Sưu tầm từ Internet
CUỘC ĐỜI CÓ 10 THỨ DÙ CON NGƯỜI CÓ MUỐN CŨNG ĐÀNH BẤT LỰC
 

 
 
Nếu bạn đang cảm thấy phiền não, cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống này, thì hy vọng rằng sau khi bạn biết được 10 điều “bất lực” trong đời người này, bạn sẽ thấu hiểu được nhiều hơn, buông bỏ nhiều hơn, đạt được nhiều hơn.
 
1. Người rời xa bạn
Con người đến với nhau vì duyên, ra đi cũng là duyên, không cần quá níu kéo, bởi có níu kéo cũng không giữ được.
Người rời xa bạn, đó là họ đã đánh mất bạn, không phải bạn đã đánh mất họ. Cũng có thể, rời xa là để gặp lại nhau tại một nơi nào đó tốt đẹp hơn.
 
2. Thời gian trôi qua
Trong dòng chảy cuộc đời, thời gian cuốn trôi đi bao thị phi, phiền muộn, bao niềm vui nỗi buồn, cũng như cả tuổi thanh xuân. Thời gian một khi trôi qua là không thể nào trở lại, vậy nên, việc gì cần làm thì nên cố gắng nỗ lực, đời này, ít nhất là không hổ thẹn với chính mình.
 
3. Thất bại
Thất bại tựa như một bức tường đổ sụp, nó đè lên thân bạn, khiến bạn không cách nào vùng vẫy, không thở được, khiến bạn mất đi niềm tin. Tuy nhiên, nếu bạn lặng lẽ chấp nhận nó, thì bạn sẽ không cách nào đứng dậy được nữa. Nếu bạn cố gắng đứng lên, bạn sẽ thấy mọi thứ không quá tồi tệ như mình vẫn nghĩ.
 
4. Không thể lựa chọn xuất thân
Có người sinh ra đã là vua, có người sinh ra là quý tộc, nhưng rất nhiều người sinh ra đã là thường dân. Trên thế giới này, chúng ta có thể thay đổi được mọi thứ, nhưng không thể lựa chọn cho mình được nơi sinh ra, lựa chọn bậc sinh thành.
 
5. Sự cô đơn không ai hiểu thấu
Con người, bất kể là đang vui vẻ hay ưu sầu, cao sang hay hèn mọn, đều có thể bắt gặp cảm giác cô đơn không sao hiểu thấu, nó quanh quẩn trong tâm hồn mỗi người, tựa như đang tìm kiếm ý nghĩa chân thực của đời người.
 
6. Tình yêu vô vọng
Một loại độc dược rất ngọt ngào gọi là “ưa thích”, cái thích này không có giới hạn, đủ dạng đủ loại, nhưng rốt cuộc ưa thích vẫn là ưa thích, nó không phải là “yêu”.
 
7. Lãng quên
Nhiều người trong chúng ta cho rằng cả đời sẽ không bao giờ quên đi sự tình, ngay cả những chuyện chúng ta cho rằng không thể quên, rốt cuộc vẫn sẽ bị lãng quên. Cuộc sống vì có kỷ niệm, nên mới có những phút giây hoài niệm. Hãy cứ để mọi chuyện thuận theo tự nhiên, vui với hiện tại là điều nên làm nhất.
 
8. Quá khứ đã qua
Một giây vừa trôi qua đã trở thành quá khứ. Cuộc sống này, rất nhiều thứ sẽ mất đi, dù muốn hay không cũng nên chấp nhận. Điều duy nhất có thể đọng lại, đó là những ký ức không bị lãng quên.
 
9. Người khác cười nhạo
Miệng là của người khác, tai là của bản thân mình, nói hay không đó là việc của họ, còn nghe hay không lại là chuyện riêng của mình, chúng ta phải học cách mỉm cười khi đối mặt với tất cả điều này.
 
10. Không tránh khỏi cái chết
Cuộc sống là một quá trình, và cái chết là điều không thể tránh khỏi. Nếu như đã không tránh khỏi, vậy cứ thản nhiên đối mặt, xem nhẹ nó, chuyện gì đến sẽ đến, như vậy những phút giây tồn tại trên đời này mới có ý nghĩa, mới có thể an nhiên tự tại.
 
