Sưu tầm từ Internet
 
Bạn có cảm thấy “mệt mỏi” với công việc đến nỗi khiến bạn cảm thấy “xa rời”” con cái? Và bạn có cảm thấy mình có lỗi với chúng? Xin đừng quá lo lắng!
 
 
 
Việc giáo dưỡng con cái bắt buộc cha mẹ bận rộn đủ thứ, cả đời sống thường nhật và đời sống tình cảm, để rồi có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, rời rã, thậm chí bị thâm quầng đôi mắt!
 
Có thể cha mẹ là những “chuyên gia” trong việc cho ăn uống, cho mặc, dỗ dành, phân công,… Nhưng có lúc vẫn cảm thấy lúng túng khi xử lý các sai lỗi của con cái, dù chỉ là lỗi nhỏ. Nếu công tâm và rạch ròi, bạn phải công nhận điều đó!
 
Thật vậy, có người cảm thấy thiếu trách nhiệm làm cha mẹ đối với con cái (bằng một động thái nào đó). Quá nghiêm khắc hoặc quá nhu nhược cũng là một trạng thái “phi trách nhiệm”. Cũng là “phi giáo dục” nếu bạn dễ dãi cho chúng tiền bạc khi chúng xin mà không rõ lý do chính đáng.
 
Nuôi dạy con cái là một trọng trách, nhưng vô cùng thiêng liêng và cao quý, vì “nuôi con trai mà không dạy thì không bằng nuôi con lừa, nuôi con gái mà không dạy thì không bằng nuôi con heo” (Trinh Thị). Ngoài ra, “chúng ta không chỉ dạy con cái bằng những điều bảo ban mà còn bằng chính cách sống của chúng ta” (V. A. Xukhôlinxki).
 
 
Ngạn ngữ Đức có câu: “Một người cha có con thì dễ, nhưng để làm người cha thì thật khó”. Đúng vậy, đã là trọng trách thì phải khó, nhưng phải chu toàn, dù muốn hay không muốn. Nhiệm vụ ấy không chỉ hoàn thành cho xong mà phải hoàn thành một cách xuất sắc. Trách nhiệm không của riêng ai, mà là của cả cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Đừng câu nệ mà đổ lỗi là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, hoặc đổ lỗi lẫn nhau để “dày vò” nhau. Cần phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
 
Nhiều phụ huynh quá giản dị hóa, lơ là bổn phận để rồi “không kịp hối”. Con cái còn “trẻ người, non dạ” và “ăn chưa no, lo chưa tới”, cha mẹ nên lưu ý chúng vì cạm bẫy lúc nào cũng bủa vây “như sư tử đang rình mồi để cắn xé”, mọi nơi và mọi lúc, cả tinh thần lẫn thể lý, nhất là trong xã hội ngày nay. Cần phân tích để con cái biết chính diện và phản diện kẻo chúng ngộ nhận. Thái quá thì bất cập, do đó cha mẹ không nên khư khư kiểm soát quá gắt gao như người quản tù theo dõi tù nhân, nhưng cũng đừng bao giờ thả lỏng.
 
Hãy nói ít, và chỉ nói những điều cần thiết, đừng “lèm bèm” hoặc “nói dai như đỉa đói”. Đó là diệu kế giáo dục con cái để chúng nên người hữu dụng. Lời nói có thể làm “lung lay”, nhưng chính gương lành mới đủ sức “lôi kéo”. Khi cần nghiêm trị, cha mẹ cần tỏ thái độ cương nghị, răn dạy chúng bằng lòng yêu thương và nhân từ, đừng sửa phạt chúng bằng lòng căm hận khiến chúng khiếp sợ mà phản tác dụng, thậm chí chúng không còn cảm thấy kính trọng cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên buông tuồng, vì tiền nhân đã cảnh báo: “Bờn nhờn chó con liếm mặt”.
 
Trách nhiệm làm cha mẹ tuy cần thiết và khó khăn, nhưng không phải là không thể thực hiện. Đó còn là niềm hạnh phúc kỳ diệu của một tổ ấm mà không gì có thể sánh được. Sử  Viễn so sánh: “Vui nhất không gì bằng đọc sách, cần nhất không gì bằng dạy con”. Đừng quá tham công tiếc việc, chạy theo đồng tiền, lo làm giàu mà chểnh mảng việc giáo dục con cái. Vừa cương vừa nhu, đồng thời cố gắng tạo sự cởi mở để làm “gạch nối” trong hệ lụy cha mẹ và con cái.
 
 
Sau khi khảo sát các gia đình ở 20 quốc gia, một học giả người Mỹ kết luận: “Con cái muốn cha mẹ không cãi nhau, luôn đối xử công bằng với con cái, không thất hứa hoặc nói dối, cha mẹ nhường nhịn nhau chứ không trách cứ nhau, biết quan tâm lẫn nhau và quan tâm con cái, vui vẻ với bạn bè của con cái, không cáu gắt, cho con cái tham gia ý kiến, được vui chơi, dám nhận khuyết điểm nếu cha mẹ có lỗi”.
 
Tuyệt đối cha mẹ không nên áp chế, điều gì cũng cho là con cái “cãi”. Đó là thiếu dân chủ và thiếu công bằng trong gia đình, vì “quá phê phán người khác là phủ nhận quyền tự do sống của người đó” (K Mamutri). Con cái cần những gương tốt hơn là lời chỉ trích. Tuy nhiên, đừng nuông chiều chúng. Tục ngữ Tày Nùng nói: “Yêu con thì yêu sau lưng, giận con nên giận trước mặt”. Cái “nhu” của người mẹ kết hợp với cái “cương” của người cha để hài hòa giáo dục: “Mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm một tiếng” (Tục ngữ Việt Nam).
 
Thật hạnh phúc cho những ai đã, đang và sẽ làm cha mẹ nếu luôn là niềm hãnh diện của con cái, là ngọn hải đăng luôn tỏa sáng dẫn đường, luôn chu toàn trọng trách, và như vậy mới luôn xứng đáng là “Núi Thái Sơn” và “Nước Trong Nguồn”.
 
 
TRẦM THIÊN THU
 
 
Sưu tầm từ Internet
 
NHƯ LOÀI HOA
 

 
Như loài hoa, trong ngàn triệu tên đoá hoa, người ta ai cũng có một đoá hoa lòng nở trong tim. Đoá hoa lòng ấy, dù ít dù nhiều, ai cũng có. Những đoá hoa lòng trao nhau, những hoa lòng nối bờ yêu thương, những đoá hoa lòng khoe sắc trên khuôn mặt, nở trên những bàn tay. Hoa lòng ấy là hoa nhân đức được ươm qua lòng thanh, tưới trong nhẫn nại, chăm sóc trong hy sinh.
 
 
Như loài hoa chẳng bao giờ biết ghen ghét, tị hiềm, hờn giận. Hoa mọc trên cây cao, hoa nở ở dưới thấp, hoa tỏ sặc sỡ, hoa e lệ kín đáo... Mỗi loài một nét riêng, làm đẹp cho đời, anh đoá hoa lớn, tôi đoá hoa nhỏ, chị đoá hoa kiêu sa, tôi đoá hoa tầm thường, trong giỏ hoa, các loại hoa đứng cạnh nhau, đôi khi lại thêm vài bông cỏ, tự nhiên và hoang dại, chẳng bao giờ ghét nhau bởi vì chung một mục đích làm đẹp cho đời và dâng hương cho cuộc sống. Hoa lòng của con người sẽ tươi đẹp biết bao trong vườn hoa muôn cõi lòng, không ghen ghét, không tị hiềm, cùng nhau góp sức dâng hiến cho người và cho đời.
 
