PHAN VIỆT NAM

 

MẸ TÔI
 
 
 
 
 
 
 
Cha tôi mất lúc mẹ tôi mới 34 tuổi, để lại mười đứa con côi cút. Côi cút đúng với cái nghĩa tang thương của nó. Tôi là anh cả. Lúc ấy mới 15 tuổi. Cái tuổi mà người bảo bẻ gảy sừng trâu, người bảo ăn chưa no lo chưa tới. Tôi, lúc ấy vẫn chưa hình dung phải làm gì để sống. Em gái út vừa mới một tháng tuổi.
 
Cha tôi thợ may nghèo. Gia tài để lại cho mẹ chỉ là một đám con nhỏ dại và một nỗi đau. Goá chồng, mẹ tôi từ nay chỉ có một đàn con và hơn hai mươi năm kinh nghiệm buôn gánh bán bưng.
 
Tôi còn nhớ rõ. Bạn bè, chòm xóm, người thân, ai cũng xót xa cho mẹ. Không biết chị Bảy làm sao mà nuôi một lũ con như thế đây? Rồi ai về nhà nấy.
 
Vửa mở cửa mã cho cha tôi xong, mẹ gửi tôi đi một vòng cám ơn mọi người đã đến viếng tang. Rồi xông pha chợ đời. Hàng đêm thức khuya và dậy thật sớm, có khi chỉ ngủ một đêm vài tiếng đồng hồ, để kịp phân phối hàng hoá cho bạn hàng. Mẹ tôi bù những giấc ngủ trên góc sạp chợ mỗi buổi sáng để chờ bạn hàng lẽ bán xong, thu tiền trả lại chủ vựa để hưởng  huê hồng. Cứ như thế ngày qua ngày, mẹ tôi mang về những tạ gạo, ký cá, tiền nong để nuôi mấy anh em tôi ăn, mặc, học cho đến lớn.
 
Chưa bao giờ, từ ngày cha mất, đến khi chúng tôi thật khôn lớn, mẹ tôi có một ngày nghĩ ngơi, đi xem một tuồng hát hay một phim lẽ. Những b áo cha đích thân may cho mẹ, mẹ giữ mặc những lúc dự đám cưới hay đi Chùa, ngày Tết cho đến khá nhiều năm.
 
Mẹ tôi vẫn hàng năm, như lúc cha tôi còn sống, cứ vào khoảng mấy tháng cận Tết là lo mua len, căm cụi đan trong những giờ nghĩ, 5 cái áo len đỏ cho 5 thằng con trai, 5 cái áo len xanh lá cây cho 5 đứa con gái. Những ngày cận Tết mẹ bắt mấy cô con gái phụ mẹ gọt bí, xâm gừng, rim từng thau mứt, gói và nấu những cây bánh tét để xài Tết.
 
Ngày 30 Tết, thể nào mẹ cũng kho Tầu một nồi thịt heo, dành ra một chồng bánh tráng, một rổ xà lách rau thơm để mấy anh em tôi vui Tết có cái ăn mà không cần đi chợ nấu nướng.
 
Năm nào cũng vậy, ngày nào cũng vậy. Mẹ lo cho anh em chúng tôi mà quên cả thân mẹ.
 
Những ngày giỗ cha, mẹ tôi luôn luôn có món thịt heo luộc chấm măm ruốc và ly rượu cho cha. Mẹ nói. Hồi còn sống, ba mày thích món này lắm. Dường như cuộc đời chung thủy của mẹ tôi đối với chồng gói ghém trong cái kỷ niệm thân thương, đơn giản, con nhà nghèo đó thôi.
 
Vậy mà mẹ ở vậy, thờ chồng, nuôi mười đứa con đến lớn khôn. Không đứa nào phải nghĩ học để đi làm kiếm sống. Chỉ có mình tôi, anh cả, tự thấy mình phải giúp mẹ. Thường khoảng 4, 5 gìờ sáng là thức dậy theo mẹ ra chợ, phụ mẹ ghi sổ sách giấy tờ. Vừa hừng sáng, mẹ đã nhắc con mau về sửa soạn đi học. Cái tuổi mới lớn của tôi thường xuyên thiếu ngủ, nhưng vui là đã giúp mẹ một tay. Cho đến khi vào Đại Học tôi vẫn hay bỏ cua để theo công việc với mẹ.
 
Tết Mậu Thân, mẹ chuẩn bị mỗi đứa một cái túi sắc nhỏ đựng sẵn áo quần, một ít thuốc men, thực phẩm khô, chai nước, chút tiền, một danh sách địa chỉ. Dặn dò chi tiết. Đứa lớn phải lo cho đứa nhỏ. Em út tôi 6 tuổi. Tôi 21. Nếu đánh nhau lớn phải chạy loạn mà thất lạc thì bằng mọi cách phải tới nhà bác Ngay ở Nha Trang. Một người bạn của gia đình nữa thế kỷ nay.
 
Ngày tôi đang học Thủ Đức, mẹ chạy đôn chạy đáo để nó được về đâu đó không tác chiến để mẹ yên tâm. Nhưng chuyện không thành. Mẹ lo lắm.
 
Ngày tôi bị thương, cũng chỉ mấy ngày nữa là Tết. Phòng Xã Hội Tiểu Khu hỏi tôi có muốn báo về gia đình không? Tôi xin họ để qua sau Tết. Chỉ ngày trước ngày sau, nhận được con bị thương nặng, mẹ đã phải vay tiền từ Đalat, tức tốc đi Bạc Liêu để thăm con. Những năm đó mẹ làm ăn thất bại, mẹ không có tiền. Mà dẫu có tiền mẹ cũng không thuê khách sạn. Hai mẹ con đêm nằm chung một cái giường bệnh cá nhân, nằm ngược đầu cho đủ chỗ. Tôi biết mẹ không ngủ được. Mấy ngày, yên tâm thằng lớn không sao, mẹ lại tất bật quay về Dalat để tất bật lo ăn, lo mặc cho 9 đứa ở nhà. Cũng chưa có đứa nào làm ra một xu để giúp mẹ.
 
Đến khi thằng em thứ hai, đăng lính Nhảy Dù, tim to, chạy tập xỉu lên xỉu xuống. Mẹ chạy đôn chạy đáo cho nó trốn trại về lại Đalat đi lính chi nhè nhẹ và ở gần nhà. Mẹ lo cho nó đi lính nghĩa quân, bỏ luôn mộng anh hùng Mủ Đỏ. Nhưng mẹ rất vui.
 
Đến thằng thứ ba, mẹ lại chạy đôn chạy đáo nhét thêm thằng nghĩa quân trong gia đình.
 
Thằng thứ tư xong Tú Tài 17 tuổi. Mẹ chạy tiền gửi nó đi du học.
 
Tôi giải ngủ sau 18 tháng bệnh viện. Như thế, bốn thằng con trai yên bề lính tráng. Không phải ra trận. Thằng út còn nhỏ. Mẹ chưa phải lo.
 
Lo ăn, lo măc, lo học cho đám con, lo chuyện lính cho năm thằng con trai, lo công dung ngôn hạnh cho năm cô con gái, nhưng chưa bao giờ mẹ lo cho mẹ cái gì. Tôi gẩm lại. Suốt từ ngày cha mất, mẹ chưa có cái gì riêng cho mẹ. Khi cha tôi mất, mẹ tôi còn trẻ và rất đẹp. Lời hoa ve bướm, mẹ để ngoài tai. Mỗi khi có giổ hay nhà có chuyện, mẹ tôi hay khấn Phật xong, khấn cha tôi “Ông sống khôn, thác thiêng về phò hộ cho mẹ con tôi..” Lần nào cũng thế.
 
Lòng mẹ đối với đàn con thật vô bờ. Em trai thứ hai của tôi bị tai nạn mất ở Việt Nam , cả nhà dấu sợ mẹ buồn. Thế mà suốt mấy tháng, từ Montréal, cà chục lần mẹ bảo “ Tao bồn chồn quá. Chắc thằng Long có chuyện gì đây…” Có mấy hôm, mẹ lại bảo “Tao nằm (mơ) thấy thằng Long. Chắc nó có sao đây….”
 
Cái ngày mẹ đi đoàn tụ, xuống phi trường Mirabel Montréal, mẹ đã tất tả đến bung cả nút áo, chạy đến ôm hôn từng đứa con,hôn hít nhưng chúng còn bé lắm.
 
Cái ao ước của mẹ là các con đưa mẹ đi một vòng Đất Nước (dù mẹ tôi từ Nam chí Bắc mẹ biết rất nhiều nơi). Nếu mẹ mất bên này, hãy đưa tro cốt mẹ vào chùa. Nếu mẹ mất ở Việt Nam , con đưa mẹ về nằm nghĩ ở phần mộ mà mẹ đã lo sẵn bên cạnh cha con. Nghe mẹ nói chuyện trối trăng mà không cầm được nước mắt.
 
Cái ước nguyện về thăm nơi Phật sinh ra, cái mơ ước có đứa con nào đưa mẹ đi một vòng Đất Nước. Chưa cái nào lũ con làm được cho mẹ, nhưng công sinh thành và nuôi dưỡng nên người thì lũ con đã hưởng trọn vẹn.
 
Ngày Của Mẹ, xin được vài dòng nói về mẹ tôi để ca tụng mẹ và tất cả những người mẹ trên thế gian này, những người Mẹ thương con vô bờ bến.
 
