TÌNH THƠ, TÌNH MƠ
ĐỖ DUNG
 

Đêm thật khuya, Vi không tài nào chợp mắt.  Nàng cố dỗ giấc ngủ bằng cách tập trung đếm hơi thở.  Chỉ một lúc là đầu óc nàng lại lan man suy nghĩ, không thể tiếp tục đếm được nữa.  Buổi tối nay, trong tiệc cưới con gái của một người em họ, Vi đã nhìn thấy Huy.  Vẫn ánh mắt ấy, vẫn khuôn mặt ấy, Vi đã nhận ra ngay dù có hằn thêm những dấu vết của thời gian.  Gần nửa thế kỷ còn gì! Những hình ảnh, những kỷ niệm của mối tình đầu thơ mộng của một thời con gái lần lượt hiện về.
Ngày ấy, tại một buổi tiệc ăn khao của một nhóm bạn ở nhà Trâm sau khi có kết quả kỳ thi Tú Tài phần Hai, Vi đã gặp Huy.  Mái tóc bồng bềnh, cặp mắt tình cảm, giọng nói trầm ấm ấy đã cuốn hút nàng.  Cả một muà hè hai người đã có những dịp gặp gỡ dù chỉ là những buổi ngồi nói chuyện tại nhà Trâm.  Sau đó Vi thi đỗ vào trường Dược, Huy lên năm thứ ba trường Y. Cuộc tình đẹp như thơ, hai người rất là tâm đầu ý hợp. Dù chưa một lời chính thức tỏ tình, chưa một lời giao ước, hẹn thề, Vi tự nhủ rằng hãy giữ sợi dây liên lạc nhẹ nhàng ấy, hãy tận hưởng những ngày tháng lãng mạn với hương vị thơ mộng của tình yêu, hãy trân quý những chăm sóc, chiều chuộng, những nhớ nhung, mong chờ nhau...  Đợi đến lúc cả hai cùng ra trường mới bàn đến chuyện hôn nhân. Vi đưa Huy về trình diện cha mẹ. Cả cha mẹ Vi đều quý người thanh niên đáng mến ấy. Sau một thời gian như đủ thân, Huy đưa Vi về thăm gia đình chàng.  Nhà Huy nghèo, thật nghèo.  Cả nhà sống trong một căn nhà chỉ vừa bằng một căn buồng một bề bốn thước, một bề năm thước, trong một ngõ hẻm khu chợ Bàn Cờ.  Nhà trống trơn, sàn gạch hoa lau sạch bóng.  Đồ đạc chỉ vỏn vẹn có một bộ bàn ghế nhỏ kê sát cửa sổ nhìn ra con hẻm, chắc là vừa làm bàn ăn, vừa làm bàn tiếp khách và bàn làm việc cho cả nhà. Trên tường quét vôi mầu xanh ngọc có đóng hai cái kệ gỗ để bầy bát nhang, chân nến dùng làm bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà.  Phía tường bên kia treo một tấm tranh vẽ một bình hoa hồng mầu cam đem sự ấm áp tươi vui cho căn phòng. Một căn gác lửng rộng bằng một phần ba gian nhà, chỉ cao đủ cho một người ngồi thẳng, dùng làm nhà kho để cất hết gối chiếu, mùng mền và mấy chiếc thùng gỗ chắc là để chứa quần áo. Một chiếc bàn thấp và một kệ sách nhỏ nằm ngoan ngoãn ở một góc của căn gác xép.
Bước ra sau, một khoảng sân nước lót gạch tầu mầu đỏ.  Một dẫy chum, vại bằng sành mầu gan gà có nắp đậy cẩn thận, được xếp thứ tự sát vách tường.
Nhà tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Tiếng Huy:
-         Đố cô bé biết những gì trong mấy cái vại này nào?
-         ???
Huy mở nắp một chiếc vại gần nhất, những miếng dưa cải chen chúc nhau dưới làn nước vàng lợt, trong veo.  Vi reo lên thích thú:
-         Dưa chua!
Bên cạnh là mấy vại dưa nén nguyên cây, tiếp đến là vại cà pháo, cà bát và mấy chum đầy tương bắc.
Bà mẹ của Huy có một sạp bán dưa, cà, tương, chao trong chợ Bàn Cờ.  Chính tay cụ muối dưa, nén cà, làm chao, ủ tương và tự tay cụ đem ra chợ để bán lẻ.  Buổi tối có những hàng cơm vào nhà mua và Hà, em gái Huy thì đi bỏ mối cho mấy tiệm cơm tám giò chả và mấy sạp bán cơm tấm quen.
Gia đình Huy sống trong cảnh thanh bần, đạm bạc. Bà mẹ Huy vấn khăn, răng đen; hiền lành, phúc hậu; chịu khó làm lụng và chắt chiu dành dụm.  Hoàng, người anh cả của Huy là sĩ quan của binh chủng Thiết Giáp. Anh đóng quân ở miền trung, đã lập gia đình và có bốn đứa con trai.  Đứa lớn nhất gần bẩy tuổi và cu Út mới biết bò.  Hà, cô em gái Huy đang học năm cuối trung học. Ông cụ thân sinh của Huy bị đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất ngoài Bắc, đã vì uất ức mà chết. Biết gia cảnh của Huy, Vi càng yêu chàng tha thiết hơn.
Cuộc tình Vi và Huy êm ái, nhẹ nhàng trôi. Những buổi tối ngồi bên nhau trong phòng khách nhà Vi, dưới ánh sáng ấm áp của chùm đèn trên cao toả xuống.  Hai người thủ thỉ kể cho nhau nghe những chuyện ở trường, chuyện bạn bè, chuyện về gia đình, về những đứa cháu, chuyện trời mưa, trời nắng.  Có khi cả hai chỉ ngồi yên lặng thả hồn theo tiếng hát Thái Thanh, Anh Ngọc, Duy Trác, Mai Hương... Không gian chỉ là phòng khách nhưng hai tâm hồn như hoà quyện vào nhau. Cô sinh viên mới lớn ngập tràn hạnh phúc, bơi lội trong dòng sông bát ngát yêu thương. Thỉnh thoảng Huy ở lại dùng bữa với cả nhà và những đêm rằm hai người được phép lên sân thượng, cùng ngồi bên nhau trên chiếc ghế xích đu, ngắm vầng trăng sáng vằng vặc ở trên cao.
 