 
Như loài hoa chẳng bao giờ biết tham lam, biết sống cho mình và cho loài hoa khác. Loài hoa to lớn, loài hoa nhỏ bé, loài hoa nhiều cánh, loài hoa ít cánh, chẳng loài hoa nào lấy gì của nhau. Loài hoa cho hương thơm này, loài hoa mang mùi nhẹ bay, cùng toả hương cho đời, hoa lớn mang bổn phận lớn, hỏa nhỏ nằm bên mép vệ đường cũng thi hành việc nhỏ. Loài hoa ấy dạy con người biết sống, cho nhau, vì nhau, quyền lợi lớn trách nhiệm cao. Ước mong như loài hoa tim mỗi người, sống giản dị như mình đã nhận lãnh, để yêu thương, chia ngọt sẻ bùi, sống có trách nhiệm với những gì mình đã được có. Đứng tham lam để còn chia sẻ cuộc sống, cùng với các loài hoa bé nhỏ góp mặt cho đời.
 
 
Như loài hoa thích ứng với mọi hoàn cảnh, không than van, không khóc lóc, luôn cố gắng vươn mình trong nhiều thử thách. Những loài hoa lớn lên từ bụi gai, từ vách đá, từ mảng tường rào. Ở đâu, hoa vẫn nở vẫn làm tươi đẹp cho cuộc sống kể cả những nơi xấu xí, ít người để ý. Những bông hoa ấy thất dễ thương biết bao, biết chấp nhận cuộc sống, dù khó khăn, dù ít thuận lợi, nhưng chẳng bao giờ sống dựa, sống bon chen, hoặc giành giật, trộm cắp. Vẫn nở hoa, trong cuộc đời nghèo khó, tay sạch lòng thanh. Vẫn tươi vui khi cuộc sống bộn bề khó khăn. Vẫn đơm hoa làm đẹp cho đời trong phận nhỏ của mình. Ước gì trong tim mỗi người vẫn nở những bông hoa khiêm tốn trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, để thấy được hoa nở - “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
 
 
Như loài hoa hiền hoà, chẳng làm ai ghen ghét, loài hoa nhân ái, đượm thắm tình yêu, chứa đựng những tâm tình muốn nói. Loài hoa con người trao tặng cho nhau, thêm một kết nối, thắm thêm tình bạn, chữa lành những vết thương, chia một nỗi đau, chung một niềm vui. Bó hoa của ngày hạnh phúc, cành hoa của niềm bày tỏ, những loài hoa cho đời hạnh phúc, tươi tắn, trẻ trung. Ước mong hoa lòng mỗi người, sống bên nhau, cho nhau hạnh phúc, niềm vui, thân ái. Tim mỗi người là một đoá hoa, của tình người là lẽ sống, của khoan dung và nhân hậu, của tử tế và tôn trọng. Hoa tim của mỗi người nở sớm tối để mỗi khi gặp nhau còn nhận ra đó là anh chị em của nhau.
 
 
Như loài hoa biểu lộ các nhân đức: loài hoa huệ biểu trưng lòng thanh sạch, hoa sen biểu lộ tính “gần bùn chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa đồng nội biểu lộ đời sống đơn sơ, thật thà, chất phác; hoa hồng biểu lộ tình yêu; hoa súng dạy về khiêm nhu; hoa xương rồng dạy kiên vững trong thử thách; hoa bất tử dạy con người biết chết để sống; muống dai cho hoa tím dạy đời sống tiết độ… Có bao nhiêu bài học để cần thiết sống là người cho nên người. Cuộc sống sẽ nở hoa khi nhân đức tô điểm cho con người. Ước mong sứ điệp các loài hoa cũng dạy cho con người biết sống và sống dồi dào, phong phú.
 
 
Như loài hoa, con người gia tăng các nhân đức để tô điểm chính mình và tô điểm cho nhân sinh. Mỗi người sống vì người khác bằng cái đẹp của tâm hồn, như những loài hoa, con người cũng tô điểm trần thế trong huy hoàng tình yêu.
 
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan