Sưu tầm từ Internet
VÔ CẢM
Minh Niệm



Khi đã thực sự dừng lại và nhìn sâu thì ai cũng sẽ biết chia sớt và nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ, đáng thương xung quanh. Chỉ khi nào con người trở về bản chất biết quan tâm nhau và sống vì nhau thì ý niệm cao - thấp, sang - hèn, vinh - nhục… mới biến khỏi cuộc đời này.

Trái tim khô

Cuộc sống ngày càng nhiều biến động, đổi thay, đến nỗi có những điều rất bất thường nhưng người ta lại thấy nó bình thường, và có những điều hết sức bình thường mà người ta lại cho đó là bất thường. Chuẩn mực về đúng sai dường như đã không còn nằm trong “dinh lũy” của triết lý hay đạo đức nữa, nó thuộc về quyền lực của kinh tế. Cái gì làm cho kinh tế phát triển là đúng, còn ngược lại là sai.

Tốt nghiệp ra trường đã lâu mà ta vẫn chưa kiếm được việc làm, cứ quanh quẩn trong gia đình thì lập tức bị xem là hành động bất thường. Dù rằng mỗi ngày ta cũng làm việc vất vả phụ giúp gia đình, nhưng thật khó thản nhiên khi “bị” hàng xóm, bạn bè, hay chính người thân trong gia đình hỏi thăm, “Sao vẫn chưa đi làm hả?”, “Bộ tính sống kiểu này luôn sao?”. Từ chối mức lương cao hay cơ hội thăng chức, để được sống thảnh thơi và chăm sóc gia đình nhiều hơn cũng có thể bị xem là “ấm đầu”, là có vấn đề. Thời buổi bây giờ ai cũng cong người lao tới phía trước mà ta lại cứ từ từ, an phận, tức là ta đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của xã hội văn minh này. Ta tụt hậu mất rồi.

Thành kẻ tụt hậu để mỗi sáng thức dậy có thể nghe tiếng chim hót bên sân vườn, nhìn thấy mặt trời vương trên những ngọn tre, ngắm thật lâu những người thân đi qua lại, ân cần hỏi thăm cô bác hàng xóm, có thời gian dừng lại nhặt nhánh gai bên đường hay giúp cụ già đẩy chiếc xe hàng rong lên con dốc, đủ thảnh thơi để lang thang trên con đường làng râm mát, buồn buồn ghé qua nhà bạn uống trà và tán dóc đủ thứ chuyện trên đời… Tụt hậu mà có thể sống, sống sâu sắc trong từng giây phút, sống trầm tĩnh và an nhiên, sống hài hòa và thân thiết với mọi người xung quanh, thì cũng đáng lắm chứ.

Còn tiến tới thì được gì, mất gì? Người ta cứ đinh ninh rằng càng phát triển kinh tế, càng nắm bắt được nhiều thứ (từ vật chất đến quyền lực) thì sẽ càng hạnh phúc, nhưng họ lại để cho hư hao một thứ cực kỳ quan trọng, thứ duy nhất cảm nhận được hạnh phúc - đó là trái tim biết rung động. Một trái tim biết rung động trước những khó khăn hay nỗi khổ của kẻ khác là một trái tim chưa thương tật, một trái tim còn bình thường. Đó chính là trái tim hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc đích thực chỉ có mặt khi ta biết sẻ chia.

Khi ta mong muốn có thêm những điều kiện hưởng thụ và tìm mọi phương cách để đạt được, san bằng mọi trở ngại, bất chấp mọi thủ đoạn, không kể gì đến sự thiệt thòi hay tổn hại của kẻ khác, lạnh lùng và nghi ngờ mọi người xung quanh, đó chính là lúc trái tim ta rỉ máu và khô cạn. Làm kinh tế phải có trái tim lạnh, không biết rung cảm thì mới thành công. Nhưng thành công mà không có hạnh phúc thì thành công để làm gì?

Giả dụ vì một cơn biến động nào đó mà những người thân yêu đều biến khỏi cuộc đời ta, và loài người cũng không còn có mặt trên hành tinh này nữa, chỉ còn một mình ta với sản nghiệp khổng lồ thì ta có thể sống và hạnh phúc không? Vậy mà bây giờ ta sống như thể không hề dính dáng tới ai, không cần ai, không chịu ơn ai, không có trách nhiệm gì với ai, cố gắng tồn tại chứ không phải đang sống vì sự sống là phải có sự cảm nhận và rung động. Và chẳng biết tự bao giờ, trong đầu ta đã cài đặt sẵn mật lệnh“mặc kệ nó”để dửng dưng đi ngang qua cuộc đời này như một kẻ xa lạ đến từ hành tinh khác.

“Mặc kệ nó”

Đã lâu rồi, mỗi lần giở trang nhật báo ra, ta không còn cảm giác rợn người và thương tâm trước những vụ tai nạn giao thông thảm khốc nữa. Thay vào đó, ta lại thấy may mắn vì những người thân của ta không có trong danh sách thương vong. Rồi như không có gì xảy ra, ta thản nhiên lao vào dòng chảy giao thông như một cuộc chiến: tranh thủ vượt đèn đỏ, bất chấp lằn đường, giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, ăn vạ hay hung hãn đánh nhau khi lỡ va chạm và hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật.

Ở Mỹ, nếu ta đến giúp người gặp nạn thì có thể bị nghi là thủ phạm và sẽ phải mất nhiều thời gian để chứng minh mình vô can trước cảnh sát hay tòa án. Thế nên, nhiều người đã phải học cách nhẫn tâm, nhắm mắt làm ngơ trước nạn nhân kêu cứu để khỏi gánh chịu phiền phức, “Chắc thế nào cũng có người gọi báo cảnh sát thôi”. Ở một số nước, luật quy định gây tai nạn để lại thương tật tốn nhiều khoản bồi thường hơn gây tử vong. Điều này vô tình biến những kẻ ích kỷ và hèn nhát thành kẻ đánh mất lương tri, họ cố tình cán nạn nhân tới chết khi trót gây tai nạn, rồi lạnh lùng buông câu hỏi, “Tôi phải trả bao nhiêu tiền cho cái xác này?”. Đó là sự thật khó tin trong thời đại của chúng ta.

Ta cũng lánh xa dần thói quen “click” chuột vào mục “tấm lòng nhân ái” của những trang tin điện tử, vì sợ phải nhìn thấy những số phận éo le đến nghiệt ngã mà nao lòng: “Nhiều quá làm sao giúp cho hết”, “Trách nhiệm này đâu phải của riêng ta”. Ta tự nhủ thầm như thể có ai đang bắt bí sự thờ ơ vô tình của ta vậy, rồi thấp thỏm đi tìm cảm giác dễ chịu từ những mục văn nghệ giải trí, hay những thông tin bổ ích cho công ăn việc làm. Thỉnh thoảng gặp vài người quen nằng nặc xin tiền bảo trợ cho hội từ thiện nào đó, ta lại giương mắt nghi ngờ, vặn vẹo đủ điều, như thể không còn ai là người tốt thật trên đời.