Muà hè năm Mậu Thân, sau khi Vi thi đậu xong năm thứ hai, Vi đã đợi Huy đến chơi như thường lệ nhưng Huy không đến. Chàng biến mất, không một lời từ biệt, không một lời giãi bầy. Cả trăm câu hỏi hiện ra mà không có câu trả lời.  Suốt  mấy tháng trời Vi buồn bã, ủ rũ như người mất hồn.  Đến chỗ nhà Huy ở Bàn Cờ thì cả nhà đã dọn đi, không ai biết họ đi đâu và sạp hàng đã sang lại cho người khác.  Vi sững sờ, đau điếng.  Chuyện lạ lùng như trong một giấc mơ.  Không lẽ Huy chỉ đến với nàng như một chuyện đuà.  Dù sao nàng vẫn thấy nhớ Huy thật nhiều.  Với linh cảm của một người con gái nàng cảm nhận được tình yêu và sự trân quý của chàng dành cho nàng.  Và đối với Huy, Vi có sự ngưỡng mộ, tôn thờ.  Không lẽ chuyện tình đẹp ấy chỉ như hạt sương long lanh đã tan đi dưới ánh nắng mặt trời.  Huy ơi, tại sao, tại sao...
Sau những cố gắng tìm kiếm, dọ hỏi khắp nơi, ngay cả Trâm và những người bạn của Huy mà nàng quen. Không ai biết.  Đất nước Việt Nam nhỏ bé vậy mà chàng như đã bốc hơi!
Thời gian cứ lừng lững trôi, Vi cố xua đi hình bóng Huy, những kỷ niệm của chàng.  Những ray rứt, nhớ nhung khiến nhiều lúc Vi như ngộp thở. Nàng tránh né bạn bè, rút mình vào vỏ ốc cho đến khi ra trường, với sự hối thúc cuả gia đình, sự khuyên răn, nài nỉ của mẹ Vi mới lập gia đình với Khoa, bạn của anh Vi, cùng đi du học bên Pháp về thăm nhà. Hai gia đình quen biết nhau, là hàng xóm của nhau từ ngoài Hà Nội.  Vi đã cố  quên Huy, xua đuổi hết những hình ảnh về Huy để xây dựng hạnh phúc của chính mình, làm tròn bổn phận của một người dâu hiền, vợ thảo.  Sau đám cưới ít lâu Vi theo chồng sang Pháp. Nhớ đến Khoa, người chồng bốn mươi năm đầu gối tay ấp. Khoa không cho Vi mối tình đầu lãng mạn, thơ mộng nhưng Khoa đã bao bọc, che chở Vi, cho nàng một đời hạnh phúc, cho nàng hai đứa con ngoan.  Những kỷ niệm với Khoa dầy hơn, đằm thắm hơn.  Khoa đã thực sự cho nàng bờ vai rắn chắc để nương tựa và một vùng ngực bình yên để nàng trở về sau những lúc gặp hoạn nạn, trắc trở trong đời. Vậy mà Khoa cũng đã bỏ nàng mà đi một cách ngỡ ngàng.  Trong một buổi đang vui vẻ làm vườn với nhau Khoa đã ngã xuống và không bao giờ dậy nữa.
Hai người con của Vi sang Cali lập nghiệp nên sau khi Khoa mất hai chị em đã thu xếp cho mẹ sang ở hẳn bên này.
Buổi tối nay, Vi đã giật mình khi nhìn thấy Huy bằng xương, bằng thịt.  Vi định tới để hỏi cho ra lẽ câu chuyện mà Vi vẫn ấm ức cả nửa thế kỷ nay.  Nhưng rồi Vi lại tảng lờ, tránh mặt... Và đầu óc cứ miên man, Vi chìm dần vào giấc ngủ.
Buổi sáng nắng vàng tươi, tiếng chim hót líu lo. Vi ra vườn sau làm vài động tác thể thao. Chợt tiếng chuông điện thoại reo vang, Vi chạy vội vào nhà nhấc máy.
-         Hello,  xin lỗi, dạ, có phải đây là nhà bà Khoa?
Tim Vi như thắt lại.  Giọng Huy, dù có khàn đục theo thời gian nhưng cái giọng Bắc Kỳ ấm áp ấy Vi không thể quên.
-         Dạ...  Xin lỗi ai ở đầu dây?
-         Tôi, Huy đây!
Một chút yên lặng, hình như cả hai bên cùng nghẹn ngào.
-         Vi ơi, xin phép cho anh được xưng hô như ngày xưa.  Hôm qua nhìn Vi anh nhận ra ngay nhưng không dám đường đột.  Anh dọ hỏi tìm được phone của Vi. Đúng như trời sắp đặt cho anh có cơ hội nói lên lời phân trần, tạ lỗi cùng em.  Cho anh biết khi nào anh có thể gặp Vi?
-         Có gì anh cứ nói.  Vi đang nghe...
Im lặng một lúc Huy chậm rãi kể chuyện ngày xưa:
-         Muà hè năm ấy khi nhận được điện tín của người chị dâu, báo tin anh Hoàng bị thương nặng đang nằm trong quân y viện ở Huế.  Anh đã bàng hoàng, hoảng hốt, vội đáp máy bay ra Huế để thăm anh. Đến nơi anh chỉ kịp gặp anh Hoàng lúc lâm chung.  Anh Hoàng đã dặn dò gửi gấm anh trông nom vợ con anh ấy.  Anh đã vừa khóc, vừa gật đầu hứa thì anh Hoàng trút hơi thở cuối cùng, như đã cố đợi chờ anh đến để trăn trối rồi mới yên lòng ra đi.  Mẹ và Hà được tin ra ngay để lo phần tang lễ.  Nhìn bốn thằng bé đầu quấn khăn tang ngồi cạnh mẹ. Chị Hoàng mỏng manh, ẻo lả phủ phục trước quan tài. Không hình ảnh nào bi đát, xót xa hơn. Đang kỳ nghỉ hè nên ba mẹ con anh ở lại Huế để lên chùa tụng kinh cầu siêu cho anh Hoàng và trông nom đỡ đần vợ con anh cho đến hết 49 ngày.
 
Vi ơi,  từ khi di cư vào Nam anh Hoàng đã như cột trụ gia đình.  Anh vừa đi học vừa đi bỏ báo mỗi buổi chiều và làm phu bốc vác trong những ngày cuối tuần để nuôi cả nhà. Mẹ anh phải muối dưa, nén cà gánh đi bán để thêm thu nhập.  Khi anh ấy đến tuổi động viên, vào trong quân ngũ anh vẫn tằn tiện gửi tiền giúp đỡ mẹ để nuôi hai em.  Đến ngày anh gặp chị Loan, một cô giáo tiểu học ở vùng anh đóng quân và hai người yêu nhau rồi nên vợ nên chồng.
 
 Vi ơi, lúc nhìn anh Hoàng hấp hối lòng anh quặn đau.  Anh ấy hơn anh có tám tuổi mà ảnh đã lo lắng cho cả một tuổi thơ của anh, ảnh không những là anh cả mà còn là cha, là bạn anh.  Ảnh gần gũi khuyên nhủ, kèm cặp anh ráng học hành cho nên người còn anh ấy thì hy sinh làm lụng vất vả để lo cho gia đình, nuôi mẹ, nuôi em.  Ngày ảnh hấp hối vì nặng lòng với mấy đứa con nên khi chưa gửi gấm cho anh, ảnh không thể nhắm mắt.  Anh phải làm sao hả Vi?
 
Nghĩ đến Vi, nghĩ đến tình yêu của chúng ta anh thương Vi quá. Anh biết Vi sẽ buồn thật nhiều khi vắng bóng anh nhưng anh có nỡ đặt cả một gánh nặng của gia đình anh lên vai Vi không?  Bốn đứa trẻ anh phải lo, mẹ anh ngày một già đi nữa. Vi ơi, tương lai em phơi phới, con người nhân hậu như em phải được sống trong nhung lụa, phải được sung sướng cưng chiều. Ngẫm đi, nghĩ lại, càng suy nghĩ kỹ anh thấy anh không xứng đáng với Vi và anh không thể làm khổ Vi.  Mong em hiểu anh. Em có biết anh đã đau khổ và bị giằng xé như thế nào khi nghĩ đến Vi và đã quyết định xa Vi không?
 
