PHẠM MAI HƯƠNG



MẠ TÔI: CHUỖI NGỌC MÀU ĐÔI MẮT
( Luôn nhớ mạ và thương tặng anh chị em tôi)
Thưở sinh thời, mạ là người phụ nữ mặn mà thích làm đẹp. Tuy không se sua cầu kỳ nhưng biết chăm chút dáng dấp bên ngoài chỉnh chu.
Lúc nhỏ, mạ mua chiếc quai nón màu tím khá nhiều tiền khiến ông ngoại tuy không rầy la nhưng suýt xoa. Lấy chồng, chiếc nhẫn cưới là sinh lễ duy nhất được làm từ miếng vàng mạ nhặt được ngoài đường nên sau này ba để mạ sắm sửa đồ trang sức tuỳ thích.
Nữ trang của mạ thay đổi theo thời gian nhưng thường có 4 món chính : chiếc vòng đeo cổ, đôi bông tay, vòng tay và nhẫn.
Mạ có  nhẫn cưới vàng ta móp méo, chiếc nạm hột cẩm thạch màu xanh, chiếc vàng tây có chạm trỗ ; Chiếc lắc và chiếc đồng cồ có 12 hột kim cương giả đính xung quanh; chiếc kiềng vàng, vòng cẩm thach, sợi dây chuyền; đôi bông đeo tai làm duyên con gái vòng tròn xuyên qua lỗ , bông kẹp hình hoa mai, đôi hoa mai đính kim cương,
Ba mất, mạ không thiết tha đến việc làm đẹp nên số nữ trang không còn, phần do mạ không thích giữ bán để chi dùng hoặc mất lúc nào không hay. Tiếc nhất sợi dây chuyền Trang mua tận Thái Lan có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, cái lắc của Lâm Yến, chiếc nhẫn của Mai Hoành….
Tuổi 91 mạ ra đi, để lại cho các con trai phước đức của mình và tặng cho con gái 3 di vật:  vòng đeo cổ cẩm thạch, nhẫn và một chiếc bông tai.
Bông hoa tai nhỏ đính hạt kim cương giả, cọng dài và giữ lại bởi một ống nhỏ. Đôi bông làm mạ vướng víu khi trùm khăn hay rửa mặt nên mạ tháo ra nói với Phương:
-Con lấy đeo đi con.
-Thôi mạ cứ giữ đi.
Mạ tháo cất vào tủ, lại lấy ra đeo rồi tháo ra gói trong tờ lịch để trong túi và đánh mất. Một sáng, Việt lượm được trong sân một chiếc  tìm mãi không ra cái thứ hai. Phương nhận chiếc bông tai làm kỷ niệm. Cái mất kia có lẽ theo Chi về cõi hư vô.
Chiếc nhẫn bằng vàng 18 cara có hột màu xanh đã lỗi thời. Trang cho mạ trong đợt ba mạ đi Mỹ chơi. Khi mạ đau nằm phòng cấp cứu, chiếc nhẫn được tháo ra và gởi lại Trang khi về tang mạ. Chiếc nhẫn móp méo đã cũ kỹ.
Chuỗi cẩm thạch đeo cổ, mạ dành cho Hương, cô con gái cục mịch ít chưng diện. Mạ nhớ điều đó như in; sau này mạ lẫn, mấy đứa cháu giả vờ xin, mạ lắc đầu nhỏ nhẹ :
-Không được, nội hứa cho cô Hương rồi.
Chuỗi ngọc gắn bó với mạ hơn nửa thế kỷ nên mạ quý và là di vật có nhiều kỷ niệm gắn bó với gia đình
***
Chuỗi ngọc cẩm thạch ấy ban đầu của thím Tư Cúp.
Năm 1950 lên Dalat, ba mạ ở trọ nhà ông Hai Dĩ cùng với chú thím Tư Cúp. Ba làm công chức được cấp căn nhà số 8 Trần Nhật Duật. Ba cho chú Tư Cúp miếng đất trống phía sau nhà, chú cất nhà và ở đó đến nay. Tình giao hảo giữa 2 gia đình luôn đằm thắm
Chú Tư có tên Mạnh, chú có nghề hớt tóc (người ta gọi là coffeur : cúp phơ). nên đổi tên chú Tư Cúp, chú cắt tóc cho sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Dalat.
Thím Tư là trẻ mồ côi nên khi làm vợ, thím luôn thương yêu, kính nể chồng. Thím cao, mảnh mai. Khuôn mặt thím hình trái soan với làn da trắng xanh, đôi mắt to với mái tóc dài búi sau gáy. Thím Tư hiền lành chẳng to tiếng với ai bao giờ. Hai giờ sáng thím đã ra chợ lớn (chợ Dalat) bán cá cho đến trưa chiều mới về, nghỉ ngơi cho đến chiều tối để sớm mai lại ra chợ.
Thím hiền đến nỗi khi chú Tư lỡ có con với một người đàn bà ở giá. Thím không ghen mà còn chu cấp cho người đàn bà ấy nuôi con và sau này các con thím còn cưu mang hai mẹ họ. Sau năm 1975, khi thím bị ung thư phải về Saigon chữa trị. Chú Tư Cúp khăn gói vào bệnh viện ăn ở trong đó một thời gian dài cho đến ngày thím qua đời.
Khoảng thập niên 60 thế kỷ trước, mỗi người phụ nữ sắm cho mình chuỗi cẩm thạch thay chiếc kiềng lỗi thời như  bà Huyền, mẹ cô Kim Hương, bác Tư, mẹ chồng cô Lơi… thím Tư cũng có một chuỗi không biết mua từ lúc nào, khi có việc cần thím bán cho mạ và lúc thím có tiền muốn chuộc lại thì mạ đã yêu thích và gắn bó với chuỗi ngọc ấy nên khuyên thím mua chiếc khác.
Mạ đeo chuỗi ngọc trai trên 50 năm, chuỗi ngọc hợp với màu mắt của mạ lên nước bóng đẹp. Chuỗi có chừng tên 60 hột tròn màu xanh cẩm thạch, hột chính giữa to bằng đầu ngón tay, những hột hai bên nhỏ dần đều được sâu lại bằng sợi cước cứng và cuối cùng là vòng sắt nhỏ để gắn vào nhau.
Theo thời gian chuỗi cẩm thạch không còn nguyên như trước.
Từ lúc nhỏ, chúng tôi thường lục tung giường nệm để tìm những viên ngọc lăn lóc khắp nơi bởi sợi dây cước đứt thình lình. Khi mạ còn nằm ngủ trên giường còn dễ kiếm, hôm nào bị đứt ở phòng khách hay bếp tìm mới cực. Có viên trốn nơi nào tìm không ra. Khi mất nhiều hột, sợi dây ngắn mạ ra tiệm vàng mua vài hột thêm vào.
Mạ để các viên cẩm thạch trên bàn sắp thành 2 hàng với độ lớn xuống bé giống nhau rồi dùng sợi cước mới xâu lại. Về sau Việt, Hoàng, Lâm…thay mạ làm. Đứa con nào của mạ cũng đều đã cầm xâu chuỗi. Ai cũng trân quý vì biết mạ yêu thích nó.
Nhiều khi không muốn làm phiền con, mạ bỏ chuỗi ngọc vào tủ cất :
-Chuỗi ngọc của mạ đâu rồi?
-Đứt rồi
-Sao mạ không nói để con xâu lại.
Trang về Việt Nam, cẩn thận đem ra tiệm vàng nhờ xâu lại và làm luôn cái vòng bằng vàng cho chắc nhưng rồi sợi dây lại đứt. Mạ thủ thỉ :
-Hương lấy vòng chuỗi ngọc của mạ đeo đi. Mạ cho Hương đó.
-Thôi! mạ cứ đeo đi. Nó đứt rồi phải không.
Chị ra Kim Hoà Luân mua thêm mấy viên về xâu lại cho mạ. Mạ nhìn Hương làm:
-Con đếm xem có đủ sinh lão bệnh tử không?
Hương ngạc nhiên nhìn mạ: cả đời mạ không hề coi bói toán mà nay lại nghĩ đến chuyện này nhưng không cãi. Chị xâu đủ 54 hột làm xong còn dư mấy hột, chị gói lại bỏ tủ để dành nếu mạ làm đứt thì có cái thay thế.
Một hôm Liên , vợ Hoàng, đứng ngoài ngõ bị tên ăn cướp giật mất sợi dây chuyền nên cả nhà không sợ mất của mà sợ mạ bị cướp té phiền :
-Mạ cho Hương mượn chuỗi ngọc để đi ăn đám cưới.
Đôi mắt xám xanh của mạ ánh niềm vui :
-Ừ. Con đeo đi.
Hương đưa Hạnh Quyền giữ, dặn :
-Chị không có ở nhà, khi nào mạ thích, em đưa mạ đeo không thì tội.
Về thăm mạ, chị hỏi :
-Mạ đeo lại chuỗi ngọc không. Con trả mạ.
Mạ cười hiền :
-Thôi mạ cho con rồi, con đeo đi.
Khi mạ quên luôn chuỗi ngọc cẩm thạch thì mạ không còn lưu luyến cõi trần gian.
Hương đem chuỗi ngọc về lại nhà. Chuỗi ngọc không đồng nhất màu xanh biếc như mây trời mà các hột đậm nhạt khác nhau; các hột không còn to nhỏ theo thứ tự mà những hột gần móc xích bằng nhau. Chị không đeo bởi ít khi đi ra khỏi nhà, vả lại ở cái đất Sai Gòn này lỡ bị giựt, rớt lăn lóc khắp nơi mất cũng uổng.
Mỗi sáng, niệm Phật, chị lấy chuỗi ngọc của mạ ra lần đủ 2 vòng được 108 biến. Không biết có linh nghiệm như chuỗi tràng hạt mà chùa đã chú nghiệm cho chị không nhưng mỗi sáng cầm chuỗi cẩm thạch chị cảm nhận mạ ở quanh đó. Viên ngọc như đôi mắt xanh xám của mạ tìm con mỗi khi chị về thăm, mạ muốn chị cạnh mình còn chị lại mải lên nhà Cẩn, xuống nhà Quyền qua nhà bạn. Đôi mắt lanh lợi, ranh mãnh khi đọc bài thơ tình của anh học trò năm 16 tuổi
Đến bến đò ngang dạ thấy buồn
                        Nhìn dòng Hương chảy giữa trời thương                       
                        Mênh mông một dãy bờ vô tận
                        Bóng chiếc thuyền qua dạ vấn vương
Đôi mắt buồn rầu bối rối, tự trách mình không nhớ rõ tên con. Đôi mắt thẩn thờ dọ hỏi: ba đi đâu mấy ngày không về ăn cơm.
Bỗng dưng muốn khóc, chị mong ngày nào đó, Cẩn, em chị, sửa soạn lại góc nhà, trưng bày bộ sưu tập của hắn. Chị sẽ đặt chuỗi ngọc của mạ nằm cạnh chiếc máy ảnh cũ của ba, tô chén sành nung thô sơ của ông nội, khay đựng trầu của thím Hai… để mọi người trong nhà ngắm nhìn như thấy lại ba mạ mà trân quý tình anh em.
30/8/2018
Phạm Mai Hương


