Sưu tầm từ Internet
 
SO SÁNH


Người giầu có được cung phụng.  Kẻ tài giỏi được quý mến.  Người có chức quyền được kính trọng.  Người thông minh được ưu đãi.  Người đã có, lại có thêm.  Người nghèo khó bị coi thường.  Kẻ ít học bị khinh khi.  Não trạng con người bị đóng khung.  Ý thức hệ bị thiên kiến.  Khuôn mẫu xã hội tạo phân biệt đẳng cấp đã gây nên sự tranh đấu không ngừng.
 
Một trong những điều gây nhức nhối và phiền hà trong đời sống chính là sự so sánh đua đòi.  So sánh để học hỏi và thi đua là điều tích cực, nhưng so sánh để chỉ trích chê bai lại là một điều hết sức tiêu cực.  Đôi khi điều tiêu cực này sẽ gây nên sự thù ghét, tẩy chay và phân rẽ.  Chúng ta biết sự hình thành của mỗi người hiện hữu trên trần đời thì có muôn hình vạn trạng.  Mỗi người khác nhau về kết cấu, khuôn mặt, dấu chỉ tay, khả năng hiểu biết, chuyên môn, số phận và số mệnh.  Bước vào cuộc sống chung, chúng ta chấp nhận những khác biệt bổ túc cho nhau để tạo nên một xã hội đa chiều phong phú.
 
Về cá nhân, không một ai giống ai trong hoàn cảnh sống.  Ngay từ khi lọt lòng mẹ, mỗi người bước vào đời với một số mệnh riêng.  Chúng ta có thể ngồi gẫm lại từ những ngày thơ ấu, khi mới chập chững cắp sách đến trường cho tới khi thành đạt lập thân.  Cuộc sống của mỗi người trải qua bao năm tháng thăng trầm, mỗi cá nhân đã có biết bao sự đổi thay theo dòng đời.  Chúng ta nên chấp nhận hoàn cảnh thực tế của cuộc sống nơi mỗi cá nhân.  Mỗi người hãy vui với niềm vui riêng của mình. Chúng ta không thể so sánh hơn thua về cuộc sống và về định mệnh riêng tư của mỗi người.
 
 
Về con cái, cha mẹ không nên so sánh sự thành công của bạn bè đồng lứa tuổi với con cái của mình.  Đứa con sẽ chạm tự ái và khó chịu.  Có lần tôi nghe một đứa con trả lời thẳng thắn với bố mẹ rằng con là con, và nó là nó.  Là phụ huynh, chúng ta nên hết sức tế nhị dạy bảo con cái.  Chịu khó tìm hiểu và nhận biết khả năng, sở thích và nhu cầu mà con cái đang khao khát để hướng dẫn.
 
Về vợ chồng, một điều tối kỵ là đừng bao giờ so sánh vợ/chồng của mình với vợ/chồng của người khác.  Đừng “đứng núi này mà trông núi nọ.”  Người ta nói: “Ở trong chăn, mới biết chăn có rận.”  “Nhìn vậy mà không phải vậy” đâu.  Thực tế, có nhiều cặp vợ chồng ở với nhau cả đời mà vẫn chưa hiểu và biết nhau tỏ tường.  Làm sao chúng ta có thể đem vợ/chồng của mình ra so sánh với một nhân vật nào đó tình cờ gặp gỡ.  Chúng ta có nguy cơ lầm lẫn lớn.  Vì sự so sánh như cơm với phở đã làm cho biết bao cặp vợ chồng phải rơi vào sự nghi ngờ và thất trung bất tín.  Đường đời còn dài và cuộc sống có nhiều niềm vui và thử thách.  Mỗi người hãy tự xét mình trước khi xét người.  Muốn so sánh để đòi hỏi vợ/chồng phải trở nên giống hoặc bằng người khác là điều xuẩn trí.
 
 
Về gia đình, chúng ta không thể so sánh đời sống gia đình này với gia đình khác.  Trong cuộc sống đời thường, chúng ta nhận thấy có gia đình giầu sang phú quý sống trên nhung lụa.  Có gia đình bần cùng, màn trời chiếu đất.  Có những gia đình may mắn, làm ăn thành đạt và của cải đầy dư.  Có những gia đình phải lao động vất vả mà cơm không đủ ăn và áo không đủ mặc.  Có những gia đình sang trọng giầu có, nhưng chưa chắc vợ chồng con cái hạnh phúc ấm êm.  Có gia đình tuy nghèo nhưng vợ chồng yên vui đầm ấm và con cái ngoan hiền…  Mỗi gia đình một hoàn cảnh sống khác nhau cả về tinh thần lẫn vật chất.  Có biết bao nhiêu tình tiết tế nhị trong đời sống, chúng ta không thể so sánh cuộc sống gia đình này với gia đình kia.
 
