Sưu tầm từ Internet
 
MỖI MẨU CHUYỆN LÀ MỘT BÀI HỌC

 

 

1. Mẩu chuyện số 1.

Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng:

- Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, con sẽ làm thế nào?

Tiểu hòa thượng không hề do dự đáp:

- Con sẽ đi sang bên cạnh.

 

Bài học rút ra: Khi gặp khó khăn, đổi góc độ để suy nghĩ, có lẽ sẽ hiểu ra rằng: Bên cạnh vẫn có đường.

 

 2. Mẩu chuyện số 2.

Anh chồng nhà nọ tan làm về nhà, nhìn thấy vợ đang đánh con trai, không ngó ngàng gì đến họ, đi thẳng vào nhà bếp, nhìn thấy nồi vằn thắn nghi ngút khói trên bàn, bèn múc một bát để ăn. Ăn xong nhìn thấy vợ vẫn đang đánh con trai, không nhìn nổi nữa, nói:

- Giáo dục con cái không thể lúc nào cũng dùng bạo lực được em ạ, phải giảng giải đạo lý cho nó hiểu!

Chị vợ nói:

- Em mất công nấu nồi vằn thắn ngon là thế, mà nó   lại tè một bãi vào, anh nói xem có điên không chứ?

Anh chồng nghe thấy thế, lập tức nói:

- Bà xã, em nghỉ ngơi chút đi, để anh đánh nó!

 

Bài học rút ra: Người ngoài cuộc, đều có thể bình tĩnh, người trong cuộc, ai có thể thong dong, bình thản? Bởi vậy, đừng tùy tiện đánh giá bất cứ ai, bởi vì bạn không ở trong hoàn cảnh của họ...

 

3. Mẩu chuyện số 3.

Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng. Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh. Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng. Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức! Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh khác nhau.

 

Bài học rút ra: Cuộc đời là như vậy, có quan niệm thế nào sẽ có cuộc đời như thế, có suy nghĩ thế nào sẽ có cuộc sống như thế!

 

4. Mẩu chuyện số 4.

Anh chồng nọ mua một con cá về nhà bảo chị vợ nấu, sau đó chạy đi xem phim, chị vợ cũng muốn đi cùng. Anh chồng nói:

- Hai người đi xem lãng phí lắm, em cứ nấu cá đi, đợi anh xem xong quay về, vừa ăn vừa kể cho em nghe tình tiết của bộ phim.

Anh chồng xem phim trở về nhà, không nhìn thấy cá đâu, bèn hỏi chị vợ:

- Cá đâu rồi em?

Chị vợ kéo ghế, ngồi xuống, cất giọng bình tĩnh:

- Em ăn hết cá rồi, nào, lại đây, ngồi xuống em kể cho anh nghe mùi vị của cá.

 

Bài học rút ra: Làm người nên như vậy, bạn đối xử với tôi như thế nào, tôi sẽ đối xử lại với bạn như thế.

 

5. Mẩu chuyện số 5.

Năm thi đại học, tôi chỉ được 6 điểm, còn con trai của bạn mẹ tôi được 20 điểm, cậu ta đến học tại trường đại học trọng điểm, còn tôi chỉ có thể đi làm thuê. Chín năm sau, mẹ của cậu ta chạy đến khoe khoang với tôi và mẹ tôi rằng con trai bà ta đang đi phỏng vấn vào chức giám đốc lương tháng vài chục triệu... Còn tôi, lại đang nghĩ: có nên tuyển dụng cậu ta không.

 

Bài học rút ra: Bạn, có thể không học đại học, nhưng bạn, tuyệt đối không thể không phấn đấu.

 

6. Mẩu chuyện số 6.

Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng:

- Việc là chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng.

Anh bạn mỉm cười nói rằng:

- Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không?

 

Bài học rút ra: Trong cuộc sống thường ngày, cảm thấy không công bằng thì phải nỗ lực làm người đi đầu, oán trách chỉ vô dụng.

 

7. Mẩu chuyện số 7.

Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta. Thượng đế hỏi kẻ ăn xin:

- Nếu ta cho cậu mười triệu, cậu sẽ dùng nó như thế nào?

Kẻ ăn xin đáp:

- Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại!

Thượng đế không hiểu, hỏi:

- Tại sao lại muốn mua điện thoại?

- Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin.

Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi:

- Nếu ta cho cậu một trăm triệu thì sao?

Kẻ ăn xin nói:

- Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe. Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được.

Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói:

- Nếu ta cho cậu một trăm tỷ thì sao?

Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng:

- Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này.

Thượng đế lấy làm vui mừng. Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu:

- Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa.

Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi.

 

Bài học rút ra: Trên đời này, không phải là thiếu cơ hội, cũng không phải là vận mệnh trước giờ không công bằng, mà là thiếu đi cách thức tư duy đúng đắn. Tư duy của một người quyết định cuộc đời của người đó. Thay đổi cuộc đời bắt nguồn từ việc thay đổi tư duy.

 

8. Mẩu chuyện số 8.

Một người nọ đứng dưới mái hiên trú mưa, nhìn thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua. Người nọ nói:

Quan Âm Bồ Tát, xin hãy phổ độ chúng sinh một chút, cho con đi nhờ một đoạn được không ạ?

Quan Âm nói:

- Ta ở trong mưa, ngươi ở dưới mái hiên, mà mái hiên lại không mưa, ngươi không cần ta phải cứu độ.

Người nọ lập tức chạy vào màn mưa, đứng dưới mưa:

- Hiện tại con cũng ở trong mưa rồi, có thể cho con đi nhờ không ạ?

Quan Âm nói:

- Ngươi ở trong mưa, ta cũng ở trong mưa, ta không bị dính mưa, bởi vì có ô, ngươi bị dính mưa, bởi vì không có ô. Bởi vậy, không phải là ta đang cứu độ mình, mà là ô cứu độ ta. Ngươi muốn được cứu độ, không cần tìm ta, hãy đi tìm ô!

Dứt lời Quan Âm bèn rời đi.

Ngày hôm sau, người nọ lại gặp phải chuyện nan giải, bèn đến miếu cầu xin Quan Âm. Bước vào trong miếu, mới phát hiện có một người đang vái lạy Quan Âm, người đó giống Quan Âm như đúc. Người nọ hỏi:

- Bà là Quan Âm sao ạ?

Người kia trả lời:

- Đúng vậy.

Người nọ lại hỏi:

- Vậy tại sao Quan Âm lại vái lạy chính mình?

Quan Âm cười nói:

- Bởi vì ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.

 

Bài học rút ra: Phong ba bão táp của cuộc đời, phải dựa vào chính bản thân mình. Cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.

 

9. Mẩu chuyện số 9.

Anh chàng nọ:

- Ông chủ, tắm ở đây mất bao nhiêu tiền?

Ông chủ:

- Nhà tắm nam 40 nghìn, nhà tắm nữ 400 nghìn.

Anh chàng nọ:

- Ông ăn cướp đấy à...

Ông chủ:

- Cậu muốn đến nhà tắm nam hay nhà tắm nữ?

Anh chàng nọ quyết đoán đưa ra 400 nghìn. Bước vào nhà tắm nữ liếc mắt nhìn, toàn là nam. Anh em trong nhà tắm:

- Lại một thằng nữa tới!

 

Bài học rút ra: Kinh doanh trước giờ không phải là dựa vào giá cả thấp, mấu chốt là dựa theo nhu cầu của khách hàng.

 

10. Mẩu chuyện số 10.

Một người cha nói với con của mình rằng:

- Hãy nắm chặt bàn tay của con lại, nói cho cha biết con có cảm giác gì?

Người con nắm chặt tay:

- Hơi mệt ạ.

Người cha:

- Con thử nắm chặt hơn nữa xem!

Người con:

- Càng mệt hơn ạ!

Người cha:

- Vậy con hãy buông tay ra!

Người con thở phào một hơi:

- Thoải mái hơn nhiều rồi ạ!

Người cha:

- Khi con cảm thấy mệt, nắm càng chặt sẽ càng mệt, buông nó ra, sẽ thoải mái hơn nhiều!
 
 
 
Bài học rút ra: Buông tay mới nhẹ nhõm.
 
Sưu tầm từ Internet
 
 
 
 

 
TẠ TÌNH
ĐỖ DUNG

 
Thời con gái mộng mơ.  Những buổi sáng nắng tôi ngồi trên sân thượng, thả hồn theo những cụm mây trắng.  Những chiều mưa khoác chiếc áo tơi, lang thang trên những con đường dài có lá me bay.  Những đêm buồn nằm ôm chiếc cassette, chơi vơi với những khúc nhạc tình để hoặc thổn thức hoặc mỉm cười vu vơ với cái đình màn... Tuổi con gái tôi ôm ấp nhiều hoài bão, ngẩng mặt nhìn lên đi tìm thần tượng.  Thắc mắc trong lòng không biết người ấy sẽ là ai, một nửa kia đâu. Tôi ở đây còn chàng ở nơi đâu! Với lòng đa sầu, đa cảm, tính tình lãng mạn, chất ngất đam mê, tôi vẽ cho tôi một mẫu người trong mộng, để rồi – “Ai đi tìm ai suốt đời” –  Có những lúc tưởng như là tình yêu nhưng chỉ là cái bóng. Có những lúc tưởng như gặp người trong mộng nhưng mộng lại vỡ tan.
 
 Một buổi chiều đúng lúc ngang nhà chàng thì cơn mưa ập đến, mưa Sàigòn, mưa Tháng Sáu. Em đến thăm anh một chiều mưa, không mơ màng như “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ mà ướt lướt thướt, ướt tả tơi. Ông Tơ bà Nguyệt đã đợi sẵn đâu đó để xe sợi chỉ hồng. Chàng không phải là người toả hào quang nhưng ở chàng tôi tìm được nơi nương tựa, một sự che chở và một tình yêu tuyệt đối. Chàng là anh họ của một nhỏ bạn cùng lớp ở Trưng Vương, âm thầm để ý tôi từ năm cuối trung học. Nhưng dưới mắt con bé mười tám còn nhiều cao vọng, chàng không lọt được vào tầm nhìn. Sau đám cưới chúng tôi có một tuần lễ thần tiên trên Đalat, một năm sau con gái Hạnh Quyên chào đời, cùng thời gian tôi ra trường với mảnh bằng Dược Sĩ. Cuộc đời tưởng cứ êm đềm trôi, tôi yên phận cho thuê bằng để ở nhà lo cơm nước cho cha con Anh Giáo. Chúng tôi sống thật Hạnh Phúc, cái Hạnh Phúc nhỏ bé, tầm thường, để rồi hai năm sau có thêm thằng bé Thiên Khôi. Chúng tôi chỉ mong một mái ấm và một đàn con xinh.
 
 Nhưng... 30/4/1975... Cha đi học tập, chồng đi cải tạo. Mới hai mươi mấy tuổi đầu, một nách hai đứa con thơ, tôi bị quăng vào đời thật tàn nhẫn. Một chiếc xe đạp mini, con ngồi ghế nhỏ đằng trước, con ôm lưng mẹ đằng sau, hai bên ghi đông hai giỏ cói.  Tôi trải miếng ni lông ở vỉa hè thương xá Tax, mua bán, bán mua... thế mà cũng chả yên thân, người ta muốn làm đẹp thành phố nên dí súng AK vào đầu đuổi đi. Tôi lang thang, lăn lộn trong những khu vực chợ trời để kiếm sống. Bên Nội có đó, bên Ngoại còn đó mà nào dám để lụy phiền. Ai cũng còn gánh nặng phải mang. Ai cũng ngơ ngác, tang thương trước cảnh đổi đời. Những đêm nằm ôm hai con thơ mà nuốt nước mắt, xót xa phận mình, thương chồng và cha đang nhục nhằn trong trại cải tạo. Nhưng biết làm sao, cái đau chung của cả một dân tộc, mọi người đều trôi nổi theo vận nước nổi trôi.
 
 Trời Sàigòn không còn đẹp, nắng không còn tươi, cảnh vật ủ ê khoác lên màu xám. Một ngày, cũng với tâm trạng ngậm ngùi đó, tôi thơ thẩn lên thương xá Tam Đa, đánh liều mướn một quầy nhỏ trong gian hàng của Phạm Mạnh Cương, thế rồi... may, thêu, vẽ... Tận dụng hết các nghề tay trái của mình để kiếm gạo nuôi con. Như Hảo chia cửa hàng của chị làm năm phần, ngoài cùng là hai quầy nhỏ, tôi một bên, hai chị em Vân Ly một bên. Đằng sau tôi là quầy hàng của Nhã Ca, có cô em Bội Hằng tươi vui, nhí nhảnh, khôn lanh. Đối diện với Nhã Ca là gian hàng của vợ chồng NXH với cô vợ DT khéo léo, nhanh nhẹn, đảm đang. Còn Như Hảo giữ lại một quầy lớn nhất trong cùng. Nhớ lại khoảng thời gian đó tôi thấy cũng vui vì tự nhiên mình lại lọt vào nơi toàn là văn nghệ sĩ. Thỉnh thoảng đươc tiếp chuyện với nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Trần Dạ Từ. Lâu lâu được đến nhà anh chị Phạm Mạnh Cương để thưởng thức bánh bột lọc và món nhậu tôm khô củ kiệu tuyệt cú mèo của Mạ. Dạo phong trào bán áo thung vẽ, bên Nhã Ca và NXH thuê người vẽ toàn các nhân vật Disney, Cartoon.  Còn tôi... vẽ lấy! Buổi tối sau khi ru con ngủ là ngồi vẽ, cũng hình thiếu nữ mà hôm nào vẽ đẹp thì “Chợt dáng buồn xưa đọng mắt em” (Thơ Cung Vĩnh Viễn). Hôm nào coi không được thì “Ác quỷ hiện hình khi trăng lên”. Khi mệt quá khoắng đại mấy vòng tròn như huy hiệu Olympic, thế mà thò cái nào ra là bán liền cái đó vì... “unique”! Lúc khấm khá vẽ một mình không xuể tôi phải giao bớt cho lũ em, đề tài tự do. Phương Nam hồi đó cũng giúp chị rất đắc lực, lúc vẽ thằng hề, lúc vẽ con sên, con ốc hoặc một đám lá vàng rơi...  Đến khi thấy tác phẩm của mình đi ngoài phố cô nàng khoái chí về khoe.
 
Chẳng được bao lâu, nhà mẹ bị đánh tư sản mại bản, nhà con bị đánh tư sản kinh doanh. Mẹ phải mua một túp lều lá hồi hương để khỏi đi kinh tế mới. Con phải ngồi nhà để lãnh thêu may. Rồi cũng đến một ngày chồng được tha về, tôi phải ra quận để làm giấy bảo lãnh và cam kết sẽ giáo dục chồng (!). Những ngày tháng vụn rời kế tiếp, ngơm ngớp lo âu. Chàng được sở giáo dục điều về dạy ở một trường cấp hai tại quận mười một với đồng lương chỉ đủ cho một người ăn quà sáng. Ngày ngày cong lưng đạp xe đi làm, thỉnh thoảng được phân phối một miếng thịt heo khoảng hai lạng (200g) buộc tòn ten bằng sợi lạt cói. Ngoài giờ làm việc chàng phải chở vợ đến nhà khách hàng để nhận và giao đồ thêu may. Hai vợ chồng ráng chắt chiu dành dụm, kiếm đủ một chỉ đi mua một chỉ, gom đủ mười chỉ đổi lấy một cây. Chúng tôi thì thào nhỏ to đi tìm đường vượt biển, cũng bị mất mát vài phen nhưng may không bị bắt.
 
 Cuối cùng Tháng Tư năm 1980, chúng tôi cũng ra khơi trên một chiếc ghe lồng mỏng manh, nhỏ bé vượt đại dương. Đến bến bờ tự do với hai bàn tay trắng, chúng tôi phải làm lại từ đầu, vất vả cực nhọc từ sáng sớm đến nửa khuya, làm việc quần quật để lo cho tương lai. Thời cuộc đẩy đưa, phất lên như diều gặp gió.  Năm 1983 cho ra đời thêm chú bé LamSơn. Diều lên vun vút... rồi diều lại đứt dây, tay trắng lại hoàn trắng tay!!
 
Chúng tôi gửi các cháu lại cho ông bà ngoại và các dì trông nom  Hai vợ chồng lại dắt nhau đi tìm đất mới. Chỉ vì vụng tính, kém suy nên bao nhiêu tiền của như nước lã ra sông, tôi nhìn các con mà đau lòng xót ruột. May mắn thay các cháu cũng nên người. Tôi nhìn chàng thương xót, chàng nhìn tôi xót xa.  Chúng tôi an phận làm nghề lao động, chen vai thích cánh với lực lượng thợ thuyền Mễ và Mỹ đen. Những đêm dài khó ngủ, tôi vùi đầu vào ngực chồng khóc tức tưởi, chàng cũng chỉ im lặng thở dài.
 
Lúc quen công biết việc, tâm hồn thôi chao đảo, xao động thì tôi phải vào bệnh viện. Sau hơn mười ngày điều trị, làm đủ thứ thử nghiệm trên đời, bác sĩ phán rằng tôi bị “Pulmonary Hypertension”, bịnh hiếm, không chữa được, chỉ chờ chết hoặc đợi thay tim phổi. Ông ta thản nhiên nói, tôi chỉ còn hai năm để sống, hãy về mà vui những ngày tháng cuối của cuộc đời.
 
Sau khi xuất viện tôi phải thở bằng bình dưỡng khí. Bác sĩ không cho đi làm. Tôi trở thành kẻ tàn phế! Tại sao trời cao lại cho tôi trăm cay, nghìn đắng! Tôi chỉ biết khóc, và khóc. Đêm ngủ không được vì vừa lo nghĩ, vừa giận mình, giận đời. Tôi dọn ra phòng riêng vì không muốn làm phiền chàng, chàng cần nghỉ ngơi để sáng còn phải đi làm. Sau mỗi lần bị chụp thuốc mê, đi vào cơn chết tạm để bác sĩ thông tim, khám phổi, khi mở mắt tỉnh dậy, tôi thấy khuôn mặt chàng méo xẹo, xám ngoét ngồi bên, thấy mà thương.
 
 Rồi như một cơ duyên, tôi nhận được kinh Phật và băng giảng của các Thầy, tôi bắt đầu thiền tập, từ từ thấy tâm an lại, thấy lẽ vô thường, thấy đời là phù du, mộng ảo... Buổi sáng sau khi tập Dịch Cân Kinh, tôi ra sân sau nằm võng đọc sách, ngắm hoa, ngắm lá, nhìn ánh nắng lung linh... thấy đời thật đẹp, thật đáng sống. Tôi không còn sợ chết.
 
Thời gian cứ trôi, Hạnh Quyên lập gia đình và có hai thằng con trai. Thiên Khôi đã lấy vợ và có một cháu bé gái. Khi chàng về hưu chúng tôi quyết định dọn về ở gần các con. Hai cây củi mục mong đem sức tàn để giúp cho đàn con cháu. Tôi trông con bé cháu nội, chàng dạy hai thằng cháu ngoại. Cả ngày chúng tôi quấn quýt với mấy đứa trẻ. Chúng tôi cố gắng để các cháu không quên tiếng mẹ đẻ. Thằng bé bốn tuổi ở nhà với bà nhiều nên giỏi tiếng Việt nhất, biết giải thích cho thằng anh sáu tuổi. Buồn cười nhất là bà bắt cháu nói tiếng Việt, không cho nói tiếng Mỹ, thằng bé vít cổ bà xuống an ủi: “Don’t worry bà ngoại, I can teach you English (!).” Rồi khi ông hàng xóm ra sau làm vườn, nó kéo bà ra giới thiệu còn nói nhỏ vào tai bà: “Ông Don speaks English only”. Thế là hai bà cháu cứ nửa Việt, nửa Mỹ nói chuyện với nhau. Cho đến nay các cháu nói tiếng Việt rất khá, biết hát “Bà ơi cháu rất yêu bà... “ và ngày nào cũng “Kéo cưa lừa xẻ... “
 
Phải chăng đời là một giấc chiêm bao? Thời Trưng Vương áo trắng, tưởng như mới hôm qua. Thời gian vùn vụt trôi. Tôi với chàng đã trải qua bao nỗi thăng trầm, lên voi xuống chó. Có với nhau ba đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang, một bầy cháu kháu khỉnh, khôi ngô. Bây giờ tóc đã bạc, răng đã long, mỗi buổi sáng ngồi bên tách cà phê nóng, vẫn còn nhìn nhau, mắt trong mắt, tay trong tay.  Chàng vẫn lo cho tôi từng viên thuốc bịnh, cũng như nhắc nhở tôi uống từng viên thuốc bổ. Tuổi già cũng có những cái chướng ách của tuổi già. Lời nói không còn ngọt ngào như xưa mà đôi khi còn gắt gỏng như mắm. Nhưng nhìn quanh tôi vẫn cảm nhận được niềm Hạnh Phúc, cái Hạnh Phúc của Tình Yêu Vĩnh Cửu, của Sự Kết Hợp Chung Thân. Ngày xưa tôi hay hát phần đầu – “Ai đi tìm ai suốt đời” – thì hôm nay tôi xin hát lên lời cuối – “Tình yêu này em cám ơn anh”. Xin được nói một lời Tạ Tình cho người chồng chung thủy.
 
Đỗ Dung (2005)
DỊU DÀNG CƠN NẮNG HẠ.
 
 
                    
                     Em đã có những mùa Hạ thần tiên ,
                     Đã hồn nhiên như trời xanh mây trắng,
                     Đã rực rỡ như buổi trưa ngập nắng,
                     Và nắng dịu dàng từ lúc gặp anh .
 
Ngọc Ngà đi xồng xộc vào nhà, cô tháo cái túi cặp trên vai quẳng một cái là nó nằm chình ình trên bàn, thiếu chút nữa làm rơi đổ cả bình hoa mà mẹ cô đã công phu hái hoa tươi từ vườn cắm vào bình. Bà Bông phải kêu lên:
-         Ối, con ơi, coi chừng đổ hình hoa của mẹ.
-         Ngày nào cũng thế, có bao giờ con làm đổ bình hoa của mẹ đâu mà mẹ lo
Rồi cô hỏi mẹ một hơi:
-         Hôm nay ăn cơm với gì mẹ? Có món cá kho không? con đang đói bụng qúa, mẹ lấy cho con tô cơm đi.
Bà Bông cũng mắng con gái một hơi:
-         Con gái con lứa thì phải khoan thai dịu dàng, ăn nói từ tốn, đi học về cặp sách để cho đúng chỗ, thay quần thay áo, rồi mới ra ăn cơm chứ, mày về đến nhà như cơn bão không báo trước, chốc nữa là nhà cửa lại xáo trộn, bừa bãi lên cho mà xem.
Cô chạy bay vào phòng để thay quần áo, vẫn chiếc áo thun hở cổ, hở tay và chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn, thoải mái thế mà cô còn  kêu lên ầm ĩ:
-         Nóng qúa mẹ ơi! Mùa hè mẹ phải mở thật lạnh mới đã.
Rồi cô ra chỉnh lại nhiệt độ trong nhà, với cô 73 độ F mới là vừa. Trong khi ông bà Bông  thích nhiệt độ 78 hơn. Thế là hai ông bà phải chiều con gái,  nó đi vắng thì mở nhiệt độ theo ý mình, nó về nhà mình phải theo ý nó, và đôi khi bà Bông phải khóac thêm chiếc áo nữa cho bớt lạnh  giữa mùa hè nắng cháy. Ông đã từng an ủi bà: “ Mình chiều con mình chứ chiều ai, nó sinh ra ở Mỹ, đến trường học nhiệt độ kiểu Mỹ quen rồi, người Việt Nam mình xứ nhiệt đới, khi mình ấm thì tụi Mỹ cần mở máy lạnh. Cũng như khi tụi Mỹ thấy mát mẻ là mình ớn lạnh cả thịt da”.
-         Mẹ chưa lấy cơm cho con hả? Cô sốt ruột hỏi lại mẹ.
-         Đợi bố về chỉ  ít  phút nữa thôi, mẹ sẽ dọn đủ cơm, canh, đồ kho nóng hổi cả nhà cùng  ngồi vào bàn ăn luôn thể.
-         Không được đâu, con không thể đợi dù một giây, vì con đang đói, đói qúa trời luôn.
Chẳng cần đợi mẹ làm, Ngọc Ngà vào bếp bới cơm và lấy đồ ăn đầy một tô lớn rồi ra ghế sa lông ngồi tựa người ra ghế, hai chân gác lên bàn, một tay bưng tô cơm tay kia bấm lia lịa cái remote control tìm đài coi Ti vi, vội vàng như trời sắp xập, không còn dịp để coi nữa.
Bà Bông đến bên con gái ngọt ngào:
-         Con ơi, lớn rồi mà ngồi ăn uống thế này người ta cười cho đấy.
Cô không quan tâm đến lời mẹ, mải ăn và khen:
-         Ôi, món cá kho hôm nay mẹ làm ngon lắm, chắc con phải ăn thêm tô cơm nữa, mai mẹ kho cá nữa nhé?
Bà Bông “năn nỉ”:
-         Nhưng con có nghe lời mẹ vừa nói không? bỏ hai chân xuống khỏi bàn giùm mẹ đi. Tập cho nó quen đi.
Bây giờ cô mới ngạc nhiên, nhìn mẹ:
-         Ngày nào con chả ngồi thế này, thoải mái quen rồi mà,  nhưng hôm nay sao mẹ khó tính thế?
Bà Bông nghiêm trang nói với con:
-         Nhà mình sắp có khách đến chơi cả tuần,  con là con gái lớn rồi, 18 tuổi đầu sang năm vào đại học rồi, chứ còn bé bỏng gì đâu, đừng để người ta cười con.
Cô có vẻ giận dỗi vì bị “xúc phạm”:
-         Ai đến nhà mình thì kệ họ, con có đụng chạm gì đến họ hay làm sai trái đâu mà họ cười con?
-         Mẹ hiểu ý con, nhưng con không hiểu ý mẹ, dưới mắt một người khách lạ mẹ muốn người ta nhìn con gái mẹ thuỳ mị dịu dàng, dễ thương ấy mà.
Cô phản đối:
-         Có mấy thằng bạn cùng lớp đang theo tán tỉnh con, khen con dễ thương kia kìa, mẹ không tin con dẫn tụi nó về cho mà xem.
-         Nhưng chúng chưa hề nhìn thấy con ngồi ăn cơm bưng cả tô, chân thì gác ngang gác dọc lên bàn “ba gai” như thế này, chúng không biết rằng chưa bao giờ con rửa bát, lau nhà, giặt giũ quần áo. Tất cả những công việc ấy toàn mẹ làm cho con.
Ngọc Ngà tò mò ngắt lời mẹ:
-         Nhưng người khách lạ nào sẽ đến nhà mình mà quan trọng thế?
-         Là bạn của anh Tiến con, làm cùng hãng ấy mà. Họ sẽ từ Seattle về đây nghỉ vacation một tuần.
Cô ngạc nhiên:
-         Anh Tiến lấy vacation về nhà mình thì đúng rồi, còn anh kia theo đến đây làm gì?
-         Họ là bạn thân, ngày anh Tiến ra trường về hãng nhận việc thì anh Hiếu đã tận tình chỉ dẫn những bước đầu tiên. Rồi mỗi cuối tuần anh Tiến con đều được anh Hiếu mời đến nhà ăn uống hay tham dự vui chơi cùng gia đình, cha mẹ anh Hiếu cũng qúy mến Tiến như con cháu trong nhà, nên Tiến  muốn mời Hiếu về nhà mình chơi, để giới thiệu một người bạn tốt cho vui. Đơn gỉan chỉ thế thôi.
Cô nhăn mặt, khó chịu:
-         Anh ta sẽ ở đây một tuần, bận rộn cả nhà mình ra chứ vui gì?
Bà Bông dặn dò:
-         Con đừng nói thế, lỡ quen miệng hôm nào có mặt anh Hiếu con lại nói ra thì mất lòng nhau. Nhớ là phải cẩn thận suy nghĩ trước khi nói nhé, mẹ sợ cái tính ăn nói bừa bãi của con lắm.
Ông Bông đi làm về tới, nhìn hai mẹ con, ông vui vẻ:
-         Có chuyện gì mà hôm nay hai mẹ con gần gũi tâm tình thế nhỉ?
Ngọc Ngà mách bố:
-         Nhà mình sắp có khách, mẹ muốn con ăn nói đàng hoàng tử tế cho ra dáng con gái, làm như bấy lâu nay con là thằng con trai trong nhà này ấy.
-         Mẹ con qúa lo xa, với bố, con luôn là đứa con gái đáng yêu.
Cô mỉm cười chiến thắng, bà Bông lườm yêu chồng và lo dọn bữa cơm chiều cho chồng.
Khi ông Bông đến giờ ngồi vào bàn ăn thì hai vợ chồng cùng nhỏ to trò chuyện. Bà than thở:
-         Đấy, ông xem, con gái nhà mình ngang ngược chưa?, vừa về đến nhà là chỉnh lại nhiệt độ trong nhà cho mát lạnh theo ý nó, tôi và ông là đa số mà phải thua thiểu số, xong nó đòi ăn cơm ngay, không kịp đợi bố về để cả nhà cùng ăn, mà nhà chỉ có 3 người chứ nhiều nhặt gì, hai anh nó, anh lớn thì đã lập gia đình ở riêng, anh Tiến  đi làm xa. Vậy mà ngày xưa, ở tuổi 42 tôi bất chấp sự nguy hiểm của tuổi đang về gìa có thể đẻ con khờ con dại , cứ cố công đẻ thêm một đứa con gái để hú hí, để vui nhà vui cửa, tôi đặt tên nó là Ngọc Ngà vừa có nghĩa cưng qúy, thương yêu như ngọc như ngà vừa có nghĩa yểu điệu tiểu thư, mà nó thì ngược lại.
-         Thì con nó đói, ăn trước có sao đâu, tôi với bà ăn lúc nào cũng được, bà đừng bắt con vào nề nếp, nguyên tắc qúa. Thời gian và công việc của nó khác của chúng ta.
-         Ông chỉ bênh con gái, nó càng ngổ ngáo thêm thôi. Hôm nọ nó còn đòi đi học võ gì đó để tự vệ, phòng thân, tôi không cho và nói rằng tướng mày nghênh ngang thế kia, mày không ăn hiếp người ta thì thôi, ai dám ăn hiếp mày? nó mới thôi.
-         Con gái học võ cũng tốt chứ sao, vừa khỏe mạnh vừa an toàn cho bản thân. Ông tiếp tục bênh con gái
Bà kể tội thêm:
-         Có lần nó còn nói thích …lái máy bay nữa chứ.
-         Trẻ con lớn lên ở Mỹ đứa nào chẳng có những ước mơ, ngay cả những ước mơ không giống ai. Biết đâu, vì nó thích du lịch, thích đi máy bay, giống như tôi ngày xưa, mơ lớn lên làm…lơ xe đò, chỉ vì khoái đi xe đò miễn phí?
Bà thì thầm nói nhỏ, sợ con gái nghe thấy:
-         Được thế còn may, tôi chỉ sợ nó giống con trai, đồng tính thôi ông ạ.
Ông gạt đi:
-         Bà nhiều tưởng tượng làm gì cho khổ, mà nếu đúng như thế cũng chấp nhận, dù giới tính nào cũng là con người, cũng có mặt xấu, tốt như bất cứ thành viên nào trong xã hội. Con Ngọc Ngà nhà mình có 2 anh trai, nên từ nhỏ chỉ chơi đùa với các anh, cùng đi coi phim, đi câu cá, nên tính tình giống con trai là đúng rồi. Gía bà đẻ hai đứa con gái cho nó có chị có em thì đâu đến nỗi…
Nét mặt bà tươi lên, bà thì thầm với ông:
-         Ông cũng biết rồi đấy thằng Tiến sắp sửa dẫn người bạn nó về đây, nghe nói anh Hiếu là người tốt, con nhà tử tế, chưa vợ, chưa người yêu. Tôi cũng mong dịp này anh ấy để mắt tới con Ngọc Ngà và vài năm nữa rước nó đi cho tôi yên tâm., chứ tính khí nó như thế có mà ế chồng.
                                                    ************
Anh Tiến đã về nhà cùng với bạn, Hiếu hơn Tiến một tuổi và ra trường đi làm cũng trước Tiến một năm. Đồng trang lứa, lại hợp tính tình nên hai người đã là bạn thân.
Bà Bông mừng thầm trong bụng khi thấy Hiếu, mới gặp lần đầu là bà đã chấm ngay rồi. Hai con trai đã ngoan mà có thêm thằng rể ngoan nữa thì nhà bà thật có phước.
Bà chỉ còn một mối lo là con Ngọc Ngà có được anh Hiếu để mắt đến không?
Bữa cơm đầu tiên đón khách bà Bông làm thật trang trọng, nhiều món, nào thịt nướng, tôm lăn bột, gỏi ngó sen, súp măng tây… món nào cũng công phu và hấp dẫn.
Ngồi vào bàn ăn Tiến ân cần giới thiệu cha mẹ với bạn, đến lượt cô em gái, anh nói ngắn gọn cho xong:
-         Em tôi, Ngọc Ngà.
Hiếu mỉm cười với cô gái:
-         Hân hạnh biết cô, hôm nay tôi mới biết Tiến có em gái.
Tiến nói nửa đùa nửa thật:
     - Vì chẳng có gì để nói về nó cả, tính tình ngang ngược,  khó ưa.
Nhưng Hiếu vẫn bắt chuyện với cô em khó ưa của bạn:
   -  Tôi được tham dự một bữa cơm ngon thế này chắc là có công không ít của cô đấy nhỉ?
Ngọc Ngà hồn nhiên đáp:
-         Em không nấu nướng bất cứ món gì, tất cả mẹ em làm đấy.
Bà Bông đỡ lời cho con:
- Hôm nay em nó bận học bài…
Bà Bông nói xong nhìn con gái chưa kịp ra tín hiệu “nhắn gởi” điều gì thì cô đã nhanh nhẩu:
-         Nhưng dù không bận thì em cũng không chạm tay vào bếp đâu, mẹ em từng nói là em đụng đâu hư đó, mẹ không khiến, thà để mẹ làm một mình còn hơn. Ngay cả rửa bát, quét nhà em cũng chưa hề biết đến bao giờ …
    Bà Bông “đau khổ” nhìn con gái chết lặng vài giây rồi vội vàng kêu lên để ngăn chận cô con gái không qúa đà nói tiếp và hi vọng dư âm câu nói của con gái mau tan biến trong lòng mọi người:
-         Ơ kìa, các con ăn đi cho nóng. Bún thịt nướng có rau thơm tươi mới hái ngoài vườn.
Hiếm hoi được dịp Ngọc Ngà ngồi vào bàn ăn cơm chung với mọi người như ngày hôm nay nên bà Bông vui vẻ gợi chuyện:
- Cháu Hiếu về Texas thấy lạ không? Nơi đây nóng chắc không mát mẻ và êm đẹp bằng Seattle nhỉ?
Hiếu lễ phép đáp:
-         Cháu đã đi nhiều nơi, nhưng lần đầu tiên mới đến Texas , ở nơi đâu cũng có vẻ đẹp của nó bác ạ, khó lòng mà so sánh.
Bà Bông càng hài lòng vì sự tế nhị khôn khéo ấy, thanh niên con trai mà ăn nói đâu ra đấy, so sánh với con gái bà  một trời một vực, thì bà càng chẳng dám hi vọng gì con gái sẽ “cảm” được anh Hiếu, chưa gì nó đã khai huỵch toẹt ra là chẳng biết nấu ăn thì còn anh nào để ý tới, để mà cưới về một con vợ đỏang?
Tiến bàn:
-         Dự báo thời tiết suốt tuần này nóng lên tới gần trăm độ, con tính rủ Hiếu đi biển chơi vài ngày cho mát.
Tiến vừa dứt lời thì Ngọc Ngà mừng rỡ reo lên:
-         Phải đấy anh Tiến, cho em đi với.
Cô quay sang nhìn Hiếu:
-         Anh có thích bơi không? Chúng ta sẽ bơi đua nhé?
-         Thật tuyệt vời, đây là sở thích và sở trường của tôi.
Bà Bông thất vọng khẽ thì thầm với chồng:
-         Nó chẳng đợi ai mời tự ý xin đi chung, thế có vô duyên không?
Ông mỉm cười dễ dãi:
-         Thích thì nói ra, ai lạc hậu cổ kính như bà. Anh Tiến nó chứ ai xa lạ mà phải kiểu cách.
-         Nhưng còn anh Hiếu, kẻo người ta lại hiểu lầm, đánh thấp gía trị của nó.
-         Tôi thấy anh Hiếu tỏ vẻ vui mừng vì có nó đi cùng, bà cứ để con nó tự nhiên , biết đâu thế mà hay.
Hôm sau ba người sửa soạn đi biển, Ngọc Ngà chọn quần áo, và những đồ dùng cần thiết khi đi tắm biển. Bà Bông ngồi nhìn con lựa quần áo mà thở dài:
-         Mẹ ước gì con thích mặc chiếc áo dài hay áo bà ba của  Việt Nam   thì sẽ dịu dàng biết mấy!
-         Mẹ ước mơ không đúng lúc tí nào cả, con đi tắm biển chứ có đi biểu diễn thời trang đâu mà mặc quốc phục Việt Nam của mẹ?
Bà ngao ngán nhìn nó tay xách nách mang những túi đồ. Ra đến sân, Ngọc Ngà đứng từ xa thẩy từng túi đồ vào một góc của trunk xe đang mở sẵn, thật chính xác, chắc nhờ ngày nào đi học về cũng quăng cặp sách lên bàn nên quen tay rồi?  nhanh nhẹn và tháo vát không thua gì bọn con trai, đến nỗi anh Hiếu muốn phụ giúp cũng không kịp.
Người đâu mà khờ thế, không biết làm duyên, ra vẻ chân yếu tay mềm nũng nịu với người khác phái để được chiều, được cưng. Ngày xưa chuyện lớn chuyện nhỏ gì bà cũng thủ thỉ nhờ vả  anh Bông khi ấy đang quen bà, anh đã sung sướng làm ngay.
Ngày xưa bà cũng bằng tuổi con gái bây giờ mà đã biết làm điệu cho mấy thằng bạn học cùng lớp ngẩn ngơ, có một thằng bạn cùng lớp yêu bà, chuyện tình học trò chẳng đi tới đâu, bà đã để lại một vết thương lòng êm ái cho nó khi bà đi lấy chồng. Ông Bông, anh lính Hải Quân đẹp trai ngày đó đầy kinh nghiệm biển khơi mà vẫn “chết chìm” trong sóng mắt cô em gái hậu phương người dưng khác họ.
Trên đường tới biển Corpus Christi , Tiến ghé vào San Antonio , để cho Hiếu thăm khu du lịch River Walk. Giữa lúc trời nắng nóng, ghé vào đây, đi dạo bên bờ sông mát rượi dưới bóng cây cao thật là thú vị. Nghe nói người thiết kế khu du lịch này là một người Châu Á, nên nơi đây có trồng nhiều cây nhiệt đới như chuối, dừa, tre trúc, hoa dâm bụt, hoa Cúc v..v. Đã đến đây vài lần cùng với gia đình nên Ngọc Ngà hầu như quen thuộc, cô đi dọc theo bờ sông, chân bưóc bên cạnh những cây Wandering Jew, lá cây và thân cây màu tim tím bò lan man với những ngọn vươn lên ngoe nguẩy  trên mặt đất, Ngọc Ngà thích cây này chỉ vì cái tên lạ lùng “Wandering Jew” của nó, có nghĩa là “Người Do Thái Lang Thang”.
Hiếu theo sau luôn nhắc nhở:
-         Cẩn thận nhé Ngọc Ngà, coi chừng ngã xuống sông.
Cô nghênh mặt nhìn anh::
-         Có khi chính anh sẽ là người ngã xuống sông và em phải nhảy xuống cứu anh đấy.
-         Ngoc Ngà quên là anh cũng biết bơi à?
Đi dạo mỏi chân, họ ghé vào một tiệm giải khát, chọn bàn ngồi bên ngoài, nhìn kẻ qua người lại và những chuyến canoe chở  đầy du khách trên sông., trước khi tiếp tục cuộc hành trình đến biển.
Đến Corpus Christi khỏang 4 giờ chiều, việc đầu tiên là thuê khách sạn, để được cất hành lý và nằm thẳng cẳng, thư giãn trên nệm trong căn phòng mát lạnh, nghỉ ngơi cho lại sức sau mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe, mới ra tắm biển. Khách sạn nằm gần biển chỉ vài phút đi bộ nên rất thuận tiện..
Biển mùa hè trong xanh, những đợt sóng ào ạt xô lên bờ rồi chạy lùi lại, tan biến đi vào biển khơi. Ngọc Ngà bơi ra xa và thỏa thích ngụp lặn theo từng con sóng, thỉnh thỏang những con sứa biển trôi dạt đụng vào người, cô cầm và ném chúng xa hơn như một trò chơi mà không biết chán.
Ngọc Ngà đã bơi đua cùng với anh Tiến, anh Hiếu. hai anh lịch sự cho cô thắng, cô biết thế vì cô thấy sức bơi của Hiếu gần như một người chuyên nghiệp, sở trường của anh ấy mà. Thế mà cô háo thắng cứ tưởng sẽ hạ anh dễ dàng.
Khi hòang hôn xuống, biển thưa người và sóng đánh mạnh hơn, ào ạt hơn, thì cả ba cũng thấm mệt, trở về khách sạn tắm rửa rồi đi ăn tối.
Hai ngày ở Corpus Christi , sáng tắm, chiều tắm, hay đi dạo trên phố biển về đêm, những cuộc vui thường ngắn ngủi. Ngày mai họ sẽ trở về nhà.
Chẳng hiểu sao hai đêm trước Ngọc Ngà đều ngủ ngon, mà đêm nay cô lại khó ngủ? cô sẽ về nhà, không còn những giây phút vui chơi với biển hay với anh Hiếu?
Cô thiếp đi được một giấc ngắn và tỉnh dậy, hình như cô đang hồi hộp tiếc từng giờ, từng phút đang trôi qua,  phải rời khỏi nơi đây? Ngọc Ngà trở dậy, thay quần áo, soi gương thấy gương mặt mình không giống thường ngày, không là một con bé bướng bỉnh gan dạ nữa,  cô cũng yếu lòng và đa cảm qúa chừng.
Cô bước ra ngoài, cửa phòng anh Tiến và anh Hiếu vẫn  đóng, chắc họ đang còn ngủ say như hai ngày qua sau những lần tắm biển vui và mệt nhoài?
Cô lang thang ra biển một mình, lang thang như lòai cây “Người Do Thái Lang Thang” mà cô đã yêu thích. Buổi sáng tinh mơ, phố phường còn tiếc rẻ giấc nồng say, chưa buồn tỉnh dậy, những ngôi nhà còn im khung cửa sổ, cô đi qua những con đường vắng, hai bên hàng cây cọ vươn cao, lá xòe đón ngọn gío trong lành từ biển thổi về, dưới bước chân cô, vạt cỏ ngậm hơi sương ướt lạnh., mà lát nữa đây khi nắng lên sương sẽ tan. Thật mong manh, tội nghiệp!
Bây giờ thì cô đang đứng trước biển, biển không người mới hoang sơ làm sao. Mặt trời ửng đỏ, soi trên mặt biển lấp lánh theo sóng nước một màu cũng ửng đỏ như thế, đẹp như bức tranh vẽ. Một con tàu đang lênh đênh ngoài khơi, chắc đang chuẩn bị cho một chuyến hải hành?
Cô đi chậm rãi trên bờ cát mịn, suốt đêm qua biển không người, biết bao nhiêu  đợt sóng đã tràn qua đây, vuốt ve bãi cát cho đến khi mịn màng phẳng lặng. Những cuộc vui hôm qua đâu? những người vui hôm qua đâu? Những dấu chân và tiếng cười, tiếng nói đã về  đâu?
-         Ngọc Ngà…
Tiếng gọi làm cô giật mình trở về thực tế, anh Hiếu đang đi tới, giọng anh lộ rõ niềm vui:
-         Thật bất ngờ khi gặp em ở đây.
Cô bỗng bối rối:
-         Anh cũng thích ngắm biển vào buổi sáng à?
Giọng anh êm đềm như sóng biển đang rì rào kia
-         Cả đêm qua anh không ngủ được, nên muốn dậy sớm ra biển dạo quanh vài vòng, vì chốc nữa chúng ta tạm biệt biển rồi. Tự nhiên anh thấy tiếc…
Tí nữa thì cô buộc miệng kêu lên :” Em cũng thế”, nhưng cô đã kịp nói khác đi:
-         Biển buổi sáng đẹp lắm phải không anh?
Cô chợt nhớ lời mẹ dặn, phải suy nghĩ trước khi nói, lần đầu tiên cô thấy mẹ thật là khôn khéo, thật là tuyệt vời.
-         Đẹp đấy, nhưng sẽ buồn vì ngày vui qua mau.
-         Vậy thì mùa hè sang năm anh lại nghỉ hè về đây với anh Tiến em và đi tắm biển nữa.
Anh Hiếu chợt dừng chân, nhìn cô và hỏi:
-         Nhưng anh về, em có đi chơi biển với anh nữa không?
Cô đáp lí nhí, vẻ ăn to nói lớn ngày thường biến đâu rồi:
-         Có chứ ạ.
Cả hai lại tiếp tục đi dạo trên bờ biển, sóng nhè nhẹ chỉ vừa đủ làm ướt chân người đi bên cạnh biển. Những tia nắng mỗi lúc một rạng rỡ hơn, trời sáng hơn và người ta lác đác ra biển, không phải để tắm mà cũng để đi dạo hay ngắm biển lúc bình minh.
Anh Tiến đã dậy và ra biển tìm hai người, anh hỏi Hiếu:
-         Cô em tôi lại rủ bạn ra đây để chạy đua có phải không?
Anh định la cô em gái nếu Hiếu không đáp ngay:
-         Không, chỉ là tình cờ cả hai cùng dậy sớm ra biển và gặp nhau. Nhờ thế mới biết biển tinh mơ đẹp làm sao.
Anh Tiến nói:
-         Mình về khách sạn thay đồ đi ăn sáng, dạo chơi quanh quẩn phố xá rồi trả khách sạn trước 12 giờ trưa để về nhà.
Ngọc Ngà bâng khuâng nói thì thầm với chính mình:
- Thế là chiều nay biển này sẽ vắng chúng ta. Xin chào biển nhé.
                                                ***********
Anh Hiếu chỉ còn ở lại Texas hai ngày, là hai ngày Ngọc Ngà khép nép dịu dàng hẳn ra, cô không nói năng tùm lum, không dám ngồi vắt chân lên bàn, kiên nhẫn đợi ăn cơm cùng với cả nhà dù đi học về là bụng đói meo, chỉ muốn ăn ngay. Cái màn tung chiếc túi cặp xách bay vèo lên bàn không còn nữa, cô cẩn thận và nhẹ nhàng để túi cặp vào một góc kệ.
Bà Bông nhận ra điều ấy ngay, không ngờ chỉ một chuyến đi chơi biển đối với bà đầy bất trắc lo âu, mà lại có kết qủa ngược đời như thế. Thay vì mấy ngày gần gũi anh Hiếu kia sẽ chán cô con gái “vô duyên”của bà thì anh lại mến cô, và cô thì thay tính đổi nết như có chiếc đũa thần nào đó vừa hóa phép màu. Trong khi bấy lâu nay bà cố công giảng giải, thuyết phục chẳng thấm thía vào đâu.
Bà Bông hí hửng khoe với chồng:
- Hình như hai chúng nó, anh Hiếu và con Ngọc Ngà mến nhau rồi, nó chẳng cần phải dùng đến “bí quyết” của tôi ngày xưa là nũng nịu, đong đưa, và làm tình làm tội bạn trai . Thế mà vẫn “câu” được anh Hiếu. Thế mới lạ !
Ông Bông thản nhiên bảo bà:
-         Chẳng có gì là ngạc nhiên cả, tôi đã nói bà rồi, cứ để cho Ngọc Ngà tự nhiên, không cần phải sửa tính sửa nết, tình cảm nếu có cũng tự nhiên mà đến, thế mới là từ đáy lòng. Tôi mặc dù ngày ấy bị vô tròng của bà, nhưng cũng may cho bà là tôi yêu bà thật tình. Thật là trầy da tróc vẩy tôi mới lấy được bà.
Bà tự hào :
-         Vậy là ông có phước lắm đó. Kiếp sau tìm gặp tôi nữa nhé.
-  Một kiếp đã đủ lắm rồi, kiếp sau xin bà tha cho tôi đi tìm một tình yêu khác để thay đổi không khí. Thôi trở lại chuyện anh Hiếu mến con gái mình, biết đâu cũng vì tính nết vô tư, thẳng thắn của nó, và nó cũng mến anh ấy đấy. Bà trông nó bây giờ như một thiếu nữ rồi nhé, có hơi hướm tình yêu có khác, biết e lệ, bối rối, không xồng xộc như thằng con trai trong lo âu tưởng tượng của bà đâu.
Bà Bông nhẹ nhỏm cả lòng, cô con gái ngang tàng của bà bỗng  trở nên thùy mị, ngoan ngoãn. Bây giờ Texas đang  giữa mùa hè nắng lửa, nhưng bà Bông thấy nắng dịu dàng làm sao, dịu dàng như con gái của bà.
 
                              Nguyễn Thị Thanh Dương.