Một cuốn sách chính là một thế giới. Sống trong thế giới ấy bạn có thể ngay lập tức thoát ly khỏi tất cả những phiền não vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày và được tự do theo đuổi những điều mà trái tim và lương tâm của bạn mong đợi.
 
2. Không bao giờ từ bỏ ước mơ
 
Ước mơ không chỉ là đặc quyền giành riêng cho những người trẻ, nó nên là một thói quen được duy trì và tiếp diễn trong cả cuộc đời. Ước mơ là sự thăng hoa của thế giới tinh thần con người.
 
Người có mơ ước mới có thể có mục tiêu, có ý chí phấn đấu, có sự hy vọng, mới có dũng khí để vượt qua hiện thực không như mong muốn ở hiện tại. Nguyên nhân là bởi mơ ước không chỉ tồn tại trong một thời khắc của hiện tại, mà còn kéo dài tới một thời điểm nào đó của tương lai.
 
Ước mơ có lớn có nhỏ, đôi khi có thể là một ngọn núi nguy nga đồ sộ, để người ta dùng cả cuộc đời mình không ngừng trèo lên tới đỉnh. Đôi khi cũng có thể chỉ là từng cột mốc bên đường, đi qua cột mốc này rồi lại cố gắng vượt qua cột mốc tiếp theo.
 
Rốt cuộc, ước mơ chính là sự không ngừng tìm kiếm tài năng của bản thân ở nhiều phương diện khác nhau, như mỹ thuật, âm nhạc, sáng tác, thủ công… Trên thế giới này có vô số những sự việc, những điều đáng để chúng ta chú tâm và học hỏi. Ước mơ cũng vậy, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nó là vô cùng vô tận.
 
3. Mãi mãi lưu giữ trong tâm thiện niệm
 
Thiện niệm là đóa hoa nở rộ đẹp nhất trong cuộc đời mỗi sinh mệnh. Đôi khi chúng ta vì tìm kiếm sự vui vẻ mà cố gắng làm một điều gì đó, nhưng quay đầu nhìn lại ta sẽ nhận ra giúp đỡ người khác cũng chính là tự giúp lấy mình.
 
Lương thiện không cần một phí tổn, nhưng lại có thể sinh ra vạn lợi. Vì thế không cần phải lo sợ sự lương thiện sẽ làm con người trở nên yếu đuối, dễ bị lừa gạt. Chỉ cần có nguyên tắc và làm hết khả năng của bản thân, nỗ lực tới mức giới hạn chịu đựng của bản thân thì sự thiện lương của bạn sẽ được trang bị thêm một tấm áo giáp sắt bảo vệ.
 
Dù bạn ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời cũng nên học cách cảm thông với người khác, học cách khoan dung, rộng lượng và thứ tha những lỗi lầm của người khác.
 
Khi tâm thái làm mọi việc của bạn là vì người khác, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình trở nên dễ dàng và thong dong hơn. Khi bạn hiểu được rằng tất cả niềm vui nỗi buồn mình đang có cũng là hạnh phúc, cay đắng mà người khác đã từng trải qua, bạn sẽ cảm thấy ấm áp và không còn cô độc nữa.
 
4. Quan tâm tới những sự kiện cộng đồng
 
Hãy quan tâm tới xã hội, tới quốc gia nơi mình đang sinh sống. Đừng tách biệt bản thân ra khỏi cộng đồng hay tụt hậu so với thời đại, bởi điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho chính bạn mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân.
 
Mỗi người đang sống dưới bầu trời này đều là một phần của lịch sử, một phần của trào lưu thời đại. Chúng ta chứng kiến, chúng ta thay đổi và chúng ta sáng tạo.
 
Bởi vậy cần quan tâm tới xã hội và thời đại mình đang sống đồng thời tự biết bản thân mình, tự hiểu rõ bản thân mình là ai trong cuộc sống muôn màu, đang đóng vai trò gì, có cống hiến gì đối với xã hội.
 
Cho dù chỉ là một người dân bình thường không có gì nổi trội, không có những thành tựu cống hiến xuất chúng nhưng nhiều tia sáng sẽ tổ hợp thành ánh mặt trời, mỗi cá nhân với ý thức dựng xây vì người khác sẽ tạo nên một xã hội văn minh, tốt đẹp.
 
Không có ai là thật sự bé nhỏ tới mức không có gì đáng kể trong thế giới này. Câu chuyện của thời đại có lớn có nhỏ, điều quan trọng là người viết câu chuyện đó có dụng đủ tâm hay không, có đủ xuất sắc ưu việt hay không.
 
5. Có tài chính cơ bản độc lập
 
Sự độc lập của mỗi các nhân trước tiên cần thực hiện trên cơ sở độc lập về kinh tế. Người không có sự độc lập về tài chính cũng giống như mạch máu nằm trong tay của người khác, trong lòng sẽ luôn thấy bất an.
 
Khi có năng lực để kiếm tiền, bạn hãy cần kiệm và cố gắng tích lũy. Mặc dù tiền bạc không thể giải quyết tất cả mọi khốn khó trong cuộc đời mỗi người, tuy nhiên tất cả mọi khốn khó trong đời mỗi con người đều rất có thể được cải thiện bằng một chút tiền cộng hưởng với những nỗ lực cải biến khác.
 
Tiền bạc không phải đều là vạn ác, nghèo khổ càng không phải là điều để tự hào. Điểm quan trọng chính là giải thoát bản thân khỏi sự mong cầu tiền bạc, làm chủ suy nghĩ và hành vi của mình. Đồng tiền sẽ giúp ta làm được nhiều việc nếu tâm thái của ta đối với nó hoàn toàn là vô tư vô toan tính.
 
6. Luôn trân quý bản thân mình
 
Hãy đối xử thành thật với chính mình. Bạn là người như thế nào, không cần người khác phải miêu tả trình bày, càng không cần nhờ cậy đến những người không yêu mến bạn định nghĩa.
 
Khi bạn thành công, hãy biết tự hào về bản thân. Khi bạn thất bại, hãy kiên cường cất giữ sự thất bại đó vào góc nhỏ trong tâm hồn mình và can đảm đứng lên sau khi ngã.
 
Khi còn trẻ, hào hoa phong nhã, cả thế giới đối với bạn luôn là niềm vui, là nụ cười. Vì thế, hãy biết yêu quý, trân trọng bản thân, trân trọng cơ hội có mặt trên thế gian và được làm người.
 
Lúc về già, bước tới những năm tháng cuối cùng của sinh mệnh, bạn càng nên trân quý bản thân mình, trân quý những năm tháng hữu hạn của đời người.
 
Chúng ta hãy yêu thương bản thân mình trong từng khoảnh khắc của cuộc đời, tốt hay xấu, tất cả chúng đều là một phần của bản thân chúng ta.
 
Trong cuộc đời hãy làm những việc mà mình thật tâm mong muốn thực hiện, không theo đuổi thanh xuân vĩnh cửu, chỉ mong cầu theo đuổi sự bình an, không truy cầu sự tuyên dương của người khác, chỉ mong không hổ thẹn với lương tâm khi về cuối đời.
 
7. Trân trọng mối quan hệ tình cảm thân thích
 
Được yêu thương là điều tốt đẹp, yêu thương người khác cũng lại như thế. Có người nương tựa là một sự hạnh phúc, được người khác nương tựa lại cũng là hạnh phúc.
 
Cuộc đời mỗi người không thể không có yêu thương, cũng giống như cá không thể tách rời nước.
 
Yêu thương cha mẹ, yêu thương người bạn đời, yêu thương bạn bè, vào mỗi thời khắc có sự yêu thương, nhất định bạn sẽ học được cách trân trọng, tận hưởng.
 
Trong sự yêu thương có mang tất cả năng lượng cần thiết cho sinh mệnh. Cho dù có già có gục ngã, bạn đừng bao giờ quên mỉm người với những người yêu quý bạn.
 
8. Quan tâm tới sức khỏe của mình
 
Sức khỏe là tài sản quý giá của sinh mệnh con người. Một người khỏe mạnh về thể xác và tâm hồn sẽ được ông trời chiếu cố quan tâm, bởi trên thế giới này bạn đã may mắn hơn rất nhiều người không được khỏe mạnh và hoàn chỉnh.
 
Sức khỏe là thứ có thể mất đi bất kỳ lúc nào. Bởi vậy khi còn trẻ đừng nên vung phí, làm hao tổn sức khỏe và vận mệnh của mình. Giống như người nông dân chăm lo cho mảnh vườn của mình, hãy nghiêm túc đối đãi và chăm sóc sức khỏe, tinh thần của bản thân mình.
 
Hãy  tín ngưỡng Thần Phật. Rất nhiều điều bạn không thể nhìn thấy, không tiếp xúc đến được lại đang thực sự tồn tại. Nếu có đức tin đối với Thần Phật, bạn sẽ luôn biết dùng những tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn để ước thúc từng suy nghĩ, hành vi của mình. Thế giới tâm hồn của bạn sẽ trong sạch và thuần khiết, đời sống cũng vì thế mà thăng hoa, không bị ràng buộc, không chịu bất an.
 
Cho dù có gặp vấn đề gì đi nữa, hãy sớm thăm khám kiểm tra, bởi cơ thể người cũng giống như một thiết bị máy móc, càng sớm sửa chữa, càng dễ phục hồi. Hãy duy trì thói quen sinh hoạt điều độ và giữ nó trong suốt cuộc đời mình.
 
9. Hình thành thói quen biết lắng nghe
 
Người ta chỉ cần một thời gian ngắn để học nói, nhưng phải dùng thời gian cả cuộc đời để học cách lắng nghe. Luôn để người khác lắng nghe bản thân mình, không nhất định có thể được người khác thấu hiểu, mà ngược lại dần dần trở nên cô độc.
 
Người không học được cách lắng nghe, sẽ không thể chia sẻ trao đổi với người khác. Nói nhiều nhưng nghe ít cũng có nghĩa chỉ quan tâm tới cảm nhận của mình, tự đặt ra bức tường ngăn người khác tiếp xúc với mình, không cho người khác cơ hội được hiểu mình.
 
10. Hài hòa với cuộc sống
 
Một trong những môn học khó nhất trong đời người chính là học cách hài hòa với cuộc sống. Trong cuộc đời mấy chục năm, dù nhiều dù ít, sẽ có lúc chúng ta bị đối xử bất công, bị người khác phụ lòng, bị người khác trách tội. Những cảm xúc tiêu cực như oán hận, đau khổ, bất mãn, tủi thân trong lòng ta cũng vì thế mà không ngừng tăng lên, ngày càng thêm trầm trọng.
 
Tuy nhiên, nếu biết khoan dung, biết buông bỏ mọi nỗi uất ức, bạn sẽ thấy những tổn thương kia vốn rất nhỏ bé, không thể làm tổn hại tới bản thân mình. Điều thực sự khiến bạn gặp phiền phức chính là cái tâm không thể dứt bỏ được những điều đã qua của bạn. Bạn vẫn mãi không thôi nhìn về quá khứ và đối đãi với nó như thế đó là những ngày bạn đang sống.
 
Chỉ có khoan dung độ lượng, chỉ có buông bỏ mới có thể giúp tâm thanh thản, mới thấy được cuộc sống này thật tuyệt vời biết bao.
 
Bình Nhi
 
Sưu tầm từ Internet
 

NHỮNG ĐIỀU CẤM KỴ , DÙ LÀ AI CŨNG CHỚ NÊN PHẠM TRONG ĐỜI
 
 
Mỗi người hãy tự nhìn lại bản thân để xem mình có đang phạm phải những điều cấm kỵ dưới đây hay không.
1. Đừng tự cho mình thanh cao
 
Trong cuộc đời này, có rất nhiều người giỏi hơn ta, xuất sắc hơn ta. Hãy duy trì lối tư duy khiêm tốn, đừng tự cho mình thanh cao.
Khi người khác coi bạn là lãnh đạo, bản thân bạn chớ tự xem mình là lãnh đạo; khi người khác không xem bạn là lãnh đạo, bạn nhất định phải xem bản thân là lãnh đạo. Hãy sống theo cách riêng, chuẩn mực của mình, đừng hùa theo đám đông.
Quyền lực là nhất thời, tiền bạc là những vật ngoài thân, chỉ có sức khỏe là của mình, làm người là việc lâu dài, là việc của cả đời.
 
2. Đừng tùy tiện hứa suông
 
Lời nói một khi đã nói ra, phải được đảm bảo giữ chữ tín. Gieo hành động sẽ gặp thói quen, gieo thói quen sẽ gặt tính cách, gieo tính cách sẽ gặp vận mệnh, thói quen hình thành, tạo nên một con người.
 
3. Đừng dễ dãi cầu cứu người khác
 
Sống trên đời, ai cũng muốn được sống cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, chẳng ai muốn nhận thêm gánh nặng trên vai, thế nên, bớt được rắc rối cho người khác càng nhiều sẽ càng tốt, đừng dễ dãi cầu cứu người khác khi chính bản thân mình chưa động não, chưa thực sự hành động.
Hãy xem mình là người khác để giảm bớt đau khổ, bình thản và vui vẻ; hãy xem người khác như chính bản thân mình để cùng chia sẻ những bất hạnh, thấu hiểu sự cần thiết;
Hãy xem người khác là người khác để tôn trọng tính độc lập, không xâm phạm tới họ; hãy xem mình là chính mình để nâng niu bản thân, sống vui vẻ từng ngày.
Có thể nhận thức được người khác, đó là một dạng trí tuệ; được người khác nhận thức, đó là một dạng hạnh phúc; có thể hiểu bản thân, đó là khả năng của bậc thánh hiền.
 
4. Đừng ép buộc người khác
 
Khổng Tử từng nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Điều gì bản thân mình không muốn, chớ làm với người khác, chớ ép người khác.)
Sống trên đời, đừng nghĩ đến việc ép buộc, cưỡng chế người khác, thay vào đó hãy đối xử với người bằng tấm lòng mang tên từ thiện.
Cả trong lễ nghi phương Đông và phương Tây, việc tôn trọng sở thích, quan điểm của người khác đều là biểu hiện của văn hoá, của sự thanh lịch.
 
5. Đừng cười nhạo người khác
 
Làm tổn hại nhân cách của người khác có thể sẽ mang đến cho bạn sự đắc chí nhất thời nhưng sẽ để lại hậu quả lâu dài.
Tổng thể của sinh mệnh là sự nương tựa, dựa dẫm vào nhau. Trên thế giới này, bất cứ thứ gì nếu muốn tồn tại đều phải dựa vào một thứ khác.
Hãy học cách cảm ơn, cảm ơn sự che chở của thần linh, cảm ơn sự dưỡng giục của cha mẹ, cảm ơn sự an yên bình của xã hội, cảm ơn sự ngọt bùi của đồ ăn, cảm ơn sự ấm áp của quần áo, cảm ơn từng nhành hoa, từng sinh vật trong cuộc sống.
Thậm chí, chúng ta hãy là cảm ơn cả những lúc khó khăn mà nhờ đó, chúng ta mới trưởng thành.
 
6. Đừng tùy tiện nổi giận
 
Tùy tiện giận dữ không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe mà còn làm ảnh hướng xấu đến cảm xúc của bản thân và người khác.
Con người với con người, khi sinh ra và khi chết đi đều là bình đẳng. Chúng ta ra đời trong tiếng khóc và ra đi cũng trong tiếng khóc.
 
Sống với nhau, hãy cứ nhớ rằng: Lùi một bước biển rộng trời cao, nhịn một lúc trời yên biển lặng. Hãy kiềm chế cảm xúc, đừng tùy tiện bộc phát cơn thịnh nộ bởi điều này chẳng giúp giải quyết được bất cứ việc gì một cách ổn thỏa.
 
7. Đừng liên tục cắt lời người khác
 
Nói nhiều sẽ mắc sai sót, thà rằng cứ im lặng, bởi im lặng là vàng. Lắng nghe là một dạng trí tuệ, một dạng tu dưỡng, một kiểu tôn trọng và là một cách giao tiếp bằng tâm linh. Bình tĩnh là một trạng thái và là một biểu hiện của sự trưởng thành.
 
8. Đừng tách biệt mình với thế giới bên ngoài
 
Giúp đỡ người khác là một việc làm cao thượng, hiểu người khác là một kiểu khoan dung độ lượng, tha thứ cho người khác đó là một dạng mỹ đức, phục vụ người khác là một niềm vui.
Trăng tròn là thơ, trăng khuyết là hoa, hãy mở cửa trái tim và tâm hồn, nhìn cuộc sống bằng ánh mắt lạc quan để thấy đời luôn đẹp đẽ.
 
9. Đừng bắt nạt người thật thà
 
Thông cảm và thấu hiểu cho kẻ yếu, đó là một phẩm chất tốt đẹp, là một dạng cảnh giới. Có một tâm hồn lạc quan vui vẻ mới có thể có một sức khỏe dồi dào.
Con người khi đã có một tấm lòng khoan dung sẽ có thêm một phần khí chất, có khí chất, con người sẽ có thêm nhân duyên, có nhân duyên sẽ có sự nghiệp.
 
HÒA TẤU MỘT CÕI ĐI VỀ - HƯƠNG VỊ CUỘC SỐNG