Về nhóm hội và cộng đồng, mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh và mỗi con người có nhiều điểm khác biệt kết nối với nhau tạo nên một nhịp sống chung.  Chúng ta có thể tìm thấy một số những điểm tương đồng trong hình thức sinh hoạt, nhưng không thể rập khuôn bắt chước bất cứ một nhóm hội nào.  Sự khác biệt não trạng và ý thức hệ của các thành viên ảnh hưởng đến sinh hoạt chung.  Mỗi nhóm hội hay cộng đồng có bản sắc riêng trong cách thế sinh hoạt và sống đạo.  Có nhiều sự việc có thể thực hiện được nơi cộng đoàn này, nhưng nơi khác thì không thể.  Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, nhưng không thể rập khuôn trong sinh hoạt.  Sự chắp nối để nên giống nhau, đôi khi sẽ làm mất đi cái bản chất đích thực của mình.
 
 
Sự so sánh nào cũng khập khễnh.  Chúng ta chỉ có thể học hỏi và tham khảo lẫn nhau để trau dồi kiến thức.  Sống dựa vào nhau để thăng tiến.  Điều quan trọng là sự cố gắng phấn đấu không ngừng. Những kinh nghiệm trong đời sống sẽ giúp chúng ta học và học mãi.  Người đời khen chê nhau là lẽ thường.  Biết lắng nghe và rút tỉa kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta đổi thay nên hoàn thiện mỗi ngày.  Ai trong chúng ta cũng cần sự khích lệ tích cực để xây dựng.  Bạn của ta là những người dám nói sự thật và nói đúng nơi đúng lúc.  Lời nói chân thành có một mãnh lực phi thường khuyến khích nhau trong mọi hoàn cảnh.  Người nói sau lưng, mãi mãi là người đứng phía sau.
 
 
Tôi thích câu truyện này: Một đàn nhái đang di chuyển qua khu rừng và có hai con bị rơi xuống hố sâu.  Những chú nhái tụ nhau bên miệng hố nhìn xuống.  Khi thấy hố qúa sâu, chúng nói với hai con nhái kia rằng thôi chịu chết đi.  Hai con nhái như giả lờ không nghe và cố gắng hết sức để nhảy ra khỏi cái hố sâu.  Các con nhái trên bờ tiếp tục la rằng: Thôi ngừng đi, chúng mày sẽ chết thôi.  Cuối cùng, một con nhái chú ý lắng nghe và bỏ cuộc.  Nó ngã xuống và chết.  Con kia đã tiếp tục cố gắng nhảy lên.  Một lần nữa, đám nhái trên bờ lớn tiếng, đừng cố nữa và chờ chết thôi.  Con nhái nhảy mạnh hơn nữa và cuối cùng nó đã thoát ra khỏi.  Khi nó nhảy ra khỏi hố, những con nhái khác nói: Bạn không nghe chúng tôi nói hả?  Con nhái giải thích rằng nó bị điếc.  Nó nghĩ rằng các bạn hoàn toàn muốn khuyến khích nó.
 
 
Câu truyện dạy chúng ta hai bài học: Thứ nhất, sức mạnh của sự sống và sự chết nằm ngay trong cái lưỡi.  Những lời khích lệ với những người đang chán nản sẽ làm họ phấn khích và giúp vượt qua những khó khăn.  Thứ hai, những lời tiêu cực xói mòn tâm tư của những người đang thất vọng, có thể dẫn họ tới sự tuyệt vọng và dẫn tới chỗ chết.  Hãy cẩn thận dùng lời nói khi chúng ta phát biểu.  Sức mạnh của lời nói rất quan trọng giống như chiếc dao sắc có hai lưỡi.  Chúng ta biết rằng xây dựng tình thân cần thời gian lâu dài, nhưng phá đổ chỉ trong giây lát.
 
 
Chúng ta hãy nhìn đời với con mắt lạc quan hơn.  Xây dựng tình người với những lời khen tích cực.  Ca dao: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”  Ước chi mỗi lời chúng ta bày tỏ sẽ mang lại niềm vui và phấn khích cho lòng người.  Chúng ta bớt đi những lời so sánh chì chiết gây thương đau cho nhau, nhất là trong đời sống vợ chồng.  Hãy tôn trọng và nâng đỡ nhau mọi nơi mọi lúc.  Không ai tốt hơn vợ/chồng của mình đâu.
 