Cái đáng lo sợ nhất cho giới trẻ bây giờ không phải là thiếu kiến thức, mà là thiếu niềm tin. Họ đã thôi bỡ ngỡ đến tỉnh rụi trước sự giả trá. Họ từng nghe có những em học sinh đu dây qua sông đi học, những đứa bé bị bóc lột lao động đến kiệt sức để kiếm tiền đóng học phí, nhưng không biết những người có trách nhiệm cao nhất ở đâu khi họ đã từng hăng hái ký vào Công ước Quốc tế về quyền bảo vệ trẻ em. Họ cũng từng biết có những cái chợ vô hình mà nơi đó người ta bán thần thánh, bán chức tước, bán trinh tiết và bán cả mạng người. Người lớn im lặng. Nhà chức trách làm ngơ. Thử hỏi người trẻ dựa vào đâu để tin có chánh nghĩa, có công lý? Họ lấy gì để tiếp nối đây? Đứt đoạn mất rồi!

Tất nhiên, không phải đến bây giờ người ta mới sống vô cảm, nhưng phải nhìn nhận rằng cuộc tổng tấn công toàn diện của kinh tế đã phá vỡ tan tành thành trì đạo đức, khiến biết bao kẻ cam tâm vứt bỏ bản chất thiên nhiên của con người để trở thành cỗ máy vô tri. Ta thích kiểu sống “độc lập” - không muốn đụng chạm tới ai và cũng không muốn ai phiền nhiễu tới mình. Ta luyện tập thuần thục thói quen “mặc kệ” mọi biến động xung quanh, dù với người thân, để thẳng tiến tới mục đích làm giàu hay thỏa mãn quyền lực. Như Đức Dalai Lama từng than, “Chúng ta đã lên tới mặt trăng và trở về, vậy mà quá khó để bước qua đường gặp người hàng xóm mới” (We’ve been all the way to the moon and back, but have trouble crossing the street to meet the new neighbor). Chừng nào ta vẫn còn tin thỏa mãn danh vọng là hạnh phúc lớn nhất của con người, vẫn bỏ cái chung vì cái riêng, thì ta sẽ mãi không thuộc về nơi này và sẽ mãi độc hành với trái tim khô.

Đi lại từ đầu

Ai chưa từng sống qua miền thôn quê của nước Mỹ, nơi mà ngay cả giới truyền thông của Mỹ cũng chưa từng đặt chân tới, có thể sẽ nhận xét phiến diện về người Mỹ.

Không cần đứng bên lề đường và giơ ngón tay cái lên nhiều giờ, nhiều ngày, như ở đô thị để xin một cuốc đi xe nhờ, cứ thong thả bước đi thì tự khắc sẽ có người dừng xe lại hỏi thăm và đón ta. Không người này thì cũng có người khác. Bất cứ thứ thực phẩm gì có trên xe, họ đều đem ra mời như gặp lại người thân quen. Có khi họ mời ta về nhà nghỉ ngơi, hoặc sẵn lòng đưa ta thẳng tới nơi ta cần tới dù không cùng đường về nhà họ.

Ngay cả những khu đông người như thị trấn cũng không có tín hiệu đèn đỏ. Xe này nhường xe kia, người này nhường người nọ. Điều thú vị là những người lái xe rất hay vẫy tay chào nhau hoặc chào những người đi bộ bên đường, dù không quen biết nhau. Có lẽ vì họ không bận rộn và hối hả như những người sống ở đô thị, hoặc vì họ thấy đó là một niềm vui, là điều cần thiết. Một cái vẫy tay kèm theo nụ cười nhẹ nhàng khiến kẻ đón nhận cảm thấy sự có mặt của mình rõ ràng và giá trị hơn, không gian trở nên rộng lớn hơn; và đối với những người khách lạ thì cảm thấy được chào đón và yên lòng hơn.

Chỉ trừ những nơi nuôi gia súc bắt buộc phải làm hàng rào, còn hầu hết nhà cửa ở miền quê đều không bao giờ khóa, kể cả khi họ đi vắng. Ta có thể tự vào nhà lấy nước uống và đánh một giấc ở góc nào đó để chờ họ về mà không phải lo sợ họ nổi giận, rút súng ra dọa, hay báo cảnh sát như ở nhiều nơi giàu có trên đất nước Mỹ. Hàng xóm muốn qua mượn đồ, biếu chút quà, hay chỉ qua chơi thì cứ tự nhiên đẩy cửa vào nhà mà không cần phải lấy hẹn trước. Những công việc nặng nhọc như đào giếng, dựng nhà, thu hoạch cả cánh đồng nho… đều có những bàn tay hăng hái của xóm giềng phụ giúp. Mỗi cuối tuần, họ đem cả gia đình đến họp mặt tại ngôi nhà chung của làng để vui chơi, đàn ca và ăn uống. Có những buổi hàn huyên đến tận khuya, khi có trăng đưa lối về nhà.

Có những ngôi làng hẻo lánh chỉ có khoảng vài ba chục gia đình, nhưng nơi ấy chưa bao giờ im lìm đến ngạt thở như những khu biệt thự sang trọng trong thành phố lớn. Luôn luôn có những tiếng cười nói, gọi nhau ơi ới ngoài sân vườn hay trên cánh đồng. Trẻ con thường chỉ học ở nhà, tuy cũng theo chương trình của nhà trường nhưng do phụ huynh hướng dẫn. Có những đứa bé lớn lên chưa bao giờ đến trường, và nếu có thì cũng chỉ học hết tiểu học hoặc trung học. Không phải vì không có điều kiện đến trường, mà vì cha mẹ chúng thấy không cần thiết và không mấy tin tưởng vào hệ thống giáo dục có thể làm cho con họ tốt hơn, trái lại, sẽ làm hư hại tâm hồn nhiều hơn. Mà thật, quan niệm thất học là thứ tệ nạn không có chỗ đứng ở những nơi mà người ta sống và hành xử với nhau không phải bằng cái đầu khôn khéo và đầy ắp kiến thức, mà bằng trái tim chân thành.

Ở Alaska, nơi có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt và kinh tế đứng gần hạng bét nước Mỹ, lại có nhiều cộng đồng rất vững mạnh. Họ sống trong rừng sâu hay thung lũng vắng, gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Dù sống bằng nghề nông, nhưng phần lớn lại xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau và từng sống ở những đô thị lớn. Đặc biệt, không ai sở hữu tài sản riêng, mọi thứ đều chia sẻ đồng đều với nhau. Nơi đó, số lượng công việc được làm không quan trọng bằng chất lượng sống mỗi ngày, nên âm nhạc, yoga hay thiền định luôn là nguồn thức ăn tinh thần. Điều bất ngờ nhất là họ tránh xa ti-vi, và trẻ con không hề biết đến các trò chơi điện tử. Tuy nhiên, họ cũng không ngừng cải thiện lối sống bằng thói quen đọc sách. Sách đã đem họ tới gần với tinh hoa của thế giới.

Không phải bất kỳ miền quê nào của nước Mỹ cũng có khung cảnh sinh hoạt chan hòa và hạnh phúc như vậy. Nhưng nhìn chung, những nơi nào mà vật chất ít chiếm cứ thì nơi ấy con người được là chính mình hơn, làm chủ cuộc sống nhiều hơn. Con người ở khắp nơi trên thế giới, và ngay cả những xứ sở mệnh danh là siêu cường quốc, còn đang loay hoay tìm kiếm hạnh phúc bằng đủ mọi phương cách, nhưng họ vẫn chưa thấy rằng ham muốn vật chất là một trong những trở lực lớn nhất của hạnh phúc.

