Sưu tầm từ Internet


20 TRIẾT LÝ SỐNG BÌNH DỊ CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

 

Nói đến Tây Tạng thường chúng ta liên tưởng đến một đất nước Phật giáo đầy bí ẩn được che giấu giữa những dãy núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn.

Đến đây, người ta còn tìm được cảm giác thư thái bình yên trong tiếng chuông chùa ngân vang. Đi qua những cánh đồng bạt ngàn của dân du mục, những dãy núi tuyết, người ta có cảm giác đi qua đủ mọi hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời để rồi thấy lòng mình như được gột rửa, trở nên thanh sạch và yên bình hơn.

Ở đất nước Phật giáo đầy bí ẩn này, người ta còn truyền nhau những câu chuyện huyền bí về nhũng vị Đạt Lai Lạt ma, là hiện thân lòng từ của Chư Phật và Bồ Tát. Những vị Đạt Lai Lạt Ma này luôn gởi gắm tới cả thế giới những triết lý sống lương thiện, hạnh phúc bình dị với mong muốn mọi người đều có thể sống lạc quan, vui vẻ và hạnh phúc. Hãy cùng ELLE chiêm nghiệm những câu nói hay từ Đức Đạt Lai Lạt Ma nhé:

 

1. Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta.

 

2. Nếu có thể, hãy giúp người khác. Nếu không có thể thì ít nhất không nên hại ai.

 

3. Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.

 

4. Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế.

 

5. Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.

 

6. Thẩm quyền tuyệt đối luôn dựa vào lý trí và sự phân tích nghiêm túc.

 

7. Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người.

 

8. Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình trên thế giới, ngoại trừ chúng ta phải thực sự có hòa bnh trong chính mình.

 

9. Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể. Trên thực tế, ai cũng có thể trở nên tử tế.

 

10. Nếu bạn có sợ hãi về nỗi khổ niềm đau, bạn nên quan sát xem bạn có thể làm được gì với nó. Nếu bạn có thể, không có gì phải lo lắng về nó. Nếu bạn không thể làm được, lại càng không nên lo lắng về nó.

 

11. Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.

 

12. Tiềm năng con người vốn bằng nhau ở mỗi người. Cảm giác: “tôi không có giá trị” là sai lầm. Hoàn toàn sai lầm. Bạn đang lừa dối chính mình. Chúng ta có năng lực tư duy, do vậy, thử hỏi ta thiếu cái gì đây? Nếu ta có năng lực ý chí, bạn có thể thay đổi mọi thứ. Bạn có thể nói rằng: “Bạn là chủ nhân của chính bạn”.

 

13. Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.

 

14. Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời, bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.

 

15. Khi con người còn sống, chúng ta phải nghĩ đến các thế hệ tương lai: Một môi trường sạch được xem là nhân quyền giống như bao quyền khác. Vì vậy, một phần trách nhiệm của chúng ta về người khác là đảm bảo rằng thế giới mà ta đang sống là khỏe mạnh, nếu không nói là khỏe mạnh hơn cái ta đã thấy.

 

16. Danh ngôn Tây Tạng có câu: “Bi kịch nên được sử dụng như nguồn sức mạnh”. Bất luận là khó khăn nào, kinh nghiệm đau khổ ra sao, nếu chúng ta đánh mất hy vọng thì đó là thảm họa đích thực.

 

17. Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là con người hay con vật, là để cống hiến, theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.

 

18. Hãy học các nguyên tắc để biết phá vỡ nguyên tắc đúng cách.

 

19. Trong cuộc chiến vì tự do, chân lý là vũ khí duy nhất mà chúng ta sở hữu.  (Mặc dù nhiều khi chân lý giả tạo tạm thời thuộc về kẻ chiến thắng, kẻ mạnh.  Nhưng chân lý thật sự sẽ vĩnh viễn trường tồn)

 

20. Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực ra là biểu hiện của sức mạnh.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma

 

Sưu tầm từ Internet

 

DỪNG LẠI BÊN ĐỜI


Giữa nhịp đời ồn ào, hối hả, phải đối mặt cùng quá nhiều bon chen, giành giật, nghiệt ngã, mỏi mệt..., cần lắm những khoảnh khắc dừng lại để khám phá lại mình, để nhận diện chính mình.

 

Đàng khác, đời mỗi người phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, lo toan, phiền muộn. Dòng đời mải miết lôi ta vào vòng xoáy của nó. Cứ thế mà ta trôi theo nó như cuộn vào cơn lốc, như ào ào cuốn vào cơn lũ dữ, đầy tất bật, đầy mê mải, vừa mệt nhoài, vừa vô nghĩa.

 

Vì thế mà phải dừng lại, phải tự nhìn và phản tĩnh bản thân.