 
 
Xin Thiên Chúa ban ơn lành, để mỗi người hoàn thành sứ mệnh và định mệnh Chúa đã đặt để trong đời sống của mỗi người chúng ta.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.
 
Sưu tầm từ Internet
 
 
MẶT TRỜI VÀ MẶT TRĂNG - CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN
 
 
 
Có một câu chuyện kể rằng: Một ngày nọ, có một người hỏi một vị lão tiên sinh, mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn?
 
Vị lão tiên sinh kia suy nghĩ nửa ngày, mới trả lời: “Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn”. “tại sao?”
 
“Bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là thời điểm chúng ta cần ánh sáng nhất, còn mặt trời lại chiếu sáng vào ban ngày mà ban ngày chúng ta đã có đủ ánh sáng rồi.”
 
Bạn có lẽ sẽ cười vị lão tiên sinh này là hồ đồ, nhưng mà bạn không biết là có rất nhiều người cũng nghĩ như thế sao? Người mà hàng ngày chăm sóc bạn, bạn cũng không cảm nhận được điều gì cả? Nhưng nếu là một người xa lạ ngẫu nhiên giúp đỡ bạn, bạn sẽ cho rằng đó là một người tốt, cha mẹ và người thân của bạn luôn luôn vì bạn mà hy sinh, mà đánh đổi nhưng bạn lại cảm thấy đó là việc đương nhiên, thậm chí có khi còn thấy phiền toái. Một khi người ngoài làm một việc na ná như thế thì bạn lại sẽ hết sức cảm kích. Đây chẳng phải là giống như đã hồ đồ “cảm kích ánh trăng mà phủ nhận mặt trời” hay sao?
 
Một cô gái đã có một cuộc tranh cãi với mẹ của mình, tức giận đến mức tông cửa chạy ra ngoài và quyết định không bao giờ trở về ngôi nhà chán ghét này nữa. Cô đã đi lang thang cả ngày ở bên ngoài, đến lúc bụng đói cồn cào, nhưng lại không có một đồng tiền nào, mà lại không muốn trở về nhà để ăn cơm. Mãi đến lúc trời tối, cô mới đi vào một quán mì, ngửi thấy mùi mì thơm tỏa ra. Cô thực sự rất muốn được ăn một bát, nhưng trên người không có tiền, chỉ có thể liên tục nuốt nước miếng.
 
Bỗng nhiên, ông chủ quán mì ân cần hỏi han: “Cháu gái, cháu có muốn ăn mì không?”, cô gái ngượng ngùng trả lời: “à, nhưng mà, cháu không mang tiền”. Ông chủ nghe xong cười to: “haha, không sao cả, hôm nay cứ coi như bác mời cháu đi!”
 
Cô gái quả thực không thể tin vào lỗ tai mình, cô ngồi xuống, ngay lúc đó, một bát mì được mang ra, cô ăn say sưa, và nói: “Bác chủ quán, bác thật là một người tốt!”
 
Ông chủ quán nói,: “Ồ, sao cháu lại nói vậy?”, cô gái trả lời: “Chúng ta vốn không quen biết nhau, bác lại đối xử tốt với cháu như vậy, không giống như mẹ của cháu, hoàn toàn không hiểu được những nhu cầu và ý nghĩ của cháu, thật là bực mình!”
 
Ông chủ quán lại cười: “haha, cháu gái, bác chẳng qua mới chỉ cho cháu một bát mì thôi, mà cháu đã cảm kích bác như thế, thế mà mẹ của cháu đã nấu cơm cho cháu hai mươi mấy năm nay, cháu chẳng phải là càng nên cảm kích mẹ của cháu hay sao?”
 
 
Nghe ông chủ quán nói xong, cô gái như tỉnh giấc mơ, lập tức nước mắt trào ra, cô bỏ mặc nửa bát mì còn lại mà vội vàng chạy về nhà.
 
Mới đến ngõ trước cổng nhà, cô đã nhìn thấy bóng mẹ xa xa, đang lo lắng nhìn quanh bốn phía cổng ra vào, trái tim cô như thắt lại, cô cảm thấy muốn nói một ngàn lần một vạn lần lời xin lỗi với mẹ của mình. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thì mẹ của cô đã nghênh đón và nói: “trời ơi, con cả ngày đã đi đâu thế này? Mau mau, đi vào nhà rửa chân tay, ăn cơm tối đi.”
 
Tối hôm đó, cô gái mới cảm nhận được sâu sắc tình yêu của mẹ đối với mình.
 
Khi đã quen với sự hiện diện của mặt trời, mọi người đã quên mất là nó đem lại cho mọi người ánh sáng, khi đã quen với sự chăm sóc của người thân, mọi người thường quên mất họ đã cho mình sự ấm cúng, một người quen được chăm sóc từng li từng tí thì ngược lại sẽ không thấy biết ơn, vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ ánh sáng rồi, cho nên mặt trời là dư thừa, không cần thiết.
 
Hy vọng trong chúng ta mỗi người đều biết mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn.
 
Trong cuộc sống thực tại, chúng ta thường hay không để mắt đến những điều mình đã có, cho rằng chúng là lẽ đương nhiên, không có gì quan trọng với mình, mà lại đi phàn nàn số phận bất công, như thể là thế giới này thiếu nợ chúng ta rất nhiều thứ vậy.
 
Kỳ thực, biết ơn cũng là một loại thái độ tích cực của cuộc sống, đúng như một số người đã nói:
“Hãy cảm ơn người đã làm bạn tổn thương bởi vì họ là người đã tôi luyện ý chí của bạn, hãy cảm ơn người đã lừa dối bạn bởi vì họ đã làm phong phú thêm kinh nghiệm của bạn, hãy cảm ơn người đã coi thường bạn bởi vì họ đã làm thức tỉnh lòng tự tôn của bạn…”. Cần phải mang một tấm lòng biết ơn, biết ơn số phận, biết ơn hết thảy những người đã giúp bạn trưởng thành, biết ơn hết thảy những gì ở xung quanh mình.
 
Để có một tấm lòng biết ơn, yêu cầu chúng ta cần phải để tâm quan sát, dụng tâm cảm ngộ, càng cần chúng ta phải biết yêu thương. Cỏ cây sinh trưởng phát triển mạnh mẽ là để báo đáp ân huệ của mặt trời mùa xuân, chim chóc liều mình kiếm ăn là để báo đáp ân huệ được nuôi nấng, cây mạ phát triển khỏe mạnh là để báo đáp ân huệ của dòng nước mát, con cái cố gắng học tập là để báo đáp công ơn sinh thành và dạy dỗ của cha mẹ.
 
 
Hãy học cách biết ơn đi! Khi bạn cảm ơn cuộc đời, cuộc đời sẽ ban thưởng cho bạn ánh nắng mặt trời rực rỡ. Bạn oán trách trời đất, khả năng cuối cùng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi! Không phải vậy sao? Mây cuốn mây bay, hoa nở hoa tàn đều đáng để chúng ta quý trọng, cảm ơn mặt trăng, càng cần phải cảm ơn mặt trời!
Sưu tầm từ Internet
 
KHI XẢY RA MÂU THUẨN, NGƯỜI TRÍ TUỆ XỬ SỰ THẾ NÀO?
 
 
Cổ nhân giảng: Nếu như một người luôn đặt lợi ích của mình lên đầu, không biết nghĩ cho người khác trước thì sớm muộn cũng sẽ gặp họa. Trái lại, một người có thể vì lợi ích của người khác mà suy xét, mà nhường nhịn thì thứ mà người ấy nhận được sẽ nhiều hơn những gì mà họ tưởng tượng. Lời này thật sự rất có đạo lý!
 
 
Mọi người, ai ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống vui vẻ và tốt đẹp. Không ai thích bị người khác công kích, tranh giành tới lui, mỗi ngày đều trải qua trong uất ức và chán ghét.
 
Nếu chúng ta có thể “biến chiến tranh thành tơ lụa”, đem những sự tình không hay biến thành những điều tốt đẹp thì mỗi ngày đều là một ngày vui vẻ.
 
Vậy như thế nào mới có thể làm được điều ấy? Rất nhiều thời điểm, chỉ cần chúng ta thay đổi một chút ý niệm, nhường nhịn một chút là có thể thay đổi được hoàn cảnh khó khăn hiện tại.
 
Nếu khi đối mặt với sự vật, với một người nào đó đều có thể dùng thiện ý làm điểm xuất phát thì sự tình sẽ có kết quả khác.
 
Cổ nhân giảng: “Lùi một bước biển rộng trời cao“, buông bỏ lợi ích của bản thân, nghĩ cho người khác trước là một loại “vũ khí” hữu hiệu. “Lùi một bước” không chỉ “biển rộng trời cao” mà còn có thể “biến chiến tranh thành tơ lụa.”
 
 
Có một câu chuyện kể rằng, trước đây, ở một địa phương có hai gia đình là hàng xóm của nhau. Một nhà là chủ một nông trường cỏ, người chủ đã nuôi dưỡng rất nhiều dê lớn và dê nhỏ. Hàng xóm của anh ta lại là một người thợ săn, nên trong nhà cũng nuôi dưỡng một vài con chó săn hung dữ.
 
Những con chó săn này thường xuyên nhảy qua hàng rào phân cách giữa hai gia đình để tấn công bất ngờ vào những con dê đang nhởn nhơ trên bãi cỏ.
 
Người chủ của nông trường thấy vậy, đã nhiều lần sang nhà hàng xóm nhờ họ nhốt những con chó săn ấy lại. Nhưng người thợ săn này lại không bằng lòng với cách ấy.
 
Anh ta, ngoài miệng thì đồng ý, nhưng trong lòng thì lại nghĩ: “Mình thả chó ở sân nhà mình, đâu có can hệ gì đến anh ta chứ!“. Vì thế mà chỉ một vài ngày sau, những con chó săn lại nhảy qua hàng rào và cắn bị thương những con dê nhỏ của nhà chủ nông trường.
 
Người chủ nông trường tức giận, không nhịn nổi nữa, bèn tìm đến vị quan tòa trên thị trấn để nhờ phân xử.
 
Vị quan tòa sau khi nghe xong những lời tố cáo của người chủ nông trường liền nói: “Tôi có thể xử phạt được người thợ săn kia, đồng thời còn có thể ra thông báo yêu cầu người thợ săn phải nhốt mấy con chó ấy lại.”
 
Trầm ngâm một lát, ông nói tiếp: “Nhưng…nếu làm như thế, anh sẽ bị mất đi một người bạn và có nhiều hơn một kẻ thù. Anh muốn làm hàng xóm với kẻ thù hay muốn làm hàng xóm với một người bạn?”
 
Người chủ nông trường vội đáp: “Đương nhiên là tôi muốn làm hàng xóm với một người bạn rồi!”
 
Vị quan tòa lại nói: “Vậy thì tốt rồi! Tôi sẽ chỉ cho anh một cách, anh cứ theo cách đó mà làm. Tôi cam đoan với anh rằng, chẳng những đàn dê của anh không bị làm phiền nữa mà anh còn có được một người bạn tốt.”
 
Vị quan tòa sau khi nói ra cách của mình, người chủ nông trường nghe xong, vui vẻ nói: “Cách ngài dạy rất đúng!”
 
Sau khi trở về nhà, người chủ nông trường chọn ra ba con dê nhỏ đáng yêu nhất rồi mang sang nhà hàng xóm, tặng cho ba cậu con trai của gia đình họ.
 
Nhìn thấy những chú dê trắng nõn lại ngoan ngoãn, dễ thương, ba đứa trẻ như được tặng báu vật. Mỗi ngày sau khi tan học trở về nhà, chúng đều chơi đùa với những chú dê con ấy. Nhìn thấy các con vui đùa bên đàn dê nhỏ, người chủ thợ săn sợ những con chó của mình sẽ làm tổn hại chúng nên đã lặng lẽ làm một chiếc lồng sắt to, rồi khóa chặt những con chó ấy lại.
 
Từ đó về sau, đàn dê của ông chủ nông trường không còn bị những con chó săn tấn công làm tổn thương nữa. Vì để báo đáp lại lòng tốt của ông chủ nông trường, người thợ săn bắt đầu tặng cho gia đình họ những món ăn bằng thịt chim muông thú rừng. Ông chủ nông trường cũng thường xuyên tặng cho người bạn láng giềng sữa và pho mát. Thời gian dần qua đi, hai người họ trở thành những người bạn tốt, luôn chia ngọt sẻ bùi cùng nhau.
 
Muốn thuyết phục một người nào đó, biện phát tốt nhất mà chúng ta nên làm là nhường nhịn, suy nghĩ cho họ trước, khiến cho họ cũng có thể từ đó mà được lợi ích. Nếu chỉ suy nghĩ biện pháp để bảo vệ được lợi ích của bản thân mình mà không suy nghĩ cho người khác thì chúng ta sẽ không được gì cả, thậm chí còn mất đi nhiều hơn.
 
Tuy nhiên, “nhường nhịn”, “nghĩ cho người khác trước” là một việc không phải ai cũng dễ dàng làm được. Nó đòi hỏi một người phải không ngừng tu dưỡng trở thành người lương thiện, nhân hậu, không quá đặt nặng danh lợi của bản thân. Một người khi đã có thể vì người khác, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình thì người ấy đã đạt đến một cách giới cao thượng.