Sưu tầm từ Internet.
 
QUÀ GIÁNG SINH CHO CON
 
 
Có bao giờ quý vị đặt câu hỏi tại sao người ta tặng quà cho nhau trong dịp Giáng Sinh không? Chúng ta có tục lệ tặng quà cho nhau nhân dịp Giáng Sinh ít nhất là vì hai lý do sau đây:
 

 1. Giáng Sinh là ngày Thiên Chúa ban cho nhân loại món quà vô giá của thiên đàng đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu
 
Trong đêm Chúa giáng sinh, thiên thần đã hiện xuống loan báo cho các mục đồng: “Đừng sợ chi, vì này ta báo cho các ngươi một tin lành, ấy là hôm nay tại thành Đa-vít Chúa Cứu Thế đã sinh ra!” Chúa Cứu Thế là món quà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại mấy ngàn năm trước. Ngày Chúa Cứu Thế giáng sinh là ngày nhân loại nhận món quà quý giá và cần thiết đó. Tuy nhiên, mỗi chúng ta có thật sự nhận được quà của Thiên Chúa hay không là tùy chúng ta có bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế và mời Ngài ngự vào làm Chủ cuộc đời chúng ta hay không.
 
 2. Khi Chúa ra đời có các nhà thông thái bên Đông phương theo vì sao lạ đi tìm Chúa
Khi gặp Ngài, các nhà thông thái đã dâng cho Chúa Hài Đồng ba món quà đặc biệt là vàng, nhũ hương và một dược, nói lên ba chức vụ quan trọng của Ngài. Vàng cho thấy Chúa là Vua của nhân loại, nhũ hương chỉ về chức thầy tế lễ của Ngài. Chúa sẽ dâng chính Ngài làm tế lễ để cứu nhân loại và một dược chỉ về những khổ nạn Chúa phải chịu. Chúa Cứu Thế phải chịu chết cách đau đớn trên cây thập giá để cứu nhân loại ra khỏi tội.
 
Mong rằng Giáng Sinh năm nay khi tặng quà cho nhau chúng ta đã hiểu tại sao mình lại tặng quà nhân dịp Giáng Sinh. Nhân nói về quà cáp, trong câu chuyện gia đình hôm nay chúng tôi xin chia xẻ vài điều về món quà chúng ta mua cho con em trong gia đình.
 
Con em trong gia đình chúng ta mấy hôm nay có lẽ suy nghĩ nhiều về những món quà các em mơ ước nhận được trong mùa Giáng Sinh này. Một số những mơ ước đó sẽ được chương trình “Niềm Mơ Ước Giáng Sinh” đáp ứng. Những em khác có lẽ đã chia xẻ ước mơ của mình cho ông bà, cha mẹ và những người thân khác trong gia đình và ước mong điều mình mơ ước sẽ được toại nguyện.
 
Có lẽ mấy hôm nay một số quý vị phụ huynh cũng suy nghĩ không biết nên cho con quà gì nhân dịp Giáng Sinh này. Và có thể quý vị đang gặp nan đề vì vợ chồng không đồng ý với nhau về món quà sẽ mua cho con. Có lẽ chồng thì muốn cho con món quà con thích như đồ chơi hoặc các loại game, băng video băng nhạc, v.v... Nhưng vợ lại muốn cho con quần áo giày dép hay những vật dụng thiết thực. Như vậy chúng ta nên theo ý ai và nên mua gì cho con?
 
Có người nhớ lại hồi nhỏ mình mặc cảm vì gia đình nghèo thiếu, buồn vì thèm muốn những món đồ chơi con nhà giàu có mà mình không bao giờ được đụng đến, vì thế bây giờ sẵn sàng cho con những gì con muốn để các em không phải thèm thuồng mơ ước điều gì. Nhưng có người thì không đồng ý, bảo rằng cho con tất cả những gì con muốn là làm hại con.
 
