NGƯỜI PHỤ NỮ BỐ YÊU

Người con gái khi yêu thường yêu thật tâm thật dạ và cô ấy cũng thế, tình cảm của cô ấy đã là một kỉ niệm khó phai trong lòng của bố Hạ dù hai người chẳng thế đến được với nhau. Hạ chưa yêu ai, nhưng nếu có yêu thì cũng phải cố gắng cho kì được để mà lấy được người ấy.
***
Ở phòng khách nhà Hạ có treo một chữ "Phúc" thêu bằng tay rất đẹp. Chữ Phúc màu vàng nổi trên nền đỏ thẫm - màu đặc trưng của tranh thư pháp, đóng trong khung kính hình vuông đặt ở đối diện bàn uống nước.
Từ khi Hạ sinh ra đến giờ nó vẫn ở đấy và không bị dịch chuyển đi bất cứ đâu khác. Đó là ý của bố. Tuy bố không nói gì nhưng Hạ đoán rằng chắc nó là kỉ vật quan trọng trong đời bố.

Và cứ thế theo thời gian chữ Phúc ở đấy và chứng kiến tất cả mọi việc trong nhà, từ lúc bố mẹ Hạ lấy nhau rồi sinh ra Hạ cho đến khi Hạ lớn lên rồi trở thành một cô thiếu nữ như bây giờ.
Cái cách mà bố Hạ thể hiện tình cảm với kỉ vật của đời mình cũng thật lạ. Chẳng bao giờ bố kể cho Hạ hay bất cứ ai nghe về chủ nhân của bức tranh thêu ấy. Bố vẫn cứ mải miết những bước chân thật nhanh khi đi qua nó, cũng chẳng bao giờ ngắm nhìn nó mỗi ngày. Chỉ khi nào bố gặp chuyện gì đó ở cơ quan hay mẹ Hạ nặng nhẹ điều gì đấy thì bố mới chùng bước lại để mà ngắm mà chuyện trò với nó.
Thường thì chẳng ai biết được cái cách chuyện trò của bố chỉ trừ Hạ vì trong đầu cô lúc nào cũng muốn tìm câu hỏi về bức tranh. Những lúc ấy Hạ thấy bố đứng lặng trước nó hồi lâu rồi lại nhìn xa xăm vô phương hướng, lại tẩn mẩn đôi tay chùi đi chùi lại lớp bụi bẩn trên mặt kính. Hạ hiểu đó là những lúc bố thấy cô đơn nhất.
Người ta bảo cảm xúc thật của người đàn ông sẽ chỉ sống thật trước người quan trọng nhất với họ. Không phải mẹ Hạ thì người đó là ai đây? Lòng Hạ chạnh lại có cái gì đó hơi nhói ở tim. Hạ nghĩ đến mẹ..., những suy nghĩ cứ chồng chéo lên nhau. Hạ chợt linh cảm rằng đó là một người đàn bà...
***
Mẹ đi làm về không buồn ghé qua xem Hạ nấu nướng thế nào. Nặng nhọc và mệt mỏi đi lên phòng. Bố về ngay sau đó vội vàng chạy lên theo. Hôm nay bố đi đón mẹ. Hạ thấy lòng hơi bất an. Hạ chạy lên. Cánh cửa phòng đóng lại khô khốc.
Hạ nghe thấy tiếng bố nói nhẹ nhưng giọng gằn lại: "Em sao vậy, cô ấy chỉ là đi công tác ghé thăm gia đình ta thôi...chuyện đã trôi qua lâu rồi mà".
Mẹ không nói gì. Hạ nghe tiếng thở dài. Bố nói thêm vào: "Em chưa hiểu gì về cô ấy cả, đừng cư xử như thế. Anh giờ là chồng em, là cha của con Hạ...".
"Nhưng cô ta đã không lấy chồng anh có hiểu không? Là phụ nữ chưa chồng đấy"....
"Chưa có chồng thì sao đó là cuộc sống của cô ấy, là sự lựa chọn của cô ấy cơ mà...Nếu em đã nói vậy thì thôi, em nên nhớ anh chưa làm gì có lỗi với gia đình này."
Nói dứt lời bố Hạ lao ra khỏi phòng, nhanh đến nỗi bố không nhìn thấy Hạ đứng nép một bên cửa. Bỏ lại mẹ Hạ với đôi tay buông thõng trên ghế, đôi mắt mẹ rơm rớm lệ. Hạ hiểu ra điều gì đó....
Có ai đó đã từng nói mối tình đầu như đi trên cát đi thật nhẹ mà lún thật sâu.
Tối hôm ấy bố vẫn về nhà ăn cơm với 2 mẹ con, nhưng chỉ ăn thôi mà chẳng nói gì. Mẹ cũng vậy. Không khí gia đình thật căng thẳng. Hạ như nghe được cả tiếng thở của chính mình.
Bỗng mẹ Hạ nói "Ngày mai em nghỉ làm ở cơ quan. Anh cứ đưa cô ấy về dùng cơm với gia đình. Mọi việc đã có em và con lo ".
Bố Hạ cười nói: "Cô ấy đi ra bắc luôn rồi em ạ, không ghé qua nhà mình nữa lẽ ra tối nay cô ấy ghé."
Nói đoạn bố buông đũa đứng dậy, cái bóng cao gầy của bố đổ dài dưới ánh điện, chập chờn và cô đơn...
Tối hôm ấy bố Hạ buồn lắm, chưa bao giờ Hạ thấy bố buồn đến vậy. Bố dường như tránh những cái nhìn của mẹ, lặng lẽ ra ban công tầng 4. Hạ pha cho bố một cốc trà gừng rồi đem lên.
