BÓNG GIÁO ĐƯỜNG NƠI TRẠI PHONG


 
Ngày tôi dâng Thánh lễ tạ ơn Linh mục ở quê nhà là một ngày có những kỷ niệm in sâu.  Giữa bao nhiêu khách mời, có một nữ tu đến muộn.  Muộn vì chị ở một nơi xa.  Xa cả khoảng cách không gian, và xa cả khoảng cách tình người.  Chị sống với những người cùi ở Tây Nguyên, nơi con người ngại lui tới.  Chị không gọi họ là "cùi," chị gọi họ là những người "phong," để làm dịu đi thực tế của căn bịnh, và làm dịu đi cái ấn tượng về những con người kém may mắn này.
Hơn 30 năm trước, chị dạy tôi giáo lý và cách sống đạo, rồi chị sống những điều chị dạy.  Tha nhân, niềm đau khổ, tình thương, và lòng cảm thông không còn là bài giáo lý trên những trang sách.  Chị biến những trang sách bằng giấy, thành trang sách của tâm hồn.  Rời giáo xứ ấm áp tình người, để đến nơi xa xôi thiếu bước chân con người.  Những hình ảnh tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết.
Hôm nay chị ghé qua nơi giáo xứ mà chị đã phục vụ khi tuổi còn thanh xuân, để xem người học trò năm xưa dâng lễ tạ ơn.  Chị không lái xe.  Người tài xế đưa chị bằng xe Honda là một người cùi.  Chị không ngại ngồi bên anh, tình thuơng phục vụ lớn lao hơn sự sợ hãi.  Chị đã lặng lẽ ngồi bên cạnh những người cùi cả một quãng đời dài.
Chị gần họ, hiểu nỗi đau và niềm cô đơn.  Cô đơn trong tình người, và cô đơn giữa những người cùng đạo.  Chị hiểu hơn điều này khi thấy người bạn cùi cùng với chị đến gần với giáo đường hôm nay, nhưng anh thấy mình thật xa lạ.  Anh ngại đứng bên những người lành lặn, nên chọn một góc xa cho riêng mình ở phía cuối cổng giáo đường.  Anh không ngại đứng xa, vì cả cuộc đời, anh đã sống ở một góc xa ở phía cuối cổng cuộc đời.
Anh nhìn những bước chân vội vã của trẻ thơ đi về giáo đường, những chiếc áo dài thướt tha của xóm đạo, những bộ vét sang trọng của người đi tham dự lễ tạ ơn, và cả những chiếc áo dòng bóng bẩy của nhiều tu sĩ trẻ.  "Giáo hội sang trọng quá," anh thốt lên với người nữ tu khi tan lễ.  Chị cũng tỏ ý đồng tình,  "Ừ, vui hơn ở trong trại cùi."
Trại cùi có gần một trăm em, không kể người lớn.  Nó ở một nơi hẻo lánh của miền tây nguyên.  Mảnh đất núi đồi, thiếu thốn phương tiện.  Thiếu thốn nhất là nguồn nước, điều kiện cần thiết cho những người bịnh phong tắm rửa mỗi ngày.  Các em sinh ra không có sự chọn lựa cho số phận của mình, vậy thì làm sao có được những bước chân rộn rã như trẻ thơ xóm đạo.  Người nữ tu biết những thánh lễ nơi xóm đạo là vui, nhưng lại chọn đến ở một nơi buồn.
Chị mang hình ảnh giáo đường đến với những con người vì số phận không dám đến với giáo đường.  Trong ý nghĩa sâu xa nhất, chị là hình ảnh của giáo đường.  Thầm lặng, không rộn vang tiếng hát, không có những tà áo dài thiết tha, nhưng có nhịp thở và trái tim rung cảm của cảm thông.
Ở nhiều nơi, giáo đường không có Thánh lễ nên giáo đường trở nên trống trải.  Nhưng có Thánh lễ mà không tiếp tục lễ hy sinh trong cuộc sống thì vẫn chỉ là những nghi lễ hững hờ.  Khi Chúa Giêsu truyền dạy, "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy," Chúa không chỉ có ý truyền cho giáo hội cử hành Thánh lễ mỗi ngày nơi bàn thờ, mà là truyền dạy sống Bí Tích Thánh Thể qua hành động như Ngài hành động: trở nên bánh và rượu để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới.  Mỗi một nghĩa cử yêu thương là bánh, mỗi một chọn lựa hy sinh, dâng hiến là rượu.  Tình yêu trao ban và lòng hy sinh làm nên thánh lễ cuộc đời.  Người mẹ thức khuya lo lắng cho con, người cha lam lũ cho cuộc sống tươi xinh của gia đình, hay như người nữ tu hiến dâng một đời cho những con người bất hạnh, tất cả đang sống mầu nhiệm Thánh Thể. Trở nên bánh và rượu cho anh chị em mình là đang tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô.  Thánh lễ trở nên thiết thực quá, không riêng gì cho Linh mục, nhưng cho tất cả mỗi Kitô hữu, biết sống cho tha nhân.
Khi Thánh lễ Tạ Ơn Linh Mục kết thúc, người nữ tu đến chào.  Ánh mắt chị vui, long lanh, xen nỗi xúc động.  Chị nói, "Chị đến xem em dâng lễ ra sao!  Vui quá".  Thánh lễ vui thật vì có hoa, có nến, có ca đoàn rộn vang tiếng hát, có tấp nập bước chân, có cả quay phim và tiệc mừng nữa.  Nhưng Thánh lễ vui chỉ là khởi điểm bắt đầu của hy lễ hiến tế.  Để mời gọi sống những Thánh lễ trong cuộc đời có niềm vui xen lẫn nước mắt, có hạnh phúc và đau khổ, có nhận lãnh và mất mát, được yêu thương và có cả phản bội nữa.
Tôi nói với chị, "Thánh lễ em dâng hôm nay có hoa, có nến, có rộn vang tiếng hát, và có ngàn nụ cười trên môi.  Còn thánh lễ chị dâng trong cuộc đời bên những con người đau khổ, thiếu vắng nụ cười, để nuôi dưỡng sức sống và niềm hy vọng cho một phần thân thể đau khổ của Đức Kitô, thật sự là sống trọn vẹn bí tích Thánh thể: trở nên bánh rượu cho thế giới."
Khi nắng chiều xuống dần, chị theo xe cùng người bạn cùi trở về nơi xa xăm.  Tôi đứng nhìn bóng dáng họ khuất dần theo nắng nhạt.  Ở phía xa, lác đác ánh điện đường bắt đầu sáng.  Xe chị không dừng lại giữa phố phường sáng rực, nhưng lăn lóc qua những làng quê tĩnh lặng, mộc mạc, khuất lấp giữa núi đồi.  Chị mang Thánh Lễ và mang cả bóng Giáo đường đến với nhiều cuộc đời ngổn ngang đang sống ở nơi xa xăm nhất của tình người.  Tôi nhìn bóng dáng chị, rồi nghĩ đến Thánh Lễ đời mình.
Những năm Linh mục qua đi với nhiều Thánh lễ nơi bàn thờ, nhưng lòng vẫn mãi băn khoăn, bao giờ mình mới sống trọn vẹn mầu nhiệm Thánh thể như người nữ tu ấy.  Bao giờ mình mới trở nên bánh rượu đích thực như chính Đức Kitô để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới?  Hiến lễ nào cũng có giây phút bắt đầu, nhưng kết thúc lời kinh lại chỉ diễn ra qua những hành động trao ban.  Cuối Thánh Lễ sáng nay, tôi nguyện thầm với Chúa:
Lạy Chúa, xin cho thánh lễ con dâng mỗi ngày giúp biến đổi nghi lễ thành hành động yêu thương.  Xin cho lời truyền của Thầy Chí Thánh "Hãy làm việc này mà nhớ đến thầy" thôi thúc chúng con hành động vì tha nhân, như hình ảnh người nữ tu hao gầy trở nên bánh rượu cho một phần nhân loại khao khát tình người.  Có khi phần nhân loại khao khát ấy lại chính là những con người cụ thể luôn hiện diện trên từng lối đi của đời con.
Nếu lễ dâng được cử hành mỗi ngày nơi giáo đường, thì hành động trao ban của chúng con cũng cần được diễn ra nơi bàn thờ của cuộc sống như một hy lễ nối dài.  Nếu được như thế, Thánh thể sẽ trở thành nguồn sức sống cho gia đình con, cho cộng đoàn, và cho cái thế giới quanh con đang cần được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng.  Những Thánh Lễ ấy, tuy không có tiếng hát, không có hoa, có nến, không có những bài giảng hùng hồn, nhưng lại là những Thánh Lễ mang đến sức sống cho nhiều tâm hồn.  Con không thể mang Giáo đường vào cuộc sống, nhưng xin cho con trở nên bóng giáo đường giữa lòng đời, như người nữ tu hao gầy bé nhỏ, nhưng có một trái tim có khi lớn lao hơn cả những Giáo đường lộng lẫy nhưng thiếu vắng tình thương.
Nguyễn Thảo Nam
SỬA SẮC ĐẸP.
 