Để tránh gặp Vi, anh đã quyết định thu xếp đưa cả mẹ anh và em Hà ra Huế.  Anh xin chuyển về học tiếp tại Đại Học Y Khoa Huế và tìm chỗ dậy học thêm để kiếm tiền.
 
Khi anh ra trường thì được tin Vi lấy Khoa và theo chồng sang Pháp. Anh buồn cho anh vì biết là anh sẽ mất Vi vĩnh viễn nhưng anh cũng rất mừng cho Vi.  Hàng ngày làm việc ở nhà thương, nhìn những chuyến xe chở thương binh từ chiến trường về, hình ảnh những người vợ trẻ đi đón xác chồng ám ảnh anh... Đất nước chiến tranh tang thương quá.  Vi đi xa tránh được những thảm cảnh này, anh yên tâm cầu chúc cho em và nghĩ rằng chắc chắn Vi sẽ hạnh phúc.
 
Ngày mai anh về lại tiểu bang Wisconsin lạnh lẽo.  Chúc Vi một năm mới thật vui và hạnh phúc bên con cháu quây quần.
Tiếng Vi sụt sịt, nức nở không nói nên lời.
-         Vi, em đừng khóc.  Chúng ta đã đi gần hết cuộc đời rồi.  Anh rất vui vì hôm nay đã nói hết với Vi.  Anh luôn yêu Vi, cả cuộc đời này anh chỉ yêu có mình Vi.  Mấy năm sau chị Loan đi bước nữa.  Không trách chị được vì chị còn quá trẻ và chị yếu đuối như một cây tầm gửi, cần có gốc cây khác để quấn quýt, nương thân.  Anh ở vậy để lo cho các cháu.  Anh không thể lập gia đình nếu không có tình yêu.  Nhớ đến Vi anh xót xa và thương tiếc cho mối tình đẹp của chúng mình. Không một hình bóng nào có thể xoá mờ được hình ảnh Vi. Anh vẫn âm thầm theo dõi và an tâm khi thấy Vi hạnh phúc, Vi xứng đáng được như vậy.  Vả lại khi xa Vi rồi anh không muốn có những ràng buộc với người đàn bà khác. Lập gia đình thì những chuyện rắc rối không hay có thể xẩy ra làm ảnh hưởng đến tình thương của anh cho các cháu. Chúng nó chỉ còn có chỗ nương tựa là anh thôi. Nhìn chúng nó khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi anh rất mừng. Nay cả bốn đứa đã thành tài, đã yên bề gia thất và rất là hiếu đễ.  Đó là những tác phẩm quý báu, phần thưởng quý báu của đời anh. 
Qua vài câu chuyện với người quen ở đây anh biết Khoa đã mất mấy năm nay.  Gửi lời chia buồn muộn đến Vi. Mong em luôn có sự thanh thản trong tâm hồn.  Mong rằng buổi nói chuyện hôm nay khiến Vi vui hơn, yêu đời hơn vì biết được là lúc nào anh cũng yêu quý Vi và cho anh tạ lỗi vì những buồn phiền năm xưa của Vi, vì anh.
Thôi anh chào Vi nhé!
Bye nhé!
 
Buông ống nghe xuống Vi thẫn thờ.  Giọng nói Huy như đang còn văng vẳng quanh đây. Cả một cuộc điện đàm nàng chỉ nghe và khóc, muốn nói nhưng nghẹn ngào.  Vi thấy thật thương Huy.  Chàng đã hy sinh chính tình yêu của mình cho người mình yêu.  Chàng đã sợ Vi khổ mà cắt đứt liên lạc với nàng. Chàng có biết đâu là Vi sẵn sàng chia sẻ nếu biết hoàn cảnh gia đình chàng như vậy.  Chúng mình có nhiều cách để giải quyết mà.  Sao Huy đã quyết định độc đoán, bỏ nàng  một cách bẽ bàng như thế.  Huy không nghĩ đến cảm giác, suy nghĩ và những tổn thương cuả nàng sao.
 Huy ơi, đúng như Huy nói, chúng mình đã đi đến đoạn cuối của cuộc đời.  Những hạnh phúc hay đau khổ cũng đã qua.  Cám ơn Huy đã giải toả hết nỗi niềm hôm nay.  Vi cũng mong tâm hồn Huy luôn thanh thản.  Chúng ta đã có duyên mà không nợ.  Gặp nhau mà không được sống với nhau suốt đời.  Gặp nhau mà đã để mất nhau. Bây giờ khi nghĩ đến nhau hãy nghĩ về một mối tình thơ, tình mơ.  Mối tình ấy sẽ đẹp mãi trong tâm tưởng của chúng ta.
Qua khung cửa sổ, buổi chiều đang xuống thật êm đềm.  Đường chân trời nhuộm một màu tím nhè nhẹ, bâng khuâng, man mác.
ĐỖ DUNG
 
Sưu tầm từ Internet
 
ĐỪNG KHÓC VÌ MỌI THỨ ĐÃ KẾT THÚC; HÃY CƯỜI VÌ NÓ ĐÃ XẢY RA


 
1. Đừng khóc vì mọi thứ đã kết thúc. Hãy cười vì nó đã xảy ra. Tiếc nuối chỉ đào sâu phiền não, mỉm cười bước qua, ngẩng mặt lên ắt sẽ thấy cầu vồng chiếu rọi trên đầu.


2. Có những người không đợi được, chỉ có thể bỏ đi. Có những thứ không thể nào có được, chỉ có thể từ bỏ. Có những chuyện đã qua, hạnh phúc hay đau xót, chỉ có thể chôn xuống đáy lòng. Có những muộn phiền, bất lực chỉ có thể tự mình tiêu tan. Có những nhớ nhung không thể nào giải tỏa, nói ra chi bằng giữ lại trong lòng… Trên đời thực ra có rất nhiều việc không cần để tâm, có để tâm cũng chẳng thể làm gì được. Chi bằng hãy buông xả, tùy duyên.


3. Hoa nở, ta sẽ vẽ hoa. Hoa tàn, ta sẽ vẽ chính mình. Người đến bên thì ta đương nhiên vẽ người. Người đi rồi, ta lại vẽ một bức tranh hồi ức.


4. Nhân sinh vô thường, thế sự vốn là khó đoán. Người bạn thân thiết nhất hôm nay còn khỏe mạnh nhưng rất có thể ngày mai đã rời bỏ ta đi, người yêu hôm nay còn tha thiết chẳng rời nhưng rất có thể ngày mai sẽ quay lưng, thay lòng đổi dạ. Kiếp người nhỏ bé, yếu mềm biết bao nhiêu. Trăm năm qua đi, bạn chẳng giữ lại được gì, càng không giữ lại được một trái tim đã thay đổi.


5. Cuộc đời ta đi qua ngàn vạn người nhưng thế giới này chỉ có một người sinh ra là để dành cho bạn. Bạn cũng là vì người đó mà sinh ra. Gặp được nhau rồi thì chính là may mắn. Hãy biết trân quý phúc phận của nhau. Buông tay rất dễ, cùng nhau bước qua đoạn đường dài ôi sao thật khó khăn!