Khi Hạ còn đang lưỡng lự không biết nên đi xuống ngay hay ngồi lại thì bố gọi ngồi lại. Đó cũng là lúc mà những câu hỏi trong đầu Hạ được trả lời, nhưng thay vì là những cảm xúc bất an Hạ thấy lòng mình nghẹn ngào hơn cả...
Chủ nhân của bức tranh thêu ấy là cô Nga - mối tình đầu của bố Hạ. Hai người đã quen và yêu nhau trong những năm tháng học đại học. Mối tình sinh viên với biết bao cung bậc cảm xúc, biết bao lần tan rồi hợp, hợp lại tan... Cô ấy đã yêu bố Hạ nhiều lắm. Hạ cũng không biết có phải vì thế mà mãi đến tận bây giờ cô ấy không lấy chồng. Hạ hi vọng là không phải, vì như thế thì bố Hạ chẳng phải đã nợ cô ấy rồi hay sao.
Người con gái khi yêu thường yêu thật tâm thật dạ và cô ấy cũng thế, tình cảm của cô ấy đã là một kỉ niệm khó phai trong lòng của bố Hạ dù hai người chẳng thế đến được với nhau. Hạ chưa yêu ai, nhưng nếu có yêu thì cũng phải cố gắng cho kì được để mà lấy được người ấy. Hạ không muốn như thế để tuột mất tình yêu tốt đẹp của đời mình, để giờ này ngồi đây bố Hạ không phải nói ra một câu đau lòng như thế: "Cô ấy có dám liên lạc gì nhiều với bố đâu, chỉ là lần này ra công tác có ý muốn ghé thăm nhà, thăm con mà bố cũng chẳng mời được cô ấy một bữa cơm con ạ ..."
Hạ đặt tay lên vai bố. Gió ở đâu bỗng ùa về, cuốn theo tiếng lòng của người đàn ông đang lúc trăn trở.
Đèn đường đã bật tự bao giờ, sắc vàng trải dài như sắc vàng của chữ Phúc nhà Hạ vậy.
 
( Sưu tầm )
 
      HÌNH ẢNH MỘT MÙA ĐÔNG.  
 
 
Mới vào Đông mà đã có tuyết, buổi chiều tuyết bay lác đác, càng về tối càng rơi mau. Trong cái lạnh bất ngờ của đất trời, tôi không ngủ được, vừa buồn vừa náo nức vu vơ.
Khi cu Tí đã ngủ yên trong gối chăn, tôi mở cửa ra đứng bên lan can nhìn quanh khu phố bình dân, những ngôi nhà bằng gỗ cũ kỹ đang đắm chìm trong mưa tuyết.
Tôi tưởng cả dãy apartment này cũng đang ngủ như những ngôi nhà đối diện kia, vậy mà chẳng biết từ lúc nào Phái đã đến bên tôi:
-         Hiền chưa ngủ à?
-         Cả anh nữa, anh cũng chưa ngủ à?
-         Tuyết rơi nhiều quá, nên tôi ra ngoài xem sao, thấy Hiền đứng đây…
-         Vâng, tự nhiên tôi thích nhìn tuyết rơi trong đêm dù chỉ vài phút thôi.
-         Vậy Hiền cho phép tôi đứng với Hiền vài phút ấy nhé?
Tôi không nhận mà cũng chẳng chối từ, bâng khuâng nhìn màn tuyết trắng lung linh, mờ ảo trong ánh đèn đường vàng nhạt, vài chiếc xe vội lướt qua, họ đi đâu về đâu mà mang theo cả mùa Đông với bụi tuyết trên xe?.
Sau vài phút im lặng Phái dè dặt hỏi:
-         Hiền có thích thơ không?, tôi đọc cho Hiền nghe nhé?
-         Anh đọc đi, Hiền thích thơ lắm, nhất là trong lúc này.
Phái đọc khe khẽ bên tôi:
-         “ Mưa tuyết, mưa tuyết trong đêm,
 Trên đường phố vắng càng thêm lạnh lùng,
 Buồn tôi không có chỗ dừng,
 Không bờ bến giữa mênh mông đất trời…”.
    Đọc thơ xong Phái nói tiếp:
-         Những câu thơ này tôi vừa mới làm xong và bước ra đây…
-          Không ngờ anh Phái làm thơ hay thế!
-         Cám ơn Hiền, tôi chỉ viết lên cảm xúc thật của mình mà thôi.
Bất ngờ Phái vụng về nắm bàn tay tôi, giọng anh run run:
-         Hiền, tôi chưa bao giờ có cơ hội đứng với Hiền trong một đêm mưa tuyết đẹp như thế này, để được nói với Hiền rằng tôi đã …tôi đã…yêu Hiền.
Tôi rút vội tay về và cũng vụng về chẳng kém gì anh:
- Cám ơn anh Phái, nhưng Hiền… chưa nghĩ đến.
 Giọng anh vẫn ngại ngùng:
-         Tôi muốn nói để Hiền hiểu và tôi sẵn sàng chờ đợi Hiền. Thôi, Hiền vào nhà đi kẻo lạnh.
-         Chúc anh Phái ngủ ngon.
Tôi bước bào nhà, cảm tưởng như có ánh mắt anh nhìn theo che chở cho đến khi cánh cửa khép lại để một mình anh đứng đó bao lâu nữa, tôi không biết.