Tuệ Tâm, theo aboluowang
 
MỘT CHUYẾN ĐI CHƠI
 
Đỗ Dung
 

 
Năm nay trời Cali lạnh sớm, mới sang Tháng Mười Hai mà những cơn gió buốt đã kéo về, cây cối trong vườn ủ ê. Cây Ngọc Lan rụng hết lá trơ cành.  Những cây ăn trái như đào, mận, mơ… còn vài chiếc lá vàng run rẩy.  Khóm Aloevera tái rũ đi vì cóng.  Chỉ còn vài cây Hoa Hồng là còn hoa, còn nụ. Kể từ ngày tôi mang căn bệnh hiếm vì phải ngồi xe lăn, mang ống thở nên chẳng được đi chơi xa. Năm nay nhân dịp nghỉ lễ lại có giá “sale” vì dịch cúm heo, vợ chồng cô con gái mời bố mẹ đi nghỉ hè vào mùa đông.
Rời phi trường Cabo San Lucas, trời xanh, mây trắng, khí hậu ấm áp của vùng nhiệt đới cho tôi cái cảm giác quen thuộc như đang đi trên con đường từ Sài Gòn ra Vũng Tàu thuở nào. Nhà cửa hai bên thưa thớt, xây cất lộn xộn không theo quy hoạch chung. Có những biệt thự thật to, đẹp xen lẫn những căn nhà nhỏ bé, nghèo nàn, thò ra, thụt vào không trật tự. Cây Bông Giấy được trồng khắp nơi, đủ màu sắc, tím, vàng, đỏ, hồng, cam… Có những cây leo thành giàn to, hoặc những lùm nhỏ quanh nhà, hoặc được cắt tỉa thành những bụi thấp để trang trí. Loại cây được trồng nhiều nữa là Dâm Bụt, Trúc Đào, không kể những cây sa mạc đặc biệt như Cactus và Palm.
Gần đến khu nghỉ mát, trời mênh mông, biển mênh mông, gió biển thơm nồng… Những “resort” với những khu chung cư kiến trúc kiểu Tây Ban Nha nằm trong những rặng Palm xanh tươi.  Cây cối, hoa lá được cắt tỉa gọn gàng, vén khéo, màu sắc vui mắt. Khu nghỉ mát nào cũng có những hồ bơi thật lớn, đẹp dọc theo bờ biển.
Chúng tôi ở tại “Riu Santa Fe”, bảy dãy nhà lớn nối nhau bằng những con đường nhỏ tình tứ.  Một khu hồ bơi với những chiếc dù lợp như những chòi lá bao xung quanh thật nên thơ. Bốn, năm khu hồ bơi lớn trông ra bãi biển… Dãy quầy tiếp tân nhìn ra ngay một khu thương mại gồm nhiều hàng quán, tiệm ăn, nơi bán quà kỷ niệm, quầy rượu và một sân khấu nhỏ… bao quanh một khoảng trống lộ thiên.  Tối tối có những nghệ sĩ ngồi vẽ, ngồi đàn hoặc bán những nghệ phẩm đặc biệt của địa phương.
Đã lâu, thật lâu chúng tôi mới có một dịp nghỉ ngơi đúng nghĩa. Hai vợ chồng tôi cùng vợ chồng cô con gái và ba thằng cháu ngoại chiếm ngụ hai phòng trên tầng lầu bốn của dãy nhà số bảy ngay sát biển.
Sáng sớm tinh mơ ông bà dắt nhau đi bộ ra bờ biển ngồi ngắm bình minh trên biển cả và thở hít khí trong lành của buổi ban mai. Anh bố cùng hai thằng con lớn chạy dọc theo bờ cát xuyên qua mấy khu “resort”. Tôi ngồi đây, bỏ máy oxygen ra để hít vào thật sâu, thở ra thật nhẹ.  Gió vào căng buồng phổi, gió đi khắp châu thân.  Gió ơi, gió làm ơn đẩy hết đi những ô trược, phiền não, gió ơi!
Mặt trời từ từ lên cao, nắng trong vàng, tươi sáng, mang sức sống đến từng ngọn cây, từng phiến lá. Nắng nhảy múa trên những bông hoa đang e ấp mỉm cười.  Mọi người lục tục kéo nhau ra chiếm hết những chiếc ghế xung quanh. Những tấm thân thanh niên, thiếu nữ khỏe mạnh phơi bày trong nắng Những ông bà già nằm thoải mái, yên bình.  Trẻ con nhảy nhót tung tăng. Tôi nhìn quanh, phải chăng thiên đàng là đây, hạnh phúc là đây. Dưới những khuôn mặt vui tươi, rạng rỡ kia có ai đau khổ, có ai phiền muộn không. Đuổi những ý nghĩ vẩn vơ, tôi ngả lưng xuống ghế ngước nhìn trời cao.  Buổi sáng trời xanh trong, không một gợn mây.
– Oà!
– Bà, ra biển chơi đi bà!
– Ông ơi, ông xuống biển chơi chạy đua với tụi con.
Đang thiu thiu ngủ tôi choàng tỉnh giấc theo tiếng gọi ríu rít của lũ trẻ, cất tiếng hỏi:
– Không đem “wheelchair” xuống cát được, ai cõng bà đây?
– “Me”, “me”, Logi “push” bà.
Thằng bé út hơn hai tuổi mau mắn trả lời.
Thằng anh cả Kobe tính kế:
– Bà đem khăn lông theo, khi nào mệt bà trải ra nằm nghỉ trên cát… OK?
Carter cũng thuyết phục:
– Don’t worry bà ngoại, I can carry the towels!
Thế là toàn gia kéo nhau xuống bãi cát.  Ba thằng bé chạy đuổi nhau, cười giòn tan. Nhìn lũ nhỏ nô đùa tôi lại nhớ ba đứa cháu nội, chị em con Michelle.  Nhớ thằng con út. Giá mà tất cả con cháu đông đủ ở đây thì vui biết mấy. Kenneth và Ethan đang còn nhỏ quá chưa biết chơi mà còn làm bận bịu mất vui người lớn. Thôi để sang năm!
Từ hồ bơi phải qua một cầu thang, xuống hai con dốc cát.  Mỗi dốc dài bằng gần nửa “block” mới tới mé nước. Tôi cố gắng đi chậm rải, thở sâu.  Đặt mỗi bước chân trên cát biết là mình đang đi trên cát.  Cảm được hơi ấm của cát qua làn da chân. Cát ở đây không trắng mịn như cát biển Nha Trang, hơi ngả vàng và hạt cát thô như cát bãi trước Vũng Tàu. Nhìn những thiếu nữ phơi mình dưới nắng, làn da lên màu nâu hồng, khỏe mạnh, tỏa sức sống. Con gái thời nay đa số có thân hình đẹp, lẳn mình dây, dong dỏng cao, thon thả, vòng eo mịn màng.  Thỉnh thoảng có cô điểm những hình xâm nho nhỏ hoặc gắn hột xoàn vào lỗ rốn xinh xinh, trông cũng vui vui con mắt. Nhớ ngày nào anh Chí của Chinh mới tậu xe hơi đưa năm cô em gái Chinh, Bằng, Liễu, Ngân, Dung đi Cấp. Hồi đó “ngũ long công chúa” cũng hồn nhiên vui chơi, cũng vô tư đùa giỡn như những người con gái này. Mới ngày nào da trắng, má thắm, môi hồng, mới ngày nào, mắt ngời sáng nhìn tương lai. Những kỷ niệm cũ hiện về rõ nét… Miên man nỗi nhớ nên tôi đi thẳng tới bờ nước mà không phải nghỉ lần nào.  Ông xã và cô con gái ngạc nhiên, thốt lời khen. Biển êm, sóng nhẹ, hai vợ chồng già dìu nhau ngâm mình xuống nước, nước mát, không ấm bằng nước biển Việt Nam. Được một lúc sóng bắt đầu lên cao đẩy mạnh vào bờ, Kobe, Carter thích chí nắm tay cha mẹ cùng nhảy sóng. Ông bà lên bờ đắp cát lên minh Logi, khi nước xô lên cuốn cát trôi đi thì thằng bé cười lên khanh khách.
Chơi một lúc thấm mệt tôi rủ ông xã về trước. Khi về tôi phải dừng lại nghỉ ba lần vì thở dốc. Thế mới biết mình vừa bịnh vừa già.  Ngày xưa leo đồi, leo núi nhanh thoăn thoắt.
Bảy ngày nhàn tản rong chơi, sáng ra biển nhởn nhơ, nhảy xuống tắm rồi lên phơi nắng. Đói bụng đi ăn xong lại ra biển, nằm phơi nắng đọc sách, ngắm người đẹp. Nhìn trời đất bao la, nghĩ đến thân phận mình. Theo những cụm mây trắng lờ lững trôi, đầu óc bềnh bồng về dĩ vãng… Chiều xuống mặt trời từ từ khuất sau rặng núi phía tây và hoàng hôn rơi xuống thật êm đềm. Tắt nắng chúng tôi trở về phòng tắm rửa nghỉ ngơi, sửa soạn xuống khu “mall” xem “show”, chờ giờ ăn tối. Trong khu nghỉ mát này có một “buffet” lớn, đồ ăn tươi ngon, ngoài ra còn có những nhà hàng sang như “Steak house”, tiệm ăn Ý, tiệm ăn Á Đông và tiệm ăn Mễ. Ở đây họ bán nguyên “vacation package” bao cả vé máy bay, tiền ăn và tiền ở, khách có thể ăn uống thoải mái vô hạn định. Riêng tôi mỗi bữa ăn tôi đều lấy một bát đầy đu đủ và dứa tươi, đu đủ thật ngọt và dứa thật chín thơm.
Khu nghỉ mát như một ngôi làng nhỏ với những con đường thật nên thơ. Chiều chiều chúng tôi thả bộ quanh làng. Liên tưởng đến Làng Tình Chí Choé, ngôi làng mà các bạn Trưng Vương đồng khóa chúng tôi ao ước thành lập. Giá mà chúng tôi có một làng xinh xắn thế này để về hưu sống với nhau thì đúng là phép lạ, đúng là như chuyện thần tiên. Các bà bà tha hồ tâm sự, các ông tha hồ làm thơ và… thơ anh làm em hét, xe lăn em ngồi anh đưa, ta không chịu đi nhà già, ta thích “enjoy” ở đây!
Christmas 2008
ƯỚC MUỐN BÌNH YÊN ....
 
 
HAPPY FATHER´S DAY 18.06.2017
 
 
 
 
LỜI CỦA BỐ
 
 
 
Dưới đây là những lời Bố đã tâm tình với Mẹ và các con trong ngày Lễ Kim Khánh (50 năm nghĩa vợ chồng) cuả bố mẹ vào tháng 12/1994.  Những dòng chữ vàng ngọc này đã trở thành những lời di huấn cuả Bố để lại cho con cháu sau này.
Các con thương yêu,
 
Từ dạo Bố trở về với gia đình sau 10 năm sống trong lao tù, nơi được mệnh danh là Trại Học Tập Cải Tạo ở Bắc Việt,  Mẹ thường nói bố hay lú lẫn, không còn minh mẫn như trước nữa.  Bây giờ, để Bố tâm sự với các con, thử xem Bố đã thực sự bị lẩm cẩm hay chưa nhé !?
 
Theo những lý luận cuả Khổng Giáo mà Bố đã được thấm nhuần thì:
 
Tam thập nhi lập, nghĩa là người ta khi đã 30 tuổi phải lo tạo dựng lấy sự nghiệp cho chính bản thân mình.
 
Tứ thập nhi bất hoặc:  đến năm 40 mới thật sự hiểu được lý lẽ trong thiên hạ và phân biệt được kẻ xấu, người tốt và ít khị bị sai lầm nghiêm trọng.
 
Ngũ thập tri thiên mệnh:  đến năm 50 tuổi mới hiểu thấu được mệnh trời, tức là chân lý huyền vi cuả tạo hoá.
 
Lục thập nhi nhĩ thuận: đến năm 60 tuổi thì kiến thức từ sách vở cũng như kinh nghiệm sống ở trường đời mới thấu triệt và suy nghĩ hành động mới chu đáo.
 
Thất thập cổ lai hy (hay thất thập nhị tùng tâm sở dục bất du):  đến năm 70 tuổi là đã đến mọi điạ vị một cách rất tự nhiên, nói hay làm một việc gì là thể hiện chủ tâm cuả mình, nói sao làm vậy, miễn là không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý thông thường cuả kiếp người trên trần thế.
 
Bát thập đại thọ tiếu hi hi:  Đến năm 80 tuổi mà mệnh trời vẫn cho sống thì chỉ còn vỗ tay mà cười để nhìn lại cuộc đời mình đã trải qua, với tất cả thành bại trong cuộc sống
 
Vậy, muốn đạt được sự hiểu biết ở mỗi lưá tuổi vừa kể trên, không phải cứ sống tới tuổi đó là biết được, mà phải chuyên tâm học hỏi từ thời niên thiếu.  Dù rằng có tuổi mà không tuân theo lễ giáo, không chịu học hỏi thì không sao trở thành người hữu dụng cho nhà và lợi ích cho nước được. 
 
Giờ đây Bố đã ngoài 70, trong tình trạng sức khỏe yếu kém, Bố chợt nhớ lại mấy câu thơ cuả thi hào Pháp Alfred de Vigny:
Gémir, pleurer, prier est également lâche.
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans
la voie où le sort a voulu t'appeler,
 
Tạm dịch là: 
      Rên xiết, khóc lóc,cầu xin đều là yếu đuối
             Hãy hăng hái làm tròn nhiệm vụ lâu dài và nặng nề
             định mệnh đã dành sẵn cho mình
 
   
                     
Sao, các con đã vững tâm thấy Bố chưa đến nỗi quên mình hiện đang sống ở tuổi nào, chưa thành lẩm cẩm nói trước quên sau, để đâu quên đấy rồi phải không?
 
Chỉ có một điều đáng buồn là tình trạng vật lý trị liệu cuả Bố không đạt kết quả như lòng mong muốn, chân tay Bố vẫn yếu, để cho Mẹ và các con phải bận tâm lo lắng.  Nhân đây, Bố xin chân thành cám ơn  Mẹ và các con vẫn luôn quan tâm đến sức khỏe cuả Bố.
 
Trong một lá số tử vi do một nhà tiên tri Ấn Độ tặng cho Bố vào khỏang thập niên 1950 có ghi rằng Bố sẽ thóat khỏi một cơn bệnh thập tử nhất sinh và sẽ sống thọ đến bát tuần. Hy vọng rằng nhờ hồng phúc cuả tổ tiên để lại, cùng với sự tận tụy chung tình cuả mẹ và lòng hiếu thảo cuả các con, Trời Phật sẽ phù hộ cho Bố sống đến 80 tuổi.  Chính vì thế, Bố hiện nay đã quên đi mọi phiền toái cuả cuộc đời này, chỉ muốn dành tất cả những chuỗi ngày còn lại cho vợ và các con, các cháu.  Hôm nay đại gia đình ta tập họp nơi đây mừng lễ Kim Khánh kỷ niệm 50 năm ngày cưới cuả Bố Mẹ, Bố mặc bộ y phục cổ, với áo dài, khăn xếp, khánh vàng, để cùng mẹ ôn lại kỷ niểm xưa khi Bố Mẹ kết hôn vào tháng Chạp năm 1944.
 
Bố muốn nhắc lại câu châm ngôn cổ và cũng là nền tảng đạo lý gia đình:  Tào khang chi thê, bất khả hạ đường, nghiã là đối với người vợ cùng sống từ thuở hàn vi thì dù bất cứ vào hoàn cảnh nào cũng không rời bỏ. Đạo lý cổ cuả Việt nam ta là như thế đó.  Ngày nay có nhiều người cho rằng đó là tư tưởng lạc hậu, không còn phù hợp với trào lưu văn hoá mới.  Nhưng các con ạ, theo suy nghĩ cuả Bố Mẹ thì đó vẫn là nền tảng cuả hạnh phúc gia đình.
 
Nhân dịp này, Bố cũng muốn nhắc lại những kỷ niệm xưa khi các con còn ở tuổi thơ ấu, sống trong vòng tay triù mến thương yêu cuả Bố Mẹ:
 
ANH DŨNG:  đứa con trai đầu lòng, thằng con so mà Mẹ luôn miệng nói là “con giai giống” cuả Bố Mẹ.  Khi con còn bé, hàng ngày Bố bế con đi họp hội nghị các trưởng khu tự vệ thành, Bố thường đội cho con cái mũ ca-lô xinh xinh.
 
CHỊ DUNG:  Bố mẹ luôn luôn gọi con là “Tí Con Dung Lùn” vì khi bé con mũm mĩm lắm.
 
MINH THUẬN:  vì lúc còn nhỏ con bé quá, chỉ bằng cái chai lít mà thôi, nên con mới có tên là tí Xiú
 
VÂN HẠNH;  Bố gọi con là “ông Lý Hạnh’ vì lúc nhỏ con hay đội chiếc mũ che thóp giống như một ông lý trưởng đội khăn xếp .
 