6. Đời người ta giống như tấm cửa kính nhuộm màu. Họ bừng sáng và lấp lánh khi trời nắng. Nhưng khi mặt trời lặn, vẻ đẹp thực sự chỉ hiển lộ nếu có ánh sáng hắt ra từ bên trong.


7. Sinh ra mà đã biết là bậc trên, học rồi mới biết là bậc thứ. Gặp cảnh khốn rồi mới chịu học lại còn thấp hơn nữa. Thấp nhất là gặp cảnh khốn rồi mà vẫn không chịu học (Khổng Tử).


8. Ta có thể giữ đồng hồ cát trong tay nhưng không thể ngăn nhịp chảy đều đặn, vô tình của thời gian. Đắm chìm trong giấc mộng phồn hoa, hỏi mấy ai dám cởi bỏ chiếc áo khoác hư vinh kia mà nhìn thấu lòng mình? Hỏi mấy ai có thể dửng dưng trước danh lợi, sống đạm bạc mà vẫn hành thiện, trong
gian khó mà vẫn lạc quan giữa chốn đô hội, hoa lệ kia đây? 


9. Lòng tin giống như một tờ giấy, một khi đã bị nhàu thì dù có vuốt cho phẳng mấy cũng không thể khôi phục vẻ ban đầu.


10. Điều đáng bi ai nhất của người phụ nữ không phải là tuổi xuân già đi, mà là đánh mất chính mình. Điều đáng tiếc nhất của người của phụ nữ không phải là má hồng không còn, mà là lòng tự tin không có. Một người phụ nữ có tâm hồn là một người có sức quyến rũ từ bên trong. Một người phụ nữ có tín ngưỡng là một người có năng lượng tích cực.


11. Giữa người với người chính là một loại duyên phận. Giữa lòng với lòng chính là một loại giao lưu. Giữa yêu thương và yêu thương chính là một loại tình cảm. Giữa tình cảm và tình cảm chính là một con tim chân thành. Giữa lỗi lầm và lỗi lầm chính là một sự tha thứ.


12. Tri kỷ trong đời thực khó kiếm? Quen biết khắp thiên hạ, tri kỷ không mấy người. Nhưng tìm được rồi thì đúng là niềm vui bất tuyệt, chính là như bất ngờ gặp được một mảnh tâm hồn còn thiếu của ta. “Rượu gặp bạn hiền nghìn chén ít. Lời không hợp ý nửa câu nhiều“. Người tri kỷ và ta ngồi dưới bóng trăng rằm, thưởng một chén trà thơm, bàn bàn luận luận chuyện cổ kim, nói nói cười cười tỏ tình tri ngộ. Người đi, dặm hồng bụi cuốn, áo bào phôi pha. Ta đưa người ngàn dặm cũng phải dừng bước biệt ly. Chân trời góc bể, hôm sớm sau này, lấy ai mà tỏ lòng tri âm tri kỷ nữa?


Sưu tầm từ Internet

Sưu tầm từ Internet
 
NÉN BẠC THỜI GIAN QUÀ TẶNG VÔ GIÁ
 
 
Trong các nguồn lực tự nhiên như: nước uống, khí thở, không gian, đặc biệt là ‘thời gian’. Không kể giàu nghèo, già trẻ, ai cũng được sống 24 giờ trong ngày. Mọi thứ có thể mua hoặc làm ra nhưng không ai có thể mua hay làm cho ngày dài thêm, dù chỉ một phút muốn hiểu hết giá trị của nó, ta cần biết rằng. Con người được sinh ra và lớn lên, trong quá trình đó cần ăn, ngủ, học, chơi và làm việc. Những hoạt động ấy diễn ra trong hai chữ “thời gian”.
 

Thời gian là chiếc đồng hồ đo đếm mọi khoảnh khắc: vui buồn, hạnh phúc và đau khổ, những dư vị ấy giúp con người cảm nhận được ý nghĩa và giá trị các sự kiện đã qua và đón chờ điều sắp đến. Vậy khi suy nghĩ để tìm cách sử dụng tốt thời gian chúng ta cũng hãy nghiêm túc trả lời câu hỏi: Tại sao ta hay để lãng phí thời gian? Có thể làm việc không có kế hoạch, sa đà vào các việc không quan trọng, tính hay trì hoãn…
 

Làm việc không kế hoạch.
Việc lên kế hoạch cho bản thân rất quan trọng để có thể quản lý thời gian hiệu quả, vì những mục tiêu đưa ra sẽ giúp ta định hướng rõ ràng cho công việc của chính mình. Nếu không có một kế hoạch cụ thể và thời giờ ấn định cho một công việc nào đó, rất có thể ta cứ loay hoay đến độ không còn giờ cho những mục tiêu khác. Việc lên kế hoạch giúp ta tránh bị cuốn hút vào những việc không có mục đích, hao tốn thời gian quý giá. Làm việc không có kế hoạch còn là lí do khiến bạn trì hoãn thực hiện các công việc quan trọng để chuẩn bị cho tương lai.
 
Sa đà vào các công việc không quan trọng.
Mỗi người đều có những mục tiêu cần đạt được. Tuy nhiên, không phải tất cả những nhu cầu, công việc này đều cần thiết như nhau. Vì vậy, ta cần biết phân biệt và sắp xếp các mong muốn, dự định để có thể làm được những việc quan trọng trước. Nếu không ta sẽ mất nhiều thời gian cho những công việc không cần thiết.
 
Tốn thời gian vào các việc vô bổ.
Các trò chơi trên mạng, chát trên facebook, tám chuyện qua điện thoại… có thể chiếm một quỹ thời gian không nhỏ. Vậy nên, mỗi người cần tập thói quen, ưu tiên những việc quan trọng tùy vào bậc sống, địa vị, lứa tuổi hay đã được lên kế hoạch trước và dành các nhu cầu, hoạt động không quan trọng vào thời gian rảnh rỗi.
 
CHÂN DUNG CỦA BẠN  Làm việc gì cũng cần có phương pháp, chủ đích cụ thể mới mong hoàn thành và đạt hiệu quả tốt. Thời gian tuy là ngày sống của riêng ta nhưng lại không thể kéo dài nó theo ý muốn. Vì thế, ta cần phải lên kế hoạch, xác định việc gì trước, việc gì sau, giờ nào việc ấy (Không coi thường dù việc nhỏ), có kỷ luật giờ giấc… Ca dao Việt Nam có biết câu:
Thì giờ ngựa chạy tên bay
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.
 
Thời gian là một phần rất quan trọng, là thước đo của cuộc sống và có thể đánh giá được mức độ thành công hay thất bại của mỗi người qua việc sử dụng nó ra sao. Thời gian là vô tận nhưng lại rất ngắn ngủi đối với mỗi người và khi đã qua đi nó không bao giờ trở lại. Mỗi người chỉ có 24 giờ một ngày, nhưng nếu biết sử dụng hợp lý ta sẽ gặt hái được nhiều hoa trái tốt lành trong cuộc sống. Hãy nhớ thời gian là nén bạc Thiên Chúa trao cho con người. Và Ngài đang nhìn mỗi người sử dụng nén bạc ấy để sinh lời ra sao!
 
 
Tác giả bài viết: Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu
Sưu tầm từ Internet
 
 
BIẾT CÁCH CHẤP NHẬN KHIẾM KHUYẾT
 


Bạn phải biết chấp nhận sự bất toàn ấy giống như một phần tất yếu của cuộc sống. Chưa hoàn mỹ là cơ hội để bạn cố gắng, ước mơ, hy vọng chứ không phải là lý do để bạn tự dằn vặt về thất bại của mình.
 
Chuyện kể rằng, có một vòng tròn rất hoàn mỹ. Nó rất tự hào về thân hình tròn trĩnh đến từng milimet của mình. Thế nhưng một buổi sáng thức dậy, nó thấy mình bị mất đi một góc lớn hình tam giác.
 
Buồn bực, vòng tròn ta đi tìm mảnh vỡ đó. Vì không còn hoàn hảo nên nó lăn rất chậm. Nó bắt đầu ngợi khen những bông hoa dại đang toả sắc bên đường, nó vui đùa cùng ánh nắng mặt trời, tâm tình cùng sâu bọ…
 
Một ngày kia nó tìm được một mảnh hoàn toàn vừa khít và ghép vào. Nó lăn đi và nhận ra mình đang lăn quá nhanh. Đến nỗi, không kịp nhận ra những bông hoa đang cố mỉm cười với nó. Vòng tròn thấy rằng, cuộc sống khác hẳn đi khi nó lăn quá nhanh. Nó dừng lại, đặt mảnh vỡ bên đường rồi chầm chậm lăn đi.
 
ĐẾN MỘT NGÀY
Bài học về cái vòng tròn cho chúng ta thấy được rằng, đôi khi con người ta mất đi thứ gì đó thì lại trở nên hoàn hảo. Người có tất cả mọi thứ trên đời lại là kẻ nghèo túng. Đã là “nhân” thì sẽ “vô thập toàn”. Điều quan trọng là, bạn phải biết chấp nhận sự bất toàn ấy giống như một phần tất yếu của cuộc sống. Chưa hoàn mỹ là cơ hội để bạn cố gắng, ước mơ, hy vọng chứ không phải là lý do để bạn tự dằn vặt về thất bại của mình.
 
Tác giả: Khuyết Danh
MẸ CHỒNG NÀNG DÂU
ĐỖ DUNG
 
 
 
Trang đứng trầm ngâm trên sân thượng, những sợi tóc dài theo gió nhẹ bay. Trời cao thăm thẳm màu nhung thẫm, cảnh vật xung quanh im lặng như đã say ngủ trong bóng đêm, hương thơm từ bụi hoa hồng và hoa nhài trồng trong chậu ở góc sân thoang thoảng dịu dàng. Chỉ còn đêm nay.  Ngày mai Trang sẽ lên xe hoa, sẽ dời bỏ căn phòng thân thương của nàng. Trang rùng mình, đôi vai thấm lạnh vì sương khuya.  Nàng trở vào phòng cố dỗ giấc ngủ.  Cô dâu phải đẹp, cô dâu không được hốc hác với cặp mắt thâm quầng. 
Thực ra Trang chưa sẵn sàng với vai trò làm vợ và làm dâu vì nàng còn đang đi học.  Trang còn một năm nữa mới thi ra trường mà ý của ông bà Phương, cha mẹ Trang là nàng phải tốt nghiệp Dược Khoa xong mới được làm đám cưới, mặc dù Huân được cả nhà qúy mến và đã theo đuổi Trang từ ngày nàng còn đang học ở Trưng Vương.
Nhớ những lời dặn dò của mẹ, Trang cố gắng nhưng vẫn không thể nào ngủ được vì những nỗi lo sợ vu vơ.  Trang phải về nhà chồng và phải làm dâu vì Huân là con trai độc nhất, ba bà chị gái đã lập gia đình, đã ở riêng. Chỉ còn một mẹ, một con, Huân không thể để bà Kha, mẹ Huân, ở một mình được. Mẹ dậy Trang cứ đối xử tố́t, coi mẹ chồng như mẹ đẻ và có chuyện gì phải nhớ chữ nhẫn, chữ nhịn vì một sự nhịn là chín sự lành, chuyện gì rồi cũng sẽ qua.  Vì tình yêu của Huân, vì hạnh phúc của nàng, Trang sẽ yêu mẹ của Huân như mẹ của nàng.  Trang sẽ ngoan ngoãn bầy tỏ lòng yêu thương, kính trọng mẹ chồng trước.  Huân cũng nói là mẹ chàng yêu thích Trang mà.  Chính bà đã sang xin phép cha mẹ nàng cho cưới sớm vì bà đi xem tuổi thì thấy là năm nay tốt cả cho hai người, phải mấy năm nữa mới có năm tốt như thế và bà Kha đã hứa với ông bà Phương là bà sẽ lo cho nàng học hành đến nơi, đến chốn.
Buổi sáng Trang thức dậy thật sớm, chiếc áo dài hồng máng trên cái móc treo tờ lịch trên tường. Chiếc hộp đựng bộ lúp voan hồng với chiếc vương miện gắn chùm hoa hồng bằng vải nhỏ xinh xinh nằm ngoan ngoãn trên mặt bàn phấn. Tự nhiên Trang thấy bâng khuâng. Tiếng gõ cửa của chị Trâm đưa Trang về thực tại. Ngọc, Vi theo chân chị vào phòng, hai cô nàng làm phù dâu cho Trang. 

Thằng Cu Tý chạy lên lầu gọi chị Trâm: 
_ Mẹ! Bà ngoại nói mẹ đưa các cô xuống đi, nhà trai tới rồi! 

Trâm kiểm soát lại đầu tóc, quần áo của Trang, Ngọc, Vi.  Chị cầm chiếc bông phấn xoa thêm cho các nàng một lần cuối.  Chị gọn gàng trong chiếc áo dài nhung màu huyết dụ dẫn đầu; cô dâu tóc bới cao, đội chiếc vương miện kết một chùm hoa hồng nhỏ, đính với một khăn voan mỏng, phủ xuống quá hai vai, một mảnh che trước mặt; hai cô phù dâu tóc đen mướt xõa dài ngang lưng; cả ba cô đều mặc áo dài tơ màu hồng phấn thật nuột nà.
Ba nàng con gái được đưa tới trước bàn thờ đã nhang đèn nghi ngút. Qua làn voan mỏng phủ mặt, Trang cảm động nhìn Huân trịnh trọng trong bộ đồ lớn sậm màu, ôm bó hoa Lilly trắng dài. Hai chàng phù rể Hùng và Nguyên cũng nghiêm trang không kém. Trang lúng túng, ngượng ngùng trước bao cặp mắt phía nhà trai đi đón dâu đang chăm chú nhìn nàng.  Bà Kha phúc hậu trong chiếc áo dài gấm màu nâu gụ điểm những bông cúc vàng óng ánh, tóc búi gọn trên đầu. Bên cạnh bà có mấy cụ bà trông thật đĩnh đạc và sang trọng. Nghi lễ diễn ra trong vòng thân mật nhưng không kém phần trang nghiêm.  Sau phần trao hoa, trao nhẫn và lạy trước bàn thờ, đại diện hai gia đình giới thiệu các thành viên. Trời bỗng dưng đổ xuống cơn mưa rào như muốn cầm chân khách. Bữa tiệc trà giản dị nhưng thân mật và ấm cúng.  Bà Phương và chị Trâm đã sắp đặt rất chu đáo. Mưa tạnh hẳn, lại đúng giờ tốt đã định nên đại diện nhà trai xin được đón dâu. Ông Phương dặn dò con những lời cảm động trước khi ra đi. Bà Phương rơm rớm nước mắt.  Người thiếu nữ vu quy bật khóc và hai cô phù dâu cũng nghẹn ngào.
Buổi sáng sau ngày cưới Trang ngượng nghịu theo chồng xuống nhà chào mẹ chồng.  Trang gọi bà Kha bằng tiếng mẹ chưa quen thì bà đã đon đả:
- Các con sửa soạn ăn sáng rồi đưa nhau về bên ngoại làm lễ Nhị Hỉ, mẹ đã sắp sẵn mọi thứ rồi đây. Liệu về sớm cho kịp sửa soạn đi Đà Lạt kẻo trễ chuyến bay.
Sau tuần trăng mật thần tiên trên Đà Lạt, Trang lại cắp sách đi học và Huân trở về trường với nghề gõ đầu trẻ. Cuộc sống không đến nỗi như nàng lo và chuyện mẹ chồng nàng dâu hình như không có ở đây. Nhà có ba người, bà Kha vẫn lo việc chợ búa, cơm nước.  Trang đi học về thì xà vào bếp phụ mẹ chồng và ăn xong nàng dọn dẹp, rửa bát đĩa.  Khi bà nằ̀m xem TV ở phòng khách thì nàng vào phòng để học bài. 
Nhà hai tầng, phòng ngủ của bà Kha ở tầng dưới còn phòng hai vợ chồng ở tầng trên nên không có gì đụng chạm. 
Hồi trẻ bà Kha là một nữ hộ sinh, mới về hưu vài năm nay.  Bà tân tiến, không cổ hủ như nhiều người cùng lứa tuổi.  Những ngày đi học về sớm Trang xuống bếp phụ làm cơm, bà chỉ dậy tận tình và cũng nói như để trấn an Trang:
-          Mẹ biết con còn bận học, con cứ lo học cho xong, bao giờ con ra trường mẹ sẽ giao hết việc nhà cửa, cúng giỗ cho con.  Bây giờ thì việc cơm nước, việc nhà lặt vặt để mẹ làm như mẹ vẫn làm từ bấy lâu nay.  Con đừng ngại.
Bà kể cho Trang về tuổi thơ của Huân, cuộc sống của gia đình bà hồi ở ngoài bắc.  Ông Kha mất từ năm bà mới ngoài ba mươi tuổi, bà đã ở vậy nuôi các con ăn học nên người và dĩ nhiên cậu út Huân là cục vàng, cục ngọc của bà.
Sau ngày cưới độ hơn hai tháng Trang lên cơn sốt, bụng dạ cồn cào không ăn được, chỉ muốn ói.  Bà Kha tủm tỉm cười và hôm sau bà đưa Trang vào khám nghiệm ở nhà thương Từ Dũ.  Kết quả thử nước tiểu nàng đã cấn thai.  Không bút mực nào tả xiết được nỗi vui mừng của cả nhà ngày hôm ấy. 
Việc học của Trang ngày một nặng hơn, nhiều khi Trang phải ở lại thư viện thay vì về nhà vào bếp làm phụ với mẹ chồng. Thêm nữa bụng ngày một to khiến Trang mệt mỏi, về nhà ăn cơm xong chỉ muốn lăn ra ngủ.
Một hôm vì có việc bận ở trường nên Trang về trễ giờ cơm.  Hai mẹ con Huân ngồi sẵn bên bàn ăn như có ý đợi.  Không khí nghiêm trọng khác thường khiến nàng hơi hoảng.
Trang xin lỗi mẹ chồng và nói lý do về trễ rồi ngồi vào bàn ăn ngay, không dám đi thay quần áo.  Bà Kha  đứng dậy thoái thác là mệt không muốn ăn, vào phòng đóng cửa lại.
Trang nhìn Huân dọ hỏi, chàng lắc đầu nói:
-          Em để phần mẹ rồi ăn cơm đi.  Một lát mẹ hết mệt mẹ sẽ ăn sau.
Trang ngại ngùng nhưng cũng im lặng ăn nhanh cho xong bữa.  Vào phòng, vừa đóng cửa lại Trang đã thì thào hỏi chồng cho rõ nguồn cơn.  Huân cho biết:
-          Nhân lúc không có em ở nhà anh đề nghị mẹ mướn người giúp việc để mẹ đỡ vất vả, em đỡ cực và mất thì giờ vì còn phải lo học thi.  Mẹ giận anh, mẹ nói anh ở với mẹ bao nhiêu năm mà không hiểu mẹ. Mẹ đâu quản ngại với các con. Mẹ còn khỏe mẹ rất vui khi làm việc, nếu Trang bận thì để mẹ làm một mình cũng được.
Trang chép miệng:
-          Sao anh không bàn với em?  Mẹ giận anh là phải.  Nếu cần em sẽ ở lại trường hay em đi thư viện học.  Nhà có ba người, công việc có là bao.  Không có em ở nhà mẹ vẫn làm như mẹ đã từng làm khi anh chưa cưới em mà! Biết mẹ nấu ăn ngon mình khen mẹ và ăn uống tận tình là mẹ vui rồi.  Anh không biết tâm lý phụ nữ.  Lỗi tại anh hết đó, anh biết chưa?
-          Tại anh?  Anh biết tính mẹ và anh hiểu tính em.  Mẹ thích bao đồng mà em lại hay ôm việc. Mẹ làm việc mà em không làm gì có được không? Cứ lấn cấn nhìn nhau về mấy công việc lặt vặt trong nhà thì cả hai cùng bận, cùng mất thì giờ. Việc nhà chỉ cần mướn một người làm là cả mẹ khỏe, em cũng khỏe.  Anh nghĩ chuyện chỉ giản dị như vậy chứ có gì đâu mà rắc rối. Bây giờ mẹ đã giận, em lại còn trách anh!
Đêm sâu, dù mệt nhưng Trang vẫn trằn trọc.  Thái độ của bà Kha khiến Trang bàng hoàng, hình như bắt đầu có sự rạn nứt.  Trang đã tâm niệm rằng mình sẽ yêu mẹ chồng như mẹ mình, sẽ nhẫn nhịn như lời mẹ dặn dò nhưng trước hoàn cảnh này Trang không biết phải làm sao.
Mấy hôm Huân thấy không khí trong nhà vẫn căng thẳng, ngột ngạt.  Như để chuộc lỗi, sáng Thứ Bẩy chàng lau chiếc xe vespa sẵn sàng, khi mẹ thức dậy chàng đã lại gần xun xoe:
-          Mẹ ơi, hôm nay mẹ có đi đánh tổ tôm không?  Con “đánh xe” đưa mẹ đi nha.
Chàng biết cuối tuần mẹ chàng hay đến nhà mấy bà bạn để chơi bài hoặc chuyện trò cho vui.  Thường bà tự mình gọi xích lô đi.  Nay Huân muốn lấy điểm nên sốt sắng đề nghị.  Ai ngờ bà lắc đầu từ chối ngay:
-          Thôi hôm nay mẹ không đi đâu hết.  Con muốn đi đâu thì cứ đi.
Huân tiu nghỉu lên gác rủ Trang:
-          Anh định đưa mẹ đi chơi mà mẹ không chịu.  Để anh đưa em về bên nhà thăm bố mẹ hay em muốn đến thăm chị Trâm?  Lâu lâu nghỉ một bữa đi chơi cho khuây khoả.
Ngày cuối tuần Trang chỉ muốn nằm nhà nghỉ nhưng hôm nay bà Kha ở nhà, không khí không vui nên nàng cũng nghe lời Huân thay quần áo xuống xin phép mẹ chồng để về thăm cha mẹ.
Đúng dịp có cả gia đình chị Trâm và Trang cùng về chơi, bà Phương rủ các con xuống bếp cuốn chả giò cho vui ngày họp mặt và để ông Phương có dịp uống bia, chuyện trò cùng hai chàng rể. Trong không khí thân mật của gia đình cha mẹ, nghĩ đến chuyện nhà mình Trang rất buồn.  Nàng không hiểu tại sao bà Kha lại thay đổi thái độ như thế, không lẽ chỉ vì việc Huân muốn mướn người làm.  Khi về bà Phương gói cho con một bọc chả giò với đủ bún, rau giá và nước mắm pha sẵn để biếu thông gia.  Trang bịn rịn chia tay với bố mẹ, anh chị và thằng cu Tý.
Buổi tối về đến cửa thấy tối om, Huân bước vào nhà bật đèn lên, mọi thứ vẫn ngăn nắp, tinh tươm nhưng vắng tanh, vắng ngắt.  Bà Kha không có nhà.  Huân đi khắp tầng trên, tầng dưới, vào cả phòng bà cũng không thấy mẹ đâu.  Cả hai hoảng hốt, nhà không bật đèn thì chắc bà đi từ sớm, nhưng bà đi đâu. 
Tiếng Huân:
-          Em ở nhà nghỉ để anh sang nhà các chị tìm, đón mẹ về.  Nhớ đóng cửa ở yên trong nhà nhé.  Để anh đi một mình được rồi.
Đầu óc Trang như tê điếng, gật đầu mà nước mắt chỉ trực trào ra.  Huân có ba người chị, hai chị lớn, chị Hiền, chị Nhu ở Sài Gòn còn chị Nhã ngay sát trên Huân thì theo chồng ra sống ngoài Nha Trang.  Huân nghĩ có thể bà sang nhà một trong hai chị thôi.  Trang ngồi yên đợi trong ghế salon ở phòng khách, không dám một mình lên phòng riêng ở trên gác.
Đã hơn hai tiếng chưa thấy Huân về, tiếng đồng hồ treo tường phát ra những tiếng tic tac rõ rệt trong đêm.  Trang ôm mặt khóc rấm rứt.  Những ngày mới về nhà chồng, không khí trong nhà thật vui vẻ, bà Kha dường như rất yêu Trang và Trang cũng ngọt ngào, ngoan ngoãn với mẹ chồng.  Nàng nhớ những ngày nghỉ cùng ngồi chung chiếc xich lô với bà để bà đưa Trang đi thăm các bà bạn như có ý khoe cô con dâu.  Bà còn kể Trang nghe những người có con gái muốn gả cho Huân mà chàng không để ý. Thế mà chỉ mấy tháng sau, sao cớ sự lại như thế này.  Trang tự kiểm điểm xem nàng có làm gì sai không.  Riêng về phía bà Kha nàng thấy bà là mẹ chồng thật tốt, không cay nghiệt hay bắt bẻ con dâu.  Bà luôn chiều chuộng nàng và vẫn âu yếm, chăm sóc Huân.  Bà là người hiểu biết, không cổ hủ. Ngay hôm đám cưới, thường thì mẹ chồng chỉ đến làm lễ xin dâu rồi về trước để tránh cảnh mẹ chồng, nàng dâu đụng chạm. Bà tuyên bố với họ hàng: “Con dâu tôi, tôi đón” và đã ở lại cho đến lúc đón nàng về.  Vậy thì tại sao??
Trang vừa mệt mỏi thiếp đi thì tiếng mở cửa đánh thức nàng dậy.  Huân buồn bã dắt xe vào nhà.
-          Anh đã đến nhà chị Hiền, chị Nhu, sang cả nhà dì Khang, dì Hà mà không tìm thấy mẹ.  Anh lo quá.  Mẹ chưa đi đâu qua đêm bao giờ, trừ những chuyến đi nghỉ hè ở xa.  Không biết mẹ đang ở đâu.  Thôi cứ chờ mẹ, chắc mẹ về trễ chứ nếu đến chơi nhà mấy bà bạn thì không bao giờ mẹ ở qua đêm.  Nhất là nếu có chuyện buồn trong nhà thì mẹ cũng không muốn cho người ngoài biết vì mẹ rất tự ái.
Gói đồ ăn đem từ nhà bố mẹ về cũng như đang buồn bã nhìn Trang.  Nàng để nguyên cả bọc cất vào tủ lạnh.
Đợi cửa thật khuya cũng không thấy bà Kha về.  Hai vợ chồng lên phòng ngủ mà lòng nóng như lửa đốt. Lăn qua, trở lại không tài nào ngủ nổi.
Sáng sớm tinh mơ nghe tiếng chuông cửa.  Trang hốt hoảng ra ban công nhìn xuống, thấy chị Hiền thì vội vàng gọi Huân cùng chạy xuống ngay.  Chưa vào phòng khách chị đã thì thầm:
-          Chị phải sang Huân trước khi chị đi làm để báo tin cho hai em yên tâm.  Mẹ đang ở nhà chị.  Mẹ đến từ chiều hôm qua nhưng dặn cả nhà là em có đến tìm thì nói không có mẹ ở đó.  Mẹ giận Huân lắm.  Lúc Huân đến mẹ đang ở phòng trong.  Nghe em lo mẹ cũng rất thương nhưng mẹ vẫn còn giận Huân.  Mẹ nói với chị là mới sáng sớm em đã muốn đuổi mẹ đi để giắt nhau về nhà vợ.  Bây giờ em chỉ biết bên vợ thôi. Người già tính nết như trẻ con, buồn giận vớ vẩn thôi mà.  Chiều nay vào giờ cơm cả hai vợ chồng làm như vô tình đến nhà chị sẽ gặp mẹ đang ngồi ở bàn ăn.  Liệu lời mà nói xin lỗi, nói cho mẹ nguôi rồi đón mẹ về.  Đừng nói là chị báo nhá.  Thôi chị đi làm đây, tuần này chị phải trực ngày Chủ Nhật.
 Cả đêm hôm qua bà Kha cũng không ngủ được.  Khi Huân đến nhà Hiền để tìm bà, Huân đã hoảng hốt lo sợ thật sự khi nghe chị nói không có mẹ ở đây. Huân đã đến nhà chị Nhu trước mà không tìm thấy mẹ, sang đây cũng không có.  Huân đã lo cuống lên, bà nghe cũng thương.
Ngày đầu tiên Huân đem Trang về trình diện mẹ, nhìn nàng bà Kha đã có cảm tình ngay.  Trang trông phúc hậu, duyên dáng, chuyện trò vui vẻ dễ thân. Bà lại biết thêm là khi còn ở ngoài bắc nhà bà nội của Trang là hàng xóm với bà ngoại Huân, là chỗ quen biết cũ nên bà cũng mừng thầm và nghĩ là bà sẽ có một cuộc sống về già êm đềm và hạnh phúc.  Bà chỉ có một người con trai, theo lẽ thường cha mẹ phải ở với gia đình con trai, nghĩa là bà sẽ sống với vợ chồng Huân.  Chuyện mẹ chồng nàng dâu xung đột xẩy ra rất nhiều xung quanh bà, người ta thường thấy mẹ chồng hiền lành lại gặp con dâu đáo để.  Con dâu biết điều lại bị mẹ chồng khó khăn.  Bà tự nhủ sẽ cảnh giác để tránh cái cảnh Mẹ Chồng Nàng Dâu muôn thuở ấy.  Mấy tháng đầu nhà như rộn rã hẳn lên khi có thêm Trang.  Bữa cơm gia đình ấm cúng, ba người ăn uống, nói cười vui vẻ. Trang ăn món gì cũng tấm tắc khen ngon và hỏi bà cách nấu. Trông hai vợ chồng trẻ ríu rít với nhau bà thật vui.  Vậy mà lúc gần đây có những chuyện xẩy ra khiến tâm trạng bà không an, canh cánh trong lòng một nỗi buồn tủi. Thái độ của Huân, cách cư xử của Huân khiến bà đau đớn.  Con trai không hiểu lòng thương yêu của mẹ.  Bà thương dâu, biết là Trang còn bận học lại bụng mang dạ chửa, bà đã nấu những món ăn ngon lành, đặc biệt để tẩm bổ cho Trang. Huân như không nhận ra, không biết đến những điều ấy. Tình thương bà cho đi, những gì bà vun đắp chàng không biết trân quý.  Bà rất giận khi Huân tỏ ý muốn mướn người làm.  Huân như không cần đến sự hiện hữu của mẹ, sự quan tâm của mẹ.  Trong khi bà muốn tự tay chăm sóc cho Trang như đã lo cho mấy cô con gái. Bà goá chồng từ sớm, một mình vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi dậy cho bốn người con nên người, khi trưởng thành đều có công ăn việc làm tử tế.  Cậu ấm Huân, cậu con trai được cả nhà cưng chiều, chỉ có việc học, chẳng phải đụng tay vào việc nhà.  Khi các chị chưa đi lấy chồng thì quần áo cả nhà được các chị giặt giũ, là ủi phẳng phiu.  Khi các chị từ từ lập gia đình, ra ở riêng hết, nhà chỉ còn bà với Huân thì chính tay bà giặt ủi cho cả hai mẹ con. Chợ búa, cơm nước, dọn dẹp cũng một tay bà.  Nhà chỉ có hai người lớn, công việc chẳng có là bao vả lại bà không muốn trong nhà có thêm người lạ. Khi có vợ thì Huân ngồi giặt quần áo cho cả hai vợ chồng. Nhìn con trai lưng dài, vai rộng mà ngồi xổm giặt giũ thì bà thật thương, bà sang nhờ Hiền mua cho cái máy giặt để con trai đỡ cực.  Huân như không hiểu lòng thương con của mẹ, lúc nào cũng như sợ Trang bị bà sai bảo, hành hạ và luôn như gồng mình lên để che chở vợ.  Cả một đời bà đã ở vậy để nuôi dậy các con, Huân có xót, có thương mẹ không!  Nghĩ lại buổi sáng nay Huân đã làm bà bẽ bàng, cụt hứng.  Ngày nghỉ cuối tuần bà đã nấu sẵn một nồi thịt bò kho, đợi hai con dậy bà sẽ ra đầu ngõ mua mấy ổ bánh mì nóng để ăn cho ngon.  Thế mà bà vừa thức giấc Huân đã muốn bà đi cho khuất mắt.  Xưa nay có bao giờ Huân để ý đến việc chở bà đi chơi đâu mà hôm nay lại tự nguyện.  Biết bà ở nhà mà hai vợ chồng đã tỉnh bơ kéo nhau sang nhà vợ, không nghĩ gì đến sự buồn bực của bà. Qua giờ ăn trưa cũng không thấy hai vợ chồng đưa nhau về. Một mình vò võ trong nhà với nỗi tủi thân, bà không thể ngồi nhà mà gặm nhấm nỗi buồn. Bà thay quần áo, bê cả nồi bò kho, gọi xích lô sang nhà cô con gái lớn.
Mấy lần hai vợ chồng sang xin lỗi và năn nỉ mời bà về nhưng bà vẫn chưa nguôi. Huân và Trang cũng lo buồn nên không khí trong nhà thật ảm đạm. Trang không yên lòng để chú tâm vào việc học, ngày thi đã gần kề mà ngày sanh cũng sắp tới.  Ban đêm nàng vùi đầu vào ngực chồng mà khóc.  Việc ra trường thì nếu khóa này không đậu thì thi khoá sau, mỗi khoá cách nhau có mấy tháng nhưng nàng sợ rằng nếu cứ lo âu, buồn khổ như thế này sẽ ảnh hưởng đến con.  Nàng sợ con nàng ra đời sẽ xấu xí, nhăn nhó như khỉ.  Một hôm nàng đánh bạo đi một mình sang nhà chị Hiền. Vừa nhìn thấy mẹ chồng là những giọt lệ tự nhiên ứa ra, nghẹn ngào không nói lên lời. Bà lại gần vừa nắm tay Trang thì như tủi thân nàng oà lên thổn thức, hai dòng nước mắt tuôn ra như suối.  Trang tha thiết xin lỗi mẹ, xin mẹ trở về.  Bà Kha thương cô con dâu vì trong việc này cô không có lỗi.  Bà giận là giận con trai bà nhưng chuyện cũng thật tế nhị khó nói ra lời. 
-          Con yên tâm, con không có lỗi gì cả.  Con biết là mẹ thương con phải không? Lo giữ sức khỏe và học thi cho xong con ạ.  Mẹ ở chơi với chị vài hôm nữa rồi mẹ sẽ về.
Nhìn Trang liêu xiêu với cái bụng đã khá nặng nề.  Tính nhẩm bà chắc chỉ còn hơn hai tháng là đến ngày sanh, lại trùng với tuần lễ thi ra trường của Trang.  Mấy hôm nay chả biết hai vợ chồng nó ăn uống ra sao.  Thôi bà sẽ về chăm sóc con dâu cho đến ngày sinh nở, mẹ tròn con vuông.  Bà sẽ trải lòng, chăm chút con cháu, hy vọng là Huân sẽ hiểu.  Đợi đến ngày Trang tốt nghiệp bà sẽ đem sổ sách ra giao hết tiền bạc mà bà giữ cho Huân từ bấy lâu nay; giao nhiệm vụ quán xuyến gia đình và săn sóc con cái cho Trang.  Bà sẽ vui với câu kinh tiếng kệ, vui cảnh chùa chiền và chăm bón vài gốc hoa.  Thỉnh thoảng bà đến thăm mấy cô con gái và vui với mấy đứa cháu ngoại.  Bà sẽ không tự trói buộc mình vào những trách nhiệm trong nhà, buông bỏ hết những hệ lụy, những lo âu, suy nghĩ lẩm cẩm để tự chuốc khổ vào mình. Không can thiệp vào đời tư của các con.  Gia đình của ai nấy lo,  bà sẽ coi mình như một người khách.
Đêm nay bà Kha sẽ ngủ một giấc thật ngon.
 
ĐỖ DUNG