Thực ra, vật chất không phải là thứ nguy hiểm đáng sợ, nó cũng có vị trí nhất định trong đời sống con người. Nhưng khổ nỗi, hễ con người chạm tới nó là dễ dàng bị nó quật lại, điều khiển, và rút mòn sinh lực. Nó thường mạnh hơn nội lực con người, vì nó có thể đánh thức ma lực ham muốn. Mà, càng ham muốn thì càng phát triển bản ngã ích kỷ, nên không còn đủ thời gian và năng lực để quan tâm đến những người thân yêu, chứ nói gì đến xóm giềng hay toàn xã hội. Và, càng ham muốn thì tâm càng biến động, trong khi hạnh phúc chỉ đến từ sự bình yên - trạng thái chấp nhận hoàn toàn những gì đang có trong hiện tại, tức là không mong cầu hay chống cự điều gì nữa.

Có thể nói có hai cách để sống: một là sống ít ham muốn mà có nhiều hạnh phúc, hai là nhiều ham muốn mà ít hạnh phúc. Tuy nhiên, hầu như ai cũng muốn sống theo cách thứ ba - vừa ham muốn vừa hạnh phúc, nhưng cách này chưa bao giờ trở thành hiện thực cả. Trong thực tế, càng lên tới đỉnh cao danh vọng thì ta càng đánh mất cơ hội thưởng thức cuộc sống và khả năng yêu thương vốn rất bao la của mình. Sống mà không được yêu thương hay không thể trải lòng ra để yêu thương thì đâu thể nào có hạnh phúc. Có chăng, cũng chỉ là những cảm giác hấp dẫn và bay bổng nhất thời, đó không phải là nhu cầu lớn nhất của con người. Khi chưa tìm thấy được nhu cầu cao nhất của bản ngã thì ta sẽ mãi còn khắc khoải, chênh vênh, lạc lõng, và trôi lăn giữa cuộc đời này.

Ta cứ khăng khăng đòi phải phát triển, phải vươn lên, phải hiện đại hóa mọi thứ. Nhưng cũng chính ta lại bàng hoàng, phẫn nộ, kêu than tại sao con người ngày nay trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn, và hung ác đến thế. Tất cả những cuộc tương tàn đẫm máu giữa những kẻ xa lạ, đến những vụ thảm sát man rợ giữa những người thân trong gia đình mà ta thấy nhan nhản mỗi ngày trên mặt báo, nếu không phải do động cơ ham muốn và hơn thua nhau thì là cái gì? Nói cách khác, thái độ sống ích kỷ, dửng dưng, vô cảm là một trong những loại siêu vi khuẩn hàng đầu hủy diệt sự liên kết giữa các tế bào trong xã hội.

Do đó, con đường thoát cho nhân loại chắc chắn không thể nào là cứ cố gắng phát triển kinh tế hơn nữa. Đã đến lúc phải thẳng thắn thừa nhận mặt trái quá khủng khiếp của nó. Thay vào đó, hãy quay về nâng dậy những giá trị quý báu của tâm hồn. Khi đã thực sự dừng lại và nhìn sâu thì ai cũng sẽ biết chia sớt và nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ, đáng thương xung quanh. Chỉ khi nào con người trở về bản chất biết quan tâm nhau và sống vì nhau thì ý niệm cao - thấp, sang - hèn, vinh - nhục… mới biến khỏi cuộc đời này.

Vẫn chưa quá muộn để ta cùng nhau đi lại từ đầu, vì nẻo ấy ta đã đi qua và tổ tiên ta cũng đã từng trải nghiệm thành công. Nhưng chuyến đi lại này ta quyết phải đi cho thật kỹ, thật hay. Đi lại từ đầu là thoát khỏi sự xiềng xích của vật chất để trả ta về lại với thiên nhiên, với tình người. Đi lại từ đầu là vui vẻ đi chung đường, đi bên nhau mà không lo ngại gì nhau, luôn sẵn lòng với nhau. Đi lại từ đầu là đi trong tỉnh thức, an nhiên.

Đi về đâu, hỡi em?
Dửng dưng trên đường nhỏ
Dòng người đây thân quen
Vẫn bên em từ đó.

Minh Niệm
(NS. Giác Ngộ)


CHỌN NHỮNG NỤ CƯỜI
BS Đỗ Hồng Ngọc



Có câu đúc kết “Năm năm / Sáu tháng / Bảy ngày”, nghĩa là ở tuổi 50, nên có kế hoạch năm; đến tuổi 60 thì chỉ nên làm kế hoạch tháng; còn đến 70 thì tốt nhất nên có kế hoạch… ngày! Cho nên “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui! Chọn những bông hoa và những nụ cười!” (TCS) là phải quá! Vấn đề là ở chỗ chọn lựa. Thiên đàng Địa ngục hai bên… Một cụ già trên trăm tuổi được nhà báo hỏi bí quyết sống lâu, sống khỏe, ông nói có gì đâu, mỗi sáng, thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình nên ở thiên đàng hay địa ngục đây… rồi tôi chọn thiên đàng.

Có những vùng khí hậu lạ. Một ngày mà có đủ cả bốn mùa: xuân hạ thu đông! Còn muốn gì hơn? Ở một tuổi quá cao nào đó, không phải chỉ cần có kế hoạch ngày mà nhiều khi còn phải có kế hoạch giờ! Sáng khác, trưa khác, chiều khác, tối khác rồi. Làm được gì thì làm ngay. Lát sau mọi thứ sẽ khác. Cần có phương án hai, phương án ba. Cẩm nang để sẵn trong các túi gấm, đến đâu giở ra đến đó!

Từ trứng và tinh trùng, ta hình thành một cái phôi phải nhìn dưới kính hiển vi mới thấy. Rồi rất nhanh, trở thành một thai nhi loi ngoi trong vũng nước ối, trong bụng mẹ. Không thở. Không ăn. Không ngủ. Dĩ nhiên có tiểu tiện và đại tiện khi các bộ phận thải chất bả này hình thành và hoạt động. Thế rồi chín tháng mười ngày ta bung ra ngoài cứ y như cánh hoa phải xòe nở đúng thời đúng tiết vậy. Việc đầu tiên là… thở. Thở mà không xong thì tiêu đời! Bác sĩ sẽ xịt alcool hoặc đét vào đít cho ta khóc thét lên. Khóc càng to càng tốt. Khóc to có nghĩa là thở mạnh. Mệt mỏi rồi nhé! Từ đó đã phải lệ thuộc vào cái gì đó bên ngoài. Rồi phải bú nữa trời ạ. Bú mẹ còn đỡ, cứ vùi đầu mà nút, chả cần ai chỉ dạy! Nhưng nhiều khi phải níu lấy cái bình bú cứng ngắc, ai đó nhét vào miệng vì không có sữa mẹ. Cứ thế mà chùn chụt để nuôi thân. Rồi biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đứng chựng, biết đi, biết chạy nhảy, leo trèo… Rồi biết nói năng, suy nghĩ. Nhớ, tiếc, giận hờn, giành giựt, đấu đá, ghen tuông, ích kỷ, thất tình lục dục đủ thứ không lúc nào ngưng. Và dĩ nhiên vẫn thở và vẫn ăn. Rồi nam tu nữ nhũ. Rồi chọn lựa. Rồi giao cấu. Rồi đẻ ra một lô một lốc chẳng biết từ đâu ra.