Viết lại 24 tháng 2 năm 2006
 

ĐƯỢC TIN EM MẤT
 



Thứ Hai, 6 tháng 5 2013Hôm qua bỗng dung tôi nghĩ đến em và có linh cảm rằng em đã mất – Hôm nay được tin em mất dấy trong tôi một nhói tim, một thở dài. Sinh Lão Bệnh Tử đời, người là thế. Một thở dài an ủi là từ nay em không còn khổ đau của cơn
bệnh đã mấy năm. Mấy năm trước nhìn hình em dự buổi họp mặt cựu sinh viên, tôi đã phải thốt lên “sao bây giờ em ốm tong teo như thế này ?” Hỏi ra mới biết vì em bị ung thư. Mấy mươi năm qua, mình không nên duyên nợ, phần vì tính lăng nhăng của tôi, phần vì ông xanh trời cao không xếp duyên kết nợ. Từng ấy năm, nhiều khi nhớ lại, tổng kết các mối tình, chỉ còn ba là còn nhớ, còn thương. Em là một trong ba mối tình còn đọng lại, khắc dấu trong tôi. Mỗi mối tình một góc trang trọng trong tim thay nhau xuất hiện đồng hành với tôi lúc ẩn lúc hiện. Tôi nhớ em nhiều nhất là tính kiên nhẫn đảm đang của em mà tôi cùng lũ bạn thân cả thảy năm đứa, trong đó có hai người anh của ẹm, đã nhiều lần tham gia những bữa ăn rất ngon do em nấu. Em vừa đi học, học giỏi, vừa lo nấu nướng cho cả nhà với lũ em hai dòng đếm không khi nào đủ, vì luôn có vài đứa em không có mặt ở nhà để mà đếm. Em là chị cả, em lo cho cả gia đình vui vẻ, học giỏi mà không hề tị nạnh. Tôi yêu quí em vì cái đoan trang đảm đang và hiền dịu của em, lẫn chút nể trọng khi đối diện với em. Tôi đã yêu em không với cái đam mê cháy bỏng như với PL, với tình yêu chăm chút nhìn ngắm với ML nhưng với một thứ tình âm thầm nhẹ nhàng. Một lần tôi đã nói với người cô của em ý muốn đánh tiếng hỏi em làm vợ dù lúc ấy tôi với em chưa một lời trao đổi, nhưng tôi biết chắc là em đã thấy tình tôi. Tính tôi cả quyết, đam mê và dấn thân. Một trong hai người anh của em đã lên tiếng xổ nho sau lời ấy của tôi. Tôi không giận anh của em, cũng là người bạn rất thân của tôi, nhưng một cái gì đã vụt vỡ tan … một cái gì ngần ngai thối chí vào thế chỗ … Tôi không giận vì tôi biết mình đã quá lăng nhăng và không ai có thể biết được tôi lăng nhăng phóng túng là để tìm cái nhất. Cũng khó mà biện minh. Tôi là thế đấy, đường hoàng, không theo nghĩa đạo đức mà thứ đường hoàng không gian manh lén lút … Tôi nghĩ chỉ có bước tới và bước tới. Sau lần ấy, tôi gặp em ở Dalat. Em đã nói với tôi “rồi sẽ cho nói” – Tuổi  trẻ đầy tự ái của tôi “anh về đây để nghe em nói – sẽ cho nói” một thứ kiêu hãnh hay đúng ra từ cái tự ái của tôi mà tôi cho rằng em kiêu hãnh, tôi phải “xin cho” cộng thêm câu nói xổ nho của người anh mấy tuần trước đó. Khi nói xong, tôi biết mình đã buông một dấu chấm hết và từ nay một góc nhỏ trong tim được mở ra để gìn giữ một kỷ niệm tình yêu. Tôi biết, mọi chuyện là do tôi. Tôi yêu say đắm PL rồi bỏ ngang tình yêu đó, đột ngột và tàn bạo, vì một lý do mà chỉ có tôi và PL biết. Mãi tới ngày hôm nay và mai sau, tôi vẫn nhiều ân hận về cuộc tình bị cắt đứt tàn nhẫn đó. Tôi vẫn biết tình yêu đầu đời của PL và trong một chừng mực nào đó, cũng là đầu đời của tôi. PL vẫn yêu tôi như những ngày đầu dù đầu hai đứa đã bạc từ lâu. Em biết, gia đình em biết, hai người anh của em biết nhiều hơn về cuộc tình đó nhưng không ai hiểu lý do tại sao dứt, chỉ biết cái tàn nhẫn mà tôi bỏ PL. Sau lần bỏ ngang tàn bạo đó, tôi về Sai Gòn học, dứt dự tính với em, gặp ML, đi lính, đi du học, trở về nước cưới ML làm vợ – cuộc đời vẫn cứ trôi. Thỉnh thoảng em vẫn hiện ra với tôi trong một lúc nào đó cho tôi một nụ cười nhẹ, một chút vui kỷ kiệm, một chút nhớ nhung. ML cũng biết mối tình của tôi với em, nàng có chút hờn ghen, nàng biết cuộc tình đam mê của tôi với PL, cũng một chút giận hờn. Nhưng tôi là thế đấy, tôi vẫn rõ ràng với vợ, với tôi: em đã dành trong tim tôi một góc nhỏ rất riêng. Thôi em lên đường về Đất Phật bình an và nhẹ nhàng, bỏ lại phía sau cái thân xác đã làm em đau mấy năm nay. Nếu có dịp quay về thì phù hộ chồng con và biết có người xưa vẫn nhớ đến em.
Bức thư trên tôi đã gửi về cho Nhơn bạn em để nhờ Nhơn đến đốt nó và thắp nhang cho em.
Tết Ất Mùi 2/2015, về thăm quê hương, tôi đã ba lần ghé qua nhà cũ của ba mẹ em ở Dốc Nhà Làng và cả ba lần tôi đều gặp
một hay cả hai người anh của em, có lúc cả chồng con và cháu ngoại của em vì thế mà tôi không tiện hỏi các em gái của em về ngôi chùa mà tro cốt của em được để ở đó – để tôi một mình lặng lẽ đến thắp cho em nén nhang. Rồi qua đến mồng Bốn Tết tôi cũng đạt được câu trả lời “Mãn tang một năm xong, tro của chị em đã được rãi trên núi
rồi. Đó là ước nguyện của chị em” – Đứa em gái cho biết. Ước nguyện của tôi cùng tin ấy đã tan cùng hư vô, chỉ còn mong rằng ước nguyện đó nó sẽ hòa lẫn với núi rừng Dalat theo đến từng hạt tro nhỏ của em. 
Lại một cú nhói tim và một cái thở dài nhưng cái góc riêng của em trong tôi vẫn còn đó và mãi mãi còn đó. 
 
PHAN VIET NAM
 

 
CHUYỆN THẰNG NHỎ
 
 
 
Buổi sáng sớm, nắng Sàigon đã lên cao và  đẹp. Cái nóng vẫn còn dễ chịu của mùa Noel. Trong cái khung ngựa xe như nước, áo quần như nêm của đường phố Sàigòn tám triệu dân, bốn bà cụ dẫn một thằng nhỏ đi Sàigòn “cho biết”. Đã qua giờ đi làm buổi sớm nên xe cộ có vẽ nới hơn, tuy thằng nhỏ vẫn thấy choáng ngộp.        
 
Cả nhà đều gọi các bà là Má vì họ là bốn chị em ruột. Thằng nhỏ là con của một trong 4 bà, thích nghe gọi như thế nhưng bản thân lại thấy ngượng ngùng cứ tiếp tục gọi kiểu hồi còn bé.
 
Má Ba, 86 tuổi từ bên Tây về, tóc bạc trắng, lúc nào cũng hai xâu chuỗi trên cổ, một xâu hột bẹc (perle) và một sợi dây chuyền lủng lẳng một miếng cẩm thạch. Má Ba yêu hột ngọc trai và cẩm thạch từ mấy chục năm nay. Đi chơi đâu mà thấy 2 món đó thế nào má cũng ghé xem. Thường thì xem là mua. Em, con, cháu của má dường như đứa nào cũng được má tặng một tượng Phật cẩm thạch để đeo. Thằng nhỏ đeo một cái mấy chục năm nay. Nó khai thiệt là cái này là má Ba cho vợ nó trước đây. Má vui khi thấy quà cho vẫn được đeo và nhớ đến má. Má bèn bảo “Thôi con giữ nó đi, dì cho vợ con cái khác” Một tượng Phật nhỏ xíu dễ thương được trao cho chủ mới. Merci má Ba.
 
Má Bảy, là má thiệt của thằng nhỏ, việt kiều Canada, 80 tuổi. Cũng cặp kính lão như má Ba. Má không phải thứ Bảy, nhưng vì má Sáu (đúng ra là thứ Năm nhưng lấy chồng thứ sáu) nên cái chỗ thứ sáu lẽ ra của má bị chiếm nên thành má Bảy. Tới phiên má, má lấy chồng (không biết vì sao người ta gọi bố thắng nhỏ là anh Tám dù bố nó đúng là anh Hai theo người Nam và anh Cả theo người Bắc), người ta gọi má thằng nhỏ là chị Tám. Rắc rối chuyện đời kéo theo người em kế thành ra chị Chín thay vì thứ mấy chi đó cho đúng thứ bậc. Nhưng thôi, đó là chuyện đời xưa. Lâu lắm rồi, ai cũng gọi là má Bảy. Má Bảy ăn chay mười mấy năm nay, Phật tử thuần thành, hàng năm đi quyên chỗ này nơi nọ, bạn bè quen biết để mang về giúp Chùa nuôi các cháu, quà cáp cho người già yếu đâu miệt Qui Nhơn xứ nẩu, quê của má. Ngày ba thằng nhỏ mất, nó mới 15 tuổi anh cả của một đàn em 9 đứa, đứa nhỏ nhất mới một tháng tuổi. Má Bảy phải tảo tần nuôi cả mười anh em. Mấy anh em nay còn 9 đứa. Thằng Long, em kế thằng nhỏ mất vì tai nạn xe.
 
Má Chín, người thứ ba 76 tuổi. Má Chín là người ít may mắn nhất trong mấy chị em. Chồng mất sớm. Bương chãi bao năm ở xứ Sàigòn nhiêu khê này. Dũng, con lớn của dì mới mất năm ngoái. Lúc nhỏ nó ở với má Bảy và là đứa em được quí mến nhất trong giòng họ. Về già, rất mừng là thấy dì dễ thở hơn lúc trẻ. Đứa con út của má đi bộ đôi bên Campuchea bị mìn mất một bàn chân. Nhờ vậy, Nhà Nước cho hoá giá mua căn hộ ở cư xá Thanh Đa mà má và các em ở từ miệt 75 đến giờ. Má Chín giờ sống trong đùm bọc của má Ba, má Mười và mấy anh đang sinh sống bên Pháp. Mừng cho má không còn những hôm chạy gạo từng bữa toát mồ hôi.
 
Má Mười, người thứ tư trong nhóm, 74 tuổi. Thật ra các má đều có tên đẹp, má Mười mang tên Lan, nhưng lâu rồi, gọi riết thành nếp. Má Mười đời cũng long đong. Khi dượng Thuận tử trận ở Pleime để lại cho dì 4 đứa con, số tiền tử tuất của một cố Trung Tá và chiếc Bảo Quốc Huân Chương đệ ngũ đẳng. Dì đã phải bươn chãi một mình, dắt các con đến các bạn của chồng hầu có được câu lạc bộ lính mà kinh doanh kiếm tiền nuôi con. Xem cái hình lúc dượng mất bốn đứa em còn nhỏ dại mà nao nao trong lòng. Má kể nhiều lúc trại bị tấn công, pháo rơi tứ phía chỉ biết khóc ròng sợ trúng pháo mà chết không biết con mình ai nuôi. Bây giờ nhìn hình má chụp với các em hồi ấy và cũng 5 mẹ con chụp mới đây mới thấy cái bao la của má Mười và cái “được hưởng” vô cùng của các em. Giờ đây, má Mười cũng được thảnh thơi nhìn mấy đứa con lớn khôn. Nhờ em Thảo, con trai lớn của má đang ở Mỹ chu toàn nên má Mười cũng không lo chuyện áo cơm.
 
Sau 75, má Bảy, má Chín, má Mười ba bà đều lăn xã chợ trời, buôn chuyến, buôn lậu để có tiền nuôi con, sống ngày nào hay ngày ấy. Xác xơ, khô héo dưới cái nóng của Saigon, láo liên giữa đám chợ đông từng phút từng giây sợ bọn Quản Lý Thị Trường, công an hay ngay cả bọn đầu gấu cướp giật… Rồi cái gì cũng qua đi, giờ đây các má lớn tuổi với đàn con nên người. Mừng cho mấy Má. Rất mừng mới đúng.
 
 
“Con đưa tay dì dẫn qua đường chứ ở đây nó chạy kinh lắm. Nguy hiểm” má Chín nói.
 
“Đây. Đưa tay dì dẫn qua cho yên tâm” má Mười cũng xen vói.
 
Thằng nhỏ trả lời “Con đi được mà” Nhưng hai tay đã được hai má nắm từng bước băng qua đường. Nói từng bước là chính xác, vì luồng xe vừa qua, nhích được một buớc thì đợt khác đã tới. Nó như một màn nhảy đầm vậy. Anh bước tới môt bước thì em lui một bước. Nhưng cũng không phải vậy. Nhảy đầm thì anh, em cùng nhịp. Ở đây bên nào lấn được một bước về phía trước là lấn. Đoàn chúng tôi chờ vừa có một khoảng trống phía trước mà nhắm chừng mấy chiếc xe đang đến mà chưa tới là chúng tôi bước tới. Các xe kia vòng phía sau lưng. Cứ như thế mà đoàn chúng tôi vừa “é măm bô” vửa “giựt gân kinh” chiếm lĩnh con đường vượt qua phía bên kia mà thở phào nhẹ nhỏm… Bravo các má.
 
“Để mấy dì dẫn con đi cho biết Saigòn” Mà đúng như vậy. Sàigòn ngày nay quá khác với Sàigòn mà thằng nhỏ về thăm năm năm trưóc. Chuyến xe buýt có ghế bọc vải trắng (phần đầu ghế) có máy lạnh, không có chen lấn gánh gồng, không có la hét chưởi bới, từ Thanh Đa đến quận 4 cuối trạm. Trên đường mấy bà giải thích cho thằng nhỏ những nơi mới, những nơi xưa kia là... Thằng nhỏ thật cám ơn mấy má. Không có chuyến “đi cho biết” này chắc thằng nhỏ lại quay về Mỹ ù ù cạc cạc về Saigon , nơi mà nó không hề có cái mong muốn đi phố. Người đông, xe chen chút nhau từng xăng ti mét. Ra đường là đụng phải ô nhiểm, ho sù sụ măc dù đã nghiêm chỉnh theo đạo Hồi lên cái mask bịt mũi miệng kín bưng. Dường như ở đây ai cũng không có thì giờ giận dỗi bực tức. “Mi chồm xe chận đẩu tao hử. Tao lách qua phía khác và chạy tiếp.” Trong khi thằng nhỏ trong bụng cứ “ĐM chạy cái gì mà ba trợn dzậy…” Tức mình không chịu được. Nơi nó ở, như thế là thiên hạ hông (honk) kèn inh ỏi. Có khi ngừng xe khệnh nhau hồng chừng. Người ta bảo dân Việt Nam ngày nay ra đường là thành Phật hết rồi. Không giận, không bực. Thế mới hay. Chuyến xe đi tuy máy lạnh không đạt lắm vì cứ người lên người xuống cửa mờ liên tu. Không lạnh nhưng không nóng. Đủ để khen khi so với xe buýt năm xưa. Cô soát vé lễ độ, vui vẻ. Tài xế chạy mực thước cẩn thận.
 
Đến trạm cuối quân 4, đoàn tham quan đa quốc gia (Pháp, Mỹ , Canada , Việt Nam ) lại lên xe buýt quay về bồn binh Sàigòn (tôi vẫn chưa hiểu tại sao gọi là bồn binh). Từ trạm xe buýt chính ở bồn binh (trước chợ Bến Thành) năm chúng tôi lại lấy xe buýt khác tiếp tục đi Chợ Lớn. Má Mười thật rành sáu câu. Đứng đây nè, chuyến xe buýt màu trắng. Coi chừng xe … Má chỉ đạo đoàn nhuần nhuyển. Mấy má khác và thằng nhỏ nghe theo răm rắp. Má Chín lại lo việc trả tiền xe. Mấy lần thằng nhỏ dành chi nhưng đều bị mấy má gạt phắc. Trên xe thằng nhỏ chụp hình hành khách và các má quên đi thiên hạ đang nhìn đám Việt Kiều “hồi hộp”. Mấy chữ việt kiều hồi hộp là do má Ba đưa ra. “Mày coi. Không hồi hộp sao được. Mỗi lần trả tiền là họ cứ nói bạc trăm ngàn, bạc triệu. Tao tính wài không ra. Hụt tiền thì chết cha”. Nhóm từ nghe là lạ nhưng cũng hay hay. Tôi đây đúng là thứ việt kiều hồi hộp. Gặp đám bạn cựu học sinh Trần Hưng Đạo, mới đầu có mấy thằng, trong bụng nhẩm tính, Ừ cũng chịu được, cả triệu trong túi mà lo gì. Lúc sau, thằng này gọi thằng kia ơi ới “Ê mày, có thằng P. về… Mau tới đây đi”. Cứ một khuôn mặt xuất hiện là tôi làm tính nhầm. Tới lúc cái ơi ới vượt tràn cái triệu đồng nhỏ nhoi thì việt kiều hồi hôp thất sắc kinh hoàng. Khi tôi kể chuyện vui này, cô em dâu bảo. Đây nè, mới có anh gì ở bên Úc về ở khách sạn mình, rủ một người bạn đi nhậu. Một hai người thành một hai chục người. Bia tưởng uống chơi mừng anh em lâu ngày gặp nhau, ai dè toàn là hủ chìm. Hai hôm, hai trận mất hai trăm (đô). Anh ấy hỏi em có xe nào đi NhaTrang cho ảnh dzọt gấp. Anh dzọt sau 2 ngày thay vì ở lâu hơn theo dự định. Không nghe nói chàng kia có họp ở Nhatrang hay không? Nhưng kiếp Việt kiều nay đúng là hồi hộp thiệt.
 
Từ Saigon, xe chạy về Chợ Lớn. Má Mười, má Chín thi nhau chỉ các chợ và kể những ngày bán hàng chui, hàng chạy. Đường phố đông đúc, nhà cửa tiệm tùng cũng đổi mới, sơn phết hoa hoè. Mường tượng lại những năm sau 75, thời ngăn sông cấm chợ, thật là thiên đàng địa ngục. Sắp Tết nên nhiều tiệm bán lân, trống, lồng đèn, những đồ chưng Tết đỏ rực.. Tuy ngồi xe buýt cưỡi ngựa xem hoa nhung cũng phần nào “mỡ nhãn” cho thằng nhỏ. Quay về Saigon trên một chuyến xe buýt khác. Cũng chỉ mất đâu 15,20 phút.
 
Về đến bùng binh Saigon đã trưa. Các má lại chăm lo dẫn thằng nhỏ qua đường. Khu bùng binh, xe chay vòng nhiều vô số. Khoảng đường lại rộng. Tuy được các má nắm tay dẫn qua nhưng mấy lần tưởng như tai nạn cận kề. Chợ Bến Thành nay tổ chức sạch sẽ, an toàn. Má Mười, má Chín bảo. Di dẫn con đi vào khu giữa chợ cho biết chứ đừng mua vì ở đó họ nói giá trên trời. Tôi lại nhớ những câu chuyện “trả thách” kinh hoàng ngày xưa của chợ Bến Thành, đến nỗi thằng nhỏ không khi nào bén mãng đến chợ Bến Thành, biểu tượng của Sàigòn hoa lệ. Tuy vậy, dì cũng mua cho thằng nhỏ mấy món hàng mà dì bảo là “bên kia” không có. Vòng ra phía sau, má Mười lại đãi ăn chè. Má Chín phụ hoạ “chè ở đây ngon lằm” Má Ba cũng trầm trồ. Chỉ có má Bảy và thằng nhỏ lần đầu tiện chỉ có ý kiến là “rất ngon” sau khi ăn.
 
Ăn chè xong, cả nhóm qua bên kia. “Bên kia” là khu cửa hàng quanh rìa chợ, do Nhà Nước quản lý. Giá cả niêm yết, người bán là công nhân viên. Nên trả bớt một đồng (thật ra không thể, vì tờ bạc nhỏ nhất mà tôi thấy là 500) cũng không bán. Cho boa (pourboire) thì nhận. Có lẽ thế. Chúng tôi mua một lô để làm quà khi quay về Mỹ. Má Ba ghé que cửa hàng bán cẩm thạch, xem nhưng lần này không mua gì. Vĩ có lẽ đã mua nhiều trong những lần viếng trước. Má Bảy tham gia ý kiến cho thằng nhỏ nên mua món này, nên mua món kia. Cà 4 má đếu lom lom coi chừng người bán đưa lộn hay tính giá sai. Thẳng nhỏ sinh ra lười. Má bảo trả bao nhiêu thì cứ móc túi trả khỏi lo.
 
Xong đâu đó, má Mười tổ chức kêu Taxi 7 chỗ ngồi (phải gọi như thế không thì thường là xe 4 chỗ ngồi đến) đưa mọi người tới một cái hẽm đường Nguyễn Huệ. Má đoan chắc là tiệm náy cơm ngon mà rẻ. Đúng vậy. rất ngon, rẽ, đông khách. Má Mười bảo hôm nào ờ nhà buồn, dì hay lấy xe buýt đi lung tung, có khi đi đến tận Củ Chi. Dì cũng thường hay vào ăn ở quán này.
 
Ăn xong lại kêu taxi 7 chỗ vế lại Thanh Đa.
 
Thằng nhỏ rất vui trong lòng. Cám ơn mấy Má rồi về nhà ngủ  trưa(cũng mé bên kia tầng lầu thôi) .
 
Thằng nhỏ ấy là tôi, Phan-Bá Phi, 60 tuổi.
 
Merci mấy Má.
 
 



 
 
CHUYỆN ĐALAT CỦA TÔI
 
   
Tôi sinh ra ở Đalạt. Mẹ tôi sinh ra ở Đalạt. Ông ngoại tôi là người nấu bếp và lo phát gạo cho phu thợ xây khách sạn Palace. Nếu dựa vào tuổi mẹ tôi năm nay 80, thì dòng họ ngoại của tôi đã có mặt ở Đalat ít nhất là 80 năm nay. Nói như thế để thấy mình gắn bó với Đalạt đến chừng nào , và cho mình cái tự tin để tản mạn câu chuyện về Đalat của tôi.
   
Ông ngoại tôi kể. Cái thuở ấy, trung tâm Đalạt nằm ở cây số 6. Có nhiều bạn chưa hình dung cây số 6 là ở đâu? Này nhé. Bên trái khu nghĩa trang Đalạt là cây số 4. Con đường bên phải của nghĩa trang về phía Núi Bà thêm độ 2 km là khu phố 6, cũng gọi là cây số 6. Thuở ấy khu Hoà Bình vẫn còn hoang dã. “Tây cho tao khu đất của Vĩnh Chấn bây giờ, mà tao đâu có thèm”. Ông nói, không có gì tiếc nuối về cái từ chối của mình. Không như thằng cháu đang trố mắt “Phải chi ông chịu thì…” Ước vọng của ông chẳng cao xa chi. Ngày hai buổi, đơn giản, bằng lòng. Ông ngoại tôi còn kể thêm “Thuở ấy, hồ ông Đạo (sau này gọi là hồ Xuân Hương) chưa có. Ở đó chỉ có con suối nước trong, có nai chạy cả đàn kêu bép bép. Con đường của mình đây (Phan Đình Phùng) chỉ có vài xóm nhà. Chạng vạng tối, muốn đi đâu phải đốt đuốc, khua thùng thiếc, đánh phèng la rùm beng. Chứ không cọp nó rinh (rinh, không với dấu huyền). Mọi người đều nghèo khổ, tứ xứ đến đây. Nhiều nhất là dân từ miền Trung khô cằn sỏi đá. Ông nói, hồi dó tao phải đi bộ từ Phanrang lên đến đây. Gặp con gái mọi để ngực trẩn thấy mum múm đã thèm. Ông không màng đến mấy chữ Hoàng Triều Cương Thổ, nơi mà muốn vào, phải có giấy phép của Tây hay Vua quan chi đó. Và tôi lớn lên cũng chỉ biết có vầy vậy.
   
Tôi hãnh diện là dân Đalạt chính tông, nhất là những khi người ta nói về Đalạt. Nào là “petit Paris”, nào là xứ hoa Anh Đào, nào là con gái Đalat má đỏ hồng, mới gặp đã thấy muốn thương. Cứ mỗi lần đi Saigon hay về Nha Trang, tôi cũng mặt đỏ môi hồng, mà sao chẳng có cô nào thương? Hay nóng quá, mồ hôi nhễ nhại làm các cô chạy dài chăng? Tôi hãnh diện những khi người ta nói về Đalat thông reo, có suối Cam Ly, có đèo Prenn, rừng Ái Ân, hồ Than Thở thơ mộng. Hay dù khi có những nụ cười rúc rích về cái lạnh làm mấy cô ít tắm. Mấy anh cũng ít tắm, nhưng người ta chỉ thích nói vế các cô má đỏ môi hồng. Nhiều khi nói chuyện về Petit Lycée, Grand Lycée mà cứ tưởng như mình là dân trường Tây chính cống. Cái hãnh diện lây lan đáng ghét. Nhưng mà, cái chất Tây nó cứ bàng bạc. Nó đã một thời làm tôi hãnh diện. Pasteur, Lycée, Grand, Petit, Couvent, Oiseaux, Domaine de Marie, những từ ngữ chen lẫn trong đời sống hàng ngày làm cho tiếng gọi “Con đường tình ái”, “Thung lũng tình yêu” nghe sao trần tục. Nó cần phải cái gì cao cấp. Dường như cái âm điệu “Route d’amour”, “Vallée d’amour” làm người nghe, nhất là khách đến từ thành phố lạ, trố mắt, tự cảm thấy quê mùa bên những chàng trai Đalat “Phờ răng xe” (français) chính hiệu.
   
Tôi hãnh diện với Đalat của tôi vì Đalat có những cái mà nhiều nơi không có. Mỗi lần đi đến thành phố xa, mười lần y chang một chục. Vài cây bông cải, chai rượu dâu, vài ký mận là quá đủ để hái những lời trầm trồ chúc tụng. Hối mới quen, tôi cũng tập tễnh làm anh gentleman, mang từng bó hoa hồng từ Đalat về cho người yêu xứ Saigon . Bây giờ nàng hỏi. Sao ngày xưa anh mang từng bó hoa hồng, sao bi giờ không thấy. Em ơi, ngày xưa em là ngưòi yêu bé bỏng, bây giờ em là bà xã cục cưng. Thôi miễn. Tiết kiệm thêm tiền làm việc thiện, tích phước cho con.
Tôi hãnh diện khi người ta nói về những cây thông Đalat, một loài cây, khi tôi còn bé, mẹ đưa mấy đồng, sai đi mua về nhóm lửa. Thuở ấy mẹ gọi là cây ngo. Từng bó ngo, thịt đỏ hồng, mùi dầu thơm thơm, bắt lửa rất nhanh, khói đen kịt. Người Thượng hay mang từng gùi về phố đổi gạo. Từ cây ngo, tên gọi thành cây thông, rặng thông, rồi đồi thông, thông reo đầy chất tình đến với tôi hồi nào không biết. Những ngày ở bậc Tiểu học, tôi cùng lũ bạn dắt nhau trèo, vượt qua mấy trăm bước thềm đến lăng Nguyễn-Hửu-Hào (bố của Nam Phương Hoàng Hậu của vua Bảo Đại), giữa những rặng thông già cao vút. Ngồi đó loanh quanh nghe sờ sợ như có ông Ba Mươi đâu đó bên kia mé rừng. Hay đôi lúc bạo gan chạy ùa đến thung lũng bên kia đồi để hái vài túi mát mát chua lét.
   
Những rặng thông vi vu thật yên tĩnh hửu tình cạnh hồ Than Thở, những rặng thông uốn quanh đèo Prenn, hay những rặng thông thẳng tắp vươn lên cao như bao trùm lấy cái “Route d’amour” đã làm chứng nhân cho mối tình mới lớn của tôi, đã gửi lại trong tôi những ngày rất đáng nhớ với anh em Hướng Đạo, Hồng Thập Tự. Những kỹ niệm thật đẹp, thật êm, vi vút ngàn thông, bây giờ cũng chỉ là những kỷ niệm thật đẹp thật nhớ.
   
Vào tuổi thanh niên, tôi lại thấy Đalat sao ớn quá. Mưa gì dai dẳng đìu hiu. Xứ gì, mới đi một vòng đã hết phố. Mấy chục cái cột quanh khu Hoà Bình đếm hoài không hết. Mỗi tuần đi mấy chục vòng. Vòng ngược vòng xuôi, mãi bao nhiêu năm vẫn không biết có bao nhiêu cái. Cứ mở mắt dậy, không đi học, không đi công việc thì lại trực chỉ khu Hoà Bình. Xin ba mẹ được vài trăm, vài chục lại chui vào, quay đi quẩn lại, cũng Café Tùng, Mékong, Thuỷ Tạ. Ngồi hàng giờ, cà phê một tách, trà (miễn phí) mấy bình. Cùng tranh nhau ngồi bàn cạnh của kiếng Mékong để được nhìn cô bé Liên ở cửa hiệu bên kia đường đang làm duyên làm dáng. Rồi cũng mấy câu chuyện nhai đi nhai lại, cũ nhách, bàn tán chê khen tưới sượi. Con đường này, mấy con đường này, tôi đã đi lại lắm lần, lần này cũng giống hay gần giống những lần khác. Nhưng tôi vẫn đi, lũ bạn vẫn đi. Những con đường quen thuộc. Quen thuộc đến sõi đá quen tên, như TCS đã viết. Đalat của tôi là thế đấy. Nên thơ và thật nhỏ bé, tù túng. Thế mà những câu vẫn dòn như bắp rang. Thế mà chúng tôi vẫn cứ đi và đếm những cây cột quanh khu Hoà Bình. Nghĩ lại, tôi thấy mình và lũ thanh niên ngày ấy thật quái chiêu.
   
Lại nhớ những ngày túi không tiền, bát phố suông mãi cũng buồn, đành vác mấy cần trúc đi câu.
   
Ba hồ, Xuân Hương, Tổng Lệ, Đội Có, hồ nào tôi cũng kinh qua.Mấy anh em trai đều học nghệ câu với ba tôi. Cá giếc, cá chép, cá Mỹ (một loại cá ‘bat’ mà người Mỹ mang thả ở hồ Xuân Hương đâu khoảng những năm 60, mà bà con gọi cá Mỹ cho tiện), tôi đều tham gia. Ngoại trừ môn câu cá lóc với cần câu quay (kiều VN) mà ba tôi rất thiện nghệ, mê thích và kiên nhẫn.
   
Cái còn nhớ và còn thật thương những ngày câu cá là cảnh mặt hồ gương của hồ Xuân Hương những chiều lặng gió. Cái mặt hồ nó đẹp lạ lùng. Nó phẳng đúng như gương, nó êm,  mịn như làn da mặt đứa con gái, đôi khi cũng đỏ hồng vào những buổi hoàng hôn, khi mặt trời còn ráng đỏ trên chặng núi Voi về phía xa xa. Nó phản chiếu cảnh vật một cách tài tình. Nhìn phía nào cũng thấy cái thực và cái phản chiếu. Cái đang thực thật là tỉnh. Cái phản chiếu cũng thật là tĩnh. Ngoại trừ những lúc rung rinh, lăn tăn gợn sóng do làn gió vu vơ mang tới hay những vòng cong bung tròn do chú cá đớp động đâu dây. Mặt hồ gương. Khen ai khéo tạo cụm từ. Cái nóc cao của trường Grand Lycée, cái đỉnh chuông Nhà Thờ Con Gà (nhà Thờ Chánh Toà), nhà Thuỷ Tạ, cái nào cũng có hai. Cái dáng người đi trên đường. Cái ảnh người đi dưới nước như hai người củng một nhịp, ăn khớp đến tuyệt diệu. Mặt hồ gương lung linh mây trời. Mây trên trời, mây dưới nước. Đẹp và thật êm. Tôi đã một lần gặp lại cảnh mặt hồ gương ấy trong một buổi chiều đi câu, sâu trong vùng rừng núi Laurentide ở Québec. Cũng rất đẹp và rất êm. Nhưng không làm sao bằng được cảnh mặt hồ gương của Dalat của tôi. Nó thiếu hẳn tiếng chuông chiều từ phía nhà Thờ Con Gà, nghe như tiếng ngân của lòng mình, thanh tịnh, bình an. Nó thiếu cái vùng sáng của mặt trời sắp tắt trên đỉnh núi Voi. Nhất là nó thiếu hẳn cái trong lòng của tôi mà chỉ có Đalat mới dành được một góc thật lớn.
   
Mấy chục năm qua. Bạn thân còn đủ 5 đứa. Có đứa, đã từng ấy năm chưa gặp lại. Chỉ biết, bọn nó, đứa nay ở nơi nọ nơi kia. Đã qua lâu rồi, những lúc đi, đếm, những con đường đầy kỷ niệm của tuổi trẻ và tình yêu. Đi không biết đi để đến đâu. Đếm mà không hình dung cho đến nhiều năm sau vẫn chưa đếm xong. Cái ớn của những ngày mưa dai dẳng, ướt át lê thê, bây giờ không còn. Cái nhớ những buổi chiều buông với mặt hồ gương thật bình yên. Vẫn còn, vẫn đậm. Và rất nhớ. Đalat chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng.
   
Viết lại ngày 06 tháng 3 năm 2006
 
PHAN VIET NAM