 
 
 Hoài gọi phone hí hửng khoe với tôi:
-         Chị Bông ơi, có hàng “on sale” đây !
-         Lại quần áo, túi xách, giày dép nữa hả? chán rồi, rẻ thì rẻ nhưng mua về mấy đợt trước còn đây, thành lỗi thời dù chưa kịp dùng đến.
-         Không phải, món này hạ giá là chị thích liền…
Tôi dứt khóat:
-         Hột soàn hả? đừng có hòng, tôi đeo đồ giả quen rồi, cũng lấp lánh không thua hàng thật. Tha hồ đeo đầy tay, đầy cổ, ai dám hỏi, ai dám đến gần sờ mó vào mà biết thật giả chứ.?
-         Chị đoán sai hết, kiên nhẫn nghe tôi nói nè, chị có thích sửa sắc đẹp không? Đang hạ giá đấy.
Tôi ngạc nhiên khựng lại:.
-         Sửa sắc đẹp mà cũng hạ giá nữa hả?
-         Chứ sao,  làm ăn thì cái gì chẳng phải hạ giá chiều khách. Này nhé, cắt mí mắt gía 1,800 đồng chỉ còn 1,200, căng da mặt gần 4,000 nay chỉ còn 3,000 đồng. Họ hạ giá, thời cơ đã đến.
Tôi chao lòng, hỏi tới:
-         Sao mà rẻ thế? Nhưng thẩm mỹ viện nào? Có bảo đảm không?
-         Thẩm mỹ viện “Xuân Xanh”, hài lòng chưa? bỏ ra mấy ngàn đồng, mình trẻ lại 20 năm về trước mà không rẻ à?
-         Nhưng thẩm mỹ viện có sửa được khóe mắt đã đầy vết chân chim…đại bàng không? Có căng được làn da lão hóa đã nhăn như tấm mền cũ không? Có bơm được đôi môi khô héo như chiếc lá khô của  mùa Thu tàn, trở thành môi trái tim tươi mát không? Có…
Hoài phải ngắt lời tôi:
-         Làm gì mà lo lắng bi quan thế?. Thẩm mỹ viện làm được tất cả miễn là mình có tiền.
-         Nếu  tôi muốn có một nốt ruồi duyên trên môi như cô người mẫu Cindy Crwaford có được không?
-         Giời ơi, người ta còn muốn cắt bỏ nốt ruồi, nhà chị lại muốn cấy nốt ruồi. Bộ không nghe tin cô người mẫu Cindy Crwaford đang lo lắng vì nốt ruồi duyên của cô đang đổi màu có nguy cơ bị ung thư hả?
-         Hỏi đùa thôi, nhưng này, hiệu qủa cắt mắt và căng da mặt  kéo dài được bao lâu? Nghe nói chỉ vài năm thôi, đâu lại hòan đấy?
 Hoài gạt đi:
-         Có gì bền vững mãi trên thế gian này đâu, ngay cả mạng sống của mình, sống ngày nào vui hưởng ngày ấy đi. Cho dù chỉ hiệu quả vài năm, thì chị cũng có vài năm sung sướng, tự hào và mãn nguyện vì sự trẻ trung của mình, cũng là liều thuốc bổ tinh thần vô cùng qúy gía đấy. Với lại, có tiền để làm gì? Đây là lý do chính đáng nhất để xài tiền cho cá nhân mình, cả một đời người toàn là tần tiện, làm lụng chăm chỉ và lo cho gia đình con cái.
Tôi lại thêm chao lòng:
-         Ừ, để tôi suy nghĩ rồi quyết định sau nhé.
 Hoài và tôi qua Mỹ cùng thời gian, ở cùng thành phố, cùng tuổi, nên có nhiều suy nghĩ hợp nhau, và rất thân nhau. Hoài thường tâm sự với tôi, chị có hai người con đã ăn học xong, đã trưởng thành, coi như mình hết trách nhiệm, nhà cửa xe cộ thì trả off từ lâu, vốn liếng dành dụm được, thích gì thì làm, còn lại bao nhiêu để cho con cái cũng quý lắm rồi.
Càng về gìa người ta càng thấy chuyện sinh tử mong manh quá, càng muốn níu kéo tuổi thanh xuân và hưởng hạnh phúc ở đời.
Tôi và  Hoài luôn than thở với nhau về tuổi gìa, hết tóc điểm bạc, tới da nhăn, khóe mắt chân chim…nhưng chưa ai một lần đi sửa sắc đẹp cả, mà chỉ ao ước thôi.
Năm ngoái tôi đi California họp mặt bạn bè thời trung học, thấy vài bạn gái cùng lớp ngày xưa sao mà vẫn trẻ đẹp thế, da mặt căng không một vết nhăn, hỏi thăm “bí quyết” thì một người bạn  cười cười trả lời rất đơn giản là  chỉ cần “mát sa” mặt mỗi buổi sáng khỏang 15 phút là xong.
Về nhà tôi hớn hở kể cho Hoài nghe điều kỳ diệu đó, chị ta mắng tôi:
-         Sao nhà chị ở Mỹ bao năm rồi mà vẫn còn ngố ngáo như gái H’mong từ bản làng rừng núi mới ra thành phố vậy? các chị ấy căng da mặt đấy, cứ bà nào tuổi đời  5-6 bó trở lên mà  hiên ngang chải tóc vén lên, để khoe khuôn mặt với làn da căng mịn màng như thời con gái, là bảo đảm bà ấy căng da mặt, hoặc vừa mới chích botox nên mới đầy tự tin như thế. Vì ở tuổi này các tế bào đã hết đàn hồi, chảy xệ xuống rồi, “mát sa” nào cứu nguy cho được? phải nhờ đến thẩm mỹ viện cắt xén, nâng cấp lên thôi.
Hoài nói thêm:
-         Còn mấy bà gìa nào chuyên môn đeo kính mát dù trời nắng hay mưa cũng có ý đồ cả đấy, vừa ra vẻ thời trang ăn diện vừa để che dấu đôi mắt sụp mí hoặc những vết nhăn nơi khóe mắt mà họ không có hay chưa có điều kiện đi thẩm mỹ viện sửa sang.
Tôi thán phục:
-         Chị suy bụng ta ra bụng người nên không sai tí nào! chị thật là kinh nghiệm.
