MÙA HÈ GIẬN DỮ.
 

 
 
 
Tôi đi chợ về, chồng tôi ra xe mang đồ vào trong nhà. Tôi dặn dò:
-         Anh nhẹ tay với mấy bịch trái cây nhé!
-         Hôm nay em mua nhiều trái cây thế? Blueberry này, dâu tây, dưa hấu, mận này. Tòan là những sản phẩm của mùa hè.
-         Chưa hết đâu, em mua Ice Cream này, rau câu để nấu sương sa hạt lựu và hột é này, hai cái món mà thời nhỏ em rất thích cho vài giọt tinh chất dầu chuối vào, mùi vị vô cùng quyến rũ.
-         Nhìn những thứ em mua, như một kẻ đang sống ở sa mạc đang sắp chết khát đến nơi rồi.
-         Khi đi chợ tâm lý ảnh hưởng con người lắm, bụng đói sẽ mua nhiều đồ ăn nhanh,  trời nóng bức thì mua đồ ăn mát. Hôm nay cao điểm 101 độ mà anh, bước ra khỏi nhà, khỏi xe, mặt em cứ phừng phừng lện vì nóng, thế mà em gặp mấy bà Trung Đông trùm khăn trùm áo truyền thống dân tộc làm em muốn ngộp thở giùm. Người Việt Nam mình tinh thần dân tộc cũng cao đâu thua gì ai, nhưng chỉ mặc quốc phục những dịp lễ tết, hội hè, chứ có ai mặc áo dài đi chợ đâu. Đời sống nên giản tiện cho thoải mái.
-         Mỗi người một ý, chỉ có hai vợ chồng mình mà lắm khi cũng xung khắc đấy. Thí dụ như chiều nay anh muốn ăn bún bò Huế, còn em?
-         Dĩ nhiên là không có món bánh xèo, chả giò, hay nướng BBQ rồi. Khiếp, trời nóng mà ngửi mùi dầu mỡ sôi, hay đứng bên bếp than đỏ lửa để nướng thịt thì giết em đi còn hơn. Nhưng em cũng bác bỏ món bún bò Huế của anh. Em sẽ nấu bún riêu cua chính hiệu đàng hoàng.
-         Em không sợ cà chua bị nhiễm vi khuẩn Salmonella à?
-         Cà chua nấu chín là an toàn, lo gì! Hôm nay cua rẻ nên em sẽ đãi anh một bữa bún riêu cua đặc sản Bắc kỳ quê hương em.
Xếp đồ vào tủ lạnh xong tôi vật lộn với mấy con cua sống, chúng bò lổm ngổm trong sink và giơ càng ra sẵn sàng chiến đấu khi tôi định tóm nó. Tôi phải gọi chồng ra tiếp sức, hai vợ chồng tôi dùng võ lực để không chế những con cua tội nghiệp, người đè chặt con cua, người vặt càng, vất vả mãi mới thanh toán được chúng. Con người  thật tàn nhẫn, vì muốn ăn ngon mà ra tay sát sinh, vừa mệt vừa hối hận tôi thề lần sau không mua cua sống nữa, kẻo mang nghiệp ác vào thân.
Tới màn gĩa cua cũng không kém vất vả, cái giây phút đứng ở chợ cầm bó rau thơm kinh giới lên hít hà để nghĩ tới món bún riêu cua tôi hào hứng bao nhiêu thì bây giờ tôi chán nản bấy nhiêu.
Nhưng có công thì có hưởng, tôi đã nấu xong nồi bún riêu cua ngon lành, mùi cua thơm phức, màu gạch cua vàng nổi lênh đênh trên sắc đỏ cà chua và sắc xanh những cọng hành lá xắt nhỏ.
Chồng  tấm tắc khen vợ:
-         Em tâm lý thật, trời hè nóng nực mà ăn bát bún riêu cua thì không gì bằng. Ngửi mùi đã thấy ngon rồi.
Tôi …chảnh chọe:
- Cả sự nghiệp làm bếp của em chỉ biết nấu có mỗi món này thì không ngon sao được? Em biết rồi, anh khỏi cần khen.
Hai người đã ngồi vào bàn ăn, hai tô bún riêu đã múc ra, bên cạnh đĩa rau muống chẻ trộn gía sống và rau kinh giới cùng với đĩa chanh ớt.
Trong bữa ăn ngon người ta cảm thấy gần gũi và thương nhau hơn. Hai vợ chồng vui vẻ chuyện trò, tôi ăn mấy thìa bún riêu cay mùi ớt, chua mùi chanh, rồi đỏng đảnh:
-         Em ghét mùa hè, da em khô, tóc em cháy như bụi cây lâu ngày không tưới nước vậy đó.
Anh ta cũng tận hưởng hết nửa tô bún riêu mới trả lời tôi:
-         Thì em chịu khó che dù và đeo kính râm vào.
-         Phiền phức qúa, con nhỏ bạn em sống ở New York thế mà sướng, hôm nay vùng nó có 70 độ.
-         Em lại ghen tị rồi, em từng chê mùa Đông lạnh và tuyết rơi trên đường phố New York kia mà? Mỗi tiểu bang, mỗi mùa có những ưu khuyết điểm của nó. Khí hậu ấm áp quanh năm là những tiểu bang có biển như California , Florida ….
Tôi đề nghị:
-         Nghe nói năm nay khí hậu thất thường, mùa hè tiểu bang Texas sẽ dài hơn và nóng hơn. Hay mình đi chơi xa một chuyến đi anh? Em vẫn mơ được đi trên những highway xa lạ, vừa thay đổi không khí, vừa nhìn ngắm cảnh vật bên đường.
Chồng tôi gạt đi:
-         Đi chơi xa trong mùa hè bằng xe không tốt đâu, trời nóng, máy lạnh trong xe mở không ngừng nghỉ, bánh xe cọ xát trên mặt đường nóng bỏng có thể nổ tung bất cứ lúc nào, hất chúng ta xuống hố ai biết đâu mà cứu? Đi bằng máy bay cho an toàn em ạ.
-         Đi máy bay thì còn gì là hứng thú, bốn bề chỉ là trời mây, anh chỉ nói những điều kinh khủng để hù doạ em. Em biết thừa là anh chẳng thích đi xa bao giờ, thiệt thòi cho em biết bao nhiêu!
Tôi hù dọa lại:
-          Kiếp sau em sẽ lấy chồng là tài xế xe truck chạy đường dài, em sẽ theo anh ấy đi ngao du khắp các nẻo đường, khắp nơi trên nước Mỹ cho thỏa thích.
-         Người chồng xe truck kiếp sau của em lái xe  kiếm tiền, em đi theo để ám anh ta à? Không để yên cho anh ta làm ăn à?
-         Vậy thì em sẽ lấy một người cùng sở thích. Như vợ chồng ông Mỹ gìa, hàng xóm nhà mình đó. Cả hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực, hí hửng lên kế hoạch bán nhà mua một cái xe RV hơn hai trăm ngàn đồng để lái xe đi khắp nơi nào họ muốn. Hãy thử tưởng tượng mùa Xuân họ ở Washington D.C ngắm hoa Anh Đào nở, mùa Thu đi trên những con đường chìm đắm trong màu lá đỏ, lá vàng của New York, mùa Đông đến Utah nhìn tuyết đầu mùa rơi trên phố núi….
Anh ta ngắt lời tôi:
-         Thế mùa hè họ có trở về Texas không?
-         Để tắm nắng với nhiệt độ trên dưới 100 à? họ sẽ đến California tắm biển.
Anh ta giảng giải một tràng dài như người trong cuộc:
-         Em tưởng tượng ra như chuyện thần tiên, đằng sau là bao nhiêu vất vả em có biết không? Cái xe RV chiều ngang tối đa 8 feet, chiều dài 40 feet, như vậy diện tích khỏang 320 sqf. cho cả phòng ngủ, phòng tắm và phòng bếp. Em có thích sống trong một căn nhà diện tích nhỏ bé như thế không?. Rồi em sẽ phải thường xuyên thay nước sạch, đổ chất thải, nước dơ. Đến mỗi thành phố phải xem luật nơi ấy cho xe RV kích thước nào mới được phép vào, và phải tìm chỗ đậu của nó. Em không thể lái cái xe to tổ bố nghênh ngang trên đường phố và thích thì tạt vào lề đường đâu nhé.
Thấy tôi chưa chịu tin, anh ta bồi thêm:
-         Còn bao nhiêu thứ bất tiện khác trong đời sống hàng ngày, ông bà Mỹ đó phải dùng điạ chỉ cố định của người em để giữ liên lạc thư tín với mọi người, vì không có ông bưu điện nào ba chân bốn cẳng đuổi kịp mà giao thư cho họ được. Anh dám chắc vợ chồng ông Mỹ ngao du vài năm sẽ chán, và bán tống bán táng cái xe RV của nợ ấy để sung sướng trở về nếp sống bình thường như cũ. Ở tuổi nào người ta cũng có thể nông nỗi, dại khờ, chóng thích rồi chóng chán.
Tôi thở dài:
-         Nhưng ít ra họ cũng đã hưởng những gì họ yêu thích. Ơ kìa anh, em cảm thấy trong nhà mình nóng qúa….
Chồng tôi cũng ngạc nhiên:
-         Ừ nhỉ, lúc nãy anh nghe một tiếng “kịch” mà không quan tâm vì đang mải nói chuyện. Có lẽ cái máy lạnh ngưng chạy từ lúc đó?
Tôi vội chạy đến bên chiếc nhiệt kế  treo trên tường thấy nhiệt độ trong nhà lên 85 độ, cái máy lạnh chết tiệt lại giở chứng vào đúng thời điểm gay go nhất. Tôi bực mình lẩm bẩm:
-         Tại sao cứ vào mùa hè là máy lạnh bị hư?
-         Thì mùa Đông hay các mùa khác em có xài đâu mà biết. Mùa hè máy chạy cả ngày cũng mệt mỏi như con người nên có lúc máy phải ốm đau, ăn vạ chứ.
Tôi đi tìm cuốn sổ tay để lấy số phone gọi anh thợ điện lạnh mà tôi tín nhiệm, anh ta như người tình đúng hẹn lại lên, chẳng mùa hè nào mà anh chẳng đến đây sửa chữa máy lạnh. Ở nhà cũ thật là khổ!
-         Chào anh Phước, anh làm ơn làm phước đến nhà tôi sửa cái máy lạnh nhé?
-         Xin chị thông cảm, tôi đang bận sửa cho người khác, sớm lắm cũng hai tiếng sau  mới đến được.
Tôi gác máy điện thoại, hậm hực than thở với chồng:
-         Mấy ông thợ điện lạnh vào mùa hè bỗng dưng cao gía, làm chảnh. Người ta nóng gần chết mà ông ấy bắt đợi hai tiếng nữa! Léng phéng là mất mối bây giờ, lần sau em sẽ gọi người khác cho anh ta biết tay em.
-         Người ta bận thật đấy em ạ, công việc kiếm tiền ai mà chê? nghề của họ chỉ bận rộn vào mùa hè. Thiếu gì thợ điện lạnh khác, nhưng em chê thợ Mỹ chém đắt, em thích thợ Việt Nam không phải vì tình đồng hương, mà vì để được trả gía, kỳ kèo thêm bớt. Nhưng đừng vội mừng em nhé, các tay thợ Việt Nam, có người làm ăn trung thực, có người láu cá, vẽ vời thêm để hò hét gía cao, cho em trả gía, họ vẫn lời chán.
Tôi bỗng cáu kỉnh:
-         Thế tại sao anh không đi học nghề sửa điện lạnh cho em nhờ?
-         Anh có phải thần thánh đâu mà lắm nghề, lắm tài như ý em được?. Hôm nọ xe hơi bị hư mang ra tiệm sửa, em cũng ao ước nếu như anh là thợ sửa xe!. Kiếm đâu ra một người chồng lý tưởng cho em, vừa lái xe truck chạy đường dài cho em đi chơi xa vừa biết sửa chữa mọi thứ, từ điện lạnh tới xe hơi cho em đỡ tốn tiền?
Tôi gắt gỏng:
-         Anh đừng có mà nói cái giọng mỉa mai, khiêu khích như thế nhé…
Anh ta trêu chọc:
-         Em có biết vào mùa hè nắng nóng hay có bệnh chó dại không?
Mắt tôi long lanh lên vì tức giận:
-         Anh ví em như con chó dại chứ gì?
-         Thì em cáu kỉnh, ăn nói như “cắn” người ta đấy thôi.
Tôi gào lên:
-         Anh thật là qúa đáng. Đừng có hòng sau bát bún riêu này tôi sẽ làm cho anh một ly hạt é ngọt ngào mát lạnh.
Anh ta gạt phăng:
-         Cái món nước hạt é của đàn bà, trẻ con, anh có thích bao giờ đâu, nên rất cám ơn em đã không cho anh ăn.
Tôi đùng đùng đi vào phòng và đóng cửa thật mạnh để biểu dương nỗi bực tức, mặc anh ta bên ngoài với mâm bát ngổn ngang. Tôi biết lát nữa anh ta sẽ tự động dọn dẹp, theo đúng “nề nếp” nhà này kể từ khi anh cưới tôi về.
Cuộc chiến giữa hai vợ chồng tôi tạm hõan lại vì anh thợ điện lạnh đến. Anh thợ tươi cười kể công:
-         Vừa xong việc bên kia là tôi phóng xe 80 mile một giờ đến đây sớm hơn đã hứa đấy.
Tôi mỉm cười xã giao và ngọt ngào:
-         Không sao đâu, chúng tôi chờ được mà. Lần sau anh cứ thong thả nhé.
  Nói xong, tôi bắt gặp ánh mắt châm biếm của chồng tôi, như muốn nói rằng: “ Thôi, đừng có đóng kịch nữa, lúc nãy vừa chê trách người ta hết lời”. Làm cho tôi cụt hứng không dám hó hé thêm.
Anh thợ điện lạnh cảm động :
-         Vâng, được ai cũng thông cảm như chị thì đỡ cho tôi quá, có người chờ đợi một tí mà không hài lòng, làm như có tiền trả công thợ là có quyền đòi hỏi tôi phải đến ngay lập tức, không cần biết tôi đang bận rộn thế nào. Ngay cả khi người ta ốm đau, cần bác sĩ, cũng phải lấy hẹn, phải đợi chờ, có đúng không chị?
Anh thợ điện lạnh nói, cứ làm như đi guốc trong bụng tôi, làm tôi giật cả mình.
Chồng tôi thì  nhìn tôi nhếch môi cười, vẫn vẻ châm biếm và  thêm phần  khoái chí vì anh thợ điện lạnh đã vô tình  cho tôi một bài học sống ở đời, cái điều mà chồng tôi không bao giờ làm được vì thế nào tôi cũng cãi  cho bằng được dù là cãi ngang như cua.
Anh thợ mở thùng đồ nghề, xem xét máy lạnh và sửa chữa, chỉ nửa tiếng sau máy lại chạy vù vù ngon lành, chẳng mấy chốc đã mát rượi cả nhà.
Vừa được anh thợ khen là người tử tế biết thông cảm, nên tôi …không dám trả giá, anh nói bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu. Những lần trước thì không bao giờ anh có thể rời khỏi nhà tôi khi chưa giảm gía, bớt tiền công sửa chữa chút ít.
Buổi tối, tắm rửa xong tôi mặc chiếc aó ngủ mà chồng tôi ưa thích. Căn nhà êm vắng mát mẻ làm lòng tôi dịu dàng và thanh thản. Lúc này tôi đã nhận ra cái lỗi của mình, đã cáu kỉnh vô lý với chồng. Trời có mưa có nắng, tính khí con người cũng thế. Các cô người mẫu, các cô hoa hậu xinh đẹp dịu hiền trên sân khấu nhưng biết đâu ở nhà cũng có lúc  nổi cơn thịnh nộ, cáu kỉnh, nhăn nhó? Nói chi tôi !
Chồng tôi vào giường nằm lặng lẽ, ra điều ta đây còn giận. Tôi vờ lấy chân đạp trúng chân anh ta nhưng vẫn lì lợm bất động. Chẳng để phí phạm thì giờ tôi lăn xả vào người anh ta cho được việc:
-         Anh ơi, cho em xin lỗi nhé?
Tóc tôi thơm tho, áo tôi thơm tho và cánh tay tôi cũng thơm tho quàng qua vai anh, làm anh “chóang váng”, cơn giận  xụp đổ tan tành một cách mau chóng. Anh ta âu yếm dí tay vào trán tôi, trách móc:
-         Phụ nữ ăn nói cáu kỉnh là xấu lắm đấy. Tại sao chuyện chẳng có gì mà em lại giận dữ với anh như thế chứ?
Tôi nũng nịu…đổ lỗi:
-         Không phải em giận dữ, mà mùa hè giận dữ đấy. Ngoài trời nắng nóng, trong nhà máy lạnh lại bị hư, nó tác động vào tâm hồn em, chứ em có muốn thế đâu.
Anh chẳng thèm nghe tôi phân bua, lý giải  mà vội xoay người ra ôm tôi và đặt một nụ hôn lên môi tôi, nụ hôn nồng nàn, nóng bỏng, nóng như 101 độ F ngoài trời ngày hôm nay.
                       Nguyễn thị Thanh Dương.
ĐỪNG YÊU NGƯỜI LÀM THƠ
 

Đợi cho Quang ra khỏi nhà là mẹ tôi nói ngay:
- Anh Quang này trông đứng đắn đàng hoàng đấy, vậy con liệu mà bảo nó tính đến chuyện hỏi cưới đi.
Tôi đáp với lòng hãnh diện:
- Sớm muộn gì anh ấy cũng phải lên tiếng thôi, con việc gì phải bảo người ta cho nó mất giá trị !
- Mẹ thấy mấy đám trước cũng tử tế như thế này, cứ kéo dài hò hẹn, tìm hiểu mãi rồi ai cũng rút lui, chẳng hiểu họ chê con vì điểm gì? nên lần này con phải chủ động giục cưới cho chắc ăn, kẻo lại thêm một mối tình lỡ.
- Mẹ yên tâm, đây sẽ là mối tình cuối cùng của đời con.
Mẹ tôi cũng không quá lo xa đâu, có nhiều mối tình đến với tôi, nồng nàn tha thiết bao nhiêu nhưng vẫn không đi đến kết quả tốt đẹp. Mẹ tôi bảo tại tôi lãng mạn quá, trái tim dễ rung động quá, nên yêu nhiều mà chẳng được bao nhiêu, yêu chưa đúng người.
Tôi đã biết yêu từ năm 12 tuổi, hồi đó ở Việt Nam vẫn còn là tuổi của ngây thơ khờ dại. Tôi rất thích ăn mì của cái tiệm ở đầu đường nhà tôi do một người Hoa làm chủ, đứng nấu mì là một anh ba Tàu trẻ, thường thì mẹ dẫn tôi đi hay có khi tôi thèm thì xin tiền mẹ chạy đến tiệm ăn một mình. Dù đi với mẹ hay không, tôi đều thích đứng cạnh xe mì để nhìn ngắm anh Tàu trổ tài nấu mì, anh để một vắt mì vào thùng nước sôi và nhanh chóng vớt lên bằng một cái vợt lưới, bàn tay anh thao tác nhuần nhuyễn, hất tung vắt mì lên vài lần cho ráo nước và sau cùng hất vào tô, bao giờ cũng chính xác, không rớt ra ngoài. Xong anh bày lên những miếng thịt heo nạc thái mỏng còn viền màu đỏ vì đã được ướp xá xíu, một thìa tóp mỡ thái hột lựu, và một thìa củ cải mặn cũng thái hột lựu, rồi mới đến những cọng hẹ cắt khúc ngắn. Anh mở nắp vung thùng nước lèo, cả một mùi thơm bát ngát theo hơi khói bay ra, thuở đó trong mắt tôi thùng nước lèo to, sâu thẳm ấy là một công trình vĩ đại và kỳ bí như trò ảo thuật, vì chẳng biết anh Tàu nấu bằng xương thịt gì, bí quyết gì mà nước lèo thơm ngon thế ? Có bao giờ tôi ăn tô mì mà chẳng húp hết nước sạch sẽ đâu!
Khi thì anh Tàu bê tô mì ra bàn cho tôi, khi anh bận thì tôi tự làm lấy vui vẻ. Tôi thích ăn mì và yêu cả anh Tàu nấu mì, không biết vì anh trẻ đẹp trai vui tính hay vì anh là người đã nấu cho tôi những tô mì ngon ?
Tôi đến tiệm mì thường xuyên đến nỗi anh Tàu nhớ mặt tôi, có lần anh vừa vung vẩy biểu diễn hất vắt mì vào tô vừa cười cười với tôi : “ Hày, con nhỏ này là khách quen của bổn tiệm mà, để tao cho mày thêm vài miếng thịt”.
Hôm ấy tôi ăn tô mì đặc biệt nhiều thịt, vừa sung sướng vì anh nhớ đến tôi, vừa buồn buồn vì anh gọi tôi bằng “mày” và xưng “tao”. Anh Tàu chẳng biết rằng con bé ranh này đang yêu anh, hôm nào không có tiền ăn mì, đi học về qua tiệm tôi đi chậm lại một chút để nhìn thấy anh rồi mới chịu đi nhanh về nhà, tương tư anh nên tôi đã nói với mẹ: “Lớn lên con sẽ lấy anh Tàu bán mì“.
Mối tình đơn phương đầu đời có liên quan đến vấn đề ăn uống ấy chỉ tồn tại được một hai năm, không phải vì có vài lần tôi thấy vợ anh đứng nấu mì thay cho anh, là một chị mập ú, luôn luôn mặc áo sát nách để hở hai cánh tay béo mỡ, vừa nấu mì vừa xổ một tràng tiếng Tàu với hai đứa con nhỏ đang luẩn quẩn bên cạnh, mà vì càng lớn tôi càng có nhiều sở thích khác ngoài ăn mì. Tôi thích đọc sách báo, thơ truyện, tôi biết tưởng tượng đến một người yêu thanh tao gấp mấy chục lần anh Tàu của tôi thuở tôi 12 tuổi.
Năm tôi học lớp 11, đã có vài bài thơ đăng báo nên cả lớp “nể mặt” và đồng loạt bầu tôi làm Trưởng ban báo chí của lớp, sau khi tôi đi họp để bầu Trưởng ban báo chí của toàn trường, tôi phải đứng trước lớp báo cáo lại kết quả buổi họp đó. Tôi đâu có tài ăn nói trước đám đông, trong khi bao nhiêu con mắt đang đổ dồn vào tôi, làm tôi bối rối thì ít mà thằng lớp trưởng đứng bên cạnh làm tôi bối rối thì nhiều, vì tôi yêu và nể nó, tính tình nó hiền lành, ăn nói lưu loát và có tài lãnh đạo. Tôi lí nhí kể lại buổi họp cho thằng lớp trưởng, khi một người ngồi dưới hỏi chị trưởng ban báo chí lớp ơi ! đã bầu xong trưởng ban báo chí toàn trường chưa? Thì thằng trưởng lớp dõng dạc trả lời giùm tôi “Chị cho biết là chưa có bầu”. Cả lớp cười ồ lên còn tôi thì đỏ mặt. Lớp trưởng vội vàng sửa lại, nói đầy đủ hơn: “Chị cho biết là chưa có… bầu trưởng ban báo chí toàn trường”.
Tình yêu là một trò chơi quanh quẩn, trong khi tôi yêu thầm thằng lớp trưởng, nó chẳng thèm để ý đến tôi, (bụt nhà không thiêng?) thì một thằng bên lớp 12 lại trồng cây si tôi mê mệt, luôn luôn tôi thấy có cặp mắt nào đó đang nhìn mình, những lúc tôi đang ăn chè đá đậu hay chấm mút trái cóc chua ngọt với muối ớt trước cổng trường đều bị nó bám sát không rời, làm tôi phải nhịn thèm các món đó luôn vì mắc cở, cho đến cuối năm đó nó rời khỏi trường tôi mới được tự do ăn uống trở lại. Lá thư tỏ tình nó gởi tôi do một đứa bạn cùng lớp đưa lại chẳng bao giờ tôi trả lời vì tôi không yêu nó. Sau 1975 nó đi vượt biên với vợ con và mất tích ngoài biển khơi.
Tôi nghĩ đời tôi có hai cái may, nếu mối tình với anh ba Tàu mà thành sự thật thì bây giờ tôi đã là chị ba Tàu, chắc cũng mặc áo sát nách đứng nấu mì thay cho chồng và quát tháo lũ con om sòm bằng tiếng Tàu rồi ! hoặc nếu tôi lấy anh chàng lớp 12 si tình kia thì giờ này tôi cũng mất tiêu trên biển với nó rồi !
Cho đến năm tôi 20 tuổi, trước khi đi định cư ở Mỹ thì trong tâm hồn tôi đã có một đống những người tình lý tưởng lấy ra từ trong tiểu thuyết và phim ảnh, Rhett Butler của “Gone With The Wind”, Zhivago của “Dr. Zhivago”, hay ông linh mục Ralph của “The Thorn Birds” hay “chú” Sách tử tế và bao dung yêu vợ trong “Tình nghĩa vợ chồng” của Leon Tolstoi do Bảo Sơn dịch v.v… Tôi từng bị tiếng sét ái tình với người trong phim truyện, thì với người đời bằng xương bằng thịt là lẽ đương nhiên, nhưng dù sét đánh dữ dội thế nào tôi cũng không bao giờ chết, yêu nhanh và quên cũng nhanh. Mẹ tôi bảo tính tôi lãng mạn, mê làm thơ, mê đọc thơ nhiều quá rồi nó vận vào người, toàn là những mộng mơ ảo tưởng ! Đã hơn 30 tuổi rồi mà vẫn chưa “tỉnh” người ra để kiếm một tấm chồng, để sinh con đẻ cái như người ta. Tôi chống chế, thời buổi này người ta lập gia đình trễ sau khi đã có công danh sự nghiệp. Mẹ tôi lẩm bẩm, nhưng con không bận học hành, không làm ăn buôn bán, chỉ đi làm hãng xưởng thì sự nghiệp gì mà chờ đợi cho nó già cả người hở con?
Ba mươi mấy tuổi ! chưa già, nhưng cũng không còn trẻ ! Tôi không “nhìn lên trời” để tìm Rhett Butler hay Dr. Zhivago nữa, mà đã hạ tiêu chuẩn, tìm nhũng người thường xung quanh tôi, lần này tôi sẽ không để mất Quang vì tôi yêu anh và anh cũng yêu tôi như thế.
 
Đã mấy tuần trôi qua, chẳng hiểu sao Quang không liên lạc với tôi, cell phone và e-mail đều im lặng. Lạ quá ! những tín hiệu tôi gởi đi nhưng anh vẫn không hồi đáp.
Một người bạn thân của tôi báo cho tôi một tin không thể tin nổi là Quang đang quen với một người con gái khác, tôi cười khỉnh vào mặt bạn tôi rằng, đó là tin đồn thất thiệt, mày phải nhớ là Quang yêu tao như thế nào! chiều chuộng từng sở thích của tao như thế nào ! và nhất là Quang yêu thơ của tao nũa ! Anh tìm đâu ra một người yêu vừa lãng mạn vừa biết làm thơ ? người nào mà lấy tao thì cuộc đời sẽ đẹp như thơ.
Tôi bỗng nhận được lá thư của Quang gởi từ bưu điện. Chẳng hiểu sao E-mail tiện lợi, anh không dùng, hay anh muốn cứu giúp ngành bưu điện đang ế ẩm, để các mailman có việc làm ?
Thái độ im lặng thật lâu đã lạ, cách liên lạc của anh càng lạ hơn làm tôi hồi hộp khi bóc thư ra, nhưng tôi vẫn tin rằng đó là một lá thư dài tràn đầy lời thương nhớ và tới tấp xin lỗi em yêu ! Tôi trải tờ thư phẳng phiu ra và khoan khoái đọc:
Thương gởi em ! (biết ngay mà, tôi nghĩ )
Suốt mấy tuần qua, anh đã suy nghĩ rất nhiều trước khi viết lá thư này. Anh phải viết bằng thư tay để em đọc xong và suy ngẫm, chứ gởi qua e-mail coi chừng em delete mất !
Em ơi, chúng mình đã yêu nhau hơn một năm trời, đã bao lần hò hẹn, gặp gỡ tìm hiểu nhau, đủ để đi đến một quyết định… (đọc đến đây tôi nhắm mắt lại, thở phào một cái sung sướng trước khi đọc tiếp lời cầu hôn năn nỉ của anh ta)…
Anh nhận thấy một điều rất rõ ràng là : Anh không thể lấy em ! Có nghĩa là chúng mình sẽ chia tay từ đây ! Vì em lãng mạn quá, em như sống ở trên mây, anh đã cố gắng chiều chuộng em, nhưng thà chiều chuộng một đứa trẻ, khi nó lớn lên một chút là thôi, còn chiều chuộng những đứa làm thơ như em thì phải cả đời.
Em đâu có biết, anh đã mệt mỏi căng thẳng biết bao để chiều lòng em ! Nừa đêm anh đang ngủ ngon để mai đi làm sớm thì em gọi cell phone đánh thức anh dậy để… khoe một câu thơ vừa hiện ra trong đầu, em đọc cho anh nghe, anh mắt nhắm mắt mở chỉ thèm ngủ chứ đâu có thèm nghe thơ, dù hay cỡ nào cũng không thành vấn đề đối với anh trong lúc này. Vậy mà anh phải khen hay, nhưng em không tin, còn bắt anh phân tích hay ở chỗ nào? Anh đành làm nhà phê bình văn học thơ em cho tới sáng, cho tới giờ đi làm. Anh không lạng quạng lái xe đụng người ta trên highway đầy nghẹt xe là may phước cho nhà anh rồi.
Những lúc hai đứa mình đi chơi, anh đang lái xe đến một địa điểm nào đó đã định trước, thì em chỉ huy anh phải quẹo hết con đường này đến con đường khác, mặc dù em không biết nó về nơi đâu ! Nhưng đó là những con đường có hàng cây đẹp làm em mơ mộng, nổi máu muốn làm thơ.
Cái hôm mình đi ăn đám cưới một người bạn, em còn nhớ không? Chỉ vì anh đi theo những con đường thơ mộng đó theo bất chợt cảm hứng của em, mà đến trễ 3 tiếng đồng hồ, vượt hẳn kỷ lục đi trễ của người Việt Nam mình khá xa !
Yêu em nên anh ráng hy sinh, nhưng chuyện chiều chuộng em cuối cùng vừa rồi thì anh chịu hết nổi, và em có còn nhớ không? Đó là một buổi chiều Chủ Nhật, ngày vui của Weekend đã tàn, ai cũng cần nghỉ ngơi để thứ Hai đi làm, trời lại đang gió mưa, thật ấm cúng khi được ngồi ở nhà ăn bữa cơm chiều, hay xem tivi, đọc báo… thì em phone cho anh, đến gặp em gấp. Anh vội vàng thay đồ đến nhà em, tưởng em đang gặp chuyện gì khó khăn, cần có anh giúp một tay. Thì ra em rủ anh đi dạo phố chiều mưa với em cho …. vui, cho romantic. Em ơi, lúc đó mẹ anh mà bị bệnh, kêu anh ra chợ mua cho bà hộp thuốc, chưa chắc gì anh muốn đi, nhưng vì yêu em, thấy em phấn khởi , thích thú quá, anh đành chiều.
Trời mưa rả rích, gió lạnh từng cơn, trên con đường lá rụng ướt đẫm nước mưa, anh cầm dù che cho em là chính, còn anh hứng toàn bộ cơn mưa, ngày xưa còn bé, anh khoái tắm mưa, còn hôm đó anh tắm mưa bất đắc dĩ, mưa ướt anh từ đầu đến chân, người anh run lên vì lạnh, nhưng anh không dám kêu ca, để tôn trọng tâm hồn thi sĩ của em, để cho em hoàn tất được ý thơ cho bài “Hai đứa đi trong chiều mưa gió”.
Khi bài thơ ấy được đăng báo, may ra có một vài người cảm động vì thơ em, nhưng anh phải đánh đổi với cái giá rất đắt, suýt nữa bằng cả một sinh mạng ! Anh về nhà, tối hôm đó bị cảm lạnh, lên cơn sốt cao hừng hực, mẹ anh biết chuyện vừa xót xa thương con vừa tức giận, mắng anh là thằng ngu ! Nó đã dở hơi mà mày cũng dở hơi theo nó đi trong mưa như thế à ? Tao nói cho mày biết nhé, dù con dở hơi ấy có giàu, có đẹp đến đâu cũng không bao giờ tao muốn nó về làm dâu nhà này (Anh xin thề đây là nguyên văn lời của mẹ anh, chứ anh không nỡ gọi em là “con dở hơi”, cho dù anh thấy điều ấy cũng… không sai).
Hôm sau anh phải nghỉ làm, đi Bác sĩ và nằm nhà suốt tuần.
Em, một người làm thơ, có tâm hồn nhạy cảm vô song, một chút nắng đổi màu, một cơn gió xao xác chuyển mùa, hoa lá kia đang nở hay héo tàn… em biết ngay, em sản suất ra thơ ngay. Nhưng anh nằm ốm bệnh lu bù ở nhà thì em không biết, em chẳng đoán ra, chỉ gởi những lời nhắn khơi khơi trên e-mail hay cell phone là “Gọi lại cho em gấp ! Đến nhà em gấp !”
Em không hề thắc mắc là vì sao anh vắng mặt, vì sao anh im lặng, mà chỉ ra lệnh cho anh đến với em.
Sau trận ốm suýt chết oan đó, đọc thấy lời nhắn của em, anh sợ quá, sợ em lại rủ anh đi trong một cơn mưa gió cho một bài thơ khác sắp hiện ra trong đầu em, hay bắt anh chở đi lòng vòng khắp các nẻo phố phường có hàng cây lá đẹp, đến chóng cả mặt, và tốn cả xăng, thời buổi kinh tế khó khăn, giá dầu thô lên 82 đồng một thùng, em biết chưa ?
Nhờ trận ốm đó, anh đã tìm ra một chân lý là “Đừng yêu người làm thơ”, những đứa làm thơ như em, chỉ làm thiệt hại đến người khác, chỉ nương tựa vào người khác. Anh đến nhà em, lần nào cũng thấy mẹ em đang nấu cơm, chưa bao giờ anh thấy em đứng trong bếp, dù chỉ để cắt một cọng hành ! Anh dám chắc là trong đời em chưa bao giờ biết luộc rau muống, chứ đừng nói tới các món cầu kỳ khác ! Thế mà đã mấy lần em mời anh đến nhà ăn cơm chiều, em tự hào khoe, mẹ em kho cá, mẹ em nướng thịt ngon lắm, hay bất cứ món gì khác, mẹ em đều nấu ngon hết.
Em ơi, nếu anh lấy em, ai sẽ nấu cơm cho anh ăn? Nên anh đã tưởng tượng ra thảm cảnh tương lai, anh sẽ phải làm bếp và nếu có con anh sẽ kiêm luôn phần trông con, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, để cho em rảnh tay làm thơ. Vì thế, anh quyết định chia tay em để quen với người khác, một con người thực tế 100 % , không biết làm thơ gì cả ! Chẳng sao, anh mở báo, mở net ra, có cả đống nhà thơ cho anh đọc, cần gì phải cưới một nhà thơ về để phải chiều nó cho mệt cuộc đời? Còn người vợ thực tế của anh sẽ biết đi chợ, sẽ biết lo cho anh miếng ăn, giấc ngủ.
Anh may mắn thoát khỏi tay em, nhưng anh chưa yên tâm đâu, sau này anh sẽ để di chúc truyền đời cho các con, các cháu anh để cho chúng biết mà tránh xa “Đừng yêu người làm thơ”.
Hôn em lần cuối.
Tái bút : Dù sao anh cũng luôn cầu mong em sớm kiếm được một người khác để thay anh dìu em đi trong mưa cho những bài thơ sắp tới của em. (anh tin rằng cuộc đời này lúc nào cũng có sẵn những thằng ngu như anh).
 
Đọc xong lá thư tôi vừa tức vừa đau khổ, yêu tôi được lãng mạn thế, anh không happy thì thôi, mà còn kết tội tôi và chấm dứt mối tình đang tha thiết. Tôi vùi đầu trong chăn, trong gối, để mặc cho nước mắt tuôn rơi và cõi lòng tan nát.
Nhưng tôi chợt vùng dậy, chạy ra lấy giấy bút ghi vội một đề tài, một câu thơ vừa xuất hiện trong đầu, vì trong đau khổ hồn thơ bỗng lai láng, nên dù buồn đứt ruột vẫn có xen lẫn một chút vui thú vì câu thơ vừa ý. Nay mai tôi sẽ có bài thơ đăng báo là “Hai đứa chia tay trong chiều mưa gió” Và nếu đúng như lời Quang đã nói trong thư, tôi lại chờ đợi một anh chàng ngu ngơ, lù khù nào đó sẽ đi vào đời tôi, để tha hồ mộng mơ tiếp, và hi vọng lần này sẽ… kiếm được một tấm chồng đồng điệu, biết yêu người làm thơ.
 
 
 
Nguyễn thị Thanh Dương

KIỀU LÃO ĐALAT
 
 
 
Lang thang ở Đà Lạt, tôi có cái thú, đoán xem người nói chuyện với mình có phải là dân gốc Đà Lạt không. “Gốc” ở đây hiểu là nếu không sinh ra, thì ít ra cũng lớn lên và ở đấy cỡ bốn hay năm chục năm. Với trò chơi này, tôi là kẻ “độc cô cầu bại”, ít nhất là cho đến lúc này, khi tôi vừa trở thành cư dân “đờ- mi” Đà Lạt cuối năm ngoái, theo cái kiểu vui ở buồn đi, đi chán lại về .
 
 
Vũ Thế Thành (tuyển tập “Những thằng già nhớ mẹ”)
“… Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô… »
.
Khi còn bé, Đà Lạt với tôi là cái gì đó mờ mờ, huyền bí và… lạnh. Rồi 5 năm sau, Đà Lạt trong tôi lại mang một dáng dấp rõ ràng hơn, và yêu lắm…Đà Lạt không xa lạ gì với tôi. Trước năm 75, tôi đã từng lông bông ngoài đó, chỉ là chuyện đàn đúm vui chơi thôi chứ chủ yếu vẫn ở Sàigòn ăn học.
Đà Lạt thuở ấy thế nào? Hãy nghe người Đà Lạt ly hương nói về Đà Lạt để họ xả stress: “… Những con dốc với hàng mai anh, hay cúc quỳ, những mái nhà kiểu Pháp, những giọng nói nhỏ nhẹ, những quán cafe ngồi để ngắm chứ không để người khác ngắm… Khi còn bé, Đà Lạt với tôi là cái gì đó mờ mờ, huyền bí và… lạnh. Rồi 5 năm sau, Đà Lạt  trong tôi lại mang một dáng dấp rõ ràng hơn. Và yêu lắm… Có những buổi chiều ngồi đọc sách bên bờ hồ, tự dưng chợt hỏi, liệu 50 hay 100 năm nữa, Đà Lạt sẽ thay đổi như thế nào…”.
Người Đà Lạt nói về tính cách của họ thế này: “… hòa nhã, thân thiện, hiếu khách, nhỏ nhẹ, hiền hậu, lãng mạn,…”. Nghe thấy đã! Tự than (thở) thì được, còn tự khen như thế cũng hơi… kỳ. Ngượng!  Riêng tôi, với cái nhìn đầy cảm tính và thiên vị, tôi thấy họ nói thế cũng chẳng có gì… trật.
Tháng 12 năm đó, trời lạnh. Tôi trọ ở một khách sạn gần Hồ Xuân Hương. Không ngủ được, tôi thả bộ dọc bờ hồ.  Bên ngoài trời lạnh và gió nhiều hơn tôi tưởng. Đã lỡ đi được gần cây số, chẳng lẽ quay về… Có ai đó nhóm lửa ở ven hồ, gần nhà máy nước (đầu đường Đinh Tiên Hoàng). Tôi ghé vào sưởi ké. Đó là xe bán gỏi khô bò, dân địa phương gọi là xắp xắp. “Quán lưu động” này chỉ có ghế mà không bàn. Người bán cũng lạnh, đốt lửa sưởi. Tôi gọi một dĩa khô bò và nửa xị rượu, và là người khách duy nhất đêm đó.
Càng về khuya, càng lạnh, người bán chụm thêm củi,… Một cô gái khoác áo lông, từ bên kia đường băng qua, ngồi vào sưởi. Nhìn kiểu cách son phấn, tôi đoán cô là gái ăn sương.  Ế độ rụng rời! Khách ăn còn không có, huống gì khách mua hoa… Cô quay sang tôi bắt chuyện nhát gừng. Tôi mời cô ly rượu. Tôi biết cô chẳng hy vọng gì ở thằng bụi bặm như tôi, ngồi lề đường, uống rượu đế (12.000 đ/xị) , nhắm khô bò ( 5.000 đ/dĩa), tổng cộng cỡ 0,5 USD, thứ đó làm gì có tiền mà đi… “tâm sự”.
Cái không khí ế độ, vắng người, lạnh lẽo, và buồn như chấu cắn  thế này, người ta dễ huỵch toẹt với nhau nhiều thứ. Dưới đây là trích mẫu đối thoại giữa tôi và cô gái.
          Anh là dân Đà Lạt?
          Không, tôi tha hương…
          Anh làm nghề gì?
          Ai mướn gì làm nấy. Còn cô?
          Làm cái nghề như anh thấy đó. Hôm nay thứ năm, chẳng bắt được khứa nào..
          Không, tôi muốn hỏi, cô là dân Đà Lạt?
          Em gốc ở miền Trung, nhưng sống ở Đà Lạt từ nhỏ. Cho em xin điếu thuốc.
 
Tôi đẩy gói thuốc sang phía cô và bật quẹt. Ánh lửa lóe lên, tôi chợt thấy cô sang trọng như một mệnh phụ trong chiếc áo khoác lông màu trắng…
          Cô có con chưa?
          Có cháu ngoại rồi
          Xin lỗi, cô bao nhiêu tuổi?
          Năm mươi ba (53)
Vài phút im lặng trôi qua…Cô gái vẫn xoay mặt ra ngoài đường, phía bờ hồ. Tôi bối rối cực kỳ, nốc cạn ly xây chừng để hoàn hồn…
          Trông cô trẻ hơn tuổi nhiều, tôi đoán chừng ba mươi mấy.
          Tại đánh son phấn nhiều . Sáng mai lại đây, anh sẽ thấy em khác,..
          Sao không ở nhà trông cháu?
          Không thích nhờ vả con cái…
          Không còn nghề gì khác để làm sao?
          Không. Biết làm cái gì để sống bây giờ. May vá thì được bao nhiêu. Nhờ vả con cái thì em không thích. Không giúp được nó thì thôi, nhờ vả làm gì.
          Cô có thể bán thuốc lá, bán mồi nhậu ở đây này. Một ngày kiếm chừng năm chục (ngàn) thì đủ rồi.
          Nợ nhiều, kiếm bằng đó làm sao đủ. Trả góp ngày cũng cỡ trăm hai (chục ngàn) rồi
          Cô tiêu xài gì mà mắc nợ nhiều?
          Tiền nhà, tiền ăn, tiền son phấn, tiền thuê quần áo “đi làm”. Cái áo lông này là em thuê. Thuê ngày nào trả ngày đó.
          Cô lớn tuổi rồi, làm sao dành khách nổi với tụi trẻ?
          Tụi nó đi giá cao, mình đi giá rẻ. Gặp mấy thằng xỉn, tụi nó cũng chẳng để ý lắm, miễn là rẻ.
          Mỗi lần đi như vậy được bao nhiêu?
          Em hét hai trăm (ngàn), tụi nó trả cỡ trăm rưởi, trăm hai là đi được rồi . Kẹt quá, thì năm bảy chục cũng đi… Hên thì vài ba cữ một đêm. Không có tiền, sáng mai gặp mặt con mẹ chủ nợ khó chịu lắm.
 
Góc tối của một đô thị đầy ánh sáng là như thế. Đêm đó trời lạnh kinh khủng. Những cái khốn cùng của xã hội, chẳng có cái nào giống cái nào. Phải nhìn vào góc tối mới thấy bộ mặt thật của xã hội. Cô điếm già có thể móc túi khách làng chơi với nhiều thủ thuật, nhưng họ hành xử “chính danh” và ở tận cùng của xã hội rồi. Còn những thứ điếm khác được người đời  tôn vinh, xum xoe, điếu đóm., nhưng họ có thừa khả năng làm tiêu tùng cả vài thế hệ như chơi. Nói nữa thêm buồn…
Hồi đó đoạn bờ hồ này, chiều chiều có những xe bán xắp xắp sà tới bán. Khách ngồi ghế đá ven hồ, hoặc ăn đứng. Có lần tôi gặp cô bé ngoài hai mươi, mang theo cặp, đi xe đạp đến bán phụ mẹ. Gợi chuyện, cô gái nói: “Cháu học ngành viễn thông ở đại học Đà Lạt. Giờ này đông khách nên đến phụ mẹ”. Thùng khô bò đặt trên yên sau xe gắn máy hoặc xe đạp, xe công an đến thì ù té chạy. Tôi đã chứng kiến cảnh bỏ của chạy lấy người như thế, bỏ lại sau lưng đĩa, đũa, ghế nhựa,… Khách thương tình, đứng lại chờ họ quay lại, trả tiền, còn không thì coi như mất. Mà công an hình như cũng chẳng muốn bắt. Xe công an cứ thủng thỉnh đuổi. Phía trước báo động, người xe, người thúng chạy lẫn vào hẻm…Nhưng dạo này, không còn thấy những xe xắp xắp bán dạo ở ven hồ nữa. Chắc công an làm gắt rồi.
Đà Lạt là thành phố trẻ, chỉ cỡ trăm năm. Dân định cư nơi đây chủ yếu đến từ miền Trung, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,… Họ được thuê mướn làm đường xá, xây cất. Rồi sau này người miền Bắc vào trồng rau, trồng hoa, rồi người Huế cũng vào lập nghiệp. Đợt di cư 54 cũng kéo theo cả ngàn người đến ở Đà Lạt khẩn hoang lập ấp. Người Đà Lạt đến từ mọi miền đất nước, mang theo văn hóa đặc thù, mà dễ thấy nhất là ẩm thực. Chẳng biết tôi có thiên vị hay không, nhưng ăn bún bò Huế, mì Quảng ở Đà Lạt thấy ngon hơn ở Huế hay ở xứ Quảng nhiều. Cay xé họng, trào nước mắt vẫn thấy ngon.
Người Quảng, người Huế, người Bắc,… sống ở Đà Lạt mất dần đi bản sắc vùng miền của riêng họ. Sự khẩn hoang mang họ đến gần nhau bất cần gốc gác, lại thêm nỗi nhớ quê, rồi núi đồi, sông suối, khí hậu và sự yên tĩnh của thiên nhiên đã biến họ thành người… Đà Lạt: chất phác và hiếu khách, hiếu khách thiệt tình kiểu Nam Bộ, nhưng nhỏ nhẹ chứ không ồn ào.
Một buổi sáng Chủ nhật, tôi ngồi uống cà phê ở góc phố Bà Triệu. Hai cụ già, bà dìu ông, chậm rãi vào quán. Ông mặc áo vest, đội mũ casket, cầm tờ báo Pháp. Bà mặc áo dài, khoác áo măng tô, tay cầm sách kinh, áng chừng họ vừa đi lễ nhà thờ Con Gà về. Ông trông ra dáng công chức thời Tây. Bà dáng quý phái, trang điểm nhẹ. Bà gọi ly cà phê sữa cho ông, và tách trà nóng cho bà, rồi lặng lẽ lấy những viên thuốc từ vỉ : “ Ông uống thuốc đi”. “ Chưa uống!”, ông già cạu cọ, mắt vẫn không rời tờ báo. Lát sau, bà lại đẩy ly nước về phía ông, nhẹ nhàng: “ Ông uống đi, tới giờ uống thuốc rồi”. “ Không uống!”, mắt vẫn dán vào tờ báo. Bà nhìn quanh quẩn đâu đó. Lát sau lại đưa thuốc sát tay ông: “ Ông uống đi, kẻo tối lại ho xù xụ”. Lần này ông cầm mấy viên thuốc cho vội vào miệng như trả nợ đời, làu bàu: “ Đã bảo chưa uống lúc này mà cứ uống, cứ uống….”. Bà yên lặng rót thêm trà cho ông, mắt và miệng ra chiều mãn nguyện. Nhìn hai “con khỉ già” làm… nũng, thấy đất trời Đà Lạt bỗng nhiên giao hòa, tiền muôn bạc tỉ hóa thành tiền âm phủ, thế giới phẳng hay cong cũng trở thành vô nghĩa.
Ai đó ở Đà Lạt mưu đồ khanh tướng, nhưng người Đà Lạt (gốc) hình như không có máu làm quan, và họ cũng chẳng muốn làm quan. Họ thích đời yên phận với đất trời cây cỏ. Tôi có người quen ở Đà Lạt làm viên chức ngân hàng, bon chen kém cỏi, xin về hưu non, sửa chữa điện tử lai rai và thỏa mãn với cái nghề xập xình này. Tuần trước đi karaoke với nhau. Anh hát bài “Biển nhớ”, cũng đứng lên cầm micro biểu diễn như ca sĩ thứ thiệt. Anh hát dở ẹc, nhưng biểu cảm tha thiết như muốn chở biển lên rừng. Ban giám khảo điện tử cho anh 100 điểm. Chắc máy karaoke này đọc được tâm trạng con người? Chị vợ ngồi cạnh cũng “máu” không kém, chơi bài “Đêm nay ai đưa em về”. Chẳng biết họ có ẩn ý gì với nhau qua lời ca tiếng nhạc hay không, nhưng mới sáng hôm đó, đi chợ Đà Lạt, còn thấy tay chị khoác tay anh, đầu nghiêng ngửa vào nhau, trông họ “lẳng” với nhau  phết. Một cái “lẳng” đằm thắm hết sức… Đà Lạt.
Nghe nói, người ta định mời kiến trúc sư Pháp thiết kế lại Đà Lạt. Cũng nghe nói, người ta định lập một đô thị Đà Lạt khác trên con đường đi lên Suối Vàng. Ừ, một đô thị Đà Lạt tráng lệ nên thơ, mà thiếu “con- người-Đà- Lạt”, thì cái hồn của Đà Lạt sẽ ra sao?
Những người con của Đà Lạt nay quy cố hương, không khỏi chạnh lòng vì những đổi thay: nhà hàng, nhà cao tầng, các vạt đồi đã đốn cây xanh, còn trơ đất đỏ sẵn sàng cho những dự án hoành tráng, xứng tầm với một thành phố du lịch, xứ sở ngàn hoa, như có người nói: “ Người ta cắt một mảnh Saigon lên, đem dán vào Đà Lạt và bảo rằng Đà Lạt đang phát triển trong… quy hoạch”. Đà Lạt trở nên thực dụng hơn…
Thời gian Đà Lạt dường như chậm lại. Nhịp sống cũng chậm lại. Những người muôn năm cũ đang nhẫn nhục né tránh nhịp sống thời đại. Mà dân Đà Lạt (gốc) ở đây chắc cũng chẳng còn được bao nhiêu. Thời cuộc đã phân tán họ đi khắp nơi rồi.
Cách đây 3 năm, tôi đi chuyến xe đêm từ Sàigòn, đến Đà Lạt khoảng 4 giờ sáng. Gõ cửa khách sạn giờ đó cũng hơi ngại, tôi ghé quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng. Quán chừng 5-7 người, toàn là dân Đà Lạt (gốc), tôi đoán thế. Bốn giờ sáng ở Đà Lạt là thời điểm hơi sớm để bắt đầu một ngày làm việc. Họ là những người bỏ mối hàng chợ, lấy mối vé số hoặc chạy xe ôm. Một anh mù bán vé số, trạc 40, bước vào quán cùng với người bạn. Anh tìm chỗ ngồi dễ dàng, dường quen thuộc với cách sắp xếp bàn ghế  ở quán. Anh gọi ly cà phê sữa, và 2 điếu thuốc “con mèo”, mời người bạn bên cạnh một điếu. Anh mù bán vé số, nhưng lại chơi số… đề. Trông anh thoải mái, lạc quan khi bàn đề với bạn, mặc dù chiều qua anh không trúng. À, nếu chiều nay trúng đề anh sẽ mua những gì, những gì…Ước mơ giản dị quá !. Anh chơi đề cũng nhỏ thôi (chừng 10 – 20 ngàn đồng) và chỉ đánh hai số cuối. Tôi hỏi: “ Tại sao bán vé số mà lại chơi đề?”. Anh nói : “ Chơi đề trúng nhỏ nhưng dễ trúng hơn”.
Cặp vợ chồng già, Kiều lão, cô bé sinh viên,… là những nét chấm phá tạo ra bức tranh chung về con người Đà Lạt. Đâu đó có những khoảng khắc yên bình chen lẫn với những đắng cay. Trước 75, ngoại trừ các đại gia ở Sàigòn mua biệt thự ở Đà Lạt nghỉ mát, chứ nói chung, cư dân Đà Lạt không giàu, nhưng họ sống thư thả, không bon chen, hối hả theo đời cơm áo.  Có lẽ anh mù bán vé số đó là tiêu biểu cho người Đà Lạt (gốc) chăng?
Một buổi chiều xẫm tối ở góc đường Phan Bội Châu – Bùi Thị Xuân, tôi nói bâng quơ với bà bán bắp nướng, khi đứng chờ lấy bắp: “ Đà Lạt chỉ còn con đường Đinh Tiên Hoàng dẫn đến trường đại học là còn nét cũ”. Chị nói như thì thầm: “ Còn chứ, còn một con đường còn sót lại, con hẻm trước mặt đó. Anh vào xem đi, không khéo mai mốt lại không còn nữa”.Con đường dốc hẹp càng đi sâu, càng âm u, yên lặng, chỉ có tiếng gió thổi qua hàng cây. Một bên vách cao, lá và những cây to, một bên là vực, rải rác vài căn nhà nhỏ. Nhón chân lên, có thể thấy bên kia là ánh đèn của khu du lịch Bùi Thị Xuân, ồn ào, chèo quéo khách du lịch. Sự tương phản chỉ cách nhau chưa đầy trăm mét.
Đà Lạt buồn hiu, con đường sót lại buồn hiu, “người muôn năm cũ” buồn hiu,… Tất cả mờ dần sau những đợt festival hoành tráng.
Tôi muốn trích đoạn một bài thơ của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phù phép thành bản nhạc “ Bên ni Bên nớ” để kết thúc bài viết tạp này. Mà liệu có kết thúc được chăng? Biết bao nỗi niềm còn chất chứa …. Kiều lão Đà Lạt chỉ là một trong những ngã rẽ buồn bã, còn biết bao ngã rẽ khác nữa. Nói mấy cho vừa…
Thôi, hãy cứ thì thầm theo đoạn nhạc…
“… Bên tê thành phố tráng lệ
Giai nhân nằm khoe lõa thể
 
Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô…
 
…Tiếng chân gõ guốc xa xa…”
 
Vũ Thế Thành