Thật ra ngày nay chúng ta thấy cha mẹ thường có khuynh hướng cho con quá nhiều vật chất: đồ chơi, quần áo và bất cứ điều gì con muốn. Nhiều người nghĩ rằng nếu mình thương con và muốn tuổi thơ ấu của con được vui vẻ thì nên cố gắng cho con những gì con thích. Thật ra, lý do sâu xa khiến cha mẹ muốn cho con những gì con muốn là vì cha mẹ không dám nói: “Không” với con. Ngày nay ít có ai dám nói thẳng với con rằng ba má sẽ không mua cho con điều con thích vì con không cần, chưa cần hoặc nó không tốt cho con. Nhiều người không dám nói như thế vì sợ con buồn, giận và không thương mình nữa. Nhất là những người gia đình không trọn vẹn, bây giờ chỉ còn con cái là nguồn vui, là hạnh phúc của đời sống, vì thế bằng mọi giá cố gắng chiều con. Có người lại nói: Ngày xưa mình nghèo, phải chấp nhận thiếu tho&aa cute;n, còn bây giờ làm có tiền, tại sao không cho con cái hưởng những điều tay mình làm ra? Mình làm là để cho con, sao không cho con hưởng?
 
Là cha mẹ chúng ta phải cho con đầy đủ những điều cần dùng trong đời sống, đó là điều phải, đó là trách nhiệm của cha mẹ. Tuy nhiên, vì sống trong xã hội tư bản, nhu cầu vật chất lúc nào cũng được nhắc đến, được quảng cáo khắp nơi, con em chúng ta dễ bị cám dỗ nay mong có điều này, mai mong ước điều kia, hầu hết là những điều không cần thiết. Nếu chúng ta chiều theo tất cả những ước muốn của con, chúng ta sẽ làm hại con hơn là mang lại ích lợi và vui thỏa cho con.
 
Một người bạn của chúng tôi mới về Việt Nam trở lại chia xẻ nhận xét sau đây. Anh nói: Trẻ em ở quê nhà không có nhiều đồ chơi, quần áo và mọi thứ như trẻ con ở Mỹ, nhưng nét mặt các em thanh thản, vui tươi. Khi được ai cho một cái kẹo, cái bánh hoặc ngay cả khi chơi với những viên đá, hòn sỏi, nhánh cây, các em cũng chơi thật vui vẻ thỏa thích. Trẻ em ở Mỹ có đầy đủ những điều các trẻ em khác mơ ước nhưng có bao nhiêu em vui vẻ thỏa lòng, không than phiền, không mơ ước gì nữa.
 
Nếu quan sát những gia đình chung quanh mình, đặc biệt là những gia đình trẻ, có một hai đứa con, vợ chồng có công ăn việc làm tốt, chúng ta sẽ thấy nhà nào cũng đầy đồ chơi, kể cả những đồ chơi mới vừa xuất hiện ở thị trường và những đồ chơi đắt tiền nhất. Có những em mới một, hai tuổi, một mình em có cả một nhà đồ chơi, đủ màu đủ loại. Cha mẹ thương con và muốn cho con được đầy đủ, đó là điều tốt nhưng lắm khi chúng ta đua nhau cho con quá nhiều, quá đáng một cách không cần thiết.
 
Trong tờ Focus on the Family số tháng 12 năm 1996, Tiến sĩ James Dobson có bàn về vấn đề mua quà cho con. Ông đưa ra một số ý kiến rất thực tế, chúng tôi xin chia xẻ lại với quý vị sau đây:
 
 1. Nếu chúng ta cho con cái quá nhiều vật chất các em sẽ không biết quý những gì mình có
 
Nếu để ý cách con cháu trong nhà mở quà trong dịp sinh nhật hay Giáng Sinh chúng ta sẽ thấy điều đó. Vì có quá nhiều quà, các em mở cách vội vàng, cẩu thả. Khi đã biết món quà đó là gì, các em chỉ liếc mắt nhìn một cái hoặc nếu thích thì ôm vào lòng một vài giây rồi tiếp tục mở những quà khác. Nhiều khi các em mở hết bao nhiêu quà rồi mà chẳng lộ vẻ gì thích thú. Và thường các em chỉ thích vài món quà trong một thời gian ngắn là chán, rồi lại trông mong được quà khác. Ít có em nào quý món quà mình có lâu dài. Không những thế khi có quá nhiều, các em sẽ phung phí, không chăm sóc giữ gìn điều mình có.
 
 2. Nếu chúng ta cho con tất cả những gì con muốn, các em sẽ không có lòng biết ơn
 
Khi con em chúng ta muốn gì cũng có, các em không biết ơn cha mẹ và người đã tặng quà cho các em. Không những thế, các em có thể nghĩ rằng việc cha mẹ cho các em những gì các em muốn là điều dĩ nhiên, vì trách nhiệm của cha mẹ là phải cung cấp đầy đủ mọi sự cho con. Có những em vì được cha mẹ chiều, muốn gì cũng có nên sinh ra khó tính, hay đổi ý, hay đòi hỏi điều này điều kia làm cha mẹ phải khổ sở, vất vả, mất bao nhiêu thì giờ, tiền bạc mà con vẫn không thỏa lòng.
 
 3. Nếu cha mẹ sẵn sàng cho con những gì con muốn, các em sẽ mau chán điều mình có và luôn luôn trông mong những món quà khác mới hơn
 
Khi con em chúng ta được cha mẹ cho quá nhiều một cách quá dễ dàng, các em không những không biết quý những gì mình có, dù đó là những món đắt tiền và là điều các em mong ước. Các em cũng không biết ơn cha mẹ nhưng sẽ tiếp tục mong muốn thêm những điều khác. Lòng ham muốn và ước mơ trong các em không bao giờ được thỏa đáp. Vì bản tính tham lam trong con người, chúng ta không bằng lòng với những gì mình có nhưng luôn luôn muốn có thêm. Con em chúng ta cũng vậy, nếu nhận được điều mình mong muốn cách dễ dàng, các em sẽ tiếp tục ham muốn và mơ ước mãi.
 
 4. Nếu cho con tất cả những gì con muốn, con em chúng ta sẽ trở thành ích kỷ
 
Các em sẽ đòi hỏi cha mẹ nhiều vì ham muốn nhiều và trở thành người ích kỷ, không biết nghĩ đến người khác, không biết chia xẻ điều các em có với người khác.
 
 Vì những nguy hại trên, đây là những điều chúng ta cần để ý khi mua quà cho con:
 (1) Đừng cho con ngay những gì con muốn
 
Cha mẹ có trách nhiệm cung cấp cho con những gì con cần nhưng cẩn thận với những điều con muốn. Một nguyên tắc mà mới nghe chúng ta thấy như là nghịch lý, đó là nếu muốn con vui và thỏa lòng, đừng cho con ngay những gì con muốn, cũng đừng cho tất cả những gì con muốn. Khi con chúng ta muốn gì cũng có và có ngay, các em sẽ mất đi niềm vui và sự thỏa mãn lâu dài. Ngược lại, khi chúng ta để con phải chờ đợi, phải đóng góp hay phải hội đủ một số điều kiện nào đó mới được điều các em muốn, các em sẽ quý điều đó và yêu thích nó nhiều hơn.
 
 (2) Đừng cho con những món quà quá lớn hoặc quá sớm so với tuổi của con
 
Nếu cha mẹ cho con những món quà quá lớn so với tuổi của con hoặc những món quà tốt nhưng quá sớm, con chưa sử dụng được. Đó là chúng ta vô tình cướp mất niềm vui của con. Có người cho con thật nhiều để bù đắp sự thiếu thốn tình thương mà con phải chịu, hoặc để bù đắp những thì giờ cha mẹ không thể dành cho con. Nhiều người con chưa vào trung học đã mua computer thật đắt tiền cho con, con vừa được 16 tuổi đã mua cho con một chiếc xe mới thật sang, để rồi sau đó phải khổ sở, nhức đầu vì con không biết gìn giữ, không biết quý những điều mình có.
 