 
CHỊ EM TÔI: TỨ NỮ VIẾT VÔ
Ba mạ sinh đến 12 người con, chưa kể anh Thọ mất lúc ba tháng tuổi. Con gái chỉ có 4 người nên ba chiều chuộng chị em chúng tôi nhiều hơn. Ba đạp xe xích lô đưa mạ đến bệnh viện sinh chị Trang, em Chi mở mắt chào đời đã thấy ba bên cạnh trong khi con trai ngủ đến nửa ngày mới được ba đến thăm. Ba làm thơ tặng con gái, cháu gái nhân ngày sinh nhật, họa hoằn lắm mới viết bài thơ cho anh Hoàng khi anh đi học tập cải tạo hay bài ai điếu cho anh Thọ, nhớ ngày anh mất. Cẩn, đứa em trai thứ 10 tự hào được ba cưng cũng tự nhận xếp sau chị Trang, Ba có 8 đứa con trai nhưng người chia ngọt sẻ bùi trên đường chạy loạn năm 1975 lại là tôi.
Bốn chị em tôi cách nhau từ 4 đến 6 tuổi nên vóc dáng và tính tình cũng khác nhau, chẳng bao giờ mặc chung quần áo với nhau mà ngay cả cùng nhau đi phố cũng hiếm. Chị Trang đi lấy chồng lúc Chi chưa vào trung học, Phương vào lớp 8 bẽn lẽn không biết gọi tôi là cô hay chị. Nhưng giữa chị em tôi có sự gắn bó khắng khít bởi cùng phận con gái.
Lúc dựng vợ gả chồng cho con, ba căn dặn lấy chữ nhẫn làm đầu
Nhẫn nhất thời phong bình lãng tịnh
Thối nhất bộ hải giác thiên không
                       
Dịch:
Nhẫn một chút sóng yên gió lặng
Lùi một bước bể rộng trời cao
“Giữ chữ nhẫn trong tâm, con có thể làm tròn đạo vợ chồng, làm đúng bổn phận của người con trong gia đình, đạo làm anh, làm chị…”
Với lá bùa hộ mệnh ấy, bốn chị em tôi rời ba mạ, bỏ tên tuổi của mình, sống một cuộc sống mới. Chúng tôi tâm niệm” Sống chu toàn đừng để người ta cười chê ba mạ”. Những năm đầu về nhà chồng, buổi tối đón giao thừa nhớ nhà mình buồn muốn khóc nhưng chẳng đứa nào về nhà kể lể chuyện chồng con. Ba thương con gái, mỗi tết, ba hay cùng mạ đi thăm sui gia, gắn bó nhiều với gia đình mà con mình vào đó làm dâu.
Ba mạ được trời thương nên cuộc sống tự lo cho mình đủ, đôi lúc còn bù đắp cho các con. Khi tuổi xế chiều, ba mạ được các con chăm việc ăn mặc, đau ốm, thỉnh thoảng chị Trang gởi tiền về tiêu vặt.Tôi cũng như các em thường nghĩ “ làm điều gì cho ba mạ vui”. Con cái học hành thành đạt, lễ nhận bằng tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ tôi mời ba về Saigon dự. Ba vui và hãnh diện.
Những lần anh em tôi rủ ba mạ uống cà phê hay đi chơi, mạ lười không muốn đi. Ba giàn dị:
-Con cái rủ, mình đi cho vui. Chớ nó không rủ mình ở nhà còn buồn hơn.
Một thời gian rất dài khi các con vào Sai gòn học đại học, buổi sáng tôi về nhà thật sớm vì gần ngôi trường tôi dạy, tôi rủ mạ đi ăn sáng rồi mua về cho ba. Sau này, ba đi theo và dẫu ăn ở một quán nhỏ trong xóm nhưng lúc nào ba cũng ăn mặc chỉnh tề như sắp đi phố.
Đó là thời kỳ hạnh phúc nhất của tôi bên cạnh ba mạ: ba mạ mạnh khỏe, minh mẫn, tôi rãnh việc gia đình. Chúng tôi thường ghé gánh hàng rong của cô Tý trong xóm Sình. Quán chỉ có chiếc bàn dài và hai dãy ghế thấp nhưng sạch sẽ và ngon. Cô Tý nể trọng ba mạ và vui khi thấy chúng tôi ghé vào. Mạ thích món bún thịt nướng có kèm nhiều đậu phụng thỉnh thoảng mạ mới đổi món mì quảng hay  hủ tiếu. Ba thích ăn món nước hơn như quán bún riêu trước của nhà ông Hai Đưa, tiệm phở thuê nhà bà Xả Láo. Khi Cẩn mở phở King, ba mạ và tôi thong thả đi men con đường mòn bên cạnh nhà cô Giỏi, dọc ngôi biệt thự của tướng Dương Ngọc Lắm. Cẩn sẽ làm 3 tô phở tái và 3 ly cà phê nhiều sữa.
Thứ bảy, chủ nhật, không có học trò, tôi về ngủ với ba mạ, trên chiếc giường 1 mét 6, tôi nằm bên trong, đến mạ rồi ba. Cảm giác trở lại thời tuổi thơ ấu yên bình khi ba nói mạ xích ra chừa thêm chỗ cho tôi. Tôi nằm ôm mạ ngủ an lành.
Để giữ lại tài sản thơ văn vô giá của ba, chúng tôi đánh máy hơn ngàn bài làm thành tập thơ “ Một cõi đi về một dấu xưa”. Bản đầu tay in xong, mỗi lần không có giờ dạy, tôi về nhà nghe ba đọc từng bài thơ, sửa lỗi chính tả hay kể lại kỉ niệm khi làm bài thơ đó.
Khi ba mạ ở tuổi trên 80, tôi bỏ việc về hưu sớm, rời Dalat, xa ngôi nhà mà tự tay mình ôm từng viên đá, gạch cho thợ xây, để lại khu vườn với hàng trăm cây cảnh mà mình yêu quý và rời ba mạ về Sai gòn chăm sóc đứa cháu ngoại đầu tiên.
Sau đợt, chị Trang đưa ba mạ qua Mỹ và Thái Lan chơi, ba bắt đầu đau. Tuổi già như chiếc xe cũ kỹ, bệnh này kéo qua bệnh kia. Ngày tháng ba nằm bệnh viện Gia Định, tôi cùng đứa con gái út vào trông ba ban đêm, Buổi tối, chúng tôi xuống công viên của bệnh viện Colombia gần đó, ngồi hóng mát, ba đọc bài thơ
Cho tôi xin như lời khẩn nguyện
Cho tôi xin khi còn tha thiết sống dù chỉ một lần
Đừng ai dìu tôi trên con đường lên dần bệnh viện
                                  (điệp khúc hoàng hôn)
Ba tự nhận như cây củi mục, lặng lẽ ra đi chưa cần các con phải bỏ công ăn việc làm để chăm sóc mình.
Ba đi, mạ như cây chuối bị đốn ngã, mạ yếu ớt dần
Chị Trang đã lớn tuổi đi về Việt Nam không nhiều như trước, mỗi lần về, chị mua áo quần mới thay loạt đồ cũ cho mạ; chị dánh phấn hồng, làm móng cho mạ để đổi lấy nụ cười, ánh mắt trẻ lại thời tuổi thanh xuân. Mỗi sáng Chi ghé nhà gởi mạ chai nước cà rôt rồi em trả xong nợ đời, để tang mạ khi ra đi sớm. Ba chồng của Phương già yếu như mạ cần sự chăm sóc của Phương, con dâu duy nhất, mỗi chiều rãnh em chạy về nhà, thủ thỉ với mạ đôi câu, bóp tay chân. Tôi gắn bó với con cháu ở nơi xa, mỗi lần về, thương mạ chỉ biết tối ngủ ôm tấm lưng vẫn còn tròn; mỗi sáng túc tắc đưa mạ lên Cẩn ăn tô phở tái, uống ly cà phê.
Nhưng mạ đang cần được sự chăm sóc của con gái nhiều hơn.
Giờ mới thấy thấm thía câu thập nữ viết vô. Miếng cơm cho ba mạ chưa nấu lần nào nhưng nhớ ngày trai tuần của ba chồng mua tô phở chay đem về. Mạ đau, quấn quýt với mạ vài hôm nhưng thức trắng đêm canh cha chồng khi trở bệnh.
Thương ba mạ một phần nghỉ tủi phận mình đến mười. Bởi vậy đừng sinh ra làm thân con gái
Sài gòn tháng 10 năm 2016 ( khi còn mạ)
Phạm Mai Hương
*ghi chú: giờ ba mạ mất rồi, muốn làm những điều thật đơn giản cho ba mạ cũng không được thì vô vô, hữu hữu mà làm chi. Thương ba mạ thì ráng làm theo lời ba dạy :
Chợ đời lăn lộn thân đơn lẻ
Chẳng ngại mưa sa lẫn nắng hè
Chừng đã bao phen danh với lợi
Giữ gìn nếp áo dẫu tua te  (Việt Trang )

ƠN NÀY BAO GIỜ MỚI TRÀ
Thương tặng chị Mai Trang và các em học sinh trường Cam Ly

Một ngọn đồi rộng bao quanh thác Cam Ly chạy dài từ cuối đường Hoàng Diệu đến chân lăng Nguyễn Hữu Hào – cha của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại – là buôn làng của người K’ Ho. Người Kinh ít khi bén mảng vào đây, họ gọi vùng đất đó là huyện Mọi. Người K’Ho sống yên bình thanh thản, những ngôi nhà sàn thấp thoáng dưới rặng thông già, cạnh ngọn thác duy nhất nằm ở trung tâm thành phố. Mỗi mái nhà có mảnh vườn nhỏ cùng đàn gia súc ngộ nghĩnh: con gà thượng bao giờ cũng ốm yếu, chân dài lêu khêu; con heo mọi đen ngòm, nhỏ như chiếc bình tích, thịt ăn ngon, ít mỡ; những trái dưa gang to đùng, nhiều nước mà không thơm…
Trong huyện Mọi có ngôi ký túc xá hai tầng dành học sinh trung học nội trú đến từ những buôn làng lân cận. Học sinh K’Ho không chỉ học trường Việt, con nhà khá giả còn học ở trường D’Adran, Lasan…Những khuôn mặt đen đúa bớt vẻ cam chịu số phận, đôi mắt to như mắt nai đầy nghị lực, thể chất mạnh khoẻ. Con gái vẫn mặc sà rông, tay đeo đầy hạt cườm nhưng con trai toàn mặc âu phục.
 Sát huyện Mọi còn có ngôi trường nội trú của một nhà dòng Thiên Chúa Giáo. Trong khuôn viên trường có ngôi nhà thờ đặc biệt dành cho người dân tộc. Nhà thờ không rộng, thiết kế theo kiểu nhà sàn, hai mái cao hơn mười mét, lợp ngói đỏ nhìn bề thế nhưng giản đơn nằm lọt giữa rừng thông và những hàng bông giấy đỏ thắm, khiến người ta ngẩn ngơ những tưởng cảnh rừng núi Phi Liêng lạc về đây. Gần nhà thờ là dãy ký túc xá dành cho nữ học sinh, xuống xa hơn dành cho nam sinh, có cả sân đá bóng, sân bóng chuyền và một rừng thông bạt ngàn để học sinh cắm trại. Khu ký túc này dành cho con người giàu có ở các buôn làng sung túc hoặc con các công chức cao cấp người sắc tộc ở Cao nguyên Trung phần.
 Năm 1975, học sinh trở về nhà, tứ tán, không còn tổ chức nào tài trợ cho các em ăn học và nhà trường không được phép nuôi học sinh. Cùng lúc ấy, anh rễ tôi đi học tập ở Hàm Tân, chị Mai Trang – Chị ruột của tôi- bỏ dạy ở Quảng Đức về Dalạt xin dạy lại. Thuở đó các cô gái miền Bắc vào Nam chỉ thích ngành thương nghiệp hay du lịch, ngành giáo dục cần văn hoá và ít tiền lương nên thiếu nhân sự, chị Mai Trang được nhận ngay. Chị được phân dạy ở ngôi trường nhỏ có bốn lớp trong khuôn viên huyện Mọi được đổi tên là xóm 13, ngôi trường nhỏ mang cái thác bên cạnh: trường tiểu học Cam Ly.
 Nhà trường gồm một dãy lớp học hai tầng lầu, có bốn lớp, mỗi lớp chừng hơn chục em, Soeur Liên làm hiệu trưởng, soeur Liệu dạy lớp một, ông thầy dân tộc Ha Nhan dạy lớp hai ,vì các em chưa sỏi tiếng Kinh, chị tôi dạy lớp bốn, chị Nguyệt cùng ở trong xóm dạy lớp ba. Ngôi trường nằm giữa gian nhà nhỏ dành cho các soeurs và nhà thờ do cha Trung quản. Cha Trung chưa đến tuổi ba mươi nhưng thông thạo ngôn ngữ của người K’Ho, Cill, Radé… Cha còn giỏi thuốc nam như một người dân tộc nguyên thuỷ.
Người Thượng trong xóm 13 giờ nghèo nàn. Các tổ chức nhân đạo trước kia không còn nữa nên họ ăn những gì thu hoạch trong mảnh vườn nhỏ bé, không thể trông chờ vào nguồn thu nhập nào khác. Ông già làng còn khá trẻ, chững chạc lịch sự như một người Kinh nay được làm xóm trưởng.
 Mỗi sáng chị tôi cùng chị Nguyệt đi dọc con đường mòn từ cuối đường Hoàng Diệu đến đầu thác Cam Ly rồi thong thả quay về trường. Các em khi thấy bóng dáng cô mới bắt đầu lũ lượt ra khỏi nhà theo chân vào lớp. Chúng không í ới gọi nhau. Học sinh dân tộc ít cãi nhau hoặc to tiếng, có gì không phải, chúng rì rầm to nhỏ bằng tiếng của mình, không cần cô phân xử. Thông minh nhất là Halay, con ông xóm trưởng; xinh xắn nhất là K’Mai. Chương trình học lúc ấy không rõ ràng, vả lại các em cũng chưa sỏi tiếng Việt, các cô dạy vài ba phép tính cộng trừ, xong buổi học sinh để lại sách vở tại trường, không được mang về nhà sợ cha mẹ lấy để vấn thuốc hút. Buổi tối, chị tôi cùng chị Nguyệt đi qua những con đường tối đen như mực lên trường dạy bổ túc văn hoá. Dưới ánh đèn những người thượng ngồi học nhưng bụng đói, người khen khét mùi nắng.
Đồng lương chỉ gồm 18 kg bo bo hoặc bột mì; tấm tem phiếu mua nửa kg đường, nửa cân thịt cho cả năm nhưng chị tôi vẫn thảnh thơi vì mẹ tôi đã mở lại lò làm bánh phở, tuy không đắt nhưng đủ nuôi các con. Chị tôi thong dong được một năm, thỉnh thoảng lại bỏ học trò lấy phép đi thăm nuôi chồng đi cải tạo.
 Cùng năm ấy, tôi dạy trường Đoàn Kết- ngôi trường Tân Sanh cũ của người Hoa- nằm ngay trung tâm thành phố.
Hết niên khoá 75-76, có chỉ thị từ thành phố : tất cả giáo viên độc thân phải đi xuống huyện hoặc vùng kinh tế mới! Khi ấy tôi chưa lập gia đình và cũng chưa bao giờ rời xa gia đình. Chị tôi sợ tôi xuống vùng khỉ ho cò gáy khó lấy chồng nên lên phòng giáo dục xin đi thay. Tôi là trường hợp độc thân duy nhất được ở Dalat mà không có sự quen biết. Chị tôi xuống dạy trường Bồng Lai cách Dalat hơn 20 km.
 Một năm sau, vì lý do an ninh chính trị, một buổi sáng, dưới sự giám sát của công an và quân đội, người Thượng ở xóm 13 di dời vào tận Tà Nung rồi sau vào Tà In, các em học trò theo bố mẹ bỏ trường. Trường Cam Ly trở thành phân trường của trường Trần Bình Trọng và giờ biến thành trường dạy lái xe của thành phố. Và sau đó chị tôi cũng nghỉ việc vì lý lịch của chồng, chị về Saigon trở thành người bán trà thô.
 Ngay vào thời điểm ấy, tôi không cảm nhận được sự cao cả của sự hy sinh của chị tôi dành cho mình, mặc nhiên nhận như thể đó là điều mà bất cứ người chị nào cũng phải làm cho em. Phải mất một thời gian khá dài, chừng hơn chục năm sau, khi các bạn cùng tuổi đi xuống huyện đợt đó, đã mất tuổi trẻ ở vùng đất cằn cỗi, sức khoẻ không còn vì ngã nước, muốn về lại Dalat phải chạy vạy mất tiền. Đa phần các bạn đều quá thì khi trở về lại nhà. Phải mất nhiều năm nữa, tôi mới cảm nhận được sự cao cả của chị tôi ; một cô gái mảnh mai, tay xách chiếc túi xắc, đứng ngã ba đường, đất bụi mịt mù, giữa trưa hanh nắng để đón xe về nhà mà lòng ngỗn ngang chuyện chồng trong trại cải tạo, chuyện mình phải sống thế nào trong hiện tại, chuyện gia đình mình đông em út trong thời bao cấp với lý lịch của ba tôi quá nặng nề …
Tôi nghĩ về chị tôi-chị Mai Trang- rất lâu, ngoài tình ruột thịt, tôi nợ chị nhiều thứ mà có lẽ hết cả đời này tôi cũng không thể nào trả được!
 Phạm Mai Giang Nhan

NHỎ SẮP VỀ RỒI !
(Thương tặng anh P.., chị Mai Trang, Chị Tường Thanh ,chị Kim Oanh và chị Lê )

Ngày xưa, vào thuở con trai Dalat phải học ở ngôi trường tít tắp phía bên kia Mả Thánh, cách xa ngôi trường ngói đỏ, tường hồng của con gái trên ngọn đồi gần Viện Đại Học. Các bạn tôi vẫn leo lên con dốc của chùa Linh Sơn, tản bộ lên con đường Bùi Thị Xuân ngắm các cô đi học về.
Nhà tôi ở ngay đường Phan Đình Phùng nằm ngay con hẻm băng qua đường Hai Bà Trưng nên tôi chỉ vẩn vơ đứng trước cửa nhà là có thể nhìn các tà áo trắng khoác áo len xanh đi ngang. Dĩ nhiên là không được nhiều vì các cô thường đi về hướng Hàm Nghi nhưng dù sao ít cũng có cái hay vì mình càng dễ ngắm và dễ chọn.
Tự dưng tôi có cảm tình với một nhóm có bốn nhỏ và trong một thời gian ngắn tôi biết tên và chỗ ở của mỗi người: nhỏ Kim Oanh lanh lợi nhất với đôi mắt một mí như một cô gái Nhật, Tường Thanh có khuôn mặt mang  nét Tây Phương, Lê với làn da ngăm đen và nhỏ Mai Trang với đôi mắt đẹp và chiếc răng khểnh.
Tôi thích đi sau các nhỏ, khoảng cách khá xa, vì lúc ấy tôi cũng nhát nên đi theo mà không dám cho người phía trước biết . Các nhỏ cũng khá thất thường , tùy theo câu chuyện đang nói dở dang mà con đường đi ngắn hay dài: khi thì đi ngang qua nhà tôi, băng qua cư xá Nha Địa Dư, leo lên con dốc đến bệnh viện , sau đó xuống dốc Trần Bình Trọng Tường Thanh và Kim Oanh về đến cư xá của nhân viên Cảnh sát, Lê đến cuối đường Hoàng Diệu, Mai Trang sẽ xuống đường Yagut, băng con hẻm nhỏ xuống đường Trần Nhật Duật. Đôi lúc các nhỏ đi thẳng xuống Cẩm Đô, lên con dốc nhiều tầng cấp lên đồi Sở Y tế. Hay đến Cẩm Đô lại rẽ qua Hai Bà Trưng về Hoàng Diệu. Các nhỏ vừa đi vừa trò chuyện, cười nói ríu rít, đôi lúc lặng im giận dỗi vu vơ.
Cuối cùng nhỏ Mai Trang lọt vào tầm ngắm của tôi khi tôi chợt nghe giọng Huế nhè nhẹ của nhỏ. Đó là giọng của người có gốc Huế nhưng có lẽ sinh ở Dalat như tôi. Dáng người nhỏ mảnh khảnh, tay cầm chiếc nón bài thơ chính gốc của xứ Huế chỉ để làm cảnh hơn là che nắng và nhất là nụ cười có chiếc răng khểnh vô cùng duyên dáng. Khi các nhỏ chia tay,  tôi vẫn lén đi theo nhỏ Mai Trang về nhà.
Bấy giờ đường Trần Nhật Duật còn vắng vẻ, tên đường lắm người còn chưa biết. Các ngôi nhà chỉ ở phía bên phải con đường, kiến trúc kiểu biệt thự  Pháp và nằm cao trên triền dốc của ngọn đồi Quan Thuế phía sau. Ngôi nhà của nhỏ Mai Trang khuất sau một cây liễu lâu đời bên một giếng nước, phần còn lại là một sân cỏ khiến nhìn vào khá âm u. Bao nhiêu lần khi nhỏ theo con ngõ nhỏ vào nhà, tôi đứng tần ngần mong sao dáng mảnh khảnh đó xuất hiện lần nữa.
Thưở ấy, tôi tự hào mình có nhiều ưu thế. Thứ nhất, con trai Dalat vốn nhỏ con,  tôi may mắn có chiều cao 1m70, với khuôn mặt khá điển trai. Có lần tôi ước chừng chiều cao của các nhỏ khi đi ngang qua trụ đèn trước cửa hiệu Viên Quang chuyên may đồ phúng điếu: liễng, áo tang ,  gần nhà tôi, sau đó tôi ra đo lại và tự hào dẫu các nhỏ có mang guốc cao gót cũng vẫn thấp hơn mình.
Thứ hai tôi học cùng lớp với Phạm Gia Hoàng- Em kế của nhỏ Mai Trang- Gia Hoàng là đứa may mắn, gia đình hắn có đến 12 anh chị em, ngoài Mai Trang ra, hắn còn có một cô em kế học sau 2 lớp nên hắn lấy cớ đưa đón em gái nên mỗi trưa, hắn gác chân trên chiếc xe Honda dame trước cổng trường Bùi Thị Xuân tha hồ mà nhìn ngang nhìn ngữa. Hắn là đứa khôn nên chỉ đưa đón em gái mà không hề thấy chở nhỏ Mai Trang đi học.
Gia Hoàng là đứa dễ thương, nể bạn, hắn bèn trộm tấm hình của chị cho tôi. Đó là tấm hình chụp làm thẻ học sinh, khổ 3X4cm , đường rìa xung quanh cắt răng cưa . Khuôn mặt nhỏ Mai Trang ngây thơ với đôi mắt đẹp, chiếc miệng rộng. Phía sau tấm hình, hắn còn viết mẫu tự đầu tên tôi với tên nhỏ lồng với nhau.
Tôi ngắm nghía không biết bao nhiêu lần tấm hình đó và cuối cùng nảy ý định viết thư làm quen. Đại ý lá thư là muốn kết bạn cùng nhỏ. Bởi cái gì cũng có thể bắt đầu từ tình bạn.
Thư gởi đi, tôi hồi hộp lo lắng không biết có nằm trong sọt rác thì bất ngờ nhận được thư hồi âm ngay ngày hôm sau. Thật không có gì sung sướng bằng. Đặt là thư vào túi áo cạnh trái tim, từ đường Trần Nhật Duật, tôi băng lên con ngõ nhỏ cạnh nhà hàng  L’eau Vie của hội từ thiện Terre des Hommes, tôi lên ngọn đồi của Sở Y Tế, chọn một gốc thông lớn, có bãi cỏ rộng. Rất từ tốn, tôi ngồi xuống, mở bức thư ra, đọc trong niềm hạnh phúc.
Chừng một phút sau, tôi mới nhận ra mình đang nằm dài trên bãi cỏ, mắt nhìn lên bầu trời trong xanh lẫn nhành thông mà thấy hoa nắng; tay vẫn cầm lá thư nhưng khuôn mặt lúc lạnh lúc nóng. Qua cơn choáng, tôi đọc lại là thư và cảm giác như mình bước hụt vào một cái hố sâu, chới với. Hóa ra tôi tưởng mình là người biết rõ mấy nhỏ nhưng mấy nhỏ còn rành tôi hơn cả tôi nữa. Đầu tôi nặng như ngàn cân, hai mắt hoa lên hình dung cả bốn đôi mắt đẹp nheo lên cười, tai nghe đủ các giọng cười khúc khích… Thực ra, lá thư hồi âm do nhiều người hội ý và nhỏ Mai Trang chỉ là người đặt bút viết:…bằng lòng kết bạn , nhưng là Bạn Em vì Bạn Của Em…Phải đến chiều tôi mới bước nổi về nhà và quyết định đốt lá thư, chấm dứt một mối tình.
Sau năm 75, các nhỏ đều định cư ở Mỹ, ai cũng an phận gia đình. Ngọn đồi thông trước Sở Y Tế bị san bằng để xây bệnh viện, ngôi nhà của nhỏ vẫn còn nguyên nhưng không còn âm u vì cất thêm gian nhà gỗ xinh xắn cho đứa em trai và con đường Trần Nhật Duật cũng biến dạng hẳn bởi nhà cao tầng thay cho sườn đồi và vườn hoa.
Gần 50 năm trôi qua, ngày xuân đến, ngồi họp mặt với các bạn cùng lớp Trần Hưng Đạo, tôi chợt nhớ ngày xưa và kể lại bức thư như sét đánh. Đứa em trai của nhỏ Mai Trang cũng là em rễ của bạn tôi cười cười:
-Anh ơi! Nhỏ đó sắp về rồi.
Dù giờ đã có cháu kêu nội, ngoại và nếu may mắn, chừng chục năm nữa tôi lên chức cố, mà sao trái tim cũng khẽ rung lên:
-Nhỏ ơi! Nhỏ sắp về hả!
Và chiếc răng khểnh, đôi mắt đẹp, con ngõ nhỏ có cây liễu già cỗi cạnh giếng nước, nét chữ tròn của lá thư, cả đồi thông xanh hoa nắng chợt ùa về ấm áp.
Phạm Mai Hương


