Sưu tầm từ Internet.

 

BÍ QUYẾT NGƯỜI XƯA CÓ THỂ SỐNG SIÊU THOÁT : 

SỐNG ĐƠN GIẢN , NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN



Tại sao thời hiện đại lại có nhiều người mắc phải những vấn đề về tinh thần như thế. Trong khi đó từ những áng thơ văn, thư pháp và hội họa của người xưa, chúng ta lại cảm thấy bất luận cuộc sống của họ có thuận buồm xuôi gió hay không, dù giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp, họ đều có thể làm cho tâm hồn luôn tự tại.

 

Con người sống trên đời, mỗi người ai cũng có nhiều nỗi khổ và phiền muộn. Đặc biệt trong cuộc sống ngày nay, những người mắc các chứng bệnh tâm thần như trầm cảm ngày càng gia tăng. Những người bị bệnh nhẹ thì tâm tình sa sút, mất hy vọng vào cuộc sống; người bị nặng thì có thể muốn tự sát. Tại sao thời hiện đại lại có nhiều người mắc phải những vấn đề về tinh thần như thế. Trong khi đó từ những áng thơ văn, thư pháp và hội họa của người xưa, chúng ta lại cảm thấy bất luận cuộc sống của họ có thuận buồm xuôi gió hay không, dù giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp, họ đều có thể làm cho tâm hồn luôn tự tại.

 

Ví dụ như Đào Uyên Minh “quan trường không suôn sẻ, chẳng bằng quy ẩn điền viên, vẫn có thể hái hoa cúc dưới hàng rào phía đông, nhàn nhã nhìn núi phía nam”. Làm thế nào mà người xưa có thể sống siêu thoát như vậy? Và con người hiện đại đã mất đi những gì? Nhiều người lâm vào tình cảnh bế tắc về tinh thần, như thể tâm hồn họ bị lạc lối.

 

Tĩnh lặng, khoáng đạt nhờ sức mạnh tinh thần

Thứ nhất, lý do người xưa có thể tĩnh lặng và khoáng đạt, là bởi họ có sức mạnh của tinh thần. Ví dụ như Vương Duy, một đại thi nhân thời nhà Đường. Cuộc đời ông đầy những gập ghềnh. Năm 39 tuổi, vợ mất, ông một mình cô đơn tới già suốt 30 năm về sau. Trên quan trường, ông từng nhiều lần bị giáng chức, trải qua những thăng trầm trong cuộc đời. Nhờ sự ảnh hưởng của mẹ, Vương Duy tinh thông Phật pháp, dù trải qua bao thăng trầm, ông vẫn viết những bài thơ sau:

 

Mưa tan núi khoác màu tươi,

Đêm thu khí mát bầu trời thêm cao.

Ghềnh xa dòng suối rì rào,

Rừng thông ánh nguyệt treo cao chiếu ngời.

(Bản dịch Tú Nhiên)

 

Người nhàn hoa quế rụng rơi

Đêm xuân thanh vắng núi đồi mênh mang

Trăng lên chim núi bàng hoàng

Giữa khe xuân thắm khẽ khàng chim kêu.

(Bản dịch Hải Đà)

 

Mọi người đọc những bài thơ của ông, có thể cảm thấy như được ngắm nhìn một bức tranh, cảm nhận được sự an tĩnh trong tâm hồn ông.

 

Thứ hai, cuộc sống của người xưa tương đối đơn giản, ngoài cuộc sống bận rộn, họ còn có cầm kỳ thư họa, thơ ca, vũ đạo, ngắm hoa, thưởng trà, giúp nuôi dưỡng tâm hồn.

 

Cắt bỏ những thứ không cần thiết, phép trừ cuộc sống

Trong cuộc sống thực, điện thoại di động, máy tính, Internet và nhiều loại thông tin khác nhau, làm cho chúng ta vô cùng bận rộn, dễ dàng bị chìm ngập trong những thông tin phức tạp, và tâm rất khó bình tĩnh trở lại.

 

Xã hội ngày nay ngày càng phong phú nhưng ngày càng có nhiều người bắt đầu lựa chọn lối sống tối giản. Nghĩa là, từ trên cả tinh thần và vật chất, đều thực hiện phép trừ. Trên thực tế, nhiều người trí tuệ họ sống rất giản dị, chẳng hạn như ngôi nhà của Steve Jobs về cơ bản có ít đồ đạc, rất đơn giản.

 

Cách đây vài năm, việc cắt bỏ những thứ không cần thiết cũng rất lưu hành trong xã hội, nghĩa là từ bỏ những thứ thừa, không cần thiết và loại bỏ chấp trước vào các đồ vật. Cụ thể là trong cuộc sống, chúng ta nên cố gắng giảm bớt những thứ mà bản thân cảm thấy không cần, chẳng hạn như quần áo trong tủ mà đã lâu không mặc, v.v., và chỉ giữ lại những đồ có ích, bản thân thường sử dụng.

 

Về mặt tinh thần, rút lui khỏi các cộng đồng, nơi hoàn toàn không có tương tác xã hội, thay vào đó tương tác nhiều hơn với những người bạn tâm giao mà mình biết và các thành viên trong gia đình họ. Về tinh thần, giảm bớt một số ký ức về quá khứ, giảm bớt một số lo lắng về tương lai và cho phép bản thân thực sự tập trung vào cuộc sống hiện tại.

 

Như vậy cắt bỏ những thứ không cần thiết, sẽ dễ dàng mở ra một khoảng không gian trong sạch cho chính mình giữa vô vàn những trật tự phức tạp, để tâm hồn được chữa lành.

 

Dưỡng sinh không gì bằng dưỡng tâm – nuôi dưỡng tâm hồn

Về việc dưỡng tâm, từ sớm người xưa đã nói rằng dưỡng sinh thì không gì bằng dưỡng tâm, còn dưỡng tâm thì không gì bằng quả dục (ít ham muốn). Có nghĩa là, nếu chúng ta muốn cơ thể được nuôi dưỡng, cách tốt nhất là nuôi dưỡng tâm của chúng ta. Cách tốt nhất để nuôi dưỡng tâm là giảm bớt mong muốn và dục vọng với những thứ ở bên ngoài.

 

Đúng như trong “Thái Căn Đàm” có nói: “Cuộc đời giảm một phần thì siêu xuất một phận, như giảm giao du thì tránh được hỗn loạn, ngôn ngữ đơn giản thì ít lỗi lầm, suy nghĩ giảm thì tinh thần không hao tổn”.

 

Điều đó có nghĩa là nếu bạn có thể giảm bớt một số những giao thiệp không cần thiết, bạn cũng sẽ giảm bớt được một số rối loạn. Hiện nay, trong điện thoại của nhiều người có danh sách dài các số liên hệ, nhưng người tri âm quen biết được mấy? Ngoài ra, nếu bạn có thể giảm bớt lời nói, sẽ giảm thiểu được những rắc rối không đáng có, và nếu bạn có thể giảm bớt suy nghĩ, tinh thần sẽ tràn đầy năng lượng.

 

Suy nghĩ quá nhiều cũng có thể gây ra các vấn đề về thể chất và tinh thần. Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, nhân vật Lâm Đại Ngọc mỗi ngày suy tư quá nhiều. Vì vậy tỳ vị của cô không tốt, suy nghĩ nhiều sẽ làm tổn thương tỳ vị.

 

Có thể những người gặp rắc rối vì bệnh tinh thần, cuộc sống của họ cũng rất đơn giản, nhưng trong đầu họ lại có quá nhiều thứ cảm xúc tạp loạn không cần thiết như lo lắng và thất vọng, bi quan trước nhiều sự việc… Nếu có thể vứt bỏ chúng đi giống như thu dọn đống rác, bạn sẽ có thể có được nhiều niềm vui đơn giản hơn.

 

Ở thời đại này, có lẽ chúng ta cũng đang trải qua những thay đổi, từ chạy theo những thứ vật chất bên ngoài để khám phá nội tâm sâu bên trong của chính mình. Chúng ta hãy ghi nhớ lời dạy của cổ nhân: Nhân sinh giảm bớt một phần, siêu thoát được một phần. Chắc chắn chúng ta sẽ có được nhiều niềm vui giản đơn hơn.

 

THEO NTDVN