THIÊN HƯƠNG ( Văn )

 

HẠT NHỚ THÁNG BA
 
 
Buổi sáng thức dậy, ngoài vườn những bông ngọc lan đã bắt đầu hé nở, những giọt sương nhỏ còn long lanh trên lá, mảnh trăng hạ tuần lơ lửng trên bầu trời còn nhuốm chút ánh đêm.  Mùa hè hình như đã hết, ngày đã dần dần ngắn lại và những cơn nắng địa cực đã bắt đầu bớt chói chang.  Tháng ba rồi đó em, em có nghe ngơ ngẩn như tôi, như những người đã bắt đầu luống tuổi, để nuối tiếc những ngày tháng trôi đã quá nhanh dù không biết nếu ngày tháng chậm lại sẽ làm những gì cho ngày bớt đi trống trải.  
 
Một tối tháng ba 75, khi nghe tin Ban mê thuột thất thủ, em đã thảng thốt nói với tôi là sợ Ðà lạt sẽ mất theo, cái lo sợ tưởng viển vông đã lớn dần theo từng ngày qua đi trong tháng ba 75 và thành sự thật để cho bao cuộc đời chợt trở nên trôi nổi.  Vậy là đã gần ba mươi năm qua rồi đó, một thời gian không đủ dài để có thể chôn vùi những kỷ niệm xưa cũ và những u buồn quá khứ. 
 
Tháng ba, hình như tôi đã chẳng còn nhớ đây là mùa hoa gì trong những thành phố cũ.  Tháng này có phải con đường Nguyễn Du vẫn phủ ngập lá me xanh và con đường Cộng Hòa trước trường Khoa học đã bắt đầu óng ánh màu hoa vàng của những cây điệp hai bên.   Hà nội chắc vẫn còn đang ẩm ướt trong cái rét nàng Bân.  Và Ðà lạt, những cây đào, cây mai chắc cũng đã ngợp xanh bóng lá.  Ðã có một lần tôi trở về thành phố xưa nhưng tất cả hình như bỗng trở thành lạ lẫm.  Các sườn đồi thoai thoải với những ngôi nhà nhỏ e ấp dưới những rặng thông hay sau những rặng quỳ vàng rực đã không còn nữa.  Thành phố khoác cái nét lởm chởm của những ngôi nhà xây cất vội vã, của những nhà nghỉ và quán ăn.  Ðà lạt của tôi giờ chỉ còn là một nỗi nhớ muộn màng trong tiếng thở dài mênh mang như hơi thở mùa đông.
 
Buổi sáng hôm nay, tôi chợt nhớ ánh mắt trong xanh của em năm nào và tà áo trắng rạng rỡ tung bay dưới hàng cây khuynh diệp của ngôi trường ngói đỏ.  Bầu trời mênh mang làm tôi chợt nhớ bài Năm Hai ngàn năm một lần nghe em hát trong khuôn viên đại học.  “Năm hai ngàn năm anh trở về...”.   Lúc đó, năm 2000 như một ngày tháng nào xa xôi lắm, vậy mà ngày đầu tiên của tân thế kỷ giờ đã như gần vào quên lãng, cứ năm cũ qua năm mới đến, thu đi đông về, xuân tàn hạ tới.  Mới bắt đầu năm mới nay đã lại tháng ba; như vậy là quý đầu của một năm đã sắp hết, và ba quý kia chắc cũng sẽ lại vút qua thật nhanh như một cánh én vụt vào bầu trời mông mênh vô tận.   Ngày tết vừa mới qua đây thôi mà sao đã như  là lâu lắm.  Tháng ba, buổi sáng đầu ngày chợt gập những ngỡ ngàng khi những chiếc lá vàng nhỏ đã bắt đầu bay theo những cơn gió nhẹ nhàng buông mình trên những thảm cỏ xanh.   Thời gian sao nay đi nhanh quá, chẳng trách tôi đã chẳng tìm lại được em giữa những người không quen, chưa quen hay giữa những người quen nay trở thành hờ hững.   Nhưng mà hình như tôi cũng chẳng tìm thấy lại được chính mình trong những quay cuồng của đời sống.  Tôi đang đi trong một thành phố dù đã ở lâu nhưng vẫn còn xa lạ, giữa hàng người mênh mang vội vã.  Hình như dáng đi của tôi cũng đã trở nên lạ lẫm và những suy nghĩ  hành động cũng đã chẳng còn là của chính mình.   Vậy thì làm sao tôi tìm thấy em khi chính tôi cũng đã chẳng nhận ra được chính tôi.  Bắt đầu đời sống mới khi tuổi ngoài 30 thật không dễ dàng gì hòa nhập, dù ở một đất nước mới như tôi, và dù ở ngay trong đất nước mình trong một xã hội mới như em.   Vì vậy cả tôi, cả em, hình như mình đã đánh rơi bóng dáng mình đâu đó trên con đường kiếm sống.  Giờ này em ở đâu khi thành phố đã quá nhiều thay đổi và đơn vị ngày tháng bắt đầu tính theo từng năm, hay chục năm kể tự bao giờ.   Những buổi sáng nắng, những buổi chiều mưa, tôi vẫn đi và tìm hoài hình ảnh xa xưa của em.  Mái tóc xõa dài bay bay theo gió, ánh mắt rạng rỡ sáng trong và nụ cười hồng ngát hương ngọc lan thơm ngát.   Cây ngọc lan sáng nay đã nở, những bông hoa nuột nà làm tôi lại thêm nhớ em ray rứt, em đang ở đâu, những hi vọng và ước mơ của tôi, những tin yêu vào cuộc đời và những hăng hái bước vào cuộc sống của tôi.  Cứ tìm đi, rồi sẽ có một ngày mình lại gặp được nhau, phải không em.  Hay hãy cố nghĩ em là một người nào đó đang đi bên tôi hôm nay, một người nào đó có nụ cười của em, một người nào đó có ánh mắt của em.  Hãy cố lắng nghe trong những cơn gió, hình như có tiếng cười lảnh lót của em.  Hãy cố nắm bắt những hạt sương đêm mang ánh mắt long lanh của em.  Và hãy đưa tay hứng những chiếc lá vàng nhỏ nhoi vì hình như, chúng đang rơi xuống từ bờ vai em.   Màn đêm buông xuống,  huyền hoặc như mái tóc em ngát thơm mùi dạ lý.  Ngày bắt đầu lên, rực rỡ như những giấc mơ em vẫn kể cho tôi.   Hình bóng em, như vậy hình như vẫn thấp thoáng quẩn quanh, và như vậy, tôi đâu có mất em vì em vẫn ở đây, bên tôi, dịu dàng, trong sáng như ngày nào để hồn tôi dịu lại sau những nóng bỏng nghĩ suy.   Thế là tôi đã tìm lại được em, phải không em yêu dấu....
 
Thiên Hương
1/3/02

CHẬP CHÙNG THOÁNG NHỚ

 

Tháng mười một, mùa đông lẽ ra phải hết từ lâu.  Đường phố đã vắng hẳn những bóng hoa đào hồng rực hay màu mimosa vàng óng, vậy mà sao cái lạnh cắt da vẫn còn ùa tới và những buổi chiều rời sở trời vẫn còn tối sẫm với những cơn mưa lạnh buốt lê thê.  Ngày vẫn còn rất ngắn vậy mà những buổi sáng đã bắt đầu ngẩn ngơ khi ngước nhìn những đường phố rợp những hàng cây xanh mềm bóng lá.  Trong các mall đã bắt đầu ngập quần áo mùa xuân, mùa hạ.  Các hàng hiệu đã thấp thoáng những cây thông và hàng hóa Giáng sinh. 
 
Một năm đã lại sắp hết, sao ngày tháng trôi đi nhanh quá, chiếc lá này chưa kịp xanh chiếc lá khác đã nhạt nhòa.  Mùa này chưa qua, mùa khác đã vội tới, nên những tuổi đời cũng giục giã tàn phai. 
 