MẠ TÔI – NGƯỜI LÀM BÁNH PHỞ
(Thương tặng Mạ nhân ngày lễ Vu lan với tất cả tấm lòng)





Lạ thật,lắm người từng sống ở Dalat, khi đi xa thì trong bao nỗi nhớ vào khu vực tình cảm, nó cụ thể hóa lắm cảm xúc quá trừu tượng : « nhớ mì Quảng Dalat », có lẽ dễ tiếp cận và mau cảm thông với người khác hơn là nhớ sương mù bảng lảng
( Tamhi Nguyen)
Lạ thật, tôi nhớ
Mì Quảng ấp Ánh Sáng, mì quảng đường Hoàng Diệu, ở hẻm cây mít trước trường Văn học, mì Quảng Thủy tiên cạnh trường Đoàn thị Điểm, mì Quảng Thanh Bình ở con hẻm bên cạnh cây xăng rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp…
                                                                   ( Tamhi Nguyen)
Hay nhớ đến mùi đậm đà tô khói bốc khói mỗi buổi sáng sương mù khi ghé qua Chúng tôi thú vị nhìn thấy chiếc tô tráng men trắng đặt trên chiếc dĩa trắng tinh, gây một cảm giác sạch sẽ và trang trọng. Tô phở bốc mùi thơm, màu nước trong, thịt đỏ tươi, cọng phở mền nhưng dai. Vị ngọt của nước phở khiến người ta nhớ đến mùi vị của phở Tùng, phở Phi Thuyền …ngày xa xưa ấy. Chúng tôi thú vị nhìn thấy chiếc tô tráng men trắng đặt trên chiếc dĩa trắng tinh, gây một cảm giác sạch sẽ và trang trọng. Tô phở bốc mùi thơm, màu nước trong, thịt đỏ tươi, cọng phở mền nhưng dai. Vị ngọt của nước phở khiến người ta nhớ đến mùi vị của phở Tùng, phở Phi Thuyền …ngày xa xưa ấyChúng tôi thú vị nhìn thấy chiếc tô tráng men trắng đặt trên chiếc dĩa trắng tinh, gây một cảm giác sạch sẽ và trang trọng. Tô phở bốc mùi thơm, màu nước trong, thịt đỏ tươi, cọng phở mền nhưng dai. Vị ngọt của nước phở khiến người ta nhớ đến mùi vị của phở Tùng, phở Phi Thuyền …ngày xa xưa ấyPhở Tùng. Phở Bắc Hương, Phở Bằng …ở trung tâm thành phố, phở Phi Thuyền ở tận ga xe lửa. phở King cuối đường Trẩn Bình Trọng…
Lạ thật
Mọi người thường khen tô phở nóng ngon, tô mì quảng đậm đà nhưng ít ai để ý một yếu tố quan trọng giúp sự thành công đó chính là sợi phở, sợi mì phải mềm và dai, không vữa, không làm đục nước. Và người làm ra cọng phở, cọng mì ấy chính là mạ tôi, người chủ lò phở 12 Trần Nhật Duật, và lò phở ấy đã trở thành thương hiệu của Dalat.
Mạ tôi thuở nhỏ là một cô hàng xén bán ở chợ Đông Ba – Huế. Lúc trẻ, dáng người mạ tôi nhỏ nhắn, thon tròn khuôn mặt xinh xắn, trán cao, đôi mắt sâu có màu xanh biêng biếc, con mắt như biết nói, chiếc mũi hài hoà với khuôn mặt, duyên dánh nhất khi mẹ cười hay nói, một lúc đồng tiền in sâu trên má.
Mặc dù mạ tôi chưa học hết bậc tiểu học nhưng đầu óc cực kỳ nhanh nhạy cộng thêm giọng nói dịu dàng của con gái Huế, bà luôn chiếm được tình cảm của người đối diện. Từ thuở bé, bà luôn thích cái đẹp, mạ trau chuốt từng cái áo, cái quần. Những bức ảnh chụp mạ tôi từ bé đến nay bao giờ cũng gợi hình ảnh người đàn bà đẹp mặn mà, mái tóc uốn bồng bềnh lúc xoã ngang vai, khi bới cao hay kẹp lại, cổ đeo kiềng, về sau này chuỗi ngọc màu cẩm thạch là vật bất ly thân nhưng đập vào mắt người nhìn vẫn là đôi mắt như biết nói, má lúm đồng tiền thật sâu.
Cuối năm 1950, mới ngoài hai tuổi, mạ tôi cùng ba tôi mang theo hai người con nhỏ từ Huế lên Đất Hoàng Triều Cương Thổ để lập nghiệp. Lúc ban đầu ba mạ tôi thuê nhà ở đường Phan Đình Phùng rồi vào lò gạch thuê nhà của ông Võ Đình Dung đường Hoàng Diệu. Năn 1954 ba tôi được nhà nước cấp cho căn nhà ở 8 trần nhật Duật, sau ba tôi lại được một người bạn bên Pháp nhờ quản lý ngôi nhà số 12 cạnh đó.
Bước chân lên Dalat, mạ tôi theo người ra chợ bán thịt heo, nhưng sau sợ phải phạm giới sát của đạo Phật mặc dù không chính mình giết mổ, bà về làm nội trợ nuôi con và lúc ấy ba tôi đã trở thành người đứng đầu Ty  Thông Tin ở Dalat. Bấy giờ anh em chúng tôi đã trở thành một tiểu đội, mạ tôi không muốn chỉ trông chừng vào đồng lương của chồng nên bà muốn tìm cách kiếm thêm tiền
Năm 1967, thấy bác Cương, con ông An, người cùng ba mạ tôi thuê chung nhà lúc mới lên Đàlạt, về Sài Gòn làm ăn, bác trai làm ở bệnh viện Biên Hoà và mở lò làm bánh phở, mạ tôi thích lắm. Bà tìm đến một lò phở gần rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp trên đường Phan Đình Phùng xin học nghề. Chủ tiệm là một ông Tàu tốt bụng, ông ngắm mạ tôi – lúc ấy là vợ một công chức cao cấp – bàn tay đầy đặn với móng tay sơn đỏ. Ông khuyên:
-Nghề này khổ lắm, bà không theo nổi đâu
Tính mạ tôi đâu dễ lay chuyển, mạ nhờ ông xây lò phở ở miếng đất đặt sau căn nhà 12 Trần Nhật Duật.
Bước vào nghề, mạ tôi mới thấy gian khổ. 4 giờ sáng mạ dậy xắc phở, cân bỏ vào thúng hay bao nilon để các con đem đến tiệm phở trong khi đó người thợ - thường là người Huế ở làng vô – được huấn luyện, người xay bột, người đứng tráng.
Gạo được ngâm từ ngày hôm trước, khi vo phải thật sạch nếu không bột mau chua bánh sẽ gãy. Gạo được đổ vào chiếc cối to chạy bằng mô tơ điện, phải có người đứng canh để đẩy gạo xuống lỗ tròn, canh chừng nước từ thùng để trên cao chảy xuống, không nhiều để bột bị lỏng, không ít cối sẽ bị nghẹn sẽ làm cháy cả mô tơ.
Bột xay xong đưa đưa lên chiếc thùng bằng gỗ như chiếc thùng rươu vang của Pháp pha cho vừa, thêm một ít bột năng lấy trùng để bột dai, nếu là mì quảng, bột đặc hơn và thêm bột nghệ để có màu vàng ươm
Lò tráng có hình chữ nhật, rộng 1m2, dài 3m cao 8 tấc...Trên mặt lò chừa 2 khoảng trống đặt chảo lớn. Hai đầu có hai lỗ hổng đổ mùn cưa vào, mùn cưa được mồi cháy xuống đáy lò và cứ tráng một cái bánh lại dùng thanh sắc thọc nhẹ cho rớt xuống. Trên chảo có vài thanh sắt làm điểm tựa cho cái khuôn bằng thiếc to bằng cái mẹt.Thợ đổ bột gạo xay lỏng và hấp chín, lấy bánh ra bằng ống nhựa tròn xếp từng chồng trên tấm ván tròn. Sau đó đặt bánh lên máy cắt, một người đứng quay và một người đứng trước máy hai tay túm thành bó đều đặn.
 Tiếng cối xay, tiếng máy xắc bánh, tiếng nắp đóng mở để hấp bánh tạo âm thanh rộn rã. Ánh lửa hắt từ hai cửa lò, hơi nước toả nghi ngút tạo hình ảnh ấm cúng, thanh bình. Chiều đến, trên chiếc phản, mạ và thợ ngồi xắc mì quảng. Sợi mì quảng to và dày hơn sợi phở nên phải xắc tay. Tấm bánh được cuốn tròn, chiếc dao cắt nhanh thoăn thoắt nhưng canh vừa phải, sợi nào cũng có bề dày như được cắt từ máy. Mái tôn thấp, cộng với sức nóng của mùn cưa cháy tỏa ra, khiến mồ hôi của người xắc bánh nhễ nhại. Sau khi tráng xong phở, xắc hết mì quảng chúng tôi phải khiêng mùn cưa đổ bên cạnh lò để ngày mai làm.
Bước đầu chưa có mối, sau khi tráng bánh xong, chị Mai và bà Hai gánh đi bán dạo, nhờ các quán phở trong xóm lấy giùm. Dần dà, lò phở bắt đầu có tiếng là bánh dai, không gãy. Khi cậu Chín – em út của mạ tôi – đi lính đóng quân ở Đàlạt là bạn thân của chủ nhân tiệm phở Tùng nằm ngay trung tâm thành phố – nhờ bạn lấy phở của nhà thì phở Tùng trở nên ngon hơn. Các tiệm xung quanh hỏi thăm và cuối cùng các tiệm phở nổi tiếng như Bắc Hương, Mỹ Hương, Bắc Huỳnh, Phi Thuyền, Phở Bằng ….đều là mối của mạ tôi.
 Sáng sớm,  anh em chúng tôi chia nhau đứa lên xe lam cùng những thúng bánh phở, xe chạy vòng khu Hoà Bình xuống bờ Hồ đến ga dừng ở quán Phi Thuyền rồi quay về. Trong khi đó,  đứa khác lấy xe Honda đi giao các mối phở nhỏ hơn, buổi tối mới đi thu tiền. Chiều đến chúng tôi đi xuống số Bốn,  Ngọc Hiệp…để giao mì quảng.
Chúng tôi đứa nào cũng có thể vo gạo, xay bột, tráng bánh, xắc bánh, lấy mùn cưa sẵn sàng thay thợ làm không nề hà. Vào dịp lễ hay tết nhất, người ta càng vui chơi, lò phở càng đắt, không khí trong nhà thật nhộn nhịp. Sau khi ba mẹ đi chùa, cả nhà bắt tay vào việc, chia ca nhau đi chơi, và làm suốt đêm, bánh phở lấy ra khỏi khuôn, chưa kịp nguội để xắc đã có người chờ lấy. Bao nhiêu năm, chẳng biết ai là ngừơi xông đất đầu tiên, vì lò phở làm cả đêm 30 tết. Bấy giờ mạ tôi nhớ một lời khuyên của một người lớn tuổi:
-Con ghét ai, con bày cho người ta cách nấu nước phở, cho người ta mượn tiền mở quán, quán càng đắc người ta càng khổ.
Đó mới chỉ là một tiệm bán phở, còn nếu là chủ lò phở thì cái khổ cực nhiều hơn, không có một ngày nào được nghỉ dù là tết lễ, dù là cưới hỏi ma chay, bởi nếu lò phở không giao thì cả trăm tiệm phở nghỉ theo và như vậy thì dễ mất mối.
Mạ tôi, một tay xây dựng lò phở, tạo một thương hiệu có tiếng ở Đàlạt. « Lò phở Hoàng Diệu », chẳng cần đặt bảng hiệu mà ai cũng biết tiếng, từ những tiệm phở lớn mỗi lần giao đến hơn một tạ đến những người Thượng gùi dưa gang đến đổi lấy phở vụn. Lò phở trở thành tâm huyết của mẹ tôi.
Lò phở gắn bó chặt chẽ từng thành viên trong gia đình. Bao đêm học khuya đói bụng chúng tôi lấy bánh phở chấm xì dầu cay, siêng hơn thì đổ dầu vào làm áp chảo. Kho mùn cưa làm nơi trốn tìm, đứa nhỏ thường ngủ trên các bao gạo trong khi đứa lớn hay dựa lưng vào cửa lò phở cho ấm, ngồi học thi tú tài bên cạnh bà Hai canh xay bột. Đứa con gái đầu  nổi tiếng nấu món mì quảng ngon.
Bạn của ba tôi đến nhà ăn cơm, bao giờ cũng thích món bánh phở tráng mỏng cắt nhở thành hình vuông, đặt vào dĩa,thêm vài lát chả quế, rau thơm, ít giá trụng chín kèm nước mắm cay ngon hơn bánh cuốn, vì bánh phở dai hơn. Lò phở của mẹ còn là điểm hẹn hò của những chị từ Huế vào làm thợ, nhiều người thành vợ thành chồng ở đây như chị Lòn, anh Phó.
Nương vào lò phở, mạ tôi nuôi chúng tôi thoải mái, mười hai đứa con đi học, đứa vào đại học, đứa mới mẫu giáo, đứa thích hội Việt Pháp, đứa chọn hội Việt Mỹ. Mẹ tôi chìu theo ý thích của mỗi đứa chẳng nề hà tốn kém.
Năm 1975, khi mọi người phải ăn bo bo thay cơm, lò phở  ngưng hoạt động, chúng tôi bương chải làm vườn, công nhân… nhưng sau một thơi gian mạ tôi nổi lửa để lập lại lò phở vì mọi người bắt đầu thích ăn món « phở không người lái »( phở không có thịt,).
Qua tuổi sáu mươi mạ tôi nhường lại lò phở cho người con dâu thứ, bà về hưu. Chị dâu là người giỏi giang, suốt nhiều thời gian làm nghề như cũ, chỉ thay đổi cách làm Bây giờ lò phở Hoàng Diệu hay lò phở Ông Hoàng có một cơ ngơi khang trang, máy móc hiện đại chạy bằng điện, cắt bánh tự động. Bánh vẫn dai, ngon, không đục nước và không dùng bất kỳ phụ gia nào.
Mạ tôi nay đã vào tuổi gần 90, đôi mắt vẫn còn sâu tuy không còn màu xanh biêng biếc nhưng lúm đồng tiền vẫn còn trên má, mạ thường đi tiệm gội đầu, uốn tóc. Mạ vẫn duyên dáng như ngày nào dù ba tôi không còn nữa, bà thường ngồi trước cửa đón con về thăm, miệng ngâm nga «  kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo ».
Mạ tôi đó, người đã giúp đưa phở, mì quảng đăng quang trong những món ăn ngon của Dalat trong hơn nửa thế kỷ nay. Mọi người  vẫn nhớ Phở Tùng, Phi Thuyền, phở Hiếu, phở Hằng, phở King..mì quảng bà Lòn, mì quảng Ánh Sáng. Vậy mà chẳng ai nhớ đến mạ tôi. Lạ thật.
                                      Phạm Mai Hương









MỐI TÌNH ĐẦU CỦA BÀ NGOẠI
(Bùi ngùi tặng bác xe thồ đậu ở gần chợ Mỹ Thành-Lò Gạch)

Người tình đầu của bà ngoại là ông” Cu Đen”.Ông Cu Đen là anh hàng xóm sát cạnh nhà bà ngoại. Hai người suýt soát tuổi nhau, chơi thân từ thuở mới mọc răng sữa. Bà ngoại và ông Cu Đen được đặt trên tấm chiếu nằm ở chiếc sân chung của cả xóm, hai người bò lổm ngổm trong chiếc chiếu để người lớn làm việc và dễ trông coi lũ nhóc. Hai người lớn dần trên chiếc chiếu con, bò quanh rồi bắt đầu chạy lon ton, lân la quanh xóm… cùng lũ trẻ con trong xóm leo lên ngọn đồi sau nhà hái trái mát mát cùng trái sim dại,chia nhau từng nhóm dựng lều làm nhà, dùng lá cây và hoa dại làm đồ hàng để buôn bán.
Nhà bà ngoại khá giả còn ông Cu Đen là con một ông thợ sơn, quanh năm lam lũ. Hai nhà hai hoàn cảnh khác nhau nhưng không ngăn cản được một tình bạn thắm thiết. Bà ngoại và ông cu đen cùng lũ bạn nhỏ cũng thường tổ chức những trò chơi trẻ con dưới mái nhà bằng lá cây. Kỷ niệm nhớ đời khi ông cu đen làm bà ngoại bị té chảy máu để lại vết sẹo trên trán. Trong lúc bà ngoại khóc toáng lên, ông cu đen hoảng sợ chạy trốn nấp sau cánh cửa, không dám kêu người lớn giúp bà ngoại cầm vết thương.
Lên sáu tuổi, bà ngoại và ông Cu Đen cùng học ở ngôi trường tiểu học trong xóm. Bà ngoại có bạn mới, ông cu đen cũng có bạn mới. “Mối tình đầu” của bà ngoại chấm dứt không phải vì môn đăng hộ đối mà chỉ vì ông Cu Đen học dốt quá, phải ở lại lớp, học với em bà ngoại. Dần dà ông Cu Đen không còn là bạn bà ngoại mà trở thành bạn của em bà ngoại.Thế là hai người chia tay
.*Hơn năm mươi năm sau, bà ngoại trở thành một bà giáo về hưu, ông Cu Đen là một cụ ông đẹp lão. Bà ngoại mừng thầm vì cuộc tình mau tan chứ ông Cu Đen vốn người hào hoa, có tới ba đời vợ và gần nửa chục đứa con.Hú hồn cho bà ngoại !
Phạm Mai Hương


XUÂN NÀY CON VỀ MẸ Ở ĐÂU
( Cùng với các anh chị em thương nhớ Ba Mạ, anh Thọ, Chi )
Mỗi lần vạn vật chào xuân
Bầy con lớn hơn một tuổi
Chúng tôi trẻ lại tâm hồn
Sáng mồng một Tết
Xếp hàng đứng trước chân anh
Chụp bức hình kỉ niệm đẹp nhất đầu năm
Việt Trang
Những ngày giáp tết, ba mua một cành đào cao chừng 1 mét, để trong chiếc độc bình màu nâu gạch có chạm trỗ hoa mai, đặt góc phòng khách bên cạnh ghế salon với vài chậu lan nở hoa. Ba dặn Lạc đánh bóng bộ lư đồng để mạ mua hoa quả bày bàn thờ cúng ông bà.
Từ đầu năm, mạ bắt đầu đan áo mặc Tết, kịp cuối năm mới đủ áo cho con. Cận Tết, mạ rim mứt carotte, gừng, dừa, đậu.. mạ làm mấy lần vì đám con nhỏ lén ăn vụng, không còn đủ đãi khách. Mạ bọc bánh in bằng giấy bóng kính ngũ sắc.
Chừng 29 Tết, mạ gói bánh ú. Bánh ú dễ bóc không cần nhờ người lớn và trẻ con chỉ cần ăn 1 cái là vừa. Chúng tôi ngồi xung quanh, tập gói bánh nhỏ hơn bỏ lên trên thúng nấu chờ chờ chín vớt ăn trước. Tối đến, mấy đứa con trai ngồi canh nồi bánh bên ánh lửa bập bùng.
Chiều 30, hai chị lớn tắm mấy em nhỏ lần cuối, không để dành bụi bặm sang năm mới rồi cùng nhau thức đến 12 giờ đón giao thừa bằng tràng pháo nổ. Lũ em nhỏ chaỵ quanh xóm lượm những trái pháo xì về đốt lại.
Sáng mồng một, cả nhà thay quần áo đẹp nhất, chờ bác Châu, bạn của ba, chụp cho tấm ảnh đầu năm. Ba mạ đứng giữa. chúng tôi sắp hàng trên hai bậc cấp trước nhà.
Sau năm 1975, hình ảnh thất lạc trong cuộc chiến, chỉ còn vài tấm ảnh anh em chúng tôi đồng phục trong chiếc áo len marigold màu xanh lục.
Cẩn cắt những khuôn mặt trong tấm hình đó gắn vào một chiếc đồng hồ hình tròn, mỗi người một ô số, ba mạ là 2 chiếc kim. Khuôn mặt trẻ nhỏ ngây thơ biểu tượng của một thời hạnh phúc.
Ba tâm đắc nên chụp lại chiếc đồng hồ. Trước khi mất ba rửa ra nhiều tấm, cho mỗi đứa con như lời nhắn nhủ: các con giờ còn nhiều tuổi hơn ba mạ ngày đó nhưng hãy luôn yêu thương nhau như những ngày còn thơ dại
Tết nay, hai chiếc kim đứng hẳn, ô thứ 9 Mai Chi đã trống vắng, những con số khác cũng bạc màu theo thời gian.
Nhớ …
Thời gian trôi qua, chúng tôi lớn dần, lập tổ ấm của riêng mình. ít có dịp cùng ba mạ đón giao thừa nhưng trong nhà không khí Tết vẫn như xưa
Anh Việt đem vài chậu lan đẹp nhất đem vào phòng khách, Ba gắn lên những bài thơ viết sau thiệp chúc xuân. Chị Liên, vợ anh Hoàng, chăm chút bàn thờ ngày tết với trái dưa hấu lớn dán chữ lộc màu đỏ, cặp bánh tét xanh lá. Ba bày thêm hộp kẹo mà chị Trang đem về đợt gần nhất và chai rượu Tây mà Hoành Mai từ Sai Gon gởi lên. Lạc, Lâm, Quyền, Cẩn, Sâm đem vào hộp bánh, gói thuốc, gói mứt, đòn chả….
Hương biếu mạ gói mút gừng để ba uống nước trà; gói hạt dưa loại nhỏ dành cho mạ. Chi đem về gói mứt dừa và những viên kẹo chocolate hình trái ú làm bán Tết. Phương mang tháp bánh in cùng chiếc bánh nhân mè.
Đêm giao thừa không có tiếng pháo đốt, chỉ có mùi nhang cúng giao thừa theo sương đêm lan tỏa trong không gian.
Sáng mồng một, ba mạ lên khuôn Vương Xá lễ Phật, chờ gặp con cái đầu năm rồi cùng nhau đi chúc tết sui gia .
Chúng tôi hẹn nhau về nhà mừng tuổi ba mạ rồi đi từng gia đình của nhau. Từ nhà anh Việt đến người cuối cùng thì trời đã tối
Nhớ
Ngày tết, phòng khách không còn ba nên thiếu hoa. Mạ vẫn bày khay đựng mứt lên bàn chờ con cháu đến thăm.
Sợ mạ ở một mình buồn nên con cái về sớm với mạ rồi đi chúc Tết bạn bè. Tới chừng trưa, mạ ngồi một mình trên chiếc ghế sofa, chờ đứa con, cháu tới muộn. Mạ cười mím chi nhận phong bì lì xì và cho lại đứa cháu còn đi học
Mạ cười nhờ ai đó cắn giùm hạt dưa để mạ ăn lỏi ở trong
Nhớ…
Tết năm ngoái, mạ mệt, chúng tôi về nhà và chia nhau ngủ với mạ. Mồng một, mạ nằm trên giường chờ con về thăm.
Trí nhớ mạ không còn minh mẫn nhưng vẫn biết thiếu anh Việt bởi anh đau. Mạ dựa vào Hương lần từng bước ra nhà lì xì cho anh.
Có ngờ đâu là cái Tết cuối cùng còn mạ. Tháng 6 mạ đi về với ba. Mùa Vu Lan, chúng tôi khóc lặng lẽ cài chiếc hoa hồng trắng lên áo.
Năm nay
Phòng khách cũng là phòng thờ vẫn được anh Việt, anh Hoàng bày biện trang trọng như mọi năm. Nhưng không gian trống lạnh vô cùng bởi cảm giác hụt hẫng, chúng tôi quay quắt tìm bóng dáng mạ ngồi trước cửa chờ con.
Chiếc ghế sofa trong phòng khách buồn tênh. Chiếc ghế gỗ ngoài cửa mạ hay ngồi để chụp hình với các con mọi năm nay đứng chơ vơ. Giàn hoa của anh Việt phía trước nhà xanh mướt nở hoa nhưng sao kém tươi.
Nhớ đến thắt ruột nụ cười có lúm đồng tiền với giọng Huế thật nhẹ của mạ;
-Buồn chi con, trần gian là quán trọ mà.
Các con cúi mặt nhặt hạt lệ rơi dù xuân đang về
Ba Mạ ơi! Xuân này con về ba mạ ở nơi đâu
Mái nhà xưa còn đó.
Năm tháng nắng mưa đầy.
Ngày  về thăm Ba Mạ.
Chỉ thấy bóng mây bay.
(Việt Trang)​
Tháng 2/2018
Phạm Mai Hương
*ghi chú: thường khi viết, tôi chỉ để tên anh chị em mình cho gọn nhưng thật ra mỗi tên là gồm cả gia đình nhỏ của họ. Tình cảm của tôi dành cho anh chị em của mình mênh mông vô hạn. Tôi thật sự trân quý, biết ơn chị em dâu, anh em rễ bởi tất cả mọi người đã cùng nhau chăm chút mái nhà Phạm Gia.












THẦY TRẦN VẤN LỆ: MẤT NGƯỜI NGÀY XƯA

( Anh em chúng con trân quý tình cảm của thầy dành cho ba con. Chúng con chân thành cám ơn. )
Tháng 6 năm 2010. Ba tôi dường như biết mình sắp ra đi. Ba không bồn chồn lo sợ, ba từ tốn làm mọi việc nhưng không dặn dò điều gì bởi ba nghĩ lối sống dung dị của ba là tài sản lớn nhất để các con gìn giữ noi theo.
Ba thắp nhang bàn thờ tổ tiên khấn: ôn mệ về rước ba đi. Ba dặn mạ trả tiền còn thiếu cho anh xe thồ chở ba đi ăn đám cưới. Ba túc tắc lên chùa Linh Sơn chào từ biệt thầy Minh An, thầy Viên Như để lại câu thơ Khi còn sống đất xem mình ruột thịt. Vĩnh biệt đời đất ôm ấp như con. (Việt Trang)
Ba khiến các con đêm hôm vào thăm lần cuối rồi khuya đó, trong giấc ngủ ba lặng lẽ về cõi tịnh.
Đám tang của ba hội đủ bạn bè thơ văn. Nhóm Trà Sơn tổ chức một đêm thơ Nguyên Tiêu trước lễ Tịch Điện. Mọi người ngâm thơ của ba và những bài thơ điếu tang; trong đó có một bức thư của thầy Trần Vấn Lệ gởi riêng cho ba từ phương xa đã lấy của chúng tôi nhiều nước mắt
Thư riêng
Bác đi trong lúc tuổi già
Cũng vui Bác nhỉ ! Coi là cũng vui
Nói chao ôi! Khóc hay cười?
Còn chung trà cũ, mất người ngày xưa…(Trần Vấn Lệ)
Ba và thầy Trần Vấn Lệ có nhiều mối nhân duyên
Thầy Trần Vấn Lệ, dáng người cao lớn, da ngăm, đặc điểm của người xứ biển Phan Thiết. Thầy là giáo sư của trường trung học Bùi Thị Xuân, ngôi trường nữ sinh duy nhất ở cao nguyên Trung Phần nằm trên ngọn đồi cao với tường quét vôi hồng, ngói đỏ. Ba làm Chi Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh của trường trên mười năm
Thầy ở đường Yagut, song song với đường Trần Nhật Duật. Ngôi nhà gỗ sơn xanh nhạt của thầy nằm cạnh trường tiểu học Trần Bình Trọng,  cô Liên, vợ thầy, dạy ở đó. Đứng trên bậc cấp cao gần cổng phụ vào trường, thầy có thể nhìn thấy với ba đứng trước sân. Rằng biết nhà mình ở cạnh bên. Thì chi đường dốc ngược đi lên. Nhìn qua chợt thấy lòng nguôi nhớ. Ngoảnh lại sao nghe ý đậm tình (Việt Trang)
Ba và thầy, một già một trẻ nhưng chung tâm hồn mơ mộng, lãng mạn của người yêu thơ và biết làm thơ.
Ngày xưa Đà Lạt trời mưa
Bác mời tôi đọc bài thơ mới làm
Tôi khen, Bác mặt rỡ ràng
Tay nâng quản bút ký ngang một đường(Trần Vấn Lệ)
Ba nháp thơ trên tờ lịch, cuốn sổ dở dang; làm xong ba trang trọng chép vào tờ giấy trắng. Thầy tặng lại ba bài thơ viết trên trang giấy học trò với ngòi bút lá tre chấm mực tím; chữ thầy đẹp, bay bướm.
Trời Dalat mưa phùn lất phất, khi trên căn gác Duyệt Ứng Hiên của chú Lan Hinh ở dốc Nhà Làng, lúc ở ngôi nhà 12 Trần Nhật Duật… nhóm thơ Trà Sơn chia sẻ bài thơ mới viết. Ba như cậu thanh niên mới lớn, vui mừng khi được khen, ba đặt bút ký tặng bạn bài thơ đắc ý.
“ Tôi làm thơ tặng người thương
Anh trong tiếng gọi từ hồn tôi vang
Ngày xưa Giả Đảo lỡ làng
Nay tôi có bạn ngồi chung một bàn!” (Trần Vấn Lệ)
Năm 1975, thầy vốn là sĩ quan biệt phái nên phải đi học tập cải tạo để lại quê nhà người vợ trẻ và hai cô con gái nhỏ chưa qua bậc tiểu học.
Người đi tù chịu nhiều khốn khó. người vợ ở nhà gian nan không kém. Trường Trần Bình Trọng trở thành trại gia binh của vợ những người đi học tập cải tạo. Trường có vài chục giáo viên mà hơn nửa là giáo viên ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào, từ rừng ra; còn lại là vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, một mình chăm con và thăm nuôi chồng như cô Liên, chị Tươi, chị Xuân, chị Mượng, chị Thảo, cô Giỏi, chị Mai, chị Hòa, chị Tín Hương…
Tiền lương được trả bằng tem phiếu : gạo ( hay bo bo, bột mì) chừng 18 ký, 1/2ký đường, 250gam thịt… có những thứ không nằm trong tem phiếu mà mua chung rồi về chia lại như mì chính ( Bột ngọt), tiêu... mua xong về văn phòng của trường rồi cân đo đong đếm. Đôi khi trường có việc, phải gởi nhờ nhà cô Liên ở gần đó.
Người giáo viên bấy giờ khá bận rộn: sáng lên lớp, chiều soạn bài hay hội họp, tối dạy xóa nạn mù chữ. Tâm trạng người vợ lính bất an bởi có thể tinh giản biên chế do lí lịch của chồng và nếu mất việc là đồng nghĩa với việc đi kinh tế mới. Cuộc sống khó khăn nên tài sản trong nhà dần dần ra đi.
Cứ vài tháng, các chị hẹn nhau cùng đi thăm chồng trong trại. Phần gởi lớp nhờ người dạy, phần lo bới xách. Tem phiếu để dành mua ít thịt làm ruốc sả, bánh mì sấy khô… Thương nhớ trôi qua rừng Trại Mát. Buồn trông đọng lại trảng Lương Sơn. Chiếc chăn đủ ấm lòng hiu quạnh. Khoai sắn vừa no dạ héo hon (Việt Trang)
Một ngày, vợ thầy vui khoe bài thơ: khi anh về …bài thơ rất dễ thương; chị em trong trường chuyền nhau chép. Đó là lúc thầy Trần Vấn Lệ được trả về nhà.



Ngày xưa, Giả Đảo vì không hanh thông trên đường hoạn lộ nên đọc thơ của Giả Đảo như ăn dưa muối lạnh, mùi vị chẳng những không hợp khẩu mà có khi lưỡi bị chua, răng bị tê nữa.
(Dịch Quân Tả). Nay, thầy bị ràng buộc vì quản chế, không công ăn việc làm, bất lực nhìn vợ chạy vạy mưu sinh nhưng thơ của thầy vẫn mượt mà, ba khen: nghe như tiếng suối chảy






Ba mươi năm trước, mịt mùng
Ba mươi năm , nhớ, tôi rùng mình, đau
Bác đi rồi? bác đi sao?
Tôi không tin, lệ cứ trào, tự nhiên ! (Trần Vấn Lệ)
Trời thương nên thời gian sau, thầy được định cư ở xứ người. Cuộc sống kinh tế chắc chắn phải hơn nhiều so với Việt Nam nhưng sao thơ của thầy lại buồn, ba bảo: Thơ em viết sao nhạt nhoà nước mắt. Và thở than phiền muộn bủa vây quanh( Việt Trang)
Vậy mà thấm thoát đã hơn 30 năm, ở phương xa, thầy vẫn luôn khắc khoải:  Ôi Việt Trang ơi nhớ lắm mà. Sao người không nhắc chẳng thăm ta ?( Trần Vấn Lệ) .Bên này, ba cũng ngậm ngùi Ơi Trần Vấn Lệ vẫn thương mà. Biết lắm phương trời bạn nhớ ta( Việt Trang)
Ba ngồi trước hiên nhà nhìn vọng qua trường Trần Bình Trọng, tìm ngôi nhà gỗ màu xanh. Dần dà tầm nhìn của ba bị che khuất bởi những tòa nhà cao tầng và bậc cấp dài đi vào trường đến nhà thầy cũng nhỏ lại. Dalat đổi thay nhưng với ba vẫn Một ngày vẫn đợi ngàn năm vẫn chờ ( Việt Trang) mong ngày thầy về thăm Ơi gian nhà cũ tận bên kia. Ngóng một người thân hẹn trở về ( Việt Trang)
Bác Triếp à, Bác hãy quên
Tôi đi xa lắm, còn trên xứ người
Bác đi, nhang đốt cho trời
Tôi tay bụm mặt, nhớ rồi…có quên? (Trần Vấn Lệ)
Nhớ về bạn là nhớ về quá khứ hãi hùng, tối tăm: thời gian học tập gian khó nơi rừng thiêng nước độc; thời kỳ bao cấp trói buộc con người vào miếng cơm manh áo bằng chế độ tem phiếu, thời gian quản chế ăn cơm nhà vác tù và làm mương rãnh thủy lợi….
Bởi vậy nên thầy nhớ rồi lại cố quên. Quên rồi lại nhớ. Nhớ hình ảnh người bạn già cố tri điềm đạm, cân nhắc dùng từ thật tinh tế trong từng câu thơ. Người bạn cười vô ưu, cầm bút ký ngang bài thơ. Giờ bạn không còn. Đau lòng. Đành thôi.
Viết cho người bức thư riêng
Gửi đi, ai nhận, tôi bèn xé thôi!
Còn nhau, cuối biển đầu trời
Mất nhau trong cái tuyệt vời Âm Dương
                                                          (Trần Vấn Lệ)
Thư của thầy chắc ba đã nhận. Ba cười hiền hòa với chiếc răng cời: Xin chào tất cả tôi đi. Nghĩ mình thân phận chim di một đời. Mây trời như sóng nổi trôi. .Gió tha thiết mãi như lời từ ly. ( Việt Trang).Và ba nhắn với thầy
Dẫu mai này trời đất có làm thinh
Thì em vẫn làm thơ cho người đọc
                                        ( Việt Trang)
Phạm Mai Hương
24.12.2017











MẠ TÔI: NẮNG TÀN RƠI CUỐI NGÕ…
 

             (Anh em chúng con trân quý tình cảm của thầy Trần Vấn Lệ đối với mạ con. Cám ơn thầy nhắc nhở: chúng con có phước lắm mới được làm con của mạ, một người vô cùng, vô cùng dễ thương)
             Tháng 6 năm 2010, mạ mặc áo trắng đứng chơ vơ giữa hai hàng hoa tang của ba, chạnh lòng hỏi:
             -Mai mốt đám ma mạ không biết có nhiều hoa như ri không.
             Các con cười ghẹo mạ:
             -Làm chi mà được. Ba quen biết rộng nên nhiều hoa. Mạ chắc được một vòng thôi
             Bảy năm sau, ba về ăn giỗ của chính mình rồi đón mạ đi trong nỗi tiếc thương của các con.
Lạ lùng thay, mặc dù mạ chỉ là một người nội trợ bình thường nhưng chung quanh áo quan cả một rừng hoa đủ loại của Dalat. Hoa đẹp như người mà ba yêu thương
Vẫn nhành huệ trắng đẹp thanh cao.
Vẫn mảnh mai bóng lá trúc đào.
Vẫn cả mùa xuân hoa bướm dựng.
         Mùa xuân như ý mộng xôn xao…(Việt Trang).
Lẫn trong hai hàng liễng đỏ có duy nhất bài thơ vĩnh biệt của thầy Trần Vấn Lệ gởi từ phương xa về. Bài thơ chỉ có vài câu nhưng gói gọn cả cuộc đời và tính cách của mạ
Vĩnh Biệt Bà Việt Trang
Thôi! Không còn ai nữa! Đà Lạt hết người thân, người già nhất, ân nhân của tôi…vừa nhắm mắt!
Bà Việt Trang vừa mất (*)! Đám mây cuối cùng tan…Ôi những buổi chiều vàng, nắng tàn rơi cuối ngõ…(Trần Vấn Lệ)
Dạ! Thầy nói đúng, mạ con có nhiều người thân và là người già nhất xóm Lò Gạch…
Năm 1950, ba mạ từ Huế vào Dalat lập nghiệp. Sau thời gian ngắn ở đường Phan Đình Phùng, ba mạ dọn về Lò Gạch, thuê nhà của bác Hai Dĩ ở Hoàng Diệu. Khi ba đi làm được nhà nước cấp cho căn nhà trên đường Trần Nhật Duật và ở từ đó đến nay.
Ba mạ vào Dalat” không có bà con thân” nhận những người họ mạc xa như dì Cáp tận Hai Bà Trưng, ôn Bốn cai trường Trần Hưng Đạo làm ruột thịt.
Những người ở trọ cùng nhà thuở xưa như bác An, ông Tư Cúp .. hàng xóm láng giềng như ông Tư Bờ, bà Tôn Sanh … bạn đông liêu của ba như bác Bửu Tại, bác Trác, bác Châu, bác Nõn…bạn thơ văn trong nhóm Trà Sơn bác Phong Vũ, bác Xuân Đài, thầy Trần Vấn Lệ …trở thành người trong nhà.
Với mạ, mọi người đều được quý trọng như nhau dẫu đó là bà Sơn Hà hay bà Tư Chè khốn khó. Với tấm lòng chân thật, ba mạ không làm mất lòng một ai.Tình cảm của hàng xóm đối với ba mạ có sự thương yêu lẫn quý trọng, họ thường gọi ba mạ là thầy cô.
Thuở sinh thời, ba mạ hay lững thững lên phở King của Cẩn ăn phở. Ba mất, mỗi sáng Lạc ghé nhà chở mạ qua Cẩn. Mạ ăn xong đi bộ về nhà. Có hôm, mạ khoe:
-Mạ ở nhà Cẩn ra, có một anh thanh niên đòi chở mạ về, mạ hỏi: con có biết nhà bác không. Anh đó cười: Bác Triếp, ai mà không biết.
Ba mạ có 13 người con, cũng ngần ấy dâu, rể và cháu chắt gấp 3 lần, nhưng con cháu tự nhận của mạ nhiều vô kể. Mỗi lần ghé thăm, chị Tường Thanh, chị Ngọc Liên, chị Hoan,chị Nhi… tíu tít:
-Mạ! con dâu mạ về thăm mạ đây. Mạ ơi. Đứa mô đẹp nhất.

Mạ cười:
-Đứa nào cũng được.

-Mạ nói vợ đẹp là vợ người ta. Vậy mạ có đẹp không ?
Mạ cười ranh mãnh :

-Đẹp chớ. Không đẹp sao ba lấy.
-Ủa !Ai mới nói vợ đẹp là vợ người ta

-Người ta khác, mạ khác !
-Mạ khôn ghê.

Mạ mất, 24 giờ sau, người vẫn mềm, tay chân co duỗi được và chỉ hơi lành lạnh. Tuân, bạn của Hoành, nhất định phải tự mình tẩm liệm cho mạ rồi mới lên xe về Sài Gòn có việc.. thay quần áo cho mạ xong, Tuân cầm hàm răng thủ thỉ, dỗ dành :


 -Mấy bữa mạ đau phải gỡ răng ra để dễ uống thuốc, giờ mạ để con bỏ vô nghe. Có vậy mới đẹp, ba nhìn mới thích.
Vậy chỉ trong giây lát hàm răng được gắn xong, mạ thương bạn của con mình nên làm vui lòng nó.
Những người con tự nhận gọi mạ thật tự nhiên bởi mạ không phải là đấng sinh thành nhưng sự chân thành, hiền lành của mạ khiến mọi người nhớ về thời mình còn mẹ.
Ngày tháng qua đi, bác Hai Dĩ, ông Ba Cao, bác Tư Bờ, ba..và giờ đến mạ, người già nhất chứng kiến sự đổi thay của xóm Lò Gạch gần ba phần tư thế kỷ cũng ra đi về cõi vĩnh hằng
Thầy ơi, mạ con không phải là người ơn mà chỉ là người sống xởi lởi

Năm 1965, anh em chúng tôi đã thành một tiểu đội, mạ không muốn chỉ trông chừng vào đồng lương của ba nên đến một lò làm bánh phở gần rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp trên đường Phan Đình Phùng xin học nghề và xây lò phở ở miếng đất sau căn nhà 12 Trần Nhật Duật.

Lò phở của mạ không tên tuổi hay bảng hiệu nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã có uy tín ở Dalat, những tiệm phở lớn như Tùng, Bắc Huỳnh, Phi Thuyền, Đắc Tín, Ngọc Hiệp, Bằng…đều là mối của mạ. Có đồng vô đồng ra nên mạ càng hào phóng, rộng lượng.