Đến một hôm, ta từ hùng hục chạy, ta… lững thững đi, rồi chập chững đứng, vật vựa, nghiêng ngả, rồi ngồi một chỗ, mắt lờ đờ nhìn xa xăm, rồi lồm cồm, bò lê, bò lết… Từ chùn chụt, ngấu nghiến, ừng ực, dô dô 100%… ta bỏ ăn bỏ uống, thấy cái gì cũng rệu rạo, nhóp nhép vì xệu xạo răng cỏ. Rồi thở cũng cà giật, cà hước… Ta trở lại cái hồi thai nhi trong bụng mẹ, bây giờ là “mẹ Như Lai”, một vòng khép kín. Thì ra, ta đã từ đó mà đến để rồi loay hoay một vòng về lại chốn xưa. Cứ y như đàn cá hồi, cứ bốn năm lại “hồi” về chốn cũ, đẻ xong rồi chết, sau khi đã làm xong nhiệm vụ truyền giống. Con thiêu thân thì nhào vào ánh lửa. Con bọ ngựa giao cấu xong thì chết ngay trên bụng con cái, làm thức ăn cho con… Con bọ hung hùng hục chui vào đống phân, giành giựt đấu đá để vo tròn một cục phân mang về cho bọ hung cái nuôi con. Cá ếch nhái bò sát chim đều vậy. Cây cỏ cũng vậy. Hoa nở chẳng những đẹp mà còn thơm, lôi kéo lũ bướm ong dập dìu lui tới để mang phấn đi muôn phương.

Nhìn suốt cuộc hành trình đó, có cái gì tức cười, vừa tàn nhẫn vừa thương tâm. Cái hiện hữu chỉ là thị hiện, trình hiện chút chơi vậy thôi. Nó giả. Nó tạm. Vậy mà sao ta cứ tưởng thiệt mới đáng thương làm sao. Gieo rắc và sinh sôi. Cứ vậy. Như Lai thọ lượng. Như Lai thần lực. Cứ vậy. Người tỏ ngộ tủm tỉm cười, vui vẻ chui vào tháp báu, gặp Như Lai Đa Bảo của mình ngồi đó, tay bắt mặt mừng. Schopenhauer nói cô con gái liếc mắt đưa tình, tìm kiếm chàng trai râu hùm hàm én mày ngài, oai vũ là để trao thân vì chắc hẳn sẽ là giống tốt; chàng trai thì tìm giai nhân chân dài, đáy thắt lưng ong, ngực nở, mông to để mắn đẻ. Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống là vậy. Con người thông minh hiện đại làm phiền Như Lai hết sức, vì chỉ muốn tìm vui mà quên nhiệm vụ thiêng liêng!

Đất (Nitrogen) nước (Hydrogen) gió (Oxygen) lửa (Carbon) cùng 62 nguyên tố đồng chì sắt kẽm được vo cục lại, nắn nót, thêm thắt, vẽ bày, hà hơi tiếp sức rồi thảy vào Ta-bà nhộn nhạo theo một cái duyên, cái nghiệp nào đó. Mãi mới nhận ra “bổn lai vô nhất vật”. À há, nó là không, nó là chân không diệu hữu. Nó bày trò, vờ vịt, vớ vẩn, giỡn chơi thôi. Không muốn ngộ rồi cũng ngộ. Không muốn giác rồi cũng giác.

Sanh bệnh lão tử hay sanh lão bệnh tử thì cũng vậy. Lập trình nó vậy rồi. Nhưng “tử” dễ nghe hơn “chết”. Chết khó nghe và thấy sợ. Tại sao sợ? Không biết. Tại vì không biết cho nên sợ. Nhưng lạ, cũng là chết mà có nhiều từ khác nhau để gọi. Vua chết gọi là “băng hà”. Sư chết gọi là “viên tịch”. Phật chết gọi là nhập Niết-bàn. Lính chết gọi là “hy sinh”… Dân chết có khi gọi là “mất” là “qua đời” là “lìa trần”, v.v…

Người ta sợ chết mà không sợ sanh. Vì sanh có biết đâu mà sợ. Nhưng có phải tự nhiên mà sanh ra không? Nếu ba mẹ ta mà không “duyên” với nhau thì có ta không? Nếu ông bà nội ông bà ngoại mà không “duyên” với nhau thì có ta không? Vậy ta từ đâu ra? Có phải chỉ tinh cha huyết mẹ là đủ hay còn cần phải có một điều kiện nào khác? Có cái gì khác đó chui vào, can thiệp vào để có ta chứ? Cái đó gọi là “thức tái sanh” ư? Là “nghiệp” dẫn dắt ư? Chính điều nầy làm ta thấy có trách nhiệm sống, vì sống cũng chỉ là một giai đoạn tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Ta có trách nhiệm hơn. Ta có tự do hơn. Để tự chọn lựa.

Một cặp thai song sanh sợ hãi khi sắp tới ngày sanh, muốn ở lại trong thiên đàng lòng mẹ càng lâu càng tốt. Hai cái thai tranh cãi quyết liệt không ai chịu ra đời trước, vì không biết chuyện gì chờ đón họ ngoài kia. Cuối cùng dù giằng co thế nào thì cũng có một cái thai chui ra trước. Hóa ra… đời vui quá! Người ta đón chào rôm rả. Thai kia thấy thế cũng vội vã ra theo. Rồi oa oa chào đời. Rồi hít thở, rồi bú mớm. Rồi lớn như thổi, rồi yêu thương, rồi ganh tỵ, hờn ghen, đấu đá, giành giật… rồi cuối cùng cả hai cùng một lần nữa lại bị kéo ra… khỏi cuộc đời. Cũng lại quyết liệt tranh cãi không chịu, cũng lo lắng, sợ hãi, đòi ở lại càng lâu càng tốt… Không có sự khác biệt giữa cái chết của một vị vua, bỏ lại đằng sau vương quốc của mình, và cái chết của một người ăn mày, bỏ lại cây gậy. Rồi cùng mà mỉm cười. N cười của Phật. Của Bayon. Của La Joconde…

BS Đỗ Hồng Ngọc

Văn Hóa Phật Giáo số 322 ngày 01-06-2019 | Thư Viện Hoa Sen


ĐỪNG XA NHAU - PHẠM DUY
TRÌNH BÀY . TUẤN NGỌC



Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui niềm đau.
Đừng buông mau! Đừng dứt áo!
Đừng thoát giấc mộng đầu,
Dù cho đêm có không bền lâu.

Đời phai mau, người ghen nhau,
Lòng vẫn cứ ngọt ngào,
Miệng ru nhau những ân tình sâu.
Đừng xôn xao, đừng khóc dấu,
Đừng oán trách phận bèo,
Vì sông xa vẫn trung thành theo.

Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu.
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu.
Đừng xa nhau nhé!
Đừng quên nhau nhé !
Đừng chia nhau núi cao vực sâu.

Đừng xa nhau! Đừng quên nhau!
Đừng dứt tiếng ngậm sầu,
Đừng im hơi đắng cay rời nhau.
Đừng đi mau, để mãi mãi,
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau.