 

Bởi nhiều lần giật mình nhìn lại, ta mới thản thốt: mình đã bỏ lại sau lưng tuổi xuân hồng, bỏ những cuộc hạnh phúc đan xen nhiều mộng mị, bỏ những dang dở mà phần chắc là không còn thời gian thích hợp để nối cho trọn, bỏ tất cả những bươn chãi nhọc nhằn...., để giờ này, chẳng những ta chẳng còn gì, chẳng được gì, mà như đang đánh mất nhiều ý nghĩa sâu nặng của cả một quảng đời...

 

Bỗng dưng ta yêu quá một cuộc sống chân chất, dung dị. Ta thấy yêu, thấy quý vô cùng giá trị của một cuộc sống bình thường, một việc làm đơn giản, một hành động tuy không lớn nhưng mang ân tình, chứa chất nhiều thành ý khiến người nhận lẫn người cho đều hạnh phúc….

 

Dừng lại bên đời để nhìn lại chính đời ấy, ta còn nhận ra, không chỉ mình ta, nhưng là cả nhân gian này giống nhau như đúc khuôn: Sinh ra trong cuộc đời, dù là ai, thành phần nào, thành công hay thất bại, có niềm tin hay không, đã có lúc sinh ra, thì đều phải sống, phải bước tới mà không bao giờ có thể quay lui, hay chầm chậm lại, nhưng bị thời gian đẩy về phía trước để dù muốn dù không, phải bước cho trọn kiếp người.

 

Cần lắm những khoảnh khắc dừng lại để nhìn đời, mà nhận ra đời chẳng bao giờ biết thương ai, lại cứ đẩy người đồng hành với nó đi miệt mài như vốn nó đã như thế từ vạn vạn kiếp.

 

Nhìn lại bên đời để thấy đời vội vã, không phải để run rẫy hay tiếc nuối, nhưng để biết yêu thương, biết sống cho hoà hợp, sống chân thành, vị tha, không ích kỷ, không vụ lợi, không xấu xa, bẩn thỉu,….

 

Nhìn lại bên đời để biết giữ cho mình không bao giờ nghiêng ngã, mà luôn sống bằng cõi tâm trong sáng, hướng đến mục đích tốt đẹp, và thực hành những chân, thiện, mỹ.

 

Cần nhớ: Khi biết sống vì mọi người xung quanh, lấy niềm vui của mọi người làm niềm vui của chính mình, cuộc sống sẽ không còn đau khổ hay bi lụy, thay vào đó là những vui tươi, là yêu thương, chia sẻ, xung quanh sẽ mãi là một màu xanh của những dịu dàng, những tin tưởng...

 

Không ai có thể chọn cho mình một nơi sinh ra nhưng ai cũng đều có quyền chọn cho mình mục đích sống. Vậy sao ta không chọn một cuộc sống mang nhiều ý nghĩa, sống để không hổ thẹn với lương tâm, để có thể tự hào nhìn cuộc đời bằng ánh mắt viên mãn, tự hào.

 

Nhìn lại bên đời để cố mà sống ngay thẳng, ngẩng cao đầu không hối hận hay nuối tiếc, đừng để khi quay đầu nhìn lại, ta phải ngậm ngùi, tiếc xót: “giá như ta tích cực hơn”, “giá như ta đừng làm như thế”, “giá như ta suy nghĩ thoáng hơn”...

 

Nhìn lại bên đời để tận hưởng từng khoảnh khắc, để yêu thật nhiều những phút giây hiện tại. Ta sẽ căng hết sức mình để sống tốt nhất phút hiện tại. Ta sẽ làm cho đời ta thật ý nghĩa bằng từng phút giây hiện tại. Và như thế, ta sẽ không như nhiều người, cứ mãi nuối tiếc đời mình.

 

Ngược lại, sống thật dồi dào và chắt chiu từng phút giây trôi qua để mang lại cho chính đời mình những ý nghĩa phong phú, mãi đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta chẳng còn gì nấm nuối, nhưng sẽ vừa ý với chính mình, vừa ý với thành quả mà mỗi phút giây ta đã căng mình sống tối đa.

 

Nhìn lại bên đời, ta không cho phép mình chấp nhận hay buông xuôi theo những khó khăn mà cuộc đời mang đến.

 

Dù đối diện cùng hoàn cảnh nào, ta phải cố nhận thức rằng mình là ai, đang làm gì, đang hướng đến cái gì, và quan trọng là phải giữ cho được là chính mình, để ta can đảm giải quyết. Nếu cần cắt đứt, phải cắt đứt. Nếu cần tiếp tục, phả lao vào mà tiến đến đoạn kết….

 

Tóm lại: Đời người chỉ sống có một lần. Ta cần sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì đã từng hoài phí. Sống làm cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng, ta từng ti tiện, hèn đớn... Rồi một ngày xuôi tay nằm xuống, ta hãnh diện mỉm cười từ giả thế trần trong bình an, trong suy nghĩ đẹp mà mọi người dành cho ta.

 

Ôi ta hạnh phúc. Hạnh phúc chứa chan mà vẫy chào tất cả...

 

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG