THAO THỨC ĐÊM XUÂN
ĐỖ DUNG
 
 
 Tiếng chuông điện thoại reng, đầu dây bên kia giọng cô con gái như tiếng reo vui:
-         Mẹ ạ, năm nay chúng con đã xin được nghỉ vào dịp Tết ta, vợ chồng con đem thằng cu Bi về ăn Tết với bố mẹ nhé!
Bà Khuê cũng vui mừng không kém:
-         Thật hả?  Các con về bao lâu?
-         Tụi con lấy vacation một tuần luôn, cho đã! 
 
Từ ngày được tin con sẽ về nhà ăn Tết bà vui mừng ra mặt, tíu tít bàn bạc với ông việc sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa, đi mua sắm linh tinh.  Ông vui lây niềm vui của bà nhưng đôi lúc cũng phải gắt lên:  
-         Con cháu về chơi chứ có phải ông hoàng bà chúa nào đến thăm mà bà cứ lo cuống lên thế?
 
Chả là ông bà có ba người con, cô gái đầu lòng rồi đến hai cậu con trai.  Cô con gái lập gia đình theo chồng qua Texas làm việc từ mấy năm nay. Hai thằng con trai còn đang học Đại Học ở xa, thằng anh hết năm nay là ra trường còn thằng út mới lên năm thứ hai.  Mùng Một Tết vào ngày thường nên bà đã tưởng là Tết năm nay lại chỉ có hai ông bà già nên đã buồn héo cả người.
 
Ngày cúng ông Táo, xong mọi việc bà vào giường nằm mà trằn trọc không ngủ được.  Những ngày Tết xa xưa như lần lượt hiện về.  Những tiếng ríu rít cười đùa của anh em bà thời thơ ấu, nhà đông anh em, cả lũ ngồi quanh để canh nồi bánh chưng to tướng, sôi sùng sục trên bếp lửa bập bùng, tiếng tí tách của củi cháy to, mùi thơm lan toả.
 
Bà nhớ đêm Giao Thừa nghi ngút khói hương.  Bàn thờ Phật, bàn thờ Tổ Tiên, bàn thờ ông Táo bầy biện gọn ghẽ. Đặc biệt là mâm cỗ cúng ngoài trời đón Chúa Xuân, đón các Vị Thần Linh, Thổ Địa và những vị khuất mặt ngự trị quanh đây.  Con gà trống thiến có dáng quỳ thật đẹp, đầu ngóc lên trời, mỏ ngậm một bông lay ơn đỏ nằm trên đĩa xôi gấc. Mâm ngũ quả phải thật tươi tốt và bầy cho thật đẹp.  Bà Nội luôn nói rằng mâm cúng Giao Thừa phải tố hảo mới đem niềm vui, hạnh phúc đến cho gia đình quanh năm.  Năm nào cụ cũng phải tự tay uốn và luộc con gà cho ưng ý. 
 
Sáng Mùng Một, cả nhà đều xúng xính mặc quần áo mới để chúc tết và lãnh phong bao tiền mừng tuổi.  Khuê nhớ rất rõ năm mới di cư vào Nam, ông bố ra trò bốc thăm lấy bao lì xì có số tiền khác biệt nhau từ mười đồng đến một trăm. Năm anh em Khuê với cậu Thái là sáu.  Bố bỏ sáu bao, không cho ai biết.  Bao ít nhất là 10 đồng rồi tiếp đến là 20, 40, 60, 80, 100.  Bố trang đều rồi xoè mấy bao ra như nan quạt, đến lượt bọn nhỏ theo thứ tự lên rút lấy mỗi đứa một bao. Kết quả anh Đại vớ được bao ít nhất, cậu Thái được bao nhiều nhất.  Lúc mở bao ra đếm thì có người buồn, người vui.  Bà Nội thấy cháu đích tôn bà cưng nhất bị thiệt thòi, Bà trách Bố đầu năm mà làm mất vui đi. Từ đó Bố cũng chơi trò rút thăm nhưng mỗi đứa đều được như nhau còn số tiền sai biệt cho vui thì chỉ dùng mấy tờ một đồng để sự cách nhau không lớn lắm.
 
Cứ mỗi hai năm Mẹ lại sản xuất thêm một đứa con, nhân số gia tăng dần, những đứa lớn đã biết chơi bài.  Sau khi chúc tết và có tiền lì xì bố cho lập sòng.  Tha hồ bầu cua, cá ngựa, tam cúc, bài cào...  Khi lớn hơn chút nữa có bạn bè đến binh sập sám.  Ngày Tết rộn rã tiếng cười đùa. Hết ba ngày Tết là hết.  Bố thu hết bài cho vào một hộp cất vào tủ khoá. Ngày Mùng Bốn Khuê được phép mở tiệc đãi bạn bè, thật vui. Những ngày thơ ấu qua mau.
 
Bà lại nhớ Tết Nguyên Đán năm 1965, như mọi năm, Bà Nội cũng tự tay sửa soạn mâm cỗ cúng Giao Thừa. Cụ đi chợ trước mấy hôm để mua con gà trống thiến thật ưng ý, chiều Ba Mươi Tết cụ uốn nắn con gà cẩn thận rồi bỏ vào nồi luộc như mọi khi.  Không hiểu sao khi vớt ra con gà bị hỏng, da rách nát.  Mặt cụ tái sạm hẳn đi vì lo lắng.  Năm ấy Bà Nội qua đời!
 
30/4/1975 mất nước, hai cột trụ gia đình là ông bố và ông chồng bà phải đi tù cải tạo tưởng là chỉ một tuần hay một tháng sẽ được trả về. Nhưng đã gần Tết mà chưa biết tin tức gì, bị giam giữ ở đâu, sống chết thế nào.  Khoảng Giáng Sinh năm ấy gia đình nhận được giấy cho phép gửi quà, mỗi người được nhận 2 kg, chỉ với tên người nhận và địa chỉ thì vỏn vẹn là số hòm thư! Hai mẹ con tính toán, cuối cùng mỗi gói qùa bỏ được nửa ký tôm khô, nửa ký đường thẻ, một cái áo len, một bộ đồ vải và một ít thuốc men, dầu gió là đã đủ số cân. Dù gia đình cố chi tiêu dè sẻn nhưng ngồi ăn núi cũng lở nên hai mẹ con phải tìm cách kiếm sống. Bà mẹ đau đớn khi nghĩ đến trách nhiệm với đàn con thơ dại và Tết năm ấy thật thê lương. Mẹ bị gục ngã, lâm bịnh nặng.  Nhà như không có Tết, chỉ hương hoa, bánh mứt qua loa trên mấy bàn thờ.  Sau Tết hai mẹ con phải bương trải chợ trời.
 
Năm 1980 chồng bà được thả về và may mắn cả gia đình nhỏ của bà và hai đứa em vượt biển thành công.  Tết Nguyên Đán đầu tiên tại Cali bà như được thoát khỏi chốn lao tù đến với thế giới tự do.  Năm đó chưa có đông người Việt, chợ buá chưa đầy đủ như bây giờ.  Bà cũng đã gói bánh chưng bằng những vật liệu có sẵn.  Không có lá dong, lá chuối bà phải nhuộm nếp bằng một chút phẩm mầu xanh và gói bằng giấy bạc.  Những chiếc bánh chưng nhỏ để dễ xếp và mau chín trong chiếc nồi đặt trên bếp gas.  Đêm Giao Thưà cũng nghi ngút khói hương, hoa tươi, bánh trái nhưng nghĩ đến Bố còn ở trong tù, Mẹ và em còn kẹt lại biết bao giờ đoàn tụ bà đã khóc rưng rức vì thương, vì nhớ.
 
Ba đứa con cuả bà lớn dần, mỗi năm ông bà vẫn giữ những phong tục truyền thống Việt Nam.  Nhà vẫn có bàn thờ và được trang hoàng đặc biệt, nấu những món ăn cổ truyền trong mấy ngày Tết.  Các con vẫn chúc Tết và được phong bao, ba chị em theo những lớp học Việt ngữ và phải nói chuyện trong nhà bằng tiếng Việt.  Nhưng những con chim non đến lúc lớn phải chắp cánh bay xa.  Ở bên này, trẻ con 18 tuổi, xong trung học là phải xa nhà, sống tự lập ở nơi gần trường Đại Học nào mà chúng được nhận hay ở trong ký túc xá của trường.  Sau khi tốt nghiệp lại sẽ đến nơi nào có việc làm tốt với môn học của mình.  Mọi việc theo một vòng quay mới, không gần gũi nhau như khi xưa ông bà còn ở trong đất nước VN nhỏ bé.
 
Mỗi ngày Tết đến bà lại bâng khuâng không biết năm nay ăn Tết ra sao, có đứa con nào về được không.  Căn nhà bốn phòng này hai ông bà đã trả hết nợ, tương đối khang trang, gọn ghẽ.  Vườn tược xinh xắn, các cây ăn trái và cây hoa như bông sứ, ngọc lan nay đã thành cây cổ thụ.  Các con bà đã ríu rít sống bên nhau và trưởng thành ở đây cạnh cha mẹ.  Có những người bạn đã khuyên bà bán căn nhà lớn này đi mà dọn vào một căn phòng trong chung cư cho khỏe tấm thân già, khỏi phải lo săn sóc vườn tược.  Bà không nghĩ thế.  Căn nhà đầy những kỷ niệm yêu thương, bà không thể bỏ đi.  Có chút vườn để ông bà ngồi uống trà, ngắm cảnh, có công việc cho ông bà vận động chân tay và có thú mỗi buổi sáng ngắm chồi non nẩy mầm hay nụ hoa hé nở; buổi chiều ngồi bên nhau nhìn cảnh chiều tà, mặt trời từ từ lặn, những vạt nắng vàng thoi thóp dần khi màn đêm buông xuống.  Ở trong một căn phòng chung cư mà đã về hưu rồi thì chỗ đâu mà đi ra, đi vào.  Ngồi thù lù trong nhà hay xem phim bộ suốt ngày thì chỉ mau chết.  Hơn nữa căn nhà này như một cái tổ ấm để các con bà có chỗ tụ về.  Nếu ông bà ở apartment, khi con cháu về thăm mà mỗi nhà ở một phòng trong khách sạn thì chán chết.
 
Cứ thế bà trằn trọc, lan man nghĩ từ chuyện này đến chuyện khác.  Nằm bên bà ông ngủ khò, điềm nhiên kéo gỗ.
 
Sáng mai thức dậy bà sẽ bàn với ông và khi cô con gái về ăn Tết với bà thì bà sẽ bàn với con gái, sau đó sẽ thông báo đến hai thằng con trai.  Bà sẽ bàn với ông là từ nay gia đình ta sẽ có thông lệ là xum họp ngày Tết Nguyên Đán.  Các con sau này khi đi làm hết thì cũng phải có ngày nghỉ hàng năm (vacation).  Các con cố thu xếp trước để xin nghỉ vào dịp này.  Anh em, con cháu tụ họp nhau để cùng về thăm ông bà, cha mẹ.  Như thế nhà bà sẽ rộn rã tiếng cười trẻ thơ và bà không phải thấp thỏm, thắc mắc xem Tết này sẽ có mặt những ai.
 
Buổi sáng, những vạt nắng vàng tươi phủ trên sườn đồi phía sau nhà.
 
Bà sửa soạn sên mứt.  Bà chỉ làm mứt quất và mứt sen, hai loại này các con bà rất thích.  Nghĩ đến thằng cu Bi, bà muốn ôm nó vào lòng mà hôn hít và ghiền cho đã.  Ờ, bà chợt nghĩ ra, còn những đứa trẻ cháu của bà lần lượt ra đời và sẽ lớn lên.  Chúng phải đi học.  Nếu Tết vào ngày thường thì làm sao chúng xin nghỉ cả tuần được!
 
Bà biết là lát nữa bàn với ông thì ông lại sẽ nói rằng:  Thôi đi bà ơi, hãy vui với những gì mình đang có.  Đứa nào về được thì mình vui hơn.  Nếu không đứa nào về được thì còn có tôi với bà!  Bà cứ nghĩ ngợi lôi thôi làm gì cho khổ thân.  Đến đâu ta tính đến đó.  Hãy vui với ngày hôm nay.  Bây giờ và ở đây!
 
Đỗ Dung
 
Sưu tầm từ Internet
HỌC KHỔNG TỬ VÀ TÀO THÁO CÁCH LÀM NGƯỜI & CÁCH SỐNG TRÊN ĐỜI
 
Khổng Tử là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục nổi tiếng người Trung Hoa. Các bài giảng, lời dạy và triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á. Triết học của ông nhấn mạnh trên sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và đề cao các đức tính “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”.
 
Ông lưu lại cho hậu thế nhiều di sản tinh thần quan trọng. Đối chiếu với xã hội hiện đại, những tư tưởng của Khổng Tử hãy còn nguyên giá trị đáng để người đời sau học hỏi.
 
1. Cách làm người của bậc thánh nhân
  – Thành tín: Nói lời thành thật, có độ tin cậy
  – Đạo hiếu: Trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng hàng đầu.
  – Hối lỗi: Phải biết ăn năn, hối cải khi biết mình sai.
  – Chí hướng: Làm người phải có mục tiêu riêng, không để những kẻ lỗ mãng làm lung lay chí hướng của mình.
  – Bạn bè: Giữ tình bạn ở mức độ thân thiết phù hợp.
  – Khoan dung: Là một loại cảnh giới
 
2. Đạo đối nhân xử thế của bậc thánh nhân:
  – Nghe lời người khác nói thôi thì chưa đủ, cần phải quan sát hành động thực tế của họ để hiểu hơn.
  – Sống linh hoạt, không tự phụ.
  – Người không cùng chí hướng với ta thì không nên kết thành bạn bè.
  – Dĩ hòa vi quý: Trong mọi trường hợp nên dùng sự hòa ái, ngay thẳng để xử lý tất cả các mối quan hệ.
  – Cảnh giới cao nhất: Thái độ làm người trung dung, tức là giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập.
 
3. Lời nói và hành động của bậc thánh nhân
  – Với những lời đồn đãi vô căn cứ, người thông minh sẽ biết cách tránh xa và bỏ ngoài tai.
  – Không nên khoe khoang, nói được phải làm được.
  – Nóng vội hấp tấp sẽ hỏng việc, đừng ham mê những lợi ích cá nhân nhỏ nhặt.
  – Làm việc gì cũng phải trung nghĩa.
  – Làm người phải ngay thẳng, trung thực.
 
4. Luôn sống lạc quan, vui vẻ
  – Phải giàu lòng nhân ái, giàu tình cảm
  – Hoàng liên vi tiêu, khổ trung tầm lạc (tạm dịch: hoàng liên vị vốn đắng, nếu loại bỏ vị đắng    đó mới tìm thấy vị ngọt, cũng giống như con người tìm vui trong sự khổ hạnh).
  – Thay đổi hoàn cảnh, chi bằng thay đổi bản thân trước.
  – Đời người có vui vẻ hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính chúng ta.
  – Một người không suy xét tương lai lâu dài, tất sẽ có khó khăn ngay trước mắt.
 
5. Tu thân dưỡng tính, củng cố nền tảng làm người cơ bản
  – Những sự việc khiếm nhã, trái với lẽ thường chớ nên hành động, hãy để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người khác.
  – Gần mực thì đen gần đèn thì rạng
  – Qua gian nan thử thách chông gai mới có thể biết được phẩm chất đạo đức của con người.
  – Hãy làm chuyên gia trong lĩnh vực hiểu biết của bản thân mình.
 
6. Tài đức vẹn toàn mới có thể giành được lòng người
  – Sự thắng lợi nhỏ là dựa vào trí tuệ, sự thắng lợi lớn là dựa vào đức hạnh.
  – Bất kể việc gì nên tự yêu cầu bản thân làm cho tốt rồi mới nên yêu cầu người khác
  – Quân tử giúp người khác hoàn thành những việc tốt mà không dung túng những việc xấu xa. Tiểu nhân hoàn toàn ngược lại.
  – Người chú tâm vào việc học hành càng đến gần với thành công hơn.
  – Sống tới già, học tới già.
 
7. Tĩnh lặng đứng từ xa quan sát, lập chí lớn, làm người khiêm tốn
  – Nói ít làm nhiều, làm người phải có sự khiêm tốn.
  – Phải kiên trì bền bỉ mới có thể làm được mọi việc mình muốn.
  – Phải linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.
 
8. Biết tự nhìn vào sai lầm của bản thân, biết mang ơn thì mới có thể chiến thắng mọi nghịch cảnh
  – Mỗi ngày đều nên tự kiểm điểm bản thân về những việc mình đã làm.
  – Khiêm tốn là một loại mỹ đức.
  – Việc nhỏ không nhẫn nhịn được sẽ khó làm nên việc lớn.
  – Ở đời không sợ không có chỗ đứng trong xã hội, mà chỉ sợ không có năng lực đứng được ở vị trí đó.
  – Hãy học cách biết cảm ơn.
 
HỌC TÀO THÁO CÁCH SỐNG TRÊN ĐỜI
 
Tào Tháo là nhà quân sư kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Song hình tượng về nhân vật này hầu hết được khắc họa phản diện và bị ảnh hưởng tiêu cực do tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung. Do vậy, ông bị người đời coi là kẻ gian hùng, dối trá, vô liêm sỉ, bất nhân, bất nghĩa.
 
Nhưng thực tế lại cho thấy, ông thực sự là một nhà quân sư kiệt xuất bậc nhất thời Đông Hán. Trải qua thời gian dài của lịch sử, với những lời nói của Tào Tháo được ghi chép lại, đã cho thấy một con người tài năng lỗi lạc. Những triết lý sống của ông dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử vẫn được lưu truyền và để lại rất nhiều bài học cho hậu thế sau này.
 
 
1. Biết co biết duỗi, đừng phô trương khả năng nhất thời
  – Chỉ làm vương không xưng đế, không quan tâm tới danh lợi nhất thời.
  – Biết co biết duỗi đúng lúc, thích ứng với mọi hoàn cảnh.
  – Biết cách thỏa hiệp, tiến lùi đúng lúc, đúng mức độ.
  – Đôi khi khuất phục cũng là thông minh.
 
2. Can đảm, thận trọng, dám nghĩ dám làm mới có thể làm nên sự nghiệp
  – Không đi theo lối mòn, khuôn phép cũ mới có thể đạt được thành tựu lớn.
  – Biết cách thể hiện bản thân cũng là một loại năng lực cạnh tranh.
  – Dám nghĩ dám làm, quyết tâm thực hiện mục tiêu.
 
3. Chăm chỉ khổ luyện, mới có thể đạt được mục đích sau cùng
  – Nhìn vào phong thái và sự tự tin của người khác.
  – Dù chọn con đường nào cũng phải tự mình đi.
  – Nghiêm túc tự rèn luyện bản thân, tự lấy bản thân làm gương mẫu mực.
  – Gặp nguy không loạn, gặp biến không sợ hãi.
 
4. Biến sự giúp đỡ của người khác thành sức mạnh của mình, để vượt lên trên mọi người
  – Dựa vào sự ủng hộ giúp đỡ của tập thể, có tinh thần hợp tác.
  – Không dựa vào một khuôn mẫu, mới có thể phát triển.
  – Có tấm lòng khoan dung rộng mở, mới có thể tìm được người đại tài trong những kẻ tiểu nhân.
  – Biết nhìn xa trông rộng, thoát khỏi vòng tròn bó buộc nhỏ hẹp, mới có thể kết giao với những người tài giỏi ở ngoài vòng tròn.
  – Biết thu nạp những người tài về dưới tay mình.
 
5. Nhìn xa trông rộng để phỏng đoán xu thế
  – Người có tầm nhìn xa trông rộng, cần bắt tay xử lý từ những chi tiết nhỏ nhất.
  – Người có tầm nhìn xa trông rộng, cần tìm được người thay thế mình về sau.
  – Muốn đạt được nguyện vọng về một việc nào đó, trước tiên hãy biết cho đi.
 
6. Người quản lý phải luôn có đầu óc linh hoạt, cả đời vẫn phải học cách trở thành lãnh đạo
  – Đối với những nhân tố ảnh hưởng bất lợi tới sự phát triển của sự nghiệp cần đề phòng cẩn thận.
  – Thưởng phạt nhất định phải phân minh.
  – Người quản lý phải luôn có đầu óc linh hoạt, đa dạng.
  – Dùng người thì không nghi ngờ người, người nghi ngờ vẫn có thể dùng.
 
7. Tính toán trước kỹ càng, vĩnh viễn không sợ thất bại
  – Làm mọi việc đến nơi đến chốn, về sau không phải hối hận hay lo lắng.
  – Đôi khi phải quyết tâm từ chối, có can đảm nói “không”.
  – Dù trong nghịch cảnh cũng phải suy nghĩ lạc quan, vĩnh viễn không sợ thất bại.