Thế là từ năm ngoái, giấc mơ sửa sắc đẹp đã ám ảnh tôi từng ngày. Nhưng nghĩ tới chuyện dao kéo tôi sợ lắm, dằng co mãi hết ngày này đến tháng nọ rồi lại nhìn mình trong gương và than trách ông trời sao làm tuổi gìa tàn tạ con người đến thế!
Nhớ thuở tôi mới lớn dáng gầy gầy xinh xắn, đôi mắt long lanh, nụ cười tươi tắn. Ngày tôi lấy chồng, theo chồng về thăm quê anh nơi miền đồng bằng sông Cửu Long, ruộng đất ngút ngàn, cò bay …gãy cánh, mới đi bộ trên bờ ruộng được nửa tiếng tôi đã mỏi chân, chỗ ấy vắng người, anh đã cõng tôi đi, và dỗ dành tôi mãi chỉ sợ tôi chán đòi về thành phố ngay.
Bây giờ tôi trở thành một bà sồn sồn mập mạp, thỉnh thỏang tôi mơ màng nũng nịu nhắc tới kỷ niệm xưa, chồng tôi gắt:
-         Thôi đi bà, bây giờ nhắc lại tôi còn hú vía, bà nặng ký như thế này, tôi mà cõng bà thì tôi cụp xương sống chết liền tại chỗ. Tiếc rằng ruộng đất cha tôi không còn nữa, để bà về  đi bộ hết những cánh đồng ấy chắc cũng xuống được mấy pao đó.
Ôi, lời nói không sai, mà làm tôi “đau” quá, có nghĩa là chồng tôi cũng chê tôi mập, già, và xấu, anh ấy chẳng thiết tha gì đến kỷ niệm nên thơ thuở nào. Mập thì tôi tự giải quyết được, chịu khó ăn kiêng, và đi bộ ngày mấy mile là xong, còn những vết nhăn trên gương mặt thì phải nhờ đến bàn tay bác sĩ thẩm mỹ thôi.
Tôi liền gọi phôn cho nhỏ bạn cùng trường mà tôi đã gặp ở Calif. năm ngoái để hỏi cho ra lẽ:
- Nè, Vinh ơi, mày “mát sa” da mặt cách nào vậy? nói thật đi bộ mày căng da mặt hả? chỉ tao kinh nghiệm với…
Vinh cười ngặt nghẽo trong phone:
-         Tội nghiệp bạn hiền của tôi, gìa rồi mà còn ngây thơ, thì tao căng da mặt đây, nói đùa là “mát sa” mày tưởng thật hả?
-         Hèn gì tao về kể lại bị một đứa bạn khác mắng là nhà quê chẳng biết gì, căng da mặt có đau không hả Vinh?
-         Làm đẹp thì dù có đau cũng ráng chịu, chừng 2 tiếng là xong, một tuần sau cắt chỉ, soi gương thấy khuôn mặt trẻ trung tao còn không…nhận ra tao nữa đó.
Cũng giống như Hoài người bạn cùng xóm của tôi, Vinh có 2 con đã lập gia đình ở riêng. Hai vợ chồng đều qua Mỹ từ năm 1975. Hồi mới đến Mỹ, chồng của Vinh đã làm đủ thứ nghề lao động vất vả, đi Alaska làm cua, lênh đênh theo tàu ra biển, chịu đựng những mùa Đông cắt da cắt thịt, còn Vinh thì đi làm ở shop may. Tiền kiếm từng đồng  mà còn phải gởi về Việt Nam giúp gia đình đôi bên, hết người nọ tới người kia xin, vì sau 1975 cuộc sống ở Việt Nam quá  nghèo khổ, cơ cực. Vài năm sau, khi cả hai đã khá khá tiếng Anh, họ học thi vào bưu điện, kiên nhẫn vài lần cả hai đều được nhận vào làm.
Kiên nhẫn là mẹ của thành công, thật đúng với vợ chồng Vinh. Bây giờ thị họ khá gỉa, ngoài căn nhà đang ở, họ có một số vốn lớn trong tay nhờ mua bán nhà trong thời hoàng kim kinh tế nhà cửa lên gía vùn vụt tại California .
Nhưng Vinh nói chưa quyết định để tiền cho đứa con nào hết, cho con trai thì nhìn con dâu ăn diện, mua sắm hoang tàn mà ngứa mắt và xót xa cả ruột gan, chẳng lẽ công lao mình làm ăn và ky cóp mà để lại cho đứa con dâu ăn xài bán trời không văn tự kia, tức… con gái nhà ai hưởng?. Mà cho con gái mình cũng chẳng hay ho gì, thằng con rể người Mỹ ăn xài kiểu Mỹ chẳng mấy chốc tiêu tan cái gia tài của chị suốt bao nhiêu năm cật lực làm việc.
 Hai vợ chồng năm nào cũng lấy vacation đi du lịch đó đây, đi tour tàu biển hay đi tour du lịch Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, hay về thăm Việt Nam . Và mỗi dịp lễ nghỉ cũng tranh thủ tận hưởng ngày vui, họ đi Casino, ở gần thì có sòng bài da đỏ “Cache Creek” hay lên máy bay tới Las Vegas xa hơn, có nhiều sòng bài hơn, tha hồ đi hết sòng này tới sòng kia kéo máy, vừa vui chơi và làm “nghĩa vụ” nộp tí tiền vặt cho Casino… thay bóng đèn. Chán thì đi coi show, đi ăn buffet trong khách sạn Bellagio, Wynn,… giá đắt đỏ nhưng nhiều món ăn ngon và cảnh trí sang trọng, lịch sự.
Khi ra về không quên ghé cửa hàng của Jean Philippe để mua mấy hộp kẹo ngon Chocolate.
Vinh kết luận:
-         Khúc đầu mình làm việc thì khúc cuối cuộc đời mình phải hưởng chứ, bắt đồng tiền mình làm ra phục vụ lại mình, cất tiền vô nhà băng để nhìn con số thì hiệu qủa gì? Câu “Có tiền mua tiên cũng được” thật là chí lý, mua sự sung sướng và mua cả tuổi thanh xuân. Đến Calif vùng Bolsa người Việt mình mà mày không để ý thấy có nhiều “chị em sinh đôi” sao? họ cắt mắt, sửa mũi, nên trông ai cũng như ai.
Thấy tôi im lặng, Vinh thuyết phục :
-         Tao có một người bạn cũng căn cơ như mày, từ ngày sang Mỹ chỉ biết làm việc và để dành tiền, thậm chí đi shopping không dám mua cái áo đắt tiền, con cái học hành xong có gia đình ra ở riêng hết. Đùng một cái nó bị bệnh ung thư, chết tốt. Người chồng đau khổ kia sau một thời gian đã nguôi ngoai, chợt nhận ra trong cái rủi có “cái may” của mình, được độc thân đi tìm duyên mới, ông ta bèn về Việt Nam cưới một cô vợ trẻ hơn 30 tuổi, bao nhiêu vốn liếng dành dụm của bà vợ trước, ông mang ra cung phụng cho cô vợ sau hưởng hết, mua nhà mới, xe đẹp để làm vui lòng cô vợ trẻ.
Nghe xong tôi sôi cả ruột gan lên:
-         Thế  thì mình phải hưởng đi chứ, cho chắc ăn, kẻo kẻ khác hưởng mất. Tao cũng sẽ đi sửa sắc đẹp đây.
                                            ***********
Tôi và Hoài đã đến thẩm mỹ viện “Xuân Xanh”, trước hết là cắt mí mắt, sau đó mới căng da mặt, vì không thể làm cả hai thứ cùng lượt. Chuyện này kéo dài khỏang hai tháng, nhân thể trong thời gian đó, tôi ăn kiêng luôn và ráo riết tập thể dục, một công mà được đôi ba việc. Với lòng quyết tâm làm đẹp nên tôi đã xuống được nhiều cân, dáng người vừa vặn, cân đối.
Ồ, thật tuyệt vời, tôi trẻ đẹp hẳn ra, cứ tưởng như mình của thuở mấy chục năm về trước, tôi thấy chồng tôi…gìa khú đế.
Để tương xứng với dung nhan trẻ đẹp mới, tôi đi mua sắm lại hàng loạt quần áo, giày dép, và các món phụ tùng thời trang khác. Chồng tôi cũng ngẩn ngơ và…tán tỉnh tôi:
-         Anh có cảm tưởng như vừa cưới vợ lần thứ hai, một cô vợ nhí xinh xinh.
-         Còn em, đang hoang mang tại sao mình lại lấy một ông chồng gìa đến thế?
-         Nhưng tâm hồn anh vẫn trẻ như mấy chục năm về trước, và anh chỉ muốn được cõng em đi trên bờ ruộng xưa.
Tôi chanh chua:
-         Sao hôm trước anh rủa em mập, anh mà cõng thì gãy vai anh? Tình thế đã thay đổi rồi nhé, bây giờ anh không xứng để cõng em đâu.
Chồng tôi hơi bực mình:
-         Chẳng qua em chỉ trẻ trung cái bề ngoài, nhờ sự tham gia của dao kéo, đừng có vội “chảnh” với anh, vài năm sau lại trở về như cũ.
-         Thì em lại đi thẩm mỹ viện nữa.
-         Thẩm mỹ viện không phải là cái đũa thần, cũng có lúc bó tay. Em hiểu chưa?
-          Ôi, em chẳng lo, tới lúc đó dù là hoa hậu hay Lọ Lem cũng da nhăn, tóc bạc, lưng còng gối mỏi, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như nhau. Chưa biết ai xấu hơn ai?
Tôi yêu đời, tự tin hẳn lên đúng như Vinh đã nói. Tôi ăn diện đẹp nhởn nhơ đi chợ, cô bé nhân viên tính tiền quen thuộc ở chợ Việt Nam ngày nào đã kính cẩn gọi tôi bằng “Bác” cũng phải trầm trồ và thay đổi cách xưng hô:
-         Trông cô trẻ hẳn ra, suýt nữa thì cháu không nhận ra cô.
Tôi chỉ cười cười ra vẻ khiêm nhường chứ đời nào dám nói là nhờ thẩm mỹ viện o bế.
Từ ngày sửa sắc đẹp xong tôi luôn mong mỏi nhận được thiệp mời đi đám cưới, đám tân gia hay…đám ma cũng được, để có dịp ra chỗ đông người, còn hơn ngồi trong nhà, uổng phí cả dung nhan mới làm lại.
Chẳng có đàm nào đoái hoài tới, thì may qúa, một chị bạn ở xa bỗng dưng…nạp mạng,  gọi điện thoại báo tin sẽ ghé đến thăm tôi, nhân dịp chị ta về thành phố này thăm viếng thân nhân bên chồng.
Tôi tha thiết chào mời:
- Bất cứ gía nào chị cũng phải ghé nhà tôi nhé, tôi đang đợi chị từng giây từng phút đấy.
Chị bạn chắc cảm động, nên giọng chị nghẹn lại bên kia đầu dây:
-         Không ngờ chị tốt qúa, còn nghĩ đến tôi. Vâng, tôi sẽ không phụ tấm lòng của chị  đâu.
Xong cú phone, chồng tôi ngạc nhiên:
-         Anh nhớ là em đâu có ưa gì chị bạn này, mà sao bây giờ mời đến nhà nồng nhiệt thế?
Tôi hụych toẹt với chồng:
-  Đúng thế, nhưng có còn hơn không, ít ra cũng có thêm một người quen biết cũ thấy em trẻ đẹp ra, rồi chị ấy sẽ kể lại cho đám bạn bè thế là nhiều người cùng biết.
Và tôi thật sự hớn hở chờ mong người bạn ấy đến, vì tôi phí tổn hết mấy ngàn đồng để sửa sắc đẹp mà chỉ hiệu qủa được vài năm, nên tôi phải nhanh chóng ra mắt bà con bạn bè càng nhiều càng tốt kẻo thời gian vùn vụt trôi đi, nhan sắc tôi lại trở về vị trí cũ, vừa gìa vừa xấu như trước.                          
                       Nguyễn thị Thanh Dương
                                 
MẸ CHỒNG TÔI
 
 

Tôi sanh con đầu lòng được hai tháng thì chồng tôi báo tin mẹ chàng ở Việt Nam sắp qua đoàn tụ với chàng. Bình vui mừng nói:

- "Thật là đúng lúc, mẹ sẽ trông con cho em đi làm."

Tôi giật mình lo sợ, biến cố này tôi chưa bao giờ nghĩ tới, mặc dù trước khi cưới, Bình có cho biết chàng đang làm thủ tục đón mẹ chàng qua. Bình và tôi lấy nhau đã bốn năm rồi,tôi chỉ biết về mẹ chồng qua những tấm hình và qua lời kể của Bình. Bà Thân, mẹ chàng là một thiếu phụ quê mùa, hiền lành, không may goá chồng từ năm chưa tới ba mươi tuổi, bà ở vậy, cực nhọc nuôi hai con ăn học nên người. Bình được đi du học bên Mỹ từ năm mười tám tuổi và ở lại luôn, sau biến cố 1975. Cô Thu, em Bình, năm nay hai mươi ba tuổi, trước đây vẫn ở với mẹ, nhưng cô mới lấy chồng là một Việt kiều, và theo chồng về Mỹ từ năm ngoái, ở khác tiểu bang với chúng tôi.

- "Không thể để mẹ ở một mình." Bình nói "cả đời mẹ hy sinh cho các con, khi về già ai nỡ để mẹ sống trong cô đơn. Trước đây mẹ ờ với cô Thu, anh yên tâm, nhưngThu đi lấy chồng, bây giờ mẹ có một mình. Chúng ta sẽ đón mẹ về ở chung, em nhé?"

Tôi chưa kịp trả lời, dường như Bình đọc được vẻ lo ngại trên nét mặt tôi, nên vội vã trấn an:

- "Đừng sợ,mẹ anh hiền lành, dễ tính lắm. Bà rất thương anh, tất nhiên cũng sẽ thương em,nhất là em vừa sanh cho bà đứa cháu đích tôn nối dòng."

Tôi sanh ra và lớn lên trên nước Mỹ, nên chưa có khái niệm về những cảnh mẹ chồng, nàng dâu trong những gia đình Việt Nam cổ xưa, nghe thấy thế thì cũng xiêu lòng. Qua phút bối rối lúc đầu, tôi dễ dàng chấp nhận ngay, thầm nghĩ sẽ an tâm biết bao nếu bé Danny được bà nội trông nom trong lúc Bình và tôi phải đi làm.

Luơng kỹ sư điện toán của Bình chỉ đủ trả tiền nhà, và tiền mua trả góp hai cái xe, mọi thứ chi tiêu khác đều trông vào đồng lương của tôi, hai vợ chồng cùng chung sức gây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc. Tôi yêu Bình và chưa bao giờ làm trái ý chàng, lần này cũng vậy, thông cảm hoàn cảnh mẹ goá, con côi của Bình, tôi vui vẻ sửa soạn nhà cửa đón mẹ chồng. Chúng tôi quyết định sẽ dành cho bà căn phòng ở tầng dưới,có cửa sổ trông ra vuờn có nhiều cây to có bóng mát.

- "Còn nhiều đất trống, mẹ có thể trồng rau nếu mẹ muốn." Tôi nói với Bình, "em mồc ôi mẹ từ nhỏ nên rất thèm tình mẫu tử, mẹ anh cũng như mẹ em."

Tôi nói rất thật lòng, Bình nhìn tôi bằng cặp mắt vô cùng thương yêu:

- "Cám ơn em, mẹ anh chắc vui lắm có cô con dâu hiền hậu, biết điều như em."

Nhưng thực tế không đúng như ý chúng tôi mong muốn, mẹ chồng tôi hiền lành, nhưng quen sống theo xưa, và nhất định không chịu thay đổi những thói quen cố hữu. Bất chấp phong tục của dân bản xứ, mẹ chồng tôi thản nhiên mặc quần áo ngủ nhàu nhè đi ra đường, hoặc đánh bộ áo cánh, quần đen, chân đi đôi guốc mộc, loẹt quẹt đi dạo phố trước những cái nhìn khó chịu của người địa phương. Tôi cắt nghĩa mãi,nhưng bà vẫn bướng bỉnh:

- "Mặc kệ tôi! việc gì phải bắt chước Mỹ? Tôi bận đồ tây không quen, vướng víu, khó chịu lắm." Bà xầm mặt tỏ vẻ bất bình "chị không phải dạy khôn tôi, ăn bận miễn sao kín đáo là được rồi, đàn bà Mỹ để hở ngực, lòi rốn ra mới đáng nói chớ."

Thấy không khí căng thẳng, Bình kéo vội tôi ra chỗ khác, thì thầm:

- "Phận làm dâu không nên bắt bẻ mẹ chồng. Mẹ đã quen ăn mặc như thế rồi, bắt bà phải thay đổi liền không được đâu. Cứ để từ từ, lâu dần rồi bà cũng sẽ nhận ra."

Mẹ chồng tôi không nói gì nữa, nhưng từ đó bà cố tránh không đi ra ngoài một mình với tôi.Cuộc sống của vợ chồng tôi đang yên vui, bắt đầu xáo trộn. Thường ngày, ăn cơm xong, Bình vẫn phụ với tôi rửa chén. Hai vợ chồng cùng đi làm vất vả như nhau,nên công việc nhà chia đều, tôi đi chợ nấu ăn, lau chùi nhà cửa, chàng rửa chén, hút bụi, giặt quần áo… Nhưng bây giờ khác, mẹ chồng tôi tỏ ra khó chịu khi thấy con trai phải làm những công việc mà bà cho rằng chỉ dành cho đàn bà.Bà không nói tôi, nhưng mắng con trai:

- "Hồi ở với mẹ, có bao giờ anh phải làm gì động đến móng tay đâu? Bây giờ bị vợ bắt rửa bát, lau nhà, trông hèn cả người đi."

Bình cười vui với mẹ, nhưng vẫn bênh vực tôi:

- "Xưa khác, ngày xưa người vợ được ở nhà nên mới có nhiều thì giờ lo việc nội trợ.Bây giờ phụ nữ cũng phải ra ngoài xã hội bon chen với đời, vất vả ngang với chồng,về đến nhà còn chợ búa, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Bao nhiêu là việc, một mình cô ấy làm đâu có xuể, nên công việc cần phải chia đều."

Mẹ chồng tôi nói dỗi:

- "Anh lúc nào chẳng bênh vợ. Thôi, nếu anh sợ chị ấy mệt thì để tôi làm."

Và bà làm thật,vừa làm vừa dằn hắt, khua bàn, kéo ghế rầm rầm. Tôi sợ quá, vội vã nói:

- "Để đó con làm, mẹ đi nghỉ đi."

Thế là tôi phải kiêm thêm nhiệm vụ mới. Thôi cũng được, tôi ráng cực nhọc thêm một chút để Bình có thì giờ nghỉ ngơi, dạo này chàng hơi bị xuống cân, có lẽ đêm không ngủ được vì con khóc. Nhưng mẹ chồng lại nghĩ khác, bà thường nhìn tôi bằng cặp mắt xoi mói, và nói bóng gió xa gần đến cái chuyện “ tốt mái hại trống ” con dâu bắt thằng bé phục vụ quá nhiều. Tôi vừa xấu hổ, vừa tức giận nên cấm Bình chuyện gối chăn. Mặc chàng cực lực phản đối, tôi ôm chăn gối sang phòng khác, nhất định ngủ riêng, khiến Bình phải theo năn nỉ gãy lưỡi. Mẹ chồng biết được, tha hồ lườm nguýt:

- "Cái thằng ngu, đội vợ lên đầu. Mẹ đẻ ra mày nói chẳng nghe, con đó mới ho lên vài tiếng thì đã sợ rúm!"