Mới buổi sáng tỉnh giấc, đi trong làn sương mỏng, lớp sương mù hình như chưa tan hết đã thấy sương chiều rải rác quanh đây.  Những buổi chiều, sao tôi vẫn sợ những buổi chiều như thế.  Lạnh, mưa và ướt át.  Đường phố giờ tan sở ngập bóng người đi vội vã.  Những bóng người dưới trời mưa lạnh hình như đã tan đi phần nào sinh khí, chỉ còn tiếng gót giày khua trên bờ phố và những khuôn mặt mệt mỏi sau gìờ làm việc.  Những bóng người đi bên cạnh tôi đã bao ngày nhưng vẫn không một lần thoáng hiện niềm vui khi nhìn thấy nhau.  Những khuôn mặt lạnh lẽo như bằng sáp, đủ để cho những cơn gió sắt se lạnh lại càng thêm hiu hắt.
 
Tôi bước vội xuống escalator đi vào ga xe lửa.  Trên những platforms buổi chiều vẫn đông người, nhưng ai nấy như đắm chìm trong một suy nghĩ nào đó, hoặc dán chặt mắt vào những trang báo hay cuốn sách đọc dở dang.  Thỉnh thoảng tiếng loa phóng thanh lại vang lên báo hiệu tuyến đường xe lửa sắp tới, màu đèn sáng lòa đường hầm, môt số người vội vã bước lên, tiếng còi hú dài và những con tàu lại lăn đi.  Đã bao buổi chiều như thế, đã bao buổi chiều tôi đứng nhìn đoàn nguời lên xuống, đã bao chuyến tàu chợt đến chợt đi, đã bao lần tôi cũng bị quấn hút vào đám người lạ lẫm và lạnh lẽo đó, để lên những chuyến tàu, tiếp tục chìm đầu vào trang sách hay báo, hay lặng lẽ nhìn những hàng cây, đường phố trôi lại phía sau.  Cuộc đời đều đặn, nhàm chán đến rợn người.  Thèm biết bao nhiêu được gặp lại một bóng người quen hay một nụ cười thân thịện.   
 
Đường hầm lại rực sáng, tiếng loa phóng thanh lại rồn rã, một chiếc xe lửa lại trờ tới, đoàn người lại vội vã lên xe.   Giữa đám đông xa lạ ấy, hình bóng hai phụ nữ Á châu bé nhỏ, thoáng đập vào mắt.  Ở khu vực trung tâm thành phố này, số đàn bà Á châu đi làm thật tương đối hiếm hoi.
 
-          Thôi Hằng về nha, mai Trúc gọi lại Hằng nha.
 
Giọng nói thánh thót làm tôi giật bắn người, cái tiếng Bắc trong trẻo này, cái tên Trúc dễ thương kia như đang gợi một hình ảnh nào tôi đã mất từ lâu lắm.  Chiếc tàu đã đi qua, người phụ nữ còn lại đứng một mình trên sân ga, cô ta quay lại đến ngồi trên băng ghế cạnh tôi.  Khuôn mặt bầu bĩnh, có lẽ đã ngoài ba mươi, nhưng thật dịu dàng và thuần khiết, đôi mắt và khóe miệng vẫn còn long lanh nụ cười, và trời ơi.  Hai lúm đồng tiền xinh xinh ở một khóe môi bên phải, một lớn một nhỏ làm tim tôi thắt lại
-          Phải Thủy Trúc em của anh Mai không?
Người phụ nữ nhìn tôi, ánh mắt dọ hỏi, nhưng vẫn dịu dàng:
-          Thủy Trúc đây, anh là bạn anh Mai?
-          Linh đây, Linh bạn anh Mai.  Anh Mai giờ ở đâu?
-          Anh Linh ạ?  À, em nhớ rồi, hồi xưa anh học lớp với anh Mai, hay lại chơi với anh Mai phải không ạ?  Anh em giờ ở Mỹ.
-          Anh Mai vợ con gì chưa?
-          Dạ, anh ấy lấy vợ muộn nên giờ hai đứa con còn nhỏ xíu.
Rồi Trúc cười, hai lúm đồng tiền lại sâu xuống xoáy mạnh hồn tôi đau nhói.
-          Không như em, bữa nay làm bà ngoại rồi anh.
-          Bà ngoại, không thể tưởng được, nhìn Trúc ai cũng nghĩ chỉ ngoài 30
-          Cám ơn anh, không trẻ vậy đâu anh,  tại em lấy chồng sớm quá, với lại cũng gần 50 rồi anh.
Lại một chuyến xe lửa trờ tới, đúng tuyến đường của tôi.  Trúc đứng lên chào:
-          Xe lửa của em tới rồi, chào anh ạ.
-          Xe tôi cũng chuyến này.
 
Tôi và Trúc cùng lên xe.  Trên xe Trúc cho tôi biết hai vợ chồng mới dọn về khu này, hai cháu gái đã có gia đình cả nên hai vợ chồng mua cái appartment nhỏ ở gần con cho tiện.  Giọng nói Trúc hồn nhiên, vui vẻ.  Người con gái thẹn thùng ngày nào đã thành một thiếu phụ thật duyên dáng và vẫn còn giữ được nét son trẻ ngày xưa.  Trúc xuống trước tôi hai ga, nhìn dáng Trúc nhỏ nhoi đi lẫn vào dòng người, lòng tôi chùng xuống, một thoáng nhớ thật xa xôi, nhập nhoà theo một dáng người thật gần gũi, nhưng cũng xa vời vợi.  Tôi chợt nhớ ra mình đã quên hỏi địa chỉ và điện thoại của cô, hình như tôi vẫn còn ở trong giấc mơ chứ không hoàn toàn hiện hữu.  Tôi xuống xe lửa, đi chậm rãi về căn nhà nhỏ của mình.  Trời buổi chiều vẫn xám và đang tối dần, nhưng trong tôi, ánh nắng đầu ngày hình như đã lại đi lên, đủ soi sáng cây thủy trúc trước cửa nhà lấp lánh, một màu xanh nhẹ nhàng cho những thoáng nhớ không tên nhưng chập chùng dịu vợi…
 
xxx
 
Tôi biết Trúc đã từ lâu lắm.  Học cùng trung học với Mai, anh của Trúc.  Ngày ấy còn ở Đà lạt, cái thành phố mà bây giờ đã bao năm tôi vẫn còn nhớ cái nét dịu dàng của nó.   Cái thành phố mà mỗi nét vẫn là một yếu tố trong những quyết định của cuộc đời, từ việc chọn thành phố sinh sống, đến mua căn nhà ở, hình như tôi vẫn cố tìm lại những khung cảnh ngày xưa, nơi có những hàng thông hay những sườn đồi xanh thoai thoải…
 