Sưu tầm từ Internet

NGƯỜI PHỤ NỮ NHÂN HẬU


Nếu bạn tới thăm thành phố New Orleans xinh đẹp, chắc hẳn sẽ có ai đó hướng dẫn bạn đến khu kinh doanh lâu đời, nơi tập trung các ngân hàng, cửa hiệu, khách sạn, và sẽ chỉ cho bạn thấy một pho tượng được dựng vào năm 1884 tại quảng trường nhỏ ở đây. Pho tượng một người phụ nữ ngồi trên cái ghế thấp, tay ôm một đứa bé đang ngả đầu vào người bà. Người phụ nữ không mấy xinh đẹp và trang phục khá giản dị. Bà mang một đôi giày vải, mặc váy trơn, quàng khăn và đội mũ rộng vành. Bà có dáng người tầm thước, hơi mập. Khuôn mặt bà có nét điển hình của người Ái Nhĩ Lan với chiếc cằm vuông vức. Ánh mắt của bà đặc biệt nồng ấm, chứa chan tình cảm, tựa như ánh mắt người mẹ dành cho đứa con thân yêu.


Đó là một trong những pho tượng đầu tiên ở Mỹ được tạc để tôn vinh một người phụ nữ. Ngay cả tại châu Âu cổ xưa, có rất ít tượng đài được xây dựng để tỏ tôn vinh phụ nữ, và nếu có, hầu hết chúng đều dành cho những nữ hoàng hoặc công nương quyền quý, những người rất xinh đẹp và rất sang trọng. Nhưng pho tượng ở New Orleansnày thì hoàn toàn khác.

Pho tượng này tạc bà Margaret Haughery, nhưng chẳng ai tại New Orleans nhớ rõ cái tên đó. Họ chỉ nhớ bà là Margaret.

Margaret mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ. Bà được một cặp vợ chồng trẻ nhận làm con nuôi. Họ cũng nghèo khó và tử tế như cha mẹ ruột của bà. Margaret sống với họ đến lúc trưởng thành, lập gia đình và sinh một con trai. Nhưng không may, chẳng bao lâu sau chồng, rồi con bà lần lượt qua đời, để lại mình Margaret quạnh hiu. Tuy nghèo nhưng Margaret khỏe mạnh và giỏi giang. Không để đau buồn quật ngã, bà vẫn tiếp tục làm việc.

Bà làm cho một tiệm giặt ủi suốt ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Qua song cửa sổ nơi làm việc, bà trông thấy những đứa trẻ ở trại mồ côi gần đó. Một thời gian sau, một trận đại dịch xuất hiện ở thành phố, cưóp đi bao sinh mạng và làm cho số trẻ côi cút tăng lên. Trại mồ côi không đủ chỗ để chăm sóc các em. Chắc hẳn không ai có thể nghĩ rằng một phụ nữ nghèo, sống bằng nghề giặt ủi, lại có thể trở thành chỗ dựa thân ái mà các em bé bơ vơ. Nhưng Margaret đã nghĩ như vậy.


Bà đến thẳng trại mồ côi, nói rằng bà sẽ trích một phần lương của mình tặng cho trại và tình nguyện sống bên cạnh để chăm sóc các em.


Bà cố gắng làm việc chăm chỉ, và từ số tiền lương dành dụm được, bà mua một cặp bò và chiếc xe chở hàng nhỏ. Mỗi sáng, bà đánh xe đi giao sữa cho khách hàng và không quên xin những thức ăn còn thừa từ các khách sạn, những nhà giàu có trong thành phố, mang về cho lũ trẻ đói lòng trong trại mồ côi.


Tuần nào bà cũng mang tiền đến tặng trại trẻ mồ côi. Sau vài năm, số tiền ấy ngày một lớn. Do tính cẩn thận và giỏi giang, công việc kinh doanh của bà ngày thêm phát triển. Cuối cùng, bằng số tiền tích lũy, bà xây một ngôi nhà dành cho trẻ mồ côi.

Một thời gian sau, Margaret mua được một lò làm bánh mì, rồi bà chuyển sang nghề giao bánh mì. Những đồng tiền kiếm được, bà vẫn đều đặn trích ra tặng cho trại mồ côi.

Rồi Cuộc nội chiến ở Mỹ bùng nổ. Trong thời buổi loạn ly, bệnh tật và đầy sợ hãi ấy, Margaret vẫn đánh chiếc xe bò đi giao bánh mì. Bà luôn xoay xở để vừa giúp đỡ những người lính đói khát, vừa quan tâm đến những em bé mồ côi. Khi chiến tranh kết thúc, không ai trong thành phố không biết đến tên bà. Trẻ em trong khắp thành phố yêu quý bà. Các doanh nhân tự hào về bà. Những người nghèo đến gặp bà xin lời khuyên bảo. Bà thường ngồi trước cửa văn phòng mình, trong bộ váy bằng vải dày và với cái khăn nhỏ quàng trên cổ, tận tình đưa ra lời khuyên cho tất cả những ai đến nhờ bà giúp đỡ, bất kể họ giàu hay nghèo.

Cuộc sống dần trồi cho đến một ngày, bà Margaret lặng lẽ qua đời. Lúc đọc di chúc của bà, người ta mới biết ngoài tất cả những gì bà đã hiến tặng, bà vẫn còn dành dụm được 30.000 đô la – và bà muốn tặng hết số tiền này cho tất cả các trại mồ côi trong thành phố, không phần biệt là trại của người da trắng, da đen, người Do Thái, người theo đạo Thiên Chúa hay đạo Tin Lành. Margaret luôn nói: “Tất cả đều là trẻ mồ côi như nhau”. Những ý nguyện cao đẹp của bà đã được ký bằng một nét gạch ngang thay cho tên của bà, vì Margaret chưa bao giờ biết đọc hay biết viết!

Khi hay tin bà qua đời, người dân New Orleans đã truyền tụng rằng “bà là mẹ của tất cả những người mồ côi mẹ, là bạn của những người không có bạn bè. Sự thông tuệ của bà không trường học nào có thể dạy được. Chúng ta sẽ mãi mãi không được quên bà”. Thế là họ tạc một bức tượng, thể hiện lòng kính trọng của người dân New Orleans đối với người phụ nữ có trái tim vô cùng nhân hậu và cách sống giản dị tên là Margaret Haughery.


NỠ LÒNG NÀO
Nguyễn Thị Thanh Dương


Bà Thục đậu xe xong thong thả đi lên lầu 2 bằng thang bộ, bà vẫn thích thế để thêm dịp vận động cơ thể, hơn là dùng thang máy cho tiện nghi và mau chóng.

Unit 1 phòng ngủ của bà trong khu apartment này được thiết kế gọn xinh, địa điểm lại gần khu thương mại Việt Nam cũng như chợ Mỹ nên bà rất vừa lòng.

Bà Thục thay quần áo và nằm ra chiếc ghế mây nghỉ ngơi, bà vừa ra chợ Việt Nam vào dịch vụ gởi tiền để chuyển 10,000 đồng về cho người em trai. Thế là bà đã làm tròn lời hứa hẹn với em và với tình cảm trong con người bà, lòng bà thảnh thơi, nhẹ nhỏm và vui mừng khi nghĩ đến gia đình em trai, chắc là vợ chồng con cháu họ đã sung sướng biết bao nhiêu.

Bà Thục thuê căn apartment với giá trợ cấp của chính phủ dành cho người có lợi tức thấp kể từ khi bà đủ tuổi về hưu 2 năm nay, bà sống ở Mỹ đơn độc không chồng, không con, mà ở Việt Nam cũng chẳng còn ai thân thích gần gũi ngoài gia đình ông Thức, đứa em trai duy nhất, cha mẹ bà đã lần lượt qua đời kể từ khi sau 1975.

Ngày xưa gia đình bà nghèo, nhưng cha mẹ bà cũng chắt chiu nuôi 2 chị em bà ăn học, đứa con gái là bà học hành chăm chỉ giỏi giang bao nhiêu thì thằng em học hành vừa lười vừa dở bấy nhiêu.

Cô Thục đã trở thành 1 dược sĩ. Cô dược sĩ Thục ngày ấy đã đi làm và phụ giúp cha mẹ đắc lực trong cuộc sống hàng ngày, còn Thức học không xong, thi rớt Tú Tài Thức đi lính, ngành tác chiến nay đây mai đó. Cô Thục thương em lận đận, mỗi khi em về phép ngoài các món ngon nấu cho em ăn, cô còn cho em tiền khi trở lại đơn vị.

Cô Thục không mấy xinh đẹp, có bằng cấp, ngành nghề sáng giá, nên hình như đó là những lý do khiến các chàng trai không thích đến gần, và cô miệt mài hi sinh cho gia đình nên hầu như không có cơ hội đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Tuổi xuân trôi qua lúc nào không hay.

Sau 1975 cũng như bao nhiêu gia đình khác, cuộc sống nhà cô Thục trở nên chật vật khó khăn, rồi Thức lấy vợ sinh con, bấy nhiêu người sống cùng trong một nhà đã trở nên chật chội và tài chính càng lúc càng khó khăn hơn.

Năm 1989 cô Thục đi vượt biên tìm tự do và thêm lý do không kém phần quan trọng là vì kinh tế để có thể giúp đỡ gia đình hữu hiệu hơn, chuyến đi vượt biên cuối mùa đã khiến Thục phải chờ đợi ở Thái Lan hơn 4 năm sau khi đậu thanh lọc mới được phép đến Mỹ định cư.

Sang Mỹ ở lứa tuổi về chiều, 49 tuổi rồi, Thục chợt nhận ra mình đã lãng quên chính mình hơn nửa đời người, học lại thì không thể mà lấy chồng cũng không xong.

Cô Thục đã đi làm những công việc trong hãng xưởng để có tiền sinh sống và gởi giúp tối đa những đồng tiền của mình kiếm được về gia đình ở Việt Nam.

Rồi cô Thục cũng lấy chồng.

Nhưng chỉ là một cuộc hôn nhân gượng gạo, cố gắng kéo dài được mấy năm cho có đôi, có cặp thì người chồng đã chia tay trả Thục trở về vị trí độc thân như cũ, thế là cô Thục gìa chấp nhận duyên phận thiệt thòi hẩm hiu, ở vậy cho đến giờ.

Thỉnh thoảng bạn bè cũng có ý giới thiệu cho bà một ông độc thân góa vợ nào đó, để đỡ đần và bầu bạn cùng nhau cho vui nhà, nhưng bà từ chối ngay, đời chắc gì vui, duyên chắc gì may? lỡ gặp ông khó tính khó nết, hay ông ngã ra ốm đau bệnh hoạn nằm một chỗ thì bà phải hầu hạ, còn nếu ngược lại bà ốm đau nằm một chỗ chưa chắc ông kia hầu hạ được gì.

Cuộc sống độc thân tuổi về hưu tuy có lúc buồn mà thảnh thơi, hàng ngày bà xem các phim truyện trên ti vi vừa để giải trí vừa để duy trì tiếng Anh của mình, rồi nghe nhạc, đọc sách, một đam mê ngày cô Thục còn trẻ để tìm lại cảm giác thú vị của ngày xưa.

Với đồng lương lao động tằn tiện bao lâu nay bà Thục cũng để dành được một món tiền, bà cất kỹ trong nhà băng.

Từ ngày về hưu bà sống bằng những đồng tiền hưu trí của mình cũng gọi là đủ, vì bà không có nhu cầu gì nhiều ngoài hàng năm vẫn gởi chút tiền về Việt Nam cho gia đình Thức hiện vẫn sống tại căn nhà cũ, nơi xóm nghèo xưa do cha mẹ để lại.

Xưa bà Thục thương thằng em vất vả đời lính, nay lại thương em vất vả cảnh nghèo, nên bà vẫn không ngừng gởi về đỡ đần cho em.

Bà Thục đã đưa chồng về thăm Việt Nam 1 lần để giới thiệu chồng với gia đình mình. Sau cuộc hôn nhân gãy đổ bà buồn chán và tủi thân, không có ý định về Việt Nam nữa. Nhưng những chuyện buồn vui của cuộc sống nơi xứ người bà vẫn tâm sự với người em ruột thịt của mình cho vơi nhẹ lòng, hai chị em đã luôn gần gũi từ thuở ấu thơ đến khi khôn lớn và cho đến bây giờ cả hai cùng tuổi xế chiều.

Bà kể từ chuyện bà bị bệnh cao máu, cao mỡ, và bệnh cườm mắt, phải uống thuốc và nhỏ mắt mỗi ngày mấy lần cho đến hết cuộc đời, đến những chuyện vặt vãnh hàng ngày. Từ chuyện bà về hưu và tiết kiệm xin được ở nhà gía rẻ dành cho người gìa, xin được tiền food stamp, đến chuyện bà dành dụm được món tiền phòng thân sau này.

Tóm lại bà Thục hài lòng với cuộc sống vật chất bảo đảm, dù cô đơn một mình một nhà.

Mới đây ông Thức đã gọi phone cho bà và tha thiết đưa ra một đề nghị mong chị giúp đỡ, thay vì chị gởi cho chút tiền mỗi năm và mỗi khi gia đình em cơ nhỡ thì em xin chị giúp hẳn một món tiền để có vốn làm ăn là 10 ngàn đô la.

Bà Thục đã suy nghĩ rất kỹ, bà đã gìa rồi và một ngày nào đó sẽ chết đi, số tiền dành dụm tuy không nhiều, nhưng là tất cả mồ hôi công sức của bà phải được hữu ích cho người thân của mình. Bây giờ họ đang nghèo khổ, họ đang cần tiền. Thế là bà Thục đồng ý

Và hôm nay bà đã làm xong nhiệm vụ thân thương ấy.

Hai hôm sau bà Thục nhận được phone của ông Thức, người em hoan hỉ báo tin đã nhận 10 ngàn đô của bà và không tiếc lời cám ơn chị. Lòng bà Thục ấm lên, vui lên, nhiều gấp cả chục lần niềm vui của người em.

Từ nay bà Thục sống thanh thản hơn dù món tiền dành dụm của bà đã vơi đi, bà sẽ viết lại một tờ di chúc nếu sau này bà chết, sau phần chi phí cho hậu sự, còn bao nhiêu, dù ít ỏi, nhờ người ta gởi những đồng tiền còn lại về cho Thức.

Vậy mà 3 tháng sau ông Thức gọi phone sang, bà Thục chưa kịp vui mừng hỏi han em đã làm ăn gì chưa thì ông Thức buồn rầu tuyên bố:

- Chị ơi, nhà em mới vừa bị kẻ gian đột nhập xông thuốc mê và lấy cắp hết 10 ngàn đô rồi !

Bà Thục bàng hoàng nghe em nói tiếp:

- Chị có thương em, thương các cháu chị, thì xin chị giúp em lần nữa…

Bà Thục không còn sức cầm lấy chiếc điện thoại nữa, bà buông phone và buông người ngồi phịch xuống ghế như một kẻ không hồn.

Bà đã mất ăn mất ngủ mấy ngày đêm, 10 ngàn đô là bao công lao và tấm lòng của bà gởi về, thế mà bị mất đi một cách gọn gàng êm thắm, nhẹ tênh như bông gòn, như mây bay, gío thoảng, hay như một trò đùa, một màn kịch vụng về không hơn không kém.

Bà không thể nào tin được.

Nhưng em trai bà nỡ lòng nào dựng lên màn kịch này để lừa dối bà, để xin thêm tiền của bà? Bà dằn vặt tự hỏi và không thể trả lời.

Cuối cùng bà Thục quyết định sẽ về Việt Nam bất ngờ, đối diện với em mình để tìm hiểu sự thật cho ra lẽ.
* * *

Từ phi trường Tân Sơn Nhất, bà Thục thuê xe Taxi đưa bà đến một khách sạn tại Gò Vấp, bà biết căn nhà cũ sẽ không có chỗ thoải mái cho bà vì theo lời ông Thức kể bấy lâu nay là hai đứa con đã lập gia đình và một đứa còn độc thân đều ở chung với vợ chồng Thức, nhà đất ở Việt Nam rất đắt đỏ, Thức tiền bạc đâu mà lo cho các con chỗ ở riêng.

 Cuộc sống là sự tuần hoàn như cây cối, gìa cỗi thì chết đi, cây con thì sinh sôi nẩy nở…xưa căn nhà ấy có cha mẹ và 2 chị em bà, nay căn nhà ấy đã đông hơn, thêm lên mấy đầu người rồi.

Buổi chiều hôm sau bà Thục tìm về xóm cũ tại khu cầu hang quận Gò Vấp.

Khu xóm nay đã đổi khác rất nhiều nhưng bà làm sao quên được lối cũ, cảnh xưa. Kia vẫn là đường rầy xe lửa dẫn đến ga Xóm Thơm, và bên này là nhà cửa chen chúc.

Bà vừa đi vừa dò tìm theo những dấu vết cũ, cuối cùng bà Thục cũng tìm ra đúng số nhà, nhưng đứng trước căn nhà bà kinh ngạc, không tin đây là sự thật vì căn nhà to đồ sộ và cao ngất 4 tầng lầu, chứ không phải là căn nhà trệt tầm thường ngày xưa cô Thục từng ở từ thuở sinh ra đến khi lớn lên với cha mẹ mình nữa.

Bà ngại ngần, bà ngẩn ngơ, không dám gõ cửa, mà đi ra một quán nước ở đầu con hẻm, đối diện xéo xéo với nhà ông Thức, bà gọi một ly nước uống để định thần lại cho tỉnh táo, kẻo bà tưởng mình đang mơ.

Hay là bà đã nhìn lầm số nhà? Không, chắc chắn là không vì bà đã nhìn kỹ mấy lần rồi.. Hay là em trai bà đã bán nhà cho người khác? Cũng không, vì bà mới gởi số tiền 10 ngàn đô về địa chỉ nhà này.

Khi cô hầu bàn bưng ly nước ra thì bà Thục vờ hỏi bâng quơ:

- Căn lầu 4 tầng kia sao mà đẹp thế…

Cô gái vui vẻ tiếp chuyện:

- Dạ, bởi vì căn lầu đó ông bà Thức mới xây vài năm nay, kiểu đẹp, nhà mới nên ăn đứt mấy căn lầu khác.

- Ông bà Thức giàu có sướng thật…

Cô hầu bàn xuýt xoa:

- Ông Thức còn xây cho hai đứa con có gia đình ra ở riêng mỗi đứa một căn lầu tương tự căn này nữa đó. Căn này thì ông bà ở chung với thằng Út còn độc thân. Ba cha con ông Thức cùng làm chủ một xưởng cưa gỗ xuất khẩu, giàu có lắm lắm luôn, nhất xóm luôn.

Bà Thục cũng xuýt xoa:

- Số họ thật may mắn, làm ăn thành đạt nhỉ.

- Còn nữa bác ạ, nghe nói mới đây người thân ở nước ngoài gởi cho họ 10 ngàn đô nữa cơ, đã giàu có mà tiền ở mãi đâu cứ tự nhiên chảy vào túi.

Thế là bà Thục đã hiểu, gia đình ông Thức đã ăn nên làm ra từ lúc nào nhưng Thức không hề kể cho bà nghe, mà vẫn chăm chỉ than thở xin xỏ bà dù mỗi lần chỉ vài trăm đô, và cuối cùng là món tiền 10 ngàn đô. Nhưng họ chưa chịu dừng lại ở đó, lại nói bị mất cắp để xin thêm, có lẽ vì thấy bà đồng ý cho 10 ngàn đô dễ dàng qúa chăng?

Ông Thức biết bà không có ý định trở về thăm Việt Nam nữa, bà ngại đi xa vì đi đâu cũng phải mang theo mấy loại thuốc men lỉnh kỉnh như con mọn, lại sợ ngã bệnh bất ngờ, và vì nơi đó những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui, nơi đó cha mẹ bà đã không còn nữa, thằng em trai của bà đã gìa đi, và các cháu thì dường như xa lạ. Bà chỉ liên hệ với họ qua phone và gởi tiền về giúp em, giúp cháu khi cần thiết là đủ vui rồi.

Bà Thục thất vọng không ngờ em bà đã đổi thay đến thế, nó đã lợi dụng lòng tốt và tình thương của bà dành cho nó từ thuở còn thanh xuân cho đến giờ..

Bà Thục giận lắm, định quay trở về khách sạn, không gặp em, không bao giờ gặp nó nữa, bà sẽ trở về Mỹ và quên đi thằng em đã đối xử với bà không còn tình nghĩa. Nhưng sau khi uống hết ly nước, lòng tự giằng co, bà vẫn quyết định đến nhà ông Thức.

Bà bấm chuông cổng, tiếng chó sủa inh ỏi rồi có người ra mở cổng. Chính là Thức, ông ta ngơ ngác nhìn bà chị rồi thảng thốt kêu lên không biết vì vui mừng hay vì kinh ngạc như bà đã kinh ngạc khi nhìn thấy ngôi nhà:

- Trời ơi, chị Thục hả?

- Vâng, tôi là Thục đây.

- Trời ơi, sao chị về không báo trước để em và các cháu ra phi trường đón ?

Bà theo chân em vào nhà, căn phòng khách rộng lớn với đồ đạc bóng bẩy sang trọng làm bà Thục chóa cả mắt vì bà quen với phòng khách nhỏ gọn ở căn apartment của bà rồi. Từ bộ bàn ghế, vách tường, đến kệ trang trí đều là sản phẩm của gỗ qúy với kiểu dáng đẹp, sành điệu và qúy phái, đúng với phong cách thành đạt của ông chủ kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu.

Vợ ông Thức cũng từ dưới nhà chạy ra hớn hở:

- Chị về chúng em mừng qúa, hành lý chị đâu? Nhà em rộng rãi xin mời chị…

- Cám ơn em, chị không biết nhà đã xây lại rộng đẹp thế này nên đã ở khách sạn rồi

Sau vài câu thăm hỏi thông thường, bà Thục buồn buồn và nghiêm trang đi vào vấn đề:

- Các em đã làm ăn khá gỉa, có cơ ngơi thế mà không cho chị biết để chị mừng với, mà còn gây cho chị cảm tưởng là các em vẫn nghèo khó như xưa và xin chị món tiền 10 ngàn đô là thế nào?.