Lò phở gắn bó chặt chẽ từng thành viên trong gia đình. Bao đêm học khuya đói bụng, chúng tôi lấy bánh phở chấm xì dầu cay, siêng hơn thì đổ dầu vào làm áp chảo. Kho mùn cưa làm nơi trốn tìm, đứa nhỏ thường ngủ trên các bao gạo trong khi đứa lớn hay dựa lưng vào cửa lò phở cho ấm, ngồi học thi tú tài bên cạnh bà Hai canh xay bột.
Bạn của ba tôi đến nhà ăn cơm, thích món bánh phở tráng mỏng cắt nhở thành hình vuông, đặt vào dĩa, thêm vài lát chả quế, rau thơm, ít giá trụng chín kèm nước mắm cay ngon hơn bánh cuốn, vì bánh phở dai hơn.
Sau năm 1975, lò phở của mạ tạm ngưng một thời gian nhưng sau đó, mạ nổi lửa làm lại dù bấy giờ người ta thích ăn phở không người lái.
Lò phở thời đó trở thành niềm vui của nhiều người. Người nào đã từng là bạn của bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng đều ăn qua món bánh ướt của mạ.
Mỗi lần nhóm thơ Trà Sơn của ba hội tụ, món bánh ướt của mạ chỉ để ăn kèm nhưng với bạn bè của các con là thực phẩm cứu đói. Buổi trưa ở lại trường, chúng tôi đem gói bánh ướt với xì dầu cay lên, bạn bè cười đùa chia nhau giữa lon cơm độn khoai sắn. Một thầy giáo đến giờ còn nhớ:
-Buổi tối đi dạy xóa nạn mù chữ, bụng đói chỉ mong về đến lò phở để được ăn bánh ướt với xì dầu. Cái vị ngon đến giờ không có món gì sánh bằng.
Quyền, Cẩn làm bạn với hai anh em mồ côi. Mỗi tháng Quyền xúc gạo của mạ đưa cho người anh, Cẩn hái su su trong vườn nhà chuyển đứa em. Quyền đi làm xa, giao lại việc cho Cẩn. Lúc ấy, mạ mới biết chuyện, mạ đưa cho Cẩn thêm tiền giúp bạn.
Sau tết Mậu Thân, mạ nuôi đứa cháu mồ côi cha gọi bằng mợ gần 7 năm, sau năm 75 mạ cưu mang đứa cháu gọi bằng dì 4 năm khi em của mạ đi học tập cải tạo. Ngôi nhà của mạ trở thành lữ quán đón bà con, bạn bè lên ở tạm vài tháng, dăm ba ngày
Ngày xưa, chợ Chiều nằm hai bên con đường Trần Nhật Duật, mỗi lần ba lái xe đi làm không may cán phải chiếc rỗ, chiếc rá để dưới  đường, người bán hàng chờ mạ đi chợ là bắt đền, mạ cười xin lỗi giùm ba và đem thức ăn bị nát về nhà.
Có hồi, con cái về thăm, để chiếc áo khoác trên ghế, quay đi quay lại mạ đã cho người khốn khó. Thật dở khóc dở cười.
Bạn bè, hàng xóm, dù lớn hay nhỏ, dù thân hay sơ, nếu cần chi mạ đều giúp. Mạ  làm mọi việc không mong cầu chuyện trả ơn chỉ xin cho các con sau này gặp khó khăn thì có người giúp đỡ. Mạ luôn dạy con: Ở xởi lởi trời cho, ở so đo trời lấy lại.
Ba mất, bảy năm mạ sống như cây chuối bị đốn ngã, sự nhanh nhẹn tinh anh mất dần, mạ mong manh như khói lam chiều. Ở tuổi 91, mạ ra đi tựa như nắng tàn nơi cuối ngõ…
Tôi hẹn lần hẹn lữa, ba mươi năm chưa về, thăm Đà Lạt, thăm quê, ba mốt năm tình nghĩa…
Tôi nhớ lắm bụi mía xanh um trước nhà Bà. Bao nhiêu người đi qua Trần Nhật Duật đều ngó…
Một mình tôi được gỡ từng lá mía cầm chơi. Ông Việt Trang từng cười tôi già như con nít…
Hỏi sao tôi chẳng thích: giữa phố thấy nhà quê, thấy Phan Thiết tôi, kia, xa xôi đường xuống núi…
Nhớ Má tôi lầm lũi trên đồng mía, nắng, mưa. Nhớ Huế nữa, ai vừa tuổi mới lên mười bảy! (Trần Vấn Lệ)
Ngày xưa, mạ là một thiếu nữ xinh xắn, thêm giọng nói dịu dàng của con gái Huế, mạ luôn chiếm được tình cảm của người đối diện. Mạ là tặng phẩm trời ban cho ba. Từ một anh học trò nghèo khi ba gá nghĩa với mạ, mạ ghé vai gánh nặng mưu sinh để ba suốt đời vui thú với nàng thơ.
Tính tình ba hiền lành, dung dị được bạn bè yêu mến. Mỗi ngày, ba nhận thư từ khắp nơi gởi về họa thơ hay kết bạn tri âm. Nhóm thi tập Trà Sơn thỉnh thoảng vẫn cùng nhau xướng họa với tiếng ngâm thơ, tiếng sáo , tiếng đàn… Đối với thơ ca, mạ đứng ngoài lề cỗ vũ, mạ được dự với tư cách người đứng sau lo cơm nước cho các cuộc vui

Mạ từng ghen với những lá thư viết mực tím, chữ tròn, nội dung ướt át, trao đổi về cách làm thơ nhưng cũng lồng tình cảm riêng tư. Mạ đã hồ nghi có cô gái ẩn sau bài thơ tả chiếc đồng hồ
Em,

Cô nhân tình nhỏ bé
Sống bên nhau chung thuỷ mấy năm rồi
Choàng cổ tay anh
em không ngừng thỏ thẻ
Đếm bước thời gian lặng lẽ đi qua một lần không trở lại…(Việt Trang)
Cuối cùng, mạ biết mình không thể thắng lại Nàng Thơ và cả những cô gái biết làm thơ nên giận không để tâm đến thơ của ba nữa. Mạ quên  bài thơ ngày xưa ba mới quen mạ
 Ngày đó em còn tuổi mộng mơ
Nâng niu lòng mẹ mới lên ba
Từng mùa xuân tới hoa xuân nở
Hương phấn thêm hồng áo tiểu thơ…(Việt Trang)

Cả bài thơ lúc mạ tảo tần nuôi con cùng chồng.
…Khi chim mẹ về tổ
Tha mồi mớm chim non
Em cũng vừa tan chợ
Kiếm gạo tiền nuôi con…(Việt Trang)

Mạ chỉ nhớ bài thơ tình của anh học trò lén bỏ dưới kệ hàng khi mạ bán ở chợ Đông Ba lúc 16 tuổi …
Tôi đã hàng ngày bước đến đây.
Phận hèn không dám ngắm trời mây.
Đò qua một chuyến tơ duyên bén.
Của khách sang thuyền dạ tỉnh say…( khuyết danh)
Mạ chưa từng nghĩ mình là vợ nhà thơ, chỉ duy nhất thầy Trần Vấn Lệ gọi mạ là Bà Việt Trang, phải chăng thầy nhìn thấy trong mạ một nét đẹp của nàng thơ không qua hình ảnh cô gái mà ở dáng dấp người vợ hết lòng thương yêu chồng con hay  người mẹ tần tảo ở quê nhà Phan Thiết.
Một thời xa xưa ấy, ba mươi năm ôi Trời! Hai Bác Việt Trang ơi…cảnh còn mà người mất!
Cái gì là Tổ Quốc? Cái gì là Quê Hương? Cái gì là Yêu Thương? Cái gì là…nước mắt?
Bà Việt Trang vừa mất! Chén cơm tôi cầm, rơi…Những hạt cơm rã rời, tôi nhặt từng hạt lệ…(Trần Vấn Lệ)

Khi ba mạ rời Huế, lên Dalat nhận làm quê hương thứ hai. Ba  thường nghĩ mình là người lữ thứ, con chim di, nhớ Huế trong tận tâm khảm nhưng mạ thì không. Đối với mạ, Dalat là chốn thần tiên, cảnh trời đẹp, thơ mộng, không khí trong lành, con người hiền lành. Trên hết nơi nào có chồng con thì nơi ấy là quê hương của mạ và lấy lân bằng, xóm giềng làm người thân. 
Tuy  cảnh vật, con người Dalat có đổi thay. Khó tìm ra rừng thông xanh với cây cao chót vót; đồi cỏ non với đàn ngựa thanh thản găm cỏ; con người dung dị, sống thong thả dù mưa cũng không chạy. Nhưng trong một góc khuất nào đó vẫn còn hình ảnh người Dalat sáng đi vòng hồ Xuân Hương tay cầm chiếc kẹp và tay cầm túi rác để gắp những bao nilon bẩn; vẻ đẹp của Dalat vẫn ẩn ở con đường mòn viền hoa quỳ vàng, vạt cỏ đẫm hơi sương.
Và dù con dốc đi vào trường Trần Bình Trọng dẫn vào nhà thầy, trông rất nhỏ so với dãy nhà lầu hai bên nhưng vẫn còn  để đám trẻ con ngày hai bữa đến trường. Con đưởng Trẩn Nhật Duật mở rộng thông qua đường Trần Bình Trọng nhưng ngôi nhà số 12 tuy không còn bụi mía xưa, không còn ông bà Việt Trang nhưng nếu thầy về, những đứa con của người bạn cố tri cũng là  học trò cũ của thầy năm nào sẽ đón thầy như người ruột thịt. Trên tường, tấm ảnh của ba mạ với nụ cười hiền lành. Ba sẽ cười và nói với thầy

 Dẫu mai này trời đất có làm thinh
Thì em vẫn làm thơ cho người đọc

                                         ( Việt Trang)
 Mạ cũng hóm hỉnh:
-Trần gian là quán trọ. Nhà tui đón tui về cho có bạn mà. Thầy đừng buồn, đừng nhặt hạt lệ rơi.

* ghi chú của thầy Trần Vấn Lệ
 
(*) Bà Nguyễn Thị Huệ, quả phụ của nhà thơ Việt Trang Phạm Gia Triếp, vừa mất tại Đà Lạt, ngày 3 tháng 8 năm 2017. Bà hưởng thọ 91 tuổi, là người già nhất ở Đà Lạt tôi quen biết, yêu thương và kính trọng. Tôi nhớ ngôi nhà của Ông Bà ở 12 đường Trần Nhật Duật. Tôi nhớ cảnh gia đình êm ấm, hạnh phúc của Ông Bà. Tôi nhớ bàn tay ấm nồng của hai Ông Bà khi biết tôi rời xa Đà Lạt năm 1989, sau 31 năm tôi ở đây. Tôi nhớ những giọt nước mắt Ông Bà lăn trên đôi gò má hóp háp. Tôi nhớ ánh mắt thật buồn của Bà…Tôi nhớ, Trời ơi, Đà Lạt…và giọng Huế dễ thương. Tôi đã vĩnh biệt Ông, nay vĩnh biệt Bà…
Xin gửi bài thơ này về từ Temple City, một chút Tình Cố Lý.

*Ghi chú của người viết: tôi luôn nhủ lòng viết về mạ không được buồn bởi mạ luôn luôn còn trong lòng anh em chúng tôi 
Phạm Mai Hương
Tháng 1. 2018