Giấc ngủ vẫn chưa đến, tôi trăn trở vì đất trời chuyển mùa và vì anh. Chẳng cần anh phải nắm tay tôi tỏ tình thì điều này tôi cũng biết từ lâu rồi, hơn một năm nay rồi, và vài người hàng xóm Việt Nam trong khu apartment này cũng biết thế với những gì anh đã cư xử, chăm sóc hai mẹ con tôi. Tôi làm ca sáng, anh làm ca chiều, trưa nào anh cũng đón con tôi về học, cho nó ăn, nó ngủ, chờ tôi đi làm về, anh thường chơi đùa với cu Tí và dắt nó đi cùng xuống phố, khi thì đi đổ xăng, khi thì anh hớt tóc, cu Tí cũng được hớt tóc, khi thì  vào Wal-Mart mua cho nó đôi giày mà nó thích. Cu Tí yêu mến và quấn quýt anh như hai cha con. Tôi bảo anh đừng chiều nó quá, anh mỉm cười hiền lành và giải thích là anh yêu trẻ con, có nó nên cuộc sống độc thân của anh đỡ buồn.
Anh hiền lành và tử tế thế, làm sao mà tôi không cảm động và ấp ủ tình cảm cho anh? Con đường đến với anh chắc cũng đơn giản như cuộc sống nơi phố nhỏ này, chị Kim, người hàng xóm chơi thân với tôi và với anh Phái luôn vun vào:
-         Chị tìm đâu ra một người đàn ông chân tình như anh Phái? Anh ấy yêu chị và yêu thằng cu Tí như con, chị thì mẹ goá con côi, người ta độc thân chưa lập gia đình lần nào.
Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện sẽ lấy anh, nếu như cách đây mấy tháng không có một chuyện quan trọng làm tôi đắn đo suy tính. Một gia đình hàng xóm cũ của cha mẹ tôi hồi còn ở Việt Nam, nay đang sống ở Houston đã làm mai tôi cho một người quen của họ, ông ấy hơn tôi mười mấy tuổi, goá vợ, có sẵn nhà cửa, và đang làm chủ một nhà hàng đông khách. Bác hàng xóm cũ đã vẽ cho tôi cảnh phồn hoa đô thị, thành phố lớn đông vui, náo nhiệt, và đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống,.
 Bác thuyết phục tôi mua vé máy bay về Houston, trước là để thăm thành phố sau là ra mắt ông Hoà, vì ông bận làm ăn nên không có thì giờ đến thăm tôi trước cho phải lẽ. Tôi tò mò thành phố lạ và tò mò cả người đàn ông có thể sẽ làm thay đổi cuộc đời tôi, thế là hai mẹ con tôi đã đến Houston vào mùa Hạ vừa qua.
Thành phố lớn đông dân cư và cộng đồng người Việt Nam sung túc đã làm tôi choáng váng, tưởng như mình mới vừa đặt chân đến Mỹ, ông Hoà và tôi đã gặp nhau, ông có vẻ ưng ý tôi ngay khi gặp mặt, ông cần một phụ nữ hiền lành, chăm chỉ để cùng ông chung sống và chăm sóc cơ ngơi.
Tôi lại thêm một lần nữa choáng váng khi thấy căn nhà to đẹp và khu nhà hàng sang trọng lúc nào cũng tấp nập khách vào ra của ông.
Vợ ông mất, hai đứa con đã trưởng thành, sống ở nơi khác vì công việc, chỉ một mình ông tất bật với nhà hàng. Sau lần gặp mặt đó, ông Hoà và tôi thường trò chuyện qua điện thoại để tìm hiểu nhau thêm trước khi quyết định sống chung, những câu chuyện làm ăn của ông từ tay trắng đến thành đạt như ngày nay làm tôi chóng mặt, kính nể.
Tôi, một cô gái nơi tỉnh nhỏ Việt Nam , được cưới sang Mỹ, lại an phận nơi phố nhỏ chồng tôi sinh sống, ngày ngày hai vợ chồng cùng đi làm hãng xưởng. Hạnh phúc ngắn ngủi, khi cu Tí được ba tuổi thì chồng tôi đột ngột mất sau một cơn bạo bệnh, tôi và người chồng xấu xố đều chẳng có thân nhân nào ở Mỹ, nên tôi vẫn bám lấy phố nhỏ này vì quen bạn bè, quen chỗ làm và chỗ ở.
Tôi cũng nghe người ta kể nhiều về những thành phố lớn, nhưng tôi không có khả năng thay đổi cuộc sống của mình, để hàng ngày vẫn đi ngang qua những ngôi nhà gỗ cũ kỹ trong khu phố, đêm vẫn nghe tiếng xe lửa vọng về đúng giờ giấc, những hình ảnh đó, âm thanh đó quen thuộc như một phần đời, dù tôi mới đến Mỹ được 6 năm. Nếu không có bác hàng xóm thì tôi cũng chả có lý do gì về Houston để thấy cuộc đời còn bao la trước mặt.
Ông Hoà hứa hẹn hết mùa Hạ sẽ đến đón mẹ con tôi về Houston, rồi lại hẹn mùa Thu, và lời hẹn mới nhất là mùa Đông này, chỉ vì một lý do- ông giải thích- là quá bận rộn nên chưa thực hiện được lời hứa, tôi như một đứa bé con đang háo hức chờ đợi chiếc kẹo ngọt còn ở xa tầm tay mình, tôi lo ngại ông Hoà đắn đo vì còn đang tìm những người đàn bà khác ngoài tôi? biết đâu cuối cùng tôi sẽ bị bỏ rơi?
Nhưng những lần gọi phone của ông lại cho tôi niềm hi vọng, được về sống nơi căn nhà to lớn của ông, phố xá tấp nập nay mai sẽ có mặt mẹ con tôi, cu Tí sẽ đi học tại một ngôi trường lớn, tôi sẽ là vợ của ông chủ nhà hàng có cả chục nhân viên. Ông Hoà tài chánh vững vàng sẽ bảo bọc hai mẹ con tôi, rồi tôi sẽ sinh cho ông một hai đứa con để sự ràng buộc giữa tôi và ông càng thêm vững chắc.
Những lúc trôi vào giấc mơ hạnh phúc như thế, tôi bỗng thấy phố nhỏ buồn nản, với những buổi sáng dậy sớm, tất bật lo cho hai mẹ con để rời khỏi nhà đúng giờ và chiều lại trở về căn phòng rẻ tiền mà chật vật lắm tôi mới có tiền thuê nổi, đồng lương ít ỏi, trả tiền nhà xong chỉ vừa đủ chi tiêu. Tôi như chiếc bánh xe quay tròn trong cuộc sống, không có thì giờ và không thể ngừng lại nghỉ ngơi.
Sáng thức dậy, tuyết đã ngừng rơi từ lúc nào! cả đường phố đâu đâu cũng có tuyết trắng. Mặc thêm áo ấm cho cu Tí rồi hai mẹ con tôi lao ra phố, đánh thức cái lạnh mùa Đông bằng nhịp sống hàng ngày của mình như mọi người. Ra đến ngoài sân thì chiếc xe của tôi đã được cào tuyết sạch sẽ, bên cạnh những xe hàng xóm còn phủ đầy tuyết. Tôi ngước nhìn lên tầng lầu, căn phòng anh còn đóng cửa, nhưng còn ai vào đây khác đã làm công việc này cho tôi, ngoài anh?.
 Chẳng biết đêm qua anh đi ngủ lúc nào và sáng nay anh dậy sớm lúc nào? Anh như thần thoại, luôn đỡ chân đỡ tay cho tôi những lúc cần thiết như thế này, suốt mùa Đông năm trước tôi có lần nào phải cào tuyết trên xe đâu.
Bỗng dưng tôi đứng trước ngã ba đường, một con đường về phía anh, và một con đường về phía ông Hoà. Vật chất phù hoa cũng làm tôi rạo rực như tình cảm của anh dành cho tôi. Nhưng tôi không muốn lấy anh để lập lại những gì tôi đã sống nơi đây, hay dù anh đưa tôi đi bất cứ nơi đâu, cũng vẫn là hai bàn tay trắng làm lại từ đầu, lại đi làm cật lực và sống cần kiệm tính toán, lại thuê nhà, lại trả nợ tiền mua xe…
 Chiều tôi đi làm về thì trước sân đã có một snowman, tác phẩm của anh và thằng cu Tí, anh có đủ trò làm vừa lòng cu Tí, snowman có hai mắt to đen, có cái miệng rộng mỉm cười và đầu đội chiếc mũ bằng vải của anh, trông ngộ nghĩnh và vui mắt làm sao!
Cu Tí sung sướng khoe với tôi thằng snowman và nó ao ước ngày nào cũng có tuyết để ngày nào cũng có Snowman. Nó từ trên lầu apartment chạy xuống sân để chơi với Snowman mấy lần mà không biết mỏi chân.
Thấy thằng bé vui thích, tôi chợt băn khoăn không biết ông Hoà có yêu thương thằng cu Tí như anh đã yêu thương nó không?. Lần gặp ông Hoà ở Houston , ông không quan tâm đến cu Tí mấy, ông chỉ ngắm nhìn tôi và khoe chuyện làm ăn.
Mà thôi, mới gặp gỡ vài ngày thì làm sao ông Hoà có tình cảm với cu Tí ngay được? nếu ông yêu tôi thì ông cũng sẽ yêu chiều con tôi. Tôi nghĩ thế.
Buổi tối tôi bất ngờ nhận được phone của ông Hoà, ông quyết định hai ngày nữa đến đón hai mẹ con tôi về Houston , hôm ấy sẽ không có tuyết rơi và  thời tiết đã ấm lại.
Thế là giấc mơ của tôi đang đến gần.
Tôi cũng làm một quyết định quan trọng là xin nghỉ việc và làm thủ tục trả căn phòng cho chủ. Khi tôi gặp chị Kim để thông báo chuyện này thì chị sửng sốt:
-         Chị đi thật sao? Chị bỏ anh Phái thật sao?
-         Tôi đã hứa hẹn gì với anh ấy đâu!
-         Nhưng anh Phái yêu chị như thế. Tội cho anh Phái quá!
Tôi ngậm ngùi:
-         Tôi cũng buồn lắm chị Kim ạ, nhất là phải chia lìa người mà thằng cu Tí yêu mến.
Cái điều làm tôi e ngại nhất là phải đối diện anh để nói lời chia tay, nhưng chắc chị Kim đã nhanh nhẩu báo cho anh biết rồi, nên khi sang nhà anh, thấy anh rất trầm tĩnh, dù trên nét mặt không dấu được nỗi buồn:
-         Chúc mẹ con Hiền đi bình yên. Hiền hãy quên những gì tôi nói trong đêm mưa tuyết ấy đi.
Tôi nói lời xã giao nhạt nhẽo:
-         Khi nào anh có tin vui nhớ báo cho mẹ con Hiền mừng với nhé.
Còn thằng cu Tí, tôi phải kéo tay nó về nhà và giải thích, dỗ dành đủ điều nó mới tin rằng chuyến đi xa của chúng tôi sẽ làm nó vui thú, và hứa hẹn một ngày nào đó chúng tôi sẽ về đây thăm bác Phái của nó.
Lần này thì ông Hoà đúng hẹn, ông không đến đón mẹ con tôi bằng máy bay như tôi tưởng mà bằng xe do chính ông lái. Từ thành phố nhỏ của tiểu bang Kansas về Houston mất chừng 6 giờ, ông giải thích không quá xa để đi máy bay, thời buổi này vào ra phi trường tốn nhiều thì giờ và tốn tiền. Ông là một nhà kinh doanh thì việc gì ông chẳng tính toán thiệt hơn, biết đâu đó cũng là một trong những bí quyết thành công của ông?
Tôi hớn hở chất va ly lên xe, hành lý của tôi là giấc mơ đổi đời chứ không phải đơn giản chỉ mấy cái va ly này, ra tiễn tôi tận xe có chị Kim, chị rưng rưng nước mắt không biết vì sắp phải chia tay tôi hay thương cảm cho anh?
Có lẽ giờ này anh đang ngồi trong căn phòng độc thân với nỗi thất vọng vì một lúc mất đi hai người mà anh thương mến?
Tôi giơ tay chào chị Kim và nhìn lại dãy apartment lần cuối khi chiếc xe từ từ lăn bánh, thằng snowman vẫn còn đứng đội mũ trước sân dù tuyết đã chảy đi ít nhiều. Chốc nữa anh đi xuống sân nhìn thằng snowman và chắc sẽ nhớ thằng cu Tí?. Ngày mai anh đi ra phố hớt tóc hay đi đổ xăng sẽ không có cu Tí đi cùng, và những ngày sắp tới anh sẽ yêu ai?
Dãy apartment đã lùi xa và khuất lấp. Xe ra khỏi thành phố, đã thấy hai bên là cánh đồng trơ trọi phủ tuyết trắng mênh mông đến lạnh người.
 Không còn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc nữa  cu Tí khóc oà, kêu lên:
-         Mẹ ơi, con muốn về nhà để xem thằng snowman của con.
Tôi vuốt tóc nó an ủi:
-         Mình đang về nhà khác mà, sẽ có nhiều thứ cho con chơi, nhé!
Thằng bé bướng bỉnh:
-         Không! con muốn về với bác Phái, con muốn chơi với snowman cơ.
Trời ơi, thì ra cu Tí cũng quặn đau như tôi, đâu dễ gì chỉ một chuyến đi xa với hình ảnh đẹp hứa hẹn phía trước là người ta quên ngay được những hình ảnh đã quen thuộc?
Ông Hoà đang lái xe, nãy giờ vẫn im lặng, bỗng quay lại cau mày, gắt:
-         Em có dỗ con em thôi gào khóc được không?. Nó làm anh điếc cả tai.
Lần đầu tiên có một người đàn ông không phải là cha nó, đã gắt gỏng với nó trước mặt tôi như thế. Tim tôi như vừa chạm vào chiếc gai nhọn đau đớn. Ông Hoà lại tiếp tục càu nhàu:
-         Em phải biết dạy con em, không được chiều nó quá. Nếu cần phải đánh đòn nó mới chừa…
-         Nó trẻ con rồi sẽ quên ngay ấy mà. Tôi yếu ớt và mủi lòng lên tiếng bênh vực cho con.
Cu Tí linh cảm ngay người đàn ông xa lạ kia không chút gì cảm tình với nó, thằng bé nín khóc, nép vào người tôi và len lén nhìn ông Hoà với vẻ sợ sệt.
Tội nghiệp con tôi! Quen được anh nuông chiều, nâng niu, vậy mà trên chuyến xe chia lìa nó với bao kỷ niệm cũ đã làm nó tổn thương, lại càng tổn thương hơn vì những ánh mắt lạnh lùng và những lời cáu gắt của người đàn ông mà tôi đã lựa chọn.
Bỗng dưng tôi chỉ muốn hét lên, muốn bảo ông Hoà quay xe cho tôi trở lại phố nhỏ, trở về dãy apartment nơi căn phòng cũ, gần căn phòng của anh, nhưng tôi không đủ can đảm mở miệng, tôi đã quyết định và không còn liên quan gì đến nơi chốn ấy nữa.
Tôi yếu đuối và thụ động ngồi ôm con trong vòng tay như để che chở cho nó trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ông Hoà lại lạnh lùng lái xe và không nói thêm câu nào.
Tôi hoài nghi nhìn con đường highway dài tít tắp trước mặt, không biết có đưa tôi về ngôi nhà hạnh phúc mà tôi từng rạo rực chờ mong?.
 Nhưng tôi biết chắc là hình ảnh một mùa Đông nơi phố nhỏ, có đêm mưa tuyết tôi và anh đứng bên nhau, có thằng snowman anh đắp cho cu Tí trước sân nhà sẽ theo tôi không biết đến bao giờ….
                         Nguyễn thị Thanh Dương.
                                
 

                                 
 LỄ TẠ ƠN CỦA BÀ TƯ .
 
 -  Má nói gì con chưa hiểu rõ?
-  Lễ “Gà Tây” năm nay má sẽ đích thân nấu nướng, chiêu đãi các con. Má cũng mới thông báo với vợ chồng chị Hai con rồi, tụi con khỏi phải làm gì hết nghe.
Chị Bông vẫn chưa tin:
-         Má không nói đùa hả má? Nhưng má định làm món gì? Nhiều người Việt Nam mình, lễ Thanksgiving của Mỹ mà ăn bằng các món Việt Nam như phở, bún thịt nướng, chả giò v..v..không có đúng kiểu đâu má ơi.
-         Lễ Gà Tây thì má sẽ làm món gà tây, con khỏi lo.
-         Nhưng con gà tây nặng 10 pound trở lên, má bê vô lò nổi không? Cực thân má!
-         Má baby sit đàn cháu nội, ngoại, đứa nào cũng mập ú trên 10 pound, má ẵm bồng còn được nữa là. Thôi, má chuẩn bị đi chợ mua gà tây đây.
Bà Tư cúp phôn, dứt điểm, không để cho cô con dâu thắc mắc thêm nữa.
Đây quả là một chuyện bất ngờ chưa từng có, từ ngày làm con dâu nhà này, mỗi dịp lễ Thanksgiving, hoặc gia đình chị Bông hoặc gia đình chị Hai luân phiên nhau làm tiệc, để hai gia đình, cùng ba má vui hưởng ngày lễ lớn này, chứ bà Tư có bao giờ đoái hoài tới.
Chị Bông có nhiều công thức để nấu, để nướng món gà Tây, mà các con chị, cũng như con chị Hai đều rất thích. Mùa lễ nào ra mùa lễ đó, ngày Halloween thì chị cũng vác về mấy trái bí đỏ để trước cửa, dẫn hai con đi sắm quần áo, mặt nạ, quần áo hoá trang, mỗi năm mỗi kiểu. Lễ Easter thì mua kẹo bánh hình quả trứng và dẫn các con đến các địa điểm vui chơi để lượm trứng. Lễ Giáng Sinh thì chị cũng chưng một cây thông xanh bên cạnh lò sưởi, giăng hoa kết đèn, dù nhà chị không theo đạo Thiên Chúa.
Bà Tư đã nhiều lần phàn nàn:
-         Ba cái ngày lễ ở Mỹ đâu có nghĩa lý gì với người Việt Nam mình mà con bầy ra cho tốn công, tốn tiền, “Lễ Gà Tây” mình không ăn được gà tây, sao con không nấu gà ta? “ Lễ Bí Đỏ” có một ngày mà con cũng mua sắm, sao không cho tụi nhỏ dùng đồ năm trước? Còn cái màn lượm trứng mùa lễ phục sinh mới là vô duyên, người ta mất công đem trứng rải ra trên cỏ rồi cho con nít đi lượm. Có ăn gì được mấy trái trứng đó đâu?
Chị Bông phải mỏi miệng giải thích:
-         Sống ở đâu phải theo phong tục đó má ơi! Cả nước Mỹ làm sao con làm vậy.
Bà Tư đành chịu thua con dâu và con gái. Thôi thì mặc tình cho tụi nó, còn hai ông bà sống riêng, mọi việc lớn nhỏ đều theo kiểu Việt Nam, máy giặt, máy sấy có đủ trong nhà, bà vẫn ngâm đồ dơ trong chậu, và giặt giũ, đem phơi đằng sau vườn, có nắng, có gió quần áo thơm tho, chỉ khi nào vào mùa Đông lạnh lẽo hay trời mưa gió thì may ra hai cái máy giặt, sấy đó mới được bà đụng tới.
Khi tắm thì ông bà hứng nước ra một cái thùng kê dưới vòi nước và múc từng chậu nhỏ dội lên người, khỏi cần dùng vòi hoa sen chi hết, nước giăng tùm lum. Còn cái máy rửa chén trong nhà coi như… vô dụng, suốt  nhiều năm qua vẫn mới tinh, bà để úp bát đĩa, chứ chưa bao giờ xử dụng, vừa hao nước, hao điện, vừa chờ lâu.Thà bà đứng rửa bằng tay, chỗ nào dơ thấy liền, kỳ cọ loáng một cái là xong, bảo đảm sạch sẽ hơn máy.
Bà rất ghét nhà trải thảm vì bà không tin rằng máy hút bụi có thể làm hết bụi được, nên nhà bà đã lót gạch, dễ quét dọn và lau chùi sạch sẽ tinh tươm.
Thỉnh thoảng các con đi nhà bank chở bà theo, thấy chúng ngồi ngoài xe mà rút tiền hay gởi tiền đều mau lẹ, chỉ nói vài câu vào máy, rồi viết vài chữ, bỏ tờ giấy trong cái hộp, đợi nó chạy lên vào nhà bank và chạy xuống là xong. Đối với bà, điều ấy thật “nguy hiểm” nếu trục trặc, sai trái điều gì thì thấy ai đâu mà khiếu nại? Nên ông bà cứ vô thẳng trong quầy, tiếp xúc trực tiếp với nhân viên, “ba mặt một lời” và diễn tả thêm bằng…hai tay là chắc ăn nhất.
Những ngày lễ của Mỹ, bà gọi theo cách riêng của bà cho dễ nhớ, Easter là “Lễ Trứng” ngày Halloween bà thấy chợ bày bán nhiều bí đỏ, thì gọi là “Lễ Bí Đỏ” và Thanksgiving là “Lễ Gà Tây”.
Hai ông bà đều không thích ăn gà tây, mỗi năm các con mời đến dự tiệc thì ông bà chỉ nếm thử một hai miếng cho vui với con với cháu, rồi chủ yếu là ăn đồ Việt Nam kèm theo.
                                 ***       ***      ****
Ông Tư đang cằn nhằn bà Tư:
-         Người ta nói đàn bà lên cơn như thời tiết, lúc nắng lúc mưa, không sai tí nào! Xưa nay bà có thiết tha gì tới ngày lễ Tạ Ơn đâu, bà có ăn nổi món gà tây đâu? sao lần này bà nhảy ra dành làm với tụi nó? Nãy chở bà đi chợ, tôi vác con gà tây ra xe, nặng ê cả tay.
-         Thì ông không từng nói vợ chồng chia sẻ buồn vui, khổ cực đó sao? Tôi dư sức bưng con gà tây, nhưng muốn tạo cơ hội cho ông có dịp ga lăng với tôi như ngày xưa thôi.
Bà mỉm cười và liếc mắt nhìn ông, thì làm sao ông có thể cằn nhằn thêm được nữa:
-         Thôi, bà dẹp cái nụ cười nhí nhảnh ngày xưa của bà đi, tôi biết thừa cái “mỹ nhân kế” của bà rồi, muốn sai tôi làm gì là bà mang ra xài…
-         Vậy ngày mai ông lại giúp tôi bỏ con gà tây này vào lò nướng và khi chín thì mang ra ngoài nhé?
-         Biết rồi, mà bà hãy trả lời tôi tại sao bà lại rước mệt nhọc vào thân cho hai vợ chồng già chúng mình?
-         Để chiều mai bữa tiệc có đông đủ con cháu, tôi nói luôn cho long trọng. Với lại năm nào các con cũng đãi mình, năm nay mình phải đãi lại tụi nó một bữa cho bất ngờ.
-         Bà lúc nào cũng cho tôi sự bất ngờ. Hồi tôi còn trẻ, yêu bà muốn cưới bà, nhà bà giàu nhà tôi nghèo, chỉ lo sợ bà đòi hỏi nọ kia, ai dè bà đã đồng ý lấy tôi với một đòi hỏi thật dễ dàng, làm tôi bất ngờ muốn té ngửa, là phải hứa sẽ dẫn bà đến một cánh đồng mênh mông gió và hoa thơm cỏ dại. Tưởng hứa dẫn bà lên mặt trăng, mặt trời, thì tôi không dám, chứ dẫn bà ra cánh đồng cỏ, quê tôi thiếu cha gì. Thú thiệt, mới nghe tôi tưởng bà “mát” hiểu ra càng thấy thương bà, thế là lấy nhau xong tôi chở bà về quê tôi cho bà tha hồ ngắm cánh đồng cỏ, cánh đồng lúa đến phát ngán, bà phải tự nguyện rút lui, và không chịu về quê nữa.
-         Khi người ta còn trẻ ai mà chẳng lãng mạn. Thuở đó tôi chỉ ao ước được sống nơi miền quê thôn dã…
-         Thử cho bà cuốc đất trồng khoai, đêm tối không có điện, muỗi đốt tùm lum xem bà còn thích đồng quê nữa không? Mấy cô tiểu thư thành phố như bà cao lắm chỉ ở được 3 ngày.
-         Cho tới bây giờ, tôi vẫn thích những cánh đồng mênh mông gío trên đất Mỹ và thích những vườn cây trái. Ước gì tôi trẻ lại, để đi làm công việc hái nho, hái táo trên cành hay hái những trái dâu chín đỏ dấu mình trong đám lá bên bờ ruộng. Chắc là vui thú lắm!
Ông Tư kêu lên:
-  Thì ra bà vẫn chưa hết mộng mơ lãng mạn, vẫn y như mấy chục năm về trước. Nhìn chùm nho, trái táo chín trên cây thì đẹp đấy, nhưng cái nghề lao động hái trái này cực khổ trăm bề chẳng ai muốn làm, vậy mà bà ao ước làm…cho vui.
Ông nói đúng quá, bà mỉm cười không cãi, lo ướp con gà xong đậy kín để vô tủ lạnh, rồi bà đi ướp con cá để ngày mai làm món cá nướng, còn bánh cake bà đã đặt ngoài tiệm, mai mới lấy về. Thế là sẽ có một bữa tiệc Tạ Ơn ngon lành, vừa Mỹ vừa Việt.
                          ***       ***    ***
Gia đình con gái và con trai bà Tư đã đến đông đủ, họ ăn mặc chỉnh tề đẹp đẽ, năm đứa cháu nội ngoại xúm lại coi con gà tây của bà Tư vừa nướng xong bày ra bàn, chắc chúng đang tò mò so sánh có bằng mẹ chúng đã từng làm không?
Chị Bông cũng hết nhìn con gà tây nằm ngay ngắn trong cái đĩa to, bên cạnh đĩa cá nướng vàng thơm phức xung quanh có đĩa bún trắng và rau thơm xanh, với chén nước mắm tỏi ớt sóng sánh như gọi mời.
Mọi người ngồi vào bàn, anh Hai lên tiếng trước:
-         Con đại diện hai gia đình cám ơn ba má bữa tiệc Tạ Ơn hôm nay, và nhất là cám ơn ba má bấy lâu đã baby sit cho đám cháu nội, ngoại, để tụi con được an tâm đi làm, và tiết kiệm được tiền bạc.
Ông Tư giục:
-         Bây giờ đến phiên bà tuyên bố lý do bữa tiệc gà tây này cho con cháu nó nghe, mà tôi cũng đang muốn nghe đây.
Bà Tư mỉm cười nhìn chồng và nhìn các con, chậm rãi nói:
-         Đơn giản, lễ Gà Tây là lễ cám ơn chứ gì? Câu chuyện nước Mỹ tạ ơn gì đó, má không rành lắm, nhưng mình cứ lấy đó làm ngày tạ ơn nhau trong cuộc đời này đi. Những năm trước má không để ý đến ý nghĩa sâu xa của nó, dần dần má mới hiểu như Bông, con dâu má đã giải thích, sống ở Mỹ phải theo phong tục của họ, huống gì đây là một phong tục tốt đẹp. Má nhận ra rằng cuộc đời và nước Mỹ này đã cho má nhiều thứ quá, má có dâu hiền, rể thảo, có đàn cháu xinh, và chúng ta đều có cuộc sống an lành đầy đủ. Nên má làm tiệc Gà Tây này để nói lên lời cám ơn cuộc đời, cám ơn các con các cháu đã cho má niềm vui gia đình khi tuổi về già.
Rồi bà quay qua ông, dịu dàng:
-         Tôi cũng cám ơn ông luôn ở bên cạnh tôi.
Ông gật gù:
-         Biết rồi, luôn ở bên cạnh bà để cho bà sai bảo chứ gì! Trời, hôm nay bà lại làm tôi bất ngờ quá!
Bà Tư  bày tỏ nỗi niềm:
-         Má cũng muốn tâm sự với các con. Trước khi toàn bộ gia đình mình ở Mỹ, đã trải qua bao gian nan, lo lắng. Không bao giờ má quên được ngày thằng Bông đi vượt biên, má như ngồi trên đống lửa, trông chờ từng ngày.
Anh Bông reo lên:
-         Con nhớ chuyện ngày ấy mà bây giờ còn tức cười đó má. Khi má sửa soạn quần áo cho con lên đường vượt biên, má cứ luôn âu yếm dặn dò: “ Quần áo này thay xong con nhớ đem giặt và phơi trên boong tàu cho mau khô nghe con”
Đi vượt biên, trốn chui trốn nhủi, nằm bẹp dí trong khoang tàu như cá hộp mà má cứ làm như đi du lịch trên tàu Titanic vậy đó.
Ông Tư phụ hoạ:
-         Má con là thế đó, bà thương chồng, thương con đến khờ người luôn. Đi vượt biên chưa lo tới cái chết mà chỉ lo con không thoải mái, không có quần áo sạch mà mặc.
Bà Tư cãi:
-         Tôi tin sống chết là số mệnh nên chỉ biết cầu nguyện thôi, còn cái gì lo được thì cứ lo. Thế rồi ước nguyện đã thành, thằng Bông định cư ở Mỹ, lần lượt bảo lãnh ba má và chị Hai. Cả nhà đoàn tụ, có giấc mơ nào đẹp bằng giấc mơ này của má đâu?
Bà Tư nói tới đây cảm động quá, nước mắt rưng rưng. Vợ chồng chị Hai và vợ chồng Bông cùng vỗ tay tán thưởng:
-         Vậy là chúng con đã hiểu mục đích bữa tiệc gà tây của má ngày hôm nay rồi.
-         Chưa hết, còn một điều này nữa cũng quan trọng không kém. Má muốn nói một điều chân tình, không chính trị chính em gì hết nghe, ba má sang đây, đi làm đâu có là bao, không đủ tiêu chuẩn để lãnh tiền hưu, thì nhận được trợ cấp tiền già của chính phủ Mỹ, mỗi tháng đều đặn gởi tới nhà, không bao giờ sai sót, ba má tiêu xài còn dành dụm chút đỉnh thỉnh thoảng gởi về Việt Nam giúp đỡ bà con xa gần.
Ông Tư gật gù:
-         Điều này bà nói đúng ý tôi đấy, ở Việt Nam , người già sống lệ thuộc vào con cháu. Ở Mỹ, người già vẫn có “lương” cho tới chết thì thôi.
Anh Bông nâng ly bia lên cao:
-         Vậy thì chúng ta phải cám ơn đất nước tự do dân chủ này !!
Ông Tư hào hứng:
-         Cách đây vài tuần Ba có đọc một bài báo, nước Mỹ đã tìm được tàn tích của một người lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1971. Họ làm lễ tưởng niệm và an táng hài cốt người lính này. Người vợ goá năm xưa được trao tặng một lá cờ danh dự. Đó cũng là một cách trân trọng tạ ơn của người Mỹ cho người lính của họ đã chiến đấu, hi sinh, vì tự do dân chủ và hoà bình trên thế giới.
Bà Tư chép miệng:
-         Họ tưởng niệm vậy là đúng rồi, nhưng bà vợ goá đó chắc cũng mấy lần lấy chồng, hay bao lần hẹn hò bồ bịch, đâu có xứng đáng nhận cái vinh dự này?
-         Bà nhận xét thật là ích kỷ, chiến tranh đã cướp đi người chồng khi bà ta còn trẻ,  hạnh phúc dở dang, thì còn ai xứng đáng hơn để nhận cái danh dự này? Còn chuyện bà vợ goá ấy có đi thêm mấy bước nữa cũng chẳng nhằm nhò gì, người chết là hết, người sống vẫn phải tiếp tục cuộc đời của họ.
Ông Tư nói tiếp cho hết ý:
-  Mà tìm kiếm tàn tích một người lính Mỹ mất tích ở Việt Nam đâu phải rẻ, dưới thời ông Tổng Thống Bill Clinton, tôi đọc báo đã nói tốn hơn một triệu đô la cho một người rồi. Suốt mấy chục năm qua chính phủ vẫn mỏi mòn tìm kiếm hơn một ngàn người lính Mỹ mất tích ấy.
-  Làm gì mà tìm kiếm lâu giữ vậy cho hao tiền hao sức? bà Tư thắc mắc hỏi.
-  Thì phía Việt Nam luôn làm khó dễ, đòi hỏi điều kiện nọ kia, câu giờ để “hành” anh nhà giàu Mỹ quốc.
Chị Hai đang lấy dao cắt ra từng lát gà tây. Bà Tư trở về với hiện tại:
-         Thôi nào! chúng ta ăn gà tây trước đi, khi  ngán thì ăn tới món súp măng cua và cá nướng với bún, rau sống.
Chị Bông ăn thử một miếng gà tây và rối rít:
-         Má ướp gì mà ngon đậm đà vậy?
-         Má đọc mục nấu ăn trong báo Việt Nam , thì ra làm món gà tây nướng lò đâu có khó khăn gì! Má làm cái một.
Ông Tư phân bua:
-         Nhưng không có công của tôi thì không xong đâu nhé. Má con chỉ ướp gà thôi, còn ba là người phải đút gà vô lò, canh chừng tới giờ để mang gà ra ngoài. Nếu sơ xuất không để ý làm cháy khét là chết với má con đó.
-         Hoan hô ba má.
-         Cám ơn ba má.
Cả nhà cùng cười vui vẻ. Bữa tiệc Tạ Ơn của bà Tư càng thêm ấm cúng và ngon miệng.
 
                Nguyễn thị Thanh Dương