Ngày xưa, thỉnh thoảng lại chơi với Mai, Trúc hay ra mở cửa.  Cô bé xinh xắn với hai con mắt tròn to lấp lánh, khe khẽ mỉm cười làm hai chiếc lúm đồng tiền trên má phải lúm sâu, khẽ chào và quay đi để chúng tôi nói chuyện với nhau.  Hoặc cô xuống bếp, hoặc lặng lẽ ngồi học ở chiếc bàn trong cùng phòng.  Mái tóc đen thường xõa dài trên đôi vai nhỏ.  Cô và Mai hoàn toàn không hay biết là dáng dấp và hình ảnh của cô đã theo tôi suốt bao nhiêu ngày tháng.  Có một lần tôi đến nhà và cùng Mai đi học.  Hôm ấy cô cũng có giờ học nên Mai chở cô đến trường.  Nhìn cô nhẹ nhàng trong chiếc áo dài trắng, và chiếc áo len xanh.  Mái tóc buộc túm lên lộ khuôn mặt bầu bĩnh, với nước da trắng hồng của con gái Đà lạt, tôi ngẩn ngơ nhìn.  Trong lúc Mai loay hoay đẩy xe ra cổng, cô cúi xuống khóa trái cửa, tôi tự dưng như không bước đi được, tôi lặng đứng nhìn cô.  Cô vẫn cúi đầu vặn khóa nhưng có lẽ cô biết, nên tôi thấy từ má cô những tia máu đỏ rất nhỏ từ từ xuất hiện làm đôi má cô càng thêm hồng.  Cô vẫn cúi mặt dù cửa đã khoá xong, chưa bao giờ tôi đứng gần cô đến thế, mùi thơm nhè nhẹ từ người cô làm tôi ngây ngất.  Tôi muốn bước đi, nhưng chân cứ chôn chặt ở đấy.  Mai đã nổ máy xe, vẫn nhẹ nhàng cô quay người, khẽ nhẹ mỉm cười, trên má lại lúm sâu hai lúm đồng tiền xinh xắn.  Cô thoăn thoắt bước ra ngồi sau Mai.  Tôi chạy xe chầm chậm phía sau, người bồng bềnh, lặng nhìn chiếc xe đằng trước của hai anh em Mai.  Trời Đà lạt hôm ấy rất xanh và rất trong.   Xe qua hồ Xuân Hương, hai tà áo dài của cô bay nhẹ trong gió, cái gió dịu dàng của một ngày xuân đẹp.  Dáng cô nghiêng nghiêng, tôi ước gì có một lần được chở cô như thế, để cô cũng nghiêng đầu, người cô cũng dựa nhẹ vào lưng tôi như thế.  Những sợi tóc của cô theo gió mơn man trên gáy, trên vai tôi, và mùi thơm của cô theo cơn gió phảng phất mãi bên người.  Mai đưa cô đến trường, cô cười với anh và quay lại khẽ gật đầu chào tôi.  Cả ngày hôm ấy tôi ngơ ngẩn. 
 
Từ đó, trong giấc ngủ, dáng cô vẫn hiện về, với nụ cười nhẹ nhàng và hai lúm đồng tiền sâu bên má phải.  Từ đó, tôi vẫn bắt gặp mình hay chạy xe dọc theo đường hồ, vòng qua tia phun nước, lên dốc Bồ đề, chạy để nhớ cái dáng nghiêng nghiêng, với chiếc áo len xanh, tà áo dài trắng.  Đã bao nhiêu năm, cái màu trời xanh, màu hồ xanh, những hàng thông rì rào, những rặng qùy vàng ối đã đi theo trí nhớ của tôi qua bao chặng đường. 
 
Thủy Trúc, người con gái ngày xưa đã trở về, nhưng rồi tôi lại vẫn mất em, vì có bao giờ tôi nắm giữ được em, hở em yêu dấu.   Tôi chỉ có thể trồng những cây thủy trúc dọc theo những lối đi, để chiều chiều trở về, lòng dịu lại sau những giờ làm việc mệt mỏi, để nhớ đến em cũng như nhớ đến khung trời  Đà lạt ngày xưa, đã ươm mơ cho những giấc mơ của tôi.
 
Hái nụ hoa xanh lòng ngại ngần muốn hỏi
Mơn nhẹ đóa hồng muốn khẽ nói yêu ai
Chỉ sợ ngữ ngôn xóa mất nét trong ngần
Ðể đôi mắt đó không còn thơ ngây như trước
 
Em đừng xõa tóc trong những chiều nhạt nắng
Ðừng khẽ thở dài cho nắng bỗng ngừng trôi
Ðừng để mắt môi nói lên tiếng đợi chờ
Và đừng để tim tôi mềm trong gió
 
Tôi gửi đến em một chút tình trong vắt
Một nụ cười hồng mang chút nét trẻ thơ
Một chút dễ thương của ánh nắng dịu dàng
Ðể giây phút này vẫn luôn còn sống mãi…
 
Ngày ấy, vì yêu Thủy Trúc, tôi đã thành thi sĩ từ lúc nào không biết, tối tối tôi viết những vần thơ cho cô, viết mà không bao giờ dám gửi.  Gặp cô ở nhà Mai, cũng không dám nói chuyện gì, chỉ biết tôi siêng lại nhà học chung với Mai hơn.  Hai anh em cô học rất giỏi, Mai lại rất tốt, kiên nhẫn giảng cho tôi những bài tóan khó.  Nhiều lúc lại nhà, cô có bạn đến học cùng, nghe tiếng cô thánh thót nói chuyện với bạn, tôi như ngây ra chẳng suy nghĩ được gì, Mai cứ phải giảng đi giảng lại.  Có lần, Mai bắt gặp trong vở tôi bài thơ tôi viết trong lúc nghĩ đến cô, Mai cười:  Cái thằng này bữa nay bắt đầu mê gái rồi hở, mày mê ai nói cho tao hay được không.   Tôi chỉ biết đỏ mặt chống chế.  Mai cầm bài thơ của tôi, đọc to:
 
Anh theo em dọc theo con dốc nhỏ
Hoa quỳ vàng rực rỡ áo trắng em bay
Thành phố mù sương lãng đãng chút mây hồng
Tình anh đó theo tấm áo học trò bay bỡ ngỡ
 
Anh viết những vần thơ vào chiếc lá làm quen
Song không dám trao sợ tia mắt ai cười

Hay hờ hững làm hồn anh nát mất

 
Anh vẫn theo em trong những sáng nắng mùa xuân
Tình nhút nhát nên không thành lời âu yếm
Chỉ biết nhìn theo dáng nhỏ ngọt ngào
Tóc đen mướt xõa dài trên áo trắng
 
Rồi những sáng mùa thu anh vội vàng đến lớp
Lỡ bỏ quên chiếc lá ở sân trường
Gió mơn man nhẹ thổi chiếc lá vàng
Rơi trên tóc em như nụ hôn anh thầm gửi đến
 
Mai cười khanh khách:  Thằng này làm thơ cũng được đấy chứ.  Lý ra mày phải đi ban C chứ sao theo ban B?
 
Tôi chỉ muốn độn thổ, không dám nhìn Trúc ở chiếc bàn học trong góc phòng.  Mai lại nghiêm trang nói:  Lo học đi, năm nay mà rớt là đi lính đó, đừng thơ thẩn nữa.
Ngày hôm đó Mai kiểm soát chỉ bài cho tôi rất kỹ nhưng tôi hấp thụ rất ít, cả tâm trí để cả vào Trúc, tôi muốn biết thái độ của cô khi nghe bài thơ ấy.  Nhưng tôi không dám nhìn về phía cô, lúc Mai ra khỏi phòng, tôi quay lại thì ra cô đã vắng mặt từ lúc nào.
 
Sau đó vài tháng, cả gia đình Mai về Sàigòn, ba Mai chuyển công tác về đó.  Tôi cũng mất liên lạc với gia đình Mai luôn.  Tôi ở lại Đà lạt, xong tú tài lên đại học.  Những buổi chiều nhớ Trúc, tôi vẫn chạy xe chầm chậm lên dốc nhà Mai, qua bờ hồ, qua dốc Bồ đề, nhìn những bụi qùy vàng óng, nhìn bầu trời xanh thẳm mà nghe lòng dâng một nỗi nhớ mông mênh. 
 
Có những ngày mưa, trời chiều Đà lạt sương mù lướt thướt, trong màn mưa nhìn cặp Lê Uyên Phương dìu nhau dưới chiếc dù đen.  Lê Uyên lúc đó đẹp lắm, dáng thanh mảnh trong chiếc áo khoác màu kem nhạt, khoác tay chồng đi chầm chậm dưới mưa dọc theo bờ hồ.  Hai người đi trong mưa, nhưng hình như không biết đến những cơn mưa ướt và gió lạnh.  Tôi ước gì một lần, được dìu Trúc đi trong cơn mưa như thế, Trúc cũng sẽ níu lấy cánh tay tôi, hai đứa đi giữa mưa lạnh nhưng trong lòng vẫn đầy ấm áp.
 