Không dám đối đáp với mẹ chồng, tôi trút tất cả sự giận dữ lên Bình, chàng cắn răng chịu đựng không dám than một tiếng. Thấy tội nghiệp, tôi thôi không cằn nhằn nữa, nhưng trong bụng ấm ức, không vui.

Ngày giỗ cha chồng tôi, cô Thu từ tiểu bang Georgia qua chơi, mẹ chồng tôi ngỏ ý muốn nhờ sư sãi tụng kinh cầu siêu cho người quá cố. Bình lái xe đưa cả nhà đi chùa, lúc về, cô Thu đòi ghé tiệm chuyên bán đồ phụ nữ để mua một đôi giầy. Cô ở chơi ba ngày rồi mớivề, ngay tối hôm đó, Bình gọi tôi vào phòng rìêng, hầm hầm nói:

- "Em ăn ở với mẹ chồng ra sao để anh phải xấu hổ với cô Thu?"

Tôi giật mình:

- "Anh nói cho rõ trắng đen! em đã làm điều gì không phải?"

Không nói không rằng, Bình quăng hộp giầy xuống đất, hằn học:

- "Một đôi giầy đáng giá bao nhiêu mà em hà tiện không sắm cho mẹ, để mẹ phải mang đôi dép cũ? Hôm đi chùa về, cô Thu đã phải ghé tiệm mua cho mẹ một đôi giầy mới, thay cho đôi dép nhựa rẻ tiền. Em làm anh nhục quá!"

Tôi há miệng không nói được lời nào, hai hàng nước mắt chảy dài. Mẹ chồng tôi nghe lớn tiếng nên chạy vào can, khi hiểu đầu đuôi câu chuyện, bà mỉm cười nói với Bình:

- "Không phải như con nghĩ đâu. Vào chùa thì phải bỏ dép, mẹ sợ người ta lấy cắp, nên đi đôi dép cũ, có mất cũng chẳng tiếc."

Thì ra mẹ chồng tôi tưởng như hồi còn ở Việt Nam, bị mất trộm cả từng đôi dép. Hiểu ra, Bình vội vàng xin lỗi, nhưng tôi làm mặt lạnh, không thèm trả lời, Bình tự ái nên cũng không năn nỉ thêm. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả mấy tuần, hình như đã có mộtđám mây mù che phủ hạnh phúc của hai vợ chồng.

Trước đây, sau mỗi lần cãi nhau, Bình thường làm lành bằng cách bế bổng tôi lên, ôm thật chặt, chọc cho tôi cười, và phủ kín mặt tôi bằng những cái hôn nóng bỏng. Bây giờ thì không còn nữa, trừ phòng riêng, chúng tôi đâu còn nơi chốn nào để mà riêng tư?

Trước đây, sau bữa ăn, tôi thích được mặc quần áo ngủ mỏng manh, nằm gối đầu lên đùi chàng để xemTV. Bây giờ thì không dám, trước mặt mẹ chồng phải ngồi ngay ngắn, ăn mặc phải kín đáo, hở hang một chút bị coi là xuồng xã. Muốn hôn nhau cũng phải mắt trước,mắt sau, cứ như là đi ăn trộm sợ bị bắt gặp, âu yếm công khai trước mặt mẹ chồng là vô lễ… Chao ôi là khó thở! còn đâu những ngày trẻ trung vui vẻ như xưa?

Những ngày cuối tuần, hai vợ chồng thường chở nhau đi xem xi nê hay đi picnic ở vùng quê, hít thở không khí trong lành, bù lại suốt tuần làm việc mệt nhọc. Bây giờ thứ bảy phải đưa mẹ đi lễ chùa, đi thăm bà con, hay đi bác sĩ, chủ nhật phải đưa bà đi chợ…

Mẹ chồng chê tôi nấu ăn nhạt nhẽo, bà muốn tự nấu lấy những món ăn khoái khẩu để tẩm bổ cho cậu con cưng. Phải công nhận mẹ chồng tôi nấu ăn rất ngon, nhưng bà hay cho cả vốc bột ngọt, và mỡ màng thì nhiều vô kể. Kết quả là chồng tôi lên cân vù vù, máu,mỡ cũng lên vù vù, bác sĩ phải lên tiếng cảnh cáo. Bình giải thích mãi bà mới chịu hiểu, từ đó bà giao công việc bếp núc lại cho tôi. Ở không mãi cũng chán,bà muốn đảm nhận việc coi cháu, bà cưng thằng cháu đích tôn như cưng trứng mỏng,tôi cũng mừng.

Danny được sáu tháng, tôi đi làm trở lại. Danny đã quen với bà nội, hai bà cháu quyến luyến nhau lắm, hai vợ chồng tôi đi làm đều yên tâm.

Danny lớn nhanh,bụ bẫm, dễ thương vô cùng, nó đã biết làm nhiều trò rất tức cười. Nhưng sao dạo này thằng bé hay thức đêm đòi bú và không chịu ngủ. Một lần chẳng hiểu đau ốm gì mà nó quấy suốt đêm, hôm sau đi làm về, thấy thằng bé mệt lả, nằm trên giuờng,tay chân lạnh ngắt. Bình và tôi hoảng hồn, vội đem con đi bệnh viện, thì ra thằng bé bị kiệt sức vì tiêu chảy đã hai ngày rồi, bệnh viện phải truyền nước biển mới cứu kịp. Hỏi ra mới biết là bà nội chiều cháu, cho nó uống nước xay trái cây của người lớn, thấy cháu tiêu chảy, bà tự chữa cho nó bằng cách ra vườn hái mấy lá ổi,nấu lên cho cho cháu uống. Cũng may đưa đi nhà thương kịp, nên chưa nguy đến tính mệnh.

Từ sự việc này,tôi cũng khám phá ra là mẹ chồng tôi cho cháu ăn bất kể giờ giấc, hễ thấy thằng bé khóc là nhét ngay chai sữa vào miệng. Ăn không ra bữa nên mỗi bữa ăn Danny bú rất ít, nhưng lại bú làm nhiều lần, nhất là ban đêm. Ngoài ra bà lại hát ru cho cháu ngủ, thằng bé chỉ ngủ khi có tiếng hát ru của bà, tôi không biết hátru nên không tài nào dỗ nó ngủ được. Hai vợ chồng lục đục, thức suốt đêm với nó, nên cả hai đều hốc hác. Tình trạng này không thể kéo dài, chúng tôi bàn với nhau, và Bình nói với mẹ chàng, chẳng những bà không nghe, mà còn dài giọng mỉa mai:

- "Anh bảo tôi không biết cách nuôi trẻ con? Thế ai đã nuôi anh nên vai nên vóc như ngày nay? để bây giờ anh văn minh, anh dạy lại mẹ?"