Ông Thức vội lên tiếng bào chữa:

- Nhờ trời thương gia đình em mới phất lên những năm sau này. Em xin lỗi chị, chỉ vì muốn vun đắp tom góp cho con cháu em mới xin tiền chị…

Bà Thục cay đắng:

- Kể cả việc em bịa đặt ra bị mất 10 ngàn đô để xin thêm lần nữa? em tưởng chị giàu có lắm sao?. Chị đã chắt chiu bao lâu mới để dành được số tiền ấy.

Ông Thức cố giải bày:

- Dù gì cuộc sống bên Mỹ chị cũng được bảo đảm lúc tuổi gìa, nhà nước lo hết, có đồng vốn nào chị không cho các cháu thì cho ai bây giờ? Cho trước thì khỏi cho sau, con cháu em cũng như con cháu chị…

Vợ Thức xen vào cho câu chuyện chuyển sang hướng khác:

- Nếu chị muốn về sống ở Việt Nam thì chúng em mời chị về đây ở chung căn nhà này như ngày xưa. Bây giờ những 4 tầng lầu, chị cứ ở hẳn 1 tầng tha hồ rộng rãi, lại có chị có em…

Tình chị em gì khi mà họ đang sống trong giàu có, vợ chồng, con cháu đông đủ quây quần bên cạnh mà vẫn moi móc những đồng tiền dành dụm của bà, một người gìa sống đơn độc nơi quê người, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng trông chờ vào xã hội, vào người dưng giúp đỡ, hơn nữa bà Thục không bao giờ có ý định về sống ở Việt Nam nên bà từ chối ngay:

- Chị ở Mỹ quen rồi, ở đấy có mọi tiện nghi và lợi ích, về đây khỏe mạnh thì không sao, lỡ ốm đau sao bằng bên Mỹ được.

- Chị nghĩ thế cũng phải, nhưng bất cứ lúc nào chị thay đổi ý định thì cứ trở về, chúng em luôn chờ đón chị.

- Cám ơn hai em.

Khi bà Thục đứng lên từ gĩa vợ chồng ông Thức, người em ái ngại cầm bàn tay chị, cố biện minh lần nữa:

- Mong chị hiểu cho chúng em, đằng nào những món tiền dành dụm chị không cần tới, mà bên này thì con cháu đông, công việc làm ăn lúc này lúc khác chẳng biết đâu được, chị bên ấy một thân một mình, có đồng nào cho các cháu là chắc chắn nhất, không đi đâu mà thiệt chị ạ.

Vợ ông Thức vẫn ngọt ngào mời chào:

- Mỗi ngày chị đến ăn cơm với chúng em và các cháu cho vui nhé? chị đồng ý đi để ngày mai em làm món ngon đãi chị.

- Ừ, mai chị sẽ đến đây, chị ăn thế nào cũng được mà…

Vợ chồng ông Thức gọi xe taxi đến và vui vẻ tiễn chân bà Thục ra cổng, đợi người chị vào xe họ mới quay vào nhà.

Bà Thục ngồi trên xe, quay nhìn ngôi nhà lầu 4 tầng lần nữa, từ trong đáy lòng bà Thục vui mừng khi thấy cảnh nhà em trai giàu có, và cũng từ trong đáy lòng bà cảm thấy một sự đổ vỡ, tan nát. Đôi mắt bà rưng rưng nhỏ lệ.…

Bà biết rằng ngày mai, cũng như mỗi ngày sau đó, trong thời gian còn ở Việt Nam, bà sẽ đến đây ăn cơm với em, với các cháu.

Đấy vẫn là tình cảm, là tình ruột thịt bà dành cho họ, bà không nỡ quay mặt với họ, dù rằng bà đau đớn vì mất đi hình ảnh người em ruột thân thương gần gũi ngày xưa, dù rằng bà xấu hổ giùm người em ruột tham lam, tính toán và ích kỷ bây giờ.

Và nỗi đau đớn ấy, sự xấu hổ ấy sẽ theo bà về Mỹ, và theo bà cho đến hết cuộc đời.


Nguyễn Thị Thanh Dương.
(August, 2012)



Sưu tầm từ Internet

PHÚT TĨNH LẶNG



Có lẽ cuộc sống muốn chúng ta chọn lầm người trước khi gặp được đúng người để rồi chúng ta mới biết cảm ơn món quà của cuộc sống.

Khi cánh cửa hạnh phúc đóng lại, một cánh cửa khác mở ra, nhưng thường thì người ta chỉ tập trung vào cánh cửa đã đóng mà không để ý cánh cửa kia đã mở ra rồi.

Đôi khi một cái gì đó vượt khỏi tầm tay rồi chúng ta mới biết rằng mình đã từng có nó, và mới cảm nhận được rằng điều đó quan trọng và có ý nghĩa biết bao với mình.

Hãy yêu một người bằng trọn vẹn trái tim mình mà không cần đáp lại. Đừng vội trông mong tình yêu đến mau chóng mà hãy kiên trì chờ cho đến khi tình yêu hiện hữu trong trái tim họ; nếu không thì bạn hãy an lòng vì trong tim bạn đã có nó rồi.

Có thể bạn chỉ mất một phút để say mê một người, một giờ để thích một người, và một ngày để yêu một người, nhưng phải mất cả một đời mới có thể quên được một người.

Đừng vì dáng vẻ bên ngoài, vì đó là lừa dối. Đừng vì của cải vật chất, vì có thể mất đi. Hãy tìm người nào có thể làm bạn mỉm cười, bởi vì chỉ có nụ cười mới có thể làm một ngày âm u trở nên tươi sáng.

Có những giây phút trong đời khi bạn nhớ thương một người nào đó tha thiết đến nỗi bạn muốn mang người đó ra khỏi giấc mơ để ôm họ trong vòng tay thực tại. Hãy đi đến nơi nào bạn muốn; làm những gì bạn khát khao; trở thành những ai mà bạn mong muốn, bởi vì bạn chỉ có một cuộc đời và một cơ hội để làm tất cả những gì bạn mơ ước.

Hãy tự đặt mình trong vị trí của người khác. Nếu trong hoàn cảnh ấy bạn cảm thấy bị tổn thương, thì người khác cũng sẽ cảm nhận như vậy.

Một người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải là người có mọi thứ tốt nhất, mà là người biết tận hưởng và chuyển biến những gì xảy đến với mình trong cuộc sống một cách tốt nhất.

Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khát khao và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình.

Tình yêu bắt đầu bằng một nụ cười, đơm hoa kết trái bằng một nụ hôn và kết thúc bằng những giọt nước mắt... dù đó là giọt lệ buồn hay vui, thì tình yêu ấy đã cho bạn những kỷ niệm thật ấn tượng và sâu sắc, là dấu ấn của tâm hồn và đánh dấu bước trưởng thành của bạn.

Một tương lai tươi sáng luôn đứng lên trên một quá khứ đã lãng quên.

Bạn không thể nào thẳng tiến bước trên đường đời cho đến khi bạn biết cho qua và học hỏi từ những thất bại, sai lầm và đau buồn trong quá khứ.

Nguyễn Mạnh Thảo (Hạt Giống Tâm Hồn)