CHÚ TUẤN;  đâù trọc lóc không có một sợi tóc nào, miệng thì luôn đòi “đi đâu’ và hay bắt người làm bế đi chơi rong các phố.
 
PHƯƠNG NAM, QUỲNH MAI, ANH THƯ, TUYẾT MINH, THIÊN HƯƠNG:  gia đình ta đã di cư vào Nam sau khi đất nước phân đôi năm 1954.  Các con đều được bà Nội chăm sóc, yêu thương.  Ngũ Long Công Chuá cuả Bố thường mặc những chiếc váy đầm giống nhau và đều do bà già Đạo bế ẵm.
 
MINH DUY và ĐOAN THUỲ:  ra đời khi bà Nội đã quá vãng.  Khi đó cuộc sống ở miền nam đã thỏai mái hơn nhiều.  Bố còn nhớ mỗi khi đi làm về, tắm táp cho ba đứa bé nhất ;  Cun, Duy, Thuỳ xong là cho các con chơi xích đu tiên. Bố hay gọi Đoan Thùy là “Gang Ghì” như con thường hay nói ngọng.
 
Rồi năm 1975 đến.  Các con bé từ Phương Nam trở xuống đã lớn lên trong lúc nhà ta sa cơ thất thế.  Bố thì bị bắt đi tập trung cải tạo, tài sản bị tịch thu, Mẹ và các con bị cưỡng chế đi đến nơi gọi là vùng kinh tế mới.  Sau đó Mẹ phải một mình chống chọi với đời.  Mẹ đã đảm đang buôn bán nuôi chồng bị tù và chăm lo cho các con từng đứa, từng đứa được đến bến bờ tự do.  Còn Mẹ ở lại với út Thùy để chờ đợi Bố.  Cuộc đời binh nghiệp của Bố kết thúc từ đó, đúng như câu thơ Bố đã làm mà các con thường thấy trong tấm ảnh treo tại nhà: 
       
Nửa đời bẻ kiếm đau hồn nước
                        Xé nát chinh bào thẹn núi sông.
 
Các con phải nhiệt liệt tuyên dương Mẹ là bậc hiền mẫu tuyệt vời.  Bố nhân dịp này cũng muốn bày tỏ lòng tri ân đối với người bạn đời chung thuỷ, đảm đang đã thay Bố nuôi dạy các con nên người xứng đáng, và cũng xin Mẹ tha thứ cho Bố những lầm lỗi nhất thời lúc còn trai trẻ đã nhiều khi làm Mẹ phải buồn lòng.
 
Xin cho Bố được gọi Mẹ bằng  mấy tiếng yêu thương thời trai trẻ năm xưa:  “Em Lâm[1] yêu quý, nay chúng ta đã sống trọn cuộc đời với nhau, em thật xứng đáng được ca ngợi, kèm theo những lời âu yếm cuả tuổi đôi mươi.  Xin trang trọng tặng em chiếc nhẫn KIM KHÁNH  kỷ niệm 50 năm trong nghĩa nặng vợ chồng cuả chúng ta.”  Ước mong đây là tấm gương sang để các con cứ theo đó mà ăn ở với nhau theo đúng lễ giáo Việt nam và truyền thống gia đình cuả nhà ta.
 
Đỗ Đình Tá
12/1994



[1] Tên gọi ở nhà của Mẹ là “Lâm”
 
NIỀM VUI CỦA BỐ.
 

 
Anh Tốt ngồi trong quầy nhìn ra đám khách hàng đang lui cui bên những chiếc máy giặt máy sấy quần áo. Thỉnh thỏang có người đến đổi tiền xu bỏ vào máy, hay khiếu nại máy móc trục trặc gì đó, hay mua xà bông. Ôi, đi giặt mà không mang theo xà bông, những kiểu sống cẩu thả, hoang phí như thế không thiếu gì trong đám dân nghèo, đã nghèo mà còn “sang” vì mua xà bông nơi tiệm giặt chắc chắn sẽ đắt hơn ở chợ. Những khách hàng kia đủ loại người, đủ kiểu, nhưng đa số giới bình dân, vì giới khá gỉa thì có nhà cửa và dĩ nhiên có sẵn máy giặt sấy trong nhà.
Làm chủ tiệm giặt bấy lâu nay anh Tốt có nhiều kinh nghiệm, có khách còn lười đứng canh máy, họ bỏ đi đâu đó, trả công anh vài đồng coi chừng giùm, xong việc anh gấp lại quần aó cho thẳng thớm gọn ghẽ, lát sau họ chỉ việc đến lấy. Thế là coi như anh kiếm thêm thu nhập trong khi đằng nào anh cũng ngồi không.
Nhưng cũng có người bỏ quần áo giặt trong máy và…ra đi biền biệt, thành một đống quần áo vô thừa nhận trong kho của tiệm. Cho đến giờ anh vẫn không thể nào giải thích nổi tại sao? chẳng lẽ những người ấy rời tiệm giặt đi đâu và…bị tai nạn chết toi bất ngờ hay bị bệnh mất trí nhớ …đột xuất nên không quay trở lại tiệm giặt lấy đồ? 
Thời buổi này làm chủ tiệm giặt sấy không có ăn vì món này đã phổ biến mọi nơi mọi chốn, ngay trong những khu apartment người ta cũng có phòng giặt sấy phục vụ cho cư dân của họ, nên tiệm giặt sấy chỉ trông chờ vào đám khách ít ỏi nào đó, hoặc khi họ cần giặt sấy những món to cồng kềnh như chăn mền, tấm trải giường, màn cửa sổ...v..v.. những thứ không thể giặt bằng máy ở nhà.
Chiều nay thứ sáu anh thấy lòng lâng lâng, vì sáng mai anh sẽ đi San Antonio thăm người yêu Thu Dần như thường lệ mỗi cuối tuần, nên anh sẵn sàng chiều khách trong moị dịch vụ, cho dù khách có khó tính hay nổi máu ba gai không kiên nhẫn đợi chờ máy khác, vung chân đá huỳnh huỵch vào cái máy giặt vô tội bị hư hỏng bất chợt trong khi chủ tiệm là anh còn ngồi lù lù gần đấy. Khách hàng có người lịch sự, có kẻ vũ phu như thế, anh Tốt chẳng muốn “dây với hủi” càng to chuyện, càng rắc rối nên cứ đành nhắm mắt làm ngơ.
Chuyện tình của đời anh như một vở kịch, lúc khép lúc mở, ba chìm bảy nổi. Ngày xưa anh và Thu Dần yêu nhau, năm đó anh đang dậy học tại một trường trung học trong thành phố Saì Gòn, nàng là em gái một người bạn thân đồng nghiệp, là cô nữ sinh năm cuối bậc trung học.
Đã mấy lần anh dẫn Thu Dần về giới thiệu với gia đình, chỉ nghe cái tên Thu Dần là mẹ anh biết ngay cô mang tuổi Dần, bà quyết liệt phản đối mối tình cảm này, bắt anh phải chia tay Thu Dần và đừng bao giờ mơ tưởng có ngày kết hôn với cô. Mẹ anh nói con gái tuổi Dần không tốt, nó dữ dằn, ăn hiếp chồng, lập gia đình với ai chỉ mang gian nan, nguy hiểm đến cho người ấy, vợ chồng sẽ nghèo mạt rệp và hoặc vợ hoặc chồng sẽ chết sớm, bỏ đàn con thiếu cha hay mất mẹ đều bơ vơ tội nghiệp.
Mẹ đặt tên anh là Tốt, mong cuộc đời anh sẽ tốt tươi, tốt đẹp, tốt lành, tốt phước.v..v… nên không thể lấy cô vợ tuổi dần để mang họa vào thân.
Biết điều ấy Thu Dần tủi thân và tự ái, cô tránh mặt anh cùng lúc mẹ anh một lòng một dạ…cản trở duyên con nên mối tình đầu tha thiết của anh đã tan vỡ. Anh đau khổ lắm, không muốn mất người yêu nhưng cũng không thể cãi lời mẹ, vì anh là con trai duy nhất trong gia đình.
Vài năm sau anh Tốt lấy vợ, một người con gái xinh đẹp do mẹ tuyển chọn, mẹ hết lời ca tụng cô Na là con nhà gia giáo tử tế, có học lại dịu dàng.
Hai năm sau gia đình nhỏ của anh đi vượt biên sang Mỹ với thằng con trai 1 tuổi và cái thai trong bụng vợ.
Mẹ anh còn ở lại Việt Nam , nên đâu biết rằng cô con dâu lý tưởng của mẹ chọn đã hà hiếp anh thế nào, cô đanh đá, chua ngoa với anh. Tính anh nhẫn nhịn, giỏi chịu đựng. Chẳng lẽ anh viết thư về kể cho mẹ thêm lo buồn lúc tuổi về gìa mà chẳng cứu vãn được gì, và chỉ vài năm sau khi gia đình anh định cư ở Mỹ, mẹ anh đã từ trần sau một cơn bệnh nặng.
Nếu mà mẹ còn sống thì anh khỏi phải kể, mẹ anh cũng đuợc biết cô con dâu không phải tuổi Dần của mẹ cũng không thọ, lìa đời sớm vì bệnh ung thư tử cung phát hiện qúa trễ. Nhưng trước khi chết cô vẫn chưa quên tật đanh đá của mình, vẫn lèo lái đời anh, một buổi chiều có chồng và hai con ngồi bên giường bệnh, cô đã ràn rụa nước mắt nói những lời trăn trối và bắt anh phải hứa, có hai con làm chứng là anh …không được lấy vợ cho đến khi hai con đã trưởng thành khôn lớn. Trước cảnh đau thương người vợ đang hấp hối anh đã hứa cho vợ vừa lòng nhắm mắt về bên kia thế giới.
Anh một thân gà trống nuôi hai đứa con tuổi vị thành niên, đứa con trai năm ấy 14 tuổi và em gái nó mới 13 tuổi. Từ ngày sang Mỹ anh chịu khó học lại đã tốt nghiệp bằng kỹ sư nên cuộc sống không vất vả lắm, cho đến khi thời buổi kinh tế khó khăn anh bị hãng lay off, anh quay ra làm kinh doanh, sang lại cái tiệm giặt này, nhờ ơn trời cũng có khá lợi tức và anh luôn sống căn cơ tiết kiệm để nuôi hai con cho đến khi chúng ra trường, thằng con trai là bác sĩ, và con gái là kỹ sư như bố.
Suốt 10 năm trời anh ở vậy nuôi hai con, không phải chỉ vì lời hứa bị cưỡng ép bởi người vợ ích kỷ, mà vì chính anh, anh đã thấy cảnh bạn anh một bác sĩ, cũng là một người cha độc thân như anh và hai con cũng chạc tuổi con anh lúc mới mất mẹ. Ít lâu sau bạn anh lập gia đình mới, cảnh mẹ ghẻ con chồng tuy không hà khắc như chuyện cổ tích trong văn chương Việt Nam, nhưng theo kiểu thời đại bây giờ cũng lắm trắc trở, hai con của anh bạn bất hòa với mẹ kế, chúng học hành chẳng ra gì rồi bỏ học dở dang đi làm kiếm tiền miễn là không phải ở chung mái nhà với bà mẹ kế.
Anh Tốt không muốn hai con của anh sẽ lâm vào hoàn cảnh ấy, thà chúng còn bé tí không biết gì anh đi thêm bước nữa không sao, ở cái tuổi mới lớn, tuổi vị thành niên đứa trẻ nào cũng nhiều tự ái, tâm hồn mong manh dễ vỡ như thủy tinh, nên anh không vì hạnh phúc của riêng mình làm tổn thương những tâm hồn ngây thơ trong trắng ấy.
Suốt 10 năm trời không phải con đường anh đi luôn bình lặng, không có những sóng gío tình cảm, nhưng anh vì con, mặc cho người tình không thể chờ đợi, họ bỏ anh ra đi tìm tình duyên khác. Cho đến khi bất ngờ năm ngoái anh tình cờ gặp lại người anh ruột của Thu Dần, mới biết là Thu Dần hiện cũng ở Mỹ, chồng Thu Dần là một tay ăn chơi bay bướm đã li dị vợ mấy năm nay vì có người tình khác, họ có một đứa con gái duy nhất đã lập gia đình và sống ở tiểu bang khác, Thu Dần cũng cô đơn, cũng lẻ loi như anh.
Anh liền liên lạc với Thu Dần, mối tình năm xưa sống dậy, cả hai quyết định lần này không thể lỡ duyên nhau. Thu Dần là kỹ sư đang làm việc cho chính phủ ở thành phố San Antonio , còn anh đang ôm cái tiệm giặt lớn nhất trong khu phố của thành phố Houston này. Không ai có thể từ bỏ công việc của mình ngay lúc này để đến với người kia cả.
Khỏang cách từ Houston đến San Antonio không xa, chỉ hơn 2 giờ lái xe, nhưng vẫn là khoảng cách dài của sự chờ mong.
Hai con anh nay đã khôn lớn, chúng hiểu bố đã hi sinh cho chúng như thế nào. Ngày từng đứa con tốt nghiệp đại học ra trường anh đã ôm nó và sung sướng đến nghẹn ngào nói chỉ một câu:
-         Đây chính là niềm vui của Bố.
Cả hai đang có người yêu và một ngày nào đó sẽ lập gia đình, chúng đều khuyên anh nên bán cái tiệm giặt để làm bất cứ công việc gì nhàn hạ hơn và nhất là không vướng bận trong kế hoạch về San Antonio sống chung với người xưa của anh. Hai con anh đã nghe anh kể về chuyện tình trắc trở của bố với cô Thu Dần thời còn trẻ, chúng thương bố càng muốn vun đắp cho mối tình đầu và bây giờ cũng là mối tình cuối của bố.
Anh đã rao bán tiệm giặt trên internet nhưng mấy tháng nay chẳng có ai nghiêm chỉnh trả gía muốn mua, chẳng lẽ tiệm giặt đang đông khách anh lại bán vội vàng với gía rẻ bèo sao đành?
Nên mỗi thứ bảy, khi con gái anh ra trông tiệm giặt cho anh, ngày Chủ Nhật tiệm đóng cửa. Thế là anh thảnh thơi, lái xe đến San Antonio thăm Thu Dần .
Họ cứ gặp rồi chia tay trong khi chờ đợi thu xếp công việc, hoặc là anh bán được tiệm giặt hoặc là Thu Dần xin thuyên chuyển được việc làm về Houston để được sống bên nhau mãi mãi.
Anh đang suy nghĩ xem sáng mai sẽ mua vài món qùa gì từ Houston mang cho Thu Dần, thì anh nghe tiếng cell phone reo:
-         Anh Tốt hả, em đây…
-         Chào Thu Dần, sao em linh thế, nãy giờ anh nhớ đến em, đang ngồi nghĩ vẩn vơ chỉ toàn là em thôi. Ngày mai mình lại gặp nhau rồi….
-         Em cũng thế, chẳng lẽ chúng mình cứ là Ngưu Lang Chức Nữ mãi sao? Ngày xưa mình lỡ duyên vì mẹ anh khe khắt, nay chẳng ai ngăn cấm, ngược lại con anh và con em còn đồng tình khuyến khích thì ông trời lại bày ra cảnh ngộ khác.
-         Anh cũng mới xuống gía tiệm giặt rẻ hơn gía thị trường gần chục ngàn rồi, chắc cũng sớm bán được thôi, yên chí đi cô Cọp nhỏ của anh
Anh vẫn âu yếm gọi Thu Dần là “cô Cọp nhỏ” bây giờ mẹ đã mất mà dù mẹ anh còn sống thì cũng không thể nào cản trở được anh nữa, anh luôn tin là cô cọp nhỏ của anh hiền lành dễ thương, Thu Dần sẵn sàng về Houston sống chung với anh và hai con cho tới khi nào chúng có gia đình riêng.
-         Sắp tới giờ anh đóng cửa tiệm rồi, không nhận thêm khách nữa, chỉ còn vài người khách cuối cùng đang sấy đồ dở dang, em cứ tha hồ nói chuyện với anh nhé.
Nhưng anh vừa dứt lời thì bóng một người vừa đẩy cửa bước vào tiệm giặt, anh chưa kịp lên tiếng từ chối thì ngạc nhiên biết bao khi nhận ra đó là Thu Dần, anh buông cái cell phone trên bàn hấp tấp đến bên cô:
-         Sao em làm anh bất ngờ thế này! Hôm nay em lại đến thăm anh…
-         Còn làm anh bất ngờ hơn nữa kìa, em đã xin thuyên chuyển được việc làm về Houston rồi, không xa chỗ anh ở là bao nhiêu đâu nhé. Em đến tận đây để báo tin mừng cho anh.
Anh Tốt kêu lên đầy kinh ngạc và vui mừng:
-         Trời ơi, Cọp Nhỏ của anh làm một điều tuyệt vời hơn cả giấc mơ.
Anh lại hấp tấp giục cô:
-         Vậy em phụ anh xếp lại cái mớ sổ sách trên bàn giùm anh trong khi anh đóng cửa tiệm ngay bây giờ, khách đã xong rồi. Chúng mình sẽ đi ăn cơm tối nhà hàng trước khi về nhà bàn chuyện tương lai. Em làm anh mừng phát điên lên đây này…
Thu Dần vui vẻ:
-         Em sẽ ở chơi hai ngày dù tuần sau em mới chính thức nhận công việc mới ở Houston . Hai ngày ở đây em sẽ làm quen với nhà cửa của anh, với cuộc sống của anh và hai con,  trước khi chúng ta chính thức lấy nhau.
-         Nhà anh có một mảnh vườn sau rộng lắm, cỏ xanh và cỏ xanh…
-         Ý anh muốn nhắc nhở em mai mốt về phụ anh cắt cỏ chứ gì?
-         Ai nỡ để người yêu cắt cỏ, ngày xưa em chẳng từng ước mơ khi chúng mình lấy nhau, ngôi nhà sẽ có một mảnh vườn cho em trồng hoa Ngọc Lan để mỗi khi chiều xuống đêm về chúng mình nằm bên nhau trên cỏ, giữa mùi cỏ ngai ngái, mùi hoa thơm tho…
-         Không ngờ anh vẫn nhớ lâu thế…
Người khách cuối cùng vừa ra khỏi cửa là anh Tốt ôm chầm lấy Thu Dần, họ cùng vui sướng rạo rực, cùng  trẻ lại như thời mới yêu nhau.
Buổi tối anh Tốt và Thu Dần về nhà, căn nhà này anh mua từ khi ba bố con dắt díu nhau từ thành phố khác chuyển vể Houston theo công việc của anh. Bây giờ những lúc hai con đi làm vắng nhà, anh thấy căn nhà trống trải thênh thang, và một ngày nào đó hai con anh sẽ có gia đình riêng, căn nhà sẽ càng trống trải thêm, anh khao khát chờ mong có hình bóng người đàn bà cho ấm lòng anh và ấm nhà ấm cửa.
Hai con anh về tới, nghe anh kể cô Thu Dần sẽ về làm việc ở Houston , cả hai đều vui mừng không thua gì anh lúc nãy, chúng tranh nhau nói:
-         Thật là tuyệt vời !
-  Cô ơi, chúng con đã “giải lời thề” ở vậy nuôi con của bố từ lâu rồi nhưng bố  không nghe, cho tới khi gặp lại cô chứng tỏ hai người vẫn còn duyên nợ với nhau đấy.
-         Con cám ơn cô Thu Dần đã giải quyết được sự bế tắc này để nhanh chóng về với bố chúng con. Vậy khi nào bố và cô Thu Dần sẽ tổ chức đám cưới ra mắt họ hàng và bạn bè ?
Anh Tốt đáp ngay:
-         Bố sẽ coi ngày, là coi thời tiết mưa nắng thế nào và coi nhà hàng nào ngon, chứ không phải coi ngày coi tuổi gì đâu nhé. Bây giờ cô Thu Dần tuổi Cọp có là ..cọp dữ dằn trong rừng rậm Châu Phi thì bố cũng sẽ cưới.
Con trai anh trịnh trọng và cảm động nói:
-         Ngày xưa khi con và em gái con ra trường bố đều nói là ngày vui, là niềm vui to lớn nhất trong cuộc đời bố. Nhưng chưa đủ đâu, phải có ngày đám cưới của bố với cô Thu Dần thì niềm vui của bố mới trọn vẹn.
Con gái anh tiếp lời anh trai:
-         Chúng con cám ơn bố và chúc mừng bố hạnh phúc từ bây giờ.
Anh Tốt tươi cười nhìn sang Thu Dần, cô sinh vào mùa Thu năm Dần nên cha mẹ đặt tên là Võ thị Thu Dần, nhờ có chữ lót là Thu nên cái họ Võ tên Dần cũng bớt nặng nề  “hắc ám” đi một tí.
Cô cọp nhỏ của anh cũng dịu dàng nhìn anh. Muộn còn hơn không, mối tình của anh Tốt và Thu Dần sẽ kết thúc tốt đẹp, tốt tươi và tốt lành như anh từng mong ước và như cái tên mẹ anh đã âu yếm đặt cho anh.
                Nguyễn Thị Thanh Dương
               ( Father’s day-2010)