ước gì trời đổ mưa rào
cho chung đôi bước, che chung cây dù
trên trời dù có mây mù
nhưng bên nhau vẫn ngất người đê mê
cho dù đời có ê chề
bên nhau vẫn thấy ấm lòng ngất ngây
cho em má đỏ hây hây
mắt long lanh sáng,
thì thầm yêu anh
 
Nhiều hôm vào quán café của Lê Uyên và Phương, nghe hai người hát, nhìn ánh mắt ho nhìn nhau, những lời ca trữ tình như tình thêm theo làn mắt đắm đuối của họ. Những lời hát mang chút âm hưởng đau thương nên lúc đó có tin đồn Phương sắp chết vì ung thư gì đó.  Thấy cuộc tình của họ, lòng tôi gợn lên nỗi xót xa.  Ước gì có một người yêu mình như thế, chết cũng không uổng một đời.  Yêu nhau thế, nhưng sau qua Mỹ, nghe nói cuộc tình giữa hai người cũng tan vỡ.   Nhưng trên những đường phố Đà lạt, vẫn còn in những dấu chân của hai người, của một thời yêu thương say đắm.
 
Thời thế đổi thay, tôi cũng bước chân qua Úc, làm lại cuộc đời lúc tuổi đã gần ba mươi.  Tôi đã bao lần bước đi trong nắng, nghĩ đến Trúc; tôi đã bao lần bước đi trong mưa, nghĩ đến Trúc.  Đã bao đêm nhìn trăng lên, nghe sương xuống, nhớ đến vùng trời Đà lạt của một thời ngây thơ tuổi nhỏ, nhớ đến mối tình đầu đời trắng trong thuần khiết như lụa trắng tinh nguyên. 
 
Đã có lần về Đà lạt, nhìn lại thành phố đã thay hình biến dạng, chỉ còn con đường bờ hồ là ít thay đổi.  Dốc Bồ đề, Võ Tánh, con đường trước trường đại học và Bùi thị Xuân đã hoàn toàn khác hẳn.  Những cửa hàng hiệu xô bồ tràn lan trên đường phố.  Những con người Đà lạt ngày xưa đã biến đi đâu mất.  Tôi vòng lên ngõ nhà Trúc, mong được nhìn lại khung cửa ngày xưa đã một lần tôi đứng cạnh cô để nhìn cô nghiêng người khoá trái cửa.  Nhưng căn nhà ấy đã không còn nữa.  Nguyên con đường đã đầy các nhà nghỉ và những tiệm bán buôn.
 
Ðàlat ơi, một lần về, một lần mất mát
Một lần về còn ôm mãi niềm đau
Những xót xa hiu quạnh đến không ngờ
Vì chốn cũ nhưng không  còn xưa cũ
 
Ðàlat ơi, ngày trở về tôi khóc
Tôi tìm hoài những phố nhỏ ngày xưa
Những rặng cây loáng thoáng bóng qùy vàng
Hàng dâm bụt ngả nghiêng chiều lộng gió
 
Ðàlat ơi, còn mong chi mà nhớ
Phố phường chừ không bóng dáng ai quen
Căn nhà xưa cũng đổi dáng đổi hình
Tôi đứng đó nhưng dường như mất hút
 
Vậy mà hôm nay, tình cờ tôi lại gặp Thủy Trúc.  Thời gian hình như không mang lại nhiều dấu ấn trên em, người con gái dịu dàng với tâm hồn trong trẻo ngày xưa.  Cái giọng nói Bắc lai lai thánh thót của Đà lạt ngày xưa đã hơi trầm xuống nhưng lại nồng nàn và ngọt dịu hơn.  Yêu em đã bao năm, mới được môt dịp ngồi gần em đến như thế, mới được một lần nói chuyện với em như thế, được một lần đối mặt để nhìn thấy hai con mắt của em vẫn sáng long lanh, một màu long lanh huyền ảo, vẫn to tròn tinh anh, và đôi má vẫn còn hồng mịn với hai lúm đồng tiền trên má phải.  Thủy Trúc, tôi đã gặp lại em để rồi lại để em bước đi, vì trong đời tôi có bao giờ tôi đã nắm giữ được em.  Em chỉ là một tình yêu dịu ngọt, của mối tình đầu học sinh tưởng thoảng qua nhưng đã thành bất diệt.  Em là cả một khung trời thơ ngây trong trắng, để tôi vẫn có thể sống với niềm tin là cuộc đời vẫn còn những gì đẹp đẽ.
 
Cám ơn Thủy Trúc, cám ơn buổi chiều hôm nay.  Một buổi chiều đã xóa đi những nỗi lo sợ của tôi trong những  ngày tháng qua.  Tôi sẽ không còn phải lo sợ phải nghe một tin bất hạnh nào đó về em hay Mai, như những bất hạnh đã đến với một số bạn hữu của tôi ngày xưa.  Tôi sẽ không còn phải lo sợ gặp lại em, nhưng hình dáng đẹp đẽ của em đã bị bào mòn vì thời gian, như nỗi lo sợ bàng hoàng và đau đớn của tôi khi trở về Đà lạt nhìn thấy thành phố mất đi vẻ đẹp hoang sơ ngày nào.   Thủy Trúc của tôi, cám ơn em đã trở về một lần, để tôi tin là một tâm hồn thánh thiện vẫn luôn mang một vẻ đẹp không bao giờ thay đổi dù thời gian, cuộc đời có tàn khốc thế nào đi nữa.  Nhớ lại khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt yêu thương của em khi nhắc đến chồng con và các cháu, tôi thật mừng cho em, và cũng mừng cho những người thương yêu của em đã có được em trong đời.  Nhưng lòng tôi cũng không khỏi se sắt bồi hồi khi nghĩ đến mình sẽ luôn không có em, trong quãng đời này….
 
Nhưng dù sao, ít nhất, tôi đã có hình ảnh của em để mang theo trong suốt cuộc đời của tôi, có một khoảng trời xanh Đàlạt đã nuôi tôi khôn lớn và trở về trong những giấc ngủ cho ngày tháng bớt nỗi buồn tênh.  Thủy Trúc, một lần nữa cám ơn em đã trở về, có thể tôi sẽ còn cơ hội gặp lại em vào những buổi chiều tan sở, trên những sân ga, để lại được có dịp ngồi nói chuyện với em, như hai người bạn cũ gặp lại nhau, để lại được ngắm nụ cười thuần hậu.  Nhưng cũng có thể, em lại một lần nữa bước ra khỏi hẳn đời tôi, để chỉ trở về trong những giấc mơ, và như thế, thì thật là buồn lắm …
 
Có phải em chỉ là mơ
Nên khi tôi ngủ tôi nhìn thấy em
Bâng khuâng lấy sợi chỉ hồng
Thả vào trong gió để mà buộc em
Gió bay sợi chỉ mất rồi
Bơ vơ tôi đứng, ngỡ ngàng nhớ em …
 
 
Thiên Hương
Tháng Mười Một 2003
 
 
 
 

 
 
MỘT KỶ NIỆM XƯA
 
 
 
Sáng nay Melbourne lại âm u sau một ngày thứ năm nắng nóng...
Lên FB lại thấy bạn bè bắt đầu post hình hoa mai anh đào nở ở Đà lạt. Trời thì âm u, cảnh Đà lạt lại đẹp nên lại mơ màng nghĩ đến những ngày còn bé tí.
Lâu lắm rồi, hồi ấy mấy anh em còn nhỏ xíu. Không biết lúc ấy tôi học mẫu giáo hay lớp tư, lớp năm. Anh Hung Bui trên một lớp, anh Loi Bui cũng chưa qua tiểu học. Hôm ấy mấy anh em mới được bố mua cho cái máy gọt bút chì. Thích lắm. Trưa ngủ dậy mấy anh em lôi hết bút chì đen, bút chì màu cho vào máy gọt. Vỏ bút chì lấy ra nhìn rất sạch, thơm mùi gỗ, ngó hấp dẫn thì thôi. Bỏ đi thì tiếc. Mấy anh em lấy ra một phong bì, bỏ hết phần gỗ vỏ bút chì vào, gói lại thật cẩn thận và thật đẹp. Còn kiếm nơ buộc tử tế. Ngắm tới, ngắm lui. Tự dưng nhảy ra một tối kiến, chẳng nhớ từ ai. "Bây giờ mình đem bỏ ngoài đường, người lượm được chắc mừng lắm". Thế là một đứa cầm "gói quà" đem ra đường, để dưới chiếc xe hơi của bác hàng xóm. Rồi 3 anh em chia nhau canh ở cửa sổ trên lầu. Một lúc bác hàng xóm lái xe đi, "gói quà" cột nơ nằm yên trên đường.
Ba anh em nhô hết ra cửa, hồi hộp. Rất hồi hộp. Một người đàn ông đi xe đạp qua. Ngưng lại xuống xe, quay lại nhìn quanh rồi vội vàng nhặt" gói quà", leo lên xe đạp thẳng. Khỏi nói, tụi nhóc chúng tui vui thế nào. Nhắc đi, nhắc lại, cười khúc khích.
Tới bữa cơm chiều, còn hớn hở.
Ở nhà tôi ngày xưa, hai bữa cơm luôn kéo dài. Đó là lúc chuyện gì cũng đem ra kể. Hôm đó, ba anh em liếng thoắng kể chuyện gói quà lúc chiều. Ai ngờ, nghe xong, bố tôi nhíu mày lại, đặt bát đũa xuống, không ăn nữa. Cả nhà nín thở, bố trầm giọng nói: "Bố có dạy các con nói dối không?" Dạ không. "Bố có dạy các con lường gạt người khác không?" Dạ không. "Vậy hôm nay tụi con đã làm gì?" Mấy anh em nhắc lại. Bố trợn mắt: "Vậy không phải là lừa người ta sao? Lại còn cười?" Tụi con đùa vui thôi mà Bố. "Đùa gì lạ vậy? Người đó lúc nhặt được mừng biết bao nhiêu. Tới lúc mở ra họ thất vọng bực bội thế nào. Thế nào họ cũng chửi đứa nào phá vậy. Tự dưng tự lành sao để người ta chửi?" Mấy anh em tái mặt, im thin thít. Tối đó mâm cơm dở dang, kéo dài hơn vì những lời dạy của Bố. Cơn giận của Bố kéo dài cả tuần. Bố không nói chuyện với ba đứa. Các bữa cơm trong thời gian đó thật rất căng thẳng.
Nghĩ lại hồi đó Bố nghiêm thật, nhưng nhờ vậy mà tụi tôi lớn lên trong khuôn phép. Bố tạo cho các con thói quen làm gì cũng nghĩ đến hiệu quả, và suy nghĩ của người khác. Rất cám ơn bố mẹ đã sinh ra, và nuôi dưỡng dạy dỗ chúng con.
Sáng nay trời se se lạnh, như những sáng Đà lạt ngày xưa. Trời lạnh nên thấy mình cũng chợt nhỏ nhoi, thèm chui vào cái kén ấm cúng của gia đình ngày bé....
Có những ngày xưa êm như thần thoại
Có những nụ cười hồng làm ấm tuổi thơ
Có những bảo ban quí giá vô cùng
Xin cảm tạ cuộc đời nhiều ơn phước...
Thiên Hương
 


 
 
BÌNH THƯỜNG LÀ ĐỦ
Thiên Hương
 
 
 
 
Trời buổi chiều ấm nhẹ, bà Tư rời xe, cười với bạn, hẹn mai lại đến đón đi làm như thường lệ.
Tới cửa nhà, thò tay vào túi xách lấy chùm chìa khoá, chả thấy đâu. Lục tung cả túi cũng không có. Chắc lúc sáng vội đi nên khi đóng cửa chỉ vặn ngang cái chốt bên trong, rồi đóng cửa đi mà quên chùm chìa khoá ở nhà. Mà sao vô nhà đây, trễ cơm tối mất. Chợt nhớ là thứ ba mỗi tuần con trai đi học về sớm, bà thở phào nhấn chuông.
 
Lo đặt nồi cơm, vào phòng thay quần áo, nhìn quanh những góc hay để chìa khoá quen thuộc, không thấy đâu. Bụng hơi lo lo, vào bếp chuẩn bị cơm nước như thường lệ, mà đầu óc tréo ngoe đủ loại tình huống.
Lúc ăn cơm, con trai hỏi, mẹ lo nghĩ gì vậy? Bà gượng gạo lắc đầu. Thằng bé đang năm học cuối, bà không muốn thằng bé lại bỏ giờ học lo đi tìm chìa khoá hộ bà. Đứa con hỏi vài lần, thấy mẹ vẫn trả lời quanh, ngại ngần nhìn mẹ. Ráng cười với con cho con vui, chứ bụng bà lo lắm.
Dọn dẹp cơm nước xong, bà lại đi tìm. Vẫn không thấy, bà nghĩ chắc có thể rớt trong xe người bạn. Nhấc phone hỏi, bà bạn nói đợi ra xe kiếm. Một lúc gọi lại, bà bạn nói không có. Bà lại thần người suy nghĩ, có thể rớt trong sở không, không thể có chuyện để trong sở được. Hay là rớt lúc rời nhà, có thể lắm. Sáng nay lúc ra khỏi cửa, tay thì túi xách, tay thì lunch pack, rồi còn khăn choàng, áo khoác, đủ thứ linh tinh. Lúc mở cửa xe, biết đâu chùm chìa khoá rơi tuột xuống. Nghĩ tới đây bà toát mồ hôi hột. Kẻ trộm mà nhặt được ngay trước cửa nhà, đúng là  mời trộm vô nhà khoắng đồ còn gì. Chùm chìa khoá lại mang tùm lum thứ, khoá nhà, khoá các cửa phòng, tủ áo, lại còn lủng lẳng một USB mang đủ thứ của bà và gia đình. Chỉ mang máng một chút hi vọng là kẻ trộm chưa nhặt được, nếu không sáng giờ tụi nó đã vô nhà rồi.
 
Thế là bà lại lục sục đi tìm khắp nơi trong nhà mong tìm thấy chùm chìa khóa đâu đó. 11g đêm, tất cả các góc đã xới lên hết, vẫn không thấy. Bà Tư trở vào giường, đứa con hỏi vọng vào, hôm nay mẹ không xem phim sao? Bà lắc đầu, tự dưng thèm được như buổi tối những hôm trước. Đi làm về, cơm nước, trò chuyện quẩn quanh. Rồi thong dong đọc báo, xem phim... Cuộc sống những lúc đó sao nhẹ nhàng đến vậy. Lúc này bà mới thấy quí những giờ phút bình thường mà nhiều lúc bà chán ngắt và nghĩ là tẻ nhạt. 
Sáng hôm sau, vào xe đi chung với bà bạn, bà lại tìm tung trong xe không thấy dù chị bạn nói, hôm qua đã tìm hết rồi. Vào sở, bà lại phone hỏi bàn tiếp tân xem có ai nhặt được chùm chìa khoá nào đưa lại không. Không có, bà lại nhìn quanh dưới ghế, dưới bàn, trong hộc bàn, hộc tủ, vẫn chẳng thấy đâu cả. Tìm dù biết chắc không có khả năng để trong đó, chỉ cầu may thế thôi, mà vẫn cắm cúi tìm. Làm việc mà óc bà cứ tréo lên suy nghĩ xem bà có thể để chúng ở đâu. Đám làm việc cùng, đi  ngang thấy bà không tươi như mọi ngày, đều hỏi thăm xem bà có khỏe không. Bà cười nói tui Ok mà, nhưng trong bụng vẫn lấn cấn gì đâu. Buổi trưa ra đi bộ, bà cũng không có lòng dạ nào ngắm cảnh dù trời hôm ấy rất đẹp. Tự dưng, thèm biết bao nhiêu những giờ phút thong dong, khi trong đầu không có gì lo lắng.
Chiều vội về nhà, bà vừa nấu cơm vừa tìm, loay hoay thế nào, tay lại thò vào túi chiếc áo khoác dày mặc hai hôm trước, khi trời còn lạnh. Chùm chìa khóa nằm đó, bà nhẹ hẳn người, vào bếp nấu cơm, miệng còn hát nho nhỏ nữa.
Bữa cơm chiều, đứa con trai nhìn mẹ,
- có chuyên gì vui vậy má.
- Má tìm thấy chùm chìa khóa rồi, hôm qua tưởng mất đó con.
- Có chừng đó mà má rầu từ hôm qua tới giờ đó hả. Mất thì thôi, làm chùm khóa mới
- Nói như dễ lắm, mất thì mất công làm lại hết một lô khóa cửa. Rồi còn mất công lo nữa chớ.
- Thì có gì đâu má, bận một ngày là xong hơi đâu mà lo . Má cứ hay lo hoài hà. Take it easy đi má.
Thằng nhỏ nhìn mẹ cười, bà Tư cũng cười. Nhìn tụi nhỏ vô tâm thấy cũng vui, mà nó nói cũng đúng chớ. Lo buồn có được gì đâu nào, lo buồn cái chùm chìa khóa cũng chẳng hiện ra. Cái gì mất thì cũng mất, bình tĩnh và giữ tâm vui là hay nhất. Ờ mà cũng lạ nha, tìm ra chùm chìa khóa thì cũng trở lại như những ngày bình thường trước đó thôi, vậy sao mà vui dữ vậy.
Chỉ là khi một vật tưởng mất đi, tìm lại được lúc đó mới mừng, mới thấy quí. Chỉ là khi bệnh thèm được khỏe mạnh, khỏi bệnh mừng quá xá chừng. Vậy mà những lúc bình thường, lại không cảm thấy vui, không cảm thấy đáng ăn mừng, kỳ vậy ta. Tại sao không vui, không trân trọng tất cả những gì đang có vậy. Như lúc này đây, bà Tư đang vui lắm, vì bà đã tìm lại được một vật tưởng đã mất đi. Vừa dọn bàn, bà vừa hát nho nhỏ.
Đứa con trai nhìn mẹ, niềm vui sáng ánh trong mắt, hai má con cười với nhau. Ở góc phòng, những đóa hoa vẫn nở như mọi ngày, nhưng có vẻ lung linh rực rỡ hơn nhiều ... Chỉ mong mọi ngày vẫn êm đềm như vậy, bà Tư cảm thấy thật cám ơn khi tất cả đều bình thường, nhưng êm ả. Chỉ cần bình thường như thế, êm ả như thế, chỉ cần đơn giản như thế thôi, một ngày như mọi ngày, bình yên là hạnh phúc, thật hạnh phúc, có đúng không?
 
Thiên Hương
Tháng Một - 2015


 
LẠI NHỮNG CẢM NGHĨ RỜI
 
 
Đã lâu lắm rồi tôi không làm nổi một bài thơ.  Tại mình , tại người hay tại đời đã xanh rêu như trong một câu hát nào đó.    Sáng nay trời thật xanh và trong kỳ lạ, xanh như những ngày tháng năm nào của tuổi thơ ngà ngọc.  Hai bên đường, những cây đào hồng rực, những cây mai trắng xóa. Vậy mà chẳng phải là mùa xuân của vùng đất Đà lạt năm nào và tôi cũng chẳng phải là tôi của những tháng ngày xưa cũ.  Vẫn sách vở cầm tay, vẫn những đêm dài bên sách vở, vẫn  những sáng vội vàng đến trường và những ngày thi nôn nao hối hả.  Nhưng tôi đã mất hẳn tôi, vì vùng đất Melbourne không phải là mảnh đất quê nhà, vì mầu cờ quê hương đã đổi thay, vì thời gian đã qua đi, vì tuổi trẻ đã phôi pha, vì mái tóc đã nhạt màu và những mơ ước cũng đã tàn phai.  
 
Vậy mà đã mười mấy năm rồi đó Tuyết.  Mấy hôm nay tôi chợt nhớ nhỏ bạn này kỳ lạ.  Nhớ hoài giọng nói đẫm nước mắt của nó vào một ngày cuối năm 75....  Ước gì Tuyết được sống  lại một ngày như ngày xưa rồi Tuyết chết cũng được ...  Vậy mà mi có đợi được đâu.  Giữa năm 76 mi đã vội vàng tìm đến cái chết, vội vàng uống mấy viên thuốc ngủ bên bờ hồ Xuân hương thửơ xưa mình cùng đi dạo.  Mà dù có đợi, cũng chả bao giờ ngày ấy trở lại.  
 
Bao nhiêu năm rồi đó, tôi vẫn đi tìm, tìm hoài tìm hủy mà chẳng tìm lại được mình, những bạn bè xưa giờ ở đâu hết cả,  còn lại mình mình giữa một đất nước lạ xa.   Đã lại sắp thi, nhìn đám bạn Việt nam với đôi mắt lõm sâu sau những đêm gạo bài thức trắng mà nhớ đám học trò năm nào bị lùa đi vùng kinh tế mới trở về.  Những ánh mắt thâm u trên gương mặt xanh xao nhìn tôi ngơ ngác:  Cô, em đã trở về, mẹ em đã chết...  Cô, em đã trở về, ông em giờ nằm bệnh viện...  Cô, em đã trở về, ba em vẫn chưa có tin gì trong trại học tập ...  Trời ơi, làm sao cho tôi quên những bóng ma thân yêu ngày nào.
 
Sáng nay, sân trường Chisholm thật vắng, dáng Linh chênh vênh cô đơn trước Giảng đường B làm hồn tôi nôn nao kỳ lạ.  Muốn làm một bài thơ mà không sao viết nổi.  Những câu thơ than mây khóc gió ngày nào hình như cũng khô theo tháng năm.  Chợt nhớ một câu thơ nào đó:
 
Ai cũng bảo mắt em buồn lắm
Tôi cũng mong sao nó thật buồn
Khăn trắng mai sau còn chít chứ
Lệ sầu nối tiếp những chiều đông ...
 
Rồi gì nữa nhỉ, và ai viết, làm sao mà nhớ nổi khi trí óc đã nhạt nhòa, khi đã bao nhiêu năm trời vật lộn với đời sống.  Ai sao gặp tôi cũng hay hỏi:  Qua đây thấy làm sao, đi học thấy làm sao.  Làm sao mà trả lời khi tôi cũng chưa còn hiểu rõ chính mình.  Lúc còn ở Việt nam thì ham đi, cứ nghĩ là qua đây sẽ sung sướng lắm.  Nhưng làm sao định nghĩa được thế nào là sung sướng?  Give the definition for ROM, for Primary Memory, it is easy, but give the definition for happiness, how can I do? Định nghĩa nó còn chưa được làm sao tìm thấy?  Tại sao chúng tôi đã phải ra đi, tại sao chúng tôi đã phải từ bỏ tất cả, và tại sao chúng tôi phải bắt đầu cuộc đời từ một đất nước lạ xa giữa những con người không phải là máu mủ?  Vậy thì đừng hỏi tôi cảm thấy thế nào, vì trong chúng ta, những con người da vàng tóc đen nhỏ bé đang sống ở đây, hẳn ai cũng có những đêm dàithức giấc, lặng lẽ ngắm ánh đèn đường mà thèm chết được nó là ánh trăng quê nhà, thèm nghe tiếng rao hàng lê thê não nuột của những gánh hàng rong, và ước ao được nhìn ánh mắt của người mẹ giờ còm cõi ở vùng đất thân yêu.
 
Mười mấy năm, tôi lại cắp sách đến trường, ngỡ mình sẽ trẻ ra trong những sinh hoạt học đường, nhưng không, càng gần lại, càng thấy mình già cỗi.  Khi hạt nước mắt đã lăn, nó không bao giờ trở về chốn cũ, khi bong bóng đã tan, nó không sao kiếm lại được hình dạng xưa, và khi hi vọng, niềm vui đã bị bóp chết, mầm sống cũng chỉ còn là gượng gạo.  Thiên H.ương ơi, mi đừng tham lam quá, khi biết bao nhiêu người đã đổi mạng sống của họ để ao ước đến đây, khi bao nhiêu người đang vật lộn với đời sống nơi quê nhà và bao nhiêu người đang thèm khát hai tiếng tự do.  Mày đã đào thoát, mày đã đến một nơi chốn bình yên.  Mày còn mong ước và đòi hỏi gì nữa?  Mày đã có những gì mà nhiều người mơ ước, mày đã đạt được những gì mày chờ đợi, vậy mà sao mày vẫn buồn, vẫn khắc khoải với chính mình, vẫn đi tìm hoài những bóng ma ảo ảnh?
 
Làm sao mà vui được khi tâm hồn không còn trong trẻo, khi những kỷ niệm buồn đã đầy ắp trong đời sống và khi những đóa hoa đã nở trên đường đời là những đóa hoa không phải mình mong đợi.  Ngày tháng đã qua đi sẽ không bao giờ trở lại, thôi thì hãy rán níu kéo những tháng ngày hiện tại để tương lai không còn gì phải hối tiếc, nhưng liệu có được không?
 
Đàn tơ một phím,
Nhẹ gảy khúc u hoài
U buồn lê chân khắp nẻo
Tìm hoài vẫn chẳng thấy bóng tri âm ...
 
Thiên Hương
 




 
 
ĐALAT , MỘT VẺ ĐẸP CHỈ CÒN TRONG NỖI NHỚ ...
 
 
 
 
 
Đã hơn một năm rồi tôi chưa về Đà lạt.
 
Tuy nhiên vẫn đưọc xem rất nhiều các hình ảnh của Đà lạt do bạn bè hoặc gửi qua email, hoặc xem trên mạng, trên facebook.
 
Biết nói làm sao nhỉ, những hình ảnh đó hình như chụp một thành phố lạ, dù đó là nơi tôi đã sinh ra, đã lớn lên, vẫn nghĩ tới hàng ngày và hàng đêm vẫn có những giấc mơ trở về thành phố ấỵ
 
Lần trở về lần trước, khi máy bay gần đến Đà lạt, có vẻ như tôi đã mất dần cái cảm giác của một người con đi xa trở về thành phố cũ.
 
Phi trường Liên Khương mới xây dựng thật xa lạ, không có một gương mặt thân quen nào trong hơn một trăm hành khách cùng chuyến. Ngày xưa lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng cuối tuần mấy anh em lại xuống chơi với chú tôi làm ở phi trường Liên Khương. Trong trí ức tuổi thơ, đó là một phi trường nhỏ, vắng vẻ, mấy anh em chạy chơi trên những bãi cỏ, những túi vải nhọn như những chiếc nón căng phồng bay theo chiều gió. Mấy anh em theo chú tôi lên đài kiểm soát, nhìn theo những chiếc bong bóng bay lớn thả đo độ gió. Bầu trời có lúc xanh, có lúc xám, có lúc có những cơn mưa, nhưng lúc nào cũng dịu dàng, êm ả. Phi trường ấy giờ đã đóng cửa, phi trường mới đã xây dựng, lớn, tối tân và đẹp hơn hẳn, như một lời nhắc nhở chua xót là khung trời ngày xưa đã thật sự khép lại, và những gì của tuổi thơ đã thật sự không còn nữa.
 
Bước vào nhà ga, lấy hành lý. Người của khách sạn đã chờ sẵn, lịch sự xách dùm hành lý, xin lỗi nói còn phải đợi thêm hai hành khách nữa.
 
Bước ra cửa, cái cảm giác mình thật sự là một du khách bỗng chợt làm tôi bàng hoàng. Con đường về thành phố cũng thật khang trang, một xa lộ rộng rãi với những hàng cây chưa cao lắm, chưa tới mùa hoa nên không có vẻ rực rỡ. Không khí đầu tháng giêng cũng không có vẻ lạnh. Hai bên đường nhà cửa san sát. Xe lăn bánh trên một con đường êm ái, phẳng phiu và sạch sẽ như đang đi đến một thành phố du lịch xa lạ nào đó, trong khi tôi đang hồi hộp trở về một thành phố dịu dàng và quen thuộc, trở về thăm mảnh đất yêu dấu của tuổi thơ.
 
Hai người khách kia là một cặp vợ chồng trẻ cũng đến từ Úc. Tôi nghe người vợ khẽ nói với chồng ..."em thất vọng quá, thành phố có vẻ phát triển quá nhiều, quá nhiều kiến trúc mới, không có cái vẻ đẹp đơn sơ của cao nguyên như mình coi trong sách".
 
Khi biết tôi ở thành phố này từ nhỏ, họ hỏi ý tôi nên đi thăm nơi nào của Đà lạt. Tôi ngẩn người không biết trả lời thế nào. Chỉ biết khe khẽ nói "Cảnh vật Đà lạt giờ thay đổi rất nhiều, nhiều công trình xây dựng mới, nên tôi không rành lắm. Chắc các anh chị nên đến các nơi mà các công ty du lịch đã hướng dẫn. Họ có những thông tin cập nhật và biết nhiều hơn tôi. Với tôi, Đà lạt luôn đẹp vì nó là nơi tôi sinh ra, lớn lên. Tôi hay về đây vì ở đây, tôi có thể thăm mộ của ba mẹ tôi, có thể gặp lại bạn bè và những người thân quen, không vì mục đích du lịch. Đà lạt với tôi là khu rừng của kỷ niệm, là một thế giới ngọc ngà của tuổi nhỏ, là nơi của những giấc mơ và những nỗi nhớ”.
 
Tôi chỉ biết nói như thế vì thiệt tình, Đà lạt giờ còn đẹp không, làm sao tôi có thể nói khi đi trên những con phố thơ mộng của ngày xưa giờ chỉ nhấp nhô nhà cửa. Làm sao tôi có thể giới thiệu những kiến trúc vội vàng, thiếu cân xứng. Đi vào Thung lũng Tình Yêu, các đồi thông đã bị cắt xén và thấy lố nhố những quán xá xây dựng vội vàng, thô sơ. Các ngọn đồi thơ mộng giờ đầy nhà cửa, đủ kiểu, cao thấp nhập nhằng. Thành phố đã có rất nhiều những con đường mới, những phố xá mới, nhiều chung cư đang xây dựng ở khắp nơi. Hình ảnh những cây thông trở nên hiếm hoi lạ kỳ. Vậy đó, vậy mà khi nhắc tới, nghĩ tới Đà lạt, tôi vẫn luôn nghĩ đến cái tên luôn đi kèm với nó, thành phố ngàn thông!
 
Con đường về thành phố chỉ còn một khúc đèo ngắn ngủi thiếu vắng nhà cửa và còn chút bóng thông. Con đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trường Tộ hoàn toàn khác những gì trong trí nhớ. Đường sá đã mở rộng, các cây mai, cây đào đã thay thế bằng một loại cây lạ.
 
Về đến khách sạn, những cái gật đầu chào lịch sự và những nụ cười của các tiếp viên lại càng làm tôi thêm tủi thân. Biết làm sao khi tôi chỉ là một người khách, đúng nghĩa một người khách, sao có thể tìm thấy sự ấm áp thân quen qua những nụ cười tiếp đón khách sáo đó. Vào phòng, việc đầu tiên là mở cánh cửa sổ, căn phòng rộng nằm trên cao, xeo xéo là những cành thông la đà, vẫn con dốc thoai thoải với những bực thang dẫn xuống con đường phía dưới. Con đường đó, đã có những cây lớn thay thế những cây đào, cây mai nhỏ nhắn ngày xưa. Một thành phố ngập ngừng đang chờ tôi đi tìm kiếm lại những hình ảnh xa xưa ngày cũ.
 
Tôi xuống lễ tân đề nghị đổi lại gian phòng nhìn ra hồ, vì ... đi bao nhiêu cây số tôi chỉ cốt khi mở cửa phòng ngủ nhìn ra lại thấy hồ Xuân hương, lại thấy nhà Thủy tạ, hai hình ảnh luôn nằm trong trí nhớ.
 