Cực chẳng đã,chúng tôi mới phải đem con đi gởi nhà trẻ. Bị rứt thằng cháu cưng ra khỏi tay,mẹ chồng tôi giận dỗi, ở miết trong phòng ba, bốn ngày liền, không ra ăn cơm,làm Bình phải năn nỉ muốn gãy lưỡi.

Nhưng bà không thễ dỗi mãi, rồi vì nhớ cháu nên sáng nào bà cũng ra cửa nhìn theo tôi bồngcháu ra xe với cặp mắt buồn bực và không nén được tiếng thở dài. Dần dà, bà lân la giúp tôi soạn giỏ xách đựng đồ chơi, tã lót, quần áo, đồ ăn của Danny bỏ vô giỏ. Tôi để cho bà làm những việc đó, khiến bà vui được một chốc. Bà soạn tỉ mỉ lắm, không quên món nào, hình như bà đem tất cả tình thương cho cháu dồn vào những cử chỉ săn sóc nhỏ nhoi đó.

Mấy tháng sau thì Danny đã quen ăn ngủ có giờ giấc. Càng lớn nó càng xinh đẹp, bụ bẫm nhưng mặt mày ngơ ngác trông rất tội nghiệp. Hình như nó nhớ bà, mỗi lần được mẹ đón về,nó xà ngay vào đôi tay chờ đón của bà, hai bà cháu ôm chầm lấy nhau hôn hít.

Thấm thoát Danny sắp lên hai tuổi, càng lớn nó càng dễ thương và giống bố in hệt, cháu đã biết đi và nói bi bô vài câu ngắn. Hai tuần sau sinh nhật, Danny bị ấm đầu. Dạo này nó hay bị những cơn sốt nhẹ nên chúng tôi cũng không để ý, con nít đến tuổi mọc răng hay bị sốt là chuyện thường. Nhưng lần này Danny có vẻ mệt, nên phải để cháu ở nhà cho bà nội trông. Trước khi đi làm, Bình căn dặn mẹ thật kỹ lưỡng những điều phải làm, và những lần cho cháu uống thuốc, bà gật đầu lia lịa:

- "Mẹ nhớ,mẹ nhớ mà."

Lúc này mẹ chồng tôi có vẻ dễ chịu hơn, không hay can thiệp vào những chuyện riêng tư của vợ chồngc ủa chúng tôi như trước. Sau hai năm sống trên nước Mỹ, được tiếp xúc với những bạn bè lớn tuổi đồng cảnh ngộ, từ từ bà cũng đã hiểu. Mỗi lần được trông cháu,bà sung sướng ra mặt, bao nhiêu tình thương của bà đều dồn cho cháu, bao nhiêu thì giờ của bà đều dành cho cháu. Danny mới hơi ọ ẹ một chút là bà đã chạy ngay lại, bế nó lên dỗ dành:

- "Bà đây,cháu đừng sợ."

Bà kiên nhẫn đút cho nó ăn, có khi cả tiếng đồng hồ. Mấy lúc gần đây Danny biếng ăn vì nướu răngbị xưng và hay chảy máu. Kỳ này không hiểu sao Danny sốt vài ngày rồi khỏi, rồil ại sốt trở lại, nó quấy khóc cả ngày lẫn đêm. Bà nội thương cháu, nên bế cháuđi rong suốt đêm cho cháu dễ chịu, Danny lại được thiếp ngủ trên vai bà nội trong tiếng ru buồn vời vợi. Thấy con cứ sốt dai dẳng mãi không dứt, chúng tôi cũng hơi lo, cho tới một hôm Danny bỗng lên một cơn sốt cao và chảy máu mũi khá nhiều, hai vợ chồng hoảng sợ vội đem con đi bác sĩ. Sau khi lấy máu thử nghiệm,thấy số bạch cầu khá cao, bác sĩ nghi là nhiễm trùng, nên biên toa thuốc trụ sinh và thuốc sốt, dặn cho nó uống đều đặn, hai tuần sau trở lại tái khám. Ông dặn thêm:

- "Nếu có gì bất thường, ông bà có thể đem cháu đến bất cứ lúc nào."

Hai ngày sau,Danny bớt nóng và không có triệu chứng gì khác lạ. Nhưng mặc dù uống thuốc rất đều, mà hai tuần sau những cơn sốt nhẹ vẫn chưa dứt hẳn. Khi tái khám, bác sĩ lại cho thử máu, lần này số bạch cầu tăng tới mức đáng ngại, bác sĩ nói:

- "Bệnh của cháu nghiêm trọng hơn là tôi vẫn tưởng. Bây giờ phải cho xét nghiệm để truy tầm ung thư máu."

- "Ung thưà?" Bình nhảy nhỏm, kêu lên sợ hãi.

Còn tôi thì bủn rủn, tim đập tưởng như sắp vỡ lồng ngực. Bác sĩ nhìn khuôn mặt tái xanh của cả hai vợ chồng, trấn an:

- "Tôi chỉ nghi ngờ vậy thôi, chưa có gì chắc chắn cả. Bây giờ tôi sẽ gởi cháu đi xét nghiệm."

Ông biên giấy giới thiệu Danny đến bệnh viện để rút một ít bone marrow ở tủy sống đem đi thử. Ông nói với vẻ mặt áy náy:

- "Khi có kết quả, chúng tôi sẽ báo tin ngay cho ông bà."

Xong xuôi, chúngtôi đem cháu về, lòng hồi hộp không thể tả. Mẹ chồng tôi suốt ngày đọc kinh cầu nguyện cho cháu tai qua nạn khỏi. Năm ngày trôi qua trong yên tịnh, tôi hơi mừng với ý nghĩ “ no news is good new ” nếu có gì bất thường thì người ta phải báo tin liền. Nhưng trưa thứ bảy, chúng tôi nhận được điện thoại từ văn phòng bác sĩ cho mời hai vợ chồng đến gấp. Ruột tôi nóng như lửa đốt, linh tính cho biết có điều gì chẳng lành. Quả vậy, khi gặp bác sĩ, chúng tôi được báo tin:

- "Sáng nay mới có kết quả của phòng thử nghiệm. Tôi rất buồn cho ông bà hay là cháu Dannybị ung thư máu."

Tôi nghe như có tiếng sét nổ ngang đầu, ôm mặt gục xuống, mơ hồ có tiếng chồng tôi hỏi thật nhỏ,giọng thều thào như người sắp đứt hơi:

- "Bây giờ phải làm thế nào, bác sĩ? "

- "Xét nghiệm cho thấy bone marrow của cháu có vấn đề. Cách chữa trị tốt nhất là phải thay bone marrow. Chúng tôi sẽ ghi tên cháu lên danh sách những người chờ được hiến tủy. Trong khi chờ đợi, tôi sẽ giới thiệu cháu đến một bác sĩ oncologist chuyênvề ung thư trẻ em để làm chemo."

Ông còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không muốn nghe tiếp. Trời ơi! có thể như thế được sao? con tôi mới được hai tuổi, bé Danny xinh đẹp, bụ bẫm thế kia mà lại mắc chứng bệnh ung thư quái ác, ông trời thật quá bất công. Tôi nhắm mắt lại, trong một lúc tôi tưởng như đây chỉ là một giấc mơ, khi tỉnh dậy tôi sẽ thở phào sung sướng. Nhưng không, khi tôi mở mắt ra, chỉ thấy bộ mặt thiểu não của chồng tôi và cái nhìn xót thương của bác sĩ…

Hôm đó là một ngày buồn nhất, tôi khóc như mưa, Bình thở dài không dứt, còn mẹ chồng tôi không nói một lời, nhưng mặt tái xám, trông bà rũ rượi như một tàu lá héo.

Những ngày sau đó thật thê thảm, ai có người thân bị ung thư mới hiểu thấu những thống khổ mà gia đình phải chịu đựng. Thật tội nghiệp cho con tôi, mặc dù được truyền một loại hoá chất nhẹ, nhưng với sức vóc của một đứa bé hai tuổi, Danny cũng vật vã, khó chịu, nó khóc ngầy ngật cả ngày lẫn đêm. Ba người thay phiên nhau chăm sóc cháu, nhưng phải công nhận mẹ chồng tôi tốn nhiều công sức nhất, kiên nhẫn nhất…

Trong hoạn nạn,mọi người xích lại gần nhau hơn, tị hiềm mẹ chồng nàng dâu không còn nữa, mọin gười chỉ chung mục đích là lo cho đứa bé bệnh hoạn.

Danny bắt đầu xuống cân, trông nó xanh xao, èo uột rất tội nghiệp. Cứ đà này con tôi sẽ chết trước khi tìm được người cho tủy thích hợp với nó. Bình và tôi đều tình nguyện hiến tủycho con, nhưng kết quả thử nghiệm đều không hợp. Chúng tôi đau đớn nhìn thằng bé mỗi ngày một yếu đi dần mòn.

Mẹ chồng tôi có vẻ suy nghĩ lung lắm, một hôm bà dụt dè đề nghị:

- "Hãy để mẹ hiến tủy cho cháu nhé?"

Cả Bình và tôi đều giật mình sửng sốt, thật chưa bao giờ chúng tôi tưởng đến chuyện này. Bình nhìn dáng mẹ tiều tụy, bơ phờ, lắc đầu:

- "Mẹ lớn tuổi quá, không đủ điều kiện hiến tủy đâu. Người hiến tủy phải ở trong khoảng từ18 đến 60 tuổi, còn mẹ đã 63 rồi."

- "Nhưng trong giấy tờ thì mẹ mới 59." Bà nài nỉ, "cứ để cho mẹ thử xem sao, mẹ không đành nhìn nó đi vào cõi chết."

- "Nhưng hiến tủy hại sức khoẻ lắm mẹ ạ." Bình nói, "người trẻ thì không sao, chứ người già khó lấy lại sức lắm."

- "Kệ! mẹg ià rồi, mạng sống đâu có quí bằng trẻ thơ? Cứ để mẹ cho cháu nốt quãng thời gian còn lại của mẹ."

Bình nhìn mẹ một hồi, giọng thương cảm:

- "Không phải cứ hiến tuỷ là chết đâu mẹ, nhưng trông mẹ gầy ốm quá, sợ không đủ cân lượng."

- "Chuyện đó đâu có khó gì?" Bà cố gượng cười, "mẹ ăn uống tẩm bổ là sẽ lên cân ngay."

Được sự đồng ý của gia đình, mẹ chồng tôi sung sướng ra mặt. Tội nghiệp mẹ, để đủ điều kiện sức khoẻ hiến tủy cho cháu, bà cố gắng ăn uống thật nhiều cho đủ số cân lượng. Nhiều lúc thấy mẹ trợn trạo cố nuốt thức ăn, tôi ứa nước mắt. Hai tháng sau bà lên được bẩy pao.

Hôm đi thử máu về,chúng tôi cũng không hy vọng gì lắm, cha mẹ ruột còn không thích hợp, huống chi bà nội? Nhưng bất ngờ làm sao, kết quả cho thấy hoàn toàn phù hợp. Cả nhà mừng như chết đi sống lại, mừng nhất là mẹ chồng tôi, cặp mắt già long lanh những tia hy vọng. Mẹ bất kể những đau đớn mà bà sẽ phải chịu khi hiến tuỷ, bà bất chấp tuổi già sức yếu, bà chỉ nghĩ đến cháu…

Mẹ chồng tôi, một người đàn bà quê mùa chất phác, tư tưởng còn chậm tiến như người thời xưa. Mẹ rất sợ nhà thương, rất sợ dao kéo mổ xẻ, thế mà mẹ đã tình nguyện vào nhà thương,tình nguyện lên bàn mổ để hiến tuỷ cho cháu. Tiến trình hiến tuỷ chắc là đau đớnl ắm, nhưng mẹ cắn răng chịu đựng, không rên la, hình như bà sợ rên la người ta sẽ từ chối không cho bà cứu cháu (!?!) Nhìn nét mặt tái xanh vì sợ của bà khi bước vào phòng mổ, chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Ôi tình cốt nhụcthiêng liêng làm cảm động đến cả trời đất, ca thay tủy thành công mỹ mãn, Danny hồi phục nhanh như có phép lạ, mẹ chồng tôi cũng lại sức sau vài tháng tẩm bổ.

Thời gian qua nhanh như gió thoảng, mới đây mà đã bốn năm, chúng tôi có thêm một cháu gái, bé Rebecca mới được năm tháng. Mẹ chồng tôi gần bảy chục tuổi, tóc bạc gần hết,nhưng vẫn khoẻ mạnh, hồng hào. Bà sống rất thoải mái, sung sướng trong sự yêu kính của con cháu, trong một gia đình tam đại đồng đường, trên dưới thuận thảo,thương yêu nhau.

Mẹ vẫn trải tình thương cho con cháu bằng những săn sóc nho nhỏ, bằng những bữa ăn ngon lành, bằng những tiếng ru à ơi buồn vời vợi, dỗ cho cháu ngủ... Trên nước Mỹ này, có bao nhiêu bé thơ Việt Nam may mắn được dỗ giấc ngủ êm trong tiếng ru của mẹ Việt Nam? Tiếng mẹ thấm vào hồn từ lúc còn nằm nôi, mong bé lớn lên sẽ không quên cội nguồn. Sao trước kia tôi không nhận ra như vậy nhỉ? xin mẹ tha lỗi cho đứa con dâu trẻ người non dạ này.

Danny đã đến tuổi đi học và đang học lớp mẫu giáo. Nhìn con sởn sơ lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác, tôi thầm cám ơn thượng đế, cám ơn khoa học, cám ơn các bác sĩ, y tá trong bệnh viện, và nhất là cám ơn mẹ chồng tôi. Mẹ ơi! chẳng những mẹ sanh ra chồng con, mà mẹ đã tái sanh ra cháu Danny một lần nữa, vì Danny sống đượclà nhờ mẹ. Suốt đời chúng con nhớ ơn mẹ.


PHƯƠNG LAN -2014

( viết theo một chuyện thật, chỉ đổi tên nhân vật )