 (3) Đừng chạy theo thời trang hay theo thị hiếu chung của người chung quanh khi chọn quà cho con
 
Năm 1996, món quà em nào cũng muốn có là con búp bê đặc biệt, gọi là Tickle Me Elmo. Con búp bê nhỏ náy giá khoảng ba mươi Mỹ kim và các chợ đã bán hết, ai chưa mua được thì không đâu có nữa. Tại sao người ta phải chạy theo những món đồ chơi đó? Vì trẻ em ở đây có quá nhiều đồ chơi, đủ loại đủ kiểu, các em đã chán, bây giờ phải tìm cái gì cho thật lạ, thật mới chưa ai có các em mới thích. Chúng ta nên tránh chạy theo thời trang, cố gắng mua cho con món quà mà ai cũng trầm trồ, mơ ước, trái lại chọn cho con món quà thích hợp với con, hữu ích cho sự học hỏi và phát triển năng khiếu của con.
 
 (4) Ngoài ra chúng ta cũng cần dạy cho con biết chia xẻ với người khác chứ đừng chỉ nghĩ đến thâu nhận cho mình
 
Thánh Kinh dạy “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.” Trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta cũng nên nhắc con nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình và xem các em có thể tặng gì cho người đó hay chia xẻ điều gì với người đó để bày tỏ lòng yêu thương và lòng biết ơn Chúa về những điều Chúa đã ban cho các em.
 
 Minh Nguyên
 


 
Sưu tầm từ Internet
CÃI NHAU NHƯ MỔ BÒ
 Lại Thị Mơ
Hồi nào tới giờ tôi cứ nghe người ta nói cãi nhau như mổ bò.
Thật tình sống ở thành phố, chưa bao giờ tôi được chứng kiến cảnh mổ bò như thế nào, nên cũng không hiểu tại sao khi mổ bò phải cãi nhau. Chắc là cãi nhau dữ lắm nên người ta mới ví như vậy.
Khi tuổi đã hườm hườm, con cái đi bốn phương tám hướng, chỉ còn lại hai “con khỉ già”. Tôi chợt nhớ tới câu ví trên, bỗng dưng tôi nhận thấy, có lẽ nên sửa câu trên thành “cãi nhau như hai con khỉ già”  thì đúng hơn.
Tám năm trước khi qua tiểu bang khác để dự đám cưới con gái của cô bạn thân. Bạn bè chúng tôi đã mấy chục năm chưa gặp mặt. Nay nắm được bàn tay của bạn mình, miệng reo vui, nhưng trong lòng  hụt hẫng. Thiệt tình không hiểu trong mắt bạn cũ, mình già như thế nào, chứ tôi rất ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng được khi nhìn thấy một cái đầu bóng loáng chỉ còn lơ thơ vài cọng tóc của một anh chàng từng được mệnh danh là “người đẹp” của trường mình ngày xưa.
Đúng là mình chỉ thấy người khác già, chứ mình không thấy mình già, dù người nào cũng đứng trước gương mỗi ngày!
Bên ngoài thay đổi nhanh thì bên trong cũng thay đổi chẳng kém.Từ tính tình đến thói quen hàng ngày. Chỉ một điều duy nhất là ai cũng không chịu nhận mình thay đổi: đó mới là vấn đề của hai con khỉ già.
Việc đầu tiên sau đám cưới là khi đi ăn bên ngoài, chàng không cần phải móc ví để trả tiền. Đó là dấu hiệu dễ nhất để phân biệt một cặp nam nữ khi bước vào quán ăn hay nhà hàng. Lúc trả tiền là bạn biết ngay, họ đang bồ bịch hay đã cột vào nhau (tie the knot). Mấy ông chồng cứ việc ngồi ung dung xỉa răng: đã có người lo chuyện trả tiền. Hầu bao của mình bị lột hết rồi, có giấu diếm được chút nào thì còn để “bù khú” với mấy thằng đực rựa, lúc chén chú chén anh. Chứ chén (với) em thì để em trả. A penny save is a penny gain.
Phục vụ cho cặp tình nhân, bồi sẽ được tip kha khá, chứ lấy nhau rồi họ cho ít xỉn. Cô tiếp viên ở quán ăn đang than thở với cô bạn thợ tóc, thì cô này cũng xua tay đồng tình: khỏi nói, mấy ông khách hồi còn độc thân mỗi lần cắt tóc cho nhiều tip. Lấy dzợ rồi cắt đi phân nửa. Có phải thế không quí vị đàn ông?
Hết đám cưới bạc tới đám cưới vàng, cặp uyên ương ngày xưa tình tứ lãng mạn bao nhiêu, thì bây giờ lãng nhách bấy nhiêu.Chẳng còn ca tụng tình em như tuyết giăng đầu núi, vời vợi muôn thu nét tuyệt vời.
Tuyệt vời gì nổi, khi bà thử cái áo mới mua về. Hí hửng hỏi: ông thấy có đẹp không? Không khen thì chớ, ông lại buông nguyên một gáo nước lạnh: 20 năm về trước.
Bữa khác ông quên bẵng câu trả lời của mình hôm nào. Cũng hí hửng khoe bộ cánh mới mua, và hỏi bà, chứ hỏi ai bây giờ. Bà chẳng thèm nhìn, chỉ phán một câu: trông như con bú dù!
Thế là huề, ăn miếng trả miếng.
Các cô gái Việt ngày xưa thường lấy chồng lớn tuổi hơn mình, vì chê con trai bằng tuổi coi như em út. Tới tuổi về hưu, mấy ông chồng ở nhà, còn mình vẫn phải đi làm. Mới chợt nhớ sao mấy con nhỏ Mỹ làm chung, đứa nào cũng già hơn chồng cả chục tuổi, và tụi nó rất hãnh diện về điều này. Khi nghe nói chồng hơn 10 tuổi, có đứa buột miệng: sao lấy ông già?
Về nhà kể cho chồng nghe: con gái Mỹ khôn thiệt, lấy chồng trẻ mai mốt mình về hưu sớm, ông chồng vẫn phải đi cày.
Ông chồng già với bộ mặt khinh khỉnh trả lời: không phải đâu bà ơi, nó phải cày chuyện khác cho lâu đó mà. Càng lâu càng tốt. Bà không nghe bây giờ ở VN, người ta nói “Phi công trẻ lái máy bay bà già đó sao?”, cứ gì con gái Mỹ  trâu già mới thích gặm cỏ non.
 Bà thì nói ông không nghiêm chỉnh, ông thì bảo tự dối lòng, không thực tế. Ông mang chuyện hồi xuân của mấy bà ra làm chứng, bà bảo ông là đệ tử của hồi giáo, toàn nghĩ chuyện cà chớn. Thế là lại cãi nhau. Thật sự ra bà biết các ông hết thời oanh liệt nên gặp nhau cứ than thở chuyện “gãy súng”. Mấy ông bảo Cao Xuân Huy nói “tháng Ba gãy súng” là không đúng. Súng vẫn còn, chỉ tịt ngòi vì thiếu đạn thôi. Những năm tháng tù đày trong lao tù Cộng Sản đã làm cho mấy ông xót xa cho người vợ trẻ ở nhà “ Xuân đời chưa hưởng kịp, mây mùa Thu đã sang”.
Đối với các ông, sự thiếu hụt chuyện gối chăn là điều quan trọng nhất. Mặc dù các bà luôn luôn gạt đi, nhưng các ông vẫn bị ám ảnh về chuyện này.
Khi già người ta sẽ trở thành trẻ con. Nhưng không phải trẻ ngoan, mà là trẻ cứng đầu. Một trong những nguyên nhân làm cho hai con khỉ già cãi nhau rất dễ dàng: đó là lúc có người bắt đầu nghễnh ngãng và đãng trí.
Trước khi ra khỏi nhà bà dặn ông: khi máy giặt ngừng, nhớ bỏ vào máy sấy. Tới chiều về, quần áo vẫn y nguyên trong máy giặt.
Nếu dặn, ông bảo không nghe. Lần sao, rút kinh nghiệm viết giấy. Chiều về vẫn không thấy quần áo trong máy sấy, nếu hỏi thì trả lời quên, hoặc có đọc nhưng không hiểu.
Cái cứng đầu bướng bỉnh của người già mà người ta gọi là chướng, xảy ra thường xuyên.Ông thích cởi trần vào mùa hè, có khi chỉ mặc cái quần xà lỏn. Bà ca cẩm: nhìn ông cởi trần tôi thấy choáng cả người. Ông đủng đỉnh nói: sao ngày xưa khi bà ghé nhà trọ, lỡ thấy tôi cởi trần, bà bảo choáng váng mặt mày. Bà xí một tiếng thật dài: khốn nỗi nó không có lòng thòng như bây giờ.
Ông cũng trả miếng: “núi” Phú sĩ Sơn ngày xưa bây giờ nó thành mả Đạm Tiên rồi bà ơi? Chưa kể bây giờ nó còn “bên thấp bên cao” bèo nhẻo bèo nhèo. Thiệt tình nghe mà tức anh ách. Vậy mà hồi đó ca tụng “ngực thơm hoa bưởi, môi hôn bão về”.
Chúng ta đừng tưởng đám hậu sinh bây giờ mới có chuyện “trả treo” nhau.
Cụ bà Tú Xương cũng móc cụ ông nhẹ nhàng, khi được hỏi: bà thấy thơ của tôi có hay không?
Cụ bà nói ngay: rằng hay thì thật là hay. Không hay sao lại đậu ngay tú tài.
Bà Tú quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng, là người đàn bà Việt Nam tiêu biểu.
 
Chồng tôi áo rách tôi thương
Chồng người, áo gấm, xông hương, mặc người.
 
Không phải ai cũng có người để cãi nhau. Khi một người ra đi họ mới thấy cãi nhau như hai con khỉ già là điều hạnh phúc . Ít ra họ cũng cùng nhau bước đi trong cuộc đời mấy chục năm.
Bà chợt nhớ tới bài thơ đôi dép, sao mà hay thế.
          
ĐÔI DÉP
 
Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
 
Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
 
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia
 
Nếu một ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
 
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
 
Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
 
Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu một chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung
 
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia…
 
Nguyễn Trung Kiên
 
Hai con khỉ già dẫu có cãi nhau suốt ngày, nhưng trong thâm tâm họ vẫn biết mình hạnh phúc. Như đôi dép cùng đôi, như chim liền cánh, như cây liền cành. Cho tới khi tan đàn xẻ nghé, chỉ còn lẻ loi một mình.
Lênh đênh chiếc bách giữa dòng
Thương thân goá bụa, phòng không lạnh lùng.
“Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng” khi một người đã ra đi.
Và ngày đó người còn lại sẽ thèm được cãi nhau, dù biết lẽ vô thường của cuộc đời.Chuyện gì cũng cãi nhau, ngay cả chuyện đòi đi sau đi trước.
 
Khi vui thì muốn sống dai
Khi buồn thì muốn thác mai cho rồi.
 
Thế thì nắm tay nhau say goodbye cùng một lúc, là điều lý tưởng nhất. Khỏi mất công tị nạnh ai sướng đi trước, ai khổ đi sau.
Dù ngày xưa có thề non hẹn biển. Đi cùng nhau cho đến hết cuộc đời. Đã vượt qua bao thử thách để  gây dựng cuộc đời từ những ngày cơ cực hàn vi.
 
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Bây giờ ông (bà) bỏ tôi đi
Mình tôi cô quạnh nắng mưa với đời.
 
Lại Thị Mơ