Sau khi đổi phòng, mở cửa sổ nhìn ra, chiếc hồ dễ thương còn đó với căn nhà Thủy tạ xinh xinh. Nhìn bên tay phải thấy thiêu thiếu cái gì, ngôi nhà Cercle màu đỏ đã bị bứng từ lúc nào, để lại một khoảng trống buồn bơ vơ. Xa xa, những mảnh vàng loang lổ của những khoảng đất đang chuẩn bị xây cất lộ ra nham nhở trên những ngọn đồi xanh mướt. Ngọn tháp chuông của trường Lycée Yersin vẫn còn đó, lặng lẽ nhìn xuống những thay đổi của thành phố. Bên kia hồ, nhà hàng Thanh Thủy đã mở lớn với những dãy đèn và những chiếc xe đạp nước hình thiên nga. Và … trời ơi, ngôi nhà nhỏ của Hướng Đạo ngày xưa đã mất đi, thay vào đó là 2 con rồng bằng cây xanh nằm dài kỳ lạ.
 
Khu vườn rộng của khách sạn còn gom lại được phần nào những hình ảnh của ngày xưa cũ, một chút khí lạnh, một chút hương phấn thông ngây ngây nỗi nhớ.
 
Buổi chiều bước xuống những bậc thang cao dẫn ra khỏi khách sạn, trời bắt đầu đổ mưa, bắt đầu lành lạnh, cái lạnh ẩm ướt của cao nguyên. Tôi bước lang thang dưới mưa, trên những con đường, những con dốc chẳng còn gì nét đẹp ngày xưa. Con dốc lên nhà thờ cũng khác hẳn, chỉ toàn nhà và hàng quán. Cầu Ông Đạo cũng khác đi, ấp Ánh sáng cũng đã thu dọn, những vườn rau đã mất đi. Đường lên đốc chợ lạ hoắc lạ hươ. Hai bên dốc chợ cũng toàn hàng quán. Những tiệm kem xinh xẻo ngày xưa đã lớn hẳn ra, nhô hẳn ra ngoài lề đường. Khu Hòa bình nhỏ lại, cũ kỹ. Cầu thang chợ, khu chợ trên, tất cả đều thay đổi. Khu đất trước mặt hông Khu Hoà Bình, trải ra rất nhiều những gian hàng bán quần áo cũ, gọi là gian hàng chứ thật ra chỉ là những đống quần áo đổ đầy trên những tấm bạt, phủ đầy trên đất. Những hàng bắp nướng, khoai luộc, bánh tráng, đậu phụng, những đứa bé bán rong vẫn tẩn mẩn công việc mưu sinh. Lại có cả những đám đông xúm quanh những chiếu cờ bạc. Cảnh tượng tấp nập và ồn ào thay cho cái gọn ghẽ, xinh xắn, nhẹ nhàng của ngày thơ bé. Biết làm sao khi dân số đã tăng trưởng, từ hơn 50 ngàn người lúc tôi ở đó nay lên đến hơn 200 ngàn[1]. Việc mở rộng thành phố cũng không theo một qui hoạch rõ ràng và hệ thống. Hễ có đất là phải có nhà, cây cối chặt ráo trọi để phục vụ cho nhu cầu nhà ở. Các rặng cây trên đường đã lui bước nhường cho những gian hàng quán xá. Nhu cầu kiếm sống đã bỏ qua hết các cảm quan về nghệ thuật.
 
Bởi vậy, những con đường, những con dốc thơ mộng ngày xưa giờ chỉ còn là tác phẩm của sự xây dựng đô thị cẩu thả và nham nhở.
 
Vườn Bích Câu không còn nữa, bên cạnh đó là Vườn Hoa Thành phố Đà lạt. Lớn đấy, nhiều hoa cỏ đấy, nhưng mất đi cái duyên dáng đặc trưng của Đà lạt.
 
Tôi đã ngồi sau lưng chiếc xe của cậu cháu, đi lại những nẻo đường hay đi thưở nhỏ. Dốc Cam Ly, cầu Bá Hộ Chúc, dốc Hải thượng, Duy Tân, dốc lên nhà thờ Con Gà, dốc Địa đư, khu Mả Thánh, trường Trần Hưng Đạo, khu Đại học, v.v... Đâu đâu cũng chỉ thấy nhà với cửa, con đuờng nhỏ phía sau trường sư phạm Hùng Vương băng qua khu Cô giang giờ là một chung cư lớn đang xây đựng. Những khu chợ nhỏ đã thay thế bằng những khu dân cư. Thật rất khó tìm lại được những hình ảnh, những cảnh trí của ngày xưa. Những bụi dã quỳ, dâm bụt giờ đã thay thế bởi những dãy hàng quán, nhà nghỉ, nhà ở với đủ loại cấu trúc khác nhau. Đà lạt đã thay đổi, thật sự thay đổi.
 
Cái thay đổi không làm phiền những người dân thành phố khác đến đây du lịch nhưng làm những người trở về từ nước ngoài như tôi hụt hẫng. Biết nói làm sao khi rời bỏ cuộc sống bận bịu nơi xứ người, muốn trở về một chốn cũ dịu dàng và bình yên, tìm lại những hình ảnh dấu yêu ngày xưa để chỉ còn gặp lại một thành phố tạp lục và xô bồ. Chỉ khi đêm xuống, khi thành phố chìm hẳn vào sương, những con dốc mờ ảo che đi phần nào những kiến trúc mới, Đà lạt mới trở lại phần nào dáng vẻ xa xưa. Nhưng mùi phấn thông, mùi hoa cỏ cũng đã hoàn toàn bay mất, chỉ còn chút sương lạnh buốt rơi trên vai và chút nước mắt khô dần theo hơi ấm của những giờ phút gặp lại những bạn bè thời trung học.
 
Ngày xưa bốn lớp 12 gần hai trăm học sinh, giờ gặp lại chỉ vỏn vẹn dưới hai mươi đứa. Chúng tôi ngồi lại với nhau, nhìn nhau, kể lại những kỷ niệm học trò, gợi nhớ những khuôn mặt đã ở xa, đã khuất bóng. Bạn bè cũ gặp nhau, cùng nhau cười dỡn, cùng nhau thủ thỉ, cùng nhau nhau hát, và cũng có những lúc cùng nhau nước mắt rưng rưng… Thật may mắn là cái tình của người Đà lạt vẫn còn nồng đượm.
 
Tôi cũng lên khu Du sinh thăm mộ ba má tôi. Những ngọn thông trên đồi đã vắng bóng. Ngay cả cây cỏ cũng phải nhường chỗ cho con người. Các ngôi mộ đã mọc kín ở những khu gần đường, các mảnh đất nhỏ xíu cũng phủ kín bởi những tấm bia... Đất đai được tận dụng một cách tối đa, cho cả người sống lẫn người chết. Đường đi đến khu Du sinh cũng đầy quán xá. Trong thành phố, khó thể tìm ra được một con đường chỉ có những bụi cây, thấp thoáng vài căn nhà nhỏ ẩn hiện sau những dàn hoa điểm thoang thoảng chút đốm hồng hay tím.
 
Và như thế, nếu có ai hỏi tôi như hai người ngoại quốc đồng hành trong chuyến xe rời phi trường lần ấy, về những nơi nên đến thăm của Đà lạt, tôi cũng sẽ lại ngập ngừng như vậy. Với tôi, tôi trở về Đà lạt vì những kỷ niệm, vì bạn bè và để tìm lại hương vị ngọt ngào ngày xưa... Ừ, ngày xưa... Từ một lúc nào, ngày xưa ấy chỉ còn trong nỗi nhớ, thăm thẳm như màu tím của hoa đồng thảo[2], nhưng lúc nào nghĩ đến, trong tâm cũng óng ánh nụ vàng như đám dã qùy rực rỡ mùa đông... Còn vẻ đẹp của Đà lạt, thì hình như bây giờ trong tôi, Đà lạt chỉ còn đẹp trong nỗi nhớ, một nỗi nhớ rất mênh mông ...
 
 Thiên Hương
Tháng 10 - 2012
 
 
 
 








 
 
 

